Từ thế kỷ II qua thời trung cổ, Giáo Hội đã nhiều phen vất vả đối phó với những lối suy tư lệch hướng đức tin. Khởi đầu có vị khoa bảng nào đó (đôi khi là vị linh mục, hay giám mục) đưa ra những nhận định lệch lạc về Thiên Chúa, rồi tư tưởng của người đó gây ảnh hưởng lan qua giáo dân và tạo thành những nhóm nghịch với Giáo Hội. Giáo Hội kết án họ là bè rối. Sở dĩ họ đi lạc hướng vì họ đã dùng óc duy lý để đo lường mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa. Do đó sự nhận diện chân lý của họ rất khiếm khuyết để rồi bị lạc đường. Chính trong nỗ lực sửa sai bè rối để đưa những người lầm lạc về với Thiên Chúa, Giáo Hội đã trưởng thành theo thời gian. Ngày nay rất nhiều người không hề biết đến những thuyết đã có của bè rối, nhưng lối suy nghĩ của họ vô hình trung đã đi vào khuôn khổ ấy. Như Kitô hữu xưa kia, ngày nay chúng ta cũng phải can đảm đối mặt với những khuynh hướng lạc giáo mới. Từ đó chúng ta mới nhận ra những cơn giao động tinh thần đang có để bảo toàn cho mình một đức tin vững vàng.
Khuynh hướng thế tục hiện tại phù hợp với lạc giáo
Trong xã hội ngày nay, đại chúng chấp nhận đồng tình luyến ái, án tử hình, phá thai, trợ tử và ngay cả tôn thờ Satan. Xã hội cho những hành xử này là quyền tự do cá nhân và phải được luật pháp bảo vệ. Những giới răn cốt lõi của Công Giáo đều bị xã hội lạnh lùng gạt bỏ nhường chỗ cho nền luân lý mới. Trong bối cảnh đó nhiều giáo dân Công Giáo cũng vui vẻ thỏa hiệp với các khuynh hướng đủ loại. Có lần Giáo Hoàng Francis đưa ra khuyến cáo rằng nhiều người tự xưng là Kitô hữu mà đi tìm sự dạy bảo từ những thầy bói coi chỉ tay (1). Cuộc khảo sát của nhóm LifeWay Research (Khảo Cứu về Lối Sống), thực hiện trong khoảng thời gian 2014 - 2016, cho biết 59% giáo dân Mỹ tin Chúa Thánh Linh là năng lực vũ trụ chứ không phải là một ngôi vị; 58% tín hữu cho rằng đọc kinh tại nhà có giá trị thay thế cho thánh lễ ở nhà thờ. Mới đây, năm 2018, một cuộc khảo nghiệm của viện Public Religion Research Institute (Viện Nghiên cứu Tôn giáo Công chúng) cho biết 48% giáo dân Mỹ đồng ý với Tối Cao Pháp Viện cho việc phá thai là quyền tự do của phụ nữ.
Trong bối cảnh đó, tư tưởng của những giáo phái Tin Lành cũng tạo hoang mang không kém. Xin nêu ra một dẫn chứng điển hình là giáo phái Jehovah's Witnesses (JW). JW phủ nhận Thiên Chúa có Ba Ngôi. Để cho phù hợp với quan điểm này, họ tự ý sửa đổi bản văn của các sách Phúc Âm. Câu khảng định của thánh sử Gioan “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1:1) họ chuyển dịch thành “Ngôi lời là vị thần” (the word was a god. – “a god” không viết hoa). Đối với họ Thiên Chúa phải là Đấng Jehovah. Tất cả những tuyên xưng về Đức Giêsu là Thiên Chúa đều bị họ đổi thành Jêhôvah là Thiên Chúa, mặc dù trong 4 sách Phúc Âm không có thánh sử nào dùng chữ Jêhôvah. Cũng như các giáo phái Tin Lành khác, JW phủ nhận bí tích Thánh Thể. Câu nói của Đức Giêsu trong bữa tiệc ly, “Này là mình Ta” bị họ đổi thành “Này là tượng trưng cho mình Ta” (This means my body).
