§3 - CHÚA LÀ ĐẤNG CHỮA LÀNH
Đức Giêsu là Đấng Chữa Lành. Ngài có "cách" chữa lành, được thấy trong Phúc Âm. Mỗi việc chữa lành Đức Giêsu làm đều gắn liền với một bài học. Ngài không chỉ chữa lành rồi bỏ đi. Ngài dùng từng cơ hội để dạy các môn đệ.
Khi tôi tiếp xúc với Đức Giêsu trong sự cầu nguyện, Ngài bắt đầu dạy tôi càng ngày càng nhiều về sứ vụ chữa lành. Ngài giúp tôi trở nên dễ dàng hơn để Ngài làm việc qua tôi.
Khi mới bắt đầu sứ vụ chữa lành, có nhiều điều tôi không hiểu. Một trong những câu người ta thường hỏi tôi - và tôi cũng tự hỏi mình - là, "Nếu chị cầu nguyện cho họ mà không khỏi, hoặc Chúa trả lời chị bằng cách Chúa cất họ về thì sao? Sơ an ủi những người thân yêu của người chết như thế nào khi họ đã quá tin tưởng và cầu xin để được khỏi bệnh?"
Chính qua kinh nghiệm sẽ được kể sau đây mà tôi học được ý nghĩa của sự chữa lành. Ngày nay, tôi dùng định nghĩa này để trả lời khi người ta hỏi tôi sứ vụ chữa lành là gì.
o0o
Vâng Theo Ý Chúa
Vài năm trước đây, một người cha của đứa bé gái chín tuổi đến gặp tôi. Ông ta thật tuyệt vọng. Đó là đứa con duy nhất của họ và đang chờ chết vì ung thư xương. Ông nghe biết tôi là công cụ của Thiên Chúa để chữa bệnh cho những người bị ung thư xương, nhất là trẻ em.
Trong sự tuyệt vọng, ông nói, "Tôi đã thử mọi cách nhưng cháu vẫn không khỏi, ngay cả cầu xin Chúa Giêsu và Ngài cũng không chữa, bây giờ tùy ở sơ."
Tôi trả lời, "Nếu ông quên rằng tôi làm việc cho Chúa Giêsu vì tôi chỉ là một công cụ của Ngài thì chắc ông sẽ thất vọng một lần nữa."
Tôi đến bệnh viện với ông, hy vọng rằng ít nhất tôi cũng có thể an ủi ông. Tại bệnh viện, em bé gái đang nằm ở đó, đau đớn và chờ chết. Khi tôi quì gối và cầm lấy tay em thì qua cánh tay nhỏ bé này tôi cảm thấy như em muốn nói với tôi, "Em không cần khỏi bệnh, nhưng cha em muốn em lành bệnh. Em rất vui để ra đi."
Tôi quyết định phải nói chuyện với cha em, vì ông cố áp lực tôi để tôi phải nói là con ông khỏi bệnh. Đó là điều ông muốn nghe. Nếu Sơ Briege nói như thế sẽ khiến ông thấy sung sướng.
Khi quì bên giường em, tôi rất muốn để có thể nói rằng, "Em sẽ được khỏi như ông muốn." Nhưng như vậy là tôi đã chiếm chỗ của Thiên Chúa. Tôi đã tự đặt mình vào vị trí để tình cảm nói thay cho tôi. Tình cảm thì tốt, nhưng nó không thể đóng vai trò tiếng nói của Thiên Chúa.
Tôi ra khỏi phòng bệnh và đến phòng đợi để nói chuyện với cha mẹ của em. Tôi cầm lấy tay họ và nói, "Tôi rất muốn để nói với ông bà rằng em Mary sẽ khỏi bệnh như ông bà mong muốn, nhưng tôi không biết em sẽ được chữa lành như thế nào. Tôi biết chắc rằng Đức Giêsu sẽ không làm ông bà thất vọng vì Ngài yêu ông bà và Ngài yêu em Mary hơn bất cứ ai. Ngài sẽ ban cho ông bà sự can đảm cần thiết và Ngài sẽ chữa em Mary trong phương cách mà Ngài biết là tốt nhất."
Vào lúc tôi nói với họ những điều này, họ không thể chấp nhận được. Họ thật bực mình. Khi tôi rời bệnh viện, tôi rất muốn chữa cho em khỏi bệnh, nhưng biết rằng tôi không thể. Khi nhận thức rằng bạn không thể làm điều mà bạn muốn làm, cho thấy bạn chỉ là một công cụ, và bạn không có quyền gì trên những việc Thiên Chúa làm.
Người ta thường hành động như thể bạn có thể điều khiển Thiên Chúa làm công việc bạn muốn Ngài làm. Nếu bạn tin đủ, hay xin những điều chính đáng hay nếu bạn có lòng tin mạnh mẽ, thì Chúa sẽ phải làm theo ý bạn. Nhưng qua cảm nghiệm này, Thiên Chúa dạy tôi rằng Ngài không muốn thay đổi để chiều chúng ta. Trong tiến trình cầu nguyện và qua sự cầu nguyện chúng ta phải thay đổi để theo ý Chúa.
Khi nhận thức được điều này, chúng ta sẽ có thể chấp nhận được những khó khăn vì Thiên Chúa sẽ ban sức mạnh, ơn sủng, và hướng đi. Ngài cho chúng ta thấy thánh ý của Ngài một cách rõ ràng hơn.
Khoảng ba ngày sau khi tôi rời bệnh viện, cha mẹ của em Mary điện thoại cho tôi báo rằng em đã chết. Ngay lập tức, tôi nghĩ, "Mình phải đến thăm họ. Chắc họ đau khổ lắm."
Tôi không thể nào quên được hình ảnh một em bé gái nằm trong quan tài tại nhà quàn và cha mẹ đứng chung quanh. Người cha đến ôm lấy tôi và nói, "Tôi muốn cám ơn sơ." Ông quay lại, giang tay về phía con gái ông, rồi nói, "Sơ biết, bây giờ tôi ý thức được rằng chữa lành không có nghĩa được theo ý mình, nhưng được sức mạnh và ơn sủng để xin vâng theo ý Chúa. Bây giờ tôi nhận thức được rằng cháu Mary không phải là của tôi. Cháu được ban cho tôi để tôi nuôi nấng, yêu thương, chăm sóc, nhưng cháu thuộc về Chúa - và tôi là ai để bắt Chúa phải làm điều này điều nọ?"
