Tài Liệu Khác

Đức Giêsu Kitô

Người ta thường quan niêm về Đức Giêsu qua những hình ảnh vĩ đại như sau:

·   Ngài có nhân cách thu hút mạnh mẽ.

·   Ngài là một vị thủ lãnh đầy sức lôi cuốn.

·   Ngài là một người quyền năng phi thường, làm cho kẻ què đi được, người mù xem thấy, kẻ chết sống lại.

·   Ngài đã được các ngôn sứ báo trước hàng mấy thế kỷ. Sự xuất hiện của Ngài chia lịch sử nhân loại làm hai thời kỳ: Trước và sau công nguyên.

·   Đặc biệt là Đức Giêsu tuyên xưng mình là Thiên Chúa. Không một giáo chủ nào dám tuyên bố như vậy.

Thế là giáo dân chúng ta tha hồ mà hãnh diện và đầy tự hào mình là tín đồ của một giáo chủ quyền năng nhất thế giới với những đặc điểm siêu việt, độc nhất vô nhị. Ngài trổi vượt hơn tất cả những giáo chủ khác trên trần gian này.

Nhưng ... thật oái oăm !! Nếu chúng ta nhìn Đức Giêsu với ánh hào quang siêu nhân kể trên, vô tình chúng ta đẩy Ngài lên quá cao, quá xa, đến nỗi chúng ta chỉ còn biết bái phục, chiêm ngưỡng, thờ lạy Ngài mà thôi. Chúng ta khó lòng noi gương Ngài, bắt chước Ngài, bước theo Ngài và càng khó có thể sống mật thiết với Ngài. Khoảng cách ngàn trùng xuất hiện, ngăn cản bước chân trùng phùng giữa Chúa và ta. Lúc đó, ta chỉ còn thấy hình ảnh Đức Giêsu bao phủ tầng tầng lớp lớp ánh hào quang rạng ngời khiến ta vừa tự hào vừa xa lạ với Đức Giêsu uy quyền thánh đức: Khuôn mặt đích thực của Ngài đã bị méo mó trong tâm thức của chúng ta rồi.

Vậy  chúng ta nên nhìn Đức Giêsu với những khuôn mặt dễ thương sau đây:

1. Đức Giêsu là con yêu dấu của Cha.

 

Sau khi Đức Giêsu chịu phép Rửa trên sông Gio-đan, Chúa Cha đã công bố: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người." (Mt 3,17). Lần thứ hai, khi Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor,Chúa Cha đã phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! " (Mt 17,5).

2.  Đức Giêsu là Anh Cả của chúng ta

 

Chính Đức Giêsu đã mở ra cho chúng ta một hy vọng chứa chan, một bầu trời tươi sáng khi xác quyết rằng: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em” (Ga 20,17).

Một thời gian sau, Thánh Phao-lô đã khám phá vai trò trưởng tử của Anh Cả Giêsu qua những chia sẻ đầy chân tình: Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo …Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. (Cl 1,15,18).

Vì sao vậy? Vì Đức Giêsu và chúng ta cùng phát xuất từ một Chúa Cha: Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giê-su, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là các em, khi nói: Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho các em tất cả được hay, và trong đại hội Dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương. Bởi thế, Người đã phải nên giống các em mình về mọi phương diện, (Dt 2,11,12,17) - Dịch giả An-sơn Vị đã dùng từ các em thay cho từ anh em cho hợp với tâm tình Việt nam và mạch văn: Trưởng tử - Anh Cả đối với các em.

Hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết rằng từ muôn thủa, Chúa Cha đã yêu thương chúng ta và nhất là: Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước, Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. (Rm 8,28-29). Vì chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu để Ngài làm trưởng tử - Anh Cả giữa một đàn em đông đúc.

