100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh
(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )
(Lưu hành nội bộ) 1999
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.
Bài 7
NÓI LỘNG NGÔN PHẠM THƯỢNG
Trích sách 2 Các Vua, ch.18-19
Vua Ê-dê-kia, trị vì nước Yuđa, là ông vua rất đạo đức, luôn làm điều ngay chính trước mắt Thiên Chúa và giữ các điều răn ; nên Thiên Chúa đã hộ phù ông, giúp ông thành công trong mọi việc ông làm. Ông đã khởi nghĩa chống lại vua As-sua, là Sê-na-kê-ríp, bẻ gẫy gông cùm nô lệ... Tức giận, Sê-na-kê-ríp sai sứ giả cao cấp đến cùng vua Ê-dê-kia ở Yêrusalem để trao tối hậu thư, bắt vua này phải đầu hàng. Sứ giả dùng những lời thách thức thóa mạ, và còn dám nói lộng ngôn xúc phạm Thiên Chúa :
- Hãy nhắn với vua Ê-dê-kia rằng : Đại Đế As-sua nói thế này: Ngươi cậy vào ai mà dám dấy loạn với ta ? Hẳn ngươi sẽ nói : chúng tôi cậy vào Yavê Thiên Chúa của chúng tôi. Ta dám thách đố
Sứ giả của vua Assuêrô đến ngạo mạn thách thức Thiên Chúa làm sao ngươi có thể đẩy lui được một viên tướng nhỏ nhất của ta đó.
Rồi sứ giả kia quay sang phía các quần thần vua Ê-dê-kia nói tiếp :
- Các ngươi đừng nghe theo vua các ngươi, vì nó phỉnh các ngươi mà rằng : Yavê sẽ cứu chúng ta. Kìa xem các nước chung quanh, có thần nào của họ đã cứu xứ mình khỏi tay ta đâu ? Đừng hòng trông vào Yavê Thiên Chúa các ngươi cứu được Yêrusalem khỏi tay ta !
Các quần thần về gặp vua Ê-dê-kia và kể lại các lời lẽ của sứ giả. Vừa nghe, vua xé áo, mặc lấy bao bị, tỏ dấu phẫn uất và tạ tội trước lờøi lộng ngôn ấy, rồi ông vào Đền Thờ của Chúa mà cầu nguyện rằng:
- Lạy Yavê, Thiên Chúa của Israen, Đấng ngự trên các Vệ binh thần, chính Người mới là Thiên Chúa trên mọi nước trần gian. Xin Người hãy nghe lời vua As-sua, sai sứ thần đến thách đố và mạ lị Người. Đã hẳn, vua As-sua đã tàn phá các dân tộc và xứ sở của chúng và cho lửa thiêu các thần của chúng, vì đó không phải là Thiên Chúa, mà chỉ là tượng gỗ, tượng đá do tay người phàm làm ra. Và bây giờ, xin Chúa cứu chúng tôi khỏi tay nó, để mọi nước trên trần nhận biết chính Người mới là Thiên Chúa thật !
Thiên Chúa sai tiên tri Ysaia đáp lại với vua thế này :
- Ta đã nghe lời ngươi khẩn cầu nhân vụ vua As-sua. Đừng sợ trước những lời thách đố lộng ngôn của hắn. Này Ta sẽ cho hắn nghe một tin hung dữ, mà cấp tốc rút lui nhục nhã. Ta sẽ cho hắn bị ngã gục vì gươm đâm chính ở quê nhà... Còn Yêrusalem, Ta sẽ che chở thoát bàn tay hắn !
Xảy ra là chính đêm ấy, Thần sứ Yavê từ trời xuống sát phạt trong doanh trại As-sua, làm 185.000 lính của hắn chết ngay tại chỗ. Tên sứ giả nói lộng ngôn trên kia cũng chết trong đám đó. Còn vua As-sua, thì dỡ trại rút lui hấp tấp về Ni-ni-vê. Và xảy ra là lúc ông đang cúng bái trong đền thờ thần Nít-rốc, thì hai con trai của ông dấy loạn, lẻn vào, rút gươm đâm ông gục chết, rồi bỏ trốn sang xứ khác.
* Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Trong Tin Mừng Mt (5.22), Đức Giêsu nói : “...Ai mắng anh em là ‘đồ ngốc’ thì can án trước Công nghị, và ai nhiếc anh em là ‘đồ khùng’ thì can án hỏa ngục lửa thiêu”. Như vậy, một lời nhục mạ phạm đến con người, còn phải phạt nặng như thế, huống chi lời lộng ngôn nhằm lăng nhục chính Thiên Chúa. Quả vậy, ngày xưa, theo luật Môsê, “ai nói xúc phạm đến Yavê đều phải chết, toàn thể cộng đồng sẽ ném đá nó” (Lv 24.16; 1V 21.13).
Lương dân, người vô tín ngưỡng, cách riêng các kẻ chống đối Thiên Chúa thường hay nói lộng ngôn, lăng nhục Thiên Chúa, như vua Sê-na-kê-ríp trên đây, hoặc như nhiều kẻ khác mà Kinh Thánh có thuật truyện lại, chẳng hạn : vua An-ti-ô-kô Ê-pi-pha-nô (2M 8.4; 9.28; 10.34; Đn 7.8,25; 11.36). Sách Khải huyền nói đến các vua chúa ngoại đạo và bách hại đạo cũng thường nói lộng ngôn xúc phạm Thiên Chúa (Kh 13.5-6;...). Thiên Chúa xử thế nào ?
Trước xúc phạm đến uy linh Người như thế, Người đích thân ra hình phạt cân xứng cho những hạng người đó. Như vua As-sua trong truyện trên đây chết gục dưới lưỡi gươm của 2 con ông, sau khi bị Chúa cho mắc ôn dịch một đêm chết 185 ngàn quân, phải rút lui nhục nhã. Còn An-ti-ô-kô Ê-pi-pha-nô, Kinh Thánh kể rằng :
“Khi ông vừa thốt ra lời lộng ngôn xong, ruột ông quặn đau, nội tạng nhức nhối ghê sợ..., từ trên xe, ông ngã văng xuống đất quá mạnh làm mình mẩy ông nát bấy. Bởi tính huênh hoang, ông tưởng mình ra lịnh được cho ba đào biển cả và có thể rờ được tinh sao trên trời, thì nay đã nằm sóng sượt dưới đất và phải nhờ người ta chở cáng đem đi, đến nỗi từ mình ông ròi bọ ra nhung nhúc, đang sống mà thịt ông đã rửa và thối tha, hôi hám, làm cho cả đạo binh phải khó chịu... Như vậy đã chứng thực tỏ tường cho mọi người thấy quyền phép Thiên Chúa (2M 9.4-10).
Nghe các truyện trên, có người mỉm cười nghĩ rằng : ngày nay, biết bao kẻ nói lộng ngôn mà có thấy Thiên Chúa phạt đâu ? Chúng vẫn sống phây phây, càng nên béo tốt, làm ăn khấm khá, giàu có thêm mãi... Xin đáp rằng : Họ chưa bị phạt thì không phải họ sẽ không bao giờ bị phạt. Hình phạt là điều chắc chắn, nếu họ không hối cải và xin Thiên Chúa tha thứ. Không hình phạt đời này thì hình phạt đời sau. Thiên Chúa tuy nhân từ, chờ đợi họ ăn năn hối lỗi, song cũng là Đấng Uy linh và công bình vô cùng, không thể coi tội đó dường như thể vô can được.
Tội gì còn dễ dung thứ, chứ tội lộng ngôn phạm thượng là tội rất lớn, khó được tha thứ, không bởi lòng Chúa hẹp lượng, nhưng bởi lòng chai đá và tự ái kiêu căng của họ không mềm ra được mà thống hối xin tha. Thậm chí, Đức Giêsu còn nói tội “lộng ngôn phạm đến Chúa Thánh Thần” thì không được tha thứ cả đời này lẫn đời sau, nghĩa là không bao giờ được tha thứ, tại sao vậy ? Lý do cũng như trên đã nói. Các tội khác người ta phạm, thường vì yếu đuối, do bị cám dỗ, thèm muốn quá mà sa ngã. Cho nên Thiên Chúa cũng dễ xót thương, tha thứ. Còn tội lộng ngôn là do kiêu căng mà đâm ghét Thiên Chúa, căm thù trực tiếp đối với chính mình Thiên Chúa, có thể nói : nếu họ giết được Thiên Chúa thì họ cũng giết, mà vì không giết được thì họ mạ lị, lăng nhục cho hả giận. Như vậy, tội lộng ngôn tố cáo kẻ ấy vô đạo đến tột độ !
