Muối Cho Đời (Hồng Y Joseph Ratzinger – ĐGH Bênêđictô XVI)

 

Muối Cho Đời: Chương 1 : Về con người
1.1 Gốc Gác và Ơn Gọi

Hỏi: Thưa Hồng-y, ngài nghĩ gì về ý-tưởng này: Chúng ta bước vào đời, và những gì muốn biết thì ta đã biết, và ta đã có mặt nơi ta muốn ở?

Xa-vời quá. Tôi không biết câu đó xuất-phát từ đâu. Nhưng theo tôi, con người bước vào đời như là một kẻ dò đường. Aristoteles[1] đã nói – và cả Tôma đất Aquino cũng đã nói – về một thứ bảng trống (tabula rasa), có nghĩa là cả hai cho rằng con người sinh ra tâm-trí vốn như một tấm bảng trắng, chưa sẵn có kiến-thức nào và tâm-trí con người thoạt-tiên chỉ biết thu-nhận mà thôi. Tôi không thoả-mãn lắm với tư-tưởng này. Nhưng vẫn cho rằng con người trước hết bước vào đời như một kẻ dò đường, sẵn-sàng ghi-nhận tất-cả những chỉ-dẫn của đời.

Tôi hơi ngã theo Platon[2]. Nghĩa là cho rằng con người sinh ra đã vốn sẵn có một trí nhớ, có thể nói vốn sẵn có một hoài-niệm về Chúa, nhưng hoài-niệm này phải được đánh thức dậy. Con người chẳng biết mình phải biết gì, và con người cũng chưa hắn là đã có đó toàn-vẹn, nhưng nó đang trên đường hình thành.

Tôn-giáo trong Cựu và Tân-ước nói nhiều về hình-ảnh một dân Chúa đang lữ hành, đúng thế Is-ra-en (Do-thái) quả thực là một dân-tộc lữ-hành. Đây là hình-ảnh về chính sự hiện-hữu của con người. Hình-ảnh này nói lên con người là một một kẻ đang trên đường và đây không phải là con đường giả-tưởng, nhưng trên đường đóthực sự sẽ có chuyện xẩy ra lien-quan đến nó và nó có thể truy-tìm, phát-hiện ra và cũng có thể không nhận ra.

Hỏi: Ngài thường dùng từ “quan-phòng”. Từ đó có nghĩa gì?

Tôi xác-tín rằng Chúa nhìn thấy chúng ta thật-sự và Ngài để cho chúng ta tự-do – nhưng đồng thời Ngài cũng hướng-dẫn chúng ta. Tôi đã từng thấy nhiều điều thoạt-tiên xem ra không hay đẹp, nguy-hiểm, khó chịu nhưng tới một lúc nào đó lại đâu ra đấy. Mình đột-nhiên ngẫm ra như thế là tốt, là đúng đường. Với tôi, điều đó có nghĩa là đời mình không phải là ngẫu-nhiên, song do một kẻ nào đó đã dự-liệu trước, có thể nói đi trước và sắp-đặt cho mình. Tôi có thể chối-từ mà cũng có thể chấp-nhận những điều đó, và rồi thì tôi nhận ra rằng đời mình đã được một ánh sáng “quan-phòng” dẫn lối.

Điều đó không có nghĩa là con người hoàn-toàn bị an-bài, nhưng sự quan-phòng kia chính là một thách-đố đối với tự-do của con người. Cũng giống như dụ-ngôn năm nén bạc. Người nhận bạc đồng thời nhận được một nhiệm-vụ nào đó, nhưng người đó có thể thi-hành cách này mà cũng có thể thi-hành cách khác. Dù sao mỗi người đều mang một sứ-vụ, đều có một khả-năng, không ai là kẻ dư-thừa, vô ích. Mỗi người phải cố nhận ra đâu là ơn-gọi của mình và đáp-ứng theo sức mình ơn-gọi đó một cách tốt-đẹp nhất.

Hỏi: Ngài sinh ngày 16 tháng 4 năm 1927 tại làng Marktl bên bờ sông Inn thuộc vùng Oberbayern. Vào ngày thứ bảy tuần thánh. Một ngày thích-hợp với ngài?

