100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )

Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn biên soạn 
(Lưu hành nội bộ) 1999

 
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


Bài 51

BIẾT CHO ĐI ...

Lần trước, Lời Chúa cho ta nghe tích một ông giàu có là Za-kêu, được ơn Chúa, mở rộng lòng bố thí nửa gia tài cho người nghèo. Lần này, là chuyện một bà góa nghèo cùng kiệt, song cũng chia sẻ cho người khác chút ít của còn lại của mình.

Trích sách 1 Vua, ch.17.7tt

Thời ấy, vào khoảng thế kỷ thứ 9, trước Chúa Giáng sinh, so với lịch Tàu là vào cuối đời Nhà Chu, bên nước Israen có vua A-kháp đã làm nhiều sự dữ nghịch mắt Yavê, nên Chúa phạt nạn hạn hán rất cay cực. Chính người của Chúa là tiên tri Ê-ly-a cũng bị đói khát. Thương người bầy tôi, Chúa truyền :

-           Hãy chỗi dậy đi Sa-rép-ta, ở đó, ta sẽ cho một quả phụ nuôi dưỡng ngươi !

Ê-ly-a vâng lời, đi đến thành Sa-rép-ta, thì thấy một bà góa đang mót củi ngoài cửa thành. Ông kêu bà ấy :

-           Xin bà đem cho tôi chút nước trong bình để tôi uống !

Khi bà đi lấy, thì ông kêu bà mà nói :

-           Xin bà đem cho tôi một mẩu bánh kèm tay !

Bà nói :

-           Có Yavê hằng sống chứng giám : thú thật tôi chẳng còn rẻo bánh nào nữa, bất quá chỉ còn nắm bột trong vò và ít dầu trong chai. Đây tôi mót vài que củi, đoạn về dọn cho tôi và con tôi ăn rồi chết.

Ê-ly-a mới nói :

-           Đừng sợ, cứ đi và làm như bà vừa nói. Song hãy làm cho tôi một cái bánh trước đã, đem đến cho tôi, bà sẽ làm cho bà và con bà sau. Vì Yavê Thiên Chúa phán thế này : “Vò bột không vơi, choé dầu không vợi ! Cho đến ngày Yavê ban mưa xuống trên mặt đất”.

Nghe và tin vào Lời Chúa, bà đã đi làm theo lời Ê-ly-a bảo. Và từ đó, bà đã có đủ ăn cho bà, cho con bà và cho ông Ê-ly-a suốt năm : vì quả thật, vò bột đã không vơi, choé dầu đã không vợi trong nhà bà như lời Yavê phán qua miệng Ê-ly-a.

* Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Đứng vào hoàn cảnh bà góa ấy, ta có đủ can đảm tin vào lời tiên tri của Chúa mà chia sẻ cho ông chút bánh cuối cùng ấy không ? Bài kỳ trước, ta khen ông Za-kêu đại độ, dám chia nửa gia tài cho người nghèo, bài kỳ này, ta ca ngợi lòng hi sinh của bà góa. Nhưng khen và ca ngợi những việc ta cho là xuất chúng, phi thường, làm ta quên mất rằng : đối với tín hữu Chúa, những việc chia sẻ và bố thí lại chỉ là một bổn phận phải làm. Sách giáo lý bên Đức viết rằng : “Người Kitô hữu đừng nên coi như là bố thí, một việc chỉ là một đòi hỏi của công bình xã hội” (Catéchisme biblique, Tom III, tr.189).

Câu ấy làm ta ngạc nhiên ư ? Ta hãy tìm hiểu :

1/         Điều trước hết, ta hãy nhớ lại các kỳ trước đã nói : Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự cho tất cả mọi người hưởng, như của chung ai cũng có phần, để không ai phải thiếu của cần thiết mà chết đói. Vậy Ê-ly-a đang đói khát, bà góa kia phải chia sẻ : đó là bổn phận, huống chi lại có Lời Chúa hứa cho bà không bị vơi bột, cạn dầu. Hãy nghe Thánh Kinh dạy : yêu mến Chúa và yêu thương người ta như mình là điều răn trọng nhất, và chỉ ai yêu thương mới là chu toàn lề luật (Rôma 13.9-10). Và Hội Thánh dạy : “Thiên Chúa lấy tình Cha săn sóc mọi người, và Ngài muốn rằng tất cả mọi người phải làm thành một gia đình và đối xử với nhau bằng tình huynh đệ” (Hiến chế: Vui mừng và hi vọng, số 24). Chúng ta quen coi người khác, không phải trong vòng gia đình ruột thịt, đều là người xa lạ. Còn Thiên Chúa lại muốn ta coi mọi người là anh em, chị em trong cùng một đại gia đình. Ta phải sống và cảm nghĩ như Chúa, thì mới gọi là con Chúa được. Con phải giống cha, phải cùng một tinh thần như cha. Vậy, hễ coi mọi người là anh em, thì phải thương họ.

2/         Sở dĩ ta sống ích kỷ là vì từ xưa, ta chỉ được dạy một thứ đạo cá nhân, bo bo lo cho mình được mọi ơn phần hồn, phần xác. Hội Thánh từ nay dạy rằng : “Hoàn cảnh biến đổi sâu rộng và cấp bách, đừng ai chủ trương một thứ luân lý duy cá nhân mà không lưu tâm hoặc không màng chi tới diễn tiến thời cuộc. Bổn phận công bình và bác ái được chu toàn mỗi ngày một hơn là do mỗi người biết tùy theo khả năng của mình và nhu cầu của kẻ khác mà mưu ích chung, bằng cách cổ võ và trợ giúp những tổ chức công hay tư, nhằm cải thiện những điều kiện sống của anh em mình. Lại có những người, ngoài miệng thì bô bô nói phải rộng rãi và đại lượng, mà thực tế, họ luôn luôn sống chẳng quan tâm gì đến nhu cầu của người khác trong xã hội quanh mình...” (Hiến chế nói trên, số 30).

Và Hội Thánh kết luận : “Vậy mỗi người đều phải coi người đồng loại, không trừ ai, như “cái tôi thứ hai” ; cho nên, trước hết phải quan tâm đến sự sống của họ, và quan tâm đến những phương tiện cần thiết giúp họ sống một đời sống xứng đáng, chứ đừng bắt chước người giàu có kia, thuật trong Phúc Âm, ăn uống no đủ mà không săn sóc gì tới người nghèo La-da-rô” (Hiến chế nói trên, số 27). Nhưng trái lại : “Kẻ có hai áo, hãy chia cho người không có, và kẻ có của ăn, cũng hãy làm như thế” (Lc 3.11).

3/         Trong anh chị em có mặt đây, có ai mắc nợ tiền nong, của cải gì người khác không ? Không à ? Cho đi không có ai mắc nợ, thì Thánh Phaolô cũng nói rằng : bất cứ ai trong chúng ta cũng đều mắc nợ. Anh chị em đoán thử coi mắc nợ ai ? mắc nợ điều gì ? Chắc có người nói : Mắc nợ Chúa ! Đúng ! Vì thế, trong kinh Lạy Cha, ta xin : Xin Cha tha nợ cho chúng con... Tội lỗi ta là những món nợ Thiên Chúa, ta không đền trả nổi. Ngay các ơn phúc vô vàn, vô số phần hồn cũng như phần xác Chúa ban cho ta, đó cũng là những món nợ ân tình ta đền đáp sao cho xứng ! Nhưng ta còn mắc nợ ai nữa không ? Thánh Phaolô dạy : “Anh em có mắc nợ... đó là món nợ tình thương nhau” (Roma 13.8). Yêu nhau là món nợ ta phải trả cho đồng loại. Không yêu thương, ta sẽ mắc nợ, và ngày phán xét, Chúa sẽ buộc tội. Còn trái lại, ai yêu nhau, đó là đã trả xong món nợ, và ngày phán xét, Chúa sẽ xử khoan dung, thương xót : “Phúc cho kẻ biết xót thương, vì họ sẽ được thương xót”. Ngày đó, Chúa còn nói : “Bao nhiêu lần các ngươi làm những việc đó (việc thương giúp) cho một trong những người hèn mọn là anh em Ta đây, tức là các ngươi làm cho Ta vậy” (Mt 25.40).

4/         Nhưng thôi, ta tạm gác việc nói đến mắc nợ, nghe buồn và nặng nề. Ta hãy nói đến cái vui của người biết cho đi. Đây chính Chúa phán : “Ai cho thì có nhiều phúc hơn là lãnh” (Cv 20.35). Hãy xem Thiên Chúa : Ngài luôn luôn cho đi, luôn ban ơn, thí phúc. Cả cuộc sống đời đời của Ngài là để ban ơn, giáng phúc cho tạo vật, nhất là cho loài người : phúc đời này, phúc đời sau... Cho nên, Thánh Phaolô viết cho bổn đạo Côrintô : “Anh em biết lòng quảng đại bao la của Chúa chúng ta rồi đó : làm sao giàu có như Ngài, mà vì anh em, Ngài đã nên nghèo khó (nghĩa là Ngài bỏ tòa cao sang, vinh hiển, xuống làm người nghèo khó, sinh trong máng cỏ, chết trần trụi trên thập giá). Để làm gì ? Để làm cho anh em nên giàu có nhờ sự hạ mình xuống nghèo khó của Ngài !” (2Cr 8.9). Đó, Chúa cho ta như thế đó ! Vậy, chúng ta hãy để lòng ta cảm động, trước tình thương rộng rãi vô bến bờ của Chúa Giêsu đối với ta, mà ra sức đáp ân. Đáp ân cách nào ? Bằng cách thương yêu và cho đi rộng rãi với anh em mình, nhất là những người nghèo khổ, vì Chúa phán : Làm cho họ, là đền đáp chính mình Chúa !

Biết cho đi là cả một nghệ thuật biết ơn !

Biết cho đi là cả một nghệ thuật tạo hạnh phúc mình !

Biết cho đi còn là một sự khôn ngoan !

bởi vì Chúa phán : “Bố thí, giúp đỡ người nghèo là tậu được một kho tàng trên trời” (Mt 19.21). Đó là biết gửi tiền vào ngân hàng trên trời, không sợ trộm cắp, không mối mọt đục khoét, không sợ mất giá, và tỉ lệ lãi suất cao nữa ! “Vì ai gieo sẻn thì gặt sẻn, gieo hậu thì gặt hậu” (2Cr 9.6). Đừng sợ giúp người khác mình sẽ thiếu thốn ! Đây Lời Chúa dạy : “Thiên Chúa có quyền đổ tràn ơn lộc mọi thứ xuống cho anh em, để anh em vừa được luôn luôn sung túc mọi bề, vừa còn dư giả mà làm mọi việc phúc đức, như lời Kinh Thánh đã chép : “...Đấng đã cung cấp giống cho kẻ gieo và bánh nuôi mình cho họ”, tất sẽ cung cấp và làm dư dật giống cho anh em gieo làm phúc, và sẽ cho sinh sôi nảy nở hoa quả công đức cho anh em... Anh em sẽ được nên phú túc mọi bề, để thi hành mọi việc bác ái” (2Cr 9.8-11).

Quả thật, ta chưa thấy ai bác ái, rộng tay làm phúc và bố thí, mà phải đói bao giờ.

5/         Cuối cùng, ta hãy xem gương bổn đạo tiên khởi : họ được tràn đầy Chúa Thánh Thần, cho nên, dù họ chỉ là bổn đạo mới, mới rửa tội ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, mà họ thương yêu nhau, đùm bọc nhau, đến nỗi người lương dân phải khen : “Kìa ! Xem người có đạo họ thương yêu nhau dường nào !”. Khen rồi, họ ùn ùn kéo nhau vào đạo. Còn sách Thánh Kinh thì khen họ rằng : “Cộng đoàn những kẻ tin hết thảy đều coi mọi sự như của chung : đất đai, của cải, thì họ bán đi mà phân phát cho mọi người, ai nấy tùy theo nhu cầu của mình... Cho nên, giữa họ không có ai phải túng thiếu... Họ cùng nhau chia sẻ của nuôi thân... Tất cả những sự ấy, họ làm với một lòng hân hoan và dạ đơn thành, trong lời ngợi khen Thiên Chúa và trong sự mến phục của toàn dân” (Cv 2.42; 4.32,34).

Tích truyện

Đây là câu chuyện có thật 100%. Tháng 11 năm nay (1988), có một cô nhân viên Hợp Tác Xã kia, lên Đền Đức Mẹ Hằng Cứu giúp dự lễ, thì thấy kêu gọi giúp trại phung Qui Hòa. Được học Lời Chúa, biết đem thương yêu đến với mọi người, cô đã về gom góp tiền bạc lên dâng 100.000 đồng. Cô không phải là người giàu có như Zakêu, chia nửa gia tài cho kẻ khó, nhưng xét lòng đại độ và thương người nghèo khổ, thì hai bên giống nhau. Hỏi cô rằng :

- Có tiếc của không ?

Cô đáp :

- Có chứ ! Vì con có chút của ấy dành dụm, nên cũng tiếc lắm ! Nhưng khi nghĩ đến những anh em đã bị bệnh phung cùi rúc rỉa, nhức nhối ngày đêm, mà nay còn bị thiếu thuốc men, và đói ăn thì thấy tội nghiệp quá! Phần con vẫn được Chúa cho đủ ăn, đủ mặc, thì phải biết thương đến những anh em xấu số đó chứ !

-----oOo-----