Tài Liệu Khác

Diễn văn ra trường:

Thiên Chúa không hề chết, Ngài cũng chẳng mỏi mệt

www.catholicculture .org/culture/ library/view. cfm?recnum= 9325

Đây là bản lược dịch bài diễn văn Tiến Sĩ Charles E. Rice đọc nhân lễ ra trường của Đại Học Notre Dame trung tuần tháng 5, 2010 vừa qua. Bài diễn văn được coi là nói thẳng và nói thật. Trong thời đại mà nền văn minh tục hóa, trào lưu duy tương đối và chủ nghĩa cá nhân tự do phóng túng đang ở trên chóp đỉnh phát triển tràn lan, bài diễn văn đậm chất Công giáo như thế này phải được coi là hiếm qúy, vì đã nói lên sự thật, cho dù một sự thật đớn đau. Dẫu sao chăng nữa, điều cần nói thì cứ phải nói, và cứ phải lập lại, bởi vì chỉ sự thật mới giải thoát chúng ta, và ân sủng đi kèm với sự thật mới đem lại ơn cứu độ. 

Tiến Sĩ Rice là giáo sư danh dự của Trường Luật Notre Dame, chuyên về ngành luật hiến pháp. Ông hiện đang giảng dậy môn “Luật và Luân lý.” Ông viết khá nhiều sách, trong số đó phải kể đến: 50 Questions on the Natural Law; Freedom of Association; The Supreme Court and Public Prayer; The Vanishing Right to Live; Authority and Rebellion; Beyond Abortion: The Theory and Practice of the Secular State; No Exception: A Pro-life Imperative; The Winning Side: Questions on Living the Culture of Life. Tác phẩm mới nhất của ông “Where Did I Come From? Where Am I Going? How Do I Get There?” được viết chung với Tiến Sĩ Theresa Farnan.

***

Anh chị em sinh viên tân khoa thân mến:

Đây là thời gian khủng hoảng. Kinh tế là một đống nhão nhét, văn hóa cũng là một đống nhầy nhụa, chính phủ thì mất kiểm soát. Chỉ trong vòng ba năm vừa qua, Notre Dame đã để thua 21 trận bóng cả thẩy. Nhưng hôm nay, việc chúng ta hiện diện nơi đây lại là một điều hay, nhất là đối với quý anh chị em tốt nghiệp tại trường Đại Học Công Giáo thời danh này. Được như vậy là bởi vì phương thuốc chữa trị cho những đổ vỡ hôm nay chỉ tìm được nơi Chúa Kitô và nơi giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Vậy ta hãy nhìn thẳng vào hiện trạng hôm nay để xem mình có thể làm được gì chăng.

Chúng ta đang trải qua một sự thay da đổi thịt của chính quyền liên bang. Lãnh tụ của một chính thể độc đảng đã được bầu phiếu với 54 phần trăm cử tri Công Giáo ủng hộ, điều này khiến cho nền kinh tế tự do và chính quyền hữu hạn được thay thế bằng một hệ thống lãnh đạo tập trung đầy quyền lực và quyền tài phán vô hạn. Cho dù đi ngược lại ý dân, cuộc cải tổ y tế không chỉ tài trợ cho việc phá thai, mà còn làm phương hại đền giới cao niên và các quyền của lương tâm. Cuộc cải tổ này được khởi động bất chấp tiến trình của luật pháp và mang đậm toan tính hối lộ, cưỡng chế và lọc lừa một cách công nhiên như chưa bao giờ như thế.

