Thánh Cyril ở Giêrusalem (315? - 386)
Những khó khăn trong Giáo Hội ngày nay chỉ là thiểu số so với các chấn động của lạc giáo Arian thời ấy khi họ từ chối thiên tính của Ðức Kitô. Thánh Cyril bị vướng vào vòng tranh luận, bị Thánh Giêrôme kết án là người theo tà thuyết Arian và sau cùng ngài đã được thanh minh bởi những người của thời ấy và được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1822.
Chúng ta không biết nhiều về cuộc đời thơ ấu của Thánh Cyril. Các sử gia ước đoán ngài sinh trong khoảng năm 315, và lớn lên ở Giêrusalem. Về gia đình ngài, có lẽ cha mẹ ngài là Kitô Hữu và dường như ngài rất thảo kính cha mẹ. Ngài thúc giục các dự tòng kính trọng các bậc sinh thành "vì dù chúng ta có đền đáp thế nào đi nữa, cũng không thể nào bù đắp được công ơn sinh thành của cha mẹ." Chúng ta còn được biết ngài có một em gái và một cháu trai, Gelasius, sau này là giám mục và là thánh.
Qua các văn bút ngài để lại, dường như ngài thuộc về nhóm gọi là Solitary (Ðộc Thân). Họ là những người sống tại gia nhưng giữ đức khiết tịnh, khổ hạnh và phục vụ.
Sau khi được tấn phong là phó tế và sau đó là linh mục, đức giám mục Maximus đã giao cho ngài trách nhiệm dạy giáo lý cho dự tòng và tân tòng. Sách Giáo Lý ngài viết vẫn có giá trị như một thí dụ điển hình cho nền tảng thần học và phụng tự của Giáo Hội vào giữa thế kỷ thứ tư.
Khi Ðức Maximus từ trần, Cha Cyril được tấn phong làm giám mục của Giêrusalem. Vì ngài được sự hỗ trợ của giám mục Caesarea là Acacius, người theo lạc thuyết Arian, nên phe chính giáo chỉ trích việc bổ nhiệm này, và phe Arian lại nghĩ rằng họ có thêm một đồng minh. Cả hai phe đều sai lầm, và Ðức Cyril thì kẹt ở giữa.
Khi nạn đói càn quét Giêrusalem, dân chúng chạy đến Ðức Cyril xin giúp đỡ. Vì không có tiền, ngài phải bán một số đồ dùng của nhà thờ để giúp đỡ người đói. Nhưng có những lời dèm pha rằng một số áo lễ được dùng làm y phục cho kép hát.
Sự bất hòa giữa Acacius và Ðức Giám Mục Cyril bắt đầu là về vấn đề quản hạt chứ không phải vấn đề tín lý. Là giám mục của Caesarea, Acacius nghĩ rằng mình có toàn quyền trên các giám mục Palestine. Nhưng Ðức Giám Mục Cyril lý luận rằng thẩm quyền của Acacius không bao gồm Giêrusalem vì Giêrusalem là một "tông tòa" -- là ngai toà do các tông đồ thiết lập. Khi Ðức Cyril không hiện diện trong các công đồng mà Acacius triệu tập, Acacius và phe cánh đã kết án ngài là đã bán vật dụng của nhà thờ để kiếm tiền và trục xuất ngài.
Ðức Cyril phải lưu đầy ở Tarsus trong khi chờ đợi việc kháng cáo. Sau đó, ngài xuất hiện trong Công Ðồng Seleucia, trong đó phe bán-Arian (vừa theo chính giáo, vừa theo Arian) chiến thắng. Kết quả là Acacius bị truất phế và Ðức Cyril được trở về ngai toà cũ. Tuy nhiên, hoàng đế không hài lòng về kết quả này, và một lần nữa, Ðức Giám Mục Cyril lại bị trục xuất và chỉ trở về khi hoàng đế Julian lên ngôi. Ðược vài năm sau, một sắc lệnh của tân hoàng đế Valens trục xuất tất cả các giám mục được Julian hồi phục, và Ðức Cyril lại phải lưu đầy cho tới khi Valens qua đời.
Có thể nói một nửa nhiệm kỳ giám mục của Ðức Cyril là bị đầy ải. Sau cùng, ngài trở về Giêrusalem, lúc ấy đã tan nát vì lạc giáo, ly giáo và tranh giành, tàn lụi vì tội lỗi. Năm 381, ngài đến tham dự Công Ðồng Constantinople, là công đồng hoàn tất bản kinh Tin Kính Nicene và phe Arian bị kết án. Ðức Cyril được thanh minh và được tẩy sạch mọi tiếng xấu trước đây, các giám mục tham dự Công Ðồng đã ca ngợi ngài như vị quán quân chính thống chống với bè phái Arian.
Ðức Cyril sống an bình tám năm ở Giêrusalem và từ trần năm 386, khi ngài khoảng bảy mươi tuổi.
Lời Bàn
Những ai tưởng rằng đời sống các thánh thật đơn giản và êm đềm, không một chút tranh chấp trần tục, chắc phải kinh hoàng về cuộc đời Thánh Cyril. Tuy nhiên, mọi Kitô Hữu không thể thoát khỏi những khó khăn như chính Thầy mình đã trải qua. Theo đuổi chân lý là một con đường phức tạp và không cùng, và mọi người thiện tâm đều đau khổ vì sự tranh giành và lầm lạc. Những chướng ngại về tri thức, tình cảm và chính trị có thể trì trệ đôi chút những người như Thánh Cyril. Nhưng đời sống của họ, nhìn toàn bộ, sẽ là những mẫu mực của sự thành tâm và dũng cảm.