Muối Cho Đời (Hồng Y Joseph Ratzinger – ĐGH Bênêđictô XVI)

 

Muối Cho Đời: Chương 3 : Trước thềm thời-đại mới
3.1 Hai Ngàn Năm Lịch Sử Cứu Độ – Mà Vẫn Chưa Được Cứu Rỗi?

Hỏi: Giáo-lí ơn cứu-độ đã được loan-truyền từ hai ngàn năm và từ hai ngàn năm nay có một Giáo-hội bước theo đức Ki-tô dấn-thân cho hòa-bình, công-lí và tình yêu. Nhưng vào thời-điểm kết-thúc thiên niên-kỷ thứ hai sau Kitô, kết-quả tổng-kê xem ra nghèo-nàn như chưa từng có. Thậm chí một nhà văn Mỹ, ông Louis Begley, gọi thế-kỷ 20 là “một tang lễ ma-quái”. Đó là một hoả-ngục gây nên bởi tội-ác giết người, thảm-sát tập-thể và bạo-lực, nghĩa là một tổng-hợp gói trọn mọi thứ kinh-hoàng.

Trong thế-kỷ 20 số người bị giết cao trội như chưa từng thấy. Đây là thời-điểm xẩy ra cuộc tận diệt người Do-thái và sự phát-triển bom hạt nhân. Người ta những tưởng, sau đệ nhị thế chiến sẽ mở màn một kỷ-nguyên thanh-bìnhHẳn người ta phải biết, với bài học tàn-sát Do-thái, nạn kỳ-thị chủng-tộc cuối cùng sẽ đưa ta về đâu. Nhưng tiếp nối năm 1945 lại là một khoảng thời-gian rách-nát vì chiến-tranh như chưa từng thấy. Trong thập niên 90 chúng ta trải qua tại Âu châu bao cuộc chiến và xung-đột tôn-giáo; khắp nơi trên thế-giới gia-tăng nạn đói, xua-đuổi cư dân, kì-thị chủng-tộc và tội-phạm, sự ác chiếm thế thượng-phong. Dĩ-nhiên thời-điểm kết-thúc thiên niên-kỷ cũng ghi-nhận những biến-đổi tốt-đẹp: chính-sách toàn-trị trong trong các nhà-nước cộng-sản cáo-chung, bức màn sắt ở Trung Âu đã sụp-đổ, những vùng có tranh-chấp sẵn-sàng đối-thoại và các nước Trung Đông rục-rịch xích lại gần nhau.

Suy-tư về những gì Thiên Chúa và nhân loại thực-hiện, nhiều người hoài-nghi tự hỏi: Có thực thế-gian được cứu rỗi? Có thể gọi những năm sau đức Ki-tô là những năm của ơn cứu-độ?

Đây quả là một chuỗi nhận-xét và vấn-nạn. Câu hỏi căn-bản ở đây thật ra là có phải Ki-tô giáo đã mang đến ơn cứu-độ, phải chăng Ki-tô giáo đã mang lại ơn cứu-rỗi hay Ki-tô giáo thật ra vô hiệu? Phải chăng Ki-tô giáo ngày nay đã mất sức sống?

Về vấn-đề này tôi thiết nghĩ trước hết phải nói ngay, ơn cứu-độ, một ơn đến từ Thiên-chúa, không phải là một thực-thể có định lượng và vì thế không thể tính-toán đo-lường thêm bớt. Nhìn theo kiến-thức kỹ-thuật, sự phát-triển trong nhân loại có lẽ đôi khi bị khựng lại, nhưng tựu trung vẫn có sự tiếp-tục tăng-trưởng. Những gì thuần-tuý là lượng-số, hẳn nhiên ta có thể cân đo được và có thể nhận ra những tăng giảm của chúng. Nhưng sự thiện nơi con người không phát-triển theo quy-tắc định-lượng đó, vì mỗi người là một cá-thể mới và vì thế với mỗi người lại bắt đầu một lịch-sử mới trên một bình-diện nào đó.

