100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )

Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn biên soạn 
(Lưu hành nội bộ) 1999

 
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


Bài 31

NGƯỜI ĐÀN BÀ SÁT NHÂN

Trích sách 1 Các Vua, ch.21

Hồi nước Pha-lê-tin chia đôi sơn hà, có vua Vương quốc miền Bắc, tên A-kháp, thèm muốn vườn nho của Na-bốt. Vườn nho này nằm sát cạnh hoàng cung. Vua bèn nói với Na-bốt :

- Để lại vườn nho của ngươi cho Trẫm, để Trẫm làm vườn ngự uyển. Trẫm sẽ cho ngươi vườn nho khác tốt hơn, hay nếu ngươi muốn, Trẫm sẽ trả giá cao.

Na-bốt đáp :

- Vườn nho thường tôi không dám tiếc Vua, song đây là cơ nghiệp tổ tiên, nếu nhượng cho Vua, ấy là một sự gở, một phạm thượng.

Quả thế, trong dân Israen có lệnh Chúa truyền : “Đất Chúa đã phân chia cho chi tộc nào làm cơ nghiệp, không được phép luân chuyển qua chi tộc khác, phải bám lấy phần cơ nghiệp tổ tiên mình” (x. Ds 36.7; Lv 25.13). Vua A-kháp về cung, lòng hầm hầm tức giận. Ông nằm xuống giường, quay mặt đi mà chẳng chịu dùng bữa. Hoàng hậu I-sa-ben hỏi :

- Cái gì khiến ông bực tức mà không chịu dùng bữa ?

Ông liền kể lại chuyện vườn nho Na-bốt. Vợ ông mới nói :

- Thật rởm cái trò làm vua của ông ! Thôi dậy dùng bữa cho lòng khuây khỏa, rồi xem tôi đây, tôi sẽ lấy vườn nho ấy cho ông không tốn một đồng bạc.

Rồi bà lấy danh Vua, viết sắc dụ bí mật, lấy ấn vua đóng vào, sai người gửi đến hàng kỳ mục của thành Na-bốt đang ở. Kỳ mục, nhân sĩ chiếu theo sắc dụ ấy thi hành : họ mở tuần chay, đặt Na-bốt làm chủ sự. Đang khi ấy, có hai đứa vô loài, đứng lên làm chứng gian cáo tội Na-bốt rằng :

- Na-bốt đã nguyền rủa Thiên Chúa và Đức Vua của mình.

Sau khi vờ xét xử, người ta đã điệu ông ra ngoài thành ném đá chết. Rồi sai người báo cho bà I-sa-ben tất cả công việc. Được tin ấy, I-sa-ben nói với vua :

- Xin ngài hãy đi tịch thu vườn nho của Na-bốt, vì nay hắn đã hết sống !

Nhưng Thiên Chúa bênh vực kẻ yếu hèn. Người sai tiên tri Ê-ly-a đến tại vườn nho ấy, trách phạt Vua A-kháp :

- Há ngươi đã giết người, lại còn tịch thu gia sản nữa sao ? Yavê phán : “Chính nơi chó đã liếm máu Na-bốt, chó cũng sẽ liếm máu của ngươi nữa”. Còn về I-sa-ben, Thiên Chúa cũng phán rằng : “Chó sẽ ăn thịt nó bên tường thành. Còn người nhà của A-kháp, kẻ chết trong thành thì bị chó ăn, kẻ chết ngoài đồng thì bị chim trời rúc rỉa”.

Quả thật, sau này đã xảy ra y như lời Thiên Chúa đã đe phạt.

* Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Ngày xưa, thời Cựu Ước, khi Thiên Chúa trực tiếp cai trị dân riêng của Người, Người vẫn thường bênh vực kẻ bị hà hiếp bằng những hình phạt tỏ tường. Điều ấy cốt để răn dạy chúng ta, những người đời sau. Ngày nay, thỉnh thoảng, Thiên Chúa còn ra tay đánh phạt như thế, nhưng họa hiếm. Bây giờ, loài người đã được coi như trưởng thành, hãy cứ theo luật Chúa truyền mà làm, lớn rồi, biết suy, biết nghĩ rồi. Tội phúc loài người làm, sau này sẽ có phán xét phân minh. Thưởng phạt sẽ có chắc chắn, không tránh khỏi, song tất cả dành lại sau này. Chính bài học về phần phạt Chúa dành cho kẻ ác, không biết thương người, sẽ giúp chúng ta tiếp tục học về thương xác bảy mối. Kỳ này, ta đề cập đến các điều phải tránh, tức là các điều nghịch với đức thương yêu, giúp đỡ người ta.

1/  Những cách thức không nên làm khi thi hành bác ái :

 

Chẳng hạn thương người để được người nhớ ơn, đáp đền, hay để biến họ thành kẻ đời đời thụ ơn mình. Gặp bất cứ dịp nào, ta kể lể công ơn mình ra. Gặp trường hợp họ không cư xử vừa ý, thì ta trách : “Đồ vô ơn bạc nghĩa..., mình làm ơn cho nó bao nhiêu, mà nó đã không đền ơn thì chớ, lại còn hỗn láo với mình”. Như thế, việc bác ái mình làm trước đó không còn giá trị nữa, bề ngoài tưởng là bác ái, kỳ thực bản chất nó là việc mưu cầu ơn nghĩa, bây giờ nó mới lộ ra. Bởi đó, thánh Phaolô dạy một câu mà thoạt nghe, ta không hiểu :


“Giả như tôi đem cả gia tư, vốn liếng mà phát chẩn, và giả như tôi nộp mình chịu thiêu, mà tôi lại không có lòng mến (tức bác ái), thì cũng hư không, vô ích cho tôi” (1Cr 13.3).


Trộm nghĩ : Lạ thật, đem của cải bố thí phát chẩn, ai cũng cho là hành động yêu thương, bác ái, mà Thánh Phaolô lại nói là nếu không có lòng bác ái thì sẽ thành vô ích ! Bây giờ ta đã hiểu : có thể bố thí vì những ý nghĩ xiên xẹo, chứ trong lòng không có tí tình thương người. Tỉ dụ bố thí để lấy tiếng khen, cúng của xây nhà thờ để ghi sổ vàng, ra điều ta hào phóng, ta giàu tiền lắm của, ta có công với Chúa, vv... Cứ thế, bao nhiêu việc bác ái ta làm, rất nhiều cái không phải vì Chúa, mà vì chính mình ta và để tôn mình lên. Tất cả đều vô ích, hư không trước mặt Chúa. Ngay cả khi có người làm phúc, bố thí để cầu mong Chúa ban ơn này, ơn nọ, cũng không thật là việc làm vì lòng mến : tỉ dụ có người bố thí rất rộng rãi, hỏi ra mới biết làm vậy để mong Chúa động lòng cho mình vượt biên an toàn, mạnh khỏe.

Biết như vậy, nên Đức Giêsu dạy : “Nếu các ngươi cho vay mượn - xem ra là việc thương người - nhưng để hòng trông được điều này điều nọ đáp đền, thì ngươi có làm gì gọi là việc ơn nghĩa đâu ?” (Lc 6.34). Làm bác ái phải vô vị lợi, không trông báo đền, không mong đáp lễ, như Chúa dạy : “Các con hãy thi ân, hãy cho vay mượn, cho dù không trông báo đền. Và phần thưởng các con sẽ lớn lao..., các con sẽ là những người con của Đấng Tối Cao, vì Người nhân lành cả với những kẻ vô ơn, độc ác...” (Lc 6.35). Chúa còn dùng một hình ảnh rất đáng ghi nhớ để căn dặn về điều ấy : “Khi các con làm việc lành, bố thí, thì tay trái đừng biết việc tay mặt làm, ngõ hầu việc bố thí ấy chỉ có mình Chúa Cha trên trời biết, và Cha các con, Đấng thấu suốt nơi kín ẩn sẽ hoàn trả lại cho các con...”. Chúa có ý dạy : khi làm việc lành phúc đức, thì chính mình cũng làm như là không hề biết đến nó, đừng ngắm nghía nó, sẽ dễ đâm ra tự hào, tự đắc, sẽ dễ vênh vang... Hãy quên đi, coi như ai khác đã làm chứ không phải mình. Hãy để Chúa Cha thấy và nhớ nó mà thôi. Nếu có nhớ, hoặc ai nhắc nhớ, mình thành tâm nói tự đáy lòng : Tôi là đầy tớ vô dụng, tôi chỉ làm điều bổn phận tôi phải làm, nào có công đức gì đâu !

•  Thêm một điều nên lưu ý : khi làm ơn, giúp đỡ ai, đừng dùng cử chỉ, lời nói nào cứng cỏi, bất nhã, hoặc làm họ nhục nhã, đau đớn, tủi hổ trong lòng. Tỉ dụ : “Đó là vì Chúa mà tôi giúp anh, chứ không thì đừng hòng”. Té ra vì Chúa mà ta thương, chứ không thương chính mình họ. Ngược lại, Chúa dạy : hãy thương họ như chính mình Chúa : “Hễ các con làm sự gì cho một trong những kẻ hèn mọn nhất, là làm cho chính mình Thày”.

