Tài Liệu Khác

ÂM HỒN NHÂP XÁC RỬA TỘI ĐƯỢC KHÔNG ?

Đã từ lâu, được nghe dân chúng bàn tán xôn xao về việc ở vài nơi, Chúa hoặc Đức Mẹ nhập vào người nọ người kia và ban các thông điệp, các lời dạy bảo…, rồi ít lâu này lại được nghe đồn và được đọc trên sách vở, báo chí một số trường hợp đại khái nói là những người bị âm hồn bơ vơ, vất vưởng nhập vào trong mình họ (tạm gọi là “nhập xác”), đến xin các giáo sĩ, linh mục cứu giúp, sau đó các ngài đã rửa tội cho mấy âm hồn đó…. 
 
Nhiều người thắc mắc và đến hỏi chúng tôi, buộc lòng chúng tôi phải giải đáp theo khả năng chúng tôi hiểu biết, nhân cơ hội, chúng tôi cũng muốn đem những ý kiến đó đóng góp với mọi người, để làm sáng tỏ câu hỏi đặt ra trên đây. Nếu có gì sai sót, xin vui lòng chỉ bảo. 
 
Để được rõ ràng, chúng tôi chia bài này[1] ra làm 3 phần: 
 
(I)    VẤN ĐỀ “NHẬP XÁC”. 
 
(II)   VẤN ĐỀ RỬA TỘI CHO ÂM HỒN. 
 
(III)  PHÁN QUYẾT CỦA CHÚA VÀ HỘI THÁNH. 
 
(Các cước chú tất cả được dời xuống cuối bài) 
 

* * *

 
PHẦN (I) :  VẤN ĐỀ “NHẬP XÁC”: 
 
Theo giáo lý, Thiên Chúa dựng nên mỗi con người là một hữu thể gồm linh hồn và thể xác, thành một bản vị tự lập, tự chủ, có tự do, và bất khả xâm phạm (inviolabilité) và bất khả thâm nhập (impénétrabilité). Bởi tính bất khả xâm phạm và bất khả thâm nhập này, do Thiên Chúa Tạo Dựng đã qui định, không một nhân vật nào được phép hay có thể xâm nhập vào nhân vật kia được, nói đơn giản, người này không thể nhập vào người kia được. 
 
Vậy nếu con người không có khả năng cho nên không thể xâm nhập vào người khác, thì chỉ còn có thần linh – những hữu thể thuần túy thiêng liêng, không có thể xác vật chất, vốn là một loài cao cấp hơn, quyền thế hơn loài người – mới có khả năng xâm nhập vào con người được. 
 
Vì không hiểu rõ như thế, cho nên có người sẽ nói: Trên đây bảo rằng con người không thể nhập vào con người khác được, đó là người còn đang sống thì đành rằng không thể xâm nhập nhau được, vì có xác, nhưng người đã chết, thì không còn thể xác, chỉ còn linh hồn là giống thiêng liêng, có thể nhập vào người khác được chứ ? 
 
Đáp : Theo quan điểm Kitô giáo, chúng ta tin rằng linh hồn là giống thiêng liêng, điều này đúng, nhưng còn bảo rằng khi chết linh hồn lìa khỏi xác, và vì là giống thiêng liêng nên có thể nhập vào người khác thì sai. Vì dù lìa xác, linh hồn ấy vẫn là của loài người, chứ không trở thành thần linh, cho nên vẫn không có khả năng nhập vào người khác, do hai tính bất khả xâm phạm và bất khả thâm nhập là qui định của Thiên Chúa mà ta đã nói ở trên. 
 
Vả lại, cứ theo giáo lý Công giáo, như sẽ trình bày dưới đây, bất cứ người nào đã chết thì linh hồn, sau khi lìa xác, sẽ bị phán xét và sau đó tùy công trạng của mình, phải vào nơi đã định, vậy không có thể tùy tiện đi lang thang vất vưởng… hay nhập vào người khác được. 
 
Ngay cả Đức Mẹ và các thánh… cũng không phải là thần linh, song chỉ là những con người thánh đức, đã được Thiên Chúa ân thưởng trên thiên đàng.[2] 
 
Vậy thì như trên vừa nói, chỉ có thần linh mới có khả năng nhập vào con người được. Thần linh nào ? Có hai loại thần linh, thần lành (thiện thần) và thần dữ (ác thần). Thần lành là Thiên Chúa, các thiên thần. Còn ác thần là Satan và ma quỉ phe nó… 
 
Là Thần linh thuần túy, Thiên Chúa có nhập vào người không ? Thiên Chúa đã dựng nên con người là một bản vị có tự lập, tự chủ, và tự do, bất khả xâm phạm và bất khả thâm nhập như trên kia đã nói, nên Người tôn trọng những qui luật do chính Người đã lập ra, không bao giờ vi phạm, nếu Người vi phạm thì Người làm sao có thể dạy loài người phải giữ ?[3] 
 
Đức Mẹ và các thiên thần, các thánh cũng tuân theo đường lối ấy của Thiên Chúa. 
 
Chúng ta có thể thấy rõ điều ấy trong Kinh Thánh, khi Thiên Chúa luôn luôn nói với các ngôn sứ: “Thiên Chúa Yavê phán thế này…”. Hoặc “Lời Thiên Chúa đã xảy đến cho ngôn sứ X… như thế này…”. Tức là Thiên Chúa ban lời Người cho họ, rồi họ nói lại cho dân chúng. Không bao giờ Thiên Chúa nhập vào vị tiên tri để dùng miệng ông mà nói : “Ta là Yavê đây, Ta phán rằng…”.[4] 
 
Chúng ta cũng còn có thể thấy rõ điều ấy trong những cuộc Chúa hay Đức Mẹ hiện ra hay hiển linh cho các người lành thánh. Các Ngài nói với họ, hoặc tỏ bày, hay cho họ thấy thị kiến điều nọ điều kia…, rồi xin họ truyền bá ra cho mọi người. Ví dụ: ở Lộ Đức, Đức Mẹ hiện ra và xin cô bé Bênađêta, vốn là một cô bé nghèo và dốt nát, đến hang đá nơi Người đang đứng trong một ít ngày. Cô bé có quyền nhận hay từ chối lời đề nghị ấy. Ở Fatima cũng vậy, Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ Lucia, Fanxicô và Jacinta (cỡ 8 đến 10 tuổi) và xin họ đến trong vòng 5 tháng, đúng vào ngày 13. Nay ở Mễ Du (Nam Tư cũ) cũng thế, Đức Mẹ hiện ra với 6 thiếu niên nam nữ (tuổi từ 10 đến 16) và xin họ đến và nhận rao truyền các sứ điệp của Người. Chúa và Đức Mẹ luôn tôn trọng quyền tự chủ, tự do của các thị nhân. Các Đấng đối diện với họ như một con người đứng trước một con người khác, và xin họ cộng tác. Không bao giờ có chuyện xâm nhập vào trong mình họ. 
 
Nói tóm, Không bao giờ Chúa hay Đức Mẹ nhập vào người ấy mà nói bằng miệng người ấy, chẳng hạn : “Ta là Giêsu đây, Ta dạy rằng…”; “Ta là Đức Maria, Ta khuyên con….” 
 
Vậy thì chỉ còn các ác thần, Satan và ma quỉ, vốn là những thần linh song đã phản nghịch với Thiên Chúa và muốn phá hoại chương trình của Thiên Chúa, và là kẻ thù ghét ghen hạnh phúc loài người mới bất kể tự do, tự chủ của con người, bất kể qui luật bất khả xâm phạm và bất khả thâm nhập – nghĩa là bất kể họ có muốn hay không muốn – cứ xâm nhập họ, lúc thì khi không, lúc thì do bùa ngải của Thầy bùa, Thầy pháp, phù thủy… 
 
Thường nó không bao giờ tự nhận mình là Satan hay ma quỉ, mà nó mạo tên người nọ người kia, có khi nó còn dám giả làm Chúa, Đức Mẹ, giả làm thiên thần, hay đức thánh nọ, bà chúa kia… để cho người đời đừng sợ và dễ tin nó, và nhiều khi còn ban ra những lời rất tốt lành, đạo đức, hoặc thi ân giáng phúc, làm những dấu thiêng điềm lạ [5] khiến cho chúng ta, nếu thiếu cảnh giác sẽ dễ bị xiêu lòng, bị phỉnh gạt, tưởng nó là ngôn sứ của Thiên Chúa. 
 
