Một Thượng Hội Đồng ngoại thường (2)
Đọc Lời Chúa và Bài Giảng
Một phương thế để đạt được mục đích trên là phương thức “đọc Lời Chúa” (lectio divina) được chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI khuyến cáo. Đây hiển nhiên là một phương pháp nghiêm túc để đi vào Thánh Kinh. Điều chủ yếu phải nói ngay, khi dùng phương pháp này, là cần phải thêm bước cuối cùng tức đem nó áp dụng vào cuộc sống, chứ không nên dừng lại ở việc chăm chú suy niệm bản văn mà thôi, cần phải bổ túc việc ấy bằng cố gắng áp dụng việc suy niệm ấy vào cuộc sống hàng ngày của ta, cố gắng thực sự tiếp nhận Lời Chúa vào chính cuộc sống của người tín hữu, làm Lời Chúa không những chỉ hiện diện mà còn hoạt động nữa.
Phương pháp đọc Lời Chúa này trước nhất giúp ta chú ý tới chính bản văn Thánh Kinh, sau đó mới đến việc suy niệm là việc nhiều khi không liên hệ gì tới bản văn nữa. “Lectio divina” bắt đầu với việc “lectio” (đọc) đúng nghĩa và đúng phép, nghĩa là đọc cách chăm chú. Sau đó, mới suy niệm, ráng nhìn ra mối liên hệ của nó với hoàn cảnh hiện sống của ta, và tiến tới trạng thái chiêm niệm, kết hợp với Chúa…Và nhất là kéo dài diễn trình ‘đọc’ ấy vào việc biến đổi cuộc sống, hoàn cảnh sống kia.
Một phương thức khác giúp tín hữu thâm hậu hóa Lời Chúa là các bài giảng (homily). Theo Đức Hồng Y Vanhoye, các bài giảng này phải là hoa trái của việc đọc Lời Chúa vừa đề cập ở trên. Điều ấy có nghĩa, các bài giảng phải giúp tín hữu tiếp xúc một cách cụ thể với Lời Chúa, giải thích rõ ràng ý nghĩa cận kề của nó và thúc giục họ đem ra áp dụng vào cuộc sống, vào việc thể hiện ý nghĩa kia. Tóm lại bài giảng phải cẩn trọng bắt đầu bằng bản văn và áp dụng bản văn ấy vào cuộc sống thiêng liêng.
Cần phải nói rằng trong các bài giảng, ta nên dùng gương các vị thánh. Các vị này góp phần rất lớn giúp tín hữu nắm được các khía cạnh chủ yếu của bản văn Thánh Kinh, những khía cạnh đôi khi rất xa vời. Các ngài giữ vai trò làm cho các bản văn Thánh Kinh trở nên có liên quan trực tiếp với tín hữu. Như khi Chúa Giêsu đề cập tới tuổi thơ thiêng liêng chẳng hạn: “Các con sẽ không vào được Nước Thiên Đàng, nếu không trở nên như trẻ thơ” (Mt 18:3), thì gương thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu sẽ giúp ta hiểu rất thấu đáo nguyên tắc bất hủ ấy.
Hay khi nói đến đức ái đối với người nghèo, thì Mẹ Têrêxa thành Calcutta là một mẫu gương giúp ta hiểu đức ái đối với người thiếu thốn phải như thế nào, phải mở lòng ra với đức ái này ra sao nếu muốn kết hợp với Chúa Kitô. Mẹ là người vốn liên kết chặt chẽ giữa việc cầu nguyện, việc kết hợp với Chúa Giêsu và việc bác ái. Cuộc sống của Mẹ được nuôi dưỡng bằng việc cầu nguyện sâu sắc, bằng cuộc sống thiêng liêng nhiều đòi hỏi và đôi khi đầy đau đớn. Thành thử, gương các thánh rất có ích, tuy nhiên gương sáng này phải có liên hệ tới bản văn Thánh Kinh, vì các thánh vốn là các chứng nhân cho bản văn Sách Thánh.
Chương trình đọc Thánh Kinh
Đối với tín hữu giáo dân, Đức Hồng Y Vanhoye đề nghị một chương trình đọc Lời Chúa như sau: trước nhất họ nên bắt đầu với các Phúc Âm, nghiền ngẫm, suy niệm, cầu nguyện với các Phúc Âm, rồi đem chúng áp dụng vào cuộc sống. Rồi vì Phúc Âm thường nhắc tới Cựu Ước. Qủa tình như thế, vì Chúa Giêsu chính là Đấng Được Xức Dầu đã được Thiên Chúa hứa ban. Về phương diện này, họ nên đọc các sách tiên tri, nói về Đấng Được Xức Dầu ấy.