Vậy gia đình chúng ta hôm nay :
1/ Thứ nhất dâng giờ đền tạ này để đền bồi thay cho những kẻ đã lộng ngôn xúc phạm đến Thiên Chúa.
2/ Sau là, không chỉ đền tạ suông, mà ta phải dốc lòng tránh làm cớ cho kẻ ngoại đạo, kẻ vô tín ngưỡng, kẻ vô đạo phỉ báng danh Thiên Chúa (Rm 2.24; 1Tm 6.1; Tt 2,5) : tức là sửa đổi cách ăn nết ở của ta đầy tham ô, dục vọng, nào tham lam hà tiện, ăn gian nói dối, trộm cắp, cãi cọ đánh lộn, chửi tục, vợ nọ con kia, trai gái, rượu chè, nhậu nhẹt say sưa tối ngày, cờ bạc, mê tín dị đoan, vv... Thấy chúng ta là những người tin thờ Chúa mà cứ làm những điều như thế, họ sẽ lăng nhục Chúa mà nói : “Cái ông Chúa tụi bay thờ có hơn gì bụt, thần, tà ma ngoại đạo..., vì các ngươi làm mọi sự xấu xa như bao người khác... Các ông cha của tụi bay giảng dạy cái gì mà tụi bay làm như thế ?”
3/ Rồi cuối cùng, ta phải tránh không bao giờ được nói lời xúc phạm, lộng ngôn đến Chúa, đến các người thay mặt Chúa, đến các thánh, nói chung đến các sự thuộc về Chúa. Có một tội, không hẳn là lộng ngôn nhưng nhiều tín hữu, ngay cả người được tiếng là đạo đức cũng hay mắc phải, đó là tội phàn nàn, oán trách Chúa. Có người nói : “Tại sao Chúa để tôi phải khổ thế này ?”. Người khác, khi con bị tai nạn hay tử trận, vì quá thương con nên trách Chúa : “Tại sao Chúa bắt con tôi phải chết ?”. Có người bị bệnh lâu ngày cũng trách : “Tôi có tội gì đâu mà Chúa bắt tôi phải đau ốm, cực khổ lâu dài ?”. Còn nhiều lời oán trách khác giống vậy...
Một cách nào đó, những lời ấy là lời lộng ngôn phạm thượng. Những lời ấy diễn tả cái lòng ta bực tức Chúa, song chưa dám lăng nhục, mạ lị Chúa đó thôi. Các tội khác như vợ nọ con kia, rối rắm,... thậm chí giết người, tuy cũng là tội trọng, nhưng xét cho cùng, vẫn còn nhẹ hơn, và dễ được Chúa tha thứ hơn ; vì các tội này ta phạm do yếu đuối, do xác thịt đam mê, chứ không bởi tức giận Chúa. Lấy một ví dụ cho dễ hiểu : một đứa con vì ham chơi lén trốn nhà, trốn việc, lỗi lệnh cha mẹ, so với một đứa khác vì tức giận cha mẹ mà trách mắng, nhiếc nhóc : “Ba là người ác ! Má là người đàn bà độc !” thì đứa nào làm cha mẹ đau lòng hơn ? Tội phàn nàn, oán trách Chúa của ta cũng vậy.
Tích truyện
Cây thông đâu cần học giáo lý
Câu chuyện này xảy ra ở xứ Ét-scơ (Escles), nước Pháp, khoảng cuối thế kỷ 19. Một hôm cha sở gặp bà nọ và bảo :
- Bà nhớ cho mấy cháu nhỏ đi học giáo lý, để chuẩn bị rước lễ vỡ lòng nghe !
- Cho hay không cũng chẳng quan hệ gì ! Bà vừa nói vừa chỉ tay về phía rừng thông - Cha xem ! Cây thông đâu cần học giáo lý, mà chúng vẫn tươi tốt và phát triển như thường đó !
- Ờ... Vậy con heo trong chuồng cũng thế phải không bà ?
Sau đó một thời gian lâu, vào năm 1910, cả xứ Ét-scơ, miền Vosges, xôn xao trước hung tin cậu con trai của người đàn bà nói trên đã bóp cổ giết chết mẹ, vì bà ta không đưa tiền cho nó đi nhậu nhẹt, ăn xài... Mạng lưới pháp luật đã tóm cổ nó và tuyên án tử cho nó sau mấy ngày.