100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh
(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )
(Lưu hành nội bộ) 1999
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.
Bài 59
TRỌNG DANH DỰ
Trích lược 1 Sa-mu-en, ch.14
Trong một cuộc chiến chống quân Phi-li-tinh, cậu Yô-na-tan, con của Vua Sao-lê, đã gieo rắc kinh hoàng trong đạo quân bên địch, làm họ thua chạy tán loạn. Vua Sao-lê muốn đuổi theo tận diệt hết quân địch, ông mới thề độc rằng :
- Kẻ nào, từ nay cho đến chiều dám dùng đến lương thực, trước khi ta diệt hết kẻ địch, kẻ ấy là đồ chúc dữ và phải chết.
Thế là toàn dân quân Israen đều giữ chay mà chạy theo Vua đuổi giặc. Hoàng tử Yô-na-tan cùng cận vệ cũng xuất trận theo Vua Cha. Họ hành quân xuyên qua một đám rừng có nhiều bầy ong mật. Lúc ấy, mọi người đều mệt lả và đói, tuy vậy, dân quân Israen không ai dám đụng đến mật ong, vì đã có lệnh của Vua. Chỉ riêng Yô-na-tan, không nghe thấy lời thề của cha, đã lấy một chiếc que múc mật ong ăn. Một cận vệ cất tiếng nói :
- Cha cậu đã thề độc cho kẻ nào ăn, sao cậu dám ăn ?
Nhưng Yô-na-tan đáp :
- Phải chi cho dân quân ta ăn chút gì để khỏi kiệt sức, có phải sẽ làm quân địch thảm bại hơn nữa ư ?
Hôm sau, Vua Sao-lê muốn thỉnh vấn Yavê xem cuộc hành quân truy diệt hôm nay sẽ thành công không, thì Thiên Chúa Yavê không trả lời. Ông mới tìm duyên do, thì bắt thăm trúng Yô-na-tan. Vua ra lệnh :
- Yô-na-tan, hãy thuật lại cho cha hay : con đã làm gì ?
Can đảm, hiên ngang, Yô-na-tan không khiếp sợ mà chối, mất danh dự của một con người dám làm dám chịu. Chàng đã kể lại việc chàng ăn mật ong rồi kết luận :
- Và này con đây, con bằng lòng chết !
Vua truyền đem chém, nhưng dân chúng tâu vua :
- Yô-na-tan sẽ chết sao, khi cậu đã làm cho ta đại thắng trong trận giặc này ? Thật là điều gỡ. Nhân danh Yavê hằng sống, sẽ không một sợi tóc nào trên đầu cậu rơi xuống đất, vì chính với Thiên Chúa mà cậu mới chiến thắng như thế hôm nay.
Nhờ lời kêu van của dân, Yô-na-tan đã khỏi phải chết.
* Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Tuy không biết lệnh Vua cha, nhưng sau khi đã được nhắc nhở, Yô-na-tan có vẻ không tán thành lời thề của Vua Cha : vì trong cuộc chiến, sức khoẻ là tối cần, tại sao lại cấm không cho dân ăn, lại phải ăn chay ? Về sau, khi Vua Cha biết được cậu đã lỗi lịnh, cậu không hề sợ mà chối : trái lại hiên ngang nhận lỗi và sẵn lòng chết. Đó là một người can đảm và trọng danh dự : dám làm thì dám chịu !
Vì thế, kỳ này ta cùng nhau suy nghĩ về :
1/ Danh dự là một của báu :
Nếu có ai khen bạn : “Anh hay chị ấy là người đáng tin cậy, hoặc là người tài giỏi”, bạn có vui không ? Đã hẳn, lời khen chân thật, ai chẳng vui thích. Hơn thế, nó còn là một sự kích thích, thúc đẩy khiến ta nỗ lực để cứ mãi xứng đáng với lời khen ấy.
