Một chủng sinh trẻ tuổi Trung Quốc kể chứng tá với Tổ chức trợ giúp Giáo hội lâm cơn khốn khó (AED)
ROMA - Chúng tôi công bố cuộc nói chuyện của một chủng sinh Trung Quốc với Tổ chức trợ giúp Giáo hội lâm cơn khốn khó (AED)
Chủng sinh này muốn làm linh mục. Phaolô đã gần ba mươi tuổi và vừa hoàn thành việc học ở chủng viện. Là người có quốc tịch Trung Quốc, Phaolô lớn lên trong một ngôi làng nhỏ của một tỉnh phía tây nước này. Sau khi tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Madrid với một thanh niên khác trong khu vực của mình, Phaolô đến Pháp. Trong khi Phaolô đang trên đường tới Tây Ban Nha, chính quyền Trung Quốc đã đến gia đình Phaolô để hỏi anh hiện đang ở đâu. Họ đã cố gắng ngăn cản Phaolô đến châu Âu.
Cuộc trò chuyện
Ơn gọi của bạn phát sinh thế nào?
Ơn gọi của tôi phát sinh nhờ ông nội tôi. Ông rất gần gũi với các nhà thừa sai Pháp trước đây. Năm 1953, các nhà thừa sai đã bị trục xuất khỏi Trung Quốc. Tất cả các người Công giáo đã bị ngược đãi. Ông tôi đã bị đi lưu đày trong 30 năm. Đầu thập niên 1980, nhờ ông Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc mở cửa trở lại và ông tôi trở về quê hương. Ông đã nói với chúng tôi về đức tin của mình với niềm đam mê lớn. Ông đã tiếp tục công việc của các nhà truyền giáo, ông đã xây dựng các nhà thờ trong khu vực. Tôi học được rất nhiều từ ông. Vào cuối bậc trung học, tôi gia nhập chủng viện, và tôi ở đó ba năm. Sau đó tôi gia nhập chủng viện của Giáo hội chính thức của Trung Quốc. Hiện nay, Giám mục của tôi là thành phần của Hội Công giáo yêu nước của Trung Quốc (thuộc Đảng Cộng sản) ... Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra sau đó.
Có thể được truyền chức Linh mục nơi khác không?
Tôi đã nghĩ về việc này. Tôi muốn làm linh mục cho Chúa Giêsu, nhưng tôi tin rằng Chúa Giêsu muốn tôi ở bên đó. Tôi muốn trở về quê tôi. Có nhiều người Công Giáo ở đó. Nhưng chúng tôi không có linh mục trong 60 năm qua! Khi người ta chết, không có linh mục cử hành thánh lễ an táng cho họ. Chúng tôi không thể nhận lãnh các bí tích. Những người trẻ tuổi cần được hỗ trợ tinh thần. Người dân ở làng tôi chờ đợi tôi từ lâu. Nếu tôi không trở về, điều này có thể làm họ thất vọng.
Làm thế nào có thể thông chuyển đức tin trong thời gian dài như thế, mà không có bí tích?
Trong những năm 1950, quân đội không cho phép người ta đọc kinh cầu nguyện. Tất cả các nhà thờ đã bị phá hủy. Các tòa nhà khác được sử dụng như các địa điểm sinh hoạt cộng đồng. Trong gia đình, bạn không thể trưng các ảnh tượng tôn giáo hay treo thánh giá. Bạn không có thể có tên thánh để gọi. Cha mẹ tôi đã sống trong thời kỳ này. Họ thức dậy ban đêm để đọc kinh cầu nguyện, trong khi những người khác ngủ. Mặc dù có các trở ngại này, họ vẫn giữ vững đức tin.
Thỉnh thoảng có linh mục đến giúp không?
Các ngày chủ nhật, khi cả làng không có nhà thờ, tất cả các gia đình tụ họp trong một căn nhà rộng. Thỉnh thoảng mới thấy một linh mục cao niên. Ngài đã ngồi tù 20 năm, chỉ vì ngài đã là một chủng sinh. Ngài chỉ được truyền chức linh mục sau khi ra tù. Ngài giúp chúng tôi duy trì đức tin. Khi tôi còn nhỏ, người ta chỉ gặp ngài cứ hai năm hoặc ba năm một lần. Năm 2004 tôi có dịp đến thăm các làng với một linh mục Công giáo khác: tôi gặp những người Công giáo đã không thấy một linh mục trong suốt 20 năm!. Ở bên đó, người ta khát mong học hỏi và khám phá đức tin lắm.
Tình hình chính trị hiện nay ở Trung Quốc không làm bạn thất vọng sao?
Cơ may làm linh mục của tôi là rất nhỏ bé. Do tình hình đặc biệt của khu vực tôi sống, việc truyền chức xem ra là xa vời ... Mỗi lần tôi bị cám dỗ từ bỏ ơn gọi của mình, tôi nghĩ ngay đến những người mà tôi bỏ lại ở đó. Gia đình tôi ủng hộ tôi và cầu nguyện cho tôi. Toàn cả làng cũng vậy. Điều này mang lại cho tôi lòng can đảm. Nếu tôi không thể trở thành linh mục được, tôi muốn vẫn là một chứng nhân của Chúa Kitô, vì
người khác.
Bạn cảm nhận ra sao về Đại hội Giới Trẻ Thế giới vừa qua?
Thật không thể tin được. Trong làng tôi, một số người tự hỏi liệu có người Công giáo ở nơi khác không. Bây giờ tôi có thể kể cho họ biết, và khẳng định với họ rằng chúng ta không là nhóm Công giáo duy nhất đâu!
(Zenit.org 16-9-2011)