Học và Sống Năm Thánh Kinh
Có một người bạn ngoài Công Giáo nói với tôi rằng: “Đạo các anh là đạo ba phải, bởi vì dựa vào cùng một cuốn Thánh Kinh mà người này cho rằng được phá thai, người kia cho rằng không được phá thai, giáo phái này này cho phép ly dị, giáo phái kia cấm ly dị. Nếu Thánh Kinh thật sự là Lời Thiên Chúa thì tại sao các anh có cả ngàn giáo phái, và giáo phái nào cũng cho rằng chỉ có cách giải thích Thánh Kinh của mình là đúng?” Nếu chúng ta không có một tiêu chuẩn để giải Thánh Kinh, và mọi người đều được tự do giải thích Thánh Kinh theo ý mình thì nhận xét của ông bạn tôi thật đúng. Để tránh tình trạng giải thich Thánh Kinh theo ý riêng, Thánh Phêrô đã nhắn nhủ: “anh em phải hiểu điều này, không một lời tiên tri nào trong Sách Thánh được giải thích theo ý riêng” (2 Phr 1:20). Đó là lý do tại sao Hội Thánh dạy chúng ta phải giải Thích Thánh Kinh theo Hội Thánh. Trong bài này và những bài sau chúng tôi sẽ cố gắng trình bày cách đơn sơ những phương pháp giải thích Thánh Kinh theo giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo dựa vào các tài liệu của Huấn Quyền. 
 

Sự thiên lệch của đa số các học giả Thánh Kinh hiện đại 

Đối với hầu hết các học giả Thánh Kinh Công Giáo hiện đại, một phương pháp khoa học được sử dụng nhiều nhất là phương pháp "Phân Tích (hay Phê Bình) Lịch Sử" (Historial-critical method). Nhiều sách giáo khoa và sách chú giải Thánh Kinh, kể cả của Công Giáo, đặc biệt là ở Hoa Kỳ đã khẳng định rằng Hội Thánh Công Giáo đã ủng hộ (endorse) phương pháp Phân Tích Lịch Sử. Họ coi đó là phương pháp duy nhất để giải thích Thánh Kinh. Nhưng theo các tài liệu của Công Đồng Vaticanô II, nhất là theo Hiến Chương Tín Lý về Mặc Khải, Dei Verbum, và tài liệu Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh là tài liệu "Giải Thích Thánh Kinh theo Hội Thánh", cũng như Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thánh Kinh vừa qua, thì Hội Thánh khuyến khích dùng và nêu lên sự cần thiết của tất cả các phương pháp giải thích Thánh Kinh chính đáng, trong đó có phương pháp Phân Tích Lịch Sử, là một trong những phương pháp cần thiết để hiểu Thánh Kinh. 

Tiếc rằng phần lớn các sách giáo khoa của Công Giáo Âu Mỹ về Thánh Kinh ngày nay đã quá thiên lệch về phương pháp Phân Tích Lịch Sử mà không đề cập đến những phương pháp khác, bởi vì họ bị ảnh hưởng bởi các học giả Thánh Kinh thuần Lịch Sử, điển hình là các bài chú giải trong sách "New Jerome Biblical Commentary", và các bài mở đầu cùng những chú thích trong sách "New American Bible". Hầu hết các tác giả của những bài này coi "Thuyết Hai Nguồn - Two Source Theory" và "Thuyết Tài Liệu - Documentay Theory" là những chân lý khoa học vững chắc về Thánh Kinh. Trên thực tế đó là hai thuyết thịnh hành nhất, nhưng đang bị xét lại bởi nhiều học giả Thánh Kinh hiện đại khác. Không những thế, một số học giả Thánh Kinh theo trường phái Phê Bình Lịch Sử đã không đếm xỉa gì đến các truyền thống của Hội Thánh, mà nếu có đề cập đến thì cũng chỉ tìm cách để hạ giá các truyền thống này. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi có nhiều người bị lung lạc đức tin sau khi theo học các lớp Thánh Kinh theo trường phái này.

Lập Trường của Hội Thánh về các phương pháp Giải Thích Thánh Kinh

Tuy Hội Thánh nhìn nhận vai trò quan trọng của các phương pháp khoa học trong việc giải thích Thánh Kinh, nhưng cũng ý thức được giới hạn của từng phương pháp. 

Khi nói về ích lợi của phương pháp Phân Tích Lịch Sừ, tài liệu Giải Thích Thánh Kinh theo Hội Thánh nhấn mạnh rằng: "Một khi phương pháp này không bị chi phối bởi những thành kiến bên ngoài, nó đưa đến việc hiểu biết Thánh Kinh một cách chính xác hơn" (câu I,4). Nhưng trong phần thứ III, khi nói về các đặc tính của việc giải thích Thánh Kinh theo Công Giáo, Ủy Ban nhắc nhở các nhà chú giải Thánh Kinh phải sử dụng các phương pháp này "trong phạm vi truyền thống sống động của Hội Thánh" (Đoạn III). Trong mục C của phần III, Ủy Ban nhấn mạnh rằng các nhà chú giải Thánh Kinh "không được phép chỉ đưa ra các kết luận dựa theo phương pháp Phân Tích Lịch Sử, mà còn phải giải thích các ý nghĩa Kitô học, Quy Điển và Hội Thánh của bản văn Thánh Kinh."

