Muối Cho Đời (Hồng Y Joseph Ratzinger – ĐGH Bênêđictô XVI)

Muối Cho Đời: Chương 3 : Trước thềm thời-đại mới
3.2 Cuộc Thanh Tẩy – Buổi Giao Thời và Những Đe Doạ Rạn Nứt

Hỏi: Vào cuối thiên niên-kỷ thời-gian có vẻ qua mau hơn, như do một lực liên-kết huyền-bí nào đó gây nên. Giống như những hạt cát rơi qua lỗ hở với vận-tốc cao nhất, lúc chiếc đồng hồ cát sắp cạn và sắp được dựng ngược lại. Nhiều người xác-tín rằng chúng ta đang ở vào thời-điểm khai-sinh một cộng-đồng thế-giới mới, khác hẳn từ nền-tảng với thế-giới trước đây, cũng giống như thế-giới sau thời cách-mạng kỹ-nghệ khác xa với thế-giới nông-nghiệp lâu đời trước đó.

Đó là cái mà những nhà xã-hội học gọi là biến-cố chia dòng nước, lúc dòng nước đổi hướng chảy ngược chiều, theo biến-cố đó thì chỉ còn vài giá-trị cao-quí rơi-rớt lại cho thời-đại mới. Đó là thời-điểm nói đúng ra là không có hôm nay, nhưng chỉ có cái không-còn-hôm qua và cái chưa-có-ngày mai. Liệu chúng ta có phải sẵn-sàng chờ-đợi một cuộc biến-đổi tận gốc-rễ chăng?

Tôi cũng nhận thấy lịch-sử đang qua mau. Có những phát-minh một khi được thực-hiện, thì tất-cả những gì còn lại sẽ tiếp-nối qua nhanh với vận-tốc chóng mặt. Khi ngẫm-nghĩ30 năm qua thế-giới biến-đổi ra sao, tôi thấy như sờ thấy lịch-sử đang qua mau cũng như những thay-đổi xẩy ra trong đó đang qua mau. Thế-giới biến-đổi đã thấm vào hiện-tại của ta, và với một mức độ nào đó nó đã có mặt trong đó rồi. Ta thấy rõ tiến-trình đang diễn ra, nhưng chưa có thể nhìn bao-quát được hướng tiến và những gì từ đó sẽ phát-sinh.

Rõ nét nhất là những tập-thể càng ngày càng bành trướng. Nào là Liên-hiệp Âu châu, Liên-hiệp thế-giới Hồi giáo, nào là những nỗ-lực xây-dựng cái gọi là ý-thức thế-giới qua những hội-nghị của Liên-hiệp-quốc. Đồng thời ta quan-sát thấy cá-nhân đặt nặng cái tôi hơn và trở nên cố-chấp hơn. Kết-hợp và phân-ly trói-buộc nhau. Hai sự kiện đối-nghịch: con người kèn-cựa nhau ngày càng mạnh trong lúc nhu-cầu hợp-đoàn ngày càng lớn. Từ đó sẽ nảy sinh ra những loại hình nào, chưa ai tiên-đoán được. Tôi tin rằng trong hoàn-cảnh biến-chuyển mau-chóng và bất khả tiên-đoán của thế-giới này, ta lại càng phải giữ chắc cái cốt-lõi nhân-tính của ta.

Hỏi: Những dữ-kiện về sự tồn-tại của địa-cầu ngày càng tồi-tệ. Từ giữa thập niên 80 con số và mức-độ những đại họa tiếp-tục tăng lên khắp thế-giới. Càng ngày càng rõ không phải thiên-nhiên, nhưng chính con người gây nên hầu hết những đại họa. Hoặc vì con người can-thiệp vào hệ-thống thiên-nhiên, hoặc vì con người không kiểm-soát nổi chính mình. Nhiều người cho đó là cơn thịnh-nộ của Thiên-chúa. Biết đâu đây cũng là cuộc thanh-tẩy. Có thể phải phá-huỷ hết cái cũ, để cái mới xuất-hiện? Phải chăng cần phải liều-lĩnh đùa-dỡn với hiểm-nguy, cần đập vỡ hết cái cũ trước khi bước vào đời hôn-nhân[1], cần cuồng-loạn lồng-lộn và sôi men vào giờ chót, lúc lịch-sử thế-giới sang trang, để ta có thể làm cuộc khởi đầu mới? Phải chăng đó thực-sự là sứ-điệp của sách Khải-huyền?