"Nhưng," ông nói, "Tôi muốn kể cho sơ nghe rằng hai ngày trước đây tôi không thể chấp nhận điều này được. Một giờ trước khi cháu chết, tôi cũng không thể chấp nhận được. Bây giờ tôi hiểu rằng Thiên Chúa không ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta đương đầu với một điều gì đó sẽ xảy ra hai tuần sau hay một tháng sau. Ngài ban cho chúng ta sức mạnh vào lúc chúng ta cần. Tôi muốn cám ơn sơ. Cháu Mary đã được chữa lành và được đem lên trời, nhưng tôi, là cha của cháu, còn sống đây để nói lên sự mỹ miều của sức mạnh nơi Thiên Chúa và xác nhận rằng Ngài đã nhận lời tôi cầu xin."
Điều ông nói là tất cả ý nghĩa của việc chữa lành. Chữa lành là xin vâng ý Chúa. Là con cái Thiên Chúa, khi chúng ta có thể vâng lời Ngài, Ngài sẽ không để chúng ta phải đau khổ bao giờ. Thiên Chúa không bao giờ làm bất cứ gì để chúng ta đau khổ trong cuộc đời, bởi vì Ngài là Thiên Chúa của tình yêu. Chính vì chúng ta cưỡng lại, chúng ta thoái thác và từ chối Ngài đã khiến chúng ta đau khổ.
Tôi thấy nhiệm vụ của tôi trong sứ vụ chữa lành là để giúp người ta thuộc mọi thành phần xã hội xin vâng theo ý Chúa, cũng như tôi phải vâng lời Thiên Chúa trong đời sống của chính tôi.
Hãy xem một vài câu chuyện trong Phúc Âm để thấy cách Đức Giêsu chữa lành trong khi Ngài rao giảng dưới thế, và cách dân chúng phản ứng với Đức Giêsu khi Ngài chữa họ. Sự suy tư này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách Ngài chữa lành ngày nay. Ngài là Thiên Chúa hôm nay cũng như hôm qua, và chúng ta cũng không khác với dân chúng sống trong thời Tân Ước.
o0o
Người Bất Toại
Đức Giêsu đang nói chuyện trong một căn nhà đầy người. Có quá nhiều người, họ tràn ra cả ngoài sân. Họ đến để nghe Đức Giêsu, người nổi tiếng là bậc thầy chữa bệnh.
Trong số đó, có mấy người có một người bạn bị bất toại. Dĩ nhiên, như bất cứ người bạn tốt nào, khi nghe biết có người chữa được bệnh bất toại, họ quyết định phải đem bạn mình đến với Đức Giêsu. Vì bệnh nhân không thể đi được, họ cáng ông. Nếu bạn thật sự yêu quí ai, bạn phải đem họ đến với Đức Giêsu.
Khi họ đến đó, Phúc Âm kể cho chúng ta biết, vì có quá đông người nên họ không thể vào trong được. Nhưng họ kiên trì. Họ leo lên mái nhà, dỡ vài miếng ngói ra và đặt bạn mình xuống đất trước mặt Đức Giêsu.
Đức Giêsu thấy người này bất toại. Ngài có thể thấy đôi chân tê liệt kia chứ, vì đó chính là lý do tại sao các bạn ông cáng ông đến. Họ không đem ông đến vì bất cứ lý do nào khác hơn là muốn đôi chân tê liệt kia được lành lặn.
Nhưng khi Đức Giêsu nhìn ông, Ngài không chỉ nhìn đôi chân tê liệt. Ngài nhìn vào điều quang trọng nhất. Cái bệnh bất toại lớn nhất chính là bệnh bất toại của linh hồn, phát sinh bởi tội lỗi. Đức Giêsu nhìn đến linh hồn ông và nói, "Tội con đã được tha."
Dân chúng bắt đầu xì xèo và nói, "Quyền gì mà ông này tha tội?" và "Ông là ai mà nói như thế?"
Suy niệm đoạn Phúc Âm vừa kể, Thiên Chúa dạy tôi nhu cầu cần sắp xếp và đặt ưu tiên trong đời sống chúng ta. Điều gì quan trọng hơn: lành lặn phần xác hay lành lặn tinh thần?
Đối với chúng ta, thật quan trọng hơn nhiều để tìm kiếm sự chữa lành phần hồn. Bạn biết đó, hàng triệu mỹ kim đã được dùng để nghiên cứu việc chữa trị bệnh tật. Tuy nhiên, dường như chúng ta không có đủ nghị lực để tiêu trừ tội lỗi đã tạo nên bệnh hoạn cho linh hồn.
Nhiều người đến với tôi để được chữa lành phần xác và họ không muốn lành lặn tinh thần. Một lần có ông kia điện thoại cho tôi nói rằng chân ông rất đau. Tôi trả lời, "Tôi sẽ cầu nguyện cho ông để ông được chữa lành phần xác cũng như phần hồn."
Ông nói, "Ô, không, như thế đủ rồi. Đừng bận tâm đến việc lành lặn phần hồn. Chỉ có cái chân tôi cần chữa lành thôi."
Tôi nói với ông, "Để lên thiên đàng ông không cần có chân, nhưng chắc chắn là ông cần có một linh hồn lành mạnh."
Người ta thường không ý thức về sự lành lặn tinh thần. Điều này cho thấy sự nguy hiểm cho những người thi hành sứ vụ chữa lành. Chúng ta có thể quá bận rộn và quá phấn khởi với sự lành lặn phần xác mà đúng ra nó phải là dấu hiệu dẫn đến sự lành lặn phần hồn và sự liên hệ mật thiết hơn với Đức Giêsu.
Một lần, khi tôi đang dạy học, có một người đàn ông đến lớp tôi. Ông nói với tôi, "Sơ ơi, vợ tôi lúc nào cũng xúi tôi phải đến gặp Sơ Briege để xin sơ cầu nguyện với tôi vì sơ có ơn chữa lành, và sơ có thể giúp tôi. Nhưng, Sơ Briege à, tôi không tin ở sơ. Tôi nói với vợ tôi là, 'Tôi không thật sự tin rằng Sơ Briege có ơn chữa lành. Tôi nghĩ sơ chỉ xạo thôi. Tôi không tin ở sơ chút nào.'"
Vợ ông ta nói, "Dù sao đi nữa cứ đi đi. Sơ ấy sẽ giúp anh."
Ông lập lại rằng ông không tin ở tôi.
Tôi nghĩ, ông này thật can đảm để nói lên một cách thành thật. Tôi nói với ông, "Ông không phải tin vào tôi. Trong Phúc Âm đâu có viết là phải tin vào Sơ Briege McKenna. Nhưng ông có tin vào Đức Giêsu không?"
Ông có vẻ kinh ngạc và nói, "Dĩ nhiên, tôi tin Đức Giêsu."
"Đó là tất cả những gì ông cần. Tôi có thể cầu nguyện với ông. Ông không phải tin vào tôi, nhưng hãy tin rằng Đức Giêsu có thể chữa ông."
Rồi tôi hỏi ông, "Ông muốn được chữa lành cái gì?"
Ông ta trả lời, "Đó là một chuyện khác nữa. Tôi nói với vợ tôi rằng thật kỳ cục để xin một nữ tu cầu nguyện dùm. Nhưng tôi phải làm việc ngoài trời và ở Florida trời rất nóng để làm việc ở ngoài. Tôi rất muốn uống bia để cho mát người. Tôi thích uống bia nhưng bị bệnh đau bao tử. Tôi muốn sơ cầu nguyện để tôi có thể uống một hai loong bia cho bớt nóng."
Tôi nhớ là khi nghe ông nói thế, tôi thầm nghĩ, "Thật là một loại nhu cầu bệnh hoạn! Nhưng đối với ông ta nó rất quan trọng."
Vì thế tôi cầu nguyện với ông và trong khi cầu nguyện bỗng dưng tôi thấy khôi hài, tôi nghĩ, "Mình đã từng cầu xin cho nhiều người nghiện rượu được chừa rượu mà bây giờ lại cầu nguyện cho ông này có thể uống rượu!"
Tôi thấy rằng, trong khi cầu nguyện, ông đã bị đánh động cách nào đó. Về sau, tôi được biết từ bà vợ và từ chính ông rằng ông có vấn đề luân lý rất trầm trọng, dù rằng ông không nói cho tôi biết điều đó. Nhu cầu thật sự ông cần cho đời sống thì quan trọng hơn việc xin được uống bia.
Ông đã hoàn toàn trở lại với Chúa và được chữa lành phần tinh thần. Ông trở nên một người rất tín thác vào Chúa. Cũng như Đức Giêsu đã làm cho người bất toại, Ngài đã chữa ông này cả phần xác cũng như phần hồn.
Trong chính việc chữa lành của tôi, tôi đến với Chúa để tìm kiếm sự trợ giúp phần tinh thần vì đó là điều tôi thật sự mong muốn. Chân tôi, giống như người bất toại, đã bị biến dạng, nhưng chính linh hồn là điều mà tôi quan tâm nhất. Và Thiên Chúa cũng đã dạy tôi một bài học thật hay. Bạn không phải tách biệt tinh thần với thể xác.
Tôi không xin được chữa lành phần xác vì tôi nghĩ linh hồn quan trọng hơn nhiều. Thiên Chúa cho thấy tôi có thể xin Ngài bất cứ gì. Tôi cũng học được rằng nhiều bệnh hoạn của chúng ta có thể bắt nguồn từ sự bệnh hoạn tinh thần.
o0o
Người Đầy Tớ của Vị Bách Quản (Mt 8:5-13)
Một vị bách quản đến với Đức Giêsu để xin cho người đầy tớ được lành bệnh. Đức Giêsu nói, "Được, tôi sẽ đến ngay." Ngay lúc đó, viên sĩ quan nói, "Ồ, không. Thầy không phải đến. Tôi không xứng đáng để đón rước Thầy vào nhà tôi. Thầy chỉ cần ra lệnh và tôi tin là đầy tớ tôi sẽ lành bệnh."
Tôi thấy có hai bài học ở đoạn này. Một là sự chữa lành từ xa. Đôi khi, người ta tin rằng người chữa lành phải ở với bệnh nhân. Họ nói rằng, "Ồ, nếu Sơ Briege đến đây, nếu sơ ấy đặt tay trên người này thì sẽ được lành bệnh." Người ta có thể khiến bạn cảm thấy có lỗi khi bạn không thể đến khắp nơi và không thể cầu nguyện với tất cả mọi người.
Trong câu chuyện vừa kể, viên sĩ quan tin rằng tất cả những gì ông cần làm là xin Đức Giêsu, và Đức Giêsu không bị giới hạn.
Thật vậy, Đức Giêsu không bị ràng buộc ở một nơi. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi và nếu tôi tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, thì tôi phải tin rằng sức mạnh của Ngài không bị hạn chế và không có khoảng cách đối với Ngài.
Điều này đã giúp tôi rất nhiều trong sứ vụ chữa lành. Tôi không phải chạy lòng vòng khắp nơi và đến mọi chỗ có người bệnh. Bằng điện thoại, tôi cầu nguyện với người ta từ đầu thế giới này đến tận thế giới. Tôi không ở với họ, nhưng tôi có thể kết hợp với họ và làm đúng như những gì vị bách quản đã làm với Đức Giêsu. Chúng ta có thể đến trước mặt Chúa bằng tinh thần và sự chữa lành có thể xảy ra.
Vài năm trước, ở Mễ Tây Cơ, tôi đến bệnh viện để cầu nguyện với một linh mục bị ung thư. Linh mục đã quá yếu, tôi chỉ đọc lời nguyện ngắn và rời bệnh viện.