Có lẽ nhiều người cho rằng những tôn giáo ngoài Giáo Hội không ảnh hưởng đến Công Giáo. Không hẳn như thế, một cuộc thăm dò của trung tâm nghiên cứu Pew Research Center, tháng 8-2019, cho biết 2/3 tín đồ Công Giáo không tin Thánh Thể thật sự là Mình và Máu Chúa Kitô. Tỷ lệ 2/3 khiến chúng ta bị shock, nhưng cho dù số người không tin vào bí tích Thánh Thể có ít hơn thì nó vẫn là điều vô cùng đáng ngại. Giám Mục Daniel R. Jenky, giáo phận Peoria, Illinois đã vội vã phát hành lá thư luân lưu nhắc nhở giáo dân. Người viết rằng chân lý về bí tích Thánh Thể không phải là quan điểm của con người để có thể đo lường bằng những cuộc thăm dò ý kiến. Bí tích Thánh Thể là mạc khải với thẩm quyền tuyệt đối của kinh thánh. Ai từ chối sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể cũng là từ chối Chúa Giêusu.
Gần đây, xảy ra một vụ gây sửng sốt cho Kitô hữu. Linh mục Arturo Sosa, bề trên tổng quyền Dòng Tên, phủ nhận Satan có thật. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Tempi, Ý, ngày 21-8-2019, cha Arturo cho biết “Satan chỉ là một thực tại biểu tượng” (Satan is a symbolic reality). “Ma quỷ tồn tại như một thực tại mang tính biểu tượng, không phải là một thực thể ngôi vị (personal reality).” Phát biểu của cha Arturo đã bị các giới chức Công Giáo phản đối, tiêu biểu là Hiệp Hội Trừ Quỷ Quốc Tế. Hơn ai hết những vị linh mục hội viên của hội này có đầy dủ bằng chứng xác thực về quỉ qua những pha trừ quỉ. Hiệp Hội đã đưa ra tuyên cáo, “Sự hiện hữu của ma quỷ, trong tư thế là một chủ thể biết suy nghĩ và hành động, đã lựa chọn phản nghịch chống lại Thiên Chúa, là sự thật và luôn là một phần của tín lý Kitô giáo.” Xét đoán một cách giản dị, Kitô hữu chúng ta đều biết Đức Giêsu đã đối đầu với 3 cơn cám dỗ của Satan. Người đã tranh luận với Satan trong từng cơn cám dỗ. Như vậy quỉ Satan phải là một thực thể, tức là một ngôi vị, bởi vì chả lẽ Đức Giêsu tranh luận với một biểu tượng.
Một vị linh mục dòng Tên khác, cha James Martin, cổ động cho sự hội nhập vào Giáo hội của giới đồng tính, lưỡng giống, và đổi giống (LGBT). Mệnh đề luân lý được giới này nêu cao để bình thường hóa lối sống của họ là “Bẩm sinh như vậy. LGBT không có lỗi.” Giám Mục Thomas Paprocki, giáo phận Springfield, Illinois, viết hôm 19 tháng 9, “Linh mục Martin đã gây hoang mang cho giáo dân khi cổ vũ cho một nhận định sai lầm rằng hành vi tình dục vô đạo đức có thể được luật Chúa chấp nhận.” Mới đây, ngày 29- 8-2019, tạp chí Harvard Magazine đưa ra kết quả cuộc nghiên cứu của hai trường đại học danh tiếng Harvard và MIT về gene tạo ra người đồng tính. Đây là cuộc nghiên cứu về đồng tính lớn nhất từ xưa đến nay. Họ khảo sát 470,000 người đồng tính và những biến thể di truyền tại hàng triệu địa điểm khác nhau. Kết quả được công bố là: không hề có cái gene nào tạo nên “gay” (“This study clearly shows that there is no such thing as a ‘gay’ gene”). Nhóm nghiên cứu kết luận: chấp nhận mình là “gay” và thay đổi giống phái là sự lựa chọn theo ý muốn của cá nhân.
