Chủ đề: "Sự biết ơn phải chân thành và được thành tâm bày tỏ "
Bà Dorothy Day là một người trở lại Công Giáo khi đã lớn tuổi. Cuộc đời bà đáng được Hollywood dựng thành phim. Khi bà từ trần năm 84 tuổi, tờ New York Time đã không do dự gọi bà là người có ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử Công Giáo Hoa Kỳ.
Sau cái chết của bà, đã có một phong trào vận động để phong thánh cho bà, nhất là vì những gì bà đã làm cho người nghèo và người tuyệt vọng ở Nữu Ước.
Cách đây không lâu, tờ America đã phỏng vấn bà Eileen Egan, một người bạn thân của bà Dorothy. Một trong những câu hỏi mà người phóng viên đặt ra với bà Eileen là "Điều gì đặc biệt nhất khi bà nghĩ đến bà Dorothy?"
Không chút do dự, bà Eileen đáp, "Đó là tinh thần biết ơn." Và bà đã đưa ra một thí dụ.
Vào một ngày trời lạnh, cả hai đang ở trên xà lan. Bà Dorothy chỉ mặc chiếc áo khoác mỏng. May mắn, bà có mang theo tờ báo nên bà lấy quấn quanh người bên dưới áo khoác. Khi làm như vậy, bà mỉm cười và nói, "Tôi cám ơn những người vô gia cư đã dạy tôi cách này để giữ người cho ấm."
Bà Eileen nói thêm, "Bất cứ ở đâu, bà Dorothy đều tìm lấy lý do nào đó để cảm tạ. Thí dụ, có lần bà nói, tôi biết ơn Chúa Giêsu đã đến sống trên mặt đất này đến độ đôi khi tôi cảm thấy muốn quỳ xuống hôn đất, chỉ vì chân của Chúa đã chạm đến nó."
Trên mộ bia của bà Dorothy ở Staten Island, hai chữ đi liền với tên của bà là: Deo Gratias, đó là "Tạ ơn Chúa." Chính bà đã yêu cầu khắc dòng chữ này.
Câu chuyện của bà Dorothy đã dẫn chúng ta đến câu chuyện của mười người phong hủi trong bài Phúc Âm hôm nay vì câu chuyện của bà nhấn mạnh đến hai điểm quan trọng về sự biết ơn.
Thứ nhất, nó phải chân thành. Thứ hai, nó phải được thành tâm bày tỏ. Thái độ biết ơn người vô gia cư vì đã dạy bà cách giữ người cho ấm, và bà biết ơn Chúa Giêsu vì đã xuống thế làm người, cả hai đều chân thành và được thành tâm bày tỏ.
Trong Phúc Âm hôm nay sự biết ơn của chín người phong hủi không trở lại cám ơn có lẽ thành tâm. Chúng ta không biết.
Nhưng chúng ta biết chỉ có một người trở lại bày tỏ sự biết ơn trong một phương cách chân thành. Ông ta phủ phục dưới chân Chúa Giêsu.
Một lớp học sinh trung học đang chuẩn bị thảo luận về bài Phúc Âm hôm nay. Để bắt đầu, thầy giáo yêu cầu họ trả lời trên giấy hai câu hỏi sau:
Thứ nhất, đã bao lâu bạn chưa cám ơn cha mẹ vì điều gì đó?
Thứ hai, bạn cám ơn các ngài vì điều gì?
Tôi muốn chia sẻ với các bạn hai câu trả lời của hai học sinh. Câu trả lời thứ nhất viết:
Lần sau cùng tôi nhớ đã cám ơn cha mẹ vào khoảng một tuần trước đây.
Tôi cám ơn mẹ tôi đã giúp tôi làm bài tập. Tôi nhớ là bà đã tốn vài giờ đồng hồ.
Một tuần sau khi tôi đã nộp bài, bà còn đem về nhà các tài liệu liên quan đến đề bài và nói, "Những cái này cốt để cho con biết thêm."
Câu trả lời của học sinh thứ hai như sau:
Tôi nhớ lần sau cùng cám ơn cha mẹ thì cách đây vài tuần.
Tôi sửa soạn đi chơi tối thứ Bẩy và để cha tôi ở nhà một mình, vì mẹ tôi đã từ trần hồi mùa hè qua.
Trước khi rời nhà, tôi đến với ông và đặt tay lên vai ông một cách thân mật.
Tôi không nói gì, nhưng tôi biết ông hiểu là tôi cám ơn ông vì đã cho phép tôi đi chơi.
Tôi không biết các bạn nghĩ sao, nhưng tôi thấy hai câu trả lời này thật cảm động.
Cả hai trường hợp, sự biết ơn của các học sinh thật chân thành. Và trong cả hai trường hợp, sự biết ơn được bầy tỏ trong một phương cách nồng hậu và thành tâm.
Điều đó đưa chúng ta đến việc cử hành Thánh Lễ hôm nay.
Các câu chuyện của bà Dorothy Day, của các học sinh, và mười người phong hủi đã mời gọi chúng ta kiểm điểm lại thái độ biết ơn của chúng ta và cách bày tỏ sự biết ơn ấy.
Thí dụ, có một chi tiết đáng kể trong câu chuyện Phúc Âm khiến chúng ta phải để ý. Đó là nhận xét của Chúa Giêsu về người phong hủi trở lại cám ơn lại là người Samaritan.
Qua chi tiết này, Chúa Giêsu muốn nói chín người kia là Do Thái. Có thể nói, họ là người đồng hương của Chúa. Bạn mong đợi họ tỏ lòng biết ơn nhau, nhưng họ đã không làm như vậy.
Điều này cũng thường đúng với chúng ta. Khi cần phải biết ơn gia đình, chúng ta thường cho đó là hành động đương nhiên khỏi phải nói lên. Và, thật không may, chúng ta cũng thường hành động như vậy khi đối với Thiên Chúa.
Có người nói khi coi sự biết ơn là đương nhiên--không bày tỏ ra bên ngoài--thì cũng giống như chúng ta nháy mắt ra hiệu cho nhau trong bóng tối. Bạn biết khi bạn nháy mắt với họ, nhưng họ không thấy điều đó.
Và vì thế, khi chúng ta trở về với bàn thờ, có lẽ chúng ta cần dành thời giờ để cảm tạ Thiên Chúa vì đã sai Con của Người xuống trần gian.
Và chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn qua việc cử hành Thánh Lễ một cách sốt sắng, một cách thành tâm.
Chúng ta hãy kết thúc bài giảng hôm nay với lời của ngôn sứ Isaia:
"Hãy cảm tạ Thiên Chúa!...
Hãy nói với mọi dân tộc về những điều Người đã thực hiện.
Hãy nói với họ Người thật vĩ đại dường bao!
Hãy hát lên ca tụng Thiên Chúa vì những việc trọng đại Người đã thực hiện." ( Is 12,4-5)
Trích www.nguoitinhuu.com