2/ Thái độ cội nguồn của sự thiếu bác ái là LÃNH ĐẠM và ÍCH KỶ :

 

Phải chiếu theo ánh sáng Phúc Âm mới thấy rằng nguồn gốc của biết bao tội lớn nhỏ mà ta phạm đến đức thương yêu là sự ích kỷ và lãnh đạm. Đó là các tội tiêu cực, nghĩa là mắc tội vì đã không làm điều đáng lẽ phải làm. Trong Kinh thú tội trước khi dâng lễ, ta đọc rằng : “...và những điều thiếu sót, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Câu kinh ấy dịch như thế quá nhẹ, nhiều người lầm là những sơ hở, thiếu sót đôi chút, qua quít, không ăn nhằm gì. Kỳ thực, xét cho thấu đáo, thì đâm giật mình vì có khi ta đã thiếu sót, bỏ chẳng làm những điều to tầy đình.

Ích kỷ và lãnh đạm làm ta đi qua trước đau khổ, cùng cực của đồng loại mà không thấy, không ý thức. Ta cư xử không khác gì Ca-in, kẻ giết em : “Tôi có phải là kẻ canh giữ em tôi đâu ?”, nghĩa là : Tôi đâu có trách nhiệm, đâu có phải phận sự tôi săn sóc, để ý đến anh em đồng loại ? Lời nói bi thảm ấy đã xuyên suốt qua dòng lịch sử và vẫn vẳng lên cật vấn lương tâm mỗi người chúng ta : chúng ta có ích kỷ, có lãnh đạm không ? Thì cứ thử xét mình có nói những câu như sau không : “Người nào có thân, người ấy lo !” - “Người khác, mặc xác họ, không can gì đến tôi” - “Bác ái đúng chỗ là yêu thương mình trước hết !” - “Mỗi người tự xoay sở lấy !” - “Chúa lo chung, mỗi người lo riêng mình” - Người ta kể rằng một sinh viên Ấn độ, du học bên Đức, anh không chịu sắm cho mình bất cứ tiện nghi, sung sướng nào, không cho phép mình tham dự bất cứ sự vui chơi, tiêu khiển nào không do bổn phận bắt buộc. Hỏi anh tại sao, anh đáp : “Khi nghĩ đến cuộc sống khốn khổ của đồng bào tôi bên quê nhà, tôi cảm thấy không thể ! Đơn giản có thế thôi !”.

3/ Những hành động và thái độ phương hại đến sự sống, thân thể và sức khỏe người khác :

 

Như I-sa-ben giết Na-bốt, như Ca-in đến tấn công và sát hại em mình, thì người ta cũng gây hấn, sát hại, đả thương trực tiếp hay gián tiếp, tự tay mình hay nhờ tay người khác (như chuyện Kinh Thánh kể trên ), hoặc chụp mũ, vu cáo, vv... Nói tóm, tất cả những cách thức gây ra sự chết hoặc thương tích cách bất công, vô cớ cho người khác... Điều này, ta đã nói ở bài Lời Chúa 24. Ở đây, chỉ gợi thêm vài điều bổ túc :

a/  Ta có thể làm hại mạng sống hay thân thể người khác bởi bất cẩn hay lười biếng. Chẳng hạn bác sĩ hay y tá bắt mạch ẩu, sai bệnh, hay cho thuốc không đúng, mổ không sành nghề, vv... ; xây nhà bớt xén vật liệu, nên dễ đổ sụp ; bắt điện cẩu thả, vv... Những thương tích ta gây ra có thể kéo theo nhiều hậu quả khó lường : như khi nạn nhân phải vào bệnh viện điều trị, biết bao đau đớn, biết bao phí tổn thuốc men, có khi còn phải bỏ học lỡ cả một năm, hoặc phải tàn tật suốt đời.

b/  Có thể gây tai hại cho sức khỏe hoặc thân xác người khác còn bởi nhẹ dạ, thiếu suy nghĩ hoặc hùa theo lối sống hay cách làm sai trái của người đời, riết rồi để mặc buông trôi. Tỉ dụ buôn bán thuốc giả, xi măng trộn tro, buôn bán đồ gây hại sức khỏe như cần sa, ma túy, bán đồ hộp hư thối, trái cây đã hư hỏng, gây ô nhiễm trầm trọng, xả rác, bỏ xác chuột chết ngoài lộ, xả khói lò hơi độc tràn lan trong khu vực..., không bảo đảm an toàn lao động cho công nhân..., vặn nhạc, loa phóng thanh ồn ào, mất yên tĩnh, gây căng thẳng tinh thần, mất nghỉ ngơi cho người khác, vv... Gần đây, báo chí báo động có hiện tượng xảy ra nơi các nhà hàng, quán ăn, sản xuất chế biến thực phẩm, vì muốn làm cho đồ ăn đẹp mắt, hấp dẫn, người ta bôi tẩm các dầu, mỡ kỹ nghệ thay cho dầu ăn, mỡ động vật, vv... Năm 1959, gần 10.000 người Marốc bị liệt bại chỉ vì ăn phải dầu kỹ nghệ mà một nhà buôn kia làm giả dầu ăn.