Đúng thế. Tôi thấy ngày đó quả là tốt, chiều hôm trước lễ Phục-sinh, đang tiến dần tới Phục-sinh nhưng Phục-sinh còn đang ẩn mặt, chưa tới. Tôi thấy đó là một ngày ý-nghĩa, một cách nào đó nó hé cho thấy hình-ảnh lịch-sử và hoàn-cảnh của tôi: Đứng trước cửa Phục-sinh, nhưng chưa bước vào.

Hỏi: Cha mẹ ngài tên là Giuse và Maria. Mới bốn giờ sau khi sinh, lúc 8 giờ 30 phút sáng sớm, ngài được rửa tội. Hình như hôm đó có bão tuyết lớn?

Hẳn nhiên tôi chẳng biết chi-tiết đó. Chỉ nghe anh chị tôi kể là hôm đó trời đổ tuyết nhiều và rất lạnh. Dù đã là ngày 16 tháng 4, nhưng thời-tiết Bayern thì ông cũng chẳng lạ gì.

Tuy-nhiên rửa tội mới 4 giờ sau khi sinh không phải là chuyện bình-thường.

Dĩ nhiên. Chuyện là vì đó là ngày thứ bảy tuần thánh – và đó chính là cái làm tôi thích-thú. Thời đó chưa có tục mừng lễ Phục-sinh vào nửa đêm. Phải đợi sáng hôm sau mới có lễ, trong đó nước được làm phép để dùng cho nghi-thức rửa tội suốt cả năm. Và vì có nghi-lễ phụng-vụ rửa tội trong thánh-lễ nên cha mẹ tôi nói: “Đàng nào thằng bé cũng đã chào đời”, nên được ông bà cho rửa tội luôn trong giờ phút trọng-đại đó. Thế là tôi là người được rửa tội đầu tiên bằng nước thánh mới làm phép trong năm. Được sinh ra và rửa tội trong đêm chờ Phục-sinh là một sự-kiện quả thật ý-nghĩa cho tôi.

Ngài lớn lên ở miền quê và là em út trong ba anh chị em. Cha ngài làm cảnh-sát, gia-đình chẳng khá-giả gì. Có lần ngài kể, mẹ ngài phải tự làm lấy xà-bông để giặt.

Cha mẹ tôi cưới nhau trễ, và một trưởng đồn cảnh-sát ở Bayern như cha tôi thì lương không khá. Với đồng lương đều-đặn đó thì chúng tôi không đến nỗi nghèo, nhưng phải sống tiết-kiệm và đơn-bạc. Tôi rất cám ơn cuộc sống này, vì nhờ vậy mà chúng tôi có được những niềm vui mà nếu sống trong sung-túc thì đã không có được. Tôi thường nghĩ về quá-khứ đó; nó đẹp làm sao, vì chúng tôi đã có thể mừng-vui vì những cái rất nhỏ-nhặt và đã luôn cố-gắng sống cho nhau, với nhau. Cuộc sống đơn-bạc về tài-chánh đã liên-kết chặt-chẽ chúng tôi với nhau.

Cha mẹ tôi đã phải tằn-tiện lắm khi lo cho ba anh chị em chúng tôi ăn học. Chúng tôi đã cảm-nhận được điều đó và cố gắng đáp lại, chính qua đời sống thật đạm-bạc đó mà chúng tôi biết đùm-bọc nhau và yêu-thương nhau. Chúng tôi hiểu được nỗi lòng hi-sinh và yêu-thương của cha mẹ đối với chúng tôi.

Chuyện làm xà-bông là một trường-hợp hi-hữu. Không phải vì nghèo mà phải làm, nhưng vì lúc đó đang chiến-tranh, không phải cái gì cũng có thể mua được. Mẹ tôi có học nghề làm bếp và bà là một tay thành-thạo đủ thứ việc, nên đã biết công-thức làm xà-bông. Cũng nhờ tài cán và sáng-kiến của mẹ mà dù sống trong thời buổi khan-hiếm chúng tôi vẫn luôn có được những bữa ăn ngon.

Mẹ tôi rất giầu từ tâm và có nội-tâm rất vững-mạnh. Còn cha thì khá duy-lí và cả-quyết, vững tin, cái gì cũng biết rõ trước và có những quyết-định đúng khác thường. Khi Hitler lên nắm quyền, ông bảo: Chiến-tranh sẽ tới, nay là lúc chúng ta phải có một mái nhà!

Có một người tên là Georg Ratzinger, đã đóng một vai-trò trong lịch-sử đất Bayern.

Đó là ông bác, anh của cha tôi. Ông là một nhà tu, đã đậu tiến-sĩ thần-học. Khi làm dân-biểu tiểu-bang và dân-biểu liên-bang ông đã ra sức tranh-đấu cho quyền-lợi giới nhà nông và bình-dân. Đọc lại biên-bản Quốc-hội tiểu-bang tôi thấy ông chống lại nạn lao-động trẻ con, quan-điểm này thời đó đã chẳng ai nghe và còn coi đó là chuyện lếu-láo. Bác quả là một tay sừng-sỏ. Tất-cả chúng tôi hãnh-diện về việc làm và uy-tín chính-trị của Bác.

Hỏi: Cuộc sống của ngài trong gia-đình như thế nào?

Thứ nhất, vì nghề cảnh-sát của cha, nên chúng tôi luôn phải dời chỗ ở. Chính tôi cũng chẳng còn ý-niệm gì về nơi sinh-quán, làng Marktl. Chúng tôi rời Marktl lúc tôi tròn hai tuổi. Chúng tôi dời về Tittmoning, trú trong một cơ-quan cảnh-sát, trước đây là một nhà-xứ cũ đã xuống cấp ngay giữa phố. Nhà bên ngoài rất đẹp nhưng ở chẳng thoải-mái tí nào. Chúng tôi ngủ trong phòng trước kia là phòng họp, còn các phòng khác thì quá chật. Khá đủ chỗ, nhưng khổ cho mẹ tôi hàng ngày phải khệ-nệ mang củi và than đi lên hai cái cầu thang lớn. Về sau, ở Aschau, chúng tôi sống trong một ngôi nhà đẹp do một nông-dân xây và cho cảnh-sát mướn. So với tiện-nghi của ngày hôm nay thì nhà đó cũng chả thấm vào đâu. Không có bồn tắm, nhưng có nước máy.

Để chuẩn-bị về hưu, cha tôi mua lại căn nhà cũ đơn-sơ của một nông-gia ở Hufschlag gần Traunstein. Thay vì nước máy chúng tôi có một cái giếng rất là lãng-mạn. Một bên nhà là rừng sồi xen lẫn dẻ gai còn một bên là núi, mỗi sáng mở mắt chúng tôi thấy núi trước mặt. Trước nhà chúng tôi trồng táo, mận và mẹ trồng nhiều thứ hoa trong vườn. Đó là một chốn thần-tiên, đất rộng cảnh đẹp. Chúng tôi dệt bao mộng-mơ và đùa nghịch trong nhà kho cũ.

Đó là một thế-giới còn tinh-sơ, chưa bị ai khám-phá. Có cả một phòng dệt cũ, vì người sở-hữu trước chúng tôi là thợ dệt. Phòng-ốc rất đơn-sơ – tôi nghĩ căn nhà được xây năm 1726 – và nhà cần phải sửa-chữa vì nước mưa dột vào khắp nơi. Với chúng tôi, đây là một căn nhà mơ-ước của trẻ con, dù thiếu tiện-nghi. Nhưng với cha và mẹ tôi thì chẳng thú-vị lắm, vì phải lo tiền sửa và hàng ngày phải nặng-nhọc kéo nước từ giếng lên. Nhưng chúng tôi đã trải qua những ngày thiên-đàng ở đó. Chỉ cần đi bộ độ nửa tiếng là tới phố. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi luôn có dịp di-động luôn. Chúng tôi chẳng cảm thấy thiếu-thốn tiện-nghi gì, trái lại được hạnh-phúc, tự-do và phiêu-lưu trong căn nhà cũ nhưng ấm tình người này.

Hỏi: Giáo-dục của cha mẹ khá nghiêm-nhặt?

