Tài Liệu Khác

Sứ Điệp Mùa Chay 2009 của Đức Thánh Cha Benêđictô 16

Khởi đầu Mùa Chay, là một hành trình thao luyện thiêng liêng mãnh liệt hơn, Phụng Vụ đặt trước ta ba việc thực hành sám hối rất thân với truyền thống Kinh Thánh và Ki-tô giáo – cầu nguyện, làm phúc, ăn chay – để chuẩn bị cho ta cử hành tốt hơn lễ Phục Sinh và do đó cảm nghiệm quyền năng của Thiên Chúa, như chúng ta sẽ nghe trong Canh thức Phục Sinh, “khử trừ muôn tội vạ, thanh tẩy hết lỗi lầm, biến tội nhân thành con người công chính, đem vui mừng cho hồn nặng sầu thương, tiêu diệt hận thù, giải hòa bất thuận, khuất phục mọi quyền uy” (Công bố Tin Mừng Phục Sinh). Cho Sứ Điệp Mùa Chay năm nay, tôi muốn tập trung đặc biệt các suy tư của tôi vào giá trị và ý nghĩa của chay tịnh. Thật vậy, Mùa Chay gợi nhớ bốn mươi ngày chay tịnh của Chúa chúng ta trong hoang địa, mà Người đã tiến hành trước khi bước vào sứ vụ công khai. Ta đọc thấy trong Tin Mừng: “Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói” (Mt 4,1-2). Giống như Mô-sê là người đã ăn chay trước khi đón nhận những tấm bia lề luật (x. Xh 34,28) và Ê-li-a ăn chay trước khi gặp Chúa tại Núi Khô-rếp (x. 1 V 19,8), Đức Giêsu cũng vậy, qua việc cầu nguyện và ăn chay, đã chuẩn bị cho sứ vụ đặt trước mặt Ngài, được ghi dấu ngay lúc khởi đầu bằng một trận chiến đấu ác liệt với kẻ cám dỗ.

Ta có thể tự hỏi đâu là giá trị và ý nghĩa đối với người Ki-tô hữu chúng ta khi tự từ bỏ điều tự bản chất là tốt lành và có ích cho việc bồi dưỡng thân xác của ta. Kinh Thánh và toàn thể truyền thống Ki-tô giáo dạy rằng ăn chay là một sự hỗ trợ lớn để giúp tránh tội và tất cả những gì dẫn đến tội. Vì lý do này, lịch sử cứu độ đầy những dịp mời gọi ăn chay. Tại chính những trang đầu tiên của Kinh Thánh, Chúa ra lệnh con người phải kiêng không được ăn trái cấm: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2, 16-17). Bình luận về lệnh cấm này của Chúa, Thánh Basiliô nhận xét rằng “việc ăn chay được ban ra tại vườn Địa đàng,” và “giới răn thứ nhất theo nghĩa này đã tỏ bày cho A-đam.” Như thế ngài kết luận: “'ngươi không được ăn' là luật ăn chay và kiêng cữ” (x. Sermo de jejunio: PG 31, 163, 98). Bởi vì tất cả chúng ta đều bị đè nặng bởi tội và những hệ quả của nó, chay tịnh được đề nghị cho chúng ta như là một phương thức để phục hồi tình bằng hữu với Thiên Chúa. Đó là trường hợp của Ét-ra khi chuẩn bị cuộc hành trình từ nơi lưu đày về Đất Hứa, đã kêu mời dân chúng ăn chay để “hãm mình trước nhan Thiên Chúa chúng tôi” (8,21). Đấng Toàn Năng đã lắng nghe lời cầu nguyện của họ và bảo đảm với họ Người yêu mến và hộ trì họ. Cùng một phương thức như thế, dân thành Ni-ni-vê, đáp lại lời mời gọi hoán cải của Giô-na, đã công bố lệnh ăn chay, như dấu hiệu của lòng chân thành, miệng nói rằng: “Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết?” (3,9). Cả trong trường hợp này nữa, Thiên Chúa trông thấy các việc họ làm và tha cho họ.