Sự phân-biệt trên đây rất hệ-trọng. Cái thiện nơi con người không thể tính bằng lượng. Bởi thế không thể cho rằng Ki-tô giáo vào năm khởi-thủy bắt đầu như một hạt cải, và cuối cùng sẽ phải sừng-sững như một đại thụ và ai cũng có thể thấy nó phát-triển tốt-tươi hơn từ thế-kỷ này sang thế-kỷ khác. Trái lại nó luôn có thể bị nghiêng đổ hay vấp ngã, vì ơn cứu-rỗi gắn chặt với tự-do của con người và Thiên Chúa không bao giờ muốn lấy đi tự-do này.

Hỏi: Vào thời Ánh-sáng đã nảy ra tư-tưởng cho rằng tiến-trình văn-minh gần như bắt-buộc phải đưa nhân loại liên-tục tiến lên trên con đường chân, thiện, mỹ, và vì thế trong tương-lai không thể có những hành-động man-rợ nữa.

Ơn cứu-rỗi luôn gắn liền với tự-do, có thể nói đó chính là cơ-cấu mạo-hiểm của ơn cứu rỗi. Bởi thế nó không bao giờ đơn thuần được áp đặt từ ngoài hoặc được xây-dựng kiên-cố với một cơ-cấu vững-chắc, nhưng nó được đặt vào một chiếc bình dễ vỡ là tự-do con người. Nếu cho rằng con người đã vươn tới một độ cao, thì cũng phải coi chừng nó có thể rơi xuống và tan-vỡ. Tôi thiết nghĩ đó chính là cuộc tranh-luận khi đức Ki-tô bị cám-dỗ: Phải chăng ơn cứu-rỗi phải như một cái gì kiên-định trên dương-gian, có thể tính-toán được theo nghĩa: mọi người đều có cuả ăn, từ nay không đâu bị đói nữa? Hay ơn cứu-rỗi là cái gì khác hẳn? Vì nó gắn chặt với tự-do, vì nó không bị áp-đặt cho con người trong những cơ-cấu có sẵn, mà trái lại luôn nhịp bước với tự-do của con người, cho nên trong một mức-độ nhất-định nó vẫn có thể bị tan-vỡ.

Ta cũng phải nhìn-nhận rằng Ki-tô giáo đã luôn toả ra một tình nhân-ái dạt-dào. Những gì Ki-tô giáo đã mang vào lịch-sử thật đáng kể. Goethe[1] từng thốt lên: Những gì đã xẩy ra quanh tôi làm tôi phải cúi đầu. Đúng thế, chỉ qua Ki-tô giáo mà hệ-thống chăm-sóc bệnh nhân, cưu-mang người yếu kém và cả một hệ-thống tổ chức từ-thiện đã hình thành. Cũng nhờ Ki-tô giáo mới phát-sinh sự tôn-trọng con người trong mọi hoàn-cảnh. Một sự kiện lịch-sử đáng ghi nhận: Sau khi chấp-nhận Ki-tô giáo, việc đầu tiên hoàng-đế Constantinus thấy phải thi-hành là cải-tổ luật-lệ, để chủ-nhật thành ngày nghỉ cho mọi người và cho người nô-lệ được hưởng một số quyền-lợi.

Tôi cũng có thể đan-cử trường-hợp Athanasius, vị giám-mục lỗi-lạc thành Alexandria trong thế-kỷ thứ tư. Qua kinh-nghiệm bản-thân ngài tả lại cảnh khắp nơi các bộ-lạc cứ nhăm-nhe dao búa kình-chống nhau, mãi tới khi trở thành ki-tô-hữu, họ mới biết chung sống hoà-bình. Nhưng đó là những đặc-tính không do cơ-cấu của một thể-chế chính-trị tự tạo nên. Chúng cũng có thể bị sụp-đổ, như ta ngày nay vẫn thấy.

Ở đâu con người xa rời đức tin, ở đó những tệ-nạn khủng-khiếp thời ngẫu-tượng sẽ ồ-ạt trở lại. Tôi tin rằng, ta có thể nhận thấy rõ Thiên Chúa đi vào lịch-sử một cách nói được là mong-manh hơn chúng ta mong-muốn. Nhưng đó lại là câu trả lời cuả Ngài đáp lại tự-do của ta. Một khi ta muốn và chấp-nhận Thiên Chúa tôn-trọng tự-do của ta, ta cũng phải học tôn-trọng và quí-chuộng tính-cách mong-manh của hành-động Ngài.

Hỏi: Ki-tô giáo ngày nay đã bành-trướng rộng-rãi trên khắp thế-giới như chưa bao giờ từng thấy. Nhưng ơn cứu-độ cho thế-gian đã không đương-nhiên đồng-bộ với nhịp tiến đó.

Đúng vậy, sự lan rộng tính được bằng con số tín-hữu ki-tô không đương-nhiên dẫn đến sự cải-thiện thế-gian, vì không phải tất-cả những ai mang tên ki-tô-hữu đều thực-sự là ki-tô-hữu. Ki-tô giáo chỉ ảnh-hưởng gián-tiếp lên khuôn mặt trần-gian qua con người, qua tự-do của họ. Sự dữ cũng không đương-nhiên bị khai-trừ khi ta thành-lập một hệ-thống chính-trị hay xã-hội mới.

Hỏi: Sự hiện-hữu của sự dữ mang ý-nghĩa gì đối với ơn cứu-rỗi hay không có ơn cứurỗi?

Sự dữ có thế-lực qua ngã tác-động lên tự-do con người và tạo nên những cơ-cấu riêng của nó. Rõ-ràng có những cơ-cấu của sự dữ. Chúng đè-nén con người, chúng có thể ngăn-chặn tự-do và như vậy tạo nên bức tường cản bước Thiên Chúa đi vào trần-gian. Qua đức Kitô, Thiên Chúa thắng sự dữ. Điều này không có nghĩa là từ nay tự-do con người hết bị sự dữ thử-thách, nhưng có nghĩa là Chúa sẵn-sàng đưa tay cho ta nắm và dẫn ta đi, song Ngài không ép-buộc ta.

Hỏi: Như thế có nghĩa là Thiên Chúa có quá ít quyền-lực trên dương-thế?

Dù sao Ngài cũng không muốn sử-dụng quyền-lực theo cách như ta tưởng. Đó chính là vấn-nạn mà ông đã gợi lên lúc đầu và tôi cũng muốn đặt ra cho cái gọi là “tinh-thần thế-gian”: Tại sao Thiên Chúa bất lực như vậy? Tại sao Ngài chỉ cai-trị một cách yếu-ớt lạ-lùng như một kẻ bị đóng đinh trên thập-giá, như một kẻ thất-bại? Nhưng rõ ràng đó là cách Ngài muốn cai-trị và xử-dụng quyền-lực. Còn như dùng quyền-lực qua cưỡng-bức, áp-đặt và bạo-lực lại không phải là cách cuả Ngài.

Hỏi: Xin trở lại câu hỏi lúc đầu: Tình-trạng thế-giới, diễn-tả qua cách nói “một tang lễ ma-quái” của thế-kỷ 20, không nhất-thiết làm ta hoảng-sợ sao?

Là tín-hữu Ki-tô chúng ta biết trần-gian luôn nằm trong bàn tay Thiên-chúa. Ngay cả khi con người tháo bỏ dây liên-kết với Ngài và lao vào huỷ-diệt, trong tình-trạng thế-giới đổ-nát đó Chúa sẽ ra tay làm lại một khởi đầu mới. Phần chúng ta, trong niềm tin vào Ngài, chúng ta hành-động để con người không xa lià Ngài và gắng làm hết sức để thế-gian có thể tồn-tại như kỳ-công và con người như thụ-tạo của Ngài.

Tuy nhiên một viễn-tượng hết sức bi-quan vẫn có thể xẩy ra, trong đó sự vắng bóng Thiên Chúa – Metz gọi đó là “cuộc khủng-hoảng Thiên Chúa” – trở nên trầm-trọng đến nỗi khiến con người rơi vào vực thẳm luân-lí và thế-giới rơi vào vực thẳm đổ-nát, đứng trước bờ tận-thế. Nguy-nan đó chúng ta phải tính tới. Nhưng cho dù viễn-tượngtận-thế kia có xẩy ra, thì Thiên Chúa vẫn còn đó để bảo-vệ những ai tìm Ngài; kết-cục tình yêu vẫn mạnh hơn hận-thù.