Ngày sau đó, khi tôi đang giúp đỡ một nhóm đông các linh mục, một bà đi vào và nói với chúng tôi. Bà nói, "Tôi vừa nhận được điện thoại ở nhà thương nói rằng cha đó sắp chết."
Khi bà ấy cho biết tin, ngay lập tức tôi yêu cầu các linh mục cùng nắm tay cầu nguyện. Tôi không nghĩ điều tôi làm là khác thường. Tôi nghĩ thật tự nhiên là chúng ta phải cầu nguyện.
Sáng ngày hôm sau, đoạn Phúc Âm trong ngày là câu chuyện chữa lành của người đầy tớ vị bách quản. Vị linh mục đọc đoạn phúc âm ấy kể cho chúng tôi nghe những gì xảy ra hôm qua khi nghe tin vị linh mục sắp chết. Ngài nói, "Khi bà ấy vào và nói cha đó sắp chết. Tôi nghĩ là Sơ Briege sẽ phải đến nhà thương để giúp ngài."
Vị linh mục cho biết ngay lúc đó, có tiếng bên trong lòng nói với ngài, "Thầy không cần Sơ Briege ở nhà thương, nhưng điều Thầy cần nơi con và nơi Sơ Briege là tin vào quyền năng của Thầy."
Linh mục ấy nói bây giờ ngài hiểu rằng không được giới hạn Đức Giêsu trong Sơ Briege, vì Sơ Briege chỉ là một công cụ. Điều Chúa muốn tôi làm trong lúc đó là chia sẻ với những linh mục ấy. Chỉ vì tôi bị giới hạn thân xác trong một nơi chốn, không có nghĩa tôi cũng phải giới hạn Thiên Chúa.
Một năm sau, tôi nhận được điện thoại từ một linh mục nói rằng, "Sơ Briege ơi, tôi vừa mới đọc một chứng thư thật hay trong tờ báo của Mễ về vị linh mục mà sơ đã cầu nguyện, ngài đã khỏi bệnh hoàn toàn và đã dạy học trở lại."
Ngài đọc bài báo cho tôi nghe, và khi ngài đọc, dường như tôi nghe Thiên Chúa nói, "Hãy nhớ lấy. Vì con tin và vì con tín thác, linh mục này đã được khỏi." Và điều đó giống như làm sống lại câu chuyện của người đầy tớ vị bách quản.
Một lần khác, trong một công tác chữa lành ở Scotland, tôi nói với người ta như tôi thường làm: "Không cần thiết để tôi cầu nguyện cho từng người. Tất cả mọi người chúng ta ở đây đều tin rằng Đức Giêsu sống trong chúng ta. Tất cả chúng ta được mời gọi trở nên máng chuyển tình yêu. Và chính tình yêu của Thiên Chúa ban cho chúng ta sẽ chữa lành chúng ta."
Trong một nghi thức chữa lành tôi mời mọi người hãy cầu nguyện cho những người thân yêu của họ không hiện diện ở đây. "Hãy xin Đức Giêsu đến với họ và chạm đến họ, cũng như người bách quản xin Đức Giêsu chạm đến người đầy tớ."
Một trong những bà có mặt hôm đó có người em gái ở Ái Nhĩ Lan mà người này ngày hôm sau phải vào bệnh viện để cắt bỏ bướu ung thư. Người đàn bà này, trong buổi cầu nguyện chữa lành ở Tô Cách Lan, đã cầu nguyện cho em mình ở Ái Nhĩ Lan. Cùng lúc đó ở Ái Nhĩ Lan, Thiên Chúa bắt đầu chữa lành người em bị ung thư. Ba tuần sau, ở Ái Nhĩ Lan, tôi gặp bà này. Bà nói rằng bà không biết là chị mình ở Tô Cách Lan đã cầu nguyện cho bà, nhưng khi bà vào bệnh viện, cái bướu đã tan biến. Bà đã được chữa lành.
Điều này một lần nữa xác nhận rằng Thiên Chúa có thể chữa lành từ xa, và chúng ta không được giới hạn Ngài.
Một câu chuyện khác cũng ở đoạn Phúc Âm của Mát-thêu chương 8: sức mạnh của sự cầu bầu.
Viên bách quản này làm gì? Ông đến trước mặt Chúa Giêsu và ngỏ lời thỉnh cầu thay cho người đầy tớ của ông. Ông xin Đức Giêsu chữa lành cho hắn. Đây là một thí dụ thật hay về việc chúng ta cần phải tin khi cầu nguyện.
Bà dì Lizzie của tôi từng là nguồn cảm hứng dồi dào và là nguồn vui lớn trong đời tôi. Dì kể cho tôi nghe câu chuyện này: một bà đến nhà dì ở Ái Nhĩ Lan để gặp tôi. Tôi không có ở nhà, bởi thế dì Lizzie quyết định rằng chính dì sẽ giảng dạy người này.
Người đàn bà hỏi dì Lizzie, "Chị nữ tu có nhà không?"
Dì tôi trả lời, "Sơ ấy không có ở đây, nhưng bà không cần phải gặp sơ ấy. Bà chỉ cần viết ý chỉ của bà và sơ sẽ cầu xin cùng Đức Giêsu cho bà."
Bà ấy nói, "Được, đưa tôi một cuốn sách."
Bà bắt đầu viết. Có hai chiếc xe buýt đầy người đậu ở ngoài mà bà này đã đem họ đến từ phía bên kia Ái Nhĩ Lan. Bà đứng đó khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ để viết xuống những điều họ xin qua cửa xe.
"Paddy, bà đau ở đâu? Mary, cô bị cái gì?"
Dì Lizzie mệt mỏi khi đứng ở đó, nên dì nói với bà này, "Bà biết không, chính bà phải nói với Chúa. Chính bà phải xin Đức Giêsu, và cầu xin cho họ."
Người đàn bà nhìn dì Lizzie và nói, "Cầu xin? Nói với Chúa? Tôi đã từng nói với Chúa hơn bốn mươi năm và Ngài chưa bao giờ nghe tôi!"
Dì Lizzie trả lời, "Chắc có thể bà nói với Chúa không đúng cách."
Bà này nói, "Tôi chỉ biết có một cách thôi. Bà biết cách nào khác không?"
