100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )

Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn biên soạn
(Lưu hành nội bộ) 1999

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


Bài 75
CON DÊ GÁNH TỘI

Có lần ta đã nói : việc cứu chuộc không phải là việc trả một món tiền làm giá chuộc lại linh hồn tội lỗi của ta, nhưng ý nói về tính cách khó nhọc, giá trị công lao to lớn của Chúa hi sinh mạng sống để cứu ta và ban cho ta sự sống. Kỳ này, ta suy nghĩ về việc cứu chuộc là Đức Giêsu mang lấy tội lỗi của ta vào thân mình Ngài để khử trừ nó ngay trong thân Ngài trước. Việc mang lấy tội ta vào thân Ngài đã được Cựu Ước báo trước trong nghi lễ tạm gọi là “Oan dương” : Dương là con dê, oan là mang lấy oan nghiệt, tội vạ lên mình nó.

Trích sách Lêvi, ch.16

Ngày 10 tháng 7, dân Israen cử hành đại lễ Đền tội. Họ phải hãm mình và ăn chay chung. Đây là ngày duy nhất trong năm, vị Thượng Tế được phép vào tận trong Cung Cực Thánh, nơi Thiên Chúa ngự, và ông vào đó chỉ cốt để xin ơn xá tội, tội của mình, tội của gia đình ông, tội của toàn dân. Sau khi đã tẩy rửa cho thanh sạch, ông bận phẩm phục Thượng Tế và giết một con bò tơ, rồi bưng chén máu nó vào tạ tội cho mình và gia đình, bằng cách rẩy máu lên Bàn Xá Tội. Sau đó, ông lại ra ngoài và người ta đưa đến cho ông hai con dê : ông sẽ bắt thăm, trúng con nào, ông tế sát con ấy và đem máu vào trong Cung Cực Thánh rẩy lên Bàn Xá tội, lần này để xin tha tội cho dân. Còn con dê kia, ông cho dẫn lại đặt hai tay trên đầu dê còn sống, ông lớn tiếng xưng thú mọi tội lỗi dân đã phạm cùng mọi điều ngỗ nghịch họ đã làm, ông trút lên đầu nó mọi tội lỗi của dân, rồi ông sai một người đem thả con dê ấy vào sa mạc đồng hoang cỏ cháy, con dê sẽ mang lấy trên nó các lỗi lầm của dân chúng vào đất khô khan...

*          Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Người ta gọi con dê đó là “Oan dương”, vì nó mang trên mình nó tất cả gánh tiền khiên, oan nghiệt của dân, rồi bị thả vào nơi sa mạc, thú dữ sẽ ăn thịt nó... Chữ “oan” cũng còn có nghĩa là hàm oan. Vì thực ra, nó đâu có phạm tội, người ta lấy tội của dân, đặt tay trút lên đầu nó. Thế là nó trở thành vật hi sinh cho dân được sống. Đó là hình bóng thô thiển báo về Đức Giêsu, Đấng khi mang lấy thân xác loài người, thì cũng mang luôn lấy tiền khiên, oan nghiệt của loài người hết thảy. Ngài cũng sẽ bị người ta đưa ra ngoài đồng vắng, trên đồi Gôn-gô-tha, để chết đền tội cho dân được sống. Đó là điều ta bàn giải sau đây : Đức Giêsu mang lấy tội ta trong mình, Ngài khử trừ tội ta ở đó nhờ việc tử nạn ; xong việc tiêu diệt tội lỗi, Ngài sống lại, đầy tràn sự sống để ban ra cho ta.

Nếu may ra có ai còn nhớ, thì ở bài 64 và 65 bàn về các Bí Tích nói chung, ta đã biết rằng : lãnh Bí Tích không phải là đi lãnh một ơn như thể đi lãnh thùng quà, song phải tham gia vào, gắn liền mình vào Đức Giêsu phục sinh, để sự sống Thiên Chúa và các hồng ân khác từ thân thể Chúa phục sinh tràn sang chúng ta, như Đức Giêsu đã dạy trong ví dụ về cành nho phải gắn liền cây nho mới có nhựa sống tràn qua mà sinh hoa kết quả.