Trong mối tương quan giữa Kitô hữu và toàn thể thực tại ngày càng phức tạp, vài biến chuyển nêu trên còn quá mới để Giáo Hội có thể đưa ra những nhận định thích đáng. Tuy nhiên chúng đã và đang gây hoang mang về đức tin cho giáo dân.
Giáo Hoàng Phanxicô nhận diện hai bè rối: Pelage và Ngộ giáo
Năm 2013, Giáo Hoàng Phanxicô, qua Tông Huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Phúc Âm), đã báo động về “tinh thần thế tục” do tác động của hai nhóm bè rối cổ xưa là Pelage và Ngộ giáo (Gnosticism). Từ đó, rải rác trong các buổi giảng thuyết, người vẫn thường nhắc đến những xu hướng xã hội trùng hợp với lạc thuyết của hai nhóm này. Hợp ý với Giáo Hoàng, vào tháng 2-2018, Bộ Giáo Lý Đức Tin cho phát hành văn kiện “Placuit Deo” (Thiên Chúa Đã Quyết Định) nêu ra ảnh hưởng nguy hại của hai thuyết tân Pelage và tân Ngộ giáo trong thời hiện đại.
Thuyết Pelage xuất hiện vào thế kỷ V do học giả Polagius (390-418) đề xướng. Pelage phủ nhận nguyên tội từ Adam đã gây ra hậu quả tội lỗi cho người đời sau. Pelage cũng phủ nhận cuộc tử nạn của Đức Giêsu đã giải trừ nguyên tội cho nhân loại và hòa giải con người với Thiên Chúa. Pelage đề cao ý chí tự do và cho rằng chỉ có nỗ lực của con người mới cứu độ được cho mình. Tân thuyết Pelage cho rằng Đức Giêsu chỉ là một gương mẫu về nỗ lực cá nhân để chúng ta noi theo. Đức Giêsu không thể xóa tội cho ai vì vậy sự trợ giúp của thần thánh là không cần thiết.
Ngộ giáo là một tập hợp gồm nhiều niềm tin theo truyền thống của thời cổ đại. Ngộ giáo trở nên có hệ thống rõ nét vào thế kỷ II. Ngộ giáo chủ trương có hai thế giới: vật chất ô uế và tâm linh thanh sạch. Ngộ giáo phủ nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa vì Thiên Chúa không mang xác thịt ô uế. Để vào cõi tâm linh, con người phải thoát khỏi ngục tù xác thịt và thế giới vật chất. Chỉ những ai có trình độ tri thức sâu sắc tột cùng mới đạt giác ngộ để vào tầng siêu thoát. Tân thuyết Ngộ giáo cho rằng con người có thể kết hợp trực tiếp với Thiên Chúa trong nội tâm của mình. Sự cứu độ hoàn toàn xảy ra bởi nhận thức riêng tư trong nội tâm, chẳng có Giáo Hội hay cộng đồng nào giúp được cho mình.
Tóm lại thuyết tân Pelage và tân Ngộ giáo đề cao ý chí tự do và kiến thức của cá nhân trong tiến trình xây dựng ý nghĩa cho sự hiện hữu và đạt ơn cứu độ. Quan điểm này rất hợp với hướng suy nghĩ của xã hội hiện đại. Một xã hội bị ám ảnh bởi một thứ quyền lực gọi là tự do cá nhân. Cái “tôi” nằm trong não trạng mỗi người. Nó sinh ra sự phản kháng có ai đó ở trên tôi ra lệnh cho tôi. Do đó việc đả phá những giá trị truyền thống được họ coi là cuộc giải phóng nô lệ tôn giáo.
Một đặc tính khác của xã hội ngày nay là óc tôn sùng khoa học. Đại chúng tin khoa học mới đúng là tri thức vì nó mang những sự thật khách quan. Trong khi đó tôn giáo chỉ mang những niềm tin không có giá trị tuyệt đối. Tôn giáo bị hạ thấp xuống thành chuyện riêng tư cá nhân, không liên quan đến những người khác trong cộng đồng.
