Tài Liệu Khác

Cốt Tủy Kitô Giáo

Trước đây, chúng tôi chẳng bao giờ đặt vấn đề cốt tủy của đạo mình. Chúng tôi cứ việc sống như cái máy. Chúa nhật, đi lễ. Reng reng, rước lễ. Trước khi đi ngủ, làm dấu và đọc một vài kinh cho có lệ. Gặp người ăn xin, bố thí một vài đồng. Chúng tôi như một đàn cừu đi lang thang mà chẳng biết mình sẽ đi tới đâu. Nhưng ai mà động tới đạo chúng tôi thì coi chừng nhé, đổ máu là chuyện thường. Vụ xung đột Công giáo - Phật giáo thời ông Diệm là thí dụ điển hình. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh chiến đấu cho đạo của mình, nhưng chúng tôi chẳng hề sống đạo, chỉ đơn thuần là giữ đạo thôi. Chính vì thế chuyện Cốt tủy của đạo chúng tôi chẳng quan tâm.

Mãi cho tới khi chúng tôi thấy rằng mình cần phải tìm hiểu sâu hơn thì hầu như ai cũng tự nhiên muốn đặt cho mình một câu hỏi rất nghiêm chỉnh: Cốt tủy của đạo mình là gì?

 

Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi quan trọng này - tùy theo những gì người ta khám phá và áp dụng vào cuộc sống đạo của mình.

Theo ánh mắt Tâm linh, chúng tôi thiết tưởng rằng: Muốn rút ra được cốt tuỷ Kitô giáo, chúng ta cùng nhau nhìn lại cấu trúc 10 bài nền tảng sống đời Kitô hữu.

Cấu trúc 10 bài nền tảng sống đời Kitô hữu.

 

Có 3 phần chính

Phần thứ Nhất: Nền tảng của mọi nền tảng sống đời Kitô hữu. Gồm 4 bài.

Tình yêu Thiên ChúaThiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3,16) Ngoài ra: Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. (Rm 5,5). Thêm vào đó: Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, (2Pr 1,4). Ta thấy đó, Thiên Chúa đã hiến mình cho chúng ta trọn vẹn: Ban con Một, ban Thánh Thần, thông ban Bản tánh Thiên Chúa. Ngài không giữ lại cho mình một điều gì với mong ước chúng ta sống kết hợp nên một với Ngài.

Thánh Thần chính là sức sống thần linh, sức mạnh kỳ diệu để nhờ đó chúng ta vượt qua mọi sự cuốn hút của thế gian mà dễ dàng sống kết hợp nên một với Chúa ngay trong lòng mình.

Đức Giêsu Kitô là con Chúa Cha, là anh cả của chúng ta và là mẫu gương tuyệt vời trong việc sống kết hợp với Chúa Cha trong Thánh Thần.

Người Kitô hữu đồng hình đồng dạng với Anh Cả Giêsu: cũng là con cái của Chúa Cha, là đàn em của Đức Giêsu và noi gương bắt chước Anh Cả sống hiệp nhất với Chúa Cha trong Thánh Thần.

Bốn bài đầu này tạo thành một nền tảng vững chắc như một khối đá khổng lồ, vững chắc để xây dựng ngôi nhà tâm linh.

Phần thứ Hai gồm 4 bài

Người cũ - Người mới: Vẫn biết chúng ta là con cái Thiên Chúa, đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô. Nhưng thực oái oăm, chúng ta vẫn thấy con người cũ của chúng ta yếu đuối, tội lỗi. Chính vì thế chúng ta mới có dịp ngồi lại với nhau để nhận rõ khuôn mặt của cả người cũ lẫn người mới. Từ đó chúng ta tìm cách để cởi bỏ con người cũ mà mặc lấy con người mới là con người, được sinh ra theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Cầu nguyện là một phương thế hữu hiệu trong việc thiết lập mối tương quan thân mật với Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta nên chọn cách nào hợp nhất với mình để áp dụng trong cuộc sống thường ngày và sẵng sàng thay đổi phương pháp khác để có thể hiệp nhất với Chúa gắn bó hơn.

