100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh
(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )
(Lưu hành nội bộ) 1999
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.
Bài 38
YÊU ĐẾN THUỞ BẠC ĐẦU
Trích sách Khởi Nguyên, 12.10-20
Nơi A-bra-ham ở là Ca-na-an xảy ra đói kém, A-bra-ham phải xuống Ai cập để ngụ nhờ. Sắp bước chân vào xứ lạ, ông bảo vợ là Sa-ra :
- Này mình ơi ! Tôi biết mình là gái có nhan sắc. Vua quan Ai cập vừa nhìn thấy mình, tất sẽ giết tôi để chiếm lấy mình. Tôi xin mình cứ nói mình là em gái của tôi, mong tôi được phúc lộc vì mình và nhờ mình tôi được sống toàn mạng.
Quả thực đã xảy ra đúng như A-bra-ham dự đoán : Dân Ai cập thấy bà Sa-ra là một phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần, cả tướng lãnh của Vua Pha-ra-ô cũng ca ngợi sắc đẹp của bà trước mặt Vua, và thế là bà bị đem tiến vào đền Vua.
Vì bà, Vua đã ban phúc lộc cho A-bra-ham của cải, chiên bò lừa, tớ trai tớ gái và lạc đà. Nhưng vì Pha-ra-ô làm trái luật, dám lấy vợ người, nên Thiên Chúa đã phạt Vua và cả hoàng tộc nhiều tai họa dữ dằn. Cuối cùng, Vua phải triệu A-bra-ham vào cung và bảo :
- Tại sao ngươi không tỏ thật Ta hay nàng là vợ ngươi, mà lại nói nàng là em gái, khiến ta đã trót lấy nàng làm vợ ? Thôi ! Này vợ ngươi, ngươi lấy mà đi đi !
* Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Xuyên qua câu chuyện trên, mới thấy tình yêu giữa vợ chồng A-bra-ham thật là gắn bó, keo sơn - một tình yêu biết nâng đỡ nhau, giúp nhau lúc hoạn nạn, dù phải hi sinh. Bà Sa-ra đã chấp nhận cứu mạng ông A-bra-ham, chồng bà, với cái giá hi sinh là phải lìa người chồng bà yêu thương mà vào đền Vua. Không yêu thương thì sao bà theo chồng đi từ quê hương xứ sở đến đất quê người.
“Có chồng thì phải theo chồng,
Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo” (Ca dao).
Vào đền Vua, bà không ham, trái lại, phải khổ sở, nhục nhằn. Có cô nào, bà nào lại thích bỏ người chồng yêu quí của mình, đến một nơi xa lạ, đem thân làm đồ chơi cho vua không ? Nếu chúng ta soạn thành một vở kịch cải lương, chắc sẽ được nghe những bài ca ai oán não lòng của người cung phi Sa-ra lúc ấy. Nhưng Thiên Chúa đã thấy và đã phạt kẻ làm trái - cho dù Vua vô tình không biết Sa-ra là vợ A-bra-ham - để thưởng cho tấm lòng trung trinh của Sa-ra. Ta thử tưởng tượng, giây phút Vua trả nàng lại cho chồng, hai vợ chồng sung sướng thế nào..., mừng mừng tủi tủi, hai người đem nhau về nhà chắp lại mối duyên xưa.
Chiếu theo bài học Lời Chúa dạy đó, kỳ này ta bàn về tình yêu chân thực trong đời vợ chồng. Những kỳ trước, ta đã xem vấn đề nam nữ được Thiên Chúa dựng nên khác nhau về thể xác, tính tình, năng khiếu, cốt để bổ túc lẫn nhau. Và sự bổ túc này chỉ thực hiện tới mức đầy đủ trong hôn nhân ; ở đó, mỗi người chu toàn phần việc riêng mình, và hai phần việc đó đem hợp lại thành một việc chung, tạo nên bầu khí yêu thương, hòa hợp, trung tín. Và bầu khí ấy rất cần để cho họ sống hạnh phúc đã đành, còn để đón nhận đoàn con mà tình yêu họ sẽ chung nhau sinh ra. Cứ như thế, họ tiến bước trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu, nước của tình yêu, Nước của Thiên Chúa, nước của thiên đàng vậy.
Nói thì dễ, thực hành mới khó. Lập gia đình thì dễ, tạo hạnh phúc gia đình mới khó.
Hôn nhân là con đường dài, con đường này lại lắm chông gai. Hôn nhân là một tổ ấm, tổ ấm ấy phải kiên nhẫn xây dựng mới thành, dù có lúc gian truân, gặp thất bại, nguy cơ đổ vỡ. Cho nên Đức Giáo Chủ Piô XI đã lưu ý khi đôi bạn chọn lựa nhau để bước vào hôn nhân: “Người bạn trăm năm có thể là một trợ lực mạnh mẽ, hay ngược lại, là một nguy hiểm hoặc trở ngại lớn lao cho đời sống tín hữu trong hôn nhân”. Nói nôm na, vợ chồng có thể hoặc giúp nhau lên thiên đàng, hoặc đẩy nhau xuống hỏa ngục. Bởi đó, có lần ta đã nghe nói : Đi tu chỉ cần cầu nguyện một, lập gia đình phải cầu nguyện gấp bảy.
Vậy các bạn trẻ, các bạn đã học hỏi kỹ về hôn nhân chưa, tức là về cuộc đời quan trọng các bạn sắp bước vào ? Còn các người đã lập gia đình, có hiểu biết mình phải xây dựng tổ ấm sao cho nó ấm, chứ đừng để thành tổ lạnh, ở đó, hai người lạnh lùng với nhau, mặc kệ nhau, có khi còn làm khổ nhau, làm hại nhau nữa kia !
Nói tổng quát, hôn nhân gồm hai điểm chính. Kinh Thánh đã dạy rõ, ngay từ trang đầu về hai điều ấy :
1/ Về tình yêu khắng khít, bền vững : Ta đã đọc ở bài kỳ trước : Thiên Chúa dựng cho con người một trợ giúp đương đối... Khi thấy nàng, ông kêu lên : “Đây là xương thịt tôi...”. Và Kinh Thánh kết luận : “Bởi thế, đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà khắng khít với vợ mình và chúng sẽ nên một thân xác...” (Kn 2.18-24). Tình yêu phu phụ ấy được Tân Ước lấy gương tình yêu của Chúa Giêsu yêu Hội Thánh mà dạy : “Chồng hãy yêu mến vợ như Chúa Kitô đã yêu mến Hội Thánh, đến nỗi hi sinh chính mạng sống mình, để Hội Thánh nên xinh tốt, thánh thiện... Còn vợ cũng phải yêu mến, phục tùng chồng như Hội Thánh phục tùng Chúa vậy” (Ep 5.22t).
2/ Về sinh sản, giáo dục con cái : Kinh Thánh viết : “Thiên Chúa đã dựng nên loài người theo hình ảnh mình, Người đã dựng họ có nam có nữ, rồi Thiên Chúa chúc lành cho cuộc hôn phối của họ và phán bảo : ‘Hãy sinh sản ra đầy mặt đất !”, và giáo dục sao cho con cháu các ngươi thành các con người tốt và có đủ khả năng, tài trí mà “làm bá chủ mọi loài mọi vật mà Ta trao vào tay các ngươi” (Kn 1.27-28).
Đức Phaolô VI quả quyết : “Tình yêu vợ chồng phải là tình yêu hoàn toàn nhân bản, nghĩa là bao gồm cả xác lẫn hồn... Hai người không chỉ chung một mái nhà, mà còn khiến họ cùng chung sống, cùng chia sẻ tất cả cho nhau, trở thành một thân thể. Hôn nhân không những qui hướng hai tâm hồn cùng thờ phượng Thiên Chúa, mà còn giúp nhau tăng tiến chính bản thân mình, tạo hạnh phúc cho nhau và tiếp tay với Thiên Chúa kiến tạo những mầm mống hữu ích cho xã hội. Tất cả những quyền lợi và bổn phận đối với nhau ấy cũng như việc sinh sản và giáo dục con cái, lẽ dĩ nhiên, đòi hỏi họ phải kết với nhau một giao ước, một hợp đồng bền vững, bất khả phân ly, một tình yêu kiên trì, không chia rẽ...”.
Tóm lại, có hai điều chính :
- Trong tình yêu, họ kết hợp thành một thân thể, nhờ đó làm tăng tiến bản thân họ và tạo cho họ hạnh phúc.
- Tiếp tay với Thiên Chúa sinh sản và giáo dục con cái tốt.
Xem ra, ai cũng biết hai điểm chính yếu ấy của hôn nhân, song trong thực tế, ta thấy người ta đi lệch cái này, lạc cái nọ. Có thời không xa lắm, người ta không đếm xỉa đến tình yêu của cá nhân, nhất là bên phía con gái, người ta không thèm biết đến nó thương ai. Chuyện hôn nhân là : “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, do cha mẹ gả bán, tính toán hơn thiệt, nhiều khi con gái đến đêm hoa chúc mà chẳng biết mặt chồng :
“Lấy chồng chẳng biết mặt chồng,
Đêm nằm nghĩ tưởng là ông láng giềng”.
Cho nên, phận gái rất mong manh như tấm lụa đào, không biết sẽ vào tay ai, vào tay người nào trả giá cao nhất. Số phận và bản thân người con gái ấy rất bấp bênh, tùy hên xui mà ngày xưa người ta coi là duyên nợ :
“Con gái có hai bến sông,
Bến đục thì chịu, bến trong thì nhờ”.
Mà nếu chẳng may “trái duyên, trái kiếp thì cuộc sống vợ chồng coi như hèo đục vênh”. Cho nên, kết quả của tục lệ vô nhân đạo thời đó đã gây ra bao đau khổ, đang khi hôn nhân là để tạo hạnh phúc cho đôi vợ chồng :
“Tiếc con gái khôn lấy thằng chồng dại,
như bông hoa lài, cắm bãi cứt trâu”.
Tại sao có việc đáng buồn ấy ? Đó là bởi người ta nhắm quá nhiều đến sự nối dõi tông đường. Người vợ là để đẻ. Đẻ cho cóngười làm việc và để cho có con cháu nối dòng : “Chiều người lấy của, chiều chồng lấy con” ; do đó, “Gái ơn chồng mà được bồng con thơ”. Nếu người đàn bà không thể có con, coi như bỏ đi, theo luật “thất xuất”, sẽ bị chồng rẫy, bị đuổi đi, vì đó là một cái tội (x. Phan Kế Bính : Việt Nam phong tục, tr.66).
Ngày xưa thì thế, còn ngày nay, người ta trọng cá nhân hơn, cho trai gái, nam nữ tìm hiểu nhau, chọn lựa, và yêu nhau rồi cưới nhau. Cha mẹ chỉ đóng vai hướng dẫn hoặc cố vấn. Người ta và ngay cả Giáo Hội, đều coi việc ép duyên, ép gả là một trọng tội. Nhưng, ngày nay, người ta lại đi quá đà : nền văn minh kỹ thuật và vật chất với các phương tiện truyền thông như báo chí, phát thanh, truyền hình, phim ảnh... đã góp phần ít ra cách gián tiếp, kích thích tình dục, tự do luyến ái... ; bởi đó gây ra bao nhiêu thảm họa, cách riêng làm phát triển nơi thanh thiếu niên một xu hướng thiên về tình dục quá sớm.
Đã đến lúc người ta phải lùi lại, nghe Giáo Hội dạy dỗ để tránh lầm lạc, đi đúng mức.
Vậy, tình yêu, trong một cuộc hôn nhân chân chính là một cái gì sâu xa, lớn lao. Nó lớn và đẹp hơn cả tình bạn đẹp đẽ nhất, thân thiết nhất. Hai người nam nữ cảm thấy được hiểu nhau, người này được người kia luôn hiểu, thông cảm với mình và nâng đỡ mình. Và hạnh phúc của hôn nhân hệ tại việc người này làm cho người kia hạnh phúc, người này sống cho người kia, sống cho người mình yêu. Kinh Thánh có câu : “Tình yêu mạnh mẽ như tử thần... Nước lũ, sông tràn không thể dập tắt được tình yêu...” (Diệu ca 8.6-7). Không một khó khăn, gian khổ nào có thể dập tắt tình yêu keo sơn của vợ chồng. Vì ai yêu thật lòng đều muốn làm người yêu được hạnh phúc, cho dù mình phải trả giá, hi sinh. Kẻ nào yêu mà chỉ muốn hưởng thụ, muốn lợi cho mình, kẻ ấy chưa yêu thật. Nếu hắn nói yêu, câu ấy chỉ là dối trá, lừa bịp mình và lừa dối mọi người. Có những cặp thanh niên mới gặp gỡ nhau vài lần đã nói : “Anh yêu em lắm !” Đó là nói thuộc lòng, hay đúng hơn, họ lầm tình dục, đam mê với tình yêu đích thật. Nói trắng ra, điều mà thực sự y muốn nói gần như là thế này : “Tôi muốn một chuyện, không phải là em, mà là một cái gì đó của em”.
