Học và Sống Năm Thánh Kinh


Trong bài trước chúng ta đã bàn đến nghĩa văn tự và các nghĩa thiêng liêng của Thánh Kinh. Từ thời Cải Cách Tin Lành đến nay, tuy có những tiến bộ về việc áp dụng các phương pháp khoa học trong việc nghiên cứu Thánh Kinh, nhưng bốn ý nghĩa của Thánh Kinh, là nghĩa văn tự, nghĩa ẩn dụ, nghĩa luân lý và nghĩa thần bí, vẫn là những ý nghĩa căn bản hướng dẫn người Công Giáo trong việc đọc Thánh Kinh. Hôm nay chúng ta sẽ tiếp bàn đến sự khác biệt giữa cách giải thích Thánh Kinh của Công Giáo và Tin Lành hiện đại.

Phong trào Cải Cách đem đến cho nó một tiêu điểm để giải thích Thánh Kinh khác khi Lutherô dùng câu của Thánh Phaolô “chúng ta đã được nên công chính nhờ Đức Tin” (Rom 5:1) như là chìa khóa để hiểu tất cả Thánh Kinh. Lutherô và những nhà cải cách sau ông tránh cách giải thích ẩn dụ, và bắt đầu nhấn mạnh đến cách giải thích Thánh Kinh theo nghĩa văn tự. Trong Công Giáo thì không có mấy thay đổi so với lập trường giải thích có từ thời Trung Cổ với bốn ý nghĩa của Thánh Kinh. Đến thời Khai Minh, người ta tôn lý trí làm tiêu chuẩn tối hậu cho mọi kiến thức, và các phương pháp giải thích Thánh Kinh bắt đầu thay đổi. Người ta bắt đầu đặt vấn đề về quyền bính và truyền thống. Phương pháp khoa học cũng khởi sự lấn át tất cả mọi lãnh vực nghiên cứu. Sự phát triển nhanh chóng của kiến thức theo sau sự phát triển của khoa học, cùng với những khám phá về khảo cổ, đưa đến những câu hỏi quan trọng về sự chính xác về lịch sử và khoa học của Thánh Kinh.

Phương pháp phân tích (phê bình) lich sử xuất hiện từ thế kỷ thứ 18 đã bá chủ nghành chú giải Thánh Kinh từ đó, và tiếp tục ảnh hưởng đến việc chú giải Thánh Kinh hiện đại. Phương pháp này không phải chỉ là một phương pháp; nó sử dụng nhiều phương pháp trong cố gắng giải thích Thánh Kinh trong phạm vi lịch sử và văn chương của nó, cùng trong việc tìm kiếm ý nghĩa mà các tác giả có ý nói đến. Phương pháp này chú ý đến lịch sử của bản văn và việc thành hình bản văn từ những nguồn truyền khẩu hay văn viết đã có từ trước; phương pháp này thảo luận về những hình thức của bản văn, và việc soạn thảo văn bản cuối cùng. Nó cần sự hỗ trợ của nhiều nghành khác nhau như ngữ học, khảo cổ, xã hội học, nhân chủng học, giả thuyết văn tự, và so sánh các tôn giáo, để cố gắng xác định ý nghĩa của đoạn văn trong phạm vi lịch sử và văn chương. Những người sử dụng phương pháp này đã không chấp nhận những tiền giả định về sự chính xác về lịch sử của bản văn Thánh Kinh và việc hình thành những tín điều dựa trên Thánh Kinh.

Khi phương pháp phân tích lịch sử đi vào các đại học và bắt đầu thắng thế trong các chủng viện Tin Lành, thì phái cơ bản đứng lên và khăng khăng tin vào tính không sai lỗi của Thánh Kinh trong mọi lãnh vực hiểu biết và giữ lấy những điều căn bản của Đức Tin Kitô giáo như đã được xác định từ trước. Vì thế Tin Lành có hai trường phái cực đoan trong việc giải thích Thánh Kinh. Một trường phái dựa hoàn toàn vào phương pháp phân tích lịch sử để bác bỏ những gì trong Thánh Kinh mà họ cho rằng không có căn bản lịch sử vững chắc. Họ chỉ tin vào những gì họ có thể chứng minh được qua lịch sử hay khoa học. Một trường phái khác thì cho rằng từng chữ trong Thánh Kinh là Lời mà Thiên Chúa đọc cho tác giả viết. Những Lời này hoàn toàn được áp dụng theo nghĩa đen trong mọi hoàn cảnh và thời đại, cho nên người ta phải hiểu Lời Chúa hoàn toàn theo nghĩa văn tự mà không cần biết hoàn cảnh lịch sử của bản văn. Phần còn lại thì chung dung, nhưng không có một đường lối nào thống nhất trong việc giải thích Thánh Kinh. Chính vì thế mà có bao nhiêu cách giải thích khác nhau thì có bấy nhiêu giáo phái Tin Lành khác nhau. 

Trong vòng Công Giáo vào thời đầu của Thế Kỷ 20, các nhà chú giải Thánh Kinh bắt đầu bàn đến nghĩa trọn vẹn (sensus plenior) của Thánh Kinh. “Nghĩa trọn vẹn được định nghĩa như là ý nghĩa thâm sâu của bản văn, mà Thiên Chúa có ý nói, nhưng không được tác giả nhân loại diễn tả cách đầy đủ”.[1] Người ta tìm thấy nghĩa trọn vẹn này khi các tác giả sau của Thánh Kinh gán cho những câu trước đó một ý nghĩa mới, như việc Thánh Matthêu dùng Isaia 7:14 (Mt 1:23) để nói về Đức Mẹ thụ thai Đức Chúa Giêsu mà vẫn còn đồng trinh; hoặc khi các tín điều sau đó hay định nghĩa của Công Đồng gán cho một câu văn Thánh Kinh một ý nghĩa, như định nghĩa về Tội Nguyên Tổ dựa vào Roma 5:12-21.[2] Khó mà phân biệt sự khác nhau giữa nghĩa trọn vẹn và nghĩa thiêng liêng.[3] Nghĩa trọn vẹn để nguyên nghĩa văn tự, nhưng khẳng định rằng đoạn văn có được một ý nghĩa mới sau Đức Kitô.

Nghĩa trọn vẹn của một bản văn, dù do ý định của Thiên Chúa, người ta cũng không thấy được cho đến khi sự trọn vẹn của Mặc Khải được thực hiện nơi Đức Kitô. Thảo luận về nghĩa trọn vẹn vẫn còn tiếp tục, nhưng phần lớn bị lấn át bởi việc sử dụng phương pháp phân tích lịch sử trong số các nhà chú giải Công Giáo từ giữa thế kỷ thứ 20. Từ năm 1943, khi Đức Thánh Cha Piô XII ban hành Thông Điệp Divino Afflante Spiritu cho phép dùng những phương pháp giải thích Thánh Kinh hiện đại đến nay, các nhà chú giải Công Giáo đã đua nhau sừ dụng phương pháp phân tích lịch sử trong việc chú giải Thánh Kinh, đôi khi thái quá, mà thiếu thận trọng như Đức Thánh Cha Piô XII đã viết:

“Trong thời đại chúng ta, quả thật là có quá nhiều thắc mắc và những khó khăn mới, cho nên nhờ ơn Thiên Chúa, những phương tiện và trợ cụ mới cũng được cung cấp cho các nhà chú giải Thánh Kinh.. . . Vậy nhà chú giải, với sự cẩn trọng và không bỏ qua bất cứ ánh sáng nào đến từ những cuộc nghiên cứu mới đây, cố gắng xác định đặc tính và những hoàn cảnh riêng bìệt của tác giả Thánh Kinh, thời đại mà các ngài sống, các nguồn văn viết hay truyền khẩu mà tác giả ấy đã tham khảo và những hình thức diễn tả mà tác giả đã dùng.” (số 33)

Lập trường của ĐTC Piô XII được Công Đồng Vaticanô II tái xác nhận trong tài liệu Dei Verbum[4] và lại một lần nữa trong tài liệu Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh.

Từ thời các Giáo Phụ Sơ Khai qua thời Trung Cổ, cho đến thế giới hiện đại, việc giải thích Thánh Kinh đã tăng trường và phát triển, với mỗi thời đại kế tiếp nhau áp dụng những nguyên tắc chú giải hay nhất của thời đại mình để xác định ý nghĩa của Thánh Kinh. Ngôn ngữ về “các nghĩa của Thánh Kinh” không còn được các học giả hiện đại sử dụng nữa. Dù những người đang sử dụng phương pháp phân tích Thánh Kinh thường khăng khăng cho rằng một bản văn chỉ có một nghĩa, càng ngày người ta càng công nhận rằng có nhiều tầng lớp ý nghĩa trong một bản văn. 

Các học giả Thánh Kinh hiện đại, phần lớn là những người dùng những phương pháp phân tích lịch sử, nhấn mạnh đến những gì mà bản văn có ý nói đến trong phạm vi lịch sử và văn chương, nhưng với Thánh Kinh, chúng ta đứng trước một bản văn sống động là bản văn tiếp tục có ý nghĩa đối với những cộng đồng Đức Tin coi nó là bản văn thánh. Vì thế, chúng ta không thể chỉ chú ý đến điều mà bản văn có ý nói, mà còn phải coi nó có ý nghĩa gì đối với cộng đồng tín hữu. Chúng ta tiếp tục đi lại giữa nghĩa văn tự và thiêng liêng của bản văn trong khi cố gắng tìm xem Lời Chúa muốn nói gì với chúng ta hôm nay. Đồng thời, khi đọc Thánh Kinh, chúng ta phải đọc theo trong Hội Thánh và theo Truyền Thống sống động của Hội Thánh, vì như Timothy Michael Milinovich đã viết: “Đã không thể có Thánh Kinh nếu khộng có Thánh Truyền, và Thánh Kinh không thể tiếp tục tồn tại nếu không có sự bảo trì và giáo huấn của Huấn Quyền”.[5] 

viết theo bài “The Senses of Scripture” của Pauline A. Viviano, PhD, và “Basic of Biblical Literacy” của Timothy Michael Milinovich, trong tài liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2008 của HĐGMHK.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh (1993), s. 141.

[2] Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh (1993), s. 141

[3] Brown, The Sensus Plenior of Sacred Scripture, 12

[4] Dei Verbum, 3:11-12.

[5] Basic of Biblical Literacy của Timothy Michael Milinovich, trong tài liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2008 của HĐGMHK.

Phaolô Phạm Xuân Khôi
Vietcatholic News