I. Tác Giả, Hình Thành, Linh hứng và Chân Lý của Thánh Kinh (x. GLCG 105-109)
Chính Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh, nhưng Ngài không tự mình viết Thánh Kinh. Thoạt tiên, Thiên Chúa chọn để bày tỏ chương trình cứu độ của Ngài cho chúng ta qua các biến cố, chứ không qua văn tự. Về lịch sử cứu độ được kể lại trong Thánh Kinh, các biến cố này bắt đầu với tổ phụ trong đức tin của chúng ta, là ông Abraham, và tiếp tục cho đến khi vị Tông Đồ cuối cùng mãn phần sau cuộc Khổ Nạn, Cái Chết, Phục Sinh và Lên Trời của Chúa Giêsu: Mầu Nhiệm Phục Sinh.
Qua các kỷ nguyên, dân chúng kể lại cho nhau về những biến cố mà trong đó họ cảm nghiệm được quyền năng và sự hiện diện của Thiên Chúa. Các câu truyên trong Cựu Ước lưu truyền và viết thành Thánh Kinh của dân Do Thái mà chúng ta gọi là Cựu Ước. Các việc Chúa Giêsu làm được các Thánh Tông Đồ rao giảng, ghi chép, và được lưu truyền trong cộng đoàn các tín hữu, được biên soạn dựa theo ánh sáng của các biến cố xảy ra sau đó, và cuối cùng được đưa vào quy điển: nghĩa là chúng được chấp nhận như các tác phẩm được linh hứng để dạy chúng ta những điều chúng ta cần biết cho ơn cứu độ của mình. Hội Thánh gọi Lời Chúa được ghi trên văn tự này là Thánh Kinh, gồm có Cựu Ước và Tân Ước.
Thiên Chúa linh hứng các thánh ký để dùng tất cả khả năng và sự hiểu biết của các ngài mà viết Thánh Kinh, cho nên các ngài cũng là tác giả các sách các ngài viết. Đồng thời Thiên Chúa cũng chính là tác giả của các sách ấy như đã nói ở trên.
"Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại để cứu độ chúng ta"(Dei Verbum 11). Tuy vậy, đức tin Kitô giáo không phải là một "đạo Sách" mà là đạo của "Lời Chúa", Ngôi Lời Nhập Thể và hằng sống. Chính nhờ Chúa Thánh Thần mà chúng ta hiểu được Thánh Kinh.
II. Chúa Thánh Thần, Ðấng giải thích Thánh Kinh (x. GLCG 109-119)
Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa nói với ta bằng cách thức của loài người, nên chúng ta phải lưu tâm đến các chủ ý, hoàn cảnh thời đại và văn hóa của các tác giả, cũng như các văn thể họ dùng (76), và sự diễn đạt tư tưởng của họ trong văn nói cũng như văn viết. Vì lý do này mà muốn hiểu biết Thánh Kinh các tường tận, chúng ta cũng cần phải biết về những phương pháp phân tích (phê bình) Thánh Kinh (Biblical Criticism) mà chúng tôi sẽ lần lượt khai triển trong những bài sau.
Vì "Thánh Kinh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần nên cũng phải được đọc và giải thích trong Chúa Thánh Thần" (78). Và Thánh Kinh được ban cho Hội Thánh, nên Thánh Kinh chỉ được giải thích cách xác thực trong Hội Thánh. CĐ Vaticanô II đưa ra ba tiêu chuẩn để giải thích Thánh Kinh:
- • Phải chú ý đến "nội dung và tính thống nhất của toàn bộ Thánh Kinh" (x. GLCG 112)
- • Phải đọc Thánh Kinh trong "Truyền thống sống động của toàn thể Hội Thánh" (x. GLCG 113)
- • Phải lưu ý đến "loại suy đức tin," là tính chất tương hợp trong toàn bộ nội dung các chân lý đức tin và trong toàn bộ chương trình mặc khải (x. GLCG 114).
Hội Thánh cũng phân biệt các nghĩa mà theo đó Thánh Kinh có thể được giải thích (x. GLCG 115-117):
- • Nghĩa văn tự là nghĩa mà tác giả có ý nói đến.
- • Nghĩa thiêng liêng có thể là nghĩa ẩn dụ trong đó một biến cố ám chỉ một biến cố khác, hay là nghĩa luân lý để dẫn chúng ta đến một cách ăn ở công chính. Cũng có thể có nghĩa thần bí, hướng chúng ta về cùng đích trên Trời.
Sau hết mọi điều liên hệ đến việc giải thích Thánh Kinh đều phải tùy thuộc vào phán quyết của Hội Thánh, vì Hội Thánh được Thiên Chúa trao phó cho sứ mạng và chức vụ gìn giữ và giải thích Lời Chúa.
III. Quy Ðiển Thánh Kinh (x. GLCG 120-130)
Quy điển Thánh Kinh, là danh sách những sách mà Hội Thánh công nhận là được Chúa Thánh Thần linh hứng, gồm có 46 sách Cựu Ước và 27 sách Tân Ước.
Cựu Ước mặc dầu chứa đựng nhiều điều bất toàn và tạm thời, nhưng hướng về Ðức Kitô.
Tân Ước đặt trọng tâm vào giáo huấn và cuộc đời của Ðức Kitô và vào Hội Thánh Sơ Khai dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Các Tin Mừng là trung tâm của tất cả Thánh Kinh vì là chứng từ chính về cuộc đời và giáo huấn của Ngôi Lời Nhập Thể. Tin Mừng được thành hình qua ba giai đoạn:
- • Giai đoạn thứ nhất là đời sống và giáo huấn của Chúa Giêsu.
- • Giai đoạn thứ hai là truyền khẩu qua lời giảng dạy của các Tông Ðồ và những môn đệ đầu tiên dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
- • Giai đoạn thứ ba là viết các Sách Tin Mừng, khi các Thánh Sử thu góp tài liệu về Chúa Giêsu và thích nghi với hoàn cảnh của giáo đoàn mà tác giả nhằm đến.
Cựu Ước và Tân Ước liên hệ mật thiết với nhau. Các biến cố và nhân vật trong Cựu Ước là tiền thân của những biến cố và hình ảnh trong Tân Ước. “Tân Ước tàng ẩn trong Cựu Ước, Cựu Ước tỏ lộ trong Tân Ước”(Th. Augustinô). Vì thế Tân Ước phải được đọc dưới ánh sáng của Cựu Ước, và Cựu Ước phải được đọc dưới ánh sáng của Ðức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh.
IV. Thánh Kinh trong đời sống Hội Thánh (x. GLCG 131-141)
Hội Thánh luôn tôn kính Thánh Kinh như tôn kính Thánh Thể, vì như Thánh Thể, Lời Chúa còn có sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Hội Thánh, ban sức mạnh đức tin, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Hội Thánh. Vì thế Hội Thánh "tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu "hãy năng đọc Thánh Kinh để học biết kiến thức siêu việt của Chúa Giêsu Kitô…"Vì không biết Thánh Kinh là không biết Ðức Kitô" (Thánh Giêrônimô).
Trong bài sau chúng ta sẽ khai triển thêm về vai trò của Thánh Kinh trong Đời Sống và Sứ Vụ Hội Thánh.
Vietcatholic News