Sống trong một xã hội hướng về chủ nghĩa cá nhân, nhiều Kitô hữu đã bị ảnh hưởng. Họ chỉ chấp nhận những giới răn của Công Giáo nếu chúng phù hợp với nhu cầu hạnh phúc mà họ đang có. Họ đã đặt đức tin hướng theo chiều phúc lợi của đời sống. Đối với họ đức tin Công Giáo không còn là chân lý khách quan và không còn là mục tiêu cho đời sống hướng tới.
Hãy trở lại với Công Giáo thuần túy
Một cách dứt khoát chúng ta phải chấp nhận một số tín lý căn bản của Công Giáo đi ngược lại với những xu hướng xã hội hiện tại. Các nhà cầm quyền chủ trương chính phủ phải quan tâm đến xu hướng của đa số, lợi ích tập thể, và quyền tự do cá nhân. Những ứng cử viên chính trị Công Giáo sẵn sàng tránh né những giáo điều để chạy theo ý muốn của quần chúng. Sự kiện xảy ra như một tai họa thách thức Công Giáo. Sự thật, hiện tượng này không phải là điều bất thường.
Chính Công Giáo, hơn ai hết, xác định ý chí tự do là căn tố tạo nên sự hiện hữu của con người. Nếu không có ý chí tự do thì cũng không có tình yêu đích thực và mọi hành vi đạo đức đều trở thành vô nghĩa. Tuy nhiên khi chấp nhận ý chí tự do thì cũng phải chấp nhận mặt trái của nó là xu hướng ngả về sự dữ. Hệ lụy của nó là lối sống theo bản năng ích kỷ, tự tôn và duy lý. Qua đó, đại chúng thời nay chỉ chấp nhận những gì họ có thể tri thức (duy lý), có thể đo lường bằng khoa học (duy thực tại), và hợp với ý muốn của mình. Công Giáo cho rằng đi theo hướng này con người chỉ nhắm tới sự chính xác mà không nhắm tới sự thật, chỉ nhắm tới biết mà không nhắm tới hiểu. Công Giáo minh xác chỉ khi có đức tin mới dẫn tới hiểu, và hiểu là biết có Thiên Chúa.
Nhưng khi chấp nhận đức tin về Thiên Chúa, ta đã thể hiện một hành vi đạo đức thuộc về tôn giáo. Do đó Kitô hữu chúng ta phải xác tín rằng Công Giáo không phải là một hệ thống tri thức nhưng là một tôn giáo. Nghĩa là Công Giáo có một nội dung đích thực về đức tin qua những tín điều. Những tín điều này mang lại chân lý cho con người. Giá trị của con người không phải là khả năng tri thức tự đạt giác ngộ, tự đồng hóa với Thiên Chúa nhưng là biết vâng phục và đón nhận ơn Thiên Chúa ban cho.
Nhưng Thiên Chúa là ai? Một câu hỏi rất cũ kỹ nhưng vẫn có lý do để nhắc lại vào lúc này. Thiên Chúa là Đấng siêu việt, vô hình, vượt khỏi sự hiểu biết của con người. Không thể diễn giải về Thiên Chúa trong những phạm trù của trí thức. Với tri thức, con người chỉ có thể cảm nhận về Thiên Chúa qua những khái niệm, cùng lắm là tạo nên một triết học về Thiên Chúa. Khó hiểu hơn nữa khi Thiên Chúa của Công Giáo không phải là một ngôi vị nhưng là ba Ngôi Vị. Chính điểm khó hiểu này đã khiến nhóm Pelage và Ngộ giáo (và nhóm JW) hoàn toàn chỉ thấy Đức Giêsu qua nhân tính. Vì vậy họ thấy Đức Giêsu là đấng trung gian theo nghĩa triết học, nghĩa là một vị thần. Sự xuất hiện của vị thần chỉ để đóng một vai trò nào đó trong lịch sử. Nếu nhìn như thế, lịch sử tạo ra ý nghĩa chứ không phải lời rao giảng của Đức Giêsu là ý nghĩa quyết định cho lịch sử nhân loại. Giáo Hoàng Benedict XVI cho biết chính vì đồng hóa Thiên Chúa của đức tin với Thiên Chúa của các triết gia mà thánh kinh bị diễn giải tùy ý. Những mầu nhiệm không thể định nghĩa bị mang ra tranh cãi để trần tục hóa cho hợp với xã hội mới. (2)
Đến đây chúng ta lại đối diện với thắc mắc về Thiên Chúa Ba Ngôi. Dựa vào tuyên xưng của giáo lý Công Giáo, chúng ta biết ba Ngôi là Ngôi Cha (Đấng sinh ra nhân loại), Ngôi Con (Đấng cứu độ nhân loại) và Ngôi Thánh Linh (Đấng bảo vệ nhân loại). Như vậy ba Ngôi tương hợp mật thiết trong tình yêu thương nhân loại. Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và chúng ta không phải là sự liên hệ giữa vị thần và con người nhưng là mối liên hệ Cha con. Đó là tình thân thiết tuyệt đối vì “con” chỉ có thể hiện hữu bởi “Cha”. Điều này nghĩa là Thiên Chúa trọn vẹn là của nhân loại và chúng ta thuộc về Thiên Chúa, Đấng Cha chung. Đó là nội dung của đức tin về Chúa Ba Ngôi của Công Giáo.
