Thánh Mác-cô thuật lại câu chuyện người mù Ba-ti-mê trong Phúc Âm của ngài như sau (Mc 10, 46-52)
“Chúa Giêsu và các môn đệ đến thành Giê-ri-cô. Khi Chúa Giêsu cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-cô thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đuờng, tên anh là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê.
Vừa nghe nói đó là Chúa Giêsu Na-gia-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: ‘Lạy ông Giêsu, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!’ Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: ‘Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!’ Chúa Giêsu đứng lại và nói: ‘Gọi anh ta lại đây!’ Người ta gọi anh mù và bảo: ‘Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!’
Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Chúa Giêsu. Người hỏi: ‘Anh muốn tôi làm gì cho anh?’ Anh mù đáp: ‘Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.’ Người nói: ‘Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!’
Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.”
***
Người mù Ba-ti-mê được kể lại trong đoạn Phúc Âm của Thánh Mác-cô trên đây, ngồi đơn độc bên vệ đường trông thật thảm não. Anh ta bừng sống dậy khi nghe biết Chúa Giêsu đi ngang qua. Anh kêu lớn tiếng và van xin mãnh liệt: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” (Mc 10, 51).
Lời cầu xin của anh đã được đáp trả. Bất chợt, anh thấy được. Để có thể thấy được như thế phải có một kinh nghiệm lạ thường. Thật dễ dàng cho bạn để tưởng tượng hơn là cho tôi để diễn tả.
Những dấu vết mù lòa
Chúng ta thường nghe nói: Không ai mù lòa cho bằng những người không muốn thấy. Nói cách khác đi là chúng ta mang trên mình những vết mù lòa riêng tư. Có những lúc chúng ta trở nên mù lòa như câu ngạn ngữ trên đây.
Khi chúng ta mang vết “mù lòa tâm linh” thì niềm hy vọng duy nhất của chúng ta là cầu xin như Ba-ti-mê trên đây. Bởi vì trong cuộc sống có những điều mà chỉ một mình Thiên Chúa chữa trị được thôi – và sự mù lòa tâm linh là một trong những điều đó.
Kinh nghiệm giải phóng
Để có thể thấy được, trước khi không thấy, phải có một “kinh nghiệm giải phóng” thật sự. Có nhiều người kêu xin cho được kinh nghiệm đó. Họ bảo là họ thấy Chúa Giêsu như Vị Cứu Tinh của họ. Họ đã được tái sinh và không ngừng nói lên điều đó. Họ không thể im hơi lặng tiếng. Tôi đã gặp gỡ vài người như thế.
Để đáp lại, bạn và tôi có thể nói: “Thật tốt cho bạn, hỡi Annie. Thật tốt cho bạn, hỡi Ba-ti-mê. Tôi ghen tị với các bạn, bởi vì đối với tôi, kinh nghiệm xảy ra trong chiều hướng ngược lại. Tôi ở trong bóng tối, đang kêu lên: Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con.”
Có nhiều cách thế để “kinh nghiệm sự mù lòa”. Tôi bắt đầu lau chùi nhà cửa và trước khi xong được một nửa thì bụi bắt đầu bám trở lại. Vậy ích lợi gì? Tôi đang dọn bữa ăn và trong khi đang nấu nướng, tôi nghĩ tới bữa ăn tối mai. Không bao giờ ngừng nghỉ. Chu kỳ vẫn tiếp diễn và xem ra không ai quan tâm hết.
Tôi tự cho mình quan trọng khi nuôi dưỡng con cái, nhưng giờ đây chúng nó mỗi đứa đi một ngả. Tôi biết chúng thương yêu tôi, nhưng trong thực tế, chúng đã ra đi và không gọi điện thoại về nhà hay thăm viếng đôi ba lần trong năm hay trong nhiều năm.
Chồng tôi và tôi xem ra không đi bất cứ nơi nào nữa hết. Mọi ngày vẫn như vậy. Thế giới của tôi đầy tăm tối. Không có ánh sáng trong cuộc đời tôi. Tôi bị mù lòa. Tôi là anh chàng Ba-ti-mê.