c/ Xem ra có vẻ vô hại cho sức khỏe, những lời nói cay độc, bất công, cứng cỏi, chửi rủa, lăng nhục. Kỳ thực, làm cho đau đớn, buồn tủi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe không phải ít. Ca dao ta có câu:

Roi song đánh đoạn thì thôi,
Một lời xiết cạnh muôn đời không quên
”.

Có những người bị chế diễu vì tàn tật đã buồn đến nỗi muốn quyên sinh. Có những bà mẹ chết vì có đứa con hình dáng hoặc tâm trí bất bình thường. Có những đối xử bất công, những thái độ cố tình lãnh đạm, lạnh nhạt, thiếu tình người, thái độ vô tâm, vô tình cũng gây ra những vết thương lòng, phương hại đến sức khỏe và mạng sống kẻ khác.

4/ Việc bồi thường :

 

Giáo lý đạo Chúa rất công bằng, gây thiệt hại phải bồi thường. Đa số người tín hữu quên mất điều này, chỉ nghĩ đi xưng tội, Chúa tha là xong hết. Cũng có người biết, song viện mọi lý do để trốn tránh, vì việc bồi thường rất tốn kém, mất thì giờ, đôi khi còn nhục nhã. Nhưng chính việc phải bồi thường mới làm ta ý thức rõ hơn về tính cách quí báu của mạng sống, sức khỏe và thân thể con người. Bồi thường, trước hết các phí tổn trực tiếp, ví dụ gây thương tích, thì phải chở người ta đến bệnh viện, trả tiền thuốc men..., mà còn phải bồi thường gián tiếp các thiệt hại từ tai nạn lôi kéo theo : thiệt hại do phải nghỉ việc, không có lương... Thường thì nhờ thỏa thuận và thông cảm của nạn nhân và gia đình, nên nạn nhân cũng không nỡ đòi phải bồi thường, có khi suốt đời như đáng phải chịu. Dầu sao, bổn phận và lương tâm của người gây tai nạn phải biết nghĩ đừng để nạn nhân và gia đình quá thiệt thòi. Dĩ nhiên, có những trường hợp mất mát không thể lấy lại, như làm sao tiền của đền bù được nỗi mất cha, mất mẹ, mất con... Vậy, tùy khả năng phải săn sóc các con cái mồ côi cho đến tuổi trưởng thành...

Chúng ta dâng một lời cầu nguyện sau :

Lạy Chúa ! Suy niệm giáo lý của Chúa, gia đình chúng con nhận thấy sai lỗi nhiều điều. Xin Chúa thứ tha và giúp chúng con xứng đáng ơn tha thứ bằng cách tuân hành luật thương xác bảy mối mà Chúa và Hội Thánh dạy. Amen !”.

Tích truyện

Năm 1964, dịp Đại hội Thánh Thể ở Bom-bay (Ấn độ), Đức Giáo Chủ Phaolô V đã qua làm chủ lễ và chính thức thăm nhân dân Ấn. Ngài đã chiếm được quả tim của mọi người, đa số theo Ấn giáo, Phật giáo và Hồi giáo, vì đã có một tâm hồn vô cùng quảng đại và tế nhị. Nhân dân Ấn nhắc đến Ngài không ngớt và gọi Ngài là Gan-dhi của Tây phương. Họ còn nhớ mãi những cử chỉ Ngài đã làm trong chuyến viếng thăm : như tặng 5.000 đô la cho gia đình một phóng viên Ấn bị chết vì tai nạn trên đường phận sự ; như ngồi ăn chung một ghế với các cô nhi và với khẩu phần ăn y như của chúng ; như tặng nguyên chiếc xe hơi chính thức của Ngài cho một nữ tu Bác Ái để lo việc từ thiện, để rồi chỉ dùng một xe díp (jeep) đi đây đó thăm viếng ; như ký chi phiếu 500 triệu franc (tiền Pháp) để giúp các kẻ nghèo ; như nhờ các phóng viên đăng tải lời kêu gọi các nước giàu có hãy để ra một phần ngân sách giúp đỡ các nước kém phát triển, vv... Đức Giáo Chủ chỉ qua Ấn hơn một tuần, nhưng để lại trong lòng nhân dân Ấn nhiều kỷ niệm ngàn năm khó phai mờ.

-----oOo-----