Trong Tân Ước, Đức Giêsu đưa ra ánh sáng lý do sâu xa của việc chay tịnh, khi kết án thái độ của người Pharisêu, những người tuân giữ nghiêm nhặt các quy định của luật pháp, nhưng lòng của họ xa cách Thiên Chúa. Việc chay tịnh đích thực, như Thầy chí thánh đã nhắc ở một nơi khác, chính là thi hành ý của Chúa Cha, “Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ thưởng cho anh” (Mt 6,18). Chính Ngài đã nêu gương, khi trả lời Satan, sau bốn mươi ngày ở trong hoang địa rằng “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Vì thế chay tịnh đích thực hướng đến việc ăn “cơm bánh đích thực,” đó là thực hiện ý của Chúa Cha (x. Ga 4,34). Do đó, nếu A-đam đã bất tuân lệnh của Chúa “không được ăn cây biết lành biết dữ,” thì người tin, qua việc chay tịnh, muốn khiêm tốn đầu phục Thiên Chúa, tín thác vào lòng nhân từ và thương xót của Người.

Việc thực hành chay tịnh hiện diện trong chính cộng đoàn Ki-tô giáo tiên khởi (x. Cv 13,3; 14,22; 27,21; 2 Cr 6,5). Cả các Giáo Phụ nữa cũng nói đến sức mạnh của chay tịnh để kiềm cương tội lỗi, nhất là những dục vọng của “A-đam cũ,” và mở ra trong tâm hồn người tin một con đường đến Thiên Chúa. Ngoài ra, chay tịnh là một thực hành thường gặp và được các thánh thuộc mọi thời đại khuyên nhủ. Thánh Phêrô Kim Ngôn viết: “Chay tịnh là hồn của lời cầu nguyện, lòng thương xót là máu sự sống cho chay tịnh. Bởi thế nếu bạn cầu nguyện, hãy ăn chay; nếu bạn ăn chay, hãy tỏ lòng thương xót; nếu bạn muốn lời cầu xin của bạn được lắng nghe, hãy lắng nghe lời cầu xin của người khác. Nếu bạn không bịt tai trước kẻ khác, bạn mở được tai Thiên Chúa cho chính bạn” (Sermo 43: PL 52, 320. 322).

Trong thời đại ngày nay của chúng ta, chay tịnh dường như đã đánh mất điều gì mang ý nghĩa thiêng liêng, và trong một nền văn hóa có đặc trưng là kiếm tìm hạnh phúc vật chất, có giá trị trị liệu đối với chăm sóc thân thể của mình. Chắc chắn chay tịnh đem lại lợi ích cho hạnh phúc thể lý, nhưng đối với người tin, trước tiên đó là “một phương thức trị liệu” để chữa lành tất cả những gì ngăn cản họ tuân thủ thánh ý Thiên Chúa. Trong Tông hiến Pænitemini năm 1966, Tôi Tớ Thiên Chúa Phao-lô VI thấy nhu cầu trình bày chay tịnh trong ơn gọi của mọi Ki-tô hữu “không còn sống cho chính mình, nhưng cho Đấng đã yêu thương và hiến thân vì mình… và còn sống cho anh chị em của mình” (x. Ch. I). Mùa Chay có thể là cơ hội thuận lợi để trình bày lại các quy tắc đề cập trong Tông Hiến, để ý nghĩa đích thực và dài lâu của việc thực hành đã được tuân giữ từ lâu này được tái khám phá và như thế giúp chúng ta diệt trừ tính ích kỷ và mở rộng con tim để yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, đây chính là Giới răn trước hết và lớn nhất của Luật mới và là tóm lược toàn bộ Phúc Âm (x. Mt 22, 34-40).

Ngoài ra, việc trung thành thực hành chay tịnh cũng góp phần mang lại sự thống nhất cho con người, xác lẫn hồn, giúp tránh tội lỗi và gia tăng sự thân mật với Chúa. Thánh Augustinô, người biết quá rõ những thúc đẩy tiêu cực bên trong, khi định nghĩa những xung động này là “những nút thắt vòng vèo và rối như tơ vò” (Tự Thú, II, 10.18), đã viết: “Chắc chắn tôi sẽ chịu thiếu thốn, nhưng chính là để Người tha thứ cho tôi, để làm đẹp lòng Người, để tôi vui hưởng sự hoan lạc của Người” (Bài giảng 400, 3, 3: PL 40, 708). Khước từ lương thực vật chất, bồi bổ thân xác chúng ta, sẽ nuôi dưỡng một thái độ nội tâm để lắng nghe Chúa Ki-tô và được bồi dưỡng bằng lời cứu độ của Người. Qua chay tịnh và cầu nguyện, ta để Chúa đến và làm thỏa mãn cơn đói sâu xa nhất mà ta cảm nghiệm trong thâm sâu con người của ta: sự đói khát Thiên Chúa.