Khó mà nói được. Dù sao ta cũng phải cố-gắng để cuộc khởi đầu mới có thể thành hình nhờ sức mạnh của công-cuộc sáng-tạo vũ-trụvà của ơn cứu-chuộc. Để những thế-lực dạy con người biết tự chế được tự-do tác-động. Bởi vì ngày nay quả đã rõ vấn-đề là ở tại điểm này. Nghĩa là con người không nên làm tất-cả những gì nó có thể làm – bởi nó có thể huỷ-diệt chính mình và thế-giới -, nhưng phải biết cân-nhắc giữa cái có thể với cái nên làm và được phép làm. Nghĩa là con người phải hiểu rằng, ngoài những cái không thể làm được về mặt thể-lí còn có những điều không được phép làm về mặt luân-lí. Vấn-đề then-chốt là dậy con người biết cưỡng lại được cám-dỗ hái trái cấm.

Giáo-hội phải nỗ-lực giúp con người trưởng-thành, nghĩa là để con người biết cân-nhắc giữa cái có thể luân-lí với cái có thể thể-lí. Ta biết sự cân-nhắc đó không phải chỉ dựa trên tính luân-lí suông, song nó bắt nguồn từ nền-tảng kết-hiệp thâm-sâu với Thiên Chúa hằng-sốngChỉ khi nào Chúa thật-sự là nguồn lực trong cuộc sống của ta, khi đó luân-lí mới có sức mạnh. Nền luân-lí chỉ dựa trên những tính-toán suông của con người là một nền luân-lí què-quặt.

Hỏi: Tình-trạng địa-cầu xem ra hết thuốc chữa từ bên ngoài, nhưng chỉ có thể cứu-vãn từ bên trong, nghĩa là từ một sự thay-đổi ý-thức, một ý-thức không dựa trên cái Tôi. Ngài vừa lưu-ý điều đó: Khi nhắc-nhở ta xa tránh con đường xấu, Kinh thánh có lẽmuốn nói với ta rằng: Chính tình-trạng tinh-thần của ta ảnh-hưởng lên thiên-nhiên.

Phải, tôi cho rằng chính con người gây ra nguy-cơ làm thiên-nhiên mất sức sống. Và sự ô-nhiễm môi-sinh bên ngoài mà ta đang gánh chịu là một phản-ảnh và là sự trào ra của ô- nhiễm môi-sinh bên trong, một thứ ô-nhiễm ta ít để ý tới. Tôi nghĩ đó cũng là điểm bất-cập của các phong-trào bảo-vệ môi-sinh. Họ đứng lên tranh-đấu với sự hăng-say dễ hiểu và chính-đáng chống lại ô-nhiễm môi-sinh.Nhưng sự ô-nhiễm của chính tâm-hồn con người mình thì họ lại coi đó là một trong những quyền tự-do của con người. Bất quân-bình là ở đó. Chúng ta muốn loại bỏ những thứ ô-nhiễm có thể định-lượng được, nhưng lại không để ý tới thứ ô-nhiễm tinh-thần của con người cũng như tính-chất tạo-vật nơi con người, những thứ cần-thiết để con người sống được ra người. Trái lại, ta bảo-vệ, bằng một ý-niệm tự-do hoàn-toàn lệch-lạc, tất-cả những gì do cái tùy-tiện con người tạo nên.