Phải, quả có nghiêm-nhặt trong một khía-cạnh nào đó. Cha tôi là một người trực tính nhưng rất nghiêm-khắc. Nhưng chúng tôi luôn cảm-nhận được là ông nghiêm vì thương-yêu, và vì vậy chúng tôi dễ-dàng chấp-nhận cái khắt-khe đó. Đối lại chúng tôi có cái dịu-dàng và ấm-cúng của mẹ để cân bằng. Hai bản-tính trái ngược, nhưng bù-đắp cho nhau. Dù khắt-khe nhưng chúng tôi đã đùa-giỡn trong ấm-cúng, và cha mẹ cũng chơi chung với chúng tôi. Lại nữa chính âm-nhạc dần-dần đã trở thành lực nối-kết mọi người trong gia-đình.

Hỏi: Ngài hâm-mộ Mozart[3]?

Đúng thế! Dù lúc nhỏ chúng tôi đổi chỗ ở luôn nhưng cũng chỉ thay-đổi trong vùng giữa sông Inn và Salzach. Và đoạn đời tuổi trẻ lâu, quan-trọng và đẹp nhất của tôi là ở Traunstein, nơi thấm-nhiễm không-khí Salzburg*. Tâm-hồn chúng tôi được thấm-đượm Mozart và cho tới nay nhạc của ông vẫn đánh động tận đáy hồn tôi, vì nhạc đó thật tỏa sáng mà cũng thật sâu đậm. Nhạc đó không chỉ để chơi, nhưng nó hàm-chứa toàn-thể bi-kịch của kiếp người.

Nghệ-thuật là nền-tảng. Chỉ lí-trí khoa-học không thôi không thể diễn-tả hết câu trả lời của con người trước thực-tại, và nó cũng không nói lên được những gì con người có thể diễn-tả, muốn diễn-tả và phải diễn-tả. Mà phải cần nghệ-thuật. Tôi nghĩ nghệ-thuật là cái mà Chúa đã đặt-để trong con người. Nghệ-thuật và khoa-học là hai tặng-phẩm lớn nhất mà Chúa đã trao cho con người.

Hỏi: Cha mẹ ngài đã gởi cả ba người con vào nội-trú. Tại sao?

Thời ấy, đó là cách duy-nhất để có được “học cao”. Miền quê có rất ít trường trung-học. Và muốn vào trung-học xa thì chỉ có cách là ở nội-trú. Chị tôi học trung-học cùa dòng Phan-sinh nữ, trường cách nhà 5 cây-số nên chị đạp xe hàng ngày tới trường. Sau một thời-gian, chị muốn vào nội-trú và cha mẹ đã cho chị vào. Anh tôi là người đầu-tiên lên trung-học và phải vào nội-trú chứ chẳng có cách nào khác. Tôi hai năm đầu trung-học vẫn ở nhà, nhưng sau đó phần vì là đứa con duy-nhất còn lại trong nhà, phần nghĩ rằng giáo-dục nội-trú sẽ giúp mình sửa-đổi tâm-tánh – đây quả là điều khá khổ-sở đối với tôi – nên cũng xin vào nội-trú luôn. Nội-trú dạy cho tôi cách sống liên-đới và kỉ-luật. Nhưng chỉ được hai năm, vì sau đó tất-cả các trường trung-học ở Traunstein đều bị biến thành trạm-xá quân-y, và chúng tôi phải về lại nhà.

Hỏi: Có thể nói được gia-đình ngài rất đạo-đức?

Phải, có thể nói như thế. Cha tôi rất đạo-đức. Mỗi sáng chủ-nhật ông đi lễ sáng lúc 6 giờ, sau đó lại dự lễ chính lúc 9 giờ và chiếu tối lại đi lễ lần nữa. Mẹ lại càng đạo-đức hơn. Tôn-giáo là điểm chung của hai ông bà, dù mỗi người đạo-đức mỗi vẻ.

Việc giáo-dục tôn-giáo trong gia-đình như thế nào? Ngày nay nhiều cha mẹ gặp khó-khăn trong vấn-đề này.

