Muối Cho Đời (Hồng Y Joseph Ratzinger – ĐGH Bênêđictô XVI)

 

Muối Cho Đời: Chương 2 : Những vấn-đề của giáo-hội Công giáo
2.3 Tình Hình nước Đức

Hỏi: Xem ra không ở đâu có nhiều bất ổn, bất đồng và bỏ đạo nhiều như ở Đức và các quốc-gia nói tiếng Đức. Giáo-hội Đức là một trong những giáo-hội giàu nhất thế-giới nhưng nó lại ít ảnh-hưởng trên xã-hội, thua các giáo-hội nghèo hơn trong các nước nghèo hơn. Làn sóng chống-đối Giáo-chủ và giáo-triều Rôma từ Công-đồng Vaticanô I tới nay đã hơn một trăm năm, chưa bao giờ ồn-ào như hiện nay. Chuyện gì đã xẩy ra? Ngài có đau-khổ và lo-lắng cho quê-hương mình không?

Dĩ-nhiên có lo-lắng, vì sự phân-rẽ trong nội-bộ Giáo-hội và vì đâu-đâu cũng thấy đức tin xuống dốc. Một phía là thành-phần cấp-tiến: họ cho rằng các cải-tổ vẫn chưa đủ và tiếp-tục chống vai-trò giáo-chủ và giáo-huấn của ngài. Phía khác là những tín-hữu có thể tạm gọi là ngoan-đạo: nói chung họ cảm-thấy càng ngày càng mất thoải-mái, Giáo-hội không còn là mái nhà ấm cúng của họ nữa, họ đau-khổ và buồn vì Giáo-hội giờ đây không còn là nơi trú-ẩn an-bình, nhưng là sân-khấu cho những tranh-chấp liên-lỉ, khiến chính họ cũng hoang-mang và phản-kháng. Chính sự chia-rẽ nội-bộ này làm ai cũng bất-bình, buồn-rầu với Giáo-hội, đó là điểm làm ta phải lo-lắng. Thêm vào đó là bộ mặt cằn-cỗi của Giáo-hội, chẳng hạn như các dòng tu nữ dần tàn-lụi và các đợt sóng lớn từng mang nhiều ý-nghĩa trong quá-khứ nay càng ngày xem ra càng lỗi thời.

Hỏi: Một số lớn dân-chúng đòi phải tách Giáo-hội ra khỏi nhà-nước nhiều hơn nữa. Có ý-kiến yêu-cầu xoá ý-niệm Thiên Chúa ra khỏi hiến-pháp, bỏ các ngày nghỉ lễ, tục-hoá ngày chủ-nhật, bỏ thuế tôn-giáo. Chuyện có nên treo thánh-giá trong lớp học hay không trở thành vụ tranh-cãi về hiến-pháp.

Làm sao để có một tương-quan đúng-đắn giữa giáo-hội và nhà-nước, câu hỏi này hẳn luôn phải được đặt ra. Bao lâu xã-hội còn chấp-nhận những giá-trị căn-bản Ki-tô giáo như là chỉ-tiêu cho hiến-pháp, bấy lâu còn có thể duy-trì sự liên-hệ tương-đối mật-thiết giữa giáo-hội, nhà-nước và xã-hội, nó còn có ý-nghĩa và không cản-trở tự-do tôn-giáo. Nhưng một khi hết xác-tín về những điểm trên thì sự liên-hệ chặt-chẽ giữa giáo-hội với những định-chế xã-hội có thể trở nên nguy-hiểm. Vì thế, trên căn-bản, tôi không chống lại việc tách-rời rõ-ràng hơn giữa giáo-hội và nhà-nước, khi hoàn-cảnh đòi-hỏi. Sau thế-chiến thứ nhất, Giáo-hội buộc phải tách khỏi các hệ-thống giáo-hội nhà-nước, nhìn chung sự-kiện đó lại tốt cho Giáo-hội. Những liên-hệ quá mật-thiết luôn có hại cho giáo-hội. Vì thế tôi nghĩ các giám-mục tại Đức nên thực-tế cân-nhắc về một mô-hình liên-hệ thích-hợp và xem trong quan-hệ đó điểm nào còn phù-hợp với xác-tín, điểm nào đã đến lúc phải trả lại cho xã-hội. Một cuộc xét lại như thế rất chính-đáng và cần-thiết.