Cảm thấy bất lực
Hoặc giả chúng ta kêu lên:
“Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con. Mỗi ngày con đi làm, nhưng công việc lút đầu lút cổ. Hệ thống thối nát. Con bất đồng với thái độ đối xử với nhau như khuyển mã và những phương pháp nhẫn tâm vẫn được sử dụng. Con cảm thấy bất lực để sửa đổi được gì.
Ngoài ra, ý kiến của con xem ra không được người ta đếm xỉa và công việc của con không được đảm bảo. Con đã lớn tuổi để có thể bắt đầu trở lại ở một nơi khác và con còn quá trẻ để có thể xin nghỉ hưu. Con phải bảo vệ hưu bổng của con cũng như sự an toàn tài chánh cho gia đình con. Con nhận được chi phiếu vào mỗi kỳ lương là điều thật tốt, nhưng về mặt tâm linh, con bị mù lòa như Ba-ti-mê, bởi vì con không thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm.”
Đơn độc và bơ vơ
Hoặc giả chúng ta kêu lên:
“Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con. Hôn nhân của con đang trên đà đổ vỡ. Chồng con không chịu đi gặp chuyên viên cố vấn để được khuyên bảo. Nhìn về tương lai, con cảm thấy lo sợ. Nghĩ đến việc sống còn khiến con kinh hãi. Con lo sợ những vụ cãi cọ vu vơ khiến mỗi người bị thần kinh căng thẳng.
Con không tìm ra một giải pháp nào. Con giống như một kẻ bi quan không thắc mắc về tương lai, bởi vì biết rằng tương lai sẽ rất kinh hoàng. Con không còn đóng góp được gì cho nhân quần. Con cảm thấy không còn hữu dụng cho ai nữa.”
Hoặc giả chúng ta la lên:
“Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con. Con mới vào đại học đây. Con cảm thấy bị lạc lõng giữa rừng người. Không ai hiểu rõ con. Con không được may mắn trong việc giao tế. Xem ra ai cũng tương giao tốt đẹp, chỉ trừ một mình con thôi. Con rất bối rối. Con không biết sẽ đi về đâu. Con là chàng Ba-ti-mê.”
Không ai thiện cảm
Bây giờ là lúc nên chấm dứt kinh cầu của những nỗi thống khổ đó để suy niệm đoạn Phúc Âm nói về anh chàng Ba-ti-mê và lấy tờ giấy đó ra khỏi quyển sách. Khi anh ta nghe nói Chúa Giêsu đang đi ngang qua, anh đã kêu lên để cầu xin Ngài. Bước khởi đầu của anh là kêu cầu Đấng Toàn Năng.
Đã lâu lắm rồi chúng ta nghe được là hầu hết những khó khăn của chúng ta đều có tính cách tâm lý và tất cả những giải pháp của chúng ta thuộc về tâm linh. Ba-ti-mê đã tin tưởng nơi lời cầu xin.
Hãy ghi nhận điều gì xảy ra sau đó. Ba-ti-mê “không được cảm tình”. Anh bi quở trách bởi những người rất có lý do. Họ bảo anh câm miệng lại. Nhưng Ba-ti-mê không để ý tới. Anh tỏ ra can đảm trong sự liều lĩnh. Anh càng la lớn tiếng hơn nữa.
Thông thường trong những lúc gặp hoạn nạn, chúng ta cũng bị đối xử như thế bởi những người có dụng ý. Họ quở trách chúng ta một cách khắc nghiệt hay có tính cách khôi hài: Anh cần đi gặp một bác sĩ tâm lý giỏi thì tốt hơn. Chỉ anh lo cho cuộc sống của anh mà thôi. Đừng tưởng Thiên Chúa quan tâm đến anh. Thiên Chúa có nhiều việc quan trọng hơn để phải ưu tư.