Tôn-giáo là một phần của cuộc sống, chỉ qua những buổi đọc kinh chung cũng thấy điều đó. Mỗi bữa ăn đều có cầu-nguyện. Ngày nào không bị giờ lớp ngăn-cản chúng tôi đều đi lễ và cùng nhau tham-dự lễ chủ-nhật. Sau này, khi cha tôi về hưu, chúng tôi thường lần chuỗi; ngoài ra chúng tôi còn được học giáo-lí trong trường. Cha tôi cũng mua sách đạo cho chúng tôi, chẳng hạn như mua báo đạo nhân dịp rước lễ lần đầu. Nhưng ông bà không trực-tiếp dạy chúng tôi về đạo, mà chỉ qua những buổi đọc kinh và đi lễ thường ngày.

Hỏi: Lúc còn trẻ cái gì làm ngài say-mê về đạo?

Tôi ngay từ đầu đã rất say-mê phụng-vụ – cả anh chị tôi hình như cũng thế. Khi học lớp hai, cha mẹ đã mua cho tôi cuốn sách lễ đầu-tay. Tôi thích-thú lạ-lùng khi khám-phá ra thế-giới nhiệm-mầu của nghi-lễ la-tinh, được đọc và hiểu những gì diễn-ra trong thánh-lễ. Bắt đầu từ cuốn sách lễ trẻ con đó chúng tôi từng bước với những cuốn đầy-đủ hơn tiếp-tục cuộc hành-trình khám-phá của chúng tôi.

Hỏi: Sách lễ là gì?

Đó là cuốn sách linh-mục dùng khi dâng lễ. Cũng có ấn-bản dịch ra tiếng Đức cho giáo-hữu thường.

Những lễ-nghi phụng-vụ, âm-nhạc, những tượng-ảnh và mọi thứ trang-hoàng trong nhà thờ đều làm cho chúng tôi thích-thú. Đó là một mặt. Mặt khác, ngay từ đầu, xét về khía-cạnh lí-trí, tôi cũng đã say-mê tôn-giáo vì những gì được nghe, được đọc. Đầu óc tôi như thể được hướng-dẫn để tiến lên từng bước. Đấy là điều có lợi cho tôi rất nhiều, đặc-biệt vì trong thời vô-thần Quốc-xã chúng tôi phải chín-chắn trong suy-nghĩ. Người ta đóng ấn mình là công giáo, hay đi nhà thờ và nhất là lại muốn làm linh-mục, chuyện đó lại càng bắt mình phải chuẩn-bị tư-thế tự-vệ.

Tôi cảm-thấy thích-thú khi tìm ra được những lí-lẽ biện-hộ và thấu hiểu những lí-lẽ đó, nó trở thành cuộc phiêu-lưu lí-trí càng ngày càng mở rộng chân trời cho tôi. Sự hoà-nhập giữa phụng-vụ long-trọng với việc tìm-hiểu lí-trí đã là cơ-hội đặc-biệt giúp tôi, một con người vẫn cố-gắng tìm-hiểu thế-giới, đơm đầy cuộc sống mình.

Rõ-ràng ở đây có sự liên-hệ với quê-hương Bayern, đặc-biệt của tinh-thần công giáo xứ Bayern của ngài. Ngài vẫn luôn nhấn mạnh, mình muốn bảo-vệ niềm tin khiêm-tốn của những kẻ đơn-sơ chống lại cái tự-cao của các nhà thần-học và cả của những người dân giàu trong các thành-phố lớn vẫn tự cho mình là sáng-suốt.

Chúng tôi cố-gắng sống đức tin công giáo một cách đơn-giản. Nhưng sắc-thái của niềm tin đó chúng tôi đã nhận được trước hết là ở miền quê và sau đó là ở thành-phố nhỏ Traunstein, ở những nơi đó đạo Công giáo đã hoà quyện với văn-hoá cuộc sống và lịch-sử đất-đai. Có thể gọi đó là một thứ hội-nhập văn-hoá đức tin khuôn-đúc nên do lịch-sử của chúng tôi.