Các Thánh Vịnh rất hữu ích, giúp chúng ta cầu nguyện, nhưng phải nói ngay chúng không luôn luôn có tinh thần Phúc Âm. Theo ĐHY Vanhoye, ở đây, ta cần phải phân biệt rõ. Vì một số Thánh Vịnh đầy những lời nguyền rủa kẻ thù, thật khác xa với lời khuyên của Chúa Giêsu, khuyên ta yêu cả kẻ thù nữa và cầu nguyện cho họ. Thành thử, các tín hữu cần có các trợ huấn cụ biết trình bầy bản văn phù hợp với trình độ hiểu biết của người tín hữu, phù hợp với khả năng hiểu và sống của họ.
Trong các Phúc Âm, ta thấy có sự khác biệt giữa các Phúc Âm Nhất Lãm và Phúc Âm Thánh Gioan. Người tín hữu giáo dân nên đọc Phúc Âm Thánh Máccô trước nhất, vì nó khá sống động, thuật lại các phép lạ một cách hết sức chi tiết… Phúc âm Thánh Matthêu thì giầu giáo huấn nhiều hơn, nên ta cần lui tới với Phúc Âm này để nhận được tinh thần phúc âm cách đầy đủ hơn. Còn Phúc Âm Thánh Gioan thì đi xâu một cách kỳ diệu hơn vào mầu nhiệm đức tin. Nên ta cần suy niệm Phúc Âm này nhiều hơn để nắm vững thế nào là tin và yêu Chúa Kitô. Phúc Âm Thánh Luca là phúc âm nói về việc làm môn đệ, cũng là một Phúc Âm đọc rất lý thú.
Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Nhiều giáo sĩ trẻ thấy các Thánh Vịnh có vẻ không ăn nhập bao nhiêu với cuộc sống thực tế của họ, cho nên, nhiều lúc họ thấy Các Giờ Kinh Phụng Vụ không mấy hấp dẫn. Theo ĐHY Vanhoye, thực ra các Thánh Vịnh rất phong phú đối với cuộc sống thiêng liêng, với đủ tâm thức thờ lạy, tin tưởng phó thác nơi Chúa, kết hợp với Người trong cầu nguyện và cả trong đời sống nữa. Có rất nhiều khát vọng thiêng liêng hết sức tươi đẹp và mạnh mẽ trong các Thánh Vịnh. Thánh Ambrose từng nói rằng: Thánh Vịnh là sách tóm lược toàn bộ Cựu Ước, vì ta thấy có Thánh Vịnh lịch sử, có Thánh Vịnh khôn ngoan, lại có cả Thánh Vịnh hoan hô lề luật của Thiên Chúa…
Sau Công Đồng Vatican II, việc áp dụng các Thánh Vịnh vào sinh hoạt Kitô giáo đã được dễ dàng hơn nhờ việc loại bỏ những điều quá xa với Phúc Âm.Theo ý kiến ĐHY Vanhoye, đó là điều tốt vì người Kitô hữu không thể nào lại muốn cho con cái những người bách hại mình phải bị nghiền nát dưới đất như bài Thánh Vịnh thời lưu đầy bên Babylon từng hát. Thánh Vịnh này diễn tả một tấm tình âu yếm nồng nàn thiết tha đối với Giêrusalem, nhưng lại kết thúc bằng những lời ước mong tàn bạo nhất đối với kẻ thù. Về phương diện tiếp nhận Lời Chúa, quả là thích hợp và hưu ích khi ta bỏ đi những điều mà chính Chúa Giêsu từng đã cải tổ, sửa chữa.
Bối cảnh Đại Kết
Đức Hồng Y Vanhoye cho hay ngài từng tham gia vào bản dịch đại kết Thánh Kinh sang tiếng Pháp, một công việc hết sức có hiệu quả do chính Công Đồng Vatican II gợi hứng. Ai cũng nhận rằng Thánh Kinh thực sự là nơi gặp gỡ của hiệp nhất. Lẽ dĩ nhiên, có những đoạn văn làm dịp cho nhiều dị biệt lớn lao về ý kiến. Nhưng bên cạnh đó, có biết bao điều chung với nhau và ta nên lợi dụng những điểm chung ấy. THĐ lần này nhấn mạnh rất nhiều tới khía cạnh đại kết này. Đã đành chủ trương “sola scriptura” (chỉ có thánh kinh mà thôi) của Thệ Phản không hoàn toàn phù hợp với Thánh Truyền, nhưng khuynh hướng của người Công Giáo ít chịu dựa vào Thánh Kinh để suy niệm, để chú ý tới các tín điều và các niềm sùng kính cũng không đúng bao nhiêu. Điều ấy cho thấy việc chú tâm vào Lời Chúa chắc chắn sẽ là mối liên kết mạnh mẽ giúp chúng ta tiến lại gần nhau hơn, để chấp nhận nhau dễ dàng hơn.
