Tài Liệu Khác

Người cũ - Người mới

Khổng Nhuận

 Mỗi lần mùa chay tới, các giáo xứ đua nhau tổ chức tuần tĩnh tâm với những bài giảng thật hấp dẫn do các linh mục nổi tiếng phụ trách. Người ta ngồi chật ních nhà thờ. Ai cũng nức nở khen cha giảng hay!!. Nhưng rồi Lời Chúa vừa gieo vào lòng đã bị chim trời bay xuống ăn mất. Rồi mùa chay năm sau, lại lũ luợt rủ nhau nghe cha giảng, và lại nức nở khen hay!!. Còn chuyện sám hối, chuyện cởi bỏ con người  cũ, mặc con người  mới … biết rồi, khổ lắm, nói mãi !! Thế nên, người cũ vẫn hoàn người cũ….

 

Trước hết chúng ta thử nhìn kỹ bộ mặt thật của con người cũ và con người mới.

I.   GƯƠNG MẶT CON NGƯỜI CŨ

Ngay từ thủa ban đầu, con người mới được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng tiếc thay, con người mới mau chóng trở thành con người cũ vì thích tìm điều lành, tránh điều dữ theo ý xác phàm như trong câu chuyện ông bà ăn trái biết lành biết dữ. Trước kia tôi cứ thắc mắc: Biết lành biết dữ thì tốt chứ, sao lại bị phạt? Sau đó tôi mới hiểu rằng: Theo ánh mắt Chúa, tất cả những gì có mặt trên trái đất này đều tốt lành (St 1,13 ). Chỉ có con người mới thích phân biệt lành dữ theo quan niệm của mình. Tất cả những gì có lợi, may mắn, giàu sang thì người ta cho đó là điều lành. Đôi khi chính điều lành này gây đau khổ cho người khác, nhưng người ta vẫn cảm thấy sung sướng và coi những đau khổ của những người  khác chẳng là gì cả. Trái lại, khi gặp điều tai hại, xui xẻo, nghèo túng thì lại cho là điều dữ, điều xấu, và họ cảm thấy rất khó chịu, khổ sở, u buồn, tủi nhục, thất vọng.

Như thế, nguyên nhân chủ yếu và quan trọng nhất khiến con người mới biến thành con người cũ chính là con người chỉ còn sống cho mình, cho những lợi lộc, ích kỷ cho mình. Đây là bộ mặt thật của con người  cũ:

  • Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt. (Rm 8,5)

Hướng đi của xác thịt là chạy theo những quyến rũ của thế gian:

  • Mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt,
    dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của,
    tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha,
    nhưng phát xuất từ thế gian;
    mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó
    .(1Ga 2,16-17)

Quả vậy, thế gian luôn biến đổi. Nếu ta chạy theo nó, lúc nhắm mắt xuôi tay, ta không mang theo được gì: nhà cửa, địa vị, sắc đẹp, khôn ngoan, danh tiếng… Tất cả chỉ là hư ảo, phù phiếm;

  • Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.(Gs 1,2)

Cuối cùng, hậu quả bi đát nhất, kinh khủng nhất là sẽ phải chết.

  • Nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết. (Rm 8,13)

Tóm lại, con người cũ là một con người lấy cái tôi làm chúa của mình, mà quên mất mình còn có một cái tôi chân thực quý báu hơn cả ngàn lần cái tôi ảo tưởng ấy. Thành thử ra, con người  cũ cứ bị cuốn hút theo những dục vọng, đam mê phù phiếm của thế gian. Những đam mê này khiến cho con người cũ đắm chìm trong bóng tối tăm. Sống mà như đã chết - một tử thi biết đi.Tuy mang tiếng là người Kitô hữu, nhưng đáng tiếc thay! Con người cũ không có sự sống của Đức Kitô trong tâm hồn!

II.  KHUÔN MẶT CON NGƯỜI MỚI

Quá thương nhân loại đắm chìm trong bóng tối tăm, Thiên Chúa đã tìm cách lôi kéo nhân loại trở về với con người đích thực của mình bằng cách sai một loạt các ngôn sứ để nhắc nhở, nhưng hầu như chẳng ăn thua gì. Cuối cùng, Ngài sai chính con của Ngài là Đức Giêsu xuống trần để làm sống lại hình ảnh con người mới ấy. Nhờ đó, chúng ta có dịp nhìn lại tâm hồn mà khám phá ra khuôn mặt con người mới mang hình ảnh Thiên Chúa của mình.

Chúng ta cùng nhau đọc lại những lời Kinh Thánh nói về Đức Giêsu – con người mới của Thiên Chúa.

  • Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,
    là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,
     (Cl 1,15)
  • Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa(Dt 1,3)
  • Thật vậy, nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể, (Cl 2,9)

Chúng ta nên lưu ý rằng Đức Giêsu không phải là người duy nhất giống hình ảnh Thiên Chúa và độc quyền mang bản tánh Thiên Chúa , mà còn cả chúng ta - những người con của Cha và cũng là đàn em của anh cả Giêsu. Chúng ta cũng giống hình ảnh Thiên Chúa và mang bản tánh Thiên Chúa. Tất nhiên là do Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta từ muôn thủa.

  • Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, (2Pr 1,4)
  • Anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu(Cl 3,10). Have put on the new self, which is being renewed, for knowledge, in the image of its creator.

Ơn thông hiểu - thực ra đây chỉ đơn giản là sự thông hiểu (for knowledge). Sự thông hiểu là một đề tài hấp dẫn cho những ai khao khát tìm kiếm chân lý. Sự thông hiểu này chính là trí tuệ tâm linh sáng ngời. Nó giúp ta cảm nhận Thiên Chúa một cách thâm sâu nhất, trọn vẹn nhất, đích thực nhất; không cần phải qua những hình ảnh mang màu sắc nhân loại: người cha nhân lành,người bạn thân ái, người tình yêu quý, thậm chí là ông công an chuyên ghi sổ phạt, ngài thẩm phán công minh.

Sự thông hiểu này được diễn tả qua một số câu Kinh Thánh. Chúng ta làm quen với câu sau:

Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt.

Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi.  (1Cr 13,12)

Bây giờ chỉ ngày tháng đã qua - ta rất lờ mờ về Chúa. Còn mai sau - không phải là đợi tới khi chết, ta mới mở mắt ra và thấy Chúa thánh thiện, tốt lành; mà ngay từ bây giờ - khi chúng ta bỏ con người cũ, mặc con người mới - chúng ta đã có thể biết Chúa như Chúa biết ta. Bởi lẽ ta được giống như Ngài vì Ngài thế nào, ta sẽ thấy Ngài như vậy. Đây chính là sự thông hiểu đích thực

Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa;
nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.
Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện,
chúng ta sẽ nên giống như Người,
vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
 (1Ga 3,2)

Khi Đức Kitô xuất hiện. Khi nào vậy? Không phải đợi cho tới khi Ngài tái lâm đâu. Mà ngay khi ta cảm nhận được sự hiện diện sống động của Đức Kitô ngay trong tâm mình, thì lúc đó, ta sẽ xác tín mình nên giống như Người và sẽ “thấy” Ngài càng lúc càng rõ - tất nhiên là bằng ánh mắt tâm linh.

 

Thêm vào đó, Ngài con trang bị cho ta Thần Khí của Ngài, nhờ đó chúng ta anh dũng, mạnh mẽ, biết yêu thương và biết tự chủ cuộc đời mình.

Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. (2Tm 1,7)

Tóm lại, khuôn mặt đích thực của con người, mới gồm có những đặc điểm sau đây: Mang hình ảnh Thiên Chúa – sáng láng, đẹp đẽ; Thông phần bản tánh Thiên Chúa – thánh thiện, tinh tuyền, sống đời đời, thông hiểu; Và nhờ tràn đầy Thần Khí Thiên Chúa, chúng ta mạnh mẽ, biết yêu thương và tự chủ trong bất cứ hoàn cảnh nào chỉ vì có Chúa ở trong ta, nên một với ta.

Như vậy, chúng ta đã nhìn ngắm bộ mặt thật của con người cũ và con người mới tương đối rõ ràng với những nét chính yếu nhất.

LÀM CÁCH NÀO ĐỂ MẶC CON NGƯỜI MỚI

Ắt hẳn là có nhiều người tự đặt câu hỏi này và đã từng xoay xở nhiều cách như bố thí, ăn chay, hãm mình, hy sinh, làm việc tông đồ nhiều hơn. Nhưng cuối cùng, con người cũ vẫn y như con ngựa bất kham, luôn bướng bỉnh quay trở về đường xưa với những lối mòn muôn thủa.

 

I.   LÝ THUYẾT:

Metanoya (meta = change + noya = mind) thay đổi quan niệm, tư tưởng, não trạng..

1. Quan niệm cũ

 

Mỗi mùa chay tới, chúng ta thường thực hiện một số công việc cụ thể:

Tiêu cực: Xưng tội, chừa một vài tính xấu, bớt hút thuốc, bớt uống rượu, bớt cờ bạc, bớt nóng giận, bớt nói hành …

Tích cực :Ăn chay, kiêng thịt, đi lễ, rước lễ, làm việc tông đồ, làm việc bác ái nhiều hơn thường..