Về sau, dì Lizzie nói với tôi rằng, "Chính cháu phải dạy cho họ chứ dì không biết trả lời sao cho những câu hỏi như vậy!"
Nhưng có đúng là nhiều người đã cầu xin Chúa hơn bốn mươi năm mà Ngài không nghe họ không? Thật sự họ đã không lắng nghe Ngài.
Đức Giêsu có trả lời chúng ta, nhưng nhiều khi không ngay tức khắc. Lời thỉnh cầu thay cho người khác thường không được nhận lời ngay. Một câu chuyện khác cho thấy sự quan trọng của việc thỉnh cầu cho người khác và chúng ta phải kiên trì cầu nguyện thế nào.
Cách đây không lâu, khi tôi tĩnh tâm cho các đôi vợ chồng, một ông đến với tôi. Ông thật tuyệt vọng vì hôn nhân của ông đang gặp khó khăn. Vợ chồng ông vướng bận nhiều chuyện riêng và không còn liên hệ với nhau cách tốt đẹp. Và tình trạng càng phức tạp hơn khi ông có chứng cớ rằng vợ ông đã ngoại tình. Ông đã đến với một cố vấn hôn nhân và người này đã nói với ông ta là hãy cho bà vợ một quyết định tối hậu và nếu điều đó không thay đổi, thì hãy ly dị.
Ông ta nói điều này khiến ông đau khổ vì ông không thể chấp nhận việc ly dị như một giải pháp. Ông không biết làm gì khác.
Tôi đưa ông vào nhà thờ quì trước nhà tạm. Thiên Chúa ban cho tôi những gì phải nói với ông: tình trạng có thể xấu hơn, nhưng cũng có thể tốt hơn. Đây là một lời khuyên thật khó cho tôi để nói với người đàn ông đáng thương này.
Tôi nói với ông rằng đây có thể là một thử thách đức tin của ông, đôi khi chúng ta phải kiên trì cầu nguyện khi cầu xin thay cho người khác. Tôi giải thích rằng khi chúng ta cầu xin cho người khác, Thiên Chúa cũng có thể làm việc trong đời sống chúng ta, và chúng ta có thể tin rằng phép lạ sẽ xảy ra. Tôi nói rằng việc đức tin gia tăng là một trong những lợi ích của sự kiên trì cầu nguyện.
Sau đó, ông phải đi xa và điện thoại xin tôi cầu nguyện với ông. Tất cả những gì tôi có thể làm là nói với ông, "Hãy cầu nguyện và đừng bỏ cuộc."
Ông nói với tôi, "Tôi yêu vợ tôi." Ông cảm thấy sâu trong tâm hồn rằng Thiên Chúa không muốn ông từ biệt vợ ông, vì hôn nhân đã được Giáo Hội chúc phúc, vì đó là một bí tích. Nhưng, cùng lúc, mọi người cố vấn đều khuyên ông phải bỏ vợ.
Mỗi lần ông nói chuyện với tôi, tôi đều khuyến khích ông đừng bỏ cuộc. Tôi nhắc ông rằng Đức Giêsu đã nói không có gì là không thể được cho những ai tin vào Ngài.
Tôi an ủi ông, "Thật khó để xác quyết tình yêu của mình với một người liên tục khước từ mình, nhưng ông hãy xác quyết tình yêu của ông với Đức Giêsu. Ngay cả bây giờ, Ngài luôn yêu thương chúng ta và chúng ta luôn luôn khước từ Ngài, nhưng Ngài không ngừng yêu chúng ta. Ông muốn cố gắng hàn gắn hôn nhân mà ông không thể làm được, nhưng ông có thể xin Đức Giêsu ban cho ông sức mạnh siêu nhiên. Điều này không làm tan biến sự đau khổ vì bị khước từ, nhưng ông sẽ có sức mạnh để chịu đựng."
Một ngày kia ông điện thoại cho tôi và nói, "Sơ Briege ơi, tôi muốn cám ơn sơ. Thiên Chúa đã nhận lời tôi cầu xin."
Rồi ông kể cho tôi nghe một cảm nghiệm tinh thần tuyệt diệu mà vợ chồng ông đã được. Một tối kia, hai người cảm thấy sự biến đổi của Thiên Chúa hiện diện khi họ chuẩn bị đi ngủ.
Ông đã không ngủ với vợ ông trong một thời gian vì sự bất trung của vợ ông là một bức tường ám ảnh khiến ông không thể yêu thương như trước. Nhưng khi họ đi ngủ đêm đó, Thiên Chúa đã ban cho họ tình yêu của Ngài và trong con người họ, Ngài đã tái tạo cái tình vêu mà họ có lúc đầu tiên của hôn nhân. Ngài đã biến đổi họ. Ngài không chỉ làm mới lại hôn nhân của họ, nhưng Ngài còn cho họ mọi ơn sủng của Chúa Thánh Thần.
Ông ta muốn đến thăm tôi. Tình cờ tôi cũng ở trong thành phố nơi ông sinh sống nên tôi mời ông đến. Khi thấy tôi, ông nói, "Sơ Briege ơi, tôi hy vọng điều này không chạm tự ái sơ, nhưng sơ thật là dấu chỉ đường đến với Đức Giêsu. Nhiều ngày khi đi làm, tôi cảm thấy như đến tòa ly dị khi nghĩ rằng, 'Tại sao tôi phải sống như thế này?' Nhưng mỗi lần nói chuyện với sơ, sơ đều xoay tôi về với Đức Giêsu. Sơ đã không đem tôi đến, nhưng chắc chắn là sơ đã cho tôi biết những gì Đức Giêsu có thể làm. Hôm nay tôi cám ơn sơ vì đó là ý nghĩa của những dấu chỉ đường - nó không đưa tới nơi mình muốn, nhưng nó chỉ dẫn hướng mình phải đi.