Đọc Kinh Thánh cũng là một phương thế rất tuyệt vời trong việc đón nhận vào tâm trí mình những lời Thần Khí và là sự sống như một mảnh đất màu mỡ cho Lời Chúa sinh nhiều hoa trái. Từ đó, tâm trí chúng ta đầy ắp tư tưởng của Chúa. Chính tư tưởng này là đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta đi trên đường sống đời Kitô hữu đích thực của mình.

Dấn thân Loan Báo Tin Mừng: Một khi tâm hồn mình bình an và hoan lạc trong Thánh Thần. Không những tâm hồn mình mà cả cuộc sống của mình biến thành Tin Mừng Sống Động. Chínhniềm vui  trong Thần Khí Thiên Chúa sẽ thúc đẩy chúng ta náo nức muốn Loan Báo Tin Mừng cho những người khác, tuỳ theo hoàn cảnh trong cuộc sống của mình. Đây cũng chính là việc thực sứ mạng Ngôn sứ mà Thiên Chúa đã trao ngay khi chúng ta còn trong lòng mẹ.

Phần thứ Ba

Đời sau: Không phải mở ra cho chúng ta một tương lai đen tối âm u buồn thảm hay hy vọng mong manh, nhưng chính là dịp để chúng ta xác tín hơn về giai đoạn sống trong hiện tại. Ngay tại đây và lúc này: điều tâm đắc nhất, mối bận tâm nhất của chúng ta lúc này là sống trong Thánh Thần để cuộc đời kết hợp nên một với Chúa ngày càng hoàn hảo hơn, viên mãn hơn, trọn vẹn hơn. Và chính những giây phút ngọt ngào đó là lúc chúng ta đang hưởng Thiên Đàng ngay tại thế gian đầy dẫy vất vả, khó nguy với chông gai lởm chởm trên đường.  

Cốt tuỷ Kitô giáo: Tất cả các bài ở trên đều xoay quanh cái tâm như những hành tinh xoay quanh mặt trời. Vầng Thái dương rực sáng ấy chính là chính là Cốt tuỷ của Kitô giáo.

1.  Cốt tủy của Kitô giáo là gì?

 

Qua những bài được trình bày Theo ánh mắt Tâm linh, chúng ta đã nhận thấy tư tưởng chủ yếu đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tư tưởng này thấm đẫm từng trang như muối ướp cho đời thêm tươi, như ánh sáng soi cuộc sống tâm linh thêm rạng ngời; như mật ong hoà vào đời sống đạo thêm ngọt ngào hạnh phúc. Tư tưởng này chính là;

Sống trong Thần Khí của Cha để kết hợp nên một với Cha.

 

Tuy ngắn gọn như vậy nhưng thực ra câu này chia thành hai phần rõ rệt:

Mục đích: Kết hợp nên một với Cha.

 

Phương thếSống trong Thần Khí của Cha.

 

Đây chính là đỉnh cao, là cốt tủy Kitô gíáo hướng dẫn cuộc sống đạo đích thực của người Kitô hữu. Muốn nắm được cốt tủy của đạo, chúng ta phải tìm hiểu sứ mạng của Đức Giêsu và Ngài đã thực hiện sứ mạng đó như thế nào bằng chính cuộc đời của Ngài.

2.  Sứ mạng của Đức Giêsu

 

Đức Giêsu xuống thế gian này với mục đích gì? Hầu hết chúng ta trả lời: Dễ ợt, Ngài xuống thế chịu nạn chịu chết trên cây Thánh giá để chuộc tội cho nhân loại, để cứu độ loài người đang sống trong bóng tối sự chết, để đưa mọi người về Thiên đàng là nơi vui vẻ chẳng cùng. Amen. Trước kia, chúng tôi cũng hằng tin như vậy, nên chúng tôi ra sức làm việc lành phúc đức với hy vọng mong manh rằng mình sẽ được cứu độ sau khi giã từ cuộc sống trần gian.

Sau này, chúng tôi lại khám phá ra rằng: Ngài xuống trần với một sứ mạnh rất rõ ràng: đó là để mạc khải về Chúa ChaThầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở.(Ga 16,25).Vậy khuôn mặt đích thực nhất của Cha mà Đức Giêsu muốn giới thiệu cho nhân loại là gì? Đức Giêsu xác tín rằng: Thiên Chúa là tình yêu: Thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.(Ga 17,23 ). Để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.(Ga 17,26 ).

 

Thật tuyệt vời, Chúa Cha yêu thương Đức Giêsu như thế nào thì Ngài cũng yêu thương chúng ta như vậy. Chứ không phải Chúa Cha yêu thương Đức Giêsu là con một yêu dấu của Ngài, rồi tới Đức Maria, mẹ Đức Giêsu , kế đó tới các thánh tổ phụ, tiên tri, tông đồ, tử đạo, đồng trinh… cuối cùng rồi  tới các hàng giáo phẩm, linh mục tu sĩ là những người Chúa chọn cách riêng, chỉ còn mộtvài giọt tình yêu mong manh!!! Chúa Cha mới chia cho hàng tỷ giáo dân lúc nhúc nơi phàm trần tối tăm này. Thực vậy, Cha yêu thương mỗi người chúng ta bằng cả một khối tình vĩ đại của mình. Hơn thế nữa, Ngài còn muốn nên một với chúng ta qua lời nguyện tha thiết và rất đỗi chân thành của Đức Giêsu: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một, như chúng ta là một. (Ga 17,22-23). Chắc hẳn là Đức Giêsu đã nói nhiều về tình yêu của Cha, nhưng các môn đệ còn quá u mê, nên không hiểu được điều Thầy mình muốn nói. Bằng chứng là ông Philipphê đã nói lên niềm mong ước : "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện." (Ga 14,8). Ắt hẳn là ông tưởng Chúa Cha sẽ hiện ra uy linh với ánh sáng chói lòa và sấm chớp rền vang với cột lửa bừng cháy thời Mo-sê. Mãi về sau, nhờ sống trong Thần Khí của Cha, các môn đệ mới khám phá ra khuôn mặt đích thực của Cha ngời sáng tình yêu : Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.(1Ga 3,1).

Chúng ta thấy đó, khuôn mặt đích thực của Cha là tình yêu vô biên. Và để chứng tỏ tình yêu bao la, khôn cùng đó: Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thầnmà Người ban cho chúng ta. (Rm 5,5). Thánh Thần chính là sức sống thần linh và sức mạnh toàn năng của Ngài. Thêm vào đó: Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa. (2Pr 1,4).  Đây là một ý tưởng có vẻ rất táo bạo mà thánh Phêrô đã vừa phấn khởi vừa mạnh dạn quả quyết. Tôi thử chia sẻ tư tưởng này với một vài người bạn. Họ ngạc nhiên quá đến nỗi không thể chấp nhận được.

Họ cuồng nhiệt phản đối: Mình là phàm nhân, làm sao có thể thông phần bản tánh Thiên Chúa được? Như vậy là mình bằng Thiên Chúa hay sao? Kiêu ngạo!! phạm thượng!! Nghe chói lỗ tai quá!!

 

 Tôi gợi cho họ một chút suy tư: Đây là Lời ngôn sứ qua môi miệng của Phêrô chứ đâu phải của cá nhân tôi tự mình mà nói ra đâu. Hơn nữa, bạn không biết sao? Chính Đức Giêsu đã khích lệ chúng ta: Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.(Lc 5,48 ).

Nếu chấp nhận mình hoàn toàn là phàm nhân yếu đuối thì không cách nào có thể hoàn thiện như Cha trên trời. Nhưng thử chấp nhận mình được Thiên Chúa cho thông phần bản tánh của Ngài, rất có thể chúng ta có khả năng trở nên hoàn thiện được chứ. Vì việc trở nên hoàn thiện này, không phải do sức cố gắng phàm nhân, nhưng là dựa vào sức mạnh của Thần Khí Thiên Chúa và nhờ mình được thông phần bản tánh thánh thiện của Ngài. Tắt một lời, Ngài đã trao cho ta tất cả, trọn vẹn - Thánh Thần tình yêu, sức mạnh và bản tánh thánh thiện của Ngài - Ngài không giữ lại cho mình điều gì.

Nhưng tới đây, lại bật lên một câu hỏi quan trọng. Ngài ban chính mình Ngài cho ta để làm gì? Trả lời được câu hỏi này tức là ta đã nắm được cốt tủy của Kitô giáo. Thiên Chúa đã cho ta sự sống thần linh, sức mạnh của chính Ngài, bản tánh của Ngài chỉ vì muốn giúp ta Sống trong Thần Khí của Thiên Chúa, để kết hợp nên một với Ngài.

 

Đây là vấn đề hết sức quan trọng và thực tế giúp chúng ta đi vào cuộc sống tâm linh thực sự.  Biết rồi, nhưng làm cách nào để sống và lớn lên trong Thần Khí Thiên Chúa? May mắn thay, Chúng ta đã có mẫu gương tuyệt vời của Anh cả Giêsu và tông đồ Phaolô.

3.  Gương Đức Giêsu

 

Để thực hiện sứ mạng của mình, Đức Giêsu không chỉ nói suông về tình yêu của Chúa Cha mà Ngài còn sống kết hợp nhuần nhuyễn với Chúa Cha của lòng mình qua việc sống trong Thánh Thần và dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.

Vì đã được nói tương đối chi tiết trong bài Đức Giêsu Kitô, nên ở đây chúng ta chỉ cần lướt qua những điểm chính yếu. Ngay từ giây phút đầu tiên xuất hiện trong cung lòng mẹ Maria, Đức Giêsu đã đầy Thánh Thần và lớn lên trong sức mạnh, khôn ngoan và tình yêu của Thánh Thần (Lc 2,40). Thánh Thần hướng dẫn Đức Giêsu vào hoang địa, trở về Galilê. Rồi Thánh Thần theo từng bước chân Loan Báo Tin Mừng của Đức Giêsu dọc theo biển hồ, vào trong các làng mạc,  thành phố. Vì tràn đầy Thần Khí, nên lời Đức Giêsu rao giảng rất khôn ngoan, không ai bắt bẻ được. Lời Ngài đầy uy quyền khiến người nghe phải sửng sốt và thán phục. Trong suốt ba năm rao giảng, Đức Giêsu ý thức rất rõ vai trò ngôn sứ của mình là chia sẻ lời Thiên Chúa - lời mang lại sự sống đời đời: Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. (Ga 6,63). Đặc biệt nhất là Đức Giêsu đã chia sẻ cho chúng ta cảm nghiệm sống động trong việc kết hiệp nên một với Chúa Cha: Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.(Ga 14,10 ). Cuối cùng cảm nghiệm đỉnh cao và tâm đắc nhất của Đức Giêsu để lại cho chúng ta: Tôi và Cha tôi là MỘT. (Ga 10,30).

4.  Gương thánh Phaolô

 

Kể từ biến cố Damas, Phaolô bắt đầu mò mẫm, tìm kiếm, làm quen và tập sống trong Thần Khí Thiên Chúa. Sau 15 năm trời, Phaolô đã viết một loạt lá thơ gửi các giáo đoàn, trong đó Phaolô đã nhắc đi, nhắc lại từ Thần Khí hoặc Thánh Thần tới 147 câu. Ta có thể trích ra một số câu tiêu biểu:

 Khởi đầu từ một niềm tin căn bản: Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. (Rm 5,5). Từ đó Phaolô khám phá ra: anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. (1Cr 6,19 ).

Nhờ vào niềm tin mãnh liệt này, trong cuộc sống thường ngày, Phaolô rút ra một kinh nghiệm rất ư quý báu: Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an. (Rm 8,5-6). Sống theo Thần Khí một thời gian, Ngài đã bị cuốn hút hoàn toàn bởi Thần Khí Thiên Chúa nên Ngài xác tín rằng: Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa. (Rm 14,8).

Đặc biệt là một khám phá cực kỳ thú vịThiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. (Gl 1,16). Quả thật kỳ lạ, một Phaolô đã từng hăng hái, hung hăng đi bách hại những người Kitô hữu thời giáo hội sơ khai, thế mà nhờ tìm hiểu và sống trong Thần Khí, Ngài đã khám phá ra mình không phải chỉ nhận được Thánh Thần từ biến cố Damas mà đã nhận được Thánh Thần ngay từ trong lòng mẹ - Phải - ngay từ trong lòng mẹ, Thiên Chúa đã dành riêng cho Phaolô set me apart - Jeremiah was destined to the office of prophet before his birth; cf Isaiah 49:1, 5; Luke 1:15; Gal 1:15, 16. I knew you: I loved you and chose you. I dedicated you: I set you apart to be a prophet. Tạm diễn nôm như sau: Phaolô đã được tách ra, được dành riêng - không phải chỉ dành riêng cho cá nhân Phaolô - theo ngôn ngữ Kinh Thánh, dành riêng diễn tả việc Thiên Chúa yêu thương ta, thánh hiến ta, để ta trở nên một ngôn sứ. Thực là tuyệt vời, ước gì một ngày nào đó, quý độc giả cũng hưởng được niềm hạnh phúc hoan lạc khi cảm nhận một cách sâu sắc: Ngay từ trong lòng mẹ, Chúa đã yêu thương tôi, Ngài đã chọn tôi, thánh hiến tôi và sai tôi làm ngôn sứ cho Ngài ngay môi trường tôi đang sinh sống: hàng xóm, công sở, công viên, hội đoàn, cộng đoàn, giáo xứ … (cá nhân hoá từng quý độc giả)

Cuối cùng, chí lớn gặp nhau, Đức Giêsu tuyên bố: Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. NhưngChúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. (Ga 14,10). Trong khi đó Phaolô cũng cảm nghiệm rất ngọt ngào và hạnh phúc: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. (Gl 2,20). Còn chúng ta, chúng ta có thể rất tâm đắc lời phát biểu sau đây: Tôi sống, như không còn là tôi sống mà là chính Thần Khí Thiên Chúa sống trong tôi.Ba lời phát biểu nghe có vẻ khác nhau nhưng kỳ thực mang cùng một ý nghĩa: Con người xác thịt Giêsu và con người  xác thịt Phaolô và con người xác thịt của chúng ta đã trở nên dụng cụ để cho Chúa Cha, Đức Kitô, Thần Khí Thiên Chúa sống động thực sự qua con người của mình. Đó chính là sự sống kết hợp, viên mãn tràn đầyĐể họ được nên một như chúng ta là một (Ga 17,22 ). Họ ở đây chính là con người Giêsu, Phaolô và mỗi người chúng ta nên một trong Thiên Chúa Ba Ngôi tình yêu.

Tóm lại, Cốt tủy Kitô giáo bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Để chứng tỏ tình yêu vô biên của Ngài, Thiên Chúa đã ban tặng Thánh Thần và bản tánh Thiên Chúa vào lòng ta. Thêm vào đó Ngài còn để lại cho chúng ta 2 tấm gương tuyệt vời là Đức Giêsu và thánh Phaolô như là tấm bản đồ đầy đủ chi tiết, minh hoạ con đường dẫn tới sự kết hiệp nên một với Chúa, nhờ sống và lớn lên trong Thánh Thần ngay trong đời sống thường ngày của mình. Đây chính là đỉnh cao, là cốt tủy Kitô gíáo, hướng dẫn cuộc sống đời Kitô hữu đích thực của mỗi người trong chúng ta từng ngày, từng ngày…

 Khổng Nhuận