Muốn câu cá, chúng ta cũng thường che lưỡi câu sắc nhọn đen đủi đáng sợ bằng một mồi thơm ngon để dử thính…  
 
Dù nó mạo nhận là ai đi chăng nữa, thì hễ “nhập xác” bất hợp pháp [6] thì chắc chắn chỉ Satan và bè lũ ma quỉ bộ hạ của nó vốn là thần linh mới làm. Nếu theo dõi những gì chúng tôi phân tích ở bài này, thì thấy rõ ngay. Trong trường hợp này, nếu có khả năng, thì cứ việc trừ quỷ là tốt nhất. Không rửa tội cho nó. 
 
Để cụ thể hóa, dưới đây xin mô tả đại khái : 
 
Hiện tượng “nhập xác” : Một người, nam, nữ, già, trẻ bất kỳ … khi không bị một “ai đó” nhập vào trong mình, dùng miệng đương sự mà nói, nó tự xưng là một âm hồn bơ vơ, bất vưởng,[7] hoặc bị oan ức gì đó, có tên là…, có khi nó tự xưng là thai nhi bị phá thai, có trường hợp nó tự xưng là những nhân vật lớn hay thánh đức: “Đức thánh nọ, Bà chúa kia…”[8] (chúng tôi không tiện viết rõ ra đây); có lúc còn cả dám xưng mình: là “Cha”, hoặc “Ta là Đức Trinh Nữ Maria”, “Ta là Thánh Phêrô…”, “là Thiên thần Micae…” v.v…; và nói trước tương lai cùng làm những việc kỳ lạ mà chính đương sự không tự chủ được. Như thế đương sự trở thành nạn nhân của một sự xâm nhập bất hợp pháp, mất tự chủ và tự do, trong mình có hai người đang sống và hoạt động, nhiều khi ngược ý nhau… 
 
Theo đúng bản chất, “nhập xác” đây là một hình thức của “ma nhập, quỷ ám” (possesion diabolique), nhưng thuộc loại nhẹ,[9] và rất tinh khôn, chứ không hung dữ đáng sợ như những trường hợp chúng ta thường được nghe, ví dụ: “Người quỷ ám xứ Ghêrasa” trong Tin Mừng Máccô, chương 5. 
 

* * *

 
PHẦN (II) : VẤN ĐỀ RỬA TỘI CHO ÂM HỒN. 
 
Có một số người – trong đó cả hàng giáo sĩ – thi hành và còn công khai viết trên sách vở báo chí mà chúng tôi đã được đọc, về việc rao giảng và rửa tội cho âm hồn những người đã chết và nhập xác vào một người đang còn sống. Làm như thế, hình như họ dựa vào đoạn thư 1Phêrô 3,18-20 nói về Đức Yêsu phục sinh xuống ngục Tổ tông rao giảng cho các thần linh: “Ngài đã bị giết chết về xác thịt, nhưng đã được tác sinh về Thần Khí, nhân cơ hội đã đi rao giảng các thần linh trong ngục, cho những người bất phục xưa kia…”, cho nên ngày nay họ cũng theo gương Thầy Thánh mà đi cứu các âm hồn “trong ngục” tức là còn bị giam cầm hoặc vất vưởng đâu đó, chưa được giải thoát mà vào thiên đàng. 
 
Bây giờ, chúng ta nghiên cứu đoạn Thánh thư nói trên mà họ viện ra để thi hành việc cứu âm hồn ấy xem có đúng với ý nghĩa mà họ nghĩ không? . 
 
Đoạn thư Phêrô trên nói về việc Chúa Yêsu xuống ngục Tổ Tông, trong ba ngày Ngài nằm dưới mồ chờ phục sinh, nói như thế là nói một cách bình dân theo kiểu nhân loại. Còn nếu hiểu theo cách thần học, theo cách nhìn mầu nhiệm của Thiên Chúa thì phải nói rằng: Ngay khi Đức Yêsu tắt thở trên thập giá, hoàn tất tế lễ hi sinh, vì vâng phục ý Chúa Cha, thì Ngài đã phục sinh vinh hiển ngay tức thời và lên cùng Cha, ngự bên hữu Chúa Cha rồi: “Ngài đã bị giết chết về xác thịt, nhưng đã được tác sinh bởi Thần Khí” (1P 3.18).[10] Tin Mừng Gioan còn nói rõ hơn, khi luôn luôn cho biết là cái chết thập giá là Giờ Đức Yêsu được tôn vinh (Ga 3.14-15; 12.25,32; 13.31-32; 17.1,5), và Ngài ra đi (bởi chịu chết) là Ngài đến cùng Chúa Cha (14.28; 15.5,10; 16.17,28; 17.11,13). 
 
Và chính từ nơi vinh hiển ấy Chúa Giêsu chiếu tỏa ánh sáng xuống nơi ngục ấy (Ngài đâu cần phải “đi” xuống nơi ấy!) cho hai hạng người: [11] 
 
1/ Những người công chính đã chết. Ngài chiếu tỏa ánh sáng vinh quang sự sống thần linh xuống nơi mà các người công chính ngay lành vẫn ngóng chờ Ngài, và họ nhận biết Ngài là Chúa tể và Đấng cứu độ của họ, và được theo Ngài vào thiên đàng, vì trước khi Chúa Giêsu lên cùng Chúa Cha tức là vào thiên đàng, thì như thể cửa thiên đàng vẫn còn đóng kín, Ngài vào trước để mở cửa cho mọi người từ đó được vào theo sau. 
 
2/ Các âm hồn tội lỗi ngỗ nghịch (“những người bất phục xưa kia”), thì ánh sáng thần linh của Đức Kitô cũng chiếu dọi trên họ, (nói theo cách bình dân thì là) Ngài cũng xuống ngục Tổ Tông để rao giảng cho họ, nhưng cốt là để bắt họ phải thần phục cuộc vinh thắng và quyền Chúa tể trên cả trời đất, Chúa kẻ chết cũng như người sống của Ngài (Mt 28.18; Pl 2.10; Rm 14.9) (x. TOB). Nhưng họ bị bỏ lại trong tối tăm sự chết đời đời. 
 
Sau khi đã hiểu rõ như trên, thì sẽ thấy: Chúa Giêsu phục sinh vinh hiển, chỉ mình Ngài, Đấng duy nhất đã chết và sống lại, mới có quyền “xuống ngục Tổ tông”,[12] nói khác đi, mới có thể chiếu ánh sáng vinh quang sự sống thần linh cho các linh hồn người công chính Cựu Ước mà mở cửa Trời cho họ được vào ! Còn ta là ai mà nghĩ mình có thể đi rao giảng và rửa tội cho “các thần linh trong ngục” và cho các âm hồn “xưa kia bất phục” để họ được cứu rỗi mà đưa họ vào thiên đàng ? 
 
•               Những người làm phép rửa cho các âm hồn nói trên còn biện minh việc họ làm bằng cách dựa vào đoạn thư nữa là 1Phêrô 4,4-6 trong đó có câu: “Và vì thế mà Tin Mừng đã được loan báo cho cả những kẻ chết…”. Vậy thì họ cũng đi loan báo Tin Mừng cho những âm hồn, và sau đó ban phép rửa tội cho chúng để chúng được cứu rỗi. Hai đoạn thánh thư trên (1Pr 3,18-20 và 4,4-6) chẳng phải giống nhau và liên kết với nhau sao, vì cùng nói về một đề tài: “rao giảng cho các thần linh trong ngục” và “loan báo Tin Mừng cho những kẻ chết” ? 
 