Tôi xin trả lời tiếp các điểm ông nêu ra. Với tôi, rất cần có sự hiện-diện của Chúa trong hiến-pháp, bởi vì đây không phải là chuyện ràng-buộc vào việc tuyên-xưng Ki-tô giáo. Nếu ta hoàn-toàn không chấp-nhận có một khuôn-thước và một thượng-đế ở bên trên ta, thì ta bắt-buộc lại phải thay-thế bằng những ý-thức hệ hoặc để mọi sự tan-rã dần. Một nhà thần-học nặng óc phê-bình như Bultmann cũng đã có lần nói: “Một nhà-nước không Ki-tô giáo thì có thể được, chứ một nhà-nước vô-thần thì không”. Tôi nghĩ là ông ấy có lí trên cơ-bản. Ở đâu không có một khuôn-thước vượt trên những ý-kiến riêng-tư tức-thời của chúng ta, ở đó chuyên-quyền sẽ ngự-trị và con người bị huỷ-hoại.

Những điểm khác, như chuyện thuế tôn-giáo, là những vấn-đề cần suy-nghĩ chín-chắn và thận-trọng.

Hỏi: Đó là vấn-đề nóng-hổi, có thể trả lời thế nào?

Tôi không dám xét-đoán. Theo tôi, nhìn chung, hệ-thống thuế tôn-giáo[1] hiện đang được đa-số khá lớn chấp-nhận, vì người ta công-nhận những đóng-góp xã-hội của hai giáo-hội Công giáo và Tin-lành. Trong tương-lai có lẽ người ta sẽ đi đến gần hệ-thống Ý, ở đó một đàng mức thuế thấp hơn nhiều, nhưng đàng khác người ta duy-trì tính-cách tự-nguyện – điểm này tôi cho là quan-trọng. Ở Ý mỗi người phải tặng khoảng 0,8% lợi-tức của mình cho sinh-hoạt văn-hoá hoặc phúc-lợi, trong đó có giáo-hội Công giáo. Muốn tặng ai tuỳ ý, tuy nhiên ở đây đa-số đều tặng cho giáo-hội Công giáo.

Hỏi: Ngài cảm-thấy thế nào về phán-quyết ở Karlsruhe[2]?

Dĩ-nhiên là tôi khó chịu, bởi vì theo tôi, các luận-chứng của toà-án còn mập-mờ và vì tôi trước sau xác-tín rằng ở Đức hãy còn nhiều đồng-thuận về tính Ki-tô giáo, nên biểu-tượng thập-giá trong học-đường vẫn thực-sự có ý-nghĩa. Tôi cũng khó chịu vì tin rằng sự đồng-thuận của đa-số phải được tôn-trọng. Vì thế, xét trên bình-diện nguyên-tắc dân-chủ, phán quyết không có nền-tảng vững. Phản-ứng cho thấy trên đất-nước chúng ta ý-thức ki-tô giáo vẫn còn, ở mỗi tiểu-bang mỗi khác. Tôi nghe nói rằng trong Hội-đồng giám-mục các giám-mục bang Bayern có cảm-nhận khác với các vị ở bang Mecklenburg-Vorpommern chẳng hạn. Ở Mecklenburg-Vorpommern và một phần lớn vùng bắc Đức đã từ lâu không còn treo cây thập-giá nào nữa. Qua đó ta thấy đây không phải là vấn-đề tín-lí. Việc để người ta giật đi cái biểu-tượng nối-kết chúng ta với nhau một cách dễ-dàng như thế là chuyện tôi thấy hoàn-toàn không đúng. Hơn nữa hiến-pháp Bayern vẫn còn đó, hiến-pháp này rõ-ràng đặt các giá-trị ki-tô giáo làm căn-bản cho nền giáo-dục tại đây.