"Tôi học được hai bài học từ việc này," ông ta nói. "Thứ nhất, tôi không thể coi thường hôn nhân của tôi. Tôi yêu vợ tôi, nhưng tôi chưa bao giờ thật sự nói điều đó với vợ tôi. Thứ hai, không bao giờ coi thường giá trị sức mạnh của việc cầu nguyện và sức mạnh siêu nhiên đổ xuống qua sự cầu nguyện."
o 0 o
Chữa Lành Từ Từ
Có nhiều người nghĩ rằng lời cầu nguyện của họ không được đáp trả nếu họ không được lành bệnh ngay lập tức như một phép lạ. Tôi học được rằng Thiên Chúa chữa lành trong nhiều cách - và với lý do riêng của Ngài. Ngài thường chữa lành qua một thời gian dài. Tôi gọi là "Chữa lành từ từ." Tôi đã từng thấy những thí dụ phấn khởi của loại chữa lành này. Phúc Âm có đề cập đến loại chữa lành này trong hai đoạn - Mác-cô 8:22-26 và Luca 17:12-19.
Trong Mác-cô đoạn 8 chúng ta có câu chuyện của người mù xin Đức Giêsu chạm đến ông. Đức Giêsu đưa ông ra ngoài làng, bôi nước bọt lên mắt ông và đặt tay lên đó. Rồi Đức Giêsu hỏi: "Con có thấy không?"
Ông trả lời, "Có, con có thể trông thấy người ta nhưng họ giống như những khúc cây biết đi."
Đức Giêsu đặt tay lên mắt ông lần thứ hai và ông ta có thể thấy được rõ ràng.
Khi đọc đoạn này, tôi tự nhủ, "Đức Giêsu là Thiên Chúa. Ngài không phải chữa họ đến hai lần. Ngài có thể chữa lành ngay lần đầu." Điều thức tỉnh tôi là khi sự chữa lành chưa hoàn tất, từ lúc chúng ta bắt đầu cầu nguyện, thì việc chữa lành bắt đầu xảy ra dần dần. Có thể rằng, trong một thời gian, người mù ấy đã trông thấy mọi người như những khúc cây biết đi, và rồi ông đến với Đức Giêsu để được Ngài chữa lần thứ hai và được hoàn toàn lành lặn.
Tại sao Chúa không chữa lành cho ông ngay lần đầu? Đức Giêsu không nói tại sao, nhưng có thể rằng qua việc chữa lành từ từ, ông ta được đưa lại gần Chúa hơn là nếu ông được chữa lành ngay lập tức. Sau khi ông ta được lành lặn hoàn toàn, Phúc Âm viết, "Ông thấy mọi sự rõ ràng." Có thể điều đó có nghĩa là ông thấy Đức Giêsu rõ ràng, qua con mắt linh hồn đã được đổi mới?
Trong một cuộc họp ở Hoa Kỳ, một đôi vợ chồng đến với tôi với đứa con trai nhỏ. Em David có một bướu độc trong não và bác sĩ nói em chỉ còn sống được bảy tháng. Vợ chồng này còn năm hay sáu đứa con khác và cả gia đình thật đau khổ khi biết sẽ phải xa em David.
Khi tôi cầu nguyện với họ, tôi nhận ra rằng họ đặt mọi hy vọng vào tôi: "Chỉ khi nào Sơ Briege cầu nguyện với chúng tôi, thì mọi sự sẽ được nhận lời và David sẽ lành bệnh."
Có nhiều câu chuyện trong Phúc Âm cho thấy những người đến với Đức Giêsu để cầu xin cho chính họ hay gia đình, con cái họ. Tôi kể cho họ nghe một vài câu chuyện này.
Tôi nói, "Tôi có thể cầu nguyện, nhưng em David là con quí vị. Thiên Chúa dùng quí vị là đôi vợ chồng để cộng tác với Ngài trong việc đưa em David vào đời. Bây giờ quí vị hãy về nhà và hãy cầu xin với Đức Giêsu mỗi đêm để em được khỏi bệnh."
Người cha nói với tôi, "Có lẽ Đức Giêsu không muốn chữa cháu, hay có lẽ đó không phải là ý Ngài."
Thắc mắc chung chung này khiến nhiều người nghĩ rằng họ không thể xin được chữa lành. Có hai điều tôi nhận xét về việc này. Thứ nhất, ý Chúa luôn luôn xảy đến để giúp chúng ta vượt qua, nhưng nếu là ý Chúa, chúng ta sẽ có một cảm nhận bình an lớn lao và một sức mạnh lớn lao để chấp nhận ý Ngài. Một vài người nói, "Đó không phải ý Chúa" như để trốn trách nhiệm, vì họ không thật sự tin rằng Thiên Chúa có thể ban cho họ những điều đó.
Thứ hai, họ sợ nếu việc chữa lành không xảy ra thì sao: "Tôi thất bại thì sao?" Dĩ nhiên họ không thất bại, nhưng nghĩ như vậy là vì hiểu lầm về ảnh hưởng của đức tin đối với việc chữa lành.
Tôi nói với cha mẹ của em David: "Hãy tạm quên ý Chúa. Nếu Đức Giêsu đứng ngay trước mặt quí vị đây, quí vị sẽ xin Ngài điều gì cho David?"
Người mẹ nói, "Ồ, tôi sẽ xin Ngài chữa David khỏi bệnh vì tôi thương cháu."
Tôi nói, "Vậy, hãy cầu xin Đức Giêsu chữa cho em và hãy cầu xin hàng ngày. Nhưng đừng cho ý mình là ý Chúa. Đã biết bao phép lạ xảy ra. Hãy nói với Ngài những gì ông bà cảm thấy và nói với Ngài rằng ông bà thương cháu David và xin Ngài làm ơn chữa cháu khỏi bệnh."
Nhiều người nói với Đức Giêsu một đàng nhưng lại nghĩ một nẻo khác. Họ nghĩ là phải nịnh Đức Giêsu để Ngài cảm thấy khoái chí với những lời lẽ tốt đẹp. Bạn không phải nịnh Đức Giêsu. Dù sao đi nữa Ngài đã biết những gì bạn nghĩ.
Điều Đức Giêsu muốn nơi mỗi người chúng ta là hãy liên hệ với Ngài như liên hệ với một người sống, như Đức Giêsu là người hay thương xót chúng ta và biết chúng ta đau khổ.
