Đức Hạnh Người Xưa


Câu chuyện xảy ra vào tháng 7 năm 1900 tại một làng bên Trung Quốc. Làng có hai xã trưởng, một là Công Giáo và một không Công Giáo.

Chẳng may, trong làng có một người vừa nghiện ma túy, vừa trộm cắp. Ông ta bị bắt và bị dân làng đánh đến chết. Xác nạn nhân bị lôi đến bỏ trước nhà thờ Công Giáo. Câu chuyện đến tai quan huyện tên Trương. Quan Trương từ lâu vốn ghét Đạo Công Giáo. Lợi dụng dịp này, ông tìm cách trả thù người Công Giáo.

Quan truyền bắt hai tín hữu Công Giáo và hai người không Công Giáo trong làng giải lên huyện. Một trong hai người Công Giáo là xã trưởng Gioan Ngô Văn Ẩn. Trước khi lên đường, ông Ngô được phép ghé nhà chào mẹ già. Bà mẹ cảm động nói với con:
- “Con nhớ đừng bao giờ chối Đạo. Nếu con chối Đạo, con không còn là con của Mẹ nữa!

Ông Ngô kính cẩn cúi mình giã biệt Mẹ và thưa: - “Xin Mẹ an tâm, con sẽ không bao giờ chối Đạo.

Bà mẹ Công Giáo can đảm lặng lẽ đi lấy Bộ Áo Đức Bà Camêlô còn mới nguyên và tròng vào cổ quý tử yêu dấu. Ông Ngô cảm động thưa: - “Mẹ đã già, các con của con còn nhỏ, vậy mà con phải chết!

Bà mẹ an ủi con: - “Con đừng lo lắng cho Mẹ. Mẹ không sống được bao lâu nữa. Phần các con của con, THIÊN CHÚA sẽ gìn giữ chúng!

Quay sang vợ hiền, ông Ngô giã biệt vợ: - “Em hãy chăm sóc các con, phần anh, anh sắp chịu chết vì Đạo!

Khi vừa lên tỉnh, quan huyện truyền đem cả 4 người ra công đường. Quan hỏi ông Ngô: - “Anh có phải Công Giáo không?

Ông Ngô đáp ngay: - “Phải, tôi là tín hữu Công Giáo!

Quan truyền đánh đòn cả bốn người. Nhưng sau đó, quan truyền thả hai người không Công Giáo, cộng thêm người Công Giáo kia, vì đã bằng lòng chối Đạo. Chỉ còn lại ông Gioan Ngô Văn Ẩn.

Giờ đây, quan huyện không đả động đến chuyện tại sao ông Ngô bị giải lên huyện, nhưng chỉ ép buộc ông chối Đạo. Nếu chối thì được sống. Nếu không sẽ phải chết.

Quan nói với ông Ngô: - “Anh chỉ cần chối Đạo, tức khắc mọi tội khác sẽ được tha!

Ông Ngô thưa với quan: - “Cho dù quan lớn có quyền thế, việc quan từ bỏ quyền chức vẫn dễ hơn việc tôi chối bỏ Đức Tin Công Giáo!

Nghe câu trả lời, quan huyện Trương giận uất người. Ông truyền đánh đập ông Ngô vô cùng tàn nhẫn. Nhưng giữa mọi cực hình, ông Ngô không ngớt cầu xin THIÊN CHÚA trợ giúp. Ông chỉ lập đi lập lại: - “Bao lâu còn nói được, miệng lưỡi tôi sẽ không ngừng ca tụng THIÊN CHÚA!

o o O o o

... Câu chuyện thứ hai cũng xảy ra vào năm 1900 tại Trung Quốc.

Trên đường đi đến nơi bị hành quyết, một chú bé ngồi cạnh ông Nội. Bé ngước nhìn Nội và hỏi:- “Nội à, người ta đưa mình đi đâu vậy?

Ông lão chỉ tay lên Trời và đáp:- “Chúng ta trở về Nhà, cháu ạ!