Thế nhưng mấy chục mùa chay qua đi, con người cũ vẫn hoàn con người cũ.

Tại sao vậy?

Vì theo quan niệm cũ, chúng ta cứ tưởng tôi là vật mọn phàm hèn trước một Đấng Chí Tôn vô cùng cao sang. Chúng ta cứ tưởng mình là tên tội lỗi xấu xa gớm ghiếc trước một vị Thiên Chúa nghìn trùng thánh đức.

Chính cái điều cứ tưởng này là liều thuốc độc cực mạnh. Nó làm tê liệt ý chí phấn đấu khiến cho việc nên thánh trở thành không tưởng. Anh em nhà Phật gọi đó là “lấy đá đè cỏ”. Qua mùa chay, nhấc hòn đá  “những công việc cụ thể trên”, lập tức cỏ luời biếng, cỏ tham lam, cỏ kiêu ngạo, cỏ ghen ghét, cỏ bê tha, và hàng chục thứ cỏ khác … lại tiếp tục mọc lên xum xuê - con người cũ vẫn còn nguyên.

Nói tới đây, tôi nhớ lại thời xưa ở trong chủng viện. Mỗi ngày một vài lần, thầy giám thị ra lệnh tạm ngưng học bài vài phút, đứng lên để rước lễ thiêng liêng. Nhưng khổ nỗi, vì vẫn cứ tưởng linh hồn mình yếu đuối phàm hèn, nên mặc dù tôi đã rước Chúa thật hơn 3000 lần và cũng rước lễ thiêng liêng hơn 3000 lần, nhưng tôi vẫn cảm thấy giữa Chúa và tôi luôn có một khoảng cách lúc gần, lúc xa, lúc nồng ấm, lúc lạnh nhạt … giả sử tôi cứ tiếp tục tu trong tâm tưởng nô lệ, yếu đuối như thế 40 năm nữa, chắc chắn tôi mãi mãi vẫn mang tâm trạng con người cũ: yếu đuối, tội lỗi, phàm hèn…

2.  Quan niệm mới

 

Mỗi mùa chay tới, chúng ta cũng thường thực hiện một số công việc cụ thể như trên:

Tiêu cực: Xưng tội, chừa một vài tính xấu, bớt hút thuốc, bớt uống rượu, bớt cờ bạc …

Tích cực: Ăn chay, kiêng thịt, đi lễ, rước lễ, làm việc tông đồ, làm việc bác ái nhiều hơn thường..

Nhưng khác một chút xíu thôi… khác ở chỗ chúng ta thực hiện những việc này trong tâm tưởng vui tươi thoải mái vì chúng ta ý thức rằng mình là con yêu dấu của Cha. Chúng ta làm không phải để lập công sau này sẽ được lên thiên đàng, cũng không phải để đền tội hy vọng sẽ được giảm phần phạt nơi luyện ngục, nhưng chỉ để tình ta và Chúa ngày càng sâu đậm hơn, chúng ta ngày càng giống Chúa hơn, chúng ta ngày càng nên một với Chúa của lòng mình hơn.

Như vậy, về mặt lý thuyết, chúng ta thay đổi quan niệm cũ bằng cách đón nhận quan niệm mới. Thêm vào đó, chúng ta bước sang phần thực hành.

II.   THỰC HÀNH

     Sau đây là là một vài gợi ý thực hành xin mạn phép chia sẻ với quý độc giả

1.  Đọc Kinh Thánh từ từ, gặp câu nào tâm đắc, ta dừng lại thật lâu, cá nhân hoá và nội tâm hóa từng chữ để Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống thấm dần, thấm dần vào tâm mình.

2.   Trong ngày, chúng ta thường sống như cái máy. Nhưng nhờ Lời Chúa dần dần thấm vào tâm, chúng ta thỉnh thoảng dừng lại một vài phút – đây là những giây phút tỉnh thức - để cảm nhận Chúa đang thực sự sống động qua bàn tay, đôi chân của mình. Thí dụ như: Ta đi lên rước Chúa ư? Thường thì vẫn máy móc như xưa, nhưng chúng ta nên đi hơi châm lại một chút và tâm sự với Chúa: Chúa à, con đang tới rước Chúa vào lòng để con xác tín rằng – xác tín thực sự chứ không phải ngoài môi miệng -  Chúa đang hiện diện và sống động trong con - Chúa trong con và con trong Chúa.