Hỏi: Gio-an Phao-lô II có nhận-xét: “Vào cuối thiên niên-kỷ thứ hai Giáo-hội lại trở thành Giáo-hội của các vị tử-đạo”. Thưa hồng-y, chính ngài cũng làm một bản thống-kê tương-tự: “Nếu chúng ta không tìm lại cái phần làm nên căn-tính ki-tô giáo của mình, chúng ta sẽ không đứng vững trước những thử-thách của thời-đại”.

Chúng ta đã trao-đổi về đề-tài này : Giáo-hội sẽ mặc lấy những hình-thức khác, Giáo-hội sẽ bớt phần đồng-hóa với những cộng-đồng lớn, sẽ mặc lấy hình-thái Giáo-hội của thiểu-số, sẽ sinh-động qua những nhóm nhỏ với xác-tín vững-mạnh, sống và hành-động theo niềm tin. Chính qua cung-cách này, nói theo Thánh-kinh, Giáo-hội sẽ là “muối cho đời”. Trong tình-thế xáo-trộn này tính-chất bền-bỉ – nghĩa là cái cốt-lõi không thể bị tiêu-diệt nơi con người – lại trở nên quan-trọng hơn và những nguồn sức mạnh nâng-đỡ con người lại càng cần-thiết hơn bao giờ hết.

Bởi thế, một đàng Giáo-hội cần có sự uyển-chuyển để có thể chấp-nhận những tư-tưởng và trật-tự biến-đổi trong xã-hội cũng như cởi bỏ những liên-hệ ràng-buộc trước đây. Đàng khác, Giáo-hội chính vì thế cần có sự trung-kiên để duy-trì cái cốt-lõi làm nên con người, cái làm cho con người sống-còn, cái bảo-vệ phẩm-giá con người. Giáo-hội cần giữ vững điểm này và mở đường cho con người hướng lên cao, hướng vể Thiên Chúa, vì sức mạnh hòa-bình trên dương-thế chỉ đến từ nơi cao đó.

Hỏi: Ngày nay nhiều người cho rằng, trải qua bao thế-kỷ Giáo-hội đã hành-động không đúng với mạc-khải. Giáo-chủ đã nêu lên sự bất tương-dung nhân danh tôn-giáo và sự đồng-loã trong tội ác phạm đến nhân-quyền như thí-dụ điển-hình cho “vực thẳm tội-lỗi” của 2000 năm lịch-sử Ki-tô giáo. Ngày nay Giáo-hội hay nói đến lầm-lỗi của mình đối với người Do-tháicũng như đối với phụ-nữ. Trước đây những thú-nhận như thế bị coi là làm giảm uy-quyền. Liệu Giáo-hội có phải lên tiếng bằng sự cởi-mở không che đậy hơn nữa về những lỗi-lầm ngay trong lòng Giáo-hội qua dòng lịch-sử?

Tôi thiết-nghĩ sự thành-thực luôn là một nhân-đức nền-tảng, bởi cũng vì nhờ nó chúng ta nhận biết rõ hơn đâu là Giáo-hội và đâu không phải là Giáo-hội. Trong ý-nghĩa này sự thẳng-thắn mới đây – nếu muốn dùng kiểu nói này – một sự thắng-thắn thú-nhận không che đậy những khía-cạnh đen-tối của lịch-sử Giáo-hội, là một hành-động quan-trọng để chứng-tỏ sự thành-tâm và trung-thực của mình. Nếu sám-hối, xét mình, nhận ra và lãnh lấy chính tội-lỗi mình là cái cốt-lõi của một ki-tô-hữu, bởi chỉ qua đó tôi mới thành-thực với chính tôi và trở nên công chính, thì Giáo-hội như một tác-nhân tập-thể cũng không thể tránh-né việc mổ-xẻ, nhìn ra và nhận lãnh lỗi-lầm mình. Một “thánh-vịnh sám-hối” của Giáo-hội quả thực cần-thiết để Giáo-hội chứng-tỏ mình thành-thực trước mặt Thiên Chúa và trước mặt con người.