Để có một tỉ dụ về vấn đề tập quyền nơi một chế độ được thiết lập hợp pháp, ta phải trở về thời gian của năm 1933. Adolf Hitler được đề cử làm Quốc Trưởng ngày 30 tháng Giêng. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, ông đã củng cố quyền lực của mình. Biến cố quyết định là việc Đảng Quốc Xã chấp thuận Đạo Luật Khai Thông cho phép Hitler nắm toàn quyền bất khả thâu hồi. Đó là thời điểm không còn trở ngược được nữa. Đạo Luật Khai Thông nhận được hai phần ba số phiếu cần thiết chỉ bởi vì nó được đảng Công Giáo, tức là Đảng Trung Tâm, ủng hộ. Đạo luật “Cải tổ Y tế” nhờ được sự ủng hộ nhiệt liệt của các thành viên Công Giáo trong lưỡng viện, cũng có thể được coi như một thứ Đạo Luật Khai Thông hiện đại theo ý nghĩa là nó nhượng cho chính quyền cái tối thượng quyền trên đời sống của nhân dân. Nó bao gồm cả việc chính phủ liên bang đảm nhiệm luôn cả việc tài trợ sinh viên học sinh. Những món nợ của sinh viên thì liên quan gì đến cải tổ y tế? Mẫu số chung chính là quyền kiểm soát. Không sinh viên nào có thể mượn được nợ đi học do chính phủ liên bang bảo đảm nếu không được sự chấp thuận theo hệ thống bàn giấy của liên bang. Điều này mở đường cho việc đem sự trung thành chính trị ra làm bài toán trắc nghiệm cho việc thăng tiến giáo dục, như đã xẩy ra tại Đức thời Quốc Xã và tại Liên Bang Sô Viết. Điều này củng cố sự khôn ngoan của Viện Đại Học Công Giáo chúng ta khi quyết định đi trước mọi tài trợ liên bang. 

Không giống như Đức Quốc vào năm 1933, chúng ta có các phương tiện hợp pháp để điều chỉnh lại. Tôi hãnh diện để nói rằng tôi là một người trong giới Đảng Trà (Tea Party). Vào tháng 11 tới đây, phản ứng có thể bẻ quặt cánh tay lưỡng viện của giới cầm quyền. Tuy nhiên, phản ứng này chỉ có tính cách tạm bợ trừ khi chúng ta đi đến tận ngọn nguồn tội ác. Vấn đế căn rễ không phải là chính trị hay kinh tế, mà là tôn giáo. Và đó chính là vùng trời anh chị em đang bước vào. Linh Mục (LM) Thomas Euteneuer nói: “Khủng hoảng xã hội xẩy đến khi chúng ta bầu chọn những kẻ vô luân để cầm quyền trên chúng ta…Những kẻ không có một căn bản đạo đức lại bầu chọn những chính khách vô luân để lên cầm quyền…Đúng là lối sống vô luân đã sản sinh ra các cấp lãnh đạo vô luân.” Nói khác đi, thay vì chọn người đạo đức, chúng ta lại chọn kẻ vô luân, chính bởi vì chúng ta đã mất đi khả năng, hoặc ước vọng, nói lên sự khác biệt. Theo cha Euteneuer thì câu trả lời chính là “quay về với Chúa …Hoán cải tâm hồn chính là điều chúng ta cần làm.”

Chúng ta đã đúng khi cổ võ lòng trung thành với Hiến Pháp. Thế nhưng, không một hiến chương nào có thể tồn tại nếu luân lý tính vốn sản sinh ra nó bị tan biến mất. Năm 2001, 13 ngày sau biến cố 9/11, tại Kazakhstan, Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Gioan Phaolô II đã khuyến cáo các nhà lãnh đạo của cộng hòa Hồi Giáo về một “cuộc tuân giáo mù quáng” đối với nền văn hóa Tây phương vốn đang bị kẹt cứng bên trong một “thứ nghèo mạt ngày càng sâu đậm hơn về mặt nhân bản, tinh thần và luân lý” gây ra bởi cái “sai lầm nghiêm trọng là muốn bảo đảm sự thiện hảo của nhân loại bằng cách loại bỏ Thiên Chúa là nguồn Thiện Hảo Tối Cao.”

