Muối Cho Đời: Chương 2 : Những vấn-đề của giáo-hội Công giáo
2.6 Các Điệp Khúc Chỉ Trích
Hỏi: Liên-quan tới những chỉ-trích đối với Giáo-hội, Hồng-y đã có lần nói về «điệp-khúc các câu hỏi» : Truyền chức cho phái nữ, ngừa thai, độc-thân, tái hôn sau khi li-dị. Đó là vào năm 1984. Những cuộc trưng-cầu ý-kiến tín-hữu về vấn-đề Giáo-hội năm 1995 ở Áo, Đức và Thuỵ-sĩ cho thấy những điểm trên cho tới nay vẫn hoàn-toàn không thay-đổi. Các cuộc tranh-luận xem ra như kiến bò miệng chén, mệt-mỏi. Với chút giải-thích có-lẽ vấn-đề sẽ sáng-tỏ hơn? Tôi có cảm-tưởng nhiều người chẳng hiểu mình đang nói gì khi đề-cập tới ngai giáo-chủ hay chức linh-mục chẳng hạn, họ thật ra chẳng hiểu nghĩa của những ý-niệm đó.
Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, tất-cả những điểm trên đều là những vấn-nạn thực. Nhưng tôi cũng tin rằng ta sẽ lạc đường, nếu như ta nâng chúng lên thành những vấn-nạn tiêu-chuẩn hoặc thành đề-tài duy-nhất cho hoàn-vũ Công giáo. Có một lí-luận rất đơn-giản chống lại quan-điểm trên (mà cả Johann Baptist Metz[1]cũng đã trình-bày trong một bài viết của ông về cuộc trưng-cầu ý-kiến tín-hữu): Thế-giới Tin-lành đã giải-quyết các vấn-nạn này. Chúng đã được họ giải-quyết theo một cách khác, nhưng rõ-ràng cách làm của họ cũng đã không giúp họ sống đời ki-tô-hữu tối hơn giữa trần-thế và vấn-nạn của Ki-tô giáo, cái khó-khăn sống đời ki-tô-hữu trước sau đối với họ vẫn nan-giải không kém chúng ta. Nếu tôi nhớ không lầm, Metz đã nêu lên câu hỏi, tại sao chúng ta giờ đây lại muốn làm một bản sao của Tin-lành. Theo ông, thật may trong lãnh-vực này chúng ta đã có một thí-nghiệm. Điều đó cho thấy những vấn-nạn trên đây không phải là ngăn-trở chính cho việc sống đạo hôm nay. Có giải-quyết chúng thì Tin-mừng cũng không trở nên lôi-cuốn hơn, việc sống đạo vẫn không dễ hơn hoặc Giáo-hội sẽ có đoàn-kết hơn. Tôi nghĩ, phải hiểu rõ một lần cho dứt-khoát là những vấn-nạn kia nhất-định không phải là căn-nguyên cơn đau của Giáo-hội.
TÍN ĐIỀU KHÔNG SAI LẦM
Hỏi: Xin hãy bắt đầu với một điểm mà những người Tin-lành đã dứt-khoát từ rất sớm, đó là tín-điều không sai-lầm. Tín-điều đó giờ đây phải được hiểu ra sao? Có phải tất thảy những gì đức Thánh-cha nói đương-nhiên là thánh và đúng? Tôi muốn bắt đầu những trọng-điểm chỉ-trích với tín-điều này, vì nó đặc-biệt động-chạm tới con người, dù xét từ bất cứ lí-do nào.
Ông đã đề-cập tới một nhầm-lẫn. Tín-điều đó thực ra không có nghĩa là tất-cả những gì giáo-chủ nói đều không sai-lầm. Nó chỉ có nghĩa là trong thế-giới Ki-tô giáo, dĩ-nhiên theo quan-điểm Công giáo, có một thẩm-quyền quyết-định tối-hậu. Nó có nghĩa là mọi câu hỏi quan-trọng cuối cùng rồi cũng có thể được quyết-định chung-quyết và chúng tôi có thể tin chắc rằng qua quyết-định đó gia-tài của đức Ki-tô được diễn-giải đúng. Trong mọi cộng-đồng Ki-tô giáo, dưới hình-thức này hay hình-thức khác, đều có cái quyết-định trói-buộc đó, có điều là họ không qui thẩm-quyền đó vào một giáo-chủ.
Cả giáo-hội Chính-thống cũng biết rõ là các quyết-định công-đồng không thể sai-lầm, theo nghĩa là tôi có thể tin-tưởng rằng đây là chỗ gia-tài đức Ki-tô được diễn-giải đúng, đây là đức tin chung của chúng tôi. Không cần mỗi người phải tự tinh-lọc đức tin ra từ Kinh-thánh, nhưng Giáo-hội đã được trao cho khả-năng sở-đắc sự xác-thực chung đó. Chỉ có một điểm khác với Chính-thống là Công giáo, ngoài việc công-nhận thẩm-quyền của công-đồng chung, còn công-nhận thêm một thẩm-cấp bảo-đảm sự chính-xác, đó là người kế vị của Phêrô, là người cũng có khả-năng thực-hiện sự bảo-đảm chính-xác này. Khi hành-xử quyền này, dĩ-nhiên giáo-chủ phải tuân-giữ những điều-kiện ràng-buộc rất chặt-chẽ để bảo-đảm rằng ngài không quyết-định theo nhận-thức chủ-quan riêng tư, nhưng trong hiệp-thông sâu-rộng với truyền-thống.
Hỏi: Nhưng đã phải rất lâu mới tìm ra lối giải-quyết này?
Đã có nhiều cuộc họp công-đồng diễn ra, trước khi người ta có được một ý-niệm về công-đồng. Các nghị-phụ của công-đồng Nixêa (325), công-đồng đầu tiên, không biết công-đồng là gì, công-đồng này là do Hoàng-đế triệu-tập. Nhưng dù vậy các ngài đã hiểu rằng lúc đó họ không nói lên tiếng nói cá-nhân, mà biết rằng được phép nói (cả Công-đồng các Tông-đồ cũng đã nói như vậy) : « Chúa Thánh-thần và chúng tôi quyết-định » (Công-vụ Tông đồ 15, 28) – nghĩa là : Chúa Thánh-linh đã quyết-định với chúng tôi và qua chúng tôi. Công-đồng Nixêa nói tới ba trung-tâm có ưu-thế trong Giáo-hội, đó là Rôma, Antiôkia và Alêxanđria. Như vậy đó là ba thẩm-quyền kiểm-soát, cả ba cùng liên-kết chặt-chẽ với truyền-thống Phêrô. Rôma và Antiôkia là nơi đặt toà giám-mục của thánh Phêrô. Alêxandria là toà giám-mục của Mác-cô, cũng ở trong truyền-thống Phêrô và đã được nhận vào bộ ba ưu-thế.
Các giám-mục toà Rôma đã ý-thức rất sớm và rất rõ là các ngài đứng trong truyền-thống Phêrô và cùng với trách-nhiệm, các ngài cũng nhận được lời hứa giúp hoàn-thành trách-nhiệm đó. Trong cuộc khủng-hoảng Arius ta thấy rõ chỉ có Rôma có thể đứng lên phản-đối Hoàng-đế. Giám-mục toà Rôma, dĩ-nhiên phải lắng nghe Giáo-hội hoàn-vũ và không được tự tác trong vấn-đề đức tin, có chức-năng tiếp-nối lời hứa đã ban cho Phêrô. Trên thực-tế mãi tới năm 1870[2] mới định-hình ý-niệm này.
Có lẽ cần nói thêm là hiện nay, không những chỉ trong thế-giới công giáo, nhu-cầu về một thẩm-quyền có khả-năng bảo-đảm sự thống-nhất đang được đón-nhận ngày càng rộng. Chẳng hạn như qua cuộc đối-thoại với Anh-giáo ta thấy rõ điểm này. Họ cho hay sẵn-sàng chấp-nhận một thứ lãnh-đạo quan-phòng trong liên-hệ chặt-chẽ với truyền-thống toà giám-mục có ưu-thế nơi Rôma, mặc dầu không muốn qui trực-tiếp lời hứa cho Phêrô vào vị giáo-chủ (công giáo). Nhiều thành-phần trong thế-giới Tin-lành cũng công-nhận rằng thế-giới Ki-tô giáo nên có một thứ phát-ngôn-viên chung – biểu-hiện qua một người. Và cả trong giáo-hội Chính-thống cũng có những tiếng nói chống lại việc xé Giáo-hội họ ra thành những Giáo-hội quốc-gia và thay vào đó họ đề-nghị nên trở về nguyên-tắc Phêrô. Tất-cả những điều trên không có nghĩa là họ chấp-nhận tín-điều của Rôma, nhưng sự đồng-thuận càng ngày càng rõ nét.
CHÚNG TÔI LÀ DÂN CHÚA
Hỏi: Ý-niệm “dân Chúa” ngày nay được coi như sự diễn-tả tính-cách độc-lập của giáo-dân đối với giáo-quyền, dựa theo khẩu-hiệu “Chúng tôi là nhân-dân”[3], và cái gì dân yêu-sách tất phải được thi-hành. Đàng khác cũng có câu “Ý dân là ý trời”. Ngài nghĩ sao về ý-niệm đó?
Nếu chúng ta là những nhà thần-học và những tín-hữu, chúng ta trước hết phải xem Phúc-âm nói gì đã. Những ý-niệm lớn như “Chúa là ai?”, “Giáo-hội là gì?”, “Hồng-ân là gì?” v.v.. đâu do chúng ta tự nghĩ ra. Trao tặng đức tin có nghĩa là trước đó mình đã nhận được món quà đó. Ý-niệm “dân Chúa” xuất-phát từ Kinh-thánh. Việc sử-dụng nó phải theo ý-nghĩa đã được dùng trong Kinh-thánh. Trước hết và chủ-yếu đó là một ý-niệm của Cựu-ước, trong đó ý-niệm “dân” đã có từ xa-xưa trước thời xuất-hiện ý-niệm quốc-gia, nó liên-quan nhiều hơn với ý-niệm dòng-tộc, gia-đình.
Song trên hết nó là một ý-niệm chỉ mối tương-quan. Khoa chú-giải Kinh thánh thế-hệ mới đã làm nổi bật điểm này. Khi hành-xử như một quốc-gia dân-tộc thuần chính-trị, thì Is-ra-en không phải là dân Chúa. Nó chỉ thành dân Chúa khi nó hướng về Chúa. Nó là dân Chúa chỉ khi ở trong tương-quan với Chúa, khi nó qui-chiếu về Chúa, và nơi Is-ra-en tương-quan này thể-hiện qua việc tuân-thủ kinh-sách Thora. Trong Cựu-ước ý-niệm “dân Chúa” bao-hàm trước hết sự-kiện Chúa chọn dân Do-thái. Chúa chọn họ không vì công-lao của dân này hoặc vì đây là một dân-tộc to-lớn và quan-trọng – nhưng là một trong những dân-tộc nhỏ-bé nhất – song chọn vì yêu-thương và để Thiên Chúa thể-hiện tình yêu Ngài nơi họ. Ý-niệm đó mặt khác cũng bao-hàm việc dân Is-ra-en đã đón-nhận tình yêu đó, cụ-thể qua việc họ tuân-thủ kinh Thora. Chỉ với sự tuân-thủ này, qua đó mối liên-hệ với Chúa được thiết-lập, dân Is-ra-en mới là dân Chúa.
Trong Tân-ước ý-niệm “dân Chúa” (có lẽ trừ một hai ngoại lệ) chỉ dùng để chỉ Is-ra-en, nghĩa là dân của giao-ước cũ ; ý-niệm này không trực-tiếp ám-chỉ gì về Giáo-hội. Tuy nhiên, Giáo-hội được hiểu như là sự tiếp-nối của Is-ra-en, mặc dầu ki-tô-hữu không bắt nguồn từ Áp-ra-ham và như vậy không thuộc về dân-tộc này. Tân-ước nói, ki-tô-hữu nhập qua dân Is-ra-en, trong ý-nghĩa là họ bắt nguồn từ đức Ki-tô và vì thế trở thành con-cái Áp-ra-ham. Như vậy ai thuộc vào đức Ki-tô cũng thuộc về dân Chúa. Người ta có thể nói ý-niệm “Thora” được thay-thế bằng ngôi-vị đức Ki-tô và như vậy là khái niệm “dân Chúa”, một khái niệm hoàn-toàn không được dùng trực-tiếp cho dân mới, gắn liền với cộng-đoàn của đức Ki-tô và gắn liền với cuộc sống như đức Ki-tô và với đức Kitô, hay là như Phao-lô nói : Hãy có những tâm-tình như đức Giê-su Ki-tô (Phil. 2, 5). Chữ “tâm-tình của đức Kitô» được Thánh-nhân kể tiếp như sau : NGÀI đã vâng lời cho đến chết. Chỉ khi ý-niệm “dân Chúa” được dùng như trong Kinh thánh dùng, ý-niệm đó mới có ý-nghĩa ki-tô giáo. Còn ngoài ra tất-cả chỉ là những ý-niệm tự tạo ngoài Ki-tô giáo không có nội-dung đích-thực. Theo tôi, đó cũng là những sản-phẩm của kiêu-căng. Ai dám bảo mình là dân Chúa, còn người khác phải chăng không phải là dân Chúa.
Nhân bàn về khẩu-hiệu “Chúng tôi là nhân-dân”, tôi muốn thêm một nhận-xét rất thực-dụng. Chúng tôi là nhân-dân có nghĩa là “chúng tôi có quyền ấn-định”. Thí-dụ khi hội-viên của một hội nào đó ở Đức họp nhau lại và tuyên-bố họ là nhân-dân và vì thế họ có quyền quyết-định phải thế này phải thế nọ, chắc họ sẽ bị thiên-hạ cười. Mỗi nước đều có những cơ-quan riêng của nó, làm luật chung cho dân nước đó. Ai cũng biết luật liên-bang không thể làm ra bởi hội-đồng của một cộng-đồng nhỏ-bé, mà phải do Quốc-hội Liên-bang, nghĩa là một cơ-quan thực-sự đại-diện cho toàn dân. Cũng thế, không phải bất cứ ai cũng có thể là cái chúng tôi bao-trùm lên cả Giáo-hội và có quyền định-đoạt mọi thứ, nhưng chỉ toàn-thể tổ-chức mới có quyền làm thế và từng nhóm riêng-rẽ cũng có thể làm thế với điều-kiện nó phải ở trong tập-thể đó. Chỉ xét riêng về nhận-thức dân-chủ ta cũng thấy phi lí khi những nhóm riêng đòi quyền quyết-định cho toàn-thể. Hội-đồng giáo-xứ hay Hội-đồng giáo-phận có trách-nhiệm của mình. Họ không thể với tư-cách họ đứng ra quyết-định công-việc của toàn Giáo-hội.
Ngoài những điểm như ta thấy ở luật-pháp quốc-gia (và điểm này cũng quan-trọng cho Giáo-hội), Giáo-hội còn có thêm một điểm nữa là Giáo-hội không chỉ hiệp-thông với những người đang sống, mà cả với những người đã qua đời. Nghĩa là luôn-luôn tất-cả mọi người – kể cả những kẻ đã chết – đều cùng sống, cùng làm nên toàn-thể Giáo-hội, đều cùng thuộc vào khối đa-số trong Giáo-hội. Trong một quốc-gia, một chính-quyền mới lên có thể bãi-bỏ tất-cả những gì chính-quyền cũ đã ban hành và tuyên-bố chúng ta hãy làm lại từ đầu. Nhưng trong Giáo-hội không có chuyện đó. Giáo-hội sống bằng căn-tính của mọi thế-hệ, thứ căn-tính xuyên suốt thời-gian và trong đó các thánh làm nên thành-phần đa-số thực-sự trong Giáo-hội. Mỗi thế-hệ cố-gắng đứng vào hàng các thánh và đóng-góp phần mình vào. Nhưng họ chỉ đóng-góp được khi họ chấp-nhận sự tiếp-nối cao-cả đó và hoà mình vào trong đó.
Hỏi: Một quốc-gia hẳn nhiên cũng có cái liên-tục của nó, bất chấp vị tổng-thống nào.
Đúng, tôi nói hơi quá. Không phải mỗi chính-quyền đều bắt đầu lại từ đầu. Các chính-quyền đều kế-thừa cái truyền-thống lớn của quốc-gia, đều bị trói-buộc bởi hiến-pháp, có thể tiếp-tục xây-dựng quốc-gia mà không phải bắt đầu lại từ số không. Vậy những gì đúng cho một quốc-gia cũng đúng cho Giáo-hội, tuy-nhiên với cách-thức sâu-xa và chặt-chẽ hơn.
Hỏi: Hiện nay có những phong-trào “Chúng tôi là nhân-dân” tự-tiện nhảy rào, chẳng quan-tâm tới trật-tự, luật-lệ, quốc-hội sẵn có.
Ông muốn nói trong quốc-gia? Đúng. Đúng vậy. Thế thì hiện-tượng đó cũng chẳng có gì đặc-biệt khi xẩy ra nơi Giáo-hội. Nhưng rõ-ràng các phong-trào dân-chủ cơ-sở trong một quốc-gia đã không thành-công. Liên-bang Xô-viết Nga đã bắt đầu như thế. Họ muốn qua các hội-đồng “nhân-dân cơ-sở” họ có quyền quyết-định, mọi người đều tích-cực tham-gia cai-trị. Nhưng cái gọi là nền dân-chủ trực-tiếp đó, cái mà người ta sử-dụng như nền dân-chủ nhân-dân chống lại nền dân-chủ quốc-hội, trong thực-tế đã trở thành trò bịp. Trong Giáo-hội, nếu có những hội-đồng nhân-dân như thế, thì sự thể cũng chẳng khác chi.
Hỏi: Khẩu-hiệu “Chúng tôi là nhân-dân” cũng rất hấp-dẫn, vì lịch-sử mới đây của chúng ta chứng-tỏ nó là một khẩu-hiệu đem lại thành-công qua những phong-trào chống-đối ở Đông Đức trong thời-gian qua.
Điều đó đúng. Tuy-nhiên trong trường-hợp này rõ-ràng có hậu-thuẫn của toàn-dân. Nhưng nay thì đồng-thuận đó đã tan-vỡ. Nó đủ mạnh để dấy lên một cuộc chống-đối lớn, nhưng không đủ để thi-hành đại sự của cộng-đồng một cách tốt-đẹp.
QUYỀN LINH THIÊNG VÀ TÌNH ANH CHỊ EM
Hỏi: Tại sao Giáo-hội ngày nay vẫn dùng lối cai-trị chỉ tay và vẫn giữ những cơ-cấu tổ-chức có thể nói mang tính “độc-tài”? Nhiều người cho rằng trong Giáo-hội cũng có thể áp-dụng chế-độ dân-chủ được. Theo họ, không thể đòi-hỏi xã-hội áp-dụng dân-chủ và nhân-quyền trong khi chính mình thì lại gạt những thứ đó ra ngoài. Không thể hô đòi tình người khắp nơi, còn chính mình chỉ chuyên lên tiếng buộc tội, đòi thi-hành luật-pháp và cảnh-cáo.
Trước hết hãy bàn về chữ phẩm-trật (Hierachie). Chữ này dịch đúng có nghĩa là “nguồn-gốc thánh”, chứ không hẳn là “quyền-lực thánh”. Từ “archaé” có cả hai nghĩa, nguồn-gốc và quyền-lực. Nhưng nghĩa đúng hơn có lẽ là “nguồn-gốc thánh”. Nó muốn nói lên sức mạnh của một nguồn-gốc, một sức mạnh thánh-thiêng, có thể nói nó luôn là một bắt đầu mới nơi mọi thế-hệ trong Giáo-hội. Nó không sống chỉ bởi sự liên-tục của các thế-hệ, nhưng bởi chính từ một nguồn-mạch luôn được làm mới lại, do các bí-tích cung-cấp. Đối với tôi, đó là một lối nhìn khác, quan-trọng, cho thấy khái-niệm linh-mục không dính-dáng gì tới quyền-lực. Trái lại linh-mục phải là lối đi, là sự nhắc-nhở lại cái khởi đầu và phải sẵn-sàng phục-vụ sứ-mạng đó. Nếu hiểu chức linh-mục, giám-mục, giáo-chủ chủ-yếu như quyền-lực thì đó là một cái nhìn méo-mó và sai-lầm.
Qua các Phúc-âm, ta biết những tranh-giành thứ-vị nơi các môn-đồ, cái cám-dỗ theo Chúa để có quyền, đã có ngay từ buổi đầu và sẽ còn có mãi. Bởi thế cơn cám-dỗ này hẳn-nhiên có ở mọi thế-hệ, kể cả thế-hệ ngày nay. Nhưng đồng thời cũng có cảnh Chúa rửa chân cho các môn-đồ để giúp họ xứng-đáng bước vào bàn tiệc với Ngài và với chính Thiên-chúa. Với cử-chỉ đó Ngài muốn nói : Ta hiểu chức linh-mục là thế. Nếu các bạn không muốn thì các bạn chẳng là linh-mục. Hoặc như khi Ngài nói với mẹ của Zê-bê-đê-ô: Điều-kiện tiên quyết là phải uống chén này, nghĩa là: phải cùng đau-khổ với đức Kitô. Còn chuyện được ngồi bên tả hay bên hữu, hãy để tính sau. Điều đó cũng có nghĩa là muốn theo Chúa thì phải uống chén của Ngài, phải cùng Ngài chung một thân-phận, phải là một người rửa chân, một kẻ đau trước và cùng đau với mọi người. Đó là điểm thứ nhất, nghĩa là nguồn-gốc và ý-nghĩa đích-thực của phẩm-trật nhất định không phải là cơ-cấu quyền-lực, nhưng là phải duy-trì một cái gì không tuỳ-thuộc mỗi cá-nhân. Không ai tự mình có quyền tha tội, tự mình trao-ban Chúa Thánh-thần, tự mình biến bánh thành mình Chúa hay duy-trì sự hiện-diện của Ngài. Linh-mục như vậy có nghĩa là thi-hành một công-tác nơi Giáo-hội, nhưng Giáo-hội ở đây không phải là một doanh-nghiệp tự quản, nhưng luôn sống nhờ vào nguồn lực gốc đã phát-sinh ra nó.
Điểm nhận-xét tổng-quát thứ hai : “Tình anh chị em” là một cụm từ đẹp, nhưng ta không nên quên cái nghĩa hàm-hồ của nó. Cặp anh em đầu tiên trong lịch-sử thế-giới, theo Kinh-thánh, là Ca-in và A-ben, và anh đã giết em. Đó là một hình-ảnh ta cũng thấy xuất-hiện trong lịch-sử tôn-giáo. Thần-thoại khai-sinh của Rôma cũng giống thế: Câu chuyện Romulus và Remus cũng bắt đầu với hai anh em và người này giết người kia. Như vậy anh chị em chưa hẳn là biểu-tượng của tình thương và bình đẳng . Cũng như vai-trò người cha có thể biến chất thành độc-đoán, cũng thế ta thấy biết bao thí-dụ trong Kinh thánh về tình-nghĩa anh chị em rất tồi-tệ. Như vậy, cả tình anh chị em cũng phải được giải-thoát và phải kinh qua thánh-giá để tìm lại được hình-hài đúng-đắn.
Bây giờ ta bàn về những chuyện thực-tế. Có lẽ Giáo-hội lúc này quá bận-rộn với quyết-định và cai-trị. Bản-chất của giáo-quyền thực ra là để phục-vụ và lo cử-hành các bí-tích, đưa Chúa Ki-tô vào đời và rao-giảng lời Chúa. Còn tất-cả những thứ khác đều phụ vào đó. Lẽ ra giáo-quyền không nên đóng vai-trò cai-trị, mà phải trở về vai-trò tuân-phục cội-nguồn của mình và sống với cội-nguồn ấy. Kẻ có chức quyền phải lưu ý không nên rao-giảng về chính cái tôi và tự đề-cao, nhưng làm lối đi cho kẻ khác bước qua và tự lùi bước – chúng ta đã bàn chuyện này rồi. Như vậy họ trước hết là những kẻ vâng lời, không mở miệng nói, bây giờ tôi muốn phán-bảo điều nọ điều kia, nhưng luôn tự hỏi Chúa muốn nói điều gì và đức tin của chúng ta là gì và cúi mình tuân theo. Thứ đến họ phải là kẻ phục-vụ, sẵn-sàng giúp-đỡ mọi người và theo gương Chúa sẵn-sàng rửa chân cho kẻ khác. Ta thấy thánh An-tịnh đã thực-hiện những điểm đó tuyệt-vời. Như chúng ta đã nói, ngài suốt ngày bận-rộn với những chuyện nhỏ-nhặt, với chuyện rửa chân và sẵn-sàng hi-sinh cuộc sống lớn-lao của mình cho những cái nhỏ-nhặt, nếu muốn dùng từ này, nhưng với xác-tín mình không làm chuyện vô ích. Đó có lẽ là hình-ảnh thật-sự của chức linh-mục. Khi chức linh-mục được sống đúng, thì nó không thể có nghĩa đây là lúc ta nắm được quyền-lực trong tay, nhưng có nghĩa là tự khước-từ những dự-án riêng-tư muốn thực-hiện trong cuộc đời và dấn-thân phục-vụ.
Điều đó kéo theo nhu-cầu tự răn-đe, khiển-trách và như thế là tự chuốc lấy phiền-muộn, như thánh An-tịnh nói. Trong một bài giảng An-tịnh diễn-tả điều đó như thế này : Bạn muốn sống buông-thả, bạn muốn cuộc đời bạn tàn. Nhưng tôi không được phép muốn điều đó. Tôi phải trách-móc bạn dù có trái tai bạn. Rồi thánh-nhân dùng câu chuyện người cha bị bệnh ngủ luôn phải được người con đánh thức, vì đó là cách-thức duy-nhất để chữa cha khỏi bệnh. Nhưng người cha bảo : Hãy để yên cho cha ngủ, cha mệt quá. Nhưng người con trả lời : Không, con không được phép để cha ngủ. Và ngài bảo đó chính là vai-trò của một giám-mục. Tôi không thể để cho các bạn ngủ. Tôi biết các bạn thèm ngủ, nhưng đó chính là điều tôi không chiều ý các bạn được. Trong ý-nghĩa đó, Giáo-hội cũng phải cảnh-cáo nhắc-nhở và trở thành kẻ gây phiền-hà. Nhưng điều cần là làm sao cho người ta hiểu rằng Giáo-hội không có ý quấy-rầy người ta, nhưng chỉ vì chính Giáo-hội đang bị cái thiện thôi-thúc. Tôi không thể để cho các bạn ngủ, vì ngủ có thể sẽ đưa các bạn vào cõi chết. Và khi sử-dụng uy-quyền mình để làm việc này, Giáo-hội cũng phải chấp-nhận cho mình cái khổ-đau của Chúa Kitô. Theo cái nhìn thuần-tuý con người thì bảo-chứng của đức Ki-tô là đau-khổ. Và bảo-chứng của Giáo-hội cũng phải như vậy. Vì thế nơi đâu Giáo-hội có những vị tử-đạo và những người tuyên-xưng đức tin, ở đó Gáo-hội đáng tín cậy nhất. Còn ở đâu an-nhàn dễ-dãi, ở đó thiếu sự đáng tin.
ĐỘC THÂN
Hỏi: Thật lạ-lùng, không có gì làm thiên-hạ điên-tiết cho bằng luật độc thân, dù rằng trong thực-tế nó chỉ liên-quan tới một nhúm nhỏ tí-teo trong tổng-số tín-hữu. Tại sao có luật độc thân?
Nó có liên-hệ với một lời dạy của Chúa Kitô. Chúa nói, có những người vì nước trời từ-bỏ cuộc sống hôn-nhân và dùng cả cuộc sống mình để làm chứng cho nước đó. Từ rất xưa Giáo-hội đã xác-tín rằng linh-mục là sống cuộc sống chứng-nhân cho nước trời đó. Nhìn khách-quan Giáo-hội có thể dựa vào một sự-kiện song-song tương-tự trong Cựu-ước. Is-ra-en tới đất hứa. Mười một bộ-tộc được chia đất. Chỉ có tộc Lê-vi, tộc tư-tế , không được chia đất, không được hưởng gia-sản; gia-sản của họ chỉ là Thiên-chúa. Có nghĩa con cháu của tộc này chỉ sống bằng bổng lễ, chứ không bằng canh-tác đất-đai như các tộc khác. Điểm quan-trọng: Họ không có tư-hữu. Thánh-vịnh 16 viết: Chúa là phần chén của tôi; tôi rút thăm được Ngài, Chúa là đất của tôi. Hình-ảnh Cựu-uớc về tộc linh-mục không có đất, chỉ sống vì Chúa – và nhờ vậy mới làm chứng được cho Ngài – về sau kết-hợp với lời của đức Ki-tô để có-thể tóm-tắt như sau: Gia-nghiệp cuộc đời của linh-mục là Chúa.
Ngày nay chúng ta khó quan-niệm nổi cái lối từ-bỏ đó, là vì cái nhìn về hôn-nhân và con-cái đã đổi nhiều. Xưa kia, chết mà không có con nối dõi là đã sống thừa. Đời tôi không để lại dấu-vết gì và tôi hoàn-toàn tiêu-tan. Trái lại nếu có con cháu, cuộc sống của tôi sẽ được tiếp-nối nơi con cháu. Đó là một hình-thức bất tử tôi đạt được qua con cháu. Vì thế điều tiên-quyết cho cuộc sống là phải có con cháu để vẫn được tiếp-tục tồn-tại trong thế-giới những kẻ hằng sống.
Với quan-điểm đó, từ-bỏ hôn-nhân và gia-đình phải hiểu là : tôi từ-bỏ cái dưới con mắt loài người không những thường-tình nhất, mà còn quan-trọng nhất. Tôi từ-bỏ cung-cấp thêm con người để gắn vào cây gia-phả, từ-bỏ sở-hữu một mảnh đất riêng và chỉ sống với niềm tin rằng đất-đai của tôi là Chúa, và nhờ đó tôi làm cho người khác tin rằng nước trời là có thật. Như vậy tôi không chỉ làm chứng cho Chúa Ki-tô và Phúc-âm bằng lời nói, nhưng cả bằng cuộc sống đặc-thù của tôi và sẵn-sàng dâng cuộc sống tôi cho Ngài toàn quyền sử-dụng.
Như vậy độc thân mang ý-nghĩa vừa Kitô-học vừa tông-truyền. Sống độc thân chẳng phải đơn-giản là để tôi có thêm giờ cho người khác vì chẳng phải lo vợ con. Nói như thế là quá tầm-thường và thực-dụng. Đây là một cuộc sống hoàn-toàn hiến-dâng cho Chúa và từ-bỏ chính cái thông-thường vẫn làm cho sự hiện-hữu của con người tăng-trưởng và đâm hoa kết trái đồi-dào trong tương-lai.
Hỏi: Nhưng đây không phải là một tín-điều. Biết đâu một ngày nào đó vấn-đề này được đem ra thảo-luận trong chiều-hướng có thể tự-do lựa-chọn giữa hình-thức sống độc-thân hay không độc-thân?
Đúng, đây rõ-ràng không phải là một tín-điều. Đó là một lối sống quen-thuộc đã định-hình rất sớm trong Giáo-hội với những lí-do vững-chắc từ nguồn Kinh-thánh. Những nghiên-cứu mới đây cho thấy các hình-thức sống độc thân đã bắt đầu rất sớm, mãi từ thế-kỉ thứ 2, trước thời-điểm thường được trưng-dẫn qua các nguồn pháp-lí. Cả ở đông phương lối sống này đã phổ-biến rộng hơn chúng ta vẫn tưởng. Bắt đầu từ thế-kỉ thứ bảy thì tây và đông mới phân-rẽ đôi đường. Bên đông phương, nếp sống dòng tu (không lập gia-đình) trước sau vẫn là cột trụ của giới linh-mục và của hàng giáo-phẩm. Vì thế độc thân vẫn mang giá-trị lớn ở đó.
Nó không phải tín-điều. Mà chỉ là một lối sống từ-từ thành hình trong Giáo-hội và luôn đứng trước cơ-nguy sụp-đổ. Đòi-hỏi càng cao, nguy-cơ vấp ngã càng lớn. Tôi nghĩ người thời nay đả-phá độc thân là vì họ thấy nhiều linh-mục tự thâm-tâm không chấp-nhận nó, đâm ra hoặc là sống giả-hình không đứng-đắn hoặc tỏ ra khốn-khổ với nó và than-van…
Hỏi: … rằng nó huỷ-hoại con người …
Thời nào cũng thế, đức tin càng hao-mòn thì càng nhiều vấp ngã. Vì thế độc thân mất đi khả tín, ý-nghĩa cốt-lõi của nó bị chìm lấp. Nhưng một điều ta cần phải rõ, lúc độc thân khủng-hoảng thì cũng là lúc hôn-nhân khủng-hoảng. Bởi vì như ta thấy thời nay, không chỉ độc thân mà cả hôn-nhân, là nền-tảng của xã-hội, cũng càng ngày càng rạn vỡ. Trong luật-pháp ở các quốc-gia tây phương ta thấy càng ngày hôn-nhân càng bị đặt ngang hàng với những hình-thức sống khác và như thế có thể nói hầu như nó mất hình-thức pháp-lí. Cố-gắng sống cuộc sống hôn-nhân cho ra hồn cũng không đơn-giản hơn việc giữ độc thân. Thực-tế mà nói, bỏ độc thân linh-mục thì ta lại phải đối diện với một vấn-nạn khác: linh-mục li-dị. Giáo-hội Tin-lành biết rõ điểm này. Như thế, ta thấy những hình-thức sống cao-quí của nhân loại hàm-chứa sẵn những nguy-hiểm lớn-lao.
Kết-luận rút-tỉa đầu tiên là ta phải luôn học cách gia-tăng lòng tin, chứ không phải ở đó mà ta-thán rằng tôi không thể giữ nổi nữa. Thứ đến phải tuyển chọn ứng-viên linh-mục kĩ hơn. Vấn-đề là ứng-viên linh-mục hoàn-toàn tự-nguyện sống đời độc-thân, chứ không phải cứ đơn-giản nói, tôi muốn trở thành linh-mục, đời độc-thân tôi sẽ kéo lê theo. Hoặc là nói, không sao, tôi không để ý nhiều tới đàn-bà con gái, tôi sẽ cáng-đáng nổi vấn-đề này. Đó không phải là một khởi đầu tốt. Ứng-viên linh-mục phải nhận chân được đức tin là nguồn lực cuộc sống mình và họ phải biết mình chỉ có thể sống như vậy trong đức tin mà thôi. Có như thế đời độc thân mới trở thành một chứng-tá; có như thế mình mới nói được gì cho người khác và mới thúc-đẩy được họ thêm can-đảm trong cuộc sống hôn-nhân. Hai định-chế tương-quan mật-thiết với nhau. Không thể trung-thành trong trường-hợp này thì cũng không thể trung-thành trong trường-hợp kia ; trung-thành của cái này nâng-đỡ cái kia.
Hỏi: Phải chăng ngài hơi quá lời khi cho rằng khủng-hoảng của độc thân và khủng-hoảng của hôn-nhân liên-quan với nhau?
Đối với tôi thì quá rõ. Trong cả hai trường-hợp, vấn-đề đều là quyết-định dứt-khoát cho cả cuộc đời, tự trong thẳm sâu nhân-tính của đương-sự : Giờ phút này, tạm cho là vào tuổi 25 – liệu tôi có thể định-đoạt cho cả cuộc đời tôi không? Điều này phù-hợp với con người không? Có cách nào để vượt thắng, để hăng-say thăng-tiến và trưởng-thành trong chọn-lựa đó – hay là tôi luôn phải chuẩn-bị tư-thế cho những chọn-lựa mới? Trên cơ-bản, câu hỏi đó có nghĩa là phải chăng con người có-thể quyết-định dứt-khoát về một chuyện hệ-trọng cho cuộc đời? Khi quyết-định cho mình một lối sống con người có khả-năng gánh-vác sự ràng-buộc dứt-khoát đó không? Ở đây tôi muốn nói hai điểm: Thứ nhất, người đó có thể trung-thành với quyết-định của mình chỉ khi nào họ bám rễ sâu trong đức tin; và thứ hai, như thế người đó mới yên và trưởng-thành trọn-vẹn. Chỉ lo chuyện một vợ một chồng thôi thì quá ít cho con người.
Hỏi: Nhưng, nếu số-liệu về sự sa-ngã trong đời độc thân đáng tin, thì đời độc thân trên thực-tế đã thất-bại. Xin hỏi lại lần nữa: Liệu mai đây chuyện độc thân linh-mục có thể được thảo-luận theo hướng tự-do chọn-lựa hay không?
Dù sao cũng phải là một lựa-chọn tự-do. Trước khi chịu chức, ứng-viên phải xác-định bằng lời thề là mình hoàn-toàn tự-do quyết-định và muốn. Bởi thế tôi luôn thấy khổ tâm khi nghe người ta sau đó lại phàn-nàn rằng đấy là đời độc-thân bó-buộc và người ta đã cưỡng-ép chúng tôi. Nói thế là mâu-thuẫn với lời hứa ban đầu. Trong việc đào-luyện chủng-sinh, phải hết sức lưu-ý để các ứng-viên nghiêm-túc nhìn-nhận lời thề này. Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là hễ đâu đức tin sống và sống đức tin đó với Giáo-hội, ở đó sẽ nảy-sinh sức mạnh để giữ lời thề.
Tôi tin rằng, bỏ điều-kiện độc-thân đi cũng chẳng có gì tốt-đẹp hơn, mà thực ra chỉ che lấp một muộc cuộc khủng-hoảng đức tin trầm-trọng. Quả là một thảm-kịch cho Giáo-hội khi có nhiều người sống nước đôi. Nhưng tiếc rằng đây không phải là lần đầu tiên. Vào cuối thời Trung-cổ, Giáo-hội cũng đã gặp phải tình-trạng đó và đó cũng là một phần nguyên-do đưa tới cải-cách. Dù sao đây cũng là một bi-kịch, khiến phải suy-nghĩ thật kĩ, nhất là để giúp cho những ai đang phải đau-khổ thật-sự vì nó. Tuy nhiên, đa-số các giám-mục trong cuộc họp thượng hội-đồng vừa qua đều cho rằng căn-nguyên đích-thực chính là cuộc khủng-hoảng đức tin; nếu bỏ độc thân thì linh-mục cũng không nhiều hơn và tốt hơn, nhưng chỉ che-đậy cuộc khủng-hoảng đức tin và chúng ta chỉ lừa-gạt mình với những giải-đáp hời-hợt.
Hỏi: Xin hỏi lại một lần nữa : Ngài có nghĩ rằng sẽ có ngày linh-mục có thể lựa-chọn giữa độc thân và không độc-thân không?
Tôi đã hiểu ý của ông. Ở đây tôi phải nói rõ thêm là, theo như lời thề của mỗi ứng-viên linh-mục trước lúc chịu chức thì không có việc cưỡng-bách độc thân. Chúng tôi chỉ nhận vào hàng linh-mục những ai tự-nguyện mà thôi. Một câu hỏi cần đặt ra ở đây : Tương-quan giữa chức linh-mục và độc thân sâu-đậm như thế nào? Phải chăng việc chỉ muốn chọn một thứ mà thôi có nghĩa là đã đánh giá thấp chức linh-mục? Ở đây chúng ta không nên thiếu cân-nhắc nhìn sang giáo-hội Chính-thống và Tin-lành. Tin-lành có quan-điểm về chức-vụ hoàn-toàn khác : Đó là một chức-năng, một chức-vụ do cộng-đoàn trao-phó, nhưng không theo nghĩa một bí-tích, không phải chức linh-mục theo đúng nghĩa. Trong giáo-hội Chính-thống ta thấy một đàng có đầy-đủ hình-thức của chức linh-mục, đó là những linh-mục dòng tu, chỉ những người này mới có thể trở thành giám-mục. Bên cạnh đó có “linh-mục nhân-dân”, những vị này nếu muốn lập gia-đình thì phải lập trước khi chịu chức và công-việc của họ hầu như chẳng dính-dáng gì tới việc mục-vụ, mà chỉ trông coi việc phụng-tự mà thôi. Đó cũng là một quan-niệm khác về linh-mục. Trái lại chúng tôi quan-niệm rằng, là linh-mục thì cũng phải là theo cách-thức như một giám-mục, và không thể có kiểu phân-biệt như ở Chính-thống giáo.
Không nên coi bất-cứ hình-thức sống quen-thuộc nào của Giáo-hội là hoàn-toàn tuyệt-đối, dù chúng ta đã bám rễ sâu và có lí-do vững-chắc đến đâu đi nữa. Vì vậy vấn-đề luôn còn được mang ra bàn-thảo, như trong hai cuộc họp thượng hội-đồng giám-mục vừa qua. Nhưng tôi nghĩ, xét từ toàn-bộ lịch-sử ki-tô giáo phương tây và từ cái nhìn nội tâm dựa trên toàn-bộ lịch-sử này, thì Giáo-hội chẳng dễ gì đạt được nhiều, trái lại chắc-chắn sẽ có mất-mát nếu bỏ luật độc thân.
Hỏi: Như vậy có nghĩa là ngài không tin rằng mai đây sẽ có linh-mục lập gia-đình?
Chắc-chắn không có trong tương-lai gần. Nhưng tôi cũng phải thành-thật với ông rằng chúng tôi đã có linh-mục lập gia-đình, đó là các linh-mục Anh-giáo hoặc những mục-sư thuộc các giáo-hội Tin-lành đã trở lại Công giáo. Nghĩa là có thể có trong những trường-hợp đặc-biệt và chỉ là trường-hợp đặc-biệt mà thôi. Và tôi thiết nghĩ trong tương-lai cũng chỉ là những trường-hợp đặc-biệt mà thôi.
Hỏi: Phải chăng phải bỏ luật độc thân, vì nếu không Giáo-hội sẽ không có thêm linh-mục?
Tôi không tin lập-luận này đúng. Vấn-đề mầm non linh-mục có nhiều mặt. Trước hết nó có liên-hệ với việc giảm sinh. Ngày nay trung-bình mỗi gia-đình có 1,5 con, nên vấn-đề số người có thể làm linh-mục được đặt ra khác hẳn với thời số con trong mỗi gia-đình cao hơn. Và trong gia-đình cũng có những ước-vọng hoàn-toàn khác. Ngăn-trở chính trong việc tu-trì ngày nay đến từ cha mẹ, vì họ có những ước-vọng khác nơi con cái. Đó là một điểm. Điểm thứ hai là con số tín-hữu nhiệt-thành cũng giảm, và vì thế lượng cung-cấp nhân-sự cũng nhỏ lại. Nếu như đưa hai yếu-tố trên vào con tính thì lượng ứng-viên linh-mục ngày nay cũng không thấp hơn ngày xưa. Bởi thế phải lưu-ý tới tương-quan này. Do vậy câu hỏi tiên-quyết là: Có tín-hữu không? Rồi mới tới câu hỏi thứ hai: Tập-thể tín-hữu đó có làm nẩy sinh các ơn gọi linh-mục không?
NGỪA THAI
Hỏi: Thưa Hồng-y, nhiều tín-hữu không hiểu nổi thái-độ của Giáo-hội đối với vấn-đề ngừa thai. Ngài có biết tại sao họ không hiểu nổi không?
Có, tôi hiểu rất rõ, vấn-đề thật nhiêu-khê. Con người ngày nay đứng trước sức ép từ nhiều phía, từ lối sống, từ hoàn-cảnh không thể có nhiều con vì vấn-đề chỗ ở và từ bao nhiêu cái khác. Nhưng ở đây ta không nên nhìn vào từng trường-hợp riêng, nhưng nên nhìn đến những ý-hướng lớn mà Giáo-hội muốn nhắm tới.
Tôi tin rằng ở đây có ba sự lựa-chọn căn-bản. Lựa-chọn thứ nhất, một lựa-chọn nền-tảng, là phải có một thái-độ tích-cực về vai-trò của đứa con trong gia-đình nhân-loại. Trong địa-hạt này đã có một thay-đổi lạ-lùng. Từ thời xa xưa cho tới vào thế-kỉ 19 có nhiều con được coi là ân-huệ, ngày nay, trái lại, chúng bị coi là một sự đe-doạ. Người ta nghĩ rằng con-cái sẽ choán mất chỗ của họ trong tương-lai, chúng đe-doạ môi-trường sống của họ v.v.. Ở điểm này Giáo-hội muốn trở lại cái nhìn thủa ban đầu, cái nhìn đích-thực, coi đứa con, một con người mới, là một ân-huệ. Chính khi ta trao-ban sự sống, thì cũng là lúc ta tiếp-nhận sự sống cho chính mình ; và chính sự thoát ra khỏi mình này cũng như chấp-nhận ân-huệ của công-cuộc tạo-dựng là thái-độ tự nền-tảng rất tốt cho con người.
Lựa-chọn thứ hai là phải lưu-ý tới mối tương-quan chặt-chẽ giữa tính-dục và truyền-sinh. Điểm này rất cần-thiết vì ngày nay ta chứng-kiến sự phân-biệt hai khía-cạnh này, một hiện-tượng trước đây chưa có.
Hỏi: Gần đây, ngay cả những khuôn mặt tiêu-biểu của thế-hệ 1968, một thế-hệ giầu kinh-nghiệm ngừa thai, có những tuyên-bố rất lạ-lùng. Thí-dụ Rainer Langhans, con người trước kia, trong những cộng-đồng của ông ta, chạy tìm khoái-lạc trong dục-tính, đã lên tiếng : “Với thuốc ngừa thai người ta lột mất chiều-kích tâm-linh của tính-dục và đẩy con người vào ngõ cụt”. Ông phàn-nàn : “Thời nay không còn trao tặng, hiến-dâng nữa”. Ngày nay ông xác-định : “cái cao-cả nhất” của tính-dục là trở thành “cha mẹ” và ông gọi sự-kiện đó là “cộng-tác vào chương-trình của Thiên Chúa”.
Càng ngày người ta càng đi tới nhận-xét có hai thực-tại hoàn-toàn tách-biệt nhau. Trong cuốn tiểu-thuyết giả-tưởng nổi tiếng “Thế-giới mới đẹp” ta thấy Huxley, với một cái nhìn rất có cơ-sở và rõ-ràng về bi-kịch con người, mô-tả về một thế-giới tương-lai, trong đó tính-dục không còn dính-dáng tí gì nữa với việc truyền sinh. Ở đó trẻ con được sản-xuất trong các viện bào-chế theo kế-hoạch rõ-ràng. Đây chỉ là một biếm-họa, nhưng, cũng như các biếm-hoạ khác, nó nói lên một ý-nghĩa : Con-cái phải là một cái gì được hoạch-định, phải được sản-xuất, nghĩa là chúng được hình thành qua sự kiểm-soát của trí-tuệ. Như vậy thì con người tự huỷ-diệt chính mình. Như vậy con-cái trở thành sản-phẩm để con người thể-hiện ý-muốn của chính mình và ngay từ đầu chúng mất hẳn ý-nghĩa như những dự-án cuộc đời riêng-biệt. Và tính-dục biến thành đối-tượng đổi-chác. Mối liên-hệ giữa nam nữ từ đó dĩ-nhiên cũng mất; ta thấy rõ sự-việc đang diễn-tiến thế nào.
Như vậy vấn-đề ngừa thai thuộc phạm-vi những lựa-chọn căn-bản mà Giáo-hội muốn con người có. Lựa-chọn thứ ba trong phạm-vi này là con người không thể giải-quyết những vấn-nạn luân-lí lớn bằng phương-pháp kĩ-thuật hay bằng hoá chất, mà phải giải-quyết trên bình-diện luân-lí bằng một lối sống. Tôi tin rằng điều này biệt-lập với chuyện ngừa thai, là một trong những nguy-hiểm lớn của chúng ta. Chúng ta muốn dùng kĩ-thuật để giải-quyết chuyện làm người và đã quên đi rằng con người có những vấn-nạn uyên-nguyên không thể giải-quyết được bằng kĩ-thuật, nhưng chúng đòi-hỏi một lối sống và những quyết-định nền-tảng cho cuộc đời. Tôi muốn nói rằng trong vấn-đề ngừa thai ta phải lưu-ý tới những lựa-chọn căn-bản này, trong đó Giáo-hội đang vì con người mà tranh-đấu. Sở-dĩ Giáo-hội chống-đối là vì muốn làm nổi bật con người lên. Những đòi-hỏi của Giáo-hội nhiều khi không được diễn-tả khéo-léo, nhưng chúng gói-ghém những chỉ-dẫn cao-quý có chiều-kích tâm-linh cho đời sống con người.
Hỏi: Tuy-nhiên vẫn còn câu hỏi, một người nào đó hay một cặp vợ chồng chẳng hạn, đã có nhiều con, cũng có thể bị kết án là thiếu quan-điểm tích-cực về con-cái?
Không, chắc-chắn là không. Và cũng không nên làm như thế.
Hỏi: Dù vậy, phải chăng những người đó phải biết rằng họ đang sống trong một thứ tội-lỗi, nếu họ….
Tôi nghĩ đó là những câu hỏi cần bàn với vị linh-hướng, vị linh-mục, không thể nói một cách trừu-tượng được.
PHÁ THAI
Hỏi: Theo giáo-chủ Gio-an Phao-lô II, Giáo-hội sẽ còn quyết-liệt chống lại mọi biện-pháp dính-líu tới “khuyến- khích phá thai, tuyệt sản và ngừa thai”. Theo ngài những biện-pháp đó làm tổn-thương phẩm-giá con người là hình ảnh của Chúa và huỷ-diệt nền-tảng xã-hội. Vấn-đề cơ-bản là bảo-vệ sự sống. Nhưng mặt khác, tại sao Giáo-hội không loại-trừ án tử-hình, mà lại coi đó là “quyền của quốc-gia”, như được ghi trong sách Giáo-lí?
Trong án tử, nếu được xử theo đúng pháp-luật, người ta trừng-phạt một kẻ bị chứng-minh đã phạm tội và là mối nguy cho trật-tự xã-hội. Phá thai, trái lại, là án tử cho một kẻ hoàn-toàn vô tội. Đó là hai chuyện khác hẳn nhau, không thể so-sánh được.
Chuyện có thật là một số người coi đứa con chưa sinh như là một địch-thủ, vô cớ chen vào cuộc đời và hạn-chế cuộc sống tôi, vì thế tôi phải triệt-hạ như một kẻ tấn-công bất chính. Nhưng như vậy là rơi vào cái nhìn, như chúng ta đã nói trên, coi đứa con không như một con người được Chúa tạo-dựng theo hình ảnh Ngài và nó có quyền sống riêng, mà trái lại coi nó là một kẻ thù hay một vật chướng-ngại phải bị xử-lí tuỳ ý. Tôi nghĩ vấn-đề là phải làm sao chiếu sáng lương-tri để con người nhìn-nhận thai-nhi là một con người, một cá-thể.
Đó là một nhân-vị khác-biệt người mẹ – mặc dầu nó cần sự che-chở trong bụng mẹ – và bởi thế phải được đối-xử như một con người, vì nó là một con người. Khi chối-bỏ nguyên-tắc : mỗi người là một người được Chúa chở-che và tuỳ-tiện không chấp-nhận tư-cách người nơi họ, thì cũng có nghĩa là ta chối-bỏ nền-tảng của nhân-quyền.
Hỏi: Nhưng nếu ai đó chẳng đặng đừng phải quyết-định phá thai thì họ có bị kết tội chống lại sự sống không?
Ai có tội, ai không, câu hỏi này không thể quyết-định một cách trừu-tượng được. Nhưng có thể nói, hành-vi phá thai – bất kể ai gây nên, có thể là vì sức ép của đàn ông – tự bản-chất là giết một con người để nhằm giải-quyết một tình-trạng tranh-chấp. Nhưng phá thai không bao giờ giải-quyết ổn-thoả những tranh-chấp. Các nhà tâm-lí cho chúng ta hay chuyện đó ám-ảnh lên tâm-trí của các bà mẹ ra sao, bởi vì họ biết rằng họ đang mang một con người, nó có thể là con mình và có thể là đứa con làm mình hãnh-diện. Dĩ-nhiên xã-hội phải giúp các bà mẹ có được những phương-cách giải-quyết khác, giúp họ bớt bị áp-lực đè nặng và giúp làm tái-sinh nơi họ tình yêu đối với con-cái.
TÁI HÔN SAU KHI LI DỊ
Hỏi: Rút phép thông-công những người đã kết-hôn và, sau khi li-dị, sống đời hôn-nhân theo luật đời, nhưng không được Giáo-hội công-nhận, là một sự-kiện ngày nay chỉ có những-tín-hữu công giáo đặc-biệt trung-thành mới có thể hiểu được. Điều này xem ra bất công, làm nhục người ta và kết cục thiếu tinh-thần ki-tô giáo. Năm 1972 chính ngài phát-biểu: “Hôn-nhân là một bí-tích… nó không loại-trừ sự-kiện cộng-đồng Giáo-hội đón-nhận những ai chấp-nhận giáo-lí này và những nguyên-tắc sống này, nhưng đang rơi vào một hoàn-cảnh éo-le khiến họ đặc-biệt cần được hiệp-thông trọn-vẹn với nhiệm-thể Chúa Kitô”.
Trước hết cần nói rõ, xét về mặt giáo-luật thuần-tuý, những đôi hôn-nhân đó không bị dứt phép thông-công theo nghĩa giáo-luật. Vạ tuyệt-thông là một tổng-hợp những biện-pháp phạt vạ của Giáo-hội, là một sự hạn-chế tư-cách thành-viên trong Giáo-hội. Những người nói trên không bị hình phạt này. Họ vẫn là thành-viên của Giáo-hội, vì đang ở trong một tình-trạng quá đặc-biệt nên không thể rước lễ , nhưng về mặt pháp-lí họ không bị vạ tuyệt-thông. Trong một thế-giới càng ngày hôn-nhân càng đổ-vỡ nhiều, thì rõ-ràng vấn-đề trở thành một gánh nặng lớn, không thể chối-cãi điểm này.
Nhưng tôi nghĩ gánh nặng đó người ta có thể gánh nổi, khi thấy có những người khác cũng không được rước lễ. Vấn-đề sở-dĩ trở thành nỗi khổ tâm là vì người ta coi việc rước lễ là một nghi-thức xã-hội mà nếu mình không tham-dự thì sẽ bị bẽ mặt. Nếu người ta nhận-thức được và tự nhủ rằng, tôi đã phạm một lỗi-lầm, nên trong hoàn-cảnh hiện tại tôi không thể lên rước lễ, và nếu, như thánh Phao-lô nói, biết phân-biệt thân-thể Chúa Ki-tô như thế, lập-tức người ta sẽ có cái nhìn khác. Đó là một điều-kiện. Điều-kiện thứ hai là họ phải cảm được rằng Giáo-hội dù vậy vẫn chấp-nhận họ và cùng đau-khổ với họ.