Vai trò của chú giải
Cần phải tránh việc biến Thánh Kinh thành đối tượng đơn thuần của nghiên cứu mà bỏ qua cuộc sống thiêng liêng cũng như khiến chân lý đức tin thành nghi vấn. Theo ĐHY Vanhoye, muốn thế, ta cần phải suy niệm bản văn Thánh Kinh với một thái độ đức tin và cầu nguyện. Nhà chú giải không thể dừng lại ở việc nghiên cứu bản văn mà thôi. Họ cần phải suy niệm các bản văn đó trong một bầu khí kết hợp nên một với Chúa Kitô, tìm kiếm Người, ý thức rằng chỉ có Người mới giúp ta nắm được hết nét phong phú sâu sắc của Sách Thánh mà thôi, chỉ có Người mới hoàn toàn khai mở tâm trí để ta hiểu Sách Thánh, như Phúc Âm Thánh Luca đã nói ở phần kết thúc. Bởi vậy, theo ĐHY, thuốc chữa bệng chú giải để chú giải là cầu nguyện, hiểu như việc suy niệm để tìm cách kết hợp với Chúa Kitô, chào đón ánh sáng của Người, tiếp nhận tình yêu của Người. Chỉ có thế, ta mới tránh được thái độ duy lý và khô cứng, vốn là trở ngại cho cuộc sống của người tín hữu.
Người ta không rõ liệu THĐ có gây tác động gì đối với việc nghiên cứu chú giải theo nghĩa mục vụ hay không. Chắc chắn nó có tiến vào việc cắt nghĩa bản văn Thánh Kinh, còn khoa chú giải thì vốn là một khoa nghiên cứu khoa học có chiều sâu, đứng trên quan điểm không hẳn là mục vụ cách trực tiếp. Tại THĐ này, ta có quyền chờ mong nhiều dấu chỉ cho thấy mình sẽ đạt được một hiểu biết lớn hơn về Thánh Kinh, một hội nhập Thánh Kinh lớn hơn vào đời sống các cộng đồng Kitô Giáo và vào đời sống thiêng liêng của người ta.
Thành phần cơ cấu của Giáo Hội
Sau khi chủ tọa Thánh Lễ Khai Mạc THĐ tại Nhà Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, và trước khi đọc kinh truyền tin tại Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô ở Vatican, Đức Bênêđíctô XVI cho hay: “Thượng Hội Đồng là thành phần cơ cấu của Giáo Hội…Các ngài từ mọi dân tộc và mọi nền văn hóa cùng tới với nhau để nên một trong Chúa Kitô, họ cùng nhau tiến bước theo chân Đấng từng phán: ‘Ta là đường, là sự thật và là sự sống’”. Đức Thánh Cha giải thích hạn từ ‘sýnodos’ của tiếng Hy lạp gồm tiền giới từ ‘syn’ có nghĩa là ‘với’ và ‘odòs’ có nghĩa là đường, lối đi. Ngài nói rằng điều ấy “cho thấy ý niệm ‘cùng đi một con đường với nhau’, và quả thật đó chính là kinh nghiệm của Dân Chúa trong lịch sử cứu rỗi của họ”.
Đức Giáo Hoàng cũng đề cập tới “giá trị và chức năng” của cuộc họp lần này: “THĐ Giám Mục nhằm mục tiêu: để cổ vũ sự kết hợp và hợp tác thân mật giữa Đức Giáo Hoàng và các giám mục trên khắp thế giới, để đưa lại các tín liệu trực tiếp và chính xác về tình thế và các vấn đề trong Giáo Hội, để cổ vũ sự nhất trí về học lý và hành động mục vụ cũng như để xem sét các chủ đề hết sức quan trọng và liên hệ đến thời nay.
Đức GH cho hay: “Các nhiệm vụ khác nhau trên được một văn phòng thư ký thường trực điều hợp. Văn phòng này làm việc dưới sự tùy thuộc trực tiếp và tức khắc vào thẩm quyền của Giám Mục Rôma (ĐGH)”. Ngài cho hay chủ đề Thánh Kinh sẽ được bàn luận bởi 253 nghị phụ: 51 vị từ Phi Châu, 62 vị từ Mỹ Châu, 41 vị từ Á Châu, 90 vị từ Âu Châu và 9 vị từ Đại Dương Châu, cũng như “khá nhiều chuyên viên và dự thính viên, cả nữ giới lẫn nam giới, ‘các đại biểu anh em’ đại diện các giáo hội và cộng đồng Kitô giáo khác, và một số khách đặc biệt”. Ngài nói thêm: “Cha kêu gọi anh chị em hỗ trợ việc làm của THĐ bằng lời cầu nguyện nhất là khẩn thiết xin Đức Mẹ Maria Đồng Trinh cầu bầu, Người vốn là môn đệ hoàn hảo của Lời Chúa”
Vũ Văn An