Nhưng một điểm khác cũng quan-trọng không nên bỏ qua. Đó là không nên quên rằng, mặc cho lỗi-lầm và yếu-đuối, lời Chúa vẫn luôn được loan-truyền và các bí-tích vẫn tiếp-tục được ban-phát, và nhờ vậy sức mạnh ơn cứu-độ vẫn tác-động chặn đứng sự dữ. Chính vào lúc Ki-tô giáo như cục than hồng tàn-lụi và biến thành tro bụi thì thần-lực Thiên Chúa lại dấy lên những bừng-khởi đạo-đức mới. Chẳng hạn vào thế-kỷ 10, khi các giáo-triều sa-sút thê-thảm và người ta những tưởng Ki-tô giáo tại Rôma tới thời mạt-vận, thì chính vào thời đó tinh-thần dòng tu lại bừng lên và một động-lực hoàn-toàn mới của niềm tin nảy sinh. Quả thực có sự sa-sút trong lòng Giáo-hội hôm nay, Ki-tô giáo còn đó trên hình thức, nhưng chẳng được mấy ai sống thực niềm tin đó. Tuy nhiên, sự hiện-diện của đức Ki-tô vẫn âm-thầm tác-động để đem lại sự đổi mới vào một lúc không chờ không đợi.

Hỏi: Xem ra gánh lịch-sử đè nặng trên vai Giáo-hội. Thí-dụ vào dịp kỷ-niệm 500 năm Cô-lôm-bô khám-phá Mỹ châu người ta có dịp chứng-kiến những giao-động tình-cảm chống lại cuộc truyền đạo Ki-tô sôi-sục đến độ có thể tưởng như vấn-đề mới xẩy ra hôm qua.

Vấn-đề này xảy ra một phần do phán-đoán vơ đũa cả nắm, không có chứng-cớ lịch-sử, nhưng chỉ do những giao-động tình-cảm tức-thời. Đã có những lầm-lỗi xẩy ra, kể cả những lỗi-lầm trầm-trọng, điều đó tôi không chối-cãi. Nhưng, về lãnh-vực này, mới đây đã có những nghiên-cứu lịch-sử cho thấy đức tin và giáo-hội Công giáo cũng đã là nhân-tố chống lại sự chà-đạp thô-bạo lên văn-hóa và con người bản-xứ do những kẻ thực-dân đầy lòng tham gây nên. Phao-lô III và những vị giáo-chủ kế tiếp đã mạnh-mẽ bảo-vệ quyền-lợi dân bản-xứ và đã ban-hành những luật-lệ tương-ứng. Vương-triều Tây-ban-nha, đặc-biệt là hoàng-đế Ca-rô-lô V, cũng ban-hành những khoản luật – mặc dầu một phần không được thực-thi – làm vẻ-vang danh-dự triều-đình, vì những luật này đề cao quyền-lợi dân bản-xứ, công-nhiên coi họ là đồng loại và như vậy có đầy-đủ nhân-quyền. Trong thế-kỷ huy-hoàng này của Tây-ban-nha các nhà thần-học và chuyên-gia giáo-luật đã khởi-xướng lên ý-niệm nhân-quyền. Về sau nhiều người lấy lại ý-niệm này, nhưng vương-triều Victoria của Tây-ban-nha đi tiên-phong tinh-luyện ý-niệm đó.