 

Ta lái xe tới sở làm ư? Lâu lâu tự nhắc nhở mình Chúa đang sống trong ta, Ngài lái xe qua đôi tay của ta.

Ta nhâm nhi café ư? Thỉnh thoảng cũng nên trầm mình xuống một chút để cảm nhận Chúa cũng đang thưởng thức hương vị thơm tho của café qua môi miệng ta. Thú vị quá! Ta vừa thưởng thức café vừa nếm hương vị ngọt ngào trong vài giây phút kết hợp với Chúa.

Người khác sỉ nhục, loại trừ ta ư? Ta không cô độc buồn tủi vô ích vì có Chúa ở với ta. Dù rằng lúc đầu cũng buồn 15 – 20 phút, nhưng sau đó, chúng ta sẽ cảm thấy chẳng có “gờ-ram” nào cả.

3. Đặc biệt, mỗi tối, chúng ta xét mình xem trong ngày qua, chúng ta đã sống được mấy phút. Lúc đầu chưa quen, nên chúng ta dễ quên, nhưng dần dần thời gian sống kết hợp với Chúa chắc chắn sẽ càng ngày càng tăng lên, càng thường xuyên hơn. Lúc đó, chúng ta mới cảm được hương vị bình an, lâng lâng thanh thoát trong tâm tình hiệp nhất với Ngài.

Dầu thức hay ngủ, chúng ta cũng sống với Người (1Tx 5,10)

4.  Bạn tâm giao: Nếu ta có một hay vài người bạn tâm giao để chia sẻ, để đặt nghi vấn rồi cùng nhau giải quyết thì đây là một động lực rất tốt giúp cho cuộc sống tâm linh tiến bộ rất nhanh.

LƯU Ý QUAN TRỌNG

Con người cũ – con người mới ở đây không phải là 2 người tách biệt nhau, mà chỉ là do cách nhìn theo nhân loại hay theo tâm linh mà thôi.

Theo cách nhìn nhân loại thì chúng ta là con người cũ với tất cả những đặc tính như kiêu ngạo, tham lam, ích kỷ, háo danh, mê đắm thế gian ... yếu đuối, tội lỗi, phàm hèn…

Trong khi đó, theo cách nhìn tâm linh thì chúng ta là con người mới với những đặc tính tuyệt vời: con yêu dấu của Chúa, tràn đầy Thần Khí Thiên Chúa: tình yêu, sức mạnh, tự chủ, hoan lạc, bình an…

Nói cho có vẻ tượng hình thì đây là một cuộc biến chuyển từ cõi chết mà vào cõi sống:

Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống. (Ga 5,24)

Tất nhiên là biến chuyển này không xảy ra ngay lập tức nhưng biến chuyển rất chậm chạm tùy theo những khám phá mới mà chúng ta sẽ gặt hái được trong quá trình đọc Kinh Thánh, thức tỉnh vài phút, xét mình hay chia sẻ với bạn tâm giao. Tuy nhiên,  trong giai đoạn đầu rất hấp dẫn - giống như thời gian thần tiên của cặp tình nhân đang tìm hiểu nhau - càng hiểu Chúa ta càng thấy Chúa có sức cuốn hút ghê gớm, sức cuốn hút còn mạnh mẽ gấp chục lần cơn cám dỗ ngày xưa. Không tin ư? chúng ta cứ thử xem.

Tóm lại, muốn cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới thì điều quan trọng đầu tiên là phải thay đổi lối nhìn nhân loại bằng ánh mắt tâm linh. Chính sự thay đổi quan niệm này giúp chúng ta xác định, nhìn rõ khuôn mặt đích thực của con người mới với những đặc điểm tuyệt vời của mình. Từ đó bước sang phần thực hành, chúng ta không còn bận tâm tới những vấn đề tiêu cựcnhư: yếu đuối, phàm hèn, tội lỗi, xấu xa…Trái lại, chúng ta chỉ còn một vấn đề trước mắt: đó là quyết tâm lên đường tìm kiếm chân lý bằng những khám phá mới liên tục và thực tập sống những giây phút tỉnh thức - sống từ nguồn sống dồi dào của Thần Khí Thiên Chúa - sức sống thần linh tràn đầy sức mạnh của Chúa ngay trong tâm mình, sao cho ngày càng mật thiết với Chúa hơn - mật thiết đến nỗi chúng ta cũng cảm nghiệm được như anh cả Giêsu: “Tôi và Cha tôi là một”. Từ lúc đó, chúng ta bắt đầu trở thành con người mới đích thực.