Trong bài này chúng tôi xin trình bày một số đề nghị để đưa Lời Chúa vào gia đình và biến Lời Chúa thành của ăn nuôi dưỡng đời sống thường nhật của gia đình.
I. Nhiệm vụ của phụ huynh trong việc nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của gia đình.
Hầu hết mọi người đều phải làm việc ngày đêm để lo cho gia đình và tương lai của con cái. Ngoài ra chúng ta còn quan tâm đến sức khỏe của gia đình bằng cách chọn những thức ăn đầy dinh dưỡng và ít độc tố, khuyến khích con cái tập thể dục và tập những thói quen tốt để thân xác được khỏe mạnh. Nhưng chúng ta có quan tâm đến việc nuôi dưỡng đời sống tâm linh của gia đình mình như quan tâm đến đời sống thể lý không? Phần lớn các gia đình chỉ đọc kinh sáng tối, mà quên đọc và chia sẻ Lời Chúa, một món ăn khẩn thiết cho đời sống tâm linh trong gia đình. Chúng ta nghe Lời Chúa ở nhà thờ, nhưng ít khi đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày!
Có nhiều người cho rằng mình không có thì giờ để đọc Lời Chúa. Thực ra việc đem Lời Chúa vào đời sống gia đình không mất nhiều thì giờ như chúng ta tưởng. Tôi đã không có thì giờ để học và sống Lời Chúa vì tôi không cho đó là quan trọng. Để thấm nhuần lời Chúa, tôi chỉ cần bỏ ra chừng 15 phút mỗi ngày. Nhờ quyết tâm dành cho Lời Chúa mỗi ngày 15 phút, tôi sẽ tập cho tôi và con cái thói quen đọc và suy niệm Thánh kinh hằng ngày. Thói quen đó sẽ giúp gia đình tôi yêu mến Chúa và thêm thương yêu nhau.
II. Những đề nghị để biến Lời Chúa thành một phần của đời sống gia đình.
1. Chú ý đến chính đời sống tâm linh của mình
Cha mẹ không thể truyền lại cho con cái điều mình không có. Vì thế ưu tiên đầu tiên của cha mẹ là biến Lời Chúa thành một phần của chính đời sống mình, để rồi có thể truyền lại cho con cái một cách hiệu quả hơn. Trong bài 5, chúng ta đã bàn đến hai phương pháp chính để Lời Chúa có thể “cư ngụ cách dồi dào” trong đời sống của mình, là phương pháp Lectio Divina và phương pháp tưởng tượng. Trong phương pháp Lectio Divina chúng tôi đã đề cập cách vắn tắt về phương pháp tâm niệm trong khi suy niệm. Đây là phương pháp mà bất cứ gia trưởng nào cũng có thể sử dụng, dù bận rộn đến đâu đi nữa. Bỏ ra vài phút mỗi buổi sáng đọc hay nghe đi nghe lại một bài đọc của Chúa Nhật tuần tới, hoặc một đoạn Thánh Kinh khác. Trong khi đọc lắng nghe Lời Chúa và ngừng lại ở một câu mà Chúa Thánh Thần đánh động lòng mình. Thí dụ như câu “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Lập đi lập lại câu này nhiều lần trong ngày, như trong lúc tắm rửa, thay quần áo, lái xe đến sở, trong giờ giải lao, và lái xe về nhà. Vừa lập đi lập lại vừa xét xem mình đã sống ra sao so với câu tâm niệm trên, và cầu nguyện xin Chúa giúp mình sửa đổi trong khi cố gắng sống theo Lời Chúa hằng ngày. Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình khuyên các gia trưởng đọc Thánh Kinh theo phương pháp tâm niệm này để thay đổi chính mình, để biết lỗi, nhận lỗi, sửa lỗi, và xin lỗi. Trong giờ đọc và chia sẻ Lời Chúa tại gia đình, chính chúng ta sẽ chia sẻ với gia đình cảm nghiệm mà mình đã suy niệm nguyên ngày, cùng thành thật xin lỗi những người mà mình đã xúc phạm trong gia đình, kể cả con cái. Rồi khuyến khích con cái làm theo mình. Khi các gia trưởng biết áp dụng phương pháp này vào đời sống mình và khuyến khích các phần tử trong gia đình cùng thực hành, thì gia đình sẽ trở thành gia đình truyền giáo như ĐTC Phaolô VI đã nói ở trên.
2. Gia đình cùng đọc và chia sẻ Thánh Kinh mỗi ngày
Điều tốt nhất là cả gia đình cùng đọc các bài đọc của Chúa Nhật tuần tới. Thời gian lý tưởng mỗi ngày để đọc Thánh Kinh là vào giờ Kinh Tối. Thay vì đọc 50 kinh Mân Côi, chúng ta chỉ đọc 10 kinh, rồi dành thì giờ còn lại để chia sẻ Lời Chúa theo phương pháp Lectio Divina mà chúng tôi đã trình bày trong bài 5 và bài 6 hay phương pháp tâm niệm ở trên. Ngoài ra, để cho Thánh Kinh thấm nhuần đời sống gia đình, chúng ta có thể cùng nhau đọc một câu Thánh Kinh ngắn trước bữa ăn, trong giờ kinh tối trước khi đi ngủ, trước khi đi học hay đi làm….
Chia sẻ Thánh Kinh khác với giải thích Thánh Kinh. Chia sẻ Thánh Kinh là nói cho người khác biết những cảm nghiệm của mình về đoạn Thánh Kinh vừa đọc, chứ không phải là cắt nghĩa đoạn Thánh Kinh ấy. Khi chia sẻ Thánh Kinh trong gia đình, tránh cắt nghĩa Thánh Kinh, trừ khi con em đưa ra thắc mắc. Đôi khi có những câu Thánh Kinh khó hiểu mà bạn không giải thích được thì đừng giải thích theo ý mình, mà nên viết xuống để các em hỏi các Giáo Lý viên vào giờ Giáo Lý cuối tuần, hoặc gửi những câu hỏi này đến Ủy Ban Giáo Lý Việt Nam tại Hoa Kỳ This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it., chúng tôi sẽ có những chuyên viên để giải thích cho bạn. Điều quan trọng trong khi đọc Thánh Kinh ở gia đình là mỗi người phải suy niệm để lắng nghe xem Chúa muốn nói gì với mình trong đoạn Thánh Kinh mình vừa đọc, từ đó chia sẻ tâm tình với người trong gia đình và đưa đến việc kết hợp với Chúa trong cầu nguyện, cùng để Chúa biến đổi đời sống của từng người trong gia đình.
3. Khuyến khích con em chơi các trò chơi hay coi phim Thánh Kinh
Có rất nhiều trò chơi và phim ảnh về Thánh Kinh trên Internet và trên CD. Các website của nhà xuất bản các sách giáo khoa về Giáo Lý cũng có rất nhiều trò chơi và những câu hỏi về Thánh Kinh cho gia đình. Gần đây, Thirthy Day Games vừa phát hành trò chơi theo năm Phụng Vụ gọi là Gospel Champion. Hãng này dựa vào bài Tin Mừng trong Thánh Lễ để soạn ra những trò chơi hào hứng. Mỗi tháng các em sẽ được chơi một trò chơi theo Sách Bài Đọc. Trò chơi có nhiều trình độ. Giá là $125 cho một giáo xứ. Muốn biết thêm chi tiết, xin coi website:http://www.thirddaygames.com/gospelChampions/. Các phim ảnh hay trò chơi Thánh Kinh giúp các em vừa học hỏi vừa giải trí lành mạnh.
4. Tôn Kính Thánh Kinh trong Gia Đình.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói, “Mỗi gia đình phải có Thánh Kinh riêng cùng giữ gìn sách ấy một cách rõ ràng và tôn kính, để đọc và cầu nguyện với nó....” Ngoài những sách Thánh Kinh để đọc và cầu nguyện, mỗi gia đình nên đặt một cuốn Thánh Kinh trên bàn thờ hay một bàn thờ nhỏ. Tập cho các em tôn kính Thánh Kinh như tôn kính chính Đức Kitô. Bởi vì theo Công Đồng Vaticanô II thì Ngôi Hai nhập thể làm người thế nào thi Lời Thiên Chúa cũng nhập với lời của loài người trong Thánh Kinh như thế (x. Dei Verbum, số 13).
Lời Chúa càng đâm rễ sâu trong gia đình thì các phần tử của gia đình càng nhận ra Con Người Đức Kitô trong Lời Người, cùng lớn lên trong tình yêu của Người, và toàn thể gia đình càng ngày càng thêm gắn bó với Đức Kitô và với nhau. Để được như thế, chúng ta phải đọc, chia sẽ, cầu nguyện và sống Lời Chúa trong gia đình hằng ngày.