Hỏi: Người đứng đầu Bộ giáo-lí đức tin có lẽ sẽ nói: Hãy giữ lại thập-giá trong lớp học!

Đúng.

Hỏi: Tại sao loại nấm chia-rẽ lại mọc dễ-dàng ở Đức đến thế? Đất-nước này là đất-nước gì đây, nó bị tà-thần ám-ảnh chăng? Phải chăng chúng ta đã để mất bản-ngã vì lâu nay mải chạy theo hiệu-năng? Grillparzer[3] có lần nói, “Đối với người Đức, Chúa không phải là một thực-thể. Họ kính-trọng Ngài vì coi Ngài là một công-trình của họ, chứ không phải vì họ là công-trình của Ngài”.

Tôi nghĩ chúng ta không nên tự trách mình quá đáng. Cả ở Pháp, Tây-ban-nha, Ý và cả Anh cũng có những trào-lưu bài Ki-tô giáo, nếu muốn nói như thế, và cũng đầy những vấn-đề nội-bộ giáo-hội nổi cộm của họ. Dĩ-nhiên Đức có gánh nặng lịch-sử riêng, gánh này đè rất nặng kể từ 1933/1945. Có gì đặc-biệt ở dân-tộc ta khiến nên nông-nỗi này, câu hỏi thật đáng cho ta suy-nghĩ.

Tôi nghĩ những đức-tính của người Đức và những nguy-hiểm của chúng có liên-hệ chặt-chẽ với nhau. Một đàng chúng ta là một dân-tộc chuộng kỉ-luật, năng-xuất, cần-cù, đúng giờ và nhờ đó quả thực chúng ta đã làm nên chuyện, ngày nay lại trở thành lực-lượng kinh-tế mạnh nhất Âu châu, có đơn-vị tiền-tệ vững nhất. Nhưng những điểm đó cũng đã dễ-dàng đưa ta đến tự-phụ và suy-nghĩ một chiều đề-cao hiệu-năng, lao-động, sản-xuất và kỉ-luật; và vì thế làm thui-chột đi những chiều-kích khác của cuộc sống. Chúng cũng có thể nhiều khi làm ta kiêu-căng đối với các dân-tộc khác, đến độ cho rằng chỉ cái gì là Đức mới thực-sự tốt, những người khác là « loại cẩu-thả » v.v.. Cơn cám-dỗ kiêu-căng và đề-cao hiệu-năng một chiều rõ-ràng đã thành nếp trong lịch-sử Đức, đặc-biệt lịch-sử hiện-đại của Đức, cần phải ý-thức để đương-đầu.

Hỏi: Rõ-ràng không phải chỉ có trong lịch-sử hiện-đại. Nhà văn Stephan Zweig đã một lần thử nhận-diện bản-tính quốc-gia và lòng đạo của dân Đức qua hai khuôn mặt Erasmus thành Rotterdam và Luther. Và ông viết: “Thật hiếm khi vận-mệnh thế-giới tạo nên hai khuôn mặt hoàn-toàn trái ngược nhau như Erasmus và Luther”. Theo tác giả thì đây là hoà-giải chống quá-khích, lí-trí chống đam-mê, văn-hoá chống thô-lỗ, thế-giới mở rộng chống quốc-gia hẹp-hòi, tiến-hoá chống cách-mạng. Ông cho rằng Luther là người “mị-dân và quá-khích trong mọi vấn-đề”. Những tình-cảm bị đè-nén của một dân-tộc nằm trong tay một người tài-ba nhưng quá-khích và hay gây-sự, “toàn-bộ ý-thức quốc-gia Đức hăm-hở vùng lên với tinh-thần cách-mạng chống lại tất-cả những gì có hơi-hám Welsch[4] và hoàng-đế, chống giáo-sĩ, bài ngoại, một nhiệt-tình mờ-ám nhuốm màu xã-hội và tôn-giáo”.

Thế-kỉ Cải-cách đã khoác cho nước Đức một diện-mạo mới và cũng đã định hình phần nào cho lịch-sử tương-lai của nước này. Việc đối-chiếu Luther với Erasmus quả lí-thú, nhưng có lẽ nó hơi một chiều. Nên nhớ rằng Erasmus là một người rụt-rè thiếu cả-quyết và thiếu lập-trường rõ-ràng. Điểm này làm ông chắc-chắn khác xa Luther. Cũng vì thiếu lập-trường nên ông bị phía Công giáo chê-trách kịch-liệt. Erasmus đã dùng cung-cách mà ngày nay chúng ta gọi là hàn-lâm để cố tránh-né mọi quyết-định. Dùng cách đó để lờ đi cái thảm-kịch nhân loại là điều dĩ-nhiên không chỉnh. Nhìn như thế thì không hẳn Erasmus là con người có tư-cách trong-sáng và Luther trái lại có tư-cách tăm-tối, cả hai đều có vấn-đề. Dĩ-nhiên chúng ta cũng phải đặt câu hỏi là qua Cải-cách những điểm mập-mờ nào đã nhập vào tính-tính người Đức ; theo công-tâm thì câu hỏi này phải gắn liền với câu hỏi : Công giáo đã đem đến cho ta những vấn-đề gì. Đây là điểm khiến nước Đức có trách-nhiệm rất đặc-biệt trong vấn-đề đối-thoại đại-kết. Chúng ta không nên dấu-diếm những cái dở – bên cạnh nhiều cái tốt – do Luther mang vào lịch-sử Đức, nhưng không phải từ đó mà được phép tự đề-cao và tranh-biện một chiều.

Hỏi: Trong các cuộc tranh-luận với Giáo-hội hiện nay, rõ-ràng càng ngày người ta càng ít đề-cập tới nội-dung đức tin, tới những đòi-hỏi của tôn-giáo. Mà cũng lạ nữa là các đề-tài xã-hội, nghèo-đói, bần-cùng-hoá, bóc-lột cũng ít được nói tới. Ngài đã có lần nói lên nghi-ngờ về chuyện quá nhiều người đòi-hỏi Giáo-hội phải chạy theo dư-luận hiện-hành, phải chiều theo lối sống dễ-dãi hẹp-hòi của con người thời-đại đang lặn-hụp trong chán-chường buồn-tẻ.

Cứ nhìn vào dư-luận chung thì điều đó đúng. Nhưng có lẽ ta nên mở rộng vấn-đề và nói rằng, nhìn chung, trong các cuộc tranh-luận nội-bộ Giáo-hội, xem ra chúng ta cứ tiếp-tục bám chặt vào một số đề-tài mà bỏ quên đi những thách-đố lớn của thời-đại. Bất cứ đến đâu, trong các cuộc họp giáo-phận hay bất cứ một buổi họp nào khác người ta đều biết trước những câu hỏi sẽ được đặt ra : độc thân linh-mục, truyền chức cho nữ-giới và tái-hôn sau khi li-dị. Dĩ-nhiên đó là những vấn-đề nghiêm-trọng. Nhưng xem ra Giáo-hội cứ luẩn-quẩn với mấy câu chuyện cố-định của chính mình. Người ta quá ít để ý rằng ngoài Giáo-hội có 80% nhân loại không phải là ki-tô-hữu, họ đang chờ được nghe Tin-mừng hoặc là Tin-mừng cũng được dành cho họ. Chúng ta không nên liên-tục tự dày-vò với những chuyện riêng-tư của chúng ta, trái lại nên suy-nghĩ xem ki-tô-hữu chúng ta ngày nay có thể diễn-tả niềm tin của chúng ta ra sao cho thế-giới và có thể nói với họ điều gì.

Trong ý-thức Giáo-hội, ít là tại Đức, đang có sự co-cụm ghê-gớm. Chúng ta chỉ nhìn mình, chỉ luẩn-quẩn nghĩ đến chính mình, chỉ biết than thân và tự ủi-an, muốn xây-dựng một Giáo-hội tươi-đẹp mà không hiểu rằng Giáo-hội hiện-diện không phải là vì chính nó, rằng chúng ta được kí-thác một Lời, Lời đó phải được loan ra cho thế-giới và Lời đó phải được lắng-nghe, Lời đó có thể trao tặng cho thế-giới một cái gì. Chúng ta đã quên mất nhiệm-vụ của mình.

Hỏi: Phải chăng Vatican đã không quan-tâm tới những diễn-biến ở Đức? Người ta có cảm-tưởng Rôma đã không hiểu thấu cái biến-chuyển đáng ngại đó.

Đúng là trong giáo-triều xưa nay có truyền-thống ít dùng tiếng Đức. Người ta thường dùng các ngôn-ngữ la-tinh, nay thêm tiếng Anh. Không thấy nói tiếng Đức. Tuy nhiên ngày nay không thể bỏ qua tiếng Đức và người Đức ở Rôma. Cũng có thể là vì Rôma khó nắm-bắt được toàn-bộ cái đặc-thù của Đức, bởi nó thường gắn liền với những lí-thuyết hàn-lâm tối-tăm, thật khó hiểu cho những ai không sống trong không-khí văn-hoá ấy. Bởi thế việc đối-thoại với Đức không trôi-chảy lắm. Tuy nhiên tôi nghĩ không vội phản-ứng cũng có lợi điểm của nó. Dù thế, tôi nghĩ phải tăng-cường đối-thoại với Hội-đồng giám-mục Đức.

Hỏi: Cuộc khủng-hoảng hiện tại của Giáo-hội mang tầm quan-trọng nào? Có phải đấy là thử-thách lớn nhất từ xưa tới nay? Và cuộc khủng-hoảng này có ý-nghĩa gì đối với thế-giới? Chính ngài một lần đã nói, nếu Giáo-hội biến mất thì một cơn địa-chấn tinh-thần sẽ xẩy ra mà mức-độ kinh-hoàng của nó không thể nào mường-tượng nổi.

Trả lời cho câu hỏi thứ nhất: Tôi không biết. Chỉ biết chắc-chắn đây là một trong những thử-thách rất lớn. Nhưng Giáo-hội cổ-thời cũng đã trải qua hai thử-thách rất nặng-nề. Lần đầu do phái Ngộ-đạo (Gnosis) tạo ra, khi họ biến phụng-vụ và đức tin trong Giáo-hội dần thành các ý-hệ, thần-thoại và ảnh-tượng; tiến-trình đó có vẻ âm-thầm từng bước lây lan ra khắp Giáo-hội. Ngày nay đọc lại lịch-sử, người ta nghĩ rằng thời đó có hai phe, bên này là các nhà Ngộ-đạo và phía kia là các giáo-phụ. Nhưng không phải như vậy, mà cả hai đã hoàn-toàn hoà-nhập với nhau và đã phải mất rất nhiều thời-gian mới làm sáng-tỏ được vấn-đề. Lúc đó cũng đã có nỗ-lực vứt bỏ Kinh thánh Cựu-ước – nỗ-lực này rất dễ hiểu và hấp-dẫn – để chỉ còn qui về mỗi Phao-lô mà thôi. Tóm lại, đó là những phong-trào Tự giác-ngộ vô cùng phức-tạp. Đã thế, quá lắm là vào giai-đoạn ban đầu, đã có một giáo-quyền trung-ương và lẽ ra giáo-quyền này đã giải-quyết ổn-thoả chuyện đó. Nhưng khủng-hoảng chỉ được giải-quyết trong nội-bộ từng bước một. Cũng may, chứ nếu không thì Giáo-hội đã mang một bộ mặt khác rồi. Tôi nghĩ đấy là một khủng-hoảng lớn, xẩy ra vào buổi bình-minh của Giáo-hội, giai-đoạn mà Giáo-hội đang bắt đầu tự hình thành.