1/         Thế mà, các bạn có để ý không, ta vừa nói : phải gắn liền với thân thể phục sinh của Đức Kitô. Tại sao không nói : muốn được chuyển sự sống sang ta, ta cứ gắn mình thẳng vào Thiên Chúa có được không ? Ô ! Không được đâu ! Thiên Chúa là Đấng vô hình, vô lượng, vô biên, cao siêu muôn trùng, sao ta gắn thẳng vào Người được. Hai bên như nước với lửa, một bên là thánh thiện, một bên là tội lỗi, làm sao gắn bó với nhau được. Một ví dụ đơn sơ : cái tổ máy phát điện Trị An, phát ra hằng vạn kilô-oát điện thế cao đến hàng vạn kilô-vôn, thử hỏi ta lấy cái bóng điện nhỏ bé gắn thẳng vào đó, có được không ? Không ! Vậy phải có máy biến điện gắn vào cái nguồn ấy, rồi dần dần hạ xuống, đến nhà ta chỉ còn 220 vôn, hoặc 110 vôn, và một hai trăm oát, thì ta mới gắn bóng đèn được. Nơi Thiên Chúa cũng thế. Từ Thiên Chúa đến ta phải có cái máy biến điện làm trung gian, đầu kia gắn với Thiên Chúa, đầu này hạ thấp xuống gắn với ta. Máy biến điện trung gian đó là “Đức Giêsu, Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người”. Một đầu Ngài gắn với Thiên Chúa, đầu kia Ngài cho ta gắn vào với Ngài. Do đó, trên kia nói ta phải gắn liền với thân thể Đức Giêsu phục sinh là vậy đó.

2/         Máy biến điện gắn đầu kia với Thiên Chúa vào lúc nào ? Thưa : vào lúc Thiên Chúa tạo nên trong lòng Đức Mẹ một thân xác loài người, thế là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống kết hợp, gắn chặt với thân xác ấy trong dạ Đức Mẹ. Đó là lúc mà chúng ta nhắc nhớ đến trong kinh Truyền Tin : “Chốc ấy Ngôi thứ Hai xuống thế làm người” - “Và ở cùng chúng con”. Thế còn đầu này lúc nào gắn với chúng ta ? Ngay lúc đầu thai đó đã được chưa ? Thưa chưa ! Khoan đã, phải đợi đến lúc Chúa Tử nạn rồi phục sinh mới gắn ta vào được.

3/         Tại sao phải chờ đợi như vậy ? Thưa : Là phải để cho Thân mình Đức Giêsu có thời giờ thấm đầy sự sống thần linh của Thiên Chúa, lúc ấy mới gắn ta vào mà chuyền sự sống ấy cho ta. Lúc thấm đầy, là lúc Tử nạn, phục sinh, lúc ấy, Chúa Thánh Thần mới thấm đầy Chúa Giêsu bằng năng lực sự sống Thiên Chúa, còn lúc trước thì chưa, cho dù Đức Giêsu đã sinh ra, hoặc đi rao giảng. Điều nói đây, chắc làm cho một số người ngạc nhiên, vì thường ta nghĩ rằng : Đức Giêsu là Thiên Chúa, thì lúc nào Ngài chẳng đầy ơn sự sống trong mình, và như thế, lúc nào Ngài chẳng ban ơn được, cứ gì lúc phục sinh. Nói đơn giản, bình dân thì như vậy cũng được, nhưng nếu lấy Kinh Thánh ra mà xét kỹ, thì các nhà thần học phân biệt tỉ mỉ hơn, và vì sợ rối trí giáo dân, cho nên không mấy khi đem ra giảng dạy. Nếu anh chị em còn nhớ, thì chúng ta đã nói qua rồi.

Kinh Thánh cho biết cuộc đời Đức Giêsu có hai giai đoạn :

a/         Giai đoạn thứ nhất : Từ khi thụ thai cho đến khi Tử nạn phục sinh, giai đoạn này Đức Giêsu chưa tế lễ mình, nên chưa được Chúa Cha ban tràn đầy Thánh Thần để Ngài phân phát ra. Đây câu Kinh Thánh này làm bằng chứng : “Cuối cuộc Đại lễ Lều, Đức Giêsu đứng trong Đền Thờ Yêrusalem hô lớn : ‘Ai khát thì hãy đến với Ta, và kẻ tin vào Ta thì hãy uống’. Vì như Kinh Thánh đã nói : Từ lòng Ngài có những sông tuôn chảy nước hằng sống. Nước này, Đức Giêsu có ý nói về Thánh Thần mà các kẻ tin sẽ được lãnh, nhưng ngay lúc này Thần Khí chưa có, bởi Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7.37-39). Thế là Đức Giêsu mới chỉ hứa trước, còn lúc ấy Thần Khí chưa có, tức là Thánh Thần chưa tràn đầy trong Chúa Giêsu ; bởi lẽ lúc ấy Đức Giêsu chưa được phục sinh tôn vinh. Vậy chưa được phục sinh tôn vinh, thì chưa có Thánh Thần để ban ra.

            +          Tại sao Đức Giêsu lại chưa có Thánh Thần ? Thưa : tại vì khi xuống trần mặc lấy xác phàm, thì Ngài mang lấy xác phàm dây dưa tội lụy của trần gian như chúng ta thường nói : “Ngài mang lấy tội lỗi chúng ta, và của cả thế gian nơi mình Ngài”. Mang tội ta không phải là Đức Giêsu phạm tội. Không, Ngài không hề phạm một tội nào, song Ngài mang lấy thân xác tội lỗi của loài người. Kinh Thánh nói rõ : “Đấng không hề biết tội là gì, thì vì ta, Thiên Chúa đã làm cho Ngài thành sự tội...” (2Cor 5.21). Câu nữa : “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian với hình dung xác thịt tội lỗi”. Mục đích để làm gì ? Nghe tiếp : “Để khử trừ tội lỗi” (Rm 8.3-4). Đang khi mang xác thịt tội lỗi ấy, thì làm sao Ngài có đầy tràn Thánh Thần ? Phải tế lễ nó đi trên thập giá, lúc ấy tội lỗi mới bị khử trừ, Ngài mới đầy Thánh Thần là sự thánh thiện của Thiên Chúa (xem bài 74bis).

            +          Chúng ta thường chỉ nghĩ Đức Giêsu là Thiên Chúa, mà quên rằng Đức Giêsu cũng là người, mang thân xác, mang bản tính loài người. Xét phương diện Thiên Chúa, thì Ngài có tràn đầy Thánh Thần, đó là lẽ đương nhiên, vì do bản tính Thiên Chúa của Ngài ; nhưng còn xét phương diện tính loài người, thì tự nhiên là không thánh thiện, không có Thánh Thần. Đành rằng khi kết hợp với bản tính loài người trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã thánh hóa bản tính loài người ấy phần nào, song có thể nói là mới cho cá nhân Ngài thôi, chứ chưa đủ để tràn lan ra cả nhân loại và tràn sang chúng ta. Thánh Kinh nói : Ngài chưa trở nên “Thần Khí tác sinh”. Ngài chưa có Thần Khí, chưa được biến đổi bởi Thần Khí, chưa được tôn vinh, chưa ban Thánh Thần được.

b/         Chỉ đến giai đoạn hai, lúc Ngài tự tế lễ mình trên thập giá, và khi Chúa Cha chiếu nhận của lễ tốt đẹp ấy, Chúa Cha ban thưởng cho Ngài được phục sinh, thì Chúa Cha mới ban tràn đầy Thánh Thần cho Đức Giêsu, lúc ấy phần xác Đức Giêsu cũng trở nên vinh hiển, đầy tràn Thánh Thần để ban sự sống ra cho ai tin Ngài. Tử nạn phục sinh ví như cái lò đốt nung Đức Giêsu cháy đỏ lửa Chúa Thánh Thần trước để rồi Đức Giêsu mới có thể đốt nóng ta.(13)

  1. (13)      Nói theo danh từ thần học, thì công việc cứu chuộc phải xảy ra trong Đức Giêsu trước hết, hoặc Đức Giêsu phải được cứu chuộc trước nhất.

4/         Bây giờ, chúng ta lấy lại cái tỉ dụ máy biến điện để áp dụng vào đây. Giờ đây, cái máy biến điện là Đức Giêsu phục sinh, đã sẵn sàng để chúng ta gắn vào với Ngài mà đèn linh hồn ta được bật sáng lên. Từ thân mình vinh hiển phục sinh của Ngài - tức là từ thân xác có tính loài người của Ngài giống bản tính nhân loại của ta, đồng loại với ta, vừa tầm với ta, song đã nạp đầy ắp điện Đức Chúa Thánh Thần - sẽ truyền sang những ai gắn vào với Ngài, nào là sự sống, nào là sự sáng, nào là ân sủng...

a/         Bằng cách nào ta được gắn vào Ngài, vào thân mình vinh hiển của Ngài ? Các bài trước đã nói, đây chỉ xin nhắc sơ lại : Thưa bằng đức tin và phép Rửa tội. Tin và Rửa tội là gắn vào Chúa, kết hợp với Chúa, rồi được thông cho sự sống thần linh và được làm con Cha trên trời.