Người vợ, người chồng nào trong hôn nhân, không biết sẵn sàng từ bỏ cái ích kỷ, chỉ muốn nghĩ đến mình, không vứt bỏ những sở thích riêng tư để sống trọn vẹn cho người bạn đời, kẻ ấy không làm cho bạn đời hạnh phúc và chính y cũng thành trống rỗng, nghèo nàn. Cuộc hôn nhân lúc ấy chỉ là một sự chung đụng và chịu đựng nhau, vì quyền lợi không cho ly dị, hoặc vì đã lỡ có con cái... Họ sẽ kéo lê cuộc sống cách nhọc nhằn..., và ngày nào cũng xảy ra cãi cọ, càu nhàu, lạnh lùng phớt tỉnh, không thèm quan tâm đến người kia nữa, ấy là chưa kể còn ác ý muốn làm khổ nhau... Như thế, là gián tiếp mở cửa cho người thứ ba xen vào... và thế là tan vỡ.
Tình yêu chân thực làm cho có sức chịu đựng mọi sự hi sinh cần thiết ; tỉ dụ : nếu vợ phải nằm bệnh viện, người chồng sẽ nhịn hút thuốc, bỏ cà phê, hủ tiếu mỗi sáng, hoặc mặc bộ quần áo cũ 3 năm không may bộ mới như dự tính, để dành dụm tiền thuốc thang điều trị, sau đó, bồi dưỡng cho vợ hồi phục sức lực, đi nghỉ Vũng Tàu, Đà Lạt...
Chỉ như vậy, người ấy mới thực bụng nói câu : “Anh yêu em !”. Nó có nghĩa là : “Em, chỉ có một mình em mà thôi. Em sẽ ngự tại lòng anh. Em là người anh mong muốn. Anh cần em, nếu không có em, đời anh sẽ bất hạnh, và anh sẽ luôn là con người bất toàn. Anh sẽ sống chỉ vì em thôi, làm việc chỉ vì em thôi... Gần bên em, anh thật là người sung sướng. Anh muốn luôn che chở em, bảo vệ em và các con của chúng ta. Anh sẽ san sẻ với em tất cả tâm tư lẫn thể xác, nghĩa là tất cả những gì anh có. Anh sẽ lắng nghe những gì em muốn nói, những nguyện vọng dù nhỏ nhặt của em. Anh sẽ không làm một việc gì cả, nếu điều đó không được em tán thành. Anh muốn mãi mãi ở bên em”.
Chẳng phải điều đó quá đẹp, quá lý tưởng ư ? Nhưng chính để giúp vợ chồng làm được điều đó, mà Giáo Hội, trong nghi lễ hôn phối, cầu nguyện cho họ, và Chúa Giêsu đã nâng lên thành một Bí tích, nghĩa là đổ ơn cách đặc biệt xuống cho họ. Vợ chồng công giáo hãy tin vào sự trợ giúp của ơn Chúa.
Tích truyện
Trong một buổi nói chuyện về hôn nhân, một thiếu phụ kể về người chồng mà bà cho là người chồng lý tưởng và hoàn toàn. Bà nói:
- Từ khi tôi học lớp mẫu giáo cho đến lúc vào đại học, ai cũng chế nhạo khi nhìn thấy đôi chân tôi. Các bạn thấy không ? trông nó giống như hai khúc củi ấy”.
Nói xong, bà đứng dậy. Quả thật, ai nấy đều thấy đúng như lời bà nói. Bà kể tiếp :
- Từ bé, bị bạn bè chế giễu tàn ác, nhiều lần tôi bật khóc. Sự tủi nhục theo đuổi tôi vào cả trong những giấc mơ. Đến khi học trung học, tôi tập cười đùa theo mỗi lần bị chúng bạn trêu ghẹo. Hồi ấy, tôi cũng có bạn trai theo đuổi, nhưng chẳng ai đi chơi với tôi quá ba lần. Chắc các bạn cũng biết tại sao. Lên đại học, tôi gặp nhà tôi. Chúng tôi mến nhau ngay. Chàng tỏ ý muốn tìm hiểu tôi để tiến đến hôn nhân. Đề nghị này làm tôi hết sức ngạc nhiên. Nhưng lạ nhất là chẳng bao giờ chàng đá động đến đôi chân tôi hết. Nhưng rồi một đêm kia, chàng nắm tay tôi và nói : “Em ạ, anh muốn em đừng thắc mắc đến chuyện ấy mà tự làm khổ mình nữa. Chúa sinh em ra như thế nào, anh yêu em như vậy”. Nghe anh ấy nói xong, tôi òa lên khóc vì sung sướng... Tôi nghĩ trong lòng rằng tôi sẽ yêu chàng mãi mãi. Từ đó đến nay, đã 30 năm rồi. Giờ đây, tôi có thể nhìn xuống đôi chân tôi mà chẳng mặc cảm gì nữa. Đối với một người chồng như thế, thật tôi dám làm mọi chuyện trên đời này để chàng được vừa lòng.
-----oOo-----