Tuy không tiếp nhận trực tiếp chủ thuyết Pelage và Ngộ giáo, nhưng người thời nay đã có lối suy nghĩ rất trùng hợp. Có thể nói định đề của triết gia Descartes “tôi ý thức nên tôi hiện hữu” là nền tảng định hướng của thời đại. Tất cả mọi giá trị chỉ có ý nghĩa khi chúng được chấp nhận bởi tư duy của cá nhân. Vì vậy người hiện đại xây dựng ý nghĩa cuộc sống trên ý thức về bản ngã của mình. Họ trau dồi kiến thức và đề cao tự do cá nhân. Họ không muốn bị ràng buộc bởi lễ nghi kinh kệ và hệ thống giáo quyền. Họ tin là Thiên Chúa có thể đến với họ trong nội tâm riêng tư.
Cả hai yếu tố tự do và kiến thức đều có giá trị cao nhưng cũng có thể rơi vào lạc hướng. Gương của Eva và Ađam đã cho thấy như vậy. Eva và Ađam (và Pelage và Ngộ giáo) đã thấy chân dung Thiên Chúa là Đấng tự cao tự đại, trí tuệ cao siêu, quyền lực vô song. Họ ăn trái cấm để đạt tri thức và có uy quyền như Thiên Chúa. Họ đã nhìn sai lầm về chân dung Thiên Chúa. Hình ảnh Thiên Chúa qua suy nghĩ của cá nhân và ngay cả của tri thức hàn lâm của các triết gia đều không phải là Thiên Chúa thật. Thiên Chúa cũng muốn Eva và Ađam trở nên giống Thiên Chúa, nhưng là trở nên con người hiền lành, khiêm nhường và có lòng bác ái (Mt 11:29).
Pelage và Ngộ giáo đề cao cá nhân, nhưng Thiên Chúa cứu độ không nhắm tới một cá nhân mà cho toàn thể nhân loại. Cha Thomas Merton đã viết nguyên một cuốn sách để chứng minh rằng con người không thể là một ốc đảo (3). Nếu mỗi người chỉ là một thế giới khép kín, con người sẽ thấy xa lạ nhau và sẽ thù nghịch nhau. Con người tự nuôi hạt giống của sự chết trong tim của mình. Trên thực tế, chúng ta liên kết với nhau qua lịch sử qua chủng tộc và quyện lấy nhau thành một cộng đồng. Đời sống chỉ có ý nghĩa đích thực khi con người có ý thức về mối tương quan với tha nhân. Đó là sự sống do Thiên Chúa thiết lập. Do đó ý nghĩa bản ngã đích thực của mình là khi nó nằm trong sự liên kết với tha nhân và với Thiên Chúa.