3. Đức Giêsu sống kết hợp mật thiết với Chúa Cha trong Thánh Thần

 

Đây là khuôn mặt đích thực, ngời sáng nhất. Khuôn mặt con yêu dấu của Cha và Anh Cả chỉ là khuôn mặt chuẩn bị cho khuôn mặt đích thực và ngời sáng này.

Có người cho rằng Đức Giêsu đến trong thế giới không phải đề sống - nhưng là để chết. Tất nhiên là họ đề cao sứ mạng cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh tự hiến mình trên Thánh Giá. Đúng thôi, nhưng từ năm 1964, Công Đồng Vaticanô II đã quan niệm sự cứu rỗi dưới hình thức hiệp thông với Ba Ngôi:  Giáo Hội phổ quát xuất hiện như “một dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” ( Hiến chế Tín lý về Giáo hội 1:4) Đã nói tới hiệp nhất, lập tức chúng ta hiểu rằng sống trong nhau, cho nhau, vì nhau, nên một trong nhau. Trong lời mở đầu Tin Mừng thánh Gioan, chúng ta dã bắt gặp một câu rất đơn giản, ngắn gọn như một các cửa sổ mở ra cả một khung trời bừng sáng yêu thương: Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa (Ga 1,1). Như trái đất xoay quanh mặt trời, Đức Giêsu luôn hướng về Chúa Cha và lớn lên từ nguồn sống của Cha: Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha (Ga 6,57). Sống nhờ Chúa Cha tức là sống nhờ Thần Khí của Cha. Hay nói cách khác, Đức Giêsu được đầy Thần Khí và sống dưới sự hướng dẫn và quyền năng Thánh Thần.

Ngay giây phút đầu tiên nhập thể trong lòng Đức Maria, Đức Giêsu đã tràn ngập Thần Khí: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.(Lc 1,35). Quyền năng Đấng Tối Cao cũng chính là Thần Khí Thiên Chúa không những bao phủ mà con thấm nhập toàn thân-tâm Đức Maria lẫn hài nhi Giêsu vừa mới xuất hiện trong cung lòng của Mẹ.

Trong suốt thời kỳ ẩn dật tại Nazaret: Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.(Lc 2,40). Sức mạnh, khôn ngoan, ân huệ đích thực là hoa trái của Thánh Thần. Chứng tỏ Đức Giêsu đã lớn lên trong Thần Khí của Cha.

Để mở đầu cho cuộc rao giảng công khai, Đức Giêsu đã chịu phép Rửa.  Đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. (Lc 3,21-22). Chúng ta đừng tưởng Thánh Thần phải kiên nhẫn chờ đợi Đức Giêsu trưởng thành theo kiểu tam thập nhi lập, lúc đó Thánh Thần mới bắt đầu ngự xuống trên Ngài. Đây chỉ là diễn tả theo kiểu nói của nhân loại. Thực ra Thần Khí Thiên Chúa lúc nào cũng tràn đầy trong tâm hồn Đức Giêsu.  

Sau đó, Người được Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. (Mc 4,1). Đức Giêsu đã dành 40 ngày ăn chay, cầu nguyện để chuẩn bị cho cuộc Loan Báo Tin Mừng nước Thiên Chúa: Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê (Lc 4,14). Ta thấy đó từng bước chân của Đức Giêsu đều được Thánh Thần khuyến khích, thúc đẩy hăng hái ra đi bẳng những bước chân đon đả, như những bước chân của Đức Maria cũng đã từng đon đả lên miền sơn cước để đem Tin Mừng cho người chị họ Ê-li-da-bét và hài nhi Gioan vẫn còn trong bào thai.