Những nhà truyền giáo lỗi-lạc thuộc dòng Phan-sinh và Đa-minhthực-sự chứng-tỏ là những trạng-sư bênh-vực con người. Không phải chỉ có Bartholomé de las Casas[2], nhưng còn nhiều nhân-vật không tên tuổi khác nữa. Người ta mới khám-phá ra một khía-cạnh hi-hữu của lịch-sử truyền giáo. Những nhà truyền giáo dòng Phan-sinh tiên-khởi tại Mễ-tây-cơ – còn nặng ảnh-hưởng thần-học thần-linh của thế-kỷ XIII – đã rao truyền một hình-thức Ki-tô giáo đơn-sơ, nhẹ phần định-chế và đi thẳng vào lòng người. Không thể có những loạt người uà theo Ki-tô giáo như ta thấy ở Mễ-tây-cơ, nếu họ không cảm-nhận được đức tin như một sức mạnh giải-thoát; kể cả giải-thoát khỏi những tục thờ kính trước đó. Vì dân bản-xứ bị đàn-áp, muốn thoát gông-cùm, ngả theo Tây-ban-nha, nên Mễ-tây-cơ mới bị chinh-phục. Nhìn tổng-quát mới thấy đó là cả một bức tranh không đơn-giản, trong đó có những lỗi-lầm ta không được phép bỏ qua. Nếu lúc đó không có một thế-lực bênh-vực và giải-thoát để những nhóm dân bản-xứ còn tồn-tại như ngày nay tại Trung và Nam Mỹ , thì có lẽ lịch-sử đã xoay-chuyển khác hẳn.

Hỏi: Tại sao phải đợi bao thế-kỷ Galilêi[3] mới được phục-hồi danh-dự?

Tôi thiết nghĩ trong trường-hợp này người ta đã hành-động theo nguyên-tắc cứ để mọi chuyện tự trôi theo dòng thời-gian. Không ai thấy cần lên tiếng công-khai phục-hồi danh-dự. Chỉ vào thời Ánh-sáng vụ Galilêi mới được làm nổi cộm lên như một thí-dụ điển-hình cho những tranh-chấp giữa Giáo-hội và khoa-học. Cuộc tranh-chấp mang nặng ý-nghĩa lịch-sử, nhưng thoạt đầu không gây-cấn, giật-gân gần như một huyền-thoại. Thời Ánh-sáng cố trình-bầy sự-kiện như một triệu-chứng bệnh-hoạn về phong-cách Giáo-hội đối-xử với khoa-học. Do đó vụ Galilêi được đánh bóng như tiêu-biểu cho thái-độ bài khoa-học và cổ-lỗ của Giáo-hội. Dần hồi người ta nhận ra đây không chỉ đơn-thuần là câu chuyện của thời xa-xưa, nhưng là vấn-đề đang day-dứt lương-tâm hôm nay, vì thế cần phải giải-quyết một lần cho minh-bạch.

Hỏi: Lịch-sử đã xoay-chuyển ra sao nếu không có Giáo-hội, câu hỏi này không ai có thể trả lời được. Trong khi đó có thể dễ-dàng nhận ra đức tin Ki-tô giáo đã giải-thoát và làm cho thế-giới trở nên văn-minh qua sự phát-triển nhân-quyền, nghệ-thuật, giáo-dục thuần-phong mỹ-tục. Không thể hình-dung ra Âu châu nếu không có những tiến-bộ này. Nhà báo Do-tháiFranz Oppenheimer viết: “Những nền dân-chủ đã nảy sinh trong thế-giới Do-thái – Ki-tô giáo tây phương. Lịch-sử phát-triển của những nền dân-chủ này là điều-kiện nền-tảng cho thế-giới đa-nguyên chúng ta. Nhờ lịch-sử này chúng ta có những tiêu-chuẩn để đo lường, phê-phán và sửa sai những nền dân-chủ của ta”. Và chính ngài cũng lưu-ý rằng, sự tồn-tại những nền dân-chủ có phần liên-quan tới sự tồn-tại những giá-trị ki-tô giáo.

Tôi chỉ có thể thừa-nhận câu nói của Oppenheimer. Ngày nay ta biết rằng mẫu-mực dân-chủ đã nảy sinh từ nội-qui dòng tu với những khoản luật dòng và việc bầu-cử nội-bộ của họ. Thể-chế chính-trị đã rút ra từ đó ý-niệm luật-pháp áp-dụng đồng-đều cho mọi công-dân. Phải công-nhận trước đó đã có khuôn-mẫu quan-trọng của nền dân-chủ Hy-lạp, nhưng nó đã sụp-đổ với thần-minh và phải mất công xây-dựng lại. Hiển nhiên là hai nền dân-chủ tiên-phong ở Mỹ và Anh đều dựa trên sự chấp-nhận những giá-trị Ki-tô giáo và chúng chỉ có thể vận-hành trên căn-bản đồng-thuận về những giá-trị. Không có sự đồng-thuận về giá-trị này, chúng sẽ tan-rã và sụp-đổ. Như vậy, trên bình-diện lịch-sử, ta có thể làm được bản thống-kê tích-cực về Ki-tô giáo, vì nó đã làm nẩy sinh một mối liên-hệ mới giữa người với người cũng như đã kiến-tạo nên một nền nhân-bản mới. Nền dân-chủ cổ Hy-lạp dựa vào sự bảo-hộ linh-thiêng của thần-linh. Nền dân-chủ ki-tô của Thời-mới dựa vào tính-chất linh-thiêng của những giá-trị được bảo-đảm từ đức tin Ki-tô giáo, những giá-trị triệt-tiêu tính-cách độc-tài của đa-số. Những gì trước đây ông nói về bản thống-kê của thế-kỷ 20 cũng cho thấy rằng nếu như ta vứt bỏ Ki-tô giáo ra khỏi thế-giới này, thì những thế-lực cổ-xưa của sự dữ – đã từng bị Ki-tô giáo khai-trừ – sẽ đột-nhập thế-giới trở lại. Dưới cái nhìn thuần lịch-sử ta có thể khẳng-định: Nếu không có nền-tảng tôn-giáo, nền-tảng “linh-thiêng”, thì không có dân-chủ.

Hỏi: Newmann, vị hồng-y người Anh, có lần nhận-xét về sứ-mạng truyền giáo của Giáo-hội: “Chỉ nhờ có ki-tô-hữu, nhờ màng lưới cộng-đoàn rải-rác khắp năm châu, nên thế-giới chưa bị huỷ-diệt. Sự tồn-tại của thế-giới gắn chặt với sự tồn-tại của Giáo-hội. Nếu Giáo-hội ngã bệnh, thế-giới sẽ than khóc thân-phận mình.”

Có thể người ta cho nhận-xét trên là quá đáng, nhưng tôi nghĩ chính lịch-sử những thể-chế độc-tài vô thần lớn trong thế-kỷ chúng ta như chế-độ Đức quốc-xã và chế-độ cộng-sản, đã minh-chứng cho thấy là sự sụp đổ của Giáo-hội, sự phá-sản và vắng bóng đức tin như lực thúc-đẩy quan-trọng đưa đến hành-động, quả thực đã kéo theo thế-giới xuống vực thẳm. Trước kia thế-giới hỗn thần dù sao cũng còn đôi nét cao-đẹp, và nối-kết với thần-minh-cũng có nghĩa thừa-nhận những giá-trị uyên-nguyên, giúp con người kìm-hãm được cái dữ, chứ ngày nay, một khi kháng-lực chống lại cái dữ không còn nữa, thì sự sụp-đổ hẳn phải vô cùng bi-đát.

Qua hiểu-biết dựa trên kinh-nghiệm ta có thể quả-quyết, khi con người bỗng-nhiên bị lột hết sức mạnh luân-lí như được trình-bầy trong giáo-lí Ki-tô giáo, con người sẽ chao-đảo như con tầu va vào băng-sơn, và sự sống-còn của con người lúc đó thật mong-manh.

_______________________

[1] Goethe (1749-1832) nhà văn, kịch, thơ đa tài nổi tiếng ở Đức.


[2]
 Bartholomé de Las Casas (1474-1566) một tay thực-dân người Tây-ban-nha, phản-tỉnh trở thành linh-mục và là chiến-sĩ nhân-quyền tiên-phong cho dân bản-xứ.


[3]
 Galilêi (1564-1642) nhà toán, vật-lí, thiên-văn ngườI Ý, bị giáo-hội Công giáo kết án và bắt rút lại quan-điểm trái đất quay quanh mặt trời của ông, một quan-điểm trái với quan-điểm của Giáo-hội thời đó.