Thuyết Pelage và Ngộ giáo đều không tin cuộc khổ nạn của Đức Giêsu có thể cứu độ cho con người. Trong văn hóa nhân loại kẻ phạm tội phải đền tội thì mới đúng. Người vô liên quan không thể lãnh án phạt để xóa tội cho người phạm tội. Nhiều người ngày nay cũng hồ nghi như thế. Giáo Hoàng Benedict XVI đã vạch ra một lối nhìn lệch hướng về thập giá cứu độ, đó là quan điểm “công lý đền bù” (4). Kẻ phạm tội phải đền tội để bù lại sự thiệt hại. Nếu chỉ thấy Thập Giá Cứu Độ trong luật đền bù thì quá thiếu sót đến mức trở thành sai lầm. Điểm thứ I, với nền công lý này, Thiên Chúa trở thành Đấng nghiệt ngã, đòi sát tế, đòi nợ theo luật đền bù khiến người ta kinh hãi. Điểm thứ II, Đức Giêsu trở thành trọn vẹn là một người phàm. Một người phàm, như thánh Phêrô, dù bị chết trên thập giá cũng không thể cứu độ được cho ai. Ngược lại chúng ta phải thấy điểm chính của Thập Giá là tình yêu sâu đậm đến độ Thiên Chúa tự hiến để cứu độ con người. Con người không có khả năng tự đền bù tội của mình, chính Thiên Chúa tự đến để đền bù cho những người còn sống và những người đã chết được phục sinh. Đức Giêsu thực hiện được điều này vì Người vừa là phàm nhân vừa là Thiên Chúa. Không có bất cứ một phàm nhân nào có khả năng làm hòa với Thiên Chúa mà chỉ qua Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người (2 Cr 5:19). Con người hãy bỏ đi cái ảo tưởng có thể đối mặt độc lập với Thiên Chúa, nhưng hãy mở rộng lòng để Thiên Chúa chiếm hữu trọn vẹn chúng ta.
Thi sĩ Pháp Paul Claudel (1868-1955) đã kể một câu chuyện về một nhà truyền giáo bị đắm tàu. Ông ta bám vào được một mảnh gỗ rồi cứ thế trôi dạt vô định. Mặt biển đầy sóng gió khủng khiếp nhưng ông biết chắc ông sẽ sống nếu bám chặt vào mảnh gỗ. Trong những giây phút cuối cùng, ông nhận ra đời sống của ông chẳng khác gì kẻ đắm tàu chới với theo những cơn sóng hoang mang của trần thế hư vô. Ông nghiệm ra ông đã sống nhờ bám chặp vào mảnh ván Thập Giá Cứu Độ. Thật không có dụ ngôn nào linh động và chính xác hơn về hoàn cảnh của thời đại chúng ta.
Công Giáo luôn luôn minh xác rằng ý nghĩa về cuộc sống do con người tạo ra không phải là chân lý tuyệt đối. Không ai có thể tự giải thoát cho mình để trở thành siêu việt. Con người chỉ có thể đón nhận sự sống và ý nghĩa của nó từ Thiên Chúa. Những tín đồ Công Giáo nào tự ý đi theo con đường khác sẽ có nguy cơ trở thành bè rối. Bè rối chỉ nhắm tới mục đích đơn thuần là thỏa mãn tính tự cao và lối sống phi tôn giáo. Nhưng khi chúng ta tôn thờ Thiên Chúa chúng ta đã khiến tất cả mọi thần thánh khác trở thành ngẫu tượng và những niềm tin không lành mạnh trở thành mê tín dị đoan. Do đó để trung thành với Giáo Hội, Kitô hữu ngày nay đành phải trả giá đắt cho đức tin của mình. Các thánh và các giáo hữu ngày xưa, để giữ vững đức tin, nhiều vị đã phải trả bằng cái giá tử vì đạo.
(1) Giáo hoàng Phanxicô nói với giáo dân tại quảng trường thánh Phêrô, Chủ Nhật 18-8-2019.
(2) Xin đọc “Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua và Hôm Nay”. Tác giả: ĐGH Joseph Ratzinger. Dịch giả: Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam. NXB: Tôn Giáo, 2009.
(3) Xin đọc “No man is an Island”. Tác giả: Thomas Merton. Dich giả Thanh Bằng. NXB Phong Trào Văn Hóa, 1969.
(4) Sách nêu trên (ở chú thích 2), trang 243-330.
Đỗ Trân Duy
nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/chiase/TrangDo/lacgiaoxuathien.html