Là các sinh viên tốt nghiệp, các bạn sẽ đi vào một nền văn hóa trong đó việc sát hại trẻ thơ vô tội có chủ đích lại được toàn thể mọi người xem như một thứ kỹ thuật tự chọn để giải quyết vấn đề. Vụ bắn giết tại trường Columbine đã đưa ra một tiền lệ. Nếu bạn thấy khó chịu với bạn học, với chủ nhân hay với nhân viên thuế vụ, thì câu trả lời là cho tụi nó “đi tầu suốt.” Việc phá thai được hợp pháp hóa chính là thí dụ đầu tiên dùng việc sát nhân như là một cách giải quyết vấn đề. Còn việc xử tử một người như Terri Schiavo xẩy ra hàng ngày như cơm bữa, chẳng ai hay biết, khi gia đình và chăm sóc viên đồng ý cắt đứt phần ăn thức uống, bởi vì đã đến giờ để cho bệnh nhân được “an tử đầy nhân phẩm.” Việc tách biệt luân lý ra khỏi việc sát nhân tương ứng sít sao với việc tách biệt luân lý ra khỏi kinh tế, cũng như phái tính và các quyết định cá nhân nói chung. 

Chẳng có gì là khó hiểu trong vấn đề này. Chúng ta đang trải qua thời kỳ mà LM Francis Canavan, dòng Tên, gọi là “khúc đầu thừa đuôi thẹo của thời đại Ánh Sáng,” khi mọi nỗ lực của các triết gia và chính trị gia, trong hơn ba thế kỷ vừa qua, đã hoàn toàn thất bại vì muốn xây dựng một xã hội như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu. Thứ văn hóa thời Ánh Sáng đó được xây dựng trên ba kiểu láo khoét này là: chủ nghĩa tục hóa, duy tương đối và duy cá nhân. Đó là những thành tố tạo nên cái mà ĐGH Bênêđíctô XVI gọi là “sự độc tài của chủ nghĩa tương đối…vốn không nhìn nhận một điều gì là tuyệt đối, để chỉ coi cái “tôi” và những chứng kỳ quái của nó là thước đo tối hậu. Ba kiểu láo khoét này được sử dụng triệt để như là võ khí trong tay kẻ thù chúng ta là Satan, tổ sư láo khoét. Công việc mà anh chị em sinh viên đã được huấn luyện kỹ lưỡng để thực hành chính là dùng sự thật đối đầu với lời nói láo. Khi nói sự thật, anh chị em sẽ gây được ảnh hưởng vượt quá tầm hiểu biết của anh chị em. Đây là lời đàm đạo với ĐGH Gioan Phaolô được ĐHY Edouard Gagnon ghi lại như sau: “ĐGH nói với tôi rằng sở dĩ sai lạc có đường thao túng là bởi vì sự thật không được giảng dậy. Chúng ta phải giảng dậy sự thật,,,chứ không chỉ tấn công những kẻ giảng dậy điều sai lạc bởi vì như thế sẽ chẳng đi đến đâu cả--bởi những kẻ ấy nhiều vô số kể. Chúng ta chỉ còn có cách là giảng dậy sự thật. Sự thật kéo theo ân sủng với nó. Khi ta nói sự thật thì một nguồn ân sủng của Chúa sẽ đi kèm với sự thật ấy. Có thể sự thật sẽ không đi ngay vào trong tâm trí của người đối diện, nhưng ân sủng của Chúa thì luôn có đó, và khi nào họ cần đến, thì Thiên Chúa sẽ mở lòng trí họ để rồi họ sẽ chấp nhận sự thật. Sai lạc thì không bao giờ có ân sủng đi kèm theo cả.” 

Cần ghi nhớ rằng Sự Thật (viết hoa) chính là một nhân vật, Chúa Giêsu Kitô. Ngài không phải là một luật sư, Giám Đốc Điều Hành (CEO) hay nhà tổ chức cộng đồng. Ngài là Thiên Chúa. Đức Hồng Y (ĐHY) Avery Dulles đã mô tả ba nguyên lý nền tảng như sau: “Có Thiên Chúa, Ngài đã mạc khải chính mình một cách trọn vẹn và tối hậu trong Đức Giêsu Kitô, và Giáo Hội Công Giáo được ủy nhiệm làm người canh giữ và dậy dỗ nguồn chân lý mạc khải này.” Đức tin Công giáo không hề là một mớ học thuyết, mà là sự gặp gỡ sống động với Chúa Kitô, Đấng đang sống trong Giáo Hội và giảng dậy qua Giáo Hội. 

Huấn quyền của Giáo Hội chính là một món quà vô giá, không chỉ riêng cho người Công Giáo, mà còn cho tất cả những người thành tâm thiện chí sống theo lương tâm “trên căn bản lý trí và luật tự nhiên.” Quyền lực sự ác lúc nào cũng nhắm thẳng vào vị Đại Diện Chúa Kitô là đấng có thẩm quyền giải thích luật luân lý. Ta phải đáp trả bằng việc trung thành bảo vệ Ngài và bênh vực Giáo Hội. Nói theo Cha Euteneuer thì chúng ta không phải là Giáo Hội Bất Lực, mà là thành phần của Giáo Hội Chiến Đấu. Chúng ta có nhiệm vụ chiến đấu cho sự thật. Đừng để những kẻ láo khoét lừa gạt chúng ta.

1) Kiểu láo khoét thứ nhất là chủ nghĩa tục hóa: Không có Thiên Chúa, hoặc Thiên Chúa là Đấng không thể biết đến được. Họ bảo đó là ý nghĩa của Tu Chính Án Thứ Nhất. Nhưng đó cũng là một lời láo khoét. Ngày 24-25 tháng 9 năm 1789, Quốc Hội Đệ Nhất đã chấp thuận Tu Chính Án Thứ Nhất, đồng thời yêu cầu Tổng Thống (TT) công bố một ngày để “tạ ơn và cầu nguyện hầu nhìn nhận muôn vàn hồng ân mà Chúa Toàn Năng ban xuống.” TT Washington đã công bố ngày cầu nguyện đó. Tu Chính Án Thứ Nhất đòi buộc chính quyền liên bang phải có thái độ trung lập về các vấn đề tôn giáo trong khi nhìn nhận việc chính quyền tiểu bang lẫn liên bang có quyền xác nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Tối Cao Pháp Viện nay đã áp đặt trên tất cả mọi chính quyền một nghĩa vụ là duy trì tính trung lập bất khả hữu giữa chủ nghĩa duy thần và phi thần. Những từ ngữ “under God” (dưới ánh mắt của Chúa)—mà theo Thẩm Phán William Brennan vẫn còn là một mô tả chính xác về lề lối làm việc của tòa án—có thể tồn tại trong bản “Pledge of Allegiance” (Tuyên Thệ Trung Thành) chỉ bởi vì chúng “không còn mang một mục tiêu hoặc ý nghĩa tôn giáo nào nữa.” Trái lại, cùng lắm, những từ ngữ đó chỉ “thừa nhận cái sự kiện lịch sử là Tổ Quốc chúng ta đã được xây dựng ‘dưới ánh mắt của Chúa.’” 

Ở mọi cấp bậc trong chính quyền, việc đình chỉ phán đoán về việc Thiên Chúa hiện hữu đã biến thành công trình xây dựng chủ nghĩa tục hóa. Ngày nay, việc xác nhận có Thiên Chúa được coi là ngoại lý, và thường bị loại trừ ra khỏi lãnh vực công cộng vốn được uốn nắn bằng quyền lực và tư lợi hơn là bằng điều đúng hay sai.

Việc Thiên Chúa hiện hữu chẳng phải là một điều hiển nhiên. Thế nhưng, thật là phi lý, thậm chí ngu đần, nếu không tin vào Thiên Chúa, một hữu thể vĩnh cửu, vô thủy vô chung, và luôn luôn hiện hữu. Cứ tưởng tượng xem, đã có một lúc tuyệt nhiên không hề có một cái gì cả. Nhưng nói thế thì thật vô nghĩa. Thánh Tôma dậy: “Nếu có một lúc nào đó không hề có một cái gì cả, thì không thể nào một vật gì có thể bắt đầu hiện hữu được; và như thế, cho đến nay không thể có một cái gì hiện hữu cả -điều này thật phi lý.” Trong phim “The Sound of Music,” Julie Andrews đã hát thế này: “Nothing comes from nothing. Nothing ever could.” (Không gì đến được từ hư vô. Không gì bao giờ có thể có được).

