Tài Liệu Khác

Trong Thánh Lễ, tất cả chúng ta đều dâng máu và thịt mình. Đó là khuyến cáo trong bài giảng mùa chay năm nay của Cha Raniero Cantalamessa trước Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều Rôma. Theo cha, điều làm cho Đức Kitô Linh Mục khác với bất cứ linh mục nào, bất luận là của Cựu Ước hay của bất cứ tín ngưỡng nào, là: hiến lễ linh mục của Người là chính Người. Nhưng tính độc đáo ấy cũng là ơn gọi chung của các linh mục và giáo dân phải “bắt chước điều đang được cử hành” hàng ngày trong Thánh Lễ. 

Cha Cantalamessa nói rằng: “Muốn làm linh mục ‘theo dòng Chúa Giêsu Kitô’, linh mục cũng phải dâng mình như Người.. Trên bàn thờ, linh mục không những đại diện cho Chúa Giêsu trong tư cách ‘linh mục thượng phẩm’, mà còn phải đại diện cho Người trong tư cách ‘hiến sinh tối cao’; hơn nữa, hai điều ấy không thể tách rời nhau được. Nói cách khác, linh mục không thể chỉ bằng lòng với việc dâng Chúa Kitô trong các biểu hiệu bí tích của bánh và rượu cho Chúa Cha, mà cùng với Chúa Kitô, ngài còn phải dâng chính ngài cho Chúa Cha nữa”. 

Vị giảng thuyết đã chia sẻ với mọi người chính cảm nghiệm riêng của ngài về hiến lễ này: “Trong tư cách một linh mục được Giáo Hội phong chức, con đọc lời truyền phép ‘trong con người Chúa Kitô’, con tin rằng, nhờ Chúa Thánh Thần, các lời ấy có sức mạnh biến đổi bánh thành mình Chúa Kitô và rượu thành máu của Người; cùng một lúc, trong tư cách một thành viên trong nhiệm thể Chúa Kitô […], con ngước nhìn anh chị em đang ở trước mặt con hoặc nếu con cử hành một mình, con nghĩ đến những người con sẽ phải phục vụ trong ngày, và quay qua họ, cùng với Chúa Giêsu, con thầm thĩ nói: ‘anh chị em thân mến, hãy cầm lấy mà ăn, này là mình tôi; hãy cầm lấy mà uống, này là máu tôi’”. 

Cha Canatlamessa minh định thêm rằng việc dâng mình hỗ tương ấy là điều cần thiết. Cha nói: “Việc dâng lễ của linh mục và của toàn thể Giáo Hội mà không có lễ dâng của Chúa Giêsu sẽ không thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa, vì chúng ta chỉ là những tạo vật tội lỗi, nhưng lễ dâng của Chúa Giêsu mà không có lễ dâng của nhiệm thể tức Giáo Hội, cũng sẽ không hoàn tất và đầy đủ: xin hiểu cho là không phải không đem lại ơn cứu độ, nhưng vì chúng ta phải nhận lãnh và thủ đắc lấy ơn cứu độ ấy. Chính theo nghĩa này,Giáo Hội có thể cùng thánh Phaolô nói rằng: ‘tôi hoàn tất trong thân xác mình điều còn thiếu trong các thống khổ của Chúa Kitô’”. 

Vị giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng đưa ra một thí dụ để làm sáng tỏ điều trên. Ngài bảo: “Hãy lấy một thí dụ: trong gia đình kia có người con cả hết sức kính mến cha mình. Anh muốn dâng lên người cha một tặng phẩm nhân ngày sinh nhật của ông. Tuy nhiên, trước khi dâng tặng phẩm ấy, anh yêu cầu các em trai em gái bí mật ghi thêm chữ ký của họ trên tặng phẩm. Và thế là gói quà đến tay người cha như một tặng phẩm của mọi người con không phân biệt, như một dấu chỉ lòng kính trọng và yêu thương của tất cả những đứa con ấy, dù trên thực tế chỉ có một người con đã bỏ tiền ra mua. 