Đồng thời, chay tịnh là một trợ giúp để mở mắt ta nhìn tình trạng của bao nhiêu anh chị em chúng ta đang sống. Trong Thư Thứ Nhất, Thánh Gio-an khuyên nhủ: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (3,17). Chay tịnh tự nguyện giúp ta tăng trưởng theo tinh thần của Người Samaritanô Nhân Hậu, cúi xuống và đến cứu giúp người anh em đau khổ (x. Thông điệp Deus caritas est, 15). Bằng cách tự nguyện đón nhận một hành vi từ bỏ chính mình vì lợi ích tha nhân, ta khẳng định rằng người anh em hoặc chị em đang gặp khó khăn không phải là người xa lạ. Chính vì để làm sinh động thái độ đón tiếp và quan tâm đối với những người anh chị em của chúng ta mà tôi khuyến khích các giáo xứ và mỗi cộng đoàn gia tăng trong Mùa Chay thói quen thực hành chay tịnh cá nhân và cộng đoàn, liên kết với việc đọc  Lời Chúa, cầu nguyện và làm phúc. Ngay từ ban đầu, điều này đã là dấu hiệu đặc trưng của cộng đồng Ki-tô hữu, trong đó đã có những cuộc lạc quyên đặc biệt (x. 2 Cr 8-9; Rm 15, 25-27), người tin được mời gọi trao tặng cho người nghèo những gì đã  dành dụm được khi ăn chay (Didascalia Ap., V, 20,18). Việc thực hành này cần được tái khám phá và khuyến khích lại trong thời đại chúng ta, nhất là trong Mùa Chay.

Từ những điều tôi đã nói đến đây, dường như rất rõ là chay tịnh thể hiện một thực hành khổ chế quan trọng, một vũ khí thiêng liêng để chiến đấu chống lại mọi gắn bó hỗn độn với chính bản thân. Việc tự nguyện khước từ các vui thú ăn uống và từ những của cải vật chất khác giúp người môn đệ Đức Ki-tô kiểm soát tính ham hố tự nhiên, vốn đã bị yếu đi do tội nguyên tổ, mà các tác động tiêu cực của tội ấy ảnh hưởng trên toàn bộ con người. Một bài thánh ca cổ xưa của phụng vụ Mùa Chay đã khuyến khích: “Utamur ergo parcius, / verbis cibis et potibus, / somno, iocis et arctius / perstemus in custodia  Ta hãy sử dụng điều độ lời nói, đồ ăn thức uống, giấc ngủ vào thú vui. Gia tăng cảnh giác canh chừng ngũ quan”).

Anh chị em thân mến, thật tốt đẹp khi thấy mục tiêu tối hậu của chay tịnh là giúp đỡ mỗi một người chúng ta dâng tặng trọn vẹn bản thân cho Thiên Chúa, như Tôi Tớ Thiên Chúa Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã viết (x. Thông điệp Veritatis splendor, 21). Bởi thế, mong sao mỗi gia đình và cộng đoàn Ki-tô hữu biết tận dụng thời gian này của Mùa Chay để gạt sang một bên tất cả những điều gì gây xáo động lo ra cho tâm trí và tăng trưởng trong những gì bồi dưỡng linh hồn, đưa linh hồn đến với việc mến Chúa yêu người. Tôi đặc biệt nghĩ tới một cam kết lớn hơn đối với việc cầu nguyện, cầu nguyện bằng Lời Chúa lectio divina, đến với Bí tích Hòa Giải và tham dự tích cực vào Bí tích Thánh Thể, đặc biệt Thánh lễ ngày Chúa nhật. Với thái độ nội tâm này, ta hãy đi vào tinh thần sám hối của Mùa Chay. Nguyện xin Đức Trinh nữ Maria, Nguồn hoan lạc của chúng ta, đồng hành và trợ giúp ta trong nỗ lực giải thoát tâm hồn khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi, giúp tâm hồn ngày càng  trở thành “nhà tạm sống động của Thiên Chúa.” Với những lời cầu chúc này, trong khi bảo đảm với mọi tín hữu và cộng đoàn giáo hội tôi sẽ cầu nguyện cho một cuộc hành trình Mùa Chay nhiều kết quả, tôi thân ái ban Phép lành Tòa Thánh cho tất cả anh chị em.

Từ Vatican, ngày 11 tháng 12 năm 2008

GIÁO HOÀNG BÊNÊĐÍCTÔ XVI

Ðan Quang Tâm dịch