Khủng-hoảng thứ hai, tuy không trầm-trọng và lớn như lần trước, nhưng cũng là một thử-thách nặng-nề. Đó là thách-đố do phái Arius[5] gây ra, được Hoàng-đế đôi lúc hỗ-trợ hết mình, bởi vì quan-điểm Arius dễ hợp với lối nghĩ thịnh-hành thời đó. Mô-hình của phái này là : Có một Thiên Chúa và sau đó có đức Ki-tô – vị này giống như Thiên-chúa. Quan-niệm quả rất dễ hiểu. Cả bộ máy nhà-nước ra sức vận-động cho quan-điểm đó. Hàng loạt giám-mục, hàng loạt đại-hội, đã ngã theo nó. Cuối cùng mọi dân-tộc gốc German[6] đều theo Arius, đến độ toàn-thể thế-giới cũ, tức các dân-tộc Roman[7] là Công giáo và thế-giới mới, tức giống dân German, theo phái Arius. Qua đó người ta tưởng có thể dễ-dàng nhận ra cái gọi là mới và tương-lai hướng về đâu.

Tôi nghĩ, cuộc khủng-hoảng trong thế-kỉ 16 (phân-rẽ Tin-lành và Công giáo) cũng nặng-nề, dù rằng nó đã không đánh nhiều vào cội-rễ đức tin, bởi vì hai bên vẫn chấp-nhận những điều tuyên-xưng trong kinh Tin-kính. Nhưng các rối-loạn nội-bộ Giáo-hội thì rất lớn, hơn nữa Tin-lành ngay sau đó lại chia năm sẻ bảy, một phần trong đó là những phong-trào quá-khích.

Nhìn như thế thì khủng-hoảng hiện nay có lẽ không phải là thử-thách lớn nhất từ xưa tới nay, song nó cũng là một khủng-hoảng lớn đánh vào cội-rễ (niềm tin).

_____________________

[1] Thuế tôn-giáo tại Đức đánh trên tổng thuế thu-nhập hàng năm của mỗi người; mỗi tiểu-bang có mức thuế khác nhau ; mức thuế tôn-giáo hiện nay ở bang ‘công giáo’ Bayern là 8%. Thuế này được chính-quyền trích thẳng từ tiền lương của người đi làm rồi chuyển cho Giáo-hội để Giáo-hội sinh-hoạt và trả lương cho giáo-sĩ cùng nhân-viên phục-vụ cho Giáo-hội và trợ-giúp cho các tổ-chức trực-thuộc Giáo-hội, như Caritas, Diakonie… Hiện chỉ có tín-hữu tin lành và công giáo phải đóng thuế tôn-giáo mà thôi.


[2]
 Một phụ-huynh học-sinh ở Đức yêu-cầu nhà trường gỡ cây thánh-giá trong lớp. Nội-vụ cuối cùng đã đưa tới Tối-cao pháp-viện và toà áo đỏ đã phán-quyết thuận cho thầy giáo.


[3]
 Grillparzer (1791-1872): thi-sĩ người Áo.


[4]
 Welsch: Ám-chỉ các dân-tộc vùng Pháp, Ý, Tây-ban-nha có tiếng nói gốc la-tinh.


[5] 
Arius: giám-mục ở Alexandria, sinh khoảng năm 228 mất 336.


[6]
German: Giống dân Ấn-Đức khoảng thế-kỉ thứ 6 trước tây-lịch đã có mặt ở vùng Scandinavien, về sau tràn xuống phía nam và tây nam Âu châu, hiện có mặt ở các quốc-gia bắc Âu, Anh, Đức, Hoà-lan.


[7]
 Roman: Các dân-tộc có tiếng nói gốc la-tinh như Pháp, Ý, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha.