Chia Sẻ Lời Chúa

Mục đích: Trình bày giới hạn và trách nhiệm giữa quyền lực tự nhiên và vương quốc của Ðức Kitô.

Chính quyền là bạn hay là kẻ thù của dân? Trong cuộc bầu cử vừa qua, nhiều người đã cho rằng chính quyền là kẻ thù của dân. Mục đích của những người này là chúng ta cần phải “để chính quyền qua một bên,” đừng quan tâm đến những lời quảng bá của những dân cử này, và phải có trách nhiệm đối với cuộc sống của chính mình. Mặc dù có nhiều ý kiến về quan điểm này. Tuy nhiên, đời sống xã hội của chúng ta không thể không cần đến chính quyền. Thí dụ, cuộc sống chúng ta sẽ như thế nào nếu thiếu cơ quan công lực và cứu hỏa? Trong một thế giới đầy dẫy khủng bố, làm sao chúng ta có thể bảo vệ được mình nếu không có một quân đội hùng mạnh? Và mặc dầu những nhà chính trị có thể tranh luận về những lãnh vực khác nhau trong luật cải tổ Sức Khỏe hoặc Bảo Hiểm Y Tế, tuy vậy cả hai phía cũng đều có những khía cạnh tích cực của mình. Do đó, nếu chúng ta hỏi chính quyền là kẻ thù hay là bạn của dân, câu trả lời vẫn là: Tùy vào từng trường hợp. Có lúc là bạn, và cũng có lúc là thù.

Những tác giả Thánh Kinh cũng có cùng một quan niệm như thế về thế quyền. Ðối với các ngài, chính quyền thường được biểu tượng qua vị nguyên thủ. Do đó, đôi khi họ được nhìn nhận như những người bạn, và một đôi khi lại như kẻ thù.

Tác giả của bài đọc thứ nhất hôm nay rõ ràng là nhìn chính quyền như bạn hữu. Bài đọc trình bày dân Chúa chấp nhận Ðavít như lãnh tụ của họ bởi vì ông là người phát xuất từ trong họ. Họ nói: “Chúng tôi đây, là xương và là thịt của ngài.” Ðavít đã được xức dầu phong vương không như một bạo chúa, nhưng như một người phục vụ dân tộc ông. Ðó cũng chính là điều mà Thiên Chúa truyền dạy Ðavít trong bài đọc thứ nhất là “chăn nuôi dân Isael của Ta”. Ðavít đã hy sinh quyền lợi riêng tư của mình, để hướng dẫn dân ông vượt qua những khó khăn, thử thách, và bênh vực dân ông khỏi mọi điều nguy hiểm.

Tuy nhiên, ở thế hệ trước Ðavít, khi chế độ quân chủ được thiết lập, tiên tri Samuel đã cảnh cáo dân chúng rằng vị vua mà các ngươi đã đòi hỏi đây không phải là bạn hữu nhưng là kẻ thù của các ngươi. Ông ta sẽ bắt các ngươi phục vụ ông qua những nghĩa vụ quân sự, lao động, nô lệ, và áp đặt những sắc thuế nặng nề trên các ngươi. Trước “khi điều này xảy ra”, Samuel đã cảnh cáo: “Các ngươi sẽ kêu ca trách móc vị vua mà các ngươi đã chọn, nhưng vào ngày đó, Thiên Chúa sẽ không nghe lời của các ngươi” (1 Sam. 8:18). Ông nói tiếp : “Hãy thận trọng về những gì các ngươi đòi hỏi.” Vì “các ngươi sẽ được như ý”.

Trong Tân Ước cũng có những mâu thuẫn về tính cách bạn và thù của chính quyền đối với dân Chúa. Thánh Phaolô nói rằng ngay cả những kẻ cầm đầu hà khắc thuộc dân ngoại, thì các Kitô hữu chúng ta cũng phải vâng lời, “vì không có quyền bính nào không do từ Thiên Chúa, và mọi quyền bính hiện hữu đều được thiết lập bởi Thiên Chúa” (Rom 13:1). Các Kitô hữu, không những “phải vâng lời chính quyền và các quan chức trong chính quyền” (Titus 3:1), mà còn cầu nguyện “cho vua chúa và tất cả mọi người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (1 Tim 2:1f). Thánh Phêrô, trong thư đầu tiên của mình nói rằng Kitô hữu phải vâng phục ngay cả hoàng đế Rôma (1 Peter 2:17). Ngược lại, sách Khải Huyền lại phản ảnh cuộc bắt bớ những Kitô hữu, miêu tả hoàng đế Rôma như một kẻ thù ghê gớm, khiêu chiến với dân Thiên Chúa (cf. Rev 13:1-8).

Trong xã hội hiện nay, cả hai thái độ đối với quyền bính trên vẫn tồn tại. Tất cả những vị vua hay hoàng hậu của Anh Quốc đều được xức dầu phong vương, cũng như các linh mục hay giám mục trong ngày truyền chức, và mặc phẩm phục tư tế. Vị thủ lãnh đầu tiên được thánh hiến là Ðavít như trong bài đọc thứ nhất là để phục vụ dân chúng. Nhưng cấu trúc hiến pháp Hoa Kỳ của chúng ta qua kinh nghiệm đen tối của các triều đại, đã coi vua chúa như kẻ thù. Và từ đó, thiết lập hệ thống theo dõi và quân bình quyền lực của chính phủ.

Phần chúng ta phải có thái độ nào đối với chính quyền? Dĩ nhiên, thái độ ấy phải phản ảnh chân lý này, là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta mang hai quốc tịch. Chúng ta là những công dân của đất nước mình, nhưng chúng ta cũng là công dân của Nước Trời, một vương quốc vô hình.

Là một công dân của đất nước mình, cùng với những người mang niềm tin tôn giáo, chúng ta hành động để mọi người coi chính quyền phản ảnh bức tranh về quyền bính của quốc gia trong bài đọc thứ nhất: có mặt gần gũi với con người, phục vụ con người chứ không áp đặt trên con người. Cùng một lúc chúng ta đừng quên rằng quyền bính cả khi ở trong tay những người thiện chí, cũng có thể biến thành kẻ thù của những thiện ích, và kẻ thù của Thiên Chúa. Và khi những chuyện này xảy ra, chúng ta phải như Thánh Phêrô trước những đòi hỏi bất chính của chính quyền thời bấy giờ: “Tốt hơn, chúng tôi vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời con người” (Acts 5:29).

Là công dân nước trời, chúng ta cần hiểu rằng sự cai trị của hoàng đế này hoàn tất ý nghĩa của hình ảnh về vương quyền trong bài đọc thứ nhất mà không quyền bính nào, nhà lãnh đạo nào trên trái đất có thể thực hành nổi. Tin Mừng đã kể cho chúng ta những gì vị vua tuyệt vời này đã phải chịu dưới tay chính quyền thời của Ngài.

Trên thập giá, nơi mà Chúa Giêsu đã tự nguyện chấp nhận bằng một cái chết nhục nhã, bất công và kinh hoàng, chính quyền Palestine thời bấy giờ, Phongxiô Philatô, đã đóng tấm biển: “ÐÂY LÀ VUA NGƯỜI DO THÁI”. Ngài có ý dùng những chữ này như một dấu hiệu nhắc nhở cho những ai muốn chọn Ngài làm vua, đó là, họ cũng có một kết quả tương tự. “Chống lại chúng tôi”, Philatô đang muốn nói rằng “coi đây rồi ra ngươi cũng kết thúc như vậy”. Tuy nhiên, đối với chúng ta những lời mà Philatô đã viết đó lại có một ý nghĩa rất đặc biệt. Nó nói lên sự phục vụ như thế nào và bằng cách nào Chúa Giêsu đã giải thoát dân của Ngài. 

Mẩu đối thoại ngắn ngủi của hai tội phạm cạnh bên Chúa Giêsu đã cho thấy rằng dù trong nổi cùng cực đớn đau, vị vua này cũng vẫn sẵn sàng đón nhận mọi người dù với một dấu hiệu thống hối rất nhỏ mọn. Dù tội lỗi chúng ta lớn lao thế nào đi nữa, nếu chúng ta quay trở về với Chúa Giêsu, Thiên Chúa chịu đóng đinh của chúng ta, chúng ta sẽ tìm thấy sự tha thứ và đón nhận. Trong cùng một chương của Tin Mừng theo Thánh Luca, đã nói tới sự tha thứ mà Chúa Giêsu dành cho những lý hình của Ngài (23:34), viên sỹ quan Rôma tại đồi Canvariô hôm đó đã chúc tụng Thiên Chúa và xưng nhận rằng người mà ông ta vừa đóng đanh là vô tội (23:47), và đám đông chứng kiến cuộc xử hình hôm đó đã trở về đấm ngực ăn năn và hối hận (23:48). Chúng ta là công dân của vương quốc mà căn bản luật pháp là đón nhận và tha thứ.

Ðể sự đón nhận và tha thứ, chúng ta, những thần dân của vương quốc của Ngài, Chúa Giêsu vua chúng ta chỉ muốn chúng ta đáp lại một câu hỏi duy nhất, đó là những gì chúng ta nhận lãnh nhưng không, chúng ta cũng phải chia sẻ một cách nhưng không với những người khác.

Rev. John Jay Hughes

Chuyển ngữ: Trần Mỹ Duyệt