Đức Giêsu biết tình cảm của chúng ta. Ngài hiểu tình yêu của cha mẹ dành cho con cái. Ngài biết đó là điều bất thường khi cha mẹ cầu xin rằng, "Lạy Chúa, Chúa hãy đem con của con đi, vì nó là của Chúa." Ngài sẽ cho các cha mẹ sức mạnh để nói câu đó khi cần, và họ không thể tuyệt vọng ngừng cầu xin Chúa chữa lành cho con cái họ. Bài học về cầu nguyện nói với chúng ta rằng hãy liên tục gõ cửa, hãy kiên trì.
Tôi nói với cha mẹ này hãy về nhà và cầu nguyện hàng đêm với David, hãy tụ họp con cái lại để cầu nguyện. Trong số những đứa con của ông, có đứa trong tuổi đang lớn.
Người cha nói với tôi, "Sơ ơi, chúng tôi không thuộc kinh nhiều."
Tôi nói với họ, "Chỉ cần nói chuyện với Đức Giêsu, ngay cả khi đọc một kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng một cách chậm rãi. Hãy nói các con ông xin Chúa chữa cho David và nói với Chúa rằng chúng con yêu Chúa lắm. Khi ông cầu nguyện, hãy đặt tay lên đầu cháu."
Tôi giải thích cho họ rằng người cha, là trưởng gia đình có sức mạnh thật sự để chúc lành cho con cái và phải cầu nguyện với chúng. Vợ ông, là mẹ của chúng, cũng phải cầu nguyện với các con.
Khoảng hai năm sau, tôi gặp lại người cha này mà tôi đã không liên lạc với ông ta từ ngày đó.
Ông nói với tôi, "Sơ ơi, tôi có một chuyện rất hay để kể cho sơ nghe." Ông cho tôi biết rằng sau khi về nhà hôm đó, họ đã dành thời giờ mỗi đêm sau bữa ăn để cầu nguyện cho em David. Không ai được rời nhà cho đến khi họ quây quần quanh em David để cầu nguyện.
Vợ chồng ông bảo các con cầu xin Đức Giêsu chữa lành cho David. Lúc đó họ mới thấy rằng trẻ con không có trở ngại gì khi cầu xin với Đức Giêsu.
Nhiều tháng trôi qua, cái bướu của em David tiếp tục lớn. Người cha bắt đầu nản chí. Ông nói, "Cầu nguyện không hiệu nghiệm." Ông trông đợi một điều gì đó xảy ra ngay tức thì. Nhưng vợ ông kiên trì hơn. Bà nói, "Đừng bỏ cuộc, hãy tiếp tục. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện."
Bỗng dưng, họ nhận ra rằng bảy tháng trôi qua và David vẫn còn sống. Cái bướu vẫn lớn dần nhưng David không bị mù. Họ nhận ra là họ chỉ chú ý đến một điều thôi - đó là sự tăng trưởng của cái bướu.
Sau khoảng mười sáu tháng, cái bướu từ từ nhỏ lại. Khi họ tiếp tục cầu nguyện với David, họ thấy cái bướu teo dần cho đến khi mất hẳn và bác sĩ cũng theo dõi với họ.
Người cha nói với tôi, "Sơ Briege ơi, bây giờ tôi sẽ kể cho sơ nghe những gì xảy ra nhờ việc David được chữa lành. Khi cháu được khỏi bệnh, bác sĩ nói, 'Bất cứ những gì ông bà đang làm, hãy tiếp tục làm vì nó hiệu nghiệm. Ông bà đang làm một việc rất tốt.'
"Và rồi tôi nhận ra rằng trong hai năm đó con cái chúng tôi thay đổi. Nếu việc chữa lành xảy ra ngay lập tức thì những đứa con khác của tôi sẽ không thay đổi gì cả."
Ông nói ngay cả khi David đã lành bệnh, những đứa con ở tuổi thiếu niên của ông không bao giờ rời nhà sau bữa ăn tối cho đến khi cả nhà cầu nguyện xong. Cầu nguyện đã trở thành một phần của đời sống họ và họ cảm thấy thoải mái khi cầu nguyện chung trong gia đình.
Đây là một thí dụ rất hay về sự chữa lành từ từ. Có thể chúng ta không nhận được ngay lập tức những gì chúng ta xin, nhưng Thiên Chúa chữa lành chúng ta trong thời gian của Ngài, vì có nhiều điều trong đời sống chúng ta mà Ngài cần chỉnh đốn lại.
Khi chúng ta cầu nguyện, Thiên Chúa không thay đổi. Sự cầu nguyện thay đổi chúng ta, cũng như sự cầu nguyện đã thay đổi cả gia đình đó từ một gia đình rời rạc đến một gia đình yêu thương Chúa và yêu thương nhau.
Trong Luca đoạn 17, câu 12 đến 19 , bạn thấy có mười người phong cùi được Đức Giêsu chữa lành. Phúc Âm nói rất rõ, "trên đường đi họ được chữa lành." Chúng ta không rõ thời gian bao lâu "trên đường đi," nó có thể hàng tuần hay hàng tháng. Dù sao thì việc chữa lành không xảy ra tức thì. Họ từ giã Đức Giêsu và ít lâu sau khám phá ra rằng họ đã được chữa lành. Nhưng chỉ có một người vượt qua được thời gian và không gian giữa việc làm của Đức Giêsu và sự lành lặn; và chỉ có người ấy nhớ trở lại cám ơn Đức Giêsu. Những người khác thì quên.
Có đúng là nhiều khi chúng ta cầu xin điều gì đó và khi được rồi, chúng ta chỉ biết nhận chứ không biết nói ngay cả một câu cám ơn? Chúng ta quên rằng Thiên Chúa đã nhận lời chúng ta nhưng vì Ngài không trả lời ngay lập tức.
Chúng ta sống trong thời đại của trà uống liền, cà phê uống liền, hình ảnh lấy liền; dường như mọi thứ đều sẵn sàng. Và chúng ta đối xử với Chúa cũng như vậy. Chúng ta nghĩ rằng nếu Chúa không ban cho chúng ta ngay lập tức, thì điều đó có nghĩa là Ngài không ban cho chúng ta điều gì hết.