Nhưng không phải vậy. Xem ra đoạn thư 4,4-6 này không có liên hệ với đoạn 3,18-20 trên viết về việc Đức Giêsu xuống ngục Tổ tông, vì thuộc hai mạch văn khác nhau. Đoạn 4,4-6 đây không nói về Đức Kitô … “đã đi rao giảng các thần linh trong ngục… nhân cơ hội Ngài đã bị giết chết về xác thịt, nhưng đã được tác sinh về Thần Khí” (3,18-19), nhưng nói về “Đấng đã sẵn sàng phán xét người sống và kẻ chết” (4,5), tức là nói đến phán xét chung tận thời tận thế. 
 
Trước hết ta phải xem “kẻ sống và kẻ chết” nghĩa là gì, rồi sẽ xem “kẻ chết ấy được loan báo Tin Mừng” là ai. 
 
a)  Theo cách hiểu truyền thống trong Hội Thánh, thì “người sống” là những người còn sống trên trần khi Đức Giêsu Tái Lâm, còn “kẻ chết” là những người đã quá cố trước đó. Đoạn thư sau đây của Thánh Phaolô viết rõ: “Đây điều chúng tôi dựa vào lời của Chúa mà nói với anh em : là chúng ta, những kẻ còn sống sót lại vào thời Quang lâm của Chúa, chúng ta sẽ không lấn trước những người đã an nghỉ. Bởi vì khi lệnh vang ra, …. thì từ trời chính Chúa sẽ ngự xuống, và những kẻ đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước, rồi chúng ta, những kẻ còn sống sót lại, chúng ta sẽ được quyền lên các tầng mây làm một với họ, đi đón Chúa trên làn khí. Và như vậy, chúng ta sẽ được ở với Chúa luôn mãi” (1Tx 4,15-17). 
 
Hiểu như vậy, thì “những người sống” – mà Thánh Phaolô viết là “chúng ta” – là ông và nhiều Kitô hữu đồng thời với ông mà ông tin rằng sẽ còn sống sót lúc Chúa Quang lâm (x. thêm 2Cr 5,2-4). Vì ông cũng như nhiều thành phần trong Hội Thánh sơ khai nghĩ rằng Quang lâm sẽ đến cấp kỳ ngay trong thời của họ. Còn “những kẻ chết” (“những người đã an nghỉ”) ấy là tất cả những người đã qua đời trước khi Chúa Giêsu quang lâm. Thực tế đó là chúng ta, hiện nay đang sống nhưng…. rồi sẽ chết trước khi Chúa quang lâm lúc tận thế. Vậy đối với lúc Chúa quang lâm, chúng ta là những “kẻ đã chết” (1Pr 4,6). 
 
 b)  Bây giờ bàn đến việc “kẻ đã chết” là ai mà cũng được loan báo Tin Mừng: Đó là chúng ta và mọi người đang sống trên dương gian. Nhưng như trên vừa nói, đối với lúc Chúa quang lâm, chúng ta là những “kẻ đã chết” rồi, nhưng thuở chúng ta còn sống trên trần gian, Tin Mừng quả thật đã được loan báo cho chúng ta. Nhưng vì chúng ta chết trước lúc Chúa quang lâm cho nên mới nói là “Tin Mừng đã được loan báo cho những kẻ chết”. 
 
Và câu sau đó nói tiếp về cuộc phán xét : Mà vì chúng ta đã được loan báo Tin Mừng nên chúng ta “đã không sống trác táng” như người đời, cho nên đã bị người đời “buông lời phỉ báng” (c.4), đó là chúng ta bị phỉ báng oan ức, nói theo thánh thư là “bị phán xét về xác thịt theo (cái nhìn của) loài người”(c.6). Nhưng “theo Thiên Chúa, thì ta được sống về Thần Khí” (c.6) nghĩa là nhờ bởi chúng ta được nghe loan báo Tin Mừng và tin theo, thì được Thần Khí tái sinh và ban cho ta sự sống của Thiên Chúa (Ga 3,3,5; 5,24; Rm 6,3-8…). Cho nên những kẻ phỉ báng chúng ta thì “họ sẽ phải trả lẽ với Đấng đã sẵn sàng phán xét người sống và kẻ chết” (1Pr 4,5) là Đức Giêsu Kitô, trong cuộc Chung thẩm của ngày Quang lâm, Ngài sẽ phán xét chúng và trả lại công bằng cho các tín đồ của Ngài đã bị phỉ báng oan ức. 
 
Đức Giêsu đã có lần trách "người Do Thái", “vì không tường sách Thánh và quyền năng Thiên Chúa, đã lầm” (Mc 12,24), vậy thì những người – khi nghe hai đoạn thánh thư này nói đến việc “Rao giảng cho các thần linh trong ngục” và “Tin Mừng được loan báo cho kẻ chết”, liền cho rằng ngày nay mình cũng phải loan báo Tin Mừng cứu rỗi cho những âm hồn của người đã qua đời và Rửa tội cho họ – có rơi vào trường hợp Chúa Giêsu nói đấy không ? Đành rằng những người ấy có ý tốt, muốn cứu rỗi linh hồn người ta, nhưng ý tốt ấy lại vướng vào sai lầm, đi ngược với Kinh Thánh và giáo lý của Hội Thánh, khiến cho việc làm ấy của họ không thành công, mà còn có nguy cơ làm cho người khác lầm tưởng rằng có thể thay đổi số phận sau khi chết, dù cuộc sống hiện tại có bê bối, tội lỗi, sau khi chết có cơ may sẽ được nghe rao giảng Tin Mừng, được rửa tội và lên thiên đàng. Vậy ta hãy xem : 
 
-  Kinh Thánh dạy gì về số phận con người sau khi chết ? 
 
+  Đức Giêsu nói với môn đồ: “Bao lâu còn là ngày, ta phải lao công vào các việc của Đấng đã sai Thầy, rồi đêm đến, bấy giờ không ai có thể làm công việc gì” (Ga 9,4). Đức Giêsu nói cách bóng bảy: Ngày là lúc còn sống. Đêm là lúc chết. Không còn làm việc gì được nữa. Diễn dịch cách nôm na, không còn có thể lập công nghiệp được nữa, lúc sống thế nào, lúc chết giữ nguyên trạng như vậy để chịu phán xét, và tùy lành dữ mà được thưởng hay bị phạt. 
 
+  Khi Đức Giêsu trình bày dụ ngôn người phú hộ và người ăn mày Ladarô, Ngài đã nói cho chúng ta về số phận ngay sau cái chết của hai người ấy (Mời đọc Luca 16,19tt): người thì lên dự tiệc nơi lòng Abraham tức là thiên đàng; kẻ thì xuống hỏa ngục lửa cháy. Điểm đáng chú ý : sự đối nghịch tuyệt đối giữa số phận của hai người là vấn đề chung quyết, không cách gì thay đổi được cũng như không thể trợ giúp nhau : “Giữa chúng ta và các ngươi đã cắt ngang định sẵn (tức là đã được ấn định cho luôn mãi) một vực thẳm, khiến cho tự bên này có ai muốn cũng không thể qua bên các ngươi, và tự bên ấy, người ta không sang đến được với chúng ta” (c.26). 
 
+  Rồi, ta hẳn cũng còn nhớ đến lời hứa của Đức Giêsu với người trộm lành : bảo đảm chắc chắn là “chính hôm nay, anh sẽ ở cùng Ta trên thiên đàng”. Sau khi chết, số phận được định đoạt ngay dứt khoát. 
 
+ Nhất là hãy nghe lời Kinh Thánh sau đây đã nói gì về số phận con người ? Nói rằng: “Cũng một thể như số phận người ta là phải chết một lần và sau đó là phán xét thì Đức Kitô cũng vậy, (chỉ) đã hiến dâng mình (chịu chết) một lần để cất tội lỗi của muôn người …” (Dt 9,27). Nghĩa là những người qua đời thì sau khi chết sẽ chịu phán xét một lần độc nhất mà thôi, tuyệt đối không còn có thay đổi gì nữa. 
 