Khi chúng ta theo gương Ba-ti-mê mà hành động, chúng ta không buông xuôi, cho dù gặp phải những tiếng nói tiêu cực. Chúng ta tiếp tục kêu lên Chúa lớn tiếng hơn nữa.
Cái chăn an toàn
Sự kiên trì của Ba-ti-mê đã được tưởng thưởng. Chúa Giêsu phán: “Gọi anh ta lại đây!” (Mc 10, 49). Ban đầu anh ta do dự. Việc anh đứng phắt dậy, “vất áo choàng đi” và tới với Chúa Giêsu trong bóng tối là việc mà chỉ Ba-ti-mê làm được mà thôi và đó cũng là việc mà Chúa Giêsu sẽ không làm. Thiên Chúa sẽ không làm cho chúng ta những gì chúng ta có thể tự mình làm được.
Ba-ti-mê đứng phắt dậy, đã vất áo choàng lại và đi tới Chúa Giêsu trong bóng tối. Tại sao anh do dự? Để hiểu rõ sự do dự của anh, chúng ta phải thẩm định giá trị chiếc áo choàng của anh. “Chiếc áo choàng đó là ‘cái chăn an toàn’ của anh”. Đó là cái giường của anh, đồ vật cho anh hơi ấm, là vật sở hữu duy nhất của anh.
Khi vất chiếc áo choàng đó đi là anh vất bỏ tất cả những gì mà anh lệ thuộc vào. Kinh ngạc thay, khi anh vất bỏ chiếc áo choàng, chính là lúc anh thấy được ánh sáng.
Buông bỏ
Linh đạo ở đây là sự “buông bỏ”. Buông bỏ không phải chỉ được đề cập tới trong Kitô giáo, mà còn trong Do-thái giáo, Ấn-độ giáo, Hồi giáo, Phật giáo. Ở giai tầng cao nhất, tất cả những tôn giáo lớn đều dạy về huyền nhiệm và nghệ thuật của sự buông bỏ. Khi bạn buông bỏ là bạn tìm gặp được cái “chân ngã” của bạn.
Buông bỏ là một bí quyết. Buông bỏ đưa đến ánh sáng. Linh đạo ở đây mang ý nghĩa là “buông bỏ những cái chăn an toàn của chúng ta”, những sự vướng mắc của chúng ta, những sự khước từ và gian dối của chúng ta, những điều thỏa hiệp đối với sự liêm khiết của chúng ta và làm giảm giá trị chúng ta trên phương diện nhân sinh, cũng như nguyên nhân gây ra những hành động theo một cung cách bất xứng đối với nhân cách chúng ta như là con cái Chúa.
Linh đạo diệu kỳ trong đoạn Phúc Âm nầy là Ba-ti-mê, một người ăn xin, không có chút của cải, không có quà tặng, do đó không có gì để dâng hiến cho Chúa, ngoại trừ những sự khổ đau, tâm trạng trống rỗng, sự cô đơn, sự thất bại và thất vọng. Và thật ngạc nhiên, khi anh dâng cho Chúa tất cả những thứ đó, chính lúc bấy giờ anh thấy ánh sáng và rồi theo Chúa Giêsu.
Tôi không đưa ra giả thuyết là từ đây cuộc đời của anh không còn vấn đề gì nữa. Cuộc sống vẫn còn khó khăn cho dù có ánh sáng. Tình yêu chân thật không bao giờ trôi chảy êm xuôi!
Nói tóm lại: Linh Đạo ở đây là “đứng phắt dậy, vất áo choàng đi và tới với Chúa Giêsu trong bóng tối”. Bước nhảy vọt bằng đức tin đưa chúng ta ra khỏi bóng tối để đi vào ánh sáng và lăn xả vào thời điểm của chính chúng ta để trở nên những con người mà Chúa kêu gọi chúng ta phải hướng tới.
LM Vincent Travers, OP
Hương Vĩnh chuyển ngữ