Nền tảng duy nhất của các quyền lợi siêu việt đối lại với Nhà Nước chính là cuộc tạo dựng nhân vị bất tử theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Bất kỳ một nhà nước nào đã hiện diện và sẽ còn hiện diện, đều đã hoặc sẽ bị dẹp tiệm. Mọi hữu thể con người đã được đầu thai thì sẽ sống đời đời. Đó là lý do các bạn sinh viên có được các quyền lợi siêu việt đối lại với Nhà Nước. Nhân vị không hiện hữu cho Nhà Nước. Nhà Nước hiện hữu là vì con người. Và vì cả gia đình nữa.

2) Kiểu láo khoét thứ hai của Satan chính là chủ nghĩa tương đối. Thật là phi lý khi bảo rằng tất cả mọi sự đều tương đối, bởi lẽ chính lời tuyên bố này cũng chỉ tương đối. Chủ nghĩa tương đối thực ra chỉ là một hình thức của chủ nghĩa duy nghiệm pháp lý vốn chủ trương rằng không có một quy luật cao hơn nào có thể giới hạn được quy luật con người có thể làm được. Muốn hợp lệ, một quy luật phải tuân thủ theo phương thức quy định và phải hữu hiệu. Hans Kelsen, nhà duy nghiệm lừng danh của thế kỷ 20, đã tuyên bố rằng Auschwitz và những trại khổ sai Gulags của Liên Sô chính là quy luật hợp lệ. Ông không thể phê phán chúng là bất công, bởi vì, theo ông, công bằng là “một lý tưởng ngoại lý.” Kelsen cho rằng chủ nghĩa tương đối chính là triết lý của nền dân chủ. ĐGH Gioan Phaolô II lại cho rằng chủ nghĩa tương đối sẽ dẫn đến chuyên chế cực quyền. “Ai không thừa nhận sự thật siêu việt thì cực quyền sẽ trấn áp, và rồi mỗi người sẽ áp đặt tư lợi của mình bất chấp quyền lợi của người khác.” 

Trong đời sống cá nhân và nghề nghiệp, các bạn hẳn sẽ bị áp lực trở thành một người đi theo chủ nghĩa tương đối, để nói láo, lừa dối, hoặc biển thủ. Như ĐGH Gioan Phaolô II đã từng nói, “những cấm đoán tiêu cực của Mười Điều Răn, vốn là một thể hiện của luật tự nhiên, không hề cho phép một khoản luật trừ nào.” Nhưng các bạn sẽ phải trả một cái giá cho sự trung thành của mình.

Đây là một câu chuyện có thật: Hải Quân Đại Úy James Mulligan đã trải qua ròng rã bẩy năm rưỡi trời biệt giam trong nhà tù Hanoi Hilton sau khi phi cơ phản lực của ông bị bắn rơi vào năm 1966. Trong một thời gian, ông là bạn cùng phòng với Jeremiah Denton, sau này trở thành Thượng Nghị Sĩ. Cũng như đồng đội của mình, ông từng bị tra tấn nhiều lần và thường xuyên, mục đích là phản lại đồng đội và tổ quốc mình. Đại Úy Mulligan đã hoàn toàn trông cậy vào lời cầu nguyện, nhất là chuỗi Mân Côi. Trong cơn cực hình, ông đã tự đặt ra lời kinh mà thiết tưởng mỗi người cần đọc cho chính mình: “Lậy Chúa, xin cho con sức mạnh và lòng kiên quyết nhìn thấu suốt sự việc này cho đến cùng, cách này hay cách khác. Chẳng có ai hay biết ngoài một mình con với Chúa, nhưng chỉ cần như vậy mà thôi. Chúa đã chịu khổ hình vì niềm tin của Chúa, còn con đây cũng đang chịu khổ nhục vì niềm tin của con. Đúng vẫn là đúng cho dù không ai đúng cả; còn sai vẫn là sai cho dù mọi người đều sai hết.” Đó là câu trả lời cho chủ nghĩa duy tương đối.