Có những người nói rằng nếu bạn cầu xin khỏi bệnh, bạn phải tuyên bố là đã khỏi ngay lúc đó. Thí dụ tôi cầu xin cho ai đó bị đau đầu: một số người tin rằng, để cái đau biến mất, họ phải nói là hết đau rồi. Đây là cách vinh danh sự nói láo. Nếu bạn còn nhức đầu, có nghĩa là bạn chưa được khỏi.
Có những trường hợp, như trường hợp của tôi, Thiên Chúa chữa lành ngay lập tức.Thiên Chúa có lý do của Ngài khi chữa lành người này ngay tức khắc và người kia từ từ sau một thời gian.
Tôi giải thích điều đó như thế này: tôi tin là có hai cách chữa lành. Đối với tôi phép lạ là điều gì đó xảy ra ngay lập tức, và chữa lành là điều gì đó có thể xảy ra từ từ, và có thể qua thuốc men, giải phẫu, và qua sự liên tục cầu nguyện.
Một lần kia trong khi tổ chức tĩnh tâm với Cha Kevin Scallon ở Úc, tôi gặp một nữ tu bị liệt vì bệnh sốt tê liệt. Sơ phải mang nạng ở chân và niềng ở lưng. Sau khi Cha Kevin xức dầu cho sơ, sơ ngồi tám tiếng đồng hồ trong nhà nguyện. Trong toàn thời gian đó, sơ ngồi yên trong một tư thế, và toàn thân sơ bắt đầu rung lên. Tôi biết chắc là sơ bắt đầu nhận được tiến trình chữa lành. Tôi đến bên sơ và nói, "Sơ ơi, Chúa đang chữa cho sơ."
Về sau một tờ báo cho biết, trong bốn tháng, mỗi ngày khi sơ nghỉ ngơi là toàn thân sơ lại bắt đầu rung lên. Bác sĩ giải thích rằng những bắp thịt và tế bào đã chết vì bệnh sốt tê liệt nay bắt đầu sống lại. Ông cho biết là sơ đang được chữa khỏi. Những cái nạng và niềng đã được gỡ ra.
Việc chữa lành không xảy ra ngay cái ngày sơ được xức dầu. Nó bắt đầu từ ngày đó và tiếp tục. Lần sau cùng khi tôi biết tin thì việc chữa lành vẫn còn đang tiếp diễn. Bác sĩ giải thích rằng cơ thể sơ đang được tái tạo dưới sức mạnh của Thiên Chúa.
Một số người thấy khó để tin ở phép lạ hay sự chữa lành. Họ thường nói, "Chỉ khi nào tôi thấy phép lạ thì tôi mới tin."
Trong một lần tổ chức tĩnh tâm ở Nhật, một linh mục Ái Nhĩ Lan nói với tôi, "Sơ Briege ơi, thật dễ cho tôi tin nếu tôi thấy được một phép lạ."
Tôi nói với ngài, "Cha ơi, Thiên Chúa dùng cha mỗi buổi sáng để làm phép lạ."
Ngài nói, "Tôi biết về Thánh Lễ, nhưng sơ biết tôi muốn nói gì, nếu tôi thấy được một người bị mù hay bị liệt chân mà được khỏi thì dễ cho tôi tin hơn."
Tôi trả lời, "Cha nghĩ thật như vậy sao? Con đã từng thấy bao nhiêu người được khỏi bệnh, nhưng điều đó cũng không giúp con gì hơn. Con vẫn phải tiếp tục cầu nguyện và nhiều lần con nghĩ rằng, 'Ồ, người đó bệnh nặng quá' và nghi ngờ không biết họ có thể khỏi bệnh không."
Cha nói, "Ô, tôi thì khác. Tôi nghĩ là nếu tôi thấy được chỉ một phép lạ thôi, tôi sẽ tin ngay."
Khoảng ba ngày sau, Cha Frank Sullivan gặp gỡ với mười hai linh mục dòng Tên trong căn phòng mà tôi thường dùng để chữa bệnh. Tôi đến đó, và khi thấy tôi họ reo lên, "A Sơ Briege, hãy đến cầu nguyện với chúng tôi."
Tôi cầu nguyện với tất cả mọi người. Trong những cha dòng Tên có một linh mục già người Pháp mà một chân bị hư thối vì nghẽn động mạch máu. Bác sĩ nói rằng chân ngài phải bị cưa. Ngài xin bác sĩ để ngài đi tĩnh tâm rồi sau đó sẽ cưa.
Cha Frank yêu cầu chúng tôi tụ họp lại để cầu nguyện xin chữa lành.
Sáng hôm sau, khi chúng tôi chuẩn bị đi ăn sáng, vị linh mục người Pháp đó đến bên tôi khua tay và làm đủ mọi dấu hiệu với tôi, ngài chỉ lên trời rồi chỉ vào tim ngài, và cứ như thế. Tôi không biết tiếng Pháp hay tiếng Nhật; tôi trố mắt nhìn ngài. Tôi nghĩ trong đầu, "Chắc cha này bị đau tim hay sắp điên." Bởi thế, tôi bỏ đi.
Tôi vào phòng ăn điểm tâm và chính linh mục này lại chạy theo vào với ống quần xắn lên cao. Ngài cho mọi người thấy chân ngài đã hoàn toàn lành lặn.
Cách chỗ tôi ngồi khoảng ba ghế là vị linh mục Ái Nhĩ Lan. Tôi nhìn về phía ngài và nói: "Này cha, đó là phép lạ mà cha nói đến hôm trước."
Linh mục Ái Nhĩ Lan nhìn cha kia, và nhìn tôi rồi nói, "Lạy Chúa, thật là khó tin! Chân cha ấy có bị nghẽn mạch máu thật không?"
Rồi tôi nói với ngài, "Cha thấy không, phép lạ không giúp mình tin hơn."
Điều luân lý của câu chuyện này tôi nghĩ là, người có đức tin thì không cần phải xem thấy mới tin.
Tác giả: Sr. Briege McKenna