Chất địa-phương của người Bayern đã thấm-đượm từ trong gia-đình chúng tôi. Cha tôi là người miền Niederbayern, và như ông biết đó, chính-trị Bayern trong thế-kỉ 19 có hai luồng: Một luồng hướng về quốc-gia dân-tộc Đức, một luồng nặng về khuynh-hướng Bayern-Áo và về khuynh-hướng công giáo thân Pháp. Gia-đình chúng tôi theo luồng thứ hai rất nặng óc địa-phương và hãnh-diện về lịch-sử Bayern này. Mẹ tôi xuất-thân từ vùng Tirol, cũng là miền đượm chất công giáo miền Nam. Chúng tôi đồng-hoá mình với lịch-sử nơi đây và ý-thức rằng lịch-sử này mang nét kiêu-hãnh đặc-biệt nào đó. Lịch-sử này hoàn-toàn khác với lịch-sử quốc-xã, loại đã đẩy nước Đức vào thảm-hoạ 1933 – 1945. Vả lại, cũng nhờ nạn Quốc-xã mà chúng tôi càng xác-tín hơn với lịch-sử riêng của mình.

Hỏi: Ngài có gặp khó-khăn gì với thân-sinh ngài không?

Dĩ-nhiên không tránh khỏi hoàn-toàn. Dù vậy tôi và cha tôi rất gần nhau, nhờ nhiều kì nghỉ bệnh ở nhà của ông trong những năm cuối đời làm việc. Chế-độ quốc-xã khiến ông ớn tận cổ nên đã tìm mọi cách để xin được về hưu sớm. Trong những tháng nghỉ đó hai cha con chúng tôi đi dạo với nhau nhiều, nên cảm-thấy rất gần nhau. Lại nữa cả ba anh chị em chúng tôi đều được ăn học, mà tiền hưu của cha chẳng bao nhiêu, nên mẹ lại phải đi nấu bếp theo mùa ở Reit vùng Winkl, và vì vậy ở nhà chỉ còn lại hai cha con chúng tôi mà thôi. Ông kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện, ông có tài kể chuyện. Nghe chuyện và đi dạo đã gắn-bó hai cha con chúng tôi với nhau. Và lòng đạo lẫn thái-độ chống-đối chế-độ quyết-liệt của ông làm chúng tôi vững tin. Khả-năng thuyết-phục đơn-giản của ông đến từ sự thẳng-thắn tâm-hồn. Vì thế chúng tôi coi thái-độ của ông là gương-mẫu, dù thái-độ đó ngược lại với dư-luận của thiên-hạ thời đó.

Hỏi: Ông đã tỏ thái-độ ra như thế nào đối với chế-độ?

Ông làm công-chức cho tới năm 1937. Ở Tittmoning chúng tôi chứng kiến cái gọi là “thời đấu-tranh”, thời-kì cuối của chế-độ cộng-hoà Weimar (1919-1933). Lúc đó tôi còn rất nhỏ, nhưng đã hiểu được cái đau của cha tôi. Ông đọc báo “Con đường chính-trực” (Der gerade Weg), một tờ báo chống lại Quốc-xã, tôi còn nhớ những biếm-hoạ chống Hilter trên báo đó. Giọng-điệu chống-đối của ông rất sắt-đá. Khi thấy chế-độ Hitler đang tới gần, ông quyết-định dời nhà về vùng quê. Miền quê tình-hình tương-đối dễ thở hơn, dù rằng đám đông nông-dân đã ngã theo Hitler. Ông không chống ra mặt, vì ở quê cũng không thể ăn-nói dễ-dàng được. Nhưng ở nhà mỗi khi đọc báo tôi thấy ông điên-tiết. Ông thường nói ra nỗi tức-giận của ông sau đó với những người mà ông có thể thố-lộ được. Dù là một công-chức, ông đã chẳng tham-gia vào hội-đoàn nào cả.

Hỏi: Ngài có vào Đoàn thanh-niên Hitler?

Thoạt-tiên chúng tôi không vô. Nhưng khi có luật buộc vào Đoàn năm 1941 thì anh tôi phải tham-gia. Tôi lúc đó còn quá trẻ, nhưng về sau, khi còn đang trong chủng-viện, tôi đã ghi tên vào Đoàn. Nhưng sau khi ra khỏi chủng-viện, tôi không bao giờ tới Đoàn nữa. Nhưng thật khó cho tôi, là vì nếu không có chứng-nhận của Đoàn, tôi không được hưởng chế-độ giảm học-phí. Nhưng mà Chúa thương giúp tôi có được một thầy dạy toán tốt. Chính thầy là một đảng-viên quốc-xã, nhưng thẳng-thắn, thầy bảo tôi: “Hãy tới đó một lần, để có được cái giấy…”. Nhưng khi thấy tôi không muốn tới, thầy nói: Thôi được, tôi hiểu, để tôi thu-xếp”. Nhờ đó tôi may-mắn thoát chuyện lui-tới Đoàn.