” Áp dụng vào trường hợp của chúng ta. Chúa Giêsu rất khâm phục và yêu mến Cha trên trời. Người muốn dâng lên Chúa Cha hàng ngày, cho đến tận thế, tặng phẩm qúy giá nhất Người có thể nghĩ ra được, đó chính là mạng sống của Người. Trong Thánh Lễ, Người mời gọi mọi ‘anh chị em’ của Người, là chính chúng ta, ghi thêm chữ ký của họ lên tặng phẩm ấy, để nó tới tay Chúa Cha như môt tặng phẩm của hết mọi con cái của Chúa Cha. […] dù trên thực tế, chỉ có một người phải trả giá cho một tặng phẩm như thế. Một cái giá cao biết chừng bao!

Cả giáo dân nữa

Cha Cantalamessa đề nghị: cả giáo dân nữa cũng được mời gọi cùng với Chúa Kitô, dâng mình trong Thánh Lễ nữa. Cha nói: “Ta hãy tưởng tượng xem điều gì sẽ xẩy ra nếu cả giáo dân, trong lúc truyền phép, cũng thầm lặng nói rằng ‘Hãy cầm lấy mà ăn, này là mình tôi. Hãy cầm lấy mà uống, này là máu tôi’”. Một bà mẹ gia đình cử hành Thánh Lễ kiểu đó, rồi trở về gia đình và bắt đầu ngày sống của mình với hàng ngàn những công việc vặt vãnh. Nhưng những điều bà làm đó không vô nghĩa: nó là lễ tạ ơn cùng với Chúa Giêsu! Một nữ tu, lúc truyền phép, cũng nói trong trái tim mình: ‘Hãy cầm lấy mà ăn…’; rồi sau đó cũng trở về với công việc hàng ngày: phục vụ trẻ em, người bệnh, người già. Lễ Tạ Ơn ‘xâm chiếm’ ngày sống của chị biến nó trở thành một Thánh Lễ kéo dài”. 

Vị giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng cho rằng hai loại người nên đặc biệt lưu ý tới lời kêu gọi này là công nhân và nguời trẻ. Ngài thắc mắc “Chúng ta có dạy người công nhân Kitô hữu, trong Thánh Lễ, hãy dâng mình và máu họ, tức thì giờ, mồ hôi và nỗi vất vả của họ không?” Làm như thế, lao công không còn là một tập chủ Mác-xít về sản phẩm nữa, nhưng đúng hơn nó đã trở thành một lực thánh hóa. Và người trẻ nữa, theo cha Cantalamessa, họ cũng cần phải dâng mình trong Thánh Lễ. Cha giải thích: “Ta chỉ cần nghĩ tới điều này: Thế giới con trai con gái ngày nay muốn gì? Thân xác, chả còn gì khác ngoài thân xác! Trong não trạng thế gian, thân xác, trong yếu tính, chỉ là dụng cụ để hưởng lạc và khai thác lẫn nhau. Một điều gì đó để mua bán, vắt ép khi còn trẻ và hấp dẫn, để rồi sau đó bị quẳng đi cùng với chính con người họ, khi nó không còn phục vụ các mục tiêu kia nữa. Cách riêng, thân xác đàn bà đã trở thành một món hàng tiêu thụ. “Ta có dạy các trẻ trai trẻ gái Kitô hữu, vào lúc truyền phép, hãy nói: ‘Hãy cầm lấy mà ăn, này là mình tôi hiến tặng cho các bạn’. Thân xác được ‘truyền phép’ như thế đã trở nên một cái gì thánh thiêng, không còn là ‘đồ ăn’ phục vụ tư dục của mình và của người khác, không thể đem ra mua bán được nữa, vì đã được hiến lễ rồi, đã trở thành Thánh Thể cùng với Chúa Kitô rồi”.

Cha Cantalamessa nhắc lại lời khuyên của Thánh Phaolô ngỏ với Kitô hữu Côrintô: “Thân xác không có ý dành cho vô luân, nhưng dành cho Chúa. … Do đó, anh em hãy tôn vinh Chúa trong thân xác anh em”.

Vũ Văn An