Chúng ta cùng nhau đọc lại Lời Chúa nền tảng mở đầu cho cuộc Loan Báo Tin Mừng của Đức Giêsu: Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh…Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. (Lc 4,16,18). Như thế, công cuộc Loan Báo Tin Mừng cần phải có điều kiện trước tiên đó là Thần Khí Chúa ngự bên trên và Người sai đi. Tất nhiên chúng ta không thể hiểu máy móc Thần Khí Chúa ngự trên Đức Giêsu như một ông thần chỉ huy dẫn đường. Trái lại, Thần Khí vừa ở trên chiếu soi, vừa ở ngoài, bao phủ, chở che mà còn vừa ở trong như nguồn tình yêu, nguồn sức mạnh, nguồn sức sống thần linh. Chính vì thế Đức Giêsu đã mạnh mẽ tuyên bố: Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống.(Ga 6:63)

Vào những ngày cuối đời, Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. (Dt 9,14). Rồi trong phút lâm chung trên Thánh giá: Đức Giêsu nói: "Thế là đã hoàn tất! " Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.(Ga 19,30).

Sau khi sống lại, Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! "… rồi Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.(Ga 20,19,22).

Chúng ta thấy đó, từ khi hạ sinh trong lòng đức Maria cho tới lúc về trời, Đức Giêsu đã hiến trọn đời mình để sống và lớn lên trong Thần Khí của Cha nên Đức Giêsu mới khám phá ra mộtchân lý vừa cao siêu vừa thực tế mà Anh Cả Giêsu muốn ân cần trao tận tay chúng ta. Đó là cảm nghiệm thú vị tuyệt vời và sâu thẳm khi Đức Giêsu xác tín mình hoà nhập làm một với Chúa Cha, đến nỗi không thể nào phân biệt đâu là Giêsu đâu là Chúa Cha. Cảm nghiệm này được Đức Giêsu xác tín một cách mạnh mẽ với Philipphê: Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. (Ga 14,10). Đã từ lâu chúng ta cứ tưởng Chúa Cha sai Đức Giêsu xuống trần, còn Ngài lo chuyện quan phòng chăm sóc con người và toàn thể vũ trụ. Nhưng qua niềm xác tín của Đức Giêsu chúng ta mới khám phá ra rằng Chúa Cha không những ngự trên trời mà còn hiện diện khắp mọi nơi, đặc biệt là trong tâm hồn mỗi người trong chúng ta để vừa cùng hoạt động với chúng ta vừa làm chủ công việc của chúng ta, khi chúng ta làm trong tâm tình kết hợp nên một với Ngài. Tới lúc này, ngôn ngữ hoàn toàn bất lực, không thể diễn tả được ngoài một tâm tình ngắn gọn: Tôi và Cha tôi là MỘT (Ga 10,30)

Tóm lại, Đức Giêsu là con yêu dấu của Cha và cũng là Anh Cả của chúng ta. Điều hạnh phúc, niềm tự hào của chúng ta không phải ở chỗ chúng ta là tín đồ của một giáo chủ Giêsu siêu quần bạt chúng với những nhãn hiệu bóng bảy như: nhân cách tuyệt vời, thủ lãnh siêu đẳng, quyền năng phi thường, độc nhất vô nhị … Nhưng ở chỗ chúng ta là đàn em của Anh Cả Giêsu rất gần gũi và rất đỗi thân thương.

  Sứ mệnh quan trọng nhất của Anh Cả Giêsu là nói cho chúng ta biết về Chúa Cha. Chúa Cha đã yêu thương chúng ta từ muôn thủa và ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta. Thánh Thần chính là tình yêu bao la, sức sống thần linh và sức mạnh thần kỳ của Ngài. Không chỉ nói mà thôi, Đức Giêsu còn sống và lớn lên trong Thần Khí của Cha từng ngày. Đây quả là một gương sáng vĩ đại, quý báu giúp chúng ta có thể bước theo Anh Cả Giêsu mà sống trong Thần Khí Cha ngày này qua ngày khác. Rồi một ngày gần đây, chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được hương vị ngọt ngào tuyệt vời trong việc sống kết hợp với Cha. Lúc đó chúng ta cũng có thể chân thành chia sẻ với nhau điều mình tâm đắc nhấtTôi và Cha tôi là một.

 

Khổng Nhuận