Về tin : Điều chúng ta muốn nhấn ở đây là sự gắn bó với Chúa, chứ không phải tin là lấy trí khôn chấp nhận mấy điều khó hiểu, rồi Chúa cứ ở trên trời, ta cứ ở dưới đất, Chúa dạy gì kệ Chúa, ta làm gì kệ ta, ta sống theo thói cũ : cứ nói tục, cứ chửi nhau, cứ dối gian, cứ phạm đủ thứ tội như một người ngoại, miễn là lúc vào nhà thờ mở miệng đọc thật to kinh Tin Kính là có đức tin. Ai sống kiểu đó là lầm to ! Phải đi học đạo lại. Họ chỉ có danh xưng là Kitô hữu, song thực chất là một người ngoại - nghĩa là sống ngoài Chúa Kitô - chết không lên thiên đàng, cho dù có làm đủ các phép sau hết, cho dù thân nhân có xin hàng ngàn lễ cầu cho linh hồn họ. Vì sao ? Vì không gắn bó với Chúa, như cành liền cây nho thì sao có sự sống, họ đã lìa thân nho rồi, vì ĐY dạy : “Ai không gắn liền với Ta, thì bị quăng ra ngoài, và khô đi, sẽ bị quăng vào lửa mà bị thiêu” (Ga 15.6).

Vậy, chúng ta còn thời giờ, hãy đổi cách sống đạo : bỏ lối đạo hình thức, mà học cho biết tin thật vào Chúa, tức là gắn bó mật thiết với Chúa. Tôi xin mách nước cho các bạn nhé : (nói nhỏ vào tai) nhờ học lời Chúa chuyên cần - như ta đang làm đây - kèm với sự cầu nguyện : đó là cách tốt nhất để học biết tin và gắn bó với Đức Kitô. Chúng tôi xin nhắc lại : Tin là gắn bó với Chúa. Gắn bó ! Gắn bó !

b/         Về phép Thanh tẩy, ngày nay người ta bắt đầu gọi là “Phép Dìm”, sẽ dìm ta vào trong Chúa, gắn bó với Chúa một cách cụ thể hơn, có nghi lễ bên ngoài ghi dấu.

Thế là chúng ta sẵn sàng để hiểu phép Thanh tẩy rồi. Kỳ sau sẽ đề cập.

Tích truyện

Sách Kinh Thánh (lời Chúa) được tôn quí nhất, song cũng là sách mà người ta ghét nhất, ghét như kẻ trộm ghét cảnh sát, tội nhân ghét quan tòa, vì cảnh sát đuổi bắt nó, quan tòa lên án bỏ tù nó. Người ta kể truyện rằng : Có một vị truyền giáo nọ, rất giỏi khoa học, ông đi đâu cũng không quên mang theo cái kính hiển vi (kính lúp) đi cùng. Tới xứ của thổ dân nọ, ông cho họ dòm kính hiển vi. Trong đám đó, có mấy người kiêng sát sinh, vừa thấy sinh vật lúc nhúc cử động trong giọt nước, họ đâm bối rối quá chừng. Sáng hôm sau, một người trong bọn đi mua lại kính ấy, về nhà lấy búa đập tan tành, rồi anh ta mỉm cười đắc thắng. Tội nghiệp ! Người ấy tưởng làm vậy thì nước không còn chứa sinh vật nữa để họ yên tâm lấy nước uống, nấu cơm mà không phạm tội sát sinh, nào ngờ kính hiển vi chẳng chứa đựng vi trùng, mà chỉ cho thấy vi trùng thôi.

Vậy, nhãng bỏ lời Chúa, bạn có cảm tưởng bạn là người tốt đàng hoàng, nhưng bạn lầm, tâm hồn bạn chứa đầy nết xấu, thì vẫn còn nguyên như thế, không có lời Chúa thì bạn chỉ không thấy mà thôi. Nhưng nếu bạn nhờ lời Chúa như kính soi, bạn thấy tình trạng tội lỗi bê bết, bạn sẽ ăn năn, xin Chúa tha thứ, thì bạn được cứu sống.