Trong thời gian soạn thảo Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, nhiều học giả Thánh Kinh đã phê bình rằng tác phẩm này không đếm xỉa gì đến thành quả của công trình nghiên cứu của cả một thế kỷ về chú giải Thánh Kinh hiện đại. Đức Đương Kim Giáo Hoàng, khi ấy là Hồng Y Ratzinger, đã trả lời rằng: “Đối với một tác phẩm phải trình bày Đức Tin, chứ không phải các giả thuyết, môt tác phẩm phải là ‘một tài liệu tham khảo chắc chắn và chân chính về các giáo huấn về tín lý Công Giáo lâu dài, chúng ta phải ghi nhớ rằng các giả thuyết trong việc chú giải Thánh Kinh thay đổi nhanh chóng ra sao, và phải thành thật nhìn nhận rằng những sự bất đồng ý kiến, ngay cả giữa các học giả về những giả thuyết này, trầm trọng đến mức nào” (Current Doctrinal Relevance of the Catechism of the Catholic Church, ngày 9/10/2002).

Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về “Lời Chúa” vào tháng 10 năm 2008 vừa qua, các nghị phụ đã nhắc đến việc cần thiết phải đọc Thánh Kinh theo lịch sử, đồng thời cũng nhấn mạnh đến việc đọc Thánh Kinh theo truyền thống Hội Thánh, như theo các Giáo Phụ, theo phương pháp Quy Điển và phương pháp Linh Đạo, đặc biệt là Lectio Divina.

Những điều cần biết khi giải Thích Thánh Kinh

Để có một cái nhìn chính đáng về giáo huấn của Hội Thánh chúng ta nên đọc kỹ Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải (Dei Verbum), Sách Giáo Lý Công Giáo, Mục 2 và Mục 3 của Phần Thứ Nhất, diễn từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa (ngày 14/10/2008), Sứ điệp kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa, và tài liệu Interpretation of The Bible in The Church (Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh). Hầu hết các tài liệu trên đã được dịch sang Tiếng Việt. Hy vọng có một ngày nào chúng ta sẽ có bản dịch tiếng Việt của tất cả các tài liệu còn lại. Điều quan trọng trong việc giải thích Thánh Kinh là phải theo truyền thống sống động của Hội Thánh và sự hướng dẫn của Huấn Quyền.

Trong những bài sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng tóm tắt các văn kiện Hội Thánh và các giáo huấn của Huấn Quyền, và trình bày các ưu khuyết điểm của những phương pháp giải thích Thánh Kinh được Hội Thánh chấp nhận là:

  • Phương Pháp Phân Tích Lịch Sử
  • Phương Pháp Phân Tích Bản Văn
  • Phương Pháp Giải Thích Theo Quy Điển
  • hương Pháp Giải Thích Theo Xã Hội
  • Phương Pháp Giải Thích Theo Hội Thánh
  • Phương Pháp Giải Thích Theo Linh Đạo hay Tu Đức

Trong tất cả các phương pháp kể trên, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh rất nhiều đến Phương Pháp Giải Thích Theo Linh Đạo, và khuyến khích chúng ta dùng phương pháp này trong việc đọc Thánh Kinh và các lớp Giáo Lý, vì phương pháp này không đòi hỏi những kiến thức phức tạp của các phương pháp khoa học.

Kết Luận

Về Đức Tin cũng như về Thánh Kinh, cái nhìn của Hội Thánh bao giờ cũng là cái nhìn toàn diện. Thánh Kinh cũng giống như Ngôi Lời Nhập Thể với hai bản tánh Thiên Chúa và Loài Người. Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa được diễn tả bằng ngôn ngữ của loài người. Nếu chỉ nhấn mạnh đến Đức Kitô là Thiên Chúa thật mà quên rằng Người cũng là người thật thì chúng ta sẽ đi đến sai lạc. Nếu chỉ coi Thánh Kinh là Lời Chúa mà quên rằng Ngài cũng dùng các tác giả nhân loại với sự hiểu biết hữu hạn của họ để trình bày những mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa thì chúng ta cũng bị sai lầm khi học hỏi Thánh Kinh. Nhưng nếu chỉ coi Thánh Kinh là một tác phẩm của loài người và phân tích Thánh Kinh hoàn toàn dưa theo sự hiểu biết hiện đại mà quên rằng Chúa Thánh Thần cũng là tác giả của Thánh Kinh, và Thánh Kinh được trao cho Hội Thánh để truyền lại cho chúng ta, thì chúng ta lại càng bị sai lầm hơn nữa. Vì thế mà Hội Thánh không ủng hộ một phương pháp nghiên cứu Thánh Kinh nào cả, mà khuyến khích chúng ta dùng tất cả mọi phương pháp hợp lý, trong phạm vi giới hạn của chúng, để giải thích Thánh Kinh.

Phaolô Phạm Xuân Khôi
Vietcatholic News