3) Kiểu láo khoét thứ ba chính là chủ nghĩa cá nhân. Các lý thuyết về khế ước xã hội đã phủ nhận bản chất xã hội của con người. Theo đó, mỗi người chỉ là một cá nhân tự lập, đơn lẻ, chẳng có tương quan gì đến người khác, ngoại trừ khi nó đồng thuận. Đó là nguồn gốc của lập trường phò-chọn lựa như ta thấy ngày nay. Phong trào Kế hoạch hoá gia đình không hề xét lại lý thuyết đó. Người mẹ chẳng có liên hệ gì với đứa con chưa được sinh ra ngoại trừ khi bà chấp nhận điều đó. Vợ chồng cũng chẳng có mối liên hệ gì liên tục ngoại trừ khi cả hai tiếp tục đồng thuận. Và vân vân. Cá nhân tự lập trở thành thiên chúa của chính mình. Lương tâm không phải là một phán đoán về sự đúng hay sai một cách khách quan của một hành vi. Nó là quyết định không bị kiềm chế của cá nhân về điều mình muốn làm. Điều nó chọn cho mình tất nhiên phải là điều đúng. Như thế mới là tự do. Thế nhưng sự “tự do chân chính” không thể tách biệt với sự thật được.” 

Bạn có hoàn toàn tự do để bỏ cát vào thùng xăng của xe bạn. Nhưng sau đó bạn sẽ không còn tự do để lái chiếc xe này nữa bởi vì bạn đã vi phạm sự thật về bản chất chiếc xe ấy. Bạn có “tự do” để làm điều dối trá, bậy bạ, vân vân, nhưng bạn sẽ tự hạ giảm con người mình bởi vì bạn đã vi phạm sự thật về chính bản chất mình. Bạn đã chọn một sự việc mang tính luân lý tương đương với việc bỏ cát vào thùng xăng xe. Và có một điều mà cá nhân tự lập của huyền thoại phóng túng không bao giờ làm được. Đó là không thể đưa mình ra khỏi hiện hữu. Nó sẽ sống mãi, và sẽ hưởng sự vĩnh cửu ở một nơi nào đó. Nơi đó ở đâu, thì còn tùy ở nó.

Đã đến lúc ta phải lột trần mặc cảm tự ti của ta. Coi chừng bị lừa gạt khi ta nghĩ rằng những kẻ thông minh là những người có học nhưng quan niệm rằng từ hư vô vẫn có thể rút ra được một cái gì đó; những kẻ đó đoan chắc rằng mình không thể quyết đoán về bất cứ điều gì; họ còn nghĩ rằng tự do là phải không giới hạn, phải có toàn quyền, toàn lực, để làm bất kỳ điều gì mình muốn. Một nền văn hóa như thế không chỉ đánh mất đi niềm tin mà còn đánh mất cả tâm trí nữa. Họ phải biết lắng nghe sự thật, nhất là về quyền sống.

Nhưng ngay ở điểm này chúng ta lại gặp vấn đề. Những nỗ lực phò-sinh của chúng ta đã bị hóa giải bởi sự hèn nhát của chính chúng ta trong việc ngừa thai. Hội Nghị Anh Giáo Lambeth năm 1930 là lần đầu tiên một giáo phái Kitô nói lên lập trường là ngừa thai không bao giờ đúng một cách khách quan cả. Huấn Quyền thì giảng dậy sự thật này là: ngừa thai là hoàn toàn sai. (1) Trước hết là vì nó chủ tâm tách lìa hai khía cạnh bất khả ly của phái tính: hợp nhất và sinh sản; (2) thứ đến, khi biến đổi bản chất của hành vi vợ chồng như thế, người nam và người nữ đã tiếm quyền của Thiên Chúa, tự đặt mình làm người quyết định việc cho hay không cho một mầm sống được khởi sự, và nếu cho thì khi nào; (3) sau cùng, ngừa thai phá hủy hoàn toàn sự tự hiến hỗ tương và toàn vẹn vốn là nét đặc trưng của hành vi vợ chồng. Khi con người tự đặt mình làm kẻ quyết định việc cho hay không cho một mầm sống được khởi sự hoặc khi nào thì cho khởi sự, thì nó cũng sẽ tự đặt mình làm kẻ quyết định khi nào thì sự sống phải chấm dứt, tỉ như trong phá thai và trợ tử. ĐGH Gioan Phaolô II đã mô tả ngừa thai và phá thai như “hoa quả của cùng một cây.” Nếu con người là kẻ quyết định xem phái tính có dính dáng gì đến sinh sản hay không, thì hà cớ gì Freddy và Harry lại không có quyền có hôn thú? Năm 2004, Donald Sensing, Mục sư của Giáo Phái Ba Ngôi Thống Nhất tại Franklin, TN, viết rằng các quý vị nào chống hôn nhân đồng tính, thì rất tiếc, “đã đi chậm một nước cờ. Bức tường hôn nhân truyền thống đã gẫy sập vào khoảng 40 năm trước đây” khi ai nấy đều công nhận viên thuốc ngừa thai. 