Như thế, danh dự là một điều quí báu và cần thiết cho đời sống. Chỉ có điều là danh dự rất khó được, mà lại dễ mất. Lấy thí dụ về sự thật thà : không phải kẻ nói thật đôi lần, hoặc nhiều lần sẽ được tiếng là thật thà, ngay thẳng, mà phải luôn luôn nói sự thật và không sợ dọa nạt hay trừng phạt, ngay cả cái chết, như Yô-na-tan trong chuyện Kinh Thánh ở trên. Như thế, để được thanh danh, thật khó ! Nhưng mất nó lại rất dễ : người ta đã thấy có kẻ chỉ cần nói dối một lần, là từ đó không ai còn tin hắn nữa, cho dù sau này nó nói thật cả trăm lần: hắn mất thanh danh rồi !
2/ Cho nên gìn giữ thanh danh, bảo vệ danh dự là một nhân đức lớn. Thánh Tôma tiến sĩ liệt vào sổ các “đức đại đảm”. Chúng ta thường nghĩ nhân đức là những việc thiêng liêng, như ai đọc kinh, hãm mình, cầu nguyện... nhiều, thì là người nhân đức, mà quên rằng các đức tính nhân loại mà ta thực hành cho tốt cũng là nhân đức. Chẳng thế mà Thánh Phaolô dạy :
“Hỡi anh em, phàm những gì là chân thật, những gì là khả kính, những gì là công minh, là tinh tuyền, là khả ái, là danh thơm tiếng tốt, và nếu có nhân đức nào, nếu có điều đáng khen nào... thì anh em hãy chú trọng đến tất cả !” (Ph 4.8).
Đó, Thánh Phaolô dạy ta phải chú trọng đến cái gì tốt đẹp ở nơi nhân loại..., trong đó có danh thơm, tiếng tốt. Trọng danh thơm, tiếng tốt : tức là biết đánh giá mình cách đúng đắn, chứ không tâng bốc mình quá đáng, tự trọng mình cách phải lẽ, chứ không phải là tự ái tầm bậy : thì đó là điều hợp lẽ đời cũng như lẽ đạo. Ai khinh thường danh dự, dửng dưng không biết xấu hổ vì điều bất nghĩa, đó không là dấu kẻ ấy nhân đức, trái lại, đó là dấu một tâm hồn thoái hóa, xuống cấp, tính tình nhu nhược. Người nào mất danh dự, người ta bảo rằng : về mặt xã hội, hắn như đã chết rồi !
Hãy xem Đức Giêsu, Đấng đã nói : “Ta không tìm vinh quang cho Ta, song cho Đấng đã sai Ta”, thế mà trước các lời cáo gian Ngài bị quỉ ám, Ngài đã bảo vệ danh dự thế nào ? Ngài bảo : “Ta không bị quỉ ám, nhưng Ta tôn kính Cha Ta, mà các ngươi lại sỉ nhục Ta. Nhưng chính Cha Ta là Đấng tôn vinh Ta...” (Ga 8.48tt). Khi nhóm Biệt phái bôi nhọ việc trừ quỉ của Ngài mà bảo rằng Ngài nhờ thông đồng với tướng quỉ để trừ quỉ, thì Ngài lại nói : “Nếu Satan trừ Satan, thì nước nó chia bè chống nhau, đâu nó có dại thế ? Cho nên, ta nhờ quyền năng Thiên Chúa mà trừ quỉ, đó là phúc cho các ngươi, vì là dấu Nước Thiên Chúa đã đến trên các ngươi” (Mt 12.24tt).
Còn lúc tên đầy tớ Thày Thượng Tế vả mặt Ngài cách lếu láo, Ngài điềm tĩnh trách nó : “Nếu Ta đã nói không phải, thì hãy làm chứng đâu là không phải, mà nếu là phải, sao lại đánh Ta ?” (Ga 18.22t).
Xin lưu ý : Bảo vệ danh dự khác với tìm kiếm hư danh hoặc tự ái hão huyền. Tìm kiếm hư danh bên ngoài là cốt để tôn mình lên hơn kẻ khác với mục đích ích kỷ, thế thì giống như Biệt phái giả hình mà Đức Giêsu đã hằng lên án :
“Hãy coi chừng, đừng phô trương công đức trước mặt người ta, để hòng được thấy... Bọn giả hình, khi bố thí, thì thổi loa, đánh trống cho mọi người ngoài đường, nơi phố xá, nơi Hội đường, hầu được vinh nơi người đời... Mọi việc họ làm, họ đều làm để được người ta thấy, vì thế mà nới rộng thủ phù và làm to tua áo (những dấu hiệu tỏ ra họ giữ luật ghê lắm). Ăn tiệc, thì họ đòi ngồi mâm nhất, trong nhà thờ thì đòi ngồi chỗ danh dự. Ngoài công trường, phố xá họ bắt người ta chào và tung hô họ là “sư phụ”...” (Mt 6.1tt; 23.5tt).
Bởi đó :
3/ Có hai thứ vinh dự : Một vinh dự bên ngoài nơi người đời, một vinh dự bên trong trước mặt Thiên Chúa. Đây là dấu để phân biệt : kẻ nào chỉ kiếm tìm danh dự mà không tìm kiếm sự thật, sự thiện, đó là kẻ háo danh. Hắn không khác gì một người thợ đòi tiền công mà không làm được một việc gì đáng công ấy. Thánh Aogutinô nói : “Ngươi đừng đi tìm vinh quang, song hãy làm việc thiện, rồi vinh quang sẽ tìm đến với ngươi”. Như thế, là có hai thứ người đi tìm vinh dự : kẻ háo danh thì khác với kẻ tìm kiếm sự thiện, rồi vinh dự do đó đến với họ như phần thưởng xứng đáng cho việc lành phúc đức của họ. Hữu xạ tự nhiên hương !
Chính Đức Giêsu đã cho thấy hai hạng người ấy khác nhau thế nào : “Khi ngươi bố thí, thì chớ đánh trống, thổi loa như bọn giả hình vẫn thường làm nơi nhà thờ và phố xá, hầu được vinh nơi người đời. Như thế là họ đã được thưởng nơi người đời rồi. Còn ngươi bố thí, thì tay trái đừng biết việc tay phải làm, hầu việc ngươi bố thí được giữ kín và Cha ngươi là Đấng thấu suốt kín ẩn sẽ trả công cho ngươi” (Mt 6.2-4).
Và các việc khác như cầu nguyện, ăn chay..., Chúa cũng đều dặn như vậy. Ta thấy đó : kẻ thì cầu vinh nơi người đời, còn kẻ thì giữ kín, chỉ để Cha trên trời thấy mà trả công cho. Chính Đức Giêsu cũng đã làm như vậy : “Ta không cầu vinh nơi người ta... Nếu ta tự tìm vinh quang chính mình, vinh quang của Ta chỉ là không. Song chính Cha Ta là Đấng tôn vinh Ta” (Ga 5.41; 8.54).
Thánh Phaolô kết luận : “Ai muốn vinh vang, hãy vinh vang nơi Chúa mà thôi” (1Cr 1.31).
Là môn đệ của Chúa, ta hãy tìm vinh vang trong Chúa, tức làm sự thiện, sự thật, rồi chính Thiên Chúa sẽ làm vinh ta. Đừng tìm hư danh nơi người đời như Pha-ri-sêu và những kẻ giống họ : Họ đã lìa xa Thiên Chúa và bị kết án : “Khốn cho ký lục và Biệt phái giả hình, các ngươi giống như mồ mả tô vôi, mã ngoài hình như đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt, thây ma và mọi thứ xú uế. Cũng vậy, bên ngoài các ngươi có vẻ công chính, đạo đức, tốt lành trước mắt người ta, nhưng bên trong, trước mắt Thiên Chúa thì đầy giả hình và vô đạo” (Mt 23.27tt).
Người chỉ tìm vinh vang trong Chúa thì dẫu có bị người đời hiểu lầm, thậm chí bị bôi nhọ, sỉ nhục, bắt bớ..., ngay cả bởi người thân thuộc nữa, họ vẫn yên lòng. Lương tâm ngay lành, thẳng thắn và trong suốt làm chứng cho họ là đủ. Người thế gian đối xử như vậy thường vì ác ý, nhưng cũng vì hiểu lầm. Ta thường thấy : người này được ca tụng, được khen ngợi và tôn trọng hơn công họ đáng được, đang khi kẻ khác có công lại chẳng ai biết đến. Đau đớn thật ! Nhưng, là người con Chúa, ta hãy an tâm : chúng ta có một người Cha, là Thiên Chúa, Đấng thấu suốt nơi kín ẩn, thấu suốt tấm lòng, Ngài sẽ hoàn trả cho ta, như chính Chúa Giêsu đã nói thế (Mt 6.1tt). Chúa còn an ủi, nhờ lời Thánh Phêrô rằng : “Cùng được chung phần đau khổ của Đức Kitô chừng nào, anh em hãy vui mừng ; ngõ hầu khi vinh quang của Ngài mặc khải ra, anh em được vui mừng hớn hở. Nếu anh em phải chịu sỉ vả vì Danh Đức Kitô, thì phúc cho anh em, vì Thần Khí vinh quang, Thần Khí của Thiên Chúa sẽ đậu lại trên anh em” (1Pr 4.13t).
Tích truyện
Mục đích các bài Lời Chúa kỳ này là để giúp chúng ta biết trọng danh dự mình, bảo vệ thanh danh của mình. Xem các truyện cổ thời xưa, thấy người ta rất trọng danh dự, thà chết không để mình bị ô danh. Sau đây là một tích :
Truyện Tam quốc diễn nghĩa, hồi 19, kể rằng : Tào Tháo thắng trận, đem các tù binh ra xử tội. Một viên tướng của Lã Bố là Trần Cung bị giải đến. Tào Tháo hỏi :
- Ông vẫn mạnh khoẻ chứ ?
Trần Cung không đáp, song vặn lại :
- Ngươi bụng dạ bất chính, nên ta bỏ ngươi.
Tháo nói :
- Ông trách tôi là người bất chính, sao ông lại đi theo Lã Bố ?
Cung trả lời :
- Lã Bố là người vô mưu mà thôi, chứ không có quỉ trá, gian hùng như ngươi.
Tháo lại hỏi :
- Ông tự cho là mưu trí, sao nay đến nỗi này ?
Cung nhìn vào Lã Bố nói rằng :
- Chỉ giận rằng người này không nghe mưu kế của ta. Nếu như nghe lời ta thì chưa chắc.
- Bây giờ ông nghĩ sao ?
Cung nói to :
- Bây giờ chỉ có chết mà thôi !
- Ông đã vậy, còn mẹ già và vợ con ông thì sao ?
- Tôi nghĩ : người nào lấy đạo đức mà trị thiên hạ, thì không hại bố mẹ người ta ; người nào thi hành nhân nghĩa ở thiên hạ, thì không làm đứt tuyệt hương hỏa người ta. Vậy mẹ già và vợ con tôi, sống chết ở trong tay ông. Phần tôi đã bị bắt, xin chịu chết ngay, trong lòng không vướng víu điều gì.
Tháo nghe nói, còn có ý lưu luyến. Trần Cung bước thẳng xuống lầu, tả hữu lôi lại không được ; Tháo khóc tiễn biệt, Trần Cung cũng không ngoảnh cổ lại. Tháo truyền lính hầu :
- Lập tức phải đem mẹ già và vợ con Trần Cung về Hứa Đô phụng dưỡng. Hễ ai chậm trễ, ta sẽ chém đầu.
Cung nghe Tháo nói, cũng là thinh, vươn cổ ra cho quân chém, chứ không chịu đầu hàng kẻ gian hùng. Ai trông thấy cũng cảm thương sa nước mắt. Tháo sai lấy quan khách khâm liệm, đem về táng ở Hứa Đô.