Bao lâu ta còn giữ bức biếm-hoạ về tự-do, nghĩa là tự-do phá huỷ nội-tâm, bấy lâu ảnh-hưởng của nó tác-động lên thế-giới bên ngoài không thay-đổi. Tôi nghĩ chúng ta nên lưu-ý điểm này. Không phải chỉ thiên-nhiên có những trật-tự riêng, những sinh-vật ta cần tôn-trọng, nếu ta muốn sống nhờ thiên-nhiên và trong thiên-nhiên. Nhưng con người, trong sâu thẳm tâm-hồn, cũng là một loài thụ-tạo và có những trật-tự thụ-tạo của nó. Nó không thể tùy-tiện muốn làm gì thì làm. Để có thể sống được từ nội-tâm, con người phải chấp-nhận thân-phận thụ-tạo của mình và phải lưu-ý rằng, cần có sự trong-sạch tâm-hồn, một môi-sinh tinh-thần, nếu muốn dùng kiểu nói này. Nếu không hiểu được yếu-tố môi-sinh căn-bản này, tất-cả những vấn-đề khác sẽ tiếp-tục xấu mãi.

Thánh Phao-lô nói rõ điểm này trong thư gửi giáo-đoàn Rôma, chương 8. Ngài viết : Adam – nghĩa là một con người với tâm-hồn ô-nhiễm – coi tạo-vật-như nô-lệ, chà-đạp chúng, khiến chúng rên-xiết dưới bàn chân con người. Ngày nay ta nghe tiếng than của tạo-vật thảm-thiết như chưa từng có. Phao-lô viết thêm rằng tạo-vật đang mong-đợi ngày con Thiên Chúa đến và sẽ chỉ thở phào, khi con người mang ánh-sáng Thiên Chúa xuất-hiện, và chỉ khi đó chính con người mới lại có thể hít thở được.

Hỏi: Chúng ta hiển-nhiên đang đứng trước một chấn-động mới trong tương-lai ; ta sẽ phải có phản-ứng mãnh-liệt, vì ta sẽ không thể thích-nghi mà không bị mất-mát trước những biến-đổi lạ-lùng, đa dạng và triệt-để trên thế-giới. Câu hỏi đặt ra là, liệu ngày nay, với những hiểu-biết cơ-bản lãnh-hội được từ Ki-tô giáo, ta có thể có câu trả lời thích-đáng cho những biến-đổi và thách-thức mới này cũng như cho những vấn-đề chưa sáng-tỏ không?

Dĩ-nhiên phải xử-dụng những hiểu-biết nền-tảng đó vào những lãnh-vực khác nhau. Điều này ta không thể thực-hiện được, nếu ta không cùng tranh-đấu, học-hỏi, chịu-đựng và trao-đổi kinh-nghiệm. Tuy-nhiên những quan-điểm nền-tảng trong Ki-tô giáo đã vạch ra những hướng giải-đáp rồi, chúng chỉ cần được cụ-thể-hóa qua nhào-nặn với kinh-nghiệm thực-tế. Như vậy Ki-tô giáo là một nghĩa-vụ liên-tục trong suy-tư và trong cuộc sống. Nó không phải là toa thuốc cắt sẵn chỉ việc cầm lấy mà dùng, song trái lại nó cống-hiến cho tôi hướng đi và ánh-sáng nền tảng giúp tôi biết nhìn và hành-động, biết nhận ra và tìm được giải-đáp. Nếu tôi hiểu rằng con người là hình-ảnh của Thiên Chúa và nhận ra những trật-tự nền-tảng trong mười giới-răn, tôi sẽ có những hướng-dẫn căn-bản, và tôi phải cụ-thể-hoá chúng cho thích-hợp trong từng lãnh-vực khác nhau. Muốn được thế cần có nhiều người cộng-tác và chung sức tìm ra cách sử-dụng đúng-đắn nhất và ít sai-lầm nhất.

_____________________

[1] Ở Đức có tục đập vỡ chén dĩa vào buổi chiều trước ngày cưới: họ-hàng và thân-hữu mang chén dĩa, đồ sành sứ cũ tới ném vỡ inh-ỏi trước cửa nhà đôi tân-hôn. Người ta cho rằng mảnh sành vung-vãi la-liệt sẽ đem lại hạnh-phúc cho hai người.