Giả sử ngược lại, người ta đưa đến cho ta một người bị một âm hồn người ngoại đạo tội lỗi đã chết và đã chịu phán xét nhập xác vào họ, ta rao giảng Tin Mừng và Rửa tội cho cho âm hồn ấỵ, thì nó được giải tội và nên công chính, như thế phán xét trước kia của Thiên Chúa chẳng lẽ phải sửa lại ư? (Ví dụ phán xét trước kia của Thiên Chúa là nó tội lỗi nên bị trầm luân, nay ta Rửa tội nó được nên công chính, phán xét trầm luân trước kia của Thiên Chúa nay phải sửa lại thành phán xét công chính, và cho nó vào thiên đàng? Nói như thế chẳng khác gì bảo Thiên Chúa đã phán xét sai. Vô tình mà ta đã nói lộng ngôn phạm thượng mà không ngờ). 
 
Và nếu có thể sửa đổi số phận như thế, cuộc sống của con người trên trái đất sẽ chẳng còn có tính nghiêm nghị nữa. Tội gì phải sống khắc khổ, gò bó ? Cứ sống buông thả, vì sau khi chết vẫn còn cơ may được rao giảng, được rửa tội và được cứu. Không phải thế ! Thời gian sống trên trần gian của con người là thời thử thách và chuẩn bị họ sống tình thân nghĩa đời đời với Thiên Chúa là cứu cánh của đời họ : đó là thời kỳ mà con người có quyền chọn lựa tự do hoặc nhận tình thân nghĩa toàn diện và chung cuộc ấy, hoặc khước từ, vứt bỏ nó mà sống ngược lại trong sở thích đam mê tội lỗi. 
 
Bao lâu con người còn sống trên dương gian, họ còn có khả năng thay đổi lập trường nói trên, sau khi sống lầm lỗi, nhờ ơn lòng thương xót Thiên Chúa vẫn có thể ăn năn trở lại để chiếm lại tình thân nghĩa kia. 
 
Cái chết đến chấm dứt thời kỳ thử thách và chọn lựa ấy: nói theo cách bình dân, hết thời gian lập công nghiệp rồi, con người được cố định vĩnh viễn trong thái độ thân nghĩa hay thù nghịch mà họ đã chọn lựa cách tự do. 
 

* * *

 
-  Giáo Lý Hội Thánh cũng dạy gì về điều đó ? 
 
Dựa vào lời Kinh Thánh, giáo lý Hội Thánh cũng dạy một cách hết sức minh bạch: một khi người ta chết thì số phận được định đoạt ngay tức khắc cho đến đời đời không thể còn thay đổi. 
 
+  Lời của Công Đồng Lyon II, tức là một lời tuyên bố của Hội Thánh khẳng định điều ấy: “Linh hồn những kẻ chết đang trong tình trạng tội trọng (état de péché mortel)... bị rơi xuống hỏa ngục ngay tức khắc sau khi chết, để chịu những hình phạt tương xứng với mỗi người”. (Denzinger. 857-858; cũng x. Công Đồng Florence, Denz. 1304-06; Công Đồng Trentô, Denz. 1820). 
 
+   Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo số 1021 dạy: 
 
“Cái chết kết thúc đời sống con người, nghĩa là chấm dứt thời gian đón nhận hay chối bỏ ân sủng Thiên Chúa được bày tỏ trong Đức Kitô. (x. 2Tm 1,9-10). Khi đề cập đến phán xét, (tuy) Tân Ước chủ yếu nói về cuộc gặp gỡ chung cuộc với Đức Kitô trong ngày Quang Lâm (lúc tận thế), nhưng cũng nhiều lần khẳng định có sự thưởng phạt tức khắc ngay sau khi chết, tùy theo công việc và đức tin của mỗi người. Dụ ngôn về người nghèo khó Ladarô và lời Đức Giêsu trên thập giá nói với người trộm lành (trên đây đã trưng dẫn), cũng như nhiều đoạn khác của Tân Ước (x. 2Cr 5,8; Pl 1,23; Dt 9,27; 12,23), nói đến số phận rất khác nhau của từng người (x. Mt 16,26).” 
 
“Ngay khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán xét riêng để được thưởng hay bị phạt đời đời; tùy theo đời sống của mình trong tương quan với Đức Kitô (trước kia lúc còn sống trên dương gian mà) linh hồn phải trải qua một cuộc thanh luyện hoặc được hưởng phúc trên trời hoặc sa địa ngục vĩnh viễn” (x. Denzinger. 1000-02; 900). 
 
Như thế, theo Kinh Thánh và Giáo lý Công giáo, sau khi chết mỗi người đã thể theo tội phúc mà bị phán xét, số phận như vậy là được cố định vĩnh viễn đời đời, và đi vào chốn dành cho mình rồi, sao còn có thể làm cô hồn bơ vơ vất vưởng đi lang thang đây đó được nữa (mà đến xin các linh mục rửa tội cho), còn ta làm sao có thể thay đổi số phận của họ ? 
 

* * *

 
(III)  PHÁN QUYẾT CỦA CHÚA VÀ HỘI THÁNH TRÊN CÁC ĐIỀU MÊ TÍN DỊ ĐOAN. 
 
Lưu Ý : Tuy việc những người rao giảng và rửa tội cho các âm hồn nói trên, không phải là tự ý họ bày ra, song là người khác đem các người bị âm hồn “nhập xác” đến xin họ cứu giúp, nhưng nếu chúng ta đã khẳng định trên kia rằng những việc đó là những việc của ác thần tức ma quỉ mới làm, chẳng khác gì “bóng ốp”, “ma nhập”, và là một việc mê tín dị đoan, thì khi chúng ta tham gia vào – có lẽ vì ý ngay lành và vô tình, không biết rõ – là chúng ta đã chơi vào trò của ma quỉ, dây vướng vào việc của nó bày đặt ra, với hậu quả tai hại bởi đó phát sinh… Vì vậy, chúng tôi cũng cứ nêu ra các phán quyết của Chúa và Hội Thánh về các việc mê tín dị đoan nói chung, để biết mà tránh đi. 
 
A -  Lời Chúa phán trong Kinh Thánh[13] 
 
* Sách Đệ Nhị Luật 18,9-12 : “Anh em đừng học đòi những thói ghê tởm của các dân tộc (ngoại đạo) ấy: giữa anh em … không được thấy ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thủy, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn. Thật vậy, hễ ai làm điều ấy thì là điều ghê tởm đối với Đức Chúa…” (Xem thêm: Lê vi 19,26,31; 20,6) 
 
* Giêrêmia 27,9-10 : “Phần các ngươi, đừng nghe lời các ngôn sứ (giả), các tay bói toán, giải mộng, chiêm tinh, phù thủy của các ngươi… Chúng chỉ tuyên sấm điều dối trá… khiến Ta phải xua đuổi và tiêu diệt các ngươi”. 
 
* Lê vi 20,27 : “Người … nào có ma nhập, thần ốp thì phải bị xử tử…” 
 
* Công Vụ Tông đồ 13,6-11 : Thánh Phaolô trừng phạt một người làm nghề phù thủy: “Hỡi kẻ đầy mọi thứ mưu mô và mọi trò xảo trá, hỡi con cái ma quỷ và kẻ thù của những gì là công chính,… giờ đây, này bàn tay Chúa giáng xuống trên ngươi: ngươi sẽ bị mù… trong một thời gian.” Lập tức mù lòa và tối tăm ập xuống trên người phù thủy… 
 
* Sách Đệ Nhị Luật 17,3-7 : Cũng cấm triệt để việc thờ bái các thế lực thiên nhiên được tôn làm thần: như Mặt trời, Mặt trăng hay toàn thể thiên binh (bầu trời), ai vi phạm sẽ bị ném đá chết. (Cũng xem thêm sách Khôn ngoan 13,1-13 và Thư Rôma 1,18-27 kết án việc thờ các điều ấy). 
 