Đó là lời đối đáp giữa chú bé Phanxicô 6 tuổi và cụ già Marcô Bùi Thiên Tường, một tín hữu Công Giáo Trung Hoa nhiệt thành, 70 tuổi.

Cụ bị bắt cùng với gia đình gồm tất cả 12 người. Ngoài cụ ra, còn có: dâu trưởng và 3 cháu nội; vợ chồng con trai thứ và 3 cháu nội, và 2 tín hữu Công Giáo khác.

Khi nghe tin gia đình cụ Bùi bị bắt, những người không Công Giáo quý mến cụ liền chạy đến và muốn cứu cụ khỏi tay bọn giặc Quyền Phỉ. Biết rằng không thể thuyết phục cụ bỏ Đạo, họ quay sang nhỏ to dụ dỗ con trai thứ. Nhưng cụ Bùi vẫn để tai nghe và liếc mắt nhìn về nhóm này. Thấy vậy, người con trai lớn tiếng thưa với thân phụ:
- Cha à, mình phải làm sao đây?

Cụ Bùi trả lời bằng giọng oai nghiêm và cứng rắn: - “Con à, không được chối Đạo. Hãy ngước mắt lên cao. Cửa Trời đang rộng mở đón chúng ta. Thà chết, chứ không thà chối Đạo!

Người con trai quay sang nói với những người đang đứng đó:- “Bởi vì Cha tôi không bỏ Đạo, nên tôi cũng không chối Đạo!

Tuy nhiên vì cụ Bùi rất liêm chính và tốt lành, nên toàn dân làng quyết tâm cứu sống gia đình cụ. Họ tìm đủ mọi cách. Nhưng cụ Bùi vẫn kiên vững như đá. Cụ chỉ luôn luôn lập lại: - “Từ 9 thế hệ qua, dòng họ chúng tôi là người Công Giáo, nên chúng tôi không thể chối đạo!

Thấy không thể thuyết phục cụ cùng toàn gia đình, bọn giặc quyết định giết chết tất cả.

Nhiều người ngoại giáo van xin bọn lính giao cho họ các em nhỏ, đừng giết chúng tội nghiệp. Bọn lính bằng lòng. Nhưng cụ Bùi nói: - “Không! Không được! Con cháu tôi là tín hữu Công Giáo như tôi, chúng sẽ chết vì Đạo như tôi!

Trên đường đi đến nơi xử, cụ Bùi lớn tiếng xướng kinh và mọi người rập ràng đọc theo cụ. Khi đến nơi, cụ Bùi nói với bọn lính: - “Mấy anh giết các cháu và các con tôi trước. Sau cùng đến lượt tôi.

Rồi cụ quay sang nói với con cháu: - “Các con đừng sợ. Cửa Trời đang rộng mở trước mắt chúng ta. THIÊN CHÚA đang chờ đón. Chỉ trong giây lát, tất cả chúng ta sẽ được lên Trời!

Khi thấy bọn lính sửa soạn gươm giáo chuẩn bị cho cuộc hành quyết, cụ Bùi ra lệnh cho mọi người: - “Các con nhắm mắt lại. Một chút nữa các con sẽ mở mắt ra để nhìn thấy ánh sáng của Trời Cao!

Mọi người can đảm và lần lượt ngã gục dưới lưỡi gươm ác nghiệt của bọn lính. Một người ngoại giáo đứng đó, còn cố gắng thuyết phục cụ Bùi lần cuối: - “Cụ chối Đạo đi sẽ được sống!

Cụ Marco Bùi Thiên Tường chỉ yên lặng không đáp lại. Cụ mỉm cười và nghiêng đầu giơ cổ cho bọn lính chém. Cụ ngã gục cuối cùng, sau khi đã chứng kiến cái chết anh dũng của từng người con, đứa cháu trong gia đình.

... Bấy giờ Đức Chúa GIÊSU phán: “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy .. Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của THIÊN CHÚA. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của THIÊN CHÚA. Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha. Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói (Luca 12,4-12).

(Celestino Testore, S.I, ”Sangue e Palme e Corone sul Fiume Giallo”, Curia Generalizia della Compagnia di Gesù, 1955)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt