Muối Cho Đời (Hồng Y Joseph Ratzinger – ĐGH Bênêđictô XVI)

 

Muối Cho Đời: Chương 2 : Những vấn-đề của giáo-hội Công giáo
2.4 Các Nguyên Nhân Suy Tàn

Hỏi: Tại sao khủng-hoảng của Giáo-hội lại có thể trở nên nghiêm-trọng đến thế? Tôi muốn hỏi về những nguyên-nhân, rất có-thể phải tìm từ bên ngoài Giáo-hội?

Kể từ thời Ánh-sáng đã hình thành một phong-trào lớn coi Giáo-hội là lỗi thời. Lối suy-nghĩ tân-thời càng mạnh thì khuynh-hướng này càng trở nên cực-đoan. Dù trong thế-kỉ 19 có những trào-lưu quay ngược lại, song nhìn chung, phong-trào chống Giáo-hội vẫn tiếp-tục đi lên. Những gì chứng-minh được bằng khoa-học đã trở thành chuẩn-mực tối cao. Vì thế, thế-giới tân-thời đã đề ra một chỉ-thị – rất rõ nét nơi nhà thần-học Bultmann – mang tính-cách cực-kì giáo-điều và loại-trừ mọi tác-động của Chúa vào trần-thế cũng như mọi phép lạ và mạc-khải. Theo đó, con người có thể có tôn-giáo, nhưng tôn-giáo là chuyện chủ-quan và vì thế không mang nội-dung khách-quan, không mang tính giáo-điều bó-buộc cho mọi người; cũng thế, tín-điều là thứ gì mâu-thuẫn với lí-trí con người. Giáo-hội đang đứng trước cơn gió chướng lịch-sử đó – nếu muốn nói như thế – và cơn gió đó vẫn thổi không ngừng.

Nhưng quan-điểm cực-đoan của thời Ánh-sáng cũng không tránh khỏi một chiều, vì một tôn-giáo, khi bị hạn-chế vào cái thuần-túy chủ-quan, sẽ mất sức sáng-tạo, mà chỉ còn là chủ-thể tự xác-định chính mình. Cái lí-trí thuần-tuý bị giới-hạn bởi khoa-học thực-nghiệm cũng không thể trả lời được những câu hỏi cơ-bản: Ta từ đâu tới, tôi là ai, tôi làm sao để sống cho ra sống, tôi sinh ra đời để làm gì? Những câu hỏi đó nằm trên một bình-diện khác ngoài lí-trí. Và cũng không thể để mặc cho chủ-quan thuần-tuý hoặc sự phi-lí trả lời những câu hỏi đó. Vì vậy, trước mắt, Giáo-hội sẽ chẳng còn đơn-giản là mẫu sống cho cả một xã-hội; trong tương-lai gần, sẽ không có một thời Trung-cổ[1] nữa. Giáo-hội sẽ luôn là một phong-trào bổ-túc, nếu không nói là luồng gió chướng chống lại vũ-trụ-quan hiện-hành, nhưng đồng thời Giáo-hội sẽ luôn chứng-tỏ vai-trò cần-thiết và có lí của mình, nhìn dưới con mắt người đời.

Vào cuối thời Ánh-sáng, trước cuộc cách-mạng Pháp, người ta cũng đã hô: này là lúc Giáo-chủ, Đạt-lai Lạt-ma của thế-giới Ki-tô giáo, phải biến đi, để cho thời-đại lí-trí bắt đầu. Quả thật ngài đã vắng đi trong thời-gian ngắn khi lưu-đày ở Pháp. Nhưng ngai vị giáo-chủ trong thế-kỉ 19 đã mạnh hơn như chưa bao giờ thấy. Và Ki-tô giáo thế-kỉ 19 dù không có sức mạnh và bộ mặt của thời Trung-cổ, nhưng đã trở nên đẹp hơn rất nhiều qua các công-tác xã-hội vĩ-đại đem lại những hậu-quả lớn-lao. Trong nhãn-quan đó, sẽ luôn tồn-tại hai trào-lưu và lực mạnh, biệt-lập nhau, nhưng luôn phải tìm đến nhau. Hoàn-cảnh mới của thế-giới làm đức tin thêm phức-tạp và quyết-định tin Chúa có tính-cách cá-nhân hơn và khó-khăn hơn, nhưng hoàn-cảnh đó không thể bỏ qua Giáo-hội, coi nó như đồ cổ được.

Hỏi: Ngày nay Giáo­-hội có thêm nhiều đối-thủ cạnh-tranh, người ta so-sánh cân-nhắc và tìm những nơi nương-tựa mới. Đối với những thế-hệ trước đây có lẽ việc duy-trì sức mạnh niềm tin dễ-dàng hơn, vì họ coi đạo của họ là đạo của tiền nhân, đã được thử-thách, không cần thắc-mắc thêm. Ngày nay một nỗi dè-dặt tận nền-tảng đã nhập vào mối tương-quan này. Một loại tín-điều thời mới và trần-tục xuất-hiện, cho là Giáo-hội đặt nền trên sự áp-bức và quyền-hành. Ngày nay con người được khai-hoá và nhà-nước được tục-hoá, vậy ngôi sao Giáo-hội bắt đầu lặn đi là điều hoàn-toàn hợp lí.

Ở đây tôi muốn nói hai điều: Trước hết, kinh-nghiệm trong các hệ-thống áp-bức cho thấy rằng Giáo-hội không để bị đồng-hoá vào một vũ-trụ quan nhất-thống, vẫn tồn-tại như một đối-lực và là một cộng-đồng hoàn-vũ, một sức mạnh chống lại sự áp-bức. Chưa thời nào cho thấy Giáo-hội tạo được một lực đối-kháng chống lại mọi guồng máy thế-tục, chính-trị và kinh-tế áp-bức như trong thế-kỉ 20 này. Nó cung-ứng cho con người một không-gian tự-do và dựng rào cản cuối cùng chống lại đàn-áp. Các vị tử-đạo đã luôn nêu gương chịu-đựng những thử-thách đó vì tha-nhân. Giáo-hội là một yếu-tố của tự-do, điều này thấy rõ ở Đông Âu cũng như ở Trung-quốc, nhưng cũng cả ở Nam Mỹ và Phi châu. Giáo-hội là một thành-tố của tự-do, chính vì Giáo-hội có hình-thức cộng-đoàn, nghĩa là có sự nối-kết cộng-đoàn với nhau. Bởi thế, nếu tôi đứng lên chống lại độc-tài, tôi không chỉ hành-động với tính-cách cá-nhân, mà còn làm vì một lực bên trong vượt trên cái tôi riêng-tư và cái chủ-quan của tôi.

Điều thứ hai. Có một ý-thức hệ cho rằng mọi chuyện trên đời đều qui về thái-độ quyền-lực. Ý-hệ này đang làm hỏng nhân loại và phá-hoại Giáo-hội. Lấy một thí-dụ cụ-thể: Nếu tôi nhìn Giáo-hội dưới khía-cạnh quyền-lực, thì bất cứ ai không có chức-phận đều là kẻ bị đàn-áp. Từ đó suy ra thì việc truyền chức cho phụ-nữ, chẳng hạn, trở thành một vấn-nạn nóng-bỏng, vì nó là chuyện quyền-lực, cần phải có chức phẩm để có quyền. Tôi nghĩ ý-hệ nhìn đâu cũng nghi có dính-dáng tới quyền-lực đang phá vỡ sự đoàn-kết không những trong Giáo-hội mà của cả cuộc sống con người. Nó còn đưa tới một lối nhìn hoàn-toàn sai, rằng quyền-lực là mục-tiêu tối-hậu trong Giáo-hội; rằng quyền-lực là yếu-tố duy-nhất cắt-nghĩa cho sự hình thành và tồn-tại của thế-giới, của cộng-đồng. Chúng ta không hiện-diện trong Giáo-hội để thi-thố quyền-lực trong một tổ-chức. Nếu việc tham-gia Giáo-hội có một ý-nghĩa, thì đó chỉ vì nó cho ta sự sống đời-đời và một cuộc sống chân-chính đích-thực. Mọi thứ khác đều là thứ yếu. Nếu không phải thế thì cả cái “quyền-lực” trong cái « hội » Công giáo cũng chỉ là thứ tuồng chèo hoàn-toàn phi lí. Tôi nghĩ chúng ta phải thoát ra khỏi ý-hệ quyền-lực và sự giản-lược này, nó thoát-thai từ thái-độ nghi-ngờ của chủ-nghĩa mác-xít.

Hỏi: Giáo-hội đã tạo ra vô số những cấm-đoán, như một loại luật-lệ giao-thông, để điều-tiết vận-tốc cuộc sống. Trong khi đó Đợt sống mới (Lifestyle) thì lại ra hiệu cho ta tại các ngã tư đường : « Mày được phép nhấn ga, tăng tốc ». Trong cơn say cảm-giác khoái-lạc vội-vã này tôn-giáo chỉ còn được xã-hội chấp-nhận như một giấc mơ hạnh-phúc không có khổ-đau, như một phù-thủy huyền-bí. Có lẽ Giáo-hội đã bị chỉ-trích nặng-nề và đã không lợi-dụng được luồng sóng tâm-linh này vì Giáo-hội đưa ra đòi-hỏi, vì Giáo-hội nói tới tội-lỗi, khổ-đau, phải sống sao cho công-chính.

Chỉ cần một thí-dụ cho tương-quan lạ-lùng đó: Trên bình-diện quốc-gia, mỗi khi hành-động phạm pháp gia-tăng và xã-hội cảm thấy an-ninh bị đe-doạ thì người ta đòi phải ra thêm luật. Đối với Giáo-hội thì ngược lại, người ta đòi phải thả lỏng thêm, dù rằng luật giáo-hội chỉ có tính-cách luân-lí.

Trong cái nhìn về thế-giới hôm nay có hai tư-tưởng đã trở thành chỉ-đạo, đó là tự-chủ và chống quyền-bính. Hai tư-tưởng này trổi-vượt không kém quan-điểm quyền-lực trên đây. Cả hai hoà-quyện làm một với nhau tác-động thực-sự lên cuộc sống cộng-đoàn của con người. Hậu-quả thật rõ-ràng: Khi một chủ-thể tự-chủ có tiếng nói quyết-định tối-hậu, thì đương-nhiên nó sẽ có thể muốn mọi sự. Nó sẽ muốn ôm tối-đa những gì có thể vơ vào trong cuộc sống. Tôi nghĩ đó là vấn-nạn rất lớn cho cuộc sống hôm nay. Người ta nói, cuộc sống quá phức-tạp và ngắn-ngủi, nên tôi phải bằng mọi cách hưởng-thụ tối đa, không ai được cản-ngăn tôi. Trước hết, tôi phải giật cho được cái phần của tôi trong cuộc sống, phải có thể thực-hiện được chính cái tôi và không ai được phép dây mình vào đó. Ai cản tôi trong việc chiếm-hữu cuộc sống, kẻ đó là thù của tôi.

Các tài-liệu của hai hội-nghị liên-hiệp-quốc ở Cairô và Bắc-kinh hé cho ta thấy cái vũ-trụ-quan trên. Con người ở đây được quan-niệm hoàn-toàn như một cá-thể, nó chỉ là mình nó thôi. Mối tương-giao giúp con người trở thành người đã bị tước-đoạt. Con người ngày nay đòi tự mình quyết-định cho chính mình, đòi chiếm-hữu tối-đa cuộc đời bằng mọi cách, và không muốn để cho ai cản-ngăn cả. Quan-niệm như thế thì dĩ nhiên câu “Mày không được làm thế” – “Mày phải tuân-phục những mực-thước bên ngoài mày nữa” trở thành một thứ đòn tấn-công từ ngoài và con người tìm cách chống lại. Rốt cuộc ở đây lại nổi lên câu hỏi căn-bản cần thảo-luận: Con người làm sao để hạnh-phúc? Nó phải sống ra sao cho phải lẽ? Có thật nó sẽ hạnh-phúc khi chỉ có nó được phép, khi chỉ có nó là chuẩn-mực cho chính nó?

Mới đây tôi có nói chuyện với bạn-bè về chuyện dân vùng Fracasti này đang bước vào mùa tỉa nho. Nho chỉ cho trái nhiều khi chúng được tỉa cành mỗi năm. Việc tỉa cành như thế là điều-kiện đem lại thu-hoạch cao. Qua Tin-mừng Gio-an đoạn 15 ta thấy rõ sự so-sánh hình-ảnh này với đời sống con người và cộng-đồng Giáo-hội. Không có can-đảm tỉa, nho mọc chỉ toàn lá. Nếu áp-dụng hình-ảnh đó cho Giáo-hội thì rồi chỉ có giấy và giấy, chẳng sự sống nào nảy-sinh được. Nhưng ta hãy lấy lại lời của đức Kitô, Ngài nói : Quả thật, nếu ngươi cho rằng, ngươi phải chiếm-hữu chính ngươi và ngươi tự bảo-vệ ngươi, thì ngươi tự làm ngươi hư-hỏng. Bởi ngươi không được tạo nên như một hòn đảo cho riêng mình, chỉ tựa trên chính mình, nhưng ngươi được dựng nên để yêu, để cho, để từ-bỏ, để bị tỉa cái tôi của ngươi đi. Chỉ khi ngươi từ-bỏ, chịu để mất cái tôi của ngươi như đức Ki-tô nói, lúc đó ngươi mới được sống.

Quyết-định nền-tảng này phải được nêu lên rõ-ràng, nó được gắn liền với tự-do con người. Nhưng cũng cần phải ý-thức rõ rằng sống mà chỉ yêu-sách không thôi là một công-thức sống sai-lầm. Chối-bỏ khổ-đau và chối-bỏ tính thụ-tạo, nghĩa là không chấp-nhận một mực-thước trên đầu mình, rốt cuộc là chối-bỏ chính tình yêu và điều này sẽ huỷ-hoại con người. Bởi nhờ chấp-nhận đòi-hỏi, chịu để cắt tỉa, con người mới có thể trưởng-thành và đơm hoa kết trái.

Một điểm thường gặp nơi giới trẻ là họ cảm-thấy họ bị yêu-sách quá ít. Việc họ gia-nhập các giáo-phái cực-đoan phần nào có thể giải-thích là họ đi tìm sự an-toàn, muốn được đùm-bọc; nhưng mặt khác cũng có nghĩa là họ muốn được đòi-hỏi. Đâu đó ẩn-tàng trong mỗi con người cái nhu-cầu nó biết chắc: Tôi cần được đòi-hỏi, tôi muốn nâng tôi lên một mức cao hơn nữa, tôi muốn tự cho đi và học chấp-nhận bị mất-mát.

Hỏi: Sự bất đồng giữa đức tin và xã-hội cũng bởi tại xã-hội ngày nay tìm cách khảo-xét xem Giáo-hội, lịch-sử Giáo-hội và giáo-huấn Giáo-hội có còn khả-tín không. Việc làm đó có ngược đời không?

Chẳng ngược đời gì, nếu người ta cố-gắng đạt tới một sự hiểu-biết thấu-đáo nào đó về đức tin. Ngay từ đầu đó cũng là một phần của việc rao-giảng thông-điệp Ki-tô giáo. Đức tin đã chỉ đi vào được trần-thế qua các nhà truyền giáo, vì người ta có thể hiểu được nó và thấy nó rõ-ràng. Phao-lô đã có thể giảng trong các đền thờ không chỉ cho những người Do-thái mà cả cho những kẻ gọi là biết kính-sợ Thiên-chúa, nghĩa là những người ngoại nhưng đã nhận ra Thiên Chúa thật trong tôn-giáo độc-thần Do-thái. Ngài đã soi-sáng họ bằng luận-chứng rằng chỉ với đức Ki-tô thì đạo Do-thái và các tôn-giáo độc-thần có ảnh-hưởng từ Do-thái giáo mới đạt được sự hợp lí. Xem như thế thì cố-gắng của Ki-tô giáo làm cho câu trả lời trở nên sáng-tỏ quả là căn-bản. Tuy nhiên, nếu hiểu ý-niệm khả-tín một cách quá hẹp, đến độ chỉ giữ lại những gì trong Ki-tô giáo phù-hợp với những tập-quán hiện thời của ta trong cuộc sống, thì như thế là ta quá coi nhẹ Ki-tô giáo và chính chúng cũng không còn giá-trị gì.

_____________________

[1] Thời Trung cổ ( khỏang từ 700 tới 1500): làthời Ki-tô giáo cầm cân nẩy mực ở Âu châu.