* Isaia 47,11-15 : Qua miệng ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa nhạo báng dân Babylon, đã tin vào những tay phù phép ma thuật, chiêm tinh, xem số tử vi… cuối cùng cũng chẳng giúp gì được cho mình khỏi đại họa:  “Đâu cả rồi mấy ông xem số tử vi, mấy thầy chiêm tinh, mấy kẻ cứ đến kỳ tân nguyệt (ngày sóc, ngày vọng) lại báo cho ngươi những gì sẽ xảy đến? Tất cả hãy đứng lên nào, hãy cứu chữa ngươi đi ! Này chúng sẽ như cọng rơm bị đốt cháy, không sao cứu mạng khỏi hỏa hào, … những kẻ đã làm ngươi hao sức tốn công, những kẻ đã nuốt tiền của ngươi từ hồi còn trẻ…” 
 
* Sách Huấn ca 34,1-7 : Chê các việc mê tín dị đoạn: “Tin vào mộng mị thì khác nào bắt bóng và đuổi theo gió… Bói toán, rút quẻ, chiêm bao cũng đều hão huyền cả…. Bởi chưng mộng mị đã khiến cho bao người lầm lạc, họ gục ngã vì hi vọng vào đó”. 
 
* Sách Giảng viên 9,4-6,10 cũng bảo : Người đã chết không còn biết gì đến việc dương gian, thì làm sao có thể giúp đỡ hay thi ân giáng phúc cho kẻ sống: “Chỉ những ai còn sống trong cõi dương gian mới có hi vọng mà thôi, vì con chó sống thì hơn con sư tử chết…. Người chết chẳng biết gì cả; họ đâu còn được hưởng điều gì… bao yêu thương, oán hờn, ganh tị của họ đã tiêu tan cả rồi, và muôn đời họ sẽ không được dự phần vào bất cứ chuyện gì xảy ra dưới ánh mặt trời nữa…. Trong cõi âm ty… không còn hoạt động, không còn dự tính, chẳng còn hiểu biết, chẳng còn khôn ngoan”. 
 
B -  Hội Thánh Công giáo phán quyết thế nào về các chuyện mê tín dị đoan ? 
 
  Kitô giáo kết án ngay từ thời đầu những việc ấy : 
 
+ Tertullianô (160-240) lên án những tay phù thủy, “vẫn làm xuất hiện các bóng ma và làm ô danh những linh hồn người quá cố. Chúng dùng trẻ con để bắt phải tuyên sấm. Bằng những trò xảo thuật bịp bợm, chúng làm nhiều việc thần kỳ, như để đùa bỡn”. 
 
+ Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, nhiều ông vua có đạo đã ban chiếu chỉ trấn áp những thần dân nào tham gia thực hành những điều mê tín dị đoan để chiêu hồn. 
 
+  Ngày 5-1-1585, Đức Giáo Chủ Sixtô-Quintô, trong Tông Hiến Coeli et terrae Creator (Đấng Tạo Thành trời đất) đã chính thức kết án những ai, nhờ thuật chiêu hồn, tìm cách giao tiếp với các người chết. 
 
+      Trước sự bành trướng của thuật thông thần, thông linh (= thông giao với âm hồn người đã chết), Bộ Thánh Vụ (ngày nay là Bộ Giáo Lý và Đức tin) lại ban hành những cảnh cáo chính xác hơn và nghiêm nhặt hơn vào ngày 4-8-1856, tức là 6 năm sau (Denzinger, số 1654): 
 
“Lơ bỏ ý muốn chính đáng tìm tòi khoa học, để miệt mài tìm kiếm chỉ vì tò mò, gây nguy hại lớn cho các linh hồn và phương hại cho chính xã hội dân sự, có nhiều người khoe khoang đã khám phá được một phương thức để tiên báo và đoán được tương lai. Đúng vậy, nhiều phụ nữ không mấy đức hạnh đã tự nhận – khi miệt mài thực hành việc mộng du hay việc nhìn thấu suốt (claire-voyance = Huệ nhãn ??) như người ta nói, bằng những thủ pháp không lương thiện – rằng họ đã khám phá và tỏ lộ những sự vô hình, bằng cách thuyết giảng về những vấn đề tôn giáo, bằng cách gọi hồn người chết, và lãnh được lời chúng trả lời, bằng cách khám phá được điều chưa từng biết hay xa xôi, và bằng cách thực hành nhiều việc dị đoan đại loại như vậy. Các bà ấy rút được cho mình và cho những người (đứng sau lưng) khai thác họ, những lợi nhuận khá lớn. Tựu trung, không kể đến phần xảo thuật và ảo tưởng, một khi người ta dùng những phương tiện vật lý để đạt những hiệu quả vượt trên tự nhiên, thì chắc chắn đó là phỉnh lừa vô cùng bất hợp pháp và lạc đạo, đồng thời đó là gương mù nghịch với luân thường đạo lý”. 
 
+      Mười năm sau, lại lần kết án mới do Công Đồng Baltimore (1866), bởi lo sợ có sự can thiệp của ma quỉ vào những hiện tượng thông thần ấy : sau khi đã chỉ trích những buổi họp đồng bóng, bởi nhiều sự việc kỳ diệu xảy ra ở đó chỉ có thể phát sinh do ảo giác hay lường gạt, các Nghị Phụ của Công Đồng nói tiếp : “Tuy nhiên, người ta khó có thể không nghi ngờ rằng một số các sự việc ấy đã do sự can thiệp của ma quỉ, vì không còn cách giải thích nào khác nữa”. – Chúng ta cũng không nên quên rằng : chính các bậc thầy của thuật thông thần cũng tuyên bố họ thường nhận thấy hoạt động của những thần hạ cấp lừa đảo và tác hại. 
 
+      Nhưng đây mới là lời kết án chung kết, sau khi thuật thông thần bành trướng hết mức, và Bộ Thánh Vụ rào đón trước tất cả các cách thức tham dự coi như có thể, vào các buổi hội họp loại ấy. 
 
Được hỏi : “Có được phép tham dự, hoặc nhờ hay không nhờ đồng cốt, hoặc có hay không sử dụng thuật thôi miên, 
 
vào những cuộc đàm đạo hay những biểu thị thông thần mà bên ngoài thấy có vẻ lương thiện và đạo đức, 
 
hoặc hỏi han các âm hồn[14] hay các linh thần, 
 
hoặc nghe những lời chúng trả lời, 
 
hoặc chỉ quan sát mà thôi, 
 
đang khi trong lòng ta phản đối, một cách ngấm ngầm hay công nhiên, rằng là không muốn giao tiếp tí nào với các thần dữ không ?” 
 
Bộ Thánh Vụ trả lời ngày 24-4-1917: “Không, về hết mọi điểm nêu trên” (Acta Apostolicae Sedis – Văn kiện chính thức của Tòa Thánh – ngày 1-6-1917, tr.268). 
 
Không còn có thể nghĩ có lời kết án nào chính thức và tuyệt đối hơn. Giáo Hội Công giáo chưa hề bao giờ rút lại lời cấm đoán ấy. 
 
- Những lý do của lời kết án ấy lộ rõ từ những điều chúng ta đã nói về thuật thông thần, thông linh : nó đối nghịch thẳng thừng với tất cả lời dạy của Kinh Thánh, của những tín điều của Giáo Hội Công giáo và của đạo lý thần học chung : nó chối phăng những tín điều Kitô giáo về […..] số phận cố định sau khi chết, về bản tính của Thiên đàng, về hỏa ngục đời đời vĩnh viễn, về luyện ngục, về xác loài người ngày sau sống lại, v.v... và v.v... 
 
Ngoài ra, thuật thông thần còn bị Hội thánh coi là mở cửa cho ma quỉ hoạt động, mà trong một số trường hợp đã nhận thấy có rõ ràng. Chúng ta đã xem các Nghị Phụ của Công Đồng Baltimore, năm 1866 kết án các buổi họp thông linh, các vị đưa ra lý do : “Khó mà không nghi ngờ rằng một số sự việc lại chẳng do can thiệp của ma quỉ, vì ngoài ra, mọi lời giải thích khác đều không đạt”. 
 
•   Ý kiến các thần học gia hiện nay : Đều nhất trí coi như một tội trọng bất cứ một toan tính tiếp chuyện nào do mình gợi lên với các kẻ chết (âm hồn). 
 
Chúng ta hãy lấy từ các sách giáo khoa thần học hợp lệ nhất và được phổ biến rộng rãi nhất hiện nay : 
 
+      Sách của Lm Witrant, s.j. (số 485) : “Thực hành thuật thông thần chắc chắn là điều phải kết án rất nặng, mỗi khi người ta dự định đem ma quỉ hay các người chết can thiệp vào một cách nghiêm túc”. 
 
+      Sách của các Lm. Hurth et Abellan, s.j., giáo sư Đại học Viện Grégoriô ở Roma (số 717, p.I) : “Thuật thông thần đích thực, nghĩa là việc thông giao thực sự hay ít ra mới toan tính, với các linh thần hoặc linh hồn đã lìa xác (âm hồn), là một tội nặng”. 
 
+      Sách “Thần học luân lý giáo khoa” của Lm. Prummer, o.p. (T.II, tr.423) : “Thuật thông thần theo nghĩa chính xác, nghĩa là sự tiếp chuyện vô lối và được gợi lên với các linh thần của một thế giới bên kia, là việc tuyệt đối bất hợp pháp”. 
 
Vậy, thật là sai lầm khi cho rằng Hội Thánh chỉ khuyên đừng nên thực hành các điều đó. Không ! Hội Thánh cấm đoán một cách tuyệt đối nhất, và chúng ta không thể thực hành các việc đó mà không phạm tội bất tuân nặng nề. 
 
Hội Thánh cấm chỉ tuyệt đối sự sử dụng các thứ phương thuật… để giao tiếp với vong hồn (âm hồn, cô hồn), hay để biết tương lai hậu vận. Những toan tính làm như thế có nguy cơ ra khỏi lãnh vực của tâm linh học, để bước vào lãnh vực của trò bày đặt của quỉ ma. 
 
Nói chung, tất cả những phương thế bói toán, gọi hồn, chiêu hồn... để giao tiếp, biết chuyện người chết, để biết tương lai hậu vận ... đều bị kết án. 
 
•         Hội Đồng Các Đức Giám Mục, miền Campani nước Ý, công bố trong một văn kiện chống mê tín dị đoan, tôn thờ Satan:[15] 
 
“Những việc thực hành huyền bí, ma thuật, dù dưới hình thức nào, đều nghịch với đức tin Kitô giáo. Mê tín dị đoan, bói toán, ma thuật và tôn sùng Satan “đều chống nghịch lại sự tôn thờ đối với Thiên Chúa độc nhất” và đều là những “hành vi đắc tội nặng nề nghịch với đức tin và lòng đạo” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo số 2110-2117).”[16] 
 
“Ma thuật, phù phép, tự nó là một tội trọng, tuy đôi khi có những yếu tố chủ quan (ví dụ như tưởng rằng không có tội, nhầm lẫn, hay chỉ vì tọc mạch, vv...) làm giảm trách nhiệm của đương sự.” 
 
“Những việc đó là một tội chống lại Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành và là Chúa Tể của mọi sự, mọi loài. Chỉ mình Người biết và xếp đặt mọi sự quá khứ, hiện tại và tương lai – chỉ mình Người mới biết tường tận ý nghĩa của tất cả mọi biến cố”. 
 
[….]  “Mê tín dị đoan và ma thuật chối bỏ sự quan phòng, lòng nhân hậu của Cha trên trời và tình yêu vô hạn, mà bởi vì yêu thương như thế, Thiên Chúa đã mặc khải, trong Chúa Kitô, mọi sự cần thiết cho ta được cứu rỗi và được hạnh phúc. Nếu ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu và yêu thương con cái, và vì thế đã quan phòng, sắp đặt mọi sự, mọi vật để họ được cứu rỗi và được hạnh phúc, thì cần gì phải nhờ cậy vào cái gì khác để biết trước tương lai hậu vận làm gì..., vì chẳng có tạo vật nào có thể làm sai lệch chương trình của Thiên Chúa." 
 

* * *

 
LỜI CUỐI : 
 
Ước mong các Đấng Bản Quyền trong Giáo Hội Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra những chỉ thị rõ ràng, những biện pháp cụ thể để xử lý những việc nói trên, hầu cho con chiên bổn đạo được yên tâm, không còn hoang mang, xao  xuyến… Mong thay ! 
 
        L.m Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR 
 
         Tp. Hồ Chí Minh, ngày 1-11-2006 
 

 * 
 
*       *

 
BÀI ĐỌC THÊM : 
 
Trong Tuần báo Công giáo và Dân tộc, số 1580, ngày 20-10-2006, tr.37, ông Vũ Duy Giang có viết ở mục “Chuyện trong làng”: “LÊN ĐỒNG” SẼ TRỞ THÀNH FESTIVAL QUỐC GIA ?”, chúng tôi xin tóm lược như sau: “Chuyện đồng bóng từ rất lâu đã được nhiều người xem như mê tín dị đoan.[17] Bởi ai tin nổi chuyện người cõi trên nhập hồn vào người trần để rồi chuyện trò với nhân gian?”… Sau đó, tác giả kể chuyện về những việc lên đồng ở chỗ này chỗ kia, ví dụ của Đạo Thiên Tiên Thánh Mẫu … Rồi tác giả viết tiếp: 
 
“Lần đầu tiên lên đồng hay còn gọi là hầu bóng được Bộ Văn Hóa Thông Tin tổ chức thành một Festival hoành tráng tại khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc thuộc tỉnh Hải Dương…. Được xem như là “Festival Lên đồng thử nghiệm” nhưng dường như ai cũng nghĩ rằng đây là một sự công nhận chính thức với đạo Thiên Tiên Thánh Mẫu cùng với các giá trị tâm linh và nghệ thuật văn hóa dân gian vốn có. Thế nhưng nhiều người, trong đó có tôi rất áy náy về tính chất mê tín dị đoan của việc đồng bóng, khi đưa lên tầm mức lễ hội quốc gia !? Trả lời báo Nhân Dân, Giáo sư Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam cho rằng: (xin tóm tắt) “Hiến pháp từ năm 1992 đã qui định người dân có quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng. Nhưng đã có một thời gian dài, chúng ta không phân biệt rõ giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan, dù thực tế có những yếu tố mê tín “ký sinh” vào “lên đồng” như bói quẻ, xóc thẻ… Nay các nhà quản lý văn hóa đã phân biệt rõ giữa mê tín và tín ngưỡng, cùng với tinh thần dân chủ trong văn hóa mở rộng, vai trò các cá thể có điều kiện xuất hiện hơn, nên đã tôn vinh giá trị của “lên đồng”.”  
 
Trích dẫn bài báo ấy, chúng tôi muốn lưu ý điều này cho người Công giáo mà thôi: Cho dù ngày nay, theo như bài báo thuật lại, người ta tôn vinh việc lên đồng vì đã phân biệt được giữa mê tín và tín ngưỡng, tức là coi việc lên đồng là thuộc tín ngưỡng chứ không phải là mê tín dị đoan, thì chúng tôi chỉ muốn nhắc cho anh chị em Công giáo chúng ta rằng: Họ nghĩ thế nào thì tùy họ, còn chúng ta chỉ biết rằng trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã nghiêm cấm triệt để những chuyện như thế, và dựa vào Kinh Thánh, Hội Thánh Công giáo cũng kết án thật rõ ràng, như chúng tôi đã trình bày trong bài này.

--- o o 0 o o ---

 
Các Cước Chú : 
 
[1]    Bài này lược trích từ cuốn “Có Được Giao Tiếp Với Âm Hồn Không?”, phóng tác của H.M.Tuấn, Cssr, theo nguyên tác “Peut on communiquer avec les morts?”, của L.m. Reginald Omez, op., Tủ sách “Ecclesia”, số 12, Arthème Fayard – Paris, 1955. Sẽ xuất bản. 
 
[2]    -  Còn các thần mà người Việt cổ chúng ta ngày xưa tôn lên như thần mưa, thần gió, thần sấm sét, thần sông Hà Bá, thần núi, thần cây đa, Nam Tào, Bắc đẩu…? Đó chỉ là chuyện tưởng tượng của những người sống trong thời đại tiền khoa học, thấy các sức mạnh thiên nhiên quá mạnh mẽ, họ tưởng đó là các vị thần, cho nên họ cúng bái để xin cho được các đấng ấy phù hộ sống yên hàn, mưa thuận gió hòa. 
 
-   Lại còn những vị có công với làng nước cũng được tôn lên làm thần như Thần Hoàng làng, Đức thánh Trần, Liễu Hạnh Công Chúa, Bà Chúa nọ, Bà Chúa kia….? Họ đã được dân chúng “phong thần” cho họ, thực chất họ cũng chỉ là người không phải thần linh. 
 
[3]   Có người vặn lại: Sẽ không có vi phạm nữa, nếu đương sự tự do bằng lòng chấp nhận để Chúa hay Đức Mẹ nhập vào mình mà ban lời dạy dỗ !  - Theo thiển nghĩ chúng tôi, dù trong trường hợp đương sự tự do chấp nhận, Chúa và Đức Mẹ vẫn tôn trọng các qui luật nói trên. Nói cho cùng, tôn trọng các qui luật ấ́y thì cũng chỉ vì tôn trọng con người. Bản thân mỗi con người là một chủ vị, nghĩa là trong mỗi người chỉ có thể có một chủ mà thôi, mang trách nhiệm về tất cả mọi lời nói và hành động của mình, đó là: Cái “Tôi”, “ngã”, (“ego”, “le moi”), nếu Chúa hay Đức Mẹ xâm nhập, thành ra trong người ấy có hai chủ, “hai ngã”, “hai cái tôi”. Không bao giờ Chúa lại làm như thế. 
 
[4]    Có đôi khi ngôn ngữ nhà đạo chúng ta đã dùng cụm từ hơi dị nghĩa này: “Thiên Chúa phán qua miệng tiên tri X… rằng…”, có thể làm cho người ta hiểu lầm: Thiên Chúa nhập vào trong mình tiên tri ấy và dùng miệng ông mà phán ra… Nhưng đó là chỉ vì muốn nói vắn gọn, thực ra thì ý nghĩa vẫn như trên: Thiên Chúa ban lời cho ngôn sứ, ngôn sứ truyền lại cho người ta. 
 
[5]   Satan và bè lũ có thể làm những phép mầu, đoạn thư sau đây cho biết: “Việc ‘tên vô đạo, đứa hư khốn’ xuất hiện là do tác động của Satan, có kèm theo đủ thứ phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng, và đủ mọi mưu gian chước dối, nhằm hại những kẻ phải hư mất vì đã không đón nhận lòng yêu mến sự thật để được cứu độ. Vì thế Thiên Chúa gửi đến cho chúng một sức lực mê hoặc làm cho chúng tin theo sự dối trá…” (Thư thứ 2 Thêxalonica 2,9-11).    
 
[6]    Nói “bất hợp pháp” để đừng lẫn lộn với việc Chúa đến ngự trong linh hồn chúng ta như Kinh Thánh thường nói: “Kẻ ăn thịt và uống máu Ta thì ở lại trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6,56); hay là : “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến nó và Chúng Ta sẽ đến và đặt chỗ ở nơi mình nó.” (Ga 14,23); hay là: “Tôi xin Người (Chúa Cha) ban cho anh em … được Đức Kitô ngự trong lòng anh em, nhờ bởi đức tin…” (Ep 3,16-17); và nhất là câu này: “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20), và những câu giống vậy. Thiên Chúa và Đức Kitô đến ngự trong linh hồn ta là như khách được mời, chứ không xâm chiếm hay xâm nhập bất hợp pháp vào trong ta, ta vẫn là chủ của ta. Vì ta tin và yêu mến Chúa, nên ta mời Người đến ngự cách thiêng liêng trong ta, ban ơn và dạy dỗ, che chở và phù hộ. Ngày nào ta không muốn nữa, ta có thể mời Người đi chỗ khác. 
 
[7]    Những “âm hồn” này thoạt nghe có vẻ rất giống với “các cô hồn” mà người lương dân thường nói, theo họ đó là những kẻ chết đi không có người thân cúng giỗ của ăn áo mặc… ở bên thế giới bên kia, hay ở nơi chín suối, cho nên phải làm ma đói lang thang vất vưởng… Nhưng nếu xét kỹ những gì chúng ta đã phân tích trên thì không phải. 
 
Mặt khác, cũng đừng lầm “các cô hồn” nêu trên với “các linh hồn mồ côi”, theo kiểu nói của nhiều người Công giáo. “Các linh hồn mồ côi” là những người đã chết, song linh hồn họ nay đang ở dưới luyện tội, chỉ có điều là không có thân nhân cầu nguyện và xin lễ cho để mong được Chúa thương giải thoát khỏi chốn luyện hình, chứ không phải “các cô hồn” lang thang đói khát vất vưởng mô tả trên đây. 
 
[8]    Cũng phải ghép chung vào đây những việc lên đồng, hầu đồng, hầu bóng, cầu cơ, chiêu hồn v.v… nói tóm mọi hình thức gọi âm hồn trở về, nhờ vật gì hay nhập vào ai đó còn sống ở dương gian mà nói… 
 
[9]   Còn có hai hình thức khác do ma quỉ gây nên không kể hình thức “quỷ ám”, đó là “ức chế” (oppression) và “ám ảnh” (obsession), theo như cha Emilien Tardif, một linh mục có quyền năng chữa lành nổi tiếng thế giới, cho biết. (Xem quyển: Đức Giêsu là Đấng Thiên sai, của tác giả). 
 
[10]   Xin lấy một ví dụ để dễ hiểu về hai cách nhìn một là bình dân, hai là thần học ấy: 
 
       Theo cách nhìn bình dân, thì công việc của Thiên Chúa phải dàn trải ra theo trình tự thời gian của loài người, cái trước, cái sau, cái này rồi mới đến cái kia. Vậy trong trình thuật các sách Tin Mừng Nhất Lãm và Công vụ Tông đồ, thì sau khi phục sinh được 40 ngày, rồi sau khi lên Trời 10 ngày, lúc ấy Chúa Giêsu mới ban Thánh Thần xuống (“Ngài truyền dạy cho họ chớ rời khỏi Yêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Cha đã hứa:… không mấy ngày nữa, anh em sẽ được thanh tẩy bằng Thánh Thần” (Lc 24,49) … “Anh em sẽ chịu lấy quyền lực Thánh Thần đến trên anh em. Và anh em sẽ là chứng tá của Thầy… cho đến tận cùng mặt đất” (Cv 1,4-5,8). Và đến lễ Năm mươi, tức là 50 ngày sau, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên họ dưới hình lưỡi lửa và “họ hết thảy được đầy Thánh Thần…” (Cv 2,1-4). 
 
        Theo cách thần học, tức là nhìn mầu nhiệm của Thiên Chúa một cách siêu thời gian và không gian, thì không đợi đến 50 ngày sau, ngay chiều phục sinh, Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho môn đồ: Tin Mừng Gioan đã có cái nhìn ấy: “Đức Giêsu đã đến, đứng giữa họ và nói: Bình an cho anh em … Nói thế rồi, Ngài hà hơi trên họ và nói: ‘Hãy chịu lấy Thánh Thần…” (Ga 20,19-22). 
 
[11]    Phỏng theo cuốn Đức Giêsu Phục sinh, Tập I, tr.380. 
 
[12]   Hiểu theo nghĩa rộng, thì “ngục Tổ Tông” vẫn còn tồn tại sau thời Đức Giêsu Kitô và có lẽ sẽ còn tồn tại mãi cho đến tận thế. Và đạo lý thần học về Chúa Giêsu xuống ngục Tổ tông ngày nay vẫn còn giá trị. Theo nghĩa rộng ấy, thì “ngục” đó là một cách nói bình dân và cụ thể để chỉ về nơi của những người công chính đã chết, dù họ thuộc thời trước hay thời sau Chúa Kitô, mà đã được hoặc đáng được cứu rỗi, vì đã sống chính trực, ngay lành theo luật tự nhiên hay theo tiếng lương tâm. Đúng như Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến chế về Hội Thánh, số 16, đã khẳng định rõ ràng là họ cũng “có thể được cứu rỗi”: chẳng hạn Dân Israen, người Hồi giáo và “những kẻ đang tìm kiếm – trong bóng tối và qua ngẫu tượng – vị Thiên Chúa mà họ không biết”, ngay “cả những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài”,… “cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng”, như những người đạo tự nhiên, đạo ông bà, đạo Phật, Cao Đài, Hòa Hảo, v.v… 
 
Nhưng bởi vì : “Không ai đến với Cha được mà lại không nhờ Ta” (Ga 14,6), Ngài là Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại (1Tm 2,5), cho nên Chúa Kitô Tử Nạn phục sinh “phải xuống rao giảng cho các thần linh trong ngục” ấy, Ngài đến gặp họ trong cái chết của họ, hay nói theo thần học được trình bày trên kia, Ngài chiếu dọi ánh sáng vinh quang sự sống thần linh của Ngài cho họ nhận biết Ngài, và mở cửa cho họ được đến với Chúa Cha, được vào thiên đàng. Do đó các Giáo phụ như Inhaxiô thành Antiôkia mới nói: Đức Kitô là cửa mà “Abraham, Ysaac, Yacob, các tiên tri, các Tông đồ và cả Hội Thánh đi ngang qua để vào” (Phl 3,1; x. 5,2). 
 
[13]    Trích theo bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, 1998. 
 
[14]       Như vậy, như chúng tôi đã nói trên kia, ngày nay việc tham dự vào các cuộc đàm đạo với những âm hồn nhập xác, vốn là chuyện giả trá ma quỉ bày đặt, có thể cũng bị rơi vào lời kết án nói trên. 
 
[15]   Xem Documentation Catholique, (Sưu tập các văn kiện Công giáo) số 2122, ngày 17-9-1995. 
 
[16]    Không thể trích dẫn tất cả những số của Sách Giáo Lý Công giáo nói trên, chỉ lấy một vài số có tính thiết thực nhất. 
 
Số 2112 : “Điều răn thứ nhất lên án thuyết đa thần, buộc con người không được tin vào thần nào khác ngoài Thiên Chúa, không được tôn kính các thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa. Thánh Kinh luôn nhắc lại việc từ bỏ các ngẫu tượng “bằng vàng, bằng bạc, do tay người làm ra…”. Các ngẫu tượng là hão huyền..” 
 
Số 2113 : … “Thờ ngẫu tượng là tôn thờ và kính bái một thụ tạo thay vì Thiên Chúa, cho dù đó là thần linh hay ma quỉ, quyền lực, khoái lạc, chủng tộc, tổ tiên, nhà nước, tiền bạc v.v…” 
 
L.m. Phanxicô Ngô Tôn Huấn, trong một bài đăng trong trang báo điện tử www.memaria.org, ngày 29-9-2006, quảng giải thêm: 
 
“Nói rõ hơn, không được phép trưng bày ảnh tượng bất cứ thần linh nào dù là của tôn giáo khác hay theo truyền thống dân gian như ông thần tài, ông công, ông táo, ông địa v.v… trong nhà hay nơi buôn bán, dịch vụ thương mại. Vì trưng bày như vậy có nghĩa là tin tưởng vào quyền năng của một ai khác ngoài Thiên Chúa là nguồn duy nhất của mọi ơn phúc và có uy quyền trên mọi tạo vật và vũ trụ. Nói khác đi, trưng các ảnh tượng kia là vô tình hay cố ý xúc phạm đến Thiên Chúa là Chủ Tể của mọi loài, mọi vật mà ta phải thờ lạy theo đúng niềm tin Công giáo. 
 
“Vậy, nếu không muốn trưng hình Chúa, Đức Mẹ hoặc Thánh nào trong nhà hay nơi cơ sở làm ăn, buôn bán, thì không được trưng ảnh tượng của bất cứ thần linh nào khác, vì làm như vậy là trái với tinh thần thờ phượng của giới răn thứ nhất Chúa đã dạy.” 
 
Linh mục viết tiếp: “Cũng trái với giới răn này là các hành vi thiếu đức tin, thiếu lòng trông cậy vào một mình Chúa, như việc xem bói toán, tướng số, xin xăm, xin thẻ, bói bài, dồng bóng, ma thuật. Sách Giáo Lý Công giáo dạy rằng: 
 
Số 2115 và 2116 : (Trong những trường hợp đặc biệt và để thực hiện chương trình của Người,) “Thiên Chúa có thể cho các ngôn sứ hay các thánh nhân (do Người sai đến) biết về tương lai. Tuy vậy (bình thường) thái độ đúng đắn của Kitô hữu là phó thác hoàn toàn trong tay Chúa Quan Phòng những gì thuộc về tương lai, (hậu vận cuộc đời mình), và từ bỏ mọi thứ tò mò thiếu lành mạnh trong lãnh vực này. Phải loại bỏ mọi hình thức bói toán: (như) cậy nhờ Satan hay ma quỉ, gọi hồn người chết hay những cách nào khác, vì nghĩ rằng sẽ đoán được tương lai (x. Sách Đệ Nhị Luật 18,10; Giêrêmia 29,8). Coi tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải điều mộng, xin xăm, bói quá khứ vị lai, đồng bóng, là những hình thức che giấu ước muốn có quyền trên thời gian, trên lịch sử và trên cả con người, cũng như (che giấu) ước muốn (bắt tay) liên kết với các thế lực huyền bí… Điều này nghịch lại với lòng tôn kính và thần phục chỉ dành cho mình Thiên Chúa.” 
 
Và linh mục kết luận: “Tóm lại, trưng ảnh tượng các thần linh ngoại giáo, hay tham gia vào các việc thiếu đức tin và mê tín dị đoan như nói trên, và ngay cả tin 12 con vật làm chủ vận mạng con người và vũ trụ, kiêng chụp hình 3 người, kiêng các con số 10, 13, tin con số 9, v.v… đều đi ngược điều răn thứ nhất dạy ta phải tôn thờ, tin tưởng và trông cậy một mình Thiên Chúa mà thôi. Tin và tham gia vào những việc mê tín dị đoan này thì chắc hẳn là phạm tội nghịch điều răn thứ nhất theo giáo lý của Giáo Hội”. 
 
[16]   Ông Phan Kế Bính, một người không Kitô giáo, trong quyển “Việt Nam phong tục”, Thiên ba, mục XXI-XXIX, tr.306-353, cũng coi tất cả những trò bói toán, phù thủy, lên đồng, chiêu hồn, v.v... là phỉnh phờ, lường gạt để kiếm ăn trên những người ngu dốt, ít học, ưa tin mê tín dị đoan. Tr.343-44, ông̣ đưa ra một ví dụ cho thấy cái tào lao của việc chiêu hồn: “Thử để ý mà nghe những lúc hồn lên, câu nào cũng là nói dựa nói dẫm, mà cứ dựa theo giọng người nhà mà xoay đầu lưỡi... Ừ, chẳng chẵn thì lẻ, chớ có sai thế nào được. Lạ gì đàn bà (ngồi dự) nhẹ miệng, hễ thấy cô hồn nói hơi sai thì đã người nọ ấm, người kia ứ, thế là cô hồn xoay ra nói khác ngay... Có lúc cô hồn bí, không biết trả lời, thì cho là tại có người dữ vía mà hồn phải thăng...” 
 

--- o o 0 O 0 o o ---