Hỏi: Nghe như một ước nguyện rất đẹp, nhưng quá viễn-vông.
Dĩ-nhiên, điều đó cũng phải được thể-hiện ra trong đời sống của một cộng-đoàn. Ngược lại, khi mình vì ơn-ích cho Giáo-hội và nhân loại chấp-nhận sự từ-chối, thì lúc đó mình đang thực-sự làm chứng cho tính-cách đặc-biệt của hôn-nhân. Ở đây có một điểm tôi tin là rất quan-trọng: Ta sẽ nhận ra rằng đau-khổ và từ-chối có thể là một cái gì tích-cực và ta phải tìm ra một liên-hệ mới với chúng. Kết cục, ta sẽ ý-thức được rằng không rước lễ chúng ta vẫn có thể hiệp-thông dâng lễ, có thể tham-dự bí-tích Thánh-thể một cách ơn-ích và ý-nghĩa. Chuyện đó vẫn còn là vấn-đề khó-khăn, nhưng tôi nghĩ, nếu một số yếu-tố liên-hệ được xếp đúng chỗ thì mọi sự sẽ có thể chịu-đựng dễ hơn.
Hỏi: Dù sao đi nữa linh-mục chủ tế vẫn đọc: “Phúc cho những ai được mời tới bàn tiệc của Chúa”. Như vậy, những người khác phải tự cảm-thấy là vô phúc?
Rất tiếc việc dịch-thuật đã không rõ-ràng. Câu trên không ám-chỉ trực-tiếp tới phép Thánh-thể. Nó được rút ra từ sách Khải-huyền và ám-chỉ lời mời tới tiệc cưới đời-đời mà phép Thánh-thể là một hình-ảnh. Như vậy, những ai lúc này không thể rước lễ, thì không phải vì thế mà bị loại khỏi tiệc cưới đời-đời. Như thế có thể nói đây là cuộc tự vấn lương-tâm để tôi nghĩ đến có ngày xứng-đáng với bàn tiệc này và tôi rước lễ lúc này trong tâm-trạng hướng về bàn tiệc đó. Câu trên là lời cảnh-báo, không riêng gì cho những ai không thể rước lễ, là hãy nghĩ tới con đường phải đi để có ngày được nhận vào bàn tiệc vĩnh-cửu. Và biết đâu, vì họ đã chịu khổ-đau nên có thể được tiếp-nhận nồng-hậu hơn.
Hỏi: Vấn-đề này hãy còn bàn-thảo hay đã được giải-quyết dứt-điểm rồi?
Trên nguyên-tắc đã dứt-điểm, nhưng dĩ-nhiên luôn có thể có những vấn-đề cụ-thể, riêng-lẻ. Chẳng hạn, trong tương-lai có thể có những xác-định không cần toà án, rằng hôn nhân trước đã không thành sự. Chuyện này có thể được trao cho các linh-hướng có kinh-nghiệm tại địa-phương xác-nhận. Việc đơn-giản hoá pháp-lí đó có thể xẩy ra. Tuy nhiên, nguyên-tắc căn-bản thì vẫn hoàn-toàn không thay-đổi, nghĩa là hôn-nhân không thể bị tháo gỡ, những ai đã từ-bỏ bí-tích hôn-nhân thành sự để bước vào một cuộc hôn-nhân khác thì không được rước lễ.
Hỏi: Có một điểm luôn được bàn đi bàn lại: Giáo-hội cần vớt lại những gì từ truyền-thống và nên loại bỏ đi những gì? Làm sao quyết-định chuyện đó? Có phải đã có một bảng với hai cột: Bên phải là những gì cần giữ, bên trái là những gì cần đổi mới?
Không, không có chuyện quá đơn-giản như thế đâu. Nhưng trong truyền-thống có những điểm không đồng cân như nhau. Trước kia, trong thần-học người ta nói về những cấp-bậc của sự chắc-chắn và đấy chẳng phải là chuyện ngược đời lắm. Nhiều người cho rằng nên quay lại nó. Cụm từ cấp-bậc chân-lí cũng có nghĩa theo hướng đó: nghĩa là mọi chuyện không đồng cân như nhau, có những cái cơ-bản như các quyết-định quan-trọng của công-đồng cũng như những điều đã được ghi trong kinh Tin-kính, đó là kim chỉ nam và vì vậy thuộc về nền-tảng cốt-yếu. Ngoài ra còn có những nhánh phụ, tuy cũng liên-kết với nhau và thuộc vào một thân cây, nhưng không phải tất-cả đều quan-trọng như nhau. Bản-sắc của Giáo-hội có những điểm nhận dạng, Giáo-hội không cứng đọng nhưng sống-động, luôn trung-thành với chính mình trong tiến-trình phát-triển.
TRUYỀN CHỨC CHO PHÁI NỮ
Hỏi: Cả chuyện truyền chức cho phái nữ cũng đã bị từ-chối dứt-khoát, một cách “bất khả ngộ”. Mùa thu 1995 Giáo-chủ lại xác-nhận: “Chúng ta không có quyền sửa đổi điểm này”. Đây lại là một luận-chứng nại vào lịch-sử. Nếu qủa đúng như thế thì đã không thể có một Phaolô, vì mọi cái mới sẽ loại bỏ đi những cái cũ được coi là linh-thiêng và Phao-lô đã đưa ra những cái mới. Câu hỏi được đặt ra: Người ta có thể vứt bỏ quy-luật nào và khi nào? Phải xử-sự ra sao với cái mới? Và: Rút ngắn lịch-sử vào một giai-đoạn và gán cho nó giá-trị thần-thánh không được phép thay-đổi, phải chăng là làm- một việc không phù-hợp với tự-do của kitô-hữu?
Tôi thấy cần phải làm rõ thêm một số điểm. Trước hết, thánh Phao-lô đã nhân danh đức Ki-tô chứ không tự mình tạo ra cái mới. Và ngài cũng nói rất rõ là ai công-nhận mạc-khải cựu-ước mà đồng thời lại tự ý sửa đổi đi một số điểm thì người đó đã hành-xử không đúng. Cái mới có thể xuất-hiện, vì Thiên Chúa đã đặt sẵn cái mới trong đức Kitô. Và với tư-cách là người phục-vụ cái mới đó, thánh Phao-lô hiểu rằng không phải ngài đã nghĩ ra nhưng nó phát-xuất từ cái mới trong đức Giê-su Kitô. Cái mới đó gắn liền với đức Ki-tô và Phao-lô đã rất khắt-khe ở điểm này. Nếu Ông nhớ lại đoạn tả về bữa tiệc li, Ông thấy Phao-lô nói rõ: “Chính tôi đã nhận được điều mà tôi đang kể lại cho anh em”, và ngài giải-thích rõ-ràng ngài gắn-bó với những gì mà Chúa đã làm trong đêm cuối và những gì ngài đã được nghe truyền lại. Hoặc về thông-điệp phục-sinh, thánh-nhân đã nói: Điều đó tôi đã được nhận-lãnh và chính tôi cũng đã gặp Ngài. Và chúng tôi, và tất-cả chúng tôi đều giảng-dạy anh em như thế; ai không làm điều đó thì tự mình tách khỏi đức Kitô. Phao-lô phân-biệt rất rõ giữa cái mới đến từ đức Ki-tô và việc ngài gắn bó vào đức Kitô, chính sự gắn-bó đó đã cho phép ngài thực-hiện cái mới kia. Đó là điểm một.
Điểm thứ hai là quả thực trong mọi lãnh-vực tất-cả những gì không thực-sự được qui-định bởi Chúa hoặc qua truyền-thống từ các tông-đồ đều thay-đổi liên-tục cho tới ngày nay. Bởi thế vấn-đề chính là: Giáo-huấn đó có thật do Chúa dạy hay không? Căn-cứ vào đâu để biết là do Chúa? Khi xác-nhận câu trả lời của Bộ tín-lí về vấn-đề truyền chức cho nữ giới, giáo-chủ Gio-an Phao-lô II đã không đưa ra một tuyên-bố không sai lầm mới nào cả, ngài chỉ muốn xác-định lại là về vấn-đề này Giáo-hội xưa nay và các giám-mục khắp nơi đã và đang dạy và tuân-giữ như thế. Công-đồng Vatican II nói: Cái gì đã được các giám-mục qua thời-gian rất lâu cùng dạy và hành-động như thế, cái đó không sai lầm, nó biểu-lộ một ràng-buộc không do các ngài tự tạo ra. Câu trả lời đã căn-cứ trên đoạn văn công-đồng đó (Hiến-chế Ánh sáng muôn dân 25). Vì thế, như đã nói, câu trả lời trên không phải là một giáo-huấn không sai lầm do giáo-chủ xướng-xuất, nhưng là một ràng-buộc dựa trên sự tiếp nối của truyền-thống. Mà, thật sự, sự tiếp-nối nguồn-gốc này là chuyện quan-trọng. Đó không phải là chuyện mặc-nhiên. Các tôn-giáo cổ xưa đã có nữ linh-mục, và trong các phong-trào ngộ-giáo cũng vậy. Gần đây một nhà nghiên-cứu người Ý đã khám-phá ra vào khoảng thế-kỉ thứ 5, 6 ở miền nam Ý có xuất-hiện nhiều nhóm cắt-đặt nữ linh-mục, nhưng các giám-mục và giáo-chủ đã can-thiệp ngay. Truyền-thống không xuất-phát từ môi-trường, nhưng từ trong lòng Giáo-hội.
Tôi muốn thêm ở đây một điều khá thích-thú đối với tôi. Đó là một chẩn-đoán do bà Elisabeth Schüssler-Fiorenza đã đưa ra về đề-tài này. Bà là một trong những người Công giáo tranh-đấu cho nữ quyền nổi danh nhất. Bà là người Đức, một nhà chú-giải Kinh thánh tên-tuổi. Bà học khoa này ở Münster, ở đó bà đã kết hôn với một người lai Mỹ và Ý tên Fiorenza, hiện bà đang dạy học ở Hoa-kì. Thoạt tiên bà hăng-say tranh-đấu để nữ giới được truyền chức, nhưng giờ đây bà bảo mục-tiêu đó sai. Kinh-nghiệm với các nữ mục-sư Anh-giáo đã đưa bà tới nhận-thức: ordination is not a solution, phong chức không phải là một giải-đáp, đó không phải là điều chúng tôi muốn. Bà nói: ordination is subordination, truyền chức là tùng-phục, nghĩa là xếp-đặt vào trật-tự và phục-tùng, chính đây là điều chúng tôi không muốn. Chẩn-đoán của bà rất đúng.
Bước vào một “Ordo” (chức) luôn có nghĩa là bước vào một liên-hệ trật-tự và phục-tùng. Bà Schüssler-Fiorenza nói, mục-tiêu của phong-trào giải-phóng phụ-nữ chúng tôi là không muốn bước vào Ordo, vào Subordo, một “subordination”, chúng tôi trái lại muốn vượt lên trên chính hiện-tượng đó. Bà tiếp, cuộc tranh-đấu của chúng tôi bởi thế không được nhắm tới truyền chức cho phái nữ, làm thế là sa ngay vào lỗi-lầm, nhưng chúng tôi phải nhắm tới bãi-bỏ truyền chức, để Giáo-hội trở thành một xã-hội gồm những người bình đẳng , trong đó chỉ có “schifting leadership” tức thay phiên nhau lãnh-đạo. Quả bà đã nhìn đúng nếu đi từ những lí-do nội-tại của tranh-đấu cho việc truyền chức phái nữ, mà thực ra là vấn-đề tham-gia quyền-lực và muốn thoát khỏi lệ-thuộc. Bởi thế thực ra phải nói, đàng sau đó ẩn-chứa một câu hỏi: Chức linh-mục thực ra là gì? Có một bí-tích hay chỉ nên có một sự lãnh-đạo tiếp-nối, trong đó không ai được phép ôm vào mãi “quyền-lực”? Tôi tin rằng những thảo-luận trong tương-lai có lẽ sẽ mang lại ít nhiều thay-đổi theo chiều-hướng này.
Hỏi: Những câu hỏi chúng ta vừa bàn, từ nhiều năm nay cứ rộ lên với lúc ít lúc nhiều tiếng vang trong dân-chúng. Ngài nhận-xét thế nào về những việc làm như các cuộc trưng-cầu ý-kiến tín-hữu ở Đức?
Tôi đã đề-cập tới một số điểm khi ta bàn về tình-hình Giáo-hội ở Ý và các nước khác rồi. Tôi cho rằng những nhận-xét của giáo-sư Metz đúng trong nhiều điểm. Nếu tôi không lầm thì ông ấy coi những chuyện hô-hào kia chỉ là việc lo chữa-trị triệu-chứng bên ngoài mà thôi, còn điểm then-chốt thì đã chẳng ai nói tới. Theo ông, cái điểm đó chính là cuộc “khủng-hoảng Thiên Chúa”, một cụm từ có lẽ không được chỉnh lắm, nhưng đã nói lên chính-xác cốt-lõi vấn-đề. Trước đây, lúc bàn về đồng-thuận của xã-hội tân-tiến ngày nay chống lại đức tin, tôi đã mô-tả nó như sau: Thiên Chúa, nếu có thực, thì cũng chẳng được coi ra gì. Nếu người ta sống như thế, Giáo-hội sẽ trở thành một câu-lạc-bộ, cứ phải tìm cho mình những mục-tiêu và ý-nghĩa mới để thay-thế. Và rồi người ta đâm ra bực mình về tất-cả những gì không thể giải-thích được nếu không có Thiên Chúa. Như vậy, chính điểm cốt-yếu thì lại bị loại ra ngoài. Tôi nhớ giáo-sư Metz cho hay là những đòi-hỏi trong các cuộc trưng-cầu đã được thực-hiện trong các giáo-hội Tin-lành. Mặc dầu thế họ vẫn không tránh được khủng-hoảng. Và giáo-sư đã nói đại-khái, tại sao chúng ta lại muốn trở thành một bản sao của Tin-lành. Tôi hoàn-toàn đồng ý với ông ấy.
Hỏi: Ở đây rõ-ràng người ta đang muốn lập nên một Ki-tô giáo cho văn-hoá phóng-khoáng phương tây, một loại đức tin thế-tục, đổ đồng lộn-nhào nhiều chuyện. Thứ văn-hoá này, thật ra chẳng liên-hệ gì tới bản-chất Ki-tô giáo hoặc Công giáo, nhưng xem ra lại khá lôi-cuốn. Người ta có cảm-tưởng, ít ra từ quan-điểm thần-học, giáo-quyền hầu như không tìm ra điều gì để bắt-bẻ trào-lưu triết-học đặc-biệt tiêu-biểu qua Eugen Drewermann này.
Đợt sóng Drewermann, như ông thấy, đã êm rồi. Những gì linh-mục ấy thuyết-giảng cũng chỉ là một biến dạng văn-hoá chung, cảm-hứng từ một đức tin bị tục-hoá mà ông đã đề-cập. Tôi muốn nói, người ta không muốn thiếu tôn-giáo, nhưng tôn-giáo chỉ được phép hiện-diện và không được phép đòi-hỏi gì nơi con người. Người ta muốn nắm được cái bí-nhiệm của tôn-giáo, nhưng đồng thời lại muốn tránh-né những gánh nặng của niềm tin. Các hình-thái muôn vẻ của cái tôn-giáo mới đó, cái tôn-giáo tính cũng như triết-lí của nó ngày nay được gộp vào hai chữ New Age. Mục-đích nhắm tới là một loại liên-hiệp huyền-bí với nguyên-lí thần-linh của vũ-trụ, để đạt đích đó phải cần đến nhiều kĩ-thuật khác nhau. Qua đó người ta tin có thể cảm-nghiệm tôn-giáo dưới hình-thức cao-đẹp nhất và đồng thời hoàn-toàn không đi ra ngoài hình-ảnh khoa-học của vũ-trụ. Đứng trước trào-lưu này đức tin Ki-tô giáo trở nên có vẻ cầu-kì, chắc-chắn nó gặp khó-khăn. Nhưng may thay đã không thiếu những đầu-óc ki-tô giáo và những mẫu gương sống đạo lớn trong thế-kỉ chúng ta. Nơi họ, chúng ta thấy sự hiện-diện của đức tin Ki-tô giáo và thấy đức tin đó giúp con người sống trọn nghĩa cuộc đời. Do đó nơi thế-hệ trẻ đã trổi lên những lối sống ki-tô giáo một cách quyết-liệt, cho dù đó không thể trở thành một phong-trào tập-thể, rộng lớn.
Hỏi: Những “điệp-khúc chỉ-trích” chúng ta thảo-luận trên đây chẳng dễ gì dập tắt được. Vậy phải làm sao? Có thể gạt tất-cả chúng sang một bên? Liệu có ngày nào ta sẽ thoát của nợ này?
Chắc-chắn chúng sẽ mất tính-cách khẩn-cấp, khi người ta hết coi Giáo-hội như một đích điểm, như một mục-tiêu tự-tại hay một nơi để đạt quyền-lực, khi người ta lại xác-tín sống đời độc-thân trong đức tin kiên-cường, khi người ta xem tiêu-đích của Ki-tô giáo là cuộc sống đời-đời chứ không phải là tụ nhau lại thành nhóm để thi-thố quyền-lực. Tôi xác-tín rằng, vào một ngày nào đó, khi có một chuyển-biến tinh-thần xẩy ra, thì tính-cách cấp-bách của những câu hỏi trên sẽ đột-ngột biến mất, cũng như chúng đã đột-ngột xuất-hiện, Bởi vì kì-cùng những câu hỏi đó chẳng phải là những vấn-nạn thực sự của con người.
________________________
[1] Metz: Linh-mục và nhà thần-học tên-tuổi Đức, tư-tưởng thần-học chính-trị của ông có ảnh-hưởng nhiều trên phong-trào thần-học giải-phóng.
[2] 1870: Là năm công-đồng Vatican I chuẩn-nhận tín-điều không sai-lầm.
[3] “Chúng tôi là nhân dân”: Khẩu-hiệu của người dân Đông Đức trước đây đưa ra để chống lại chính-quyền cộng-sản.