Thiên Chúa muốn dùng con người để cộng tác với Ngài trong việc tạo dựng các công dân mới của nước trời. Vợ chồng nào ngừa thai là đã làm biến đổi hành vi vợ chồng nhằm ngăn ngừa công cuộc tạo dựng. Họ như đang nói thế này với Chúa: “Lậy Chúa, chúng con biết rằng có thể ý Chúa là muốn cho một nhân vị mới được nẩy sinh từ hành vi ấy của chúng con, để rồi sẽ tiếp tục sống muôn đời. Chúng con biết đó là ý Chúa. Nhưng chúng con sẽ không để cho Chúa làm như thế.” Thật là quá sức tưởng tượng! ĐGH Gioan Phaolô II nói: “Ngừa thai là một điều phạm luật sâu xa tới độ sẽ không bao giờ và không thể vì bất kỳ lý do nào có thể biện minh được. Nghĩ khác đi, và nói khác đi thì cũng y như bảo rằng: trong đời sống con người, sẽ có những tình huống nẩy sinh khiến cho ta nghĩ rằng việc không chấp nhận Chúa là Chúa thì vẫn hợp luật như thường.” 

Người Công Giáo thực hiện việc ngừa thai cũng đều đều y như bất kỳ ai. Có một lý do: là họ đã không được thông báo và giải thích đầy đủ. Nhiều nhà thờ và trường Công Giáo đã đóng cửa hay bị sát nhập do thiếu giáo dân và học sinh. Câu trả lời công bằng có thể là: “Kính thưa Đức Cha (hoặc Cha), sẽ không xẩy ra như thế đâu nếu Đức Cha/Cha cũng như các vị tiền nhiệm biết làm đúng chức năng của mình, suốt từ 40 năm qua cho đến hôm nay, trong việc giáo dục bổn đạo về sự ác của ngừa thai và về toàn thể giáo huấn tích cực của Giáo Hội liên quan đến hôn nhân và quà tặng của sự sống.” Anh chị em sinh viên Công giáo tốt nghiệp hẳn biết rõ điều này. Anh chị em đừng sợ việc sống đạo. Nhưng hãy giảng dậy việc sống đạo, bằng lời nói cũng như bằng gương sáng.

Quả thật là có mối tương quan rõ ràng giữa các tiền đề của thời đại Ánh Sáng với việc ngừa thai và những điều tác hại như sách báo tranh ảnh khiêu dâm, việc chồng chung vợ chạ, ly dị, thụ thai trong ống nghiệm, tạo sinh vô tính, vân vân. Tháng qua, các khoa học gia tại Viện Đại Học Newcastle, Anh Quốc, đã loan báo rằng họ đã tạo ra được một “phôi thai tạo mẫu” với DNA của một người nam và hai người nữ, cho ra đời một đứa trẻ có hai bà mẹ. Các khoa học gia Hoa Kỳ sẽ không đứng xa đằng sau.

ĐHY Joseph Ratzinger—nay là ĐGH Bênêđictô XVI—đã nói đến điểm này vào năm 2002. Ngài bình luận về chương 3 sách Sáng Thế Ký mô tả việc các thiên thần mang gươm lửa canh giữ vùng phía Đông vườn Điạ Đàng hầu không cho con người, sau cuộc sa ngã, được ăn trái từ Cây Sự Sống. Sau khi sa ngã, con người bị cấm ăn trái cây bất tử, “bởi vì trong điều kiện sa ngã thế này mà trở thành bất tử thì chính là bị…trầm luân đời đời.” Ratzinger nói: “Hiện nay người ta đang hái trái từ cây sự sống và tự tạo cho mình trở thành chủ nhân của sự sống, người ta đang tái lập sự sống…Điều con người lẽ ra phải thận trọng đừng bao giờ làm thì nay lại đang xẩy ra; con người đang nhấp chân bước qua phần biên giới cuối cùng…Con người đang biến người khác trở thành sản phẩm của chính mình. Con người không còn được khai sáng trong mầu nhiệm của tình yêu nữa, qua thụ thai và hạ sinh…mà qua con đường thành phẩm của kỹ nghệ, giống y như các sản phẩm khác…Chúng ta có thể đoan chắc điều này: Thiên Chúa sẽ phải hành động để ngăn chận tội ác tối hậu, một hành vi tự hủy tối hậu của con người. Ngài sẽ phải hành động chống lại nỗ lực giảm hạ con người qua việc chế tạo ra những hữu thể-nô lệ. Hẳn nhiên là phải có lằn mức mà con người không thể vượt qua…” 

Vấn đề thật nghiêm trọng. Thành phố Ninivê đã ăn năn, đã cầu nguyện và đã được tha thứ. Trong khi đó Sođôma và Gômôra thì không ăn năn, cũng chẳng cầu nguyện, và chuyện gì phải xẩy đến đã đến. Nếu muốn, số phận ấy cũng sẽ dành cho chúng ta.

Nhìn những sự kiện này với cặp mắt nhân loại, ta sẽ chỉ thấy vô vọng. Nhưng chúng ta không hề cậy dựa vào sức mình. Chúng ta cũng chẳng biết tất cả mọi sự. Đừng thất vọng khi những điều không hay xẩy đến. Thánh Maximilian Kolbe nói: “Thiên Chúa cho phép mọi việc xẩy ra để nhắm đến một phúc lành lớn hơn.” Hãy tin tưởng nơi Chúa. Cha Walter Ciszek, dòng Tên, người đã trải qua 25 năm trường trong các trại tù Liên Sô, đã nói rằng điều Chúa muốn, nhất là trong những lúc oan trái hoặc hiểm nguy, chính là “một hành vi tín thác trọn vẹn,” vốn đòi hỏi nơi ta một “niềm tin tuyệt đối: tin vào sự hiện hữu của Chúa, tin vào sự quan phòng của Ngài, tin vào sự ân cần săn sóc của Ngài cho đến tận những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong đời ta, tin vào quyền năng của Ngài luôn nâng đỡ ta, và tin vào tình yêu của Ngài luôn che chở ta.” 

Hãy tín thác vào Chúa! Hãy cầu xin, nhất là với Đức Mẹ, là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta. Năm 1571, tại Lepanto, số phận các chiến đoàn Kitô giáo hẩm hiu đến độ, nếu như bây giờ thì Las Vegas sẽ đánh cá ngay lập tức. Thế nhưng những lời cầu nguyện dâng lên Mẹ Maria Mân Côi đã đem lại chiến thắng. Mẹ cũng có thể lo cho các vấn đề hôm nay của ta. Hôm nay có mặt nơi đây thật là một dịp trọng đại. Ta biết rằng mình đang ở bên phe chiến thắng. THIÊN CHÚA KHÔNG HỀ CHẾT. NGÀI CŨNG CHẲNG MỎI MỆT.

Xin cảm ơn vì đã cho tôi đặc ân được ở đây với anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em, cho gia đình anh chị em và cho Viện Đại Học Công Giáo thân thương của chúng ta. Xin Chúa chúc lành cho đất nước Hoa Kỳ của chúng ta.

06/11/10

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Nguyễn Kim Ngân