Hỏi: Khi còn nhỏ ngài muốn sau này lớn lên làm gì? Ai là thần-tượng của ngài?

Tôi không thể nói được ai là thần-tượng của mình. Vì nhận-định trẻ-con thường thay-đổi bất thường. Có lần bị ấn-tượng do một người thợ sơn tường nên muốn được trở thành như ông. Về sau, khi thấy hồng-y Faulhaber mặc áo đỏ tía tới vùng tôi ở, tôi lại bị hớp hồn và mong được như ngài.

Thợ sơn tường và hồng-y, hai hình-ảnh chẳng ăn-nhập gì với nhau cả.

Đúng vậy, ông nói đúng, thế mới biết trẻ con chẳng cần cân-nhắc, chỉ xét dựa trên những gì chúng thấy mà thôi. Khi đang ngồi ghế tiểu-học, tôi cũng đã mong được làm thầy dạy học. Mẫu-gương đó thật hợp với mong-ước làm linh-mục về sau này. Song tôi có thể nói rằng việc dạy học, việc truyền-đạt kiến-thức và việc viết-lách đã dấy động hồn tôi rất sớm. Khi đang ở tiểu-học tôi đã bắt đầu viết văn, làm thơ v.v..

Hỏi: Làm thơ loại nào?

Đụng gì viết nấy; làm thơ về những chuyện xẩy ra hàng ngày, về Giáng-sinh, về thiên-nhiên. Cái đó đơn-giản là dấu-chỉ rằng tôi thích được diễn-đạt và nhất là được truyền-đạt những gì tôi có. Nghĩa là khi tôi học được gì, tôi muốn truyền tiếp cái đó cho người khác.

Ngài chẳng bao giờ muốn lập gia-đình? Và đã có mối tình với một cô nào không? Người ta biết giáo-chủ Gio-an Phao-lô II thời thanh-niên cũng rất si-tình.

Tôi có thể nói rằng trong tôi đã không có một dự-án gia-đình nào cả. Nhưng những tình bạn với nhiều xúc-động thì dĩ-nhiên là có.

Ơn-gọi đi tu đến với ngài như thế nào? Ngài nhận ra nó bao giờ? Ngài đã có lần nói: “Tôi biết chắc, nhưng không hiểu bằng cách nào, rằng Chúa muốn nơi tôi một điều gì đó, mà tôi chỉ đạt tới bằng cách làm linh-mục”.

Tôi đã không nhận được sự soi-sáng bất-thần nào của Chúa bảo tôi làm linh-mục. Trái lại mầm gọi linh-mục đã lớn dần lên trong tôi, và đã phải suy đi nghĩ lại, phải nỗ-lực nhiều. Tôi cũng không biết mình chấp-nhận tiếng gọi đó bắt đầu lúc nào. Nhưng tôi sớm có ý-thức rằng mỗi người mang một ý-định của Chúa. Và với thời-gian tôi dần-dà nhận ra là Chúa muốn tôi sẽ làm linh-mục.

Hỏi: Về sau có giây-lát nào ngài gặp được một thứ tạm gọi là ngộ – hay được soi-sáng về tiếng gọi đó không?

Ngộ theo nghĩa cổ-điển, kiểu nửa thần-bí chẳng hạn, thì không có. Tôi trước sau chỉ là một người công giáo bình-thường. Nhưng theo nghĩa rộng thì đức tin dĩ-nhiên như tia sáng. Và, nói như Heidegger, vừa tin vừa suy-tư ta có thể nhìn thấy vùng trời sáng đó từ trong các nẻo đường rừng.

Có lần ngài viết: “Tất-cả cái hiện-hữu đều là những tư-tưởng đã cô-đọng. Tinh-thần Tạo-dựng là gốc và là nền của mọi sự. Mọi thứ hiện-hữu đều hợp lí ngay từ nguồn-cội của chúng, vì chúng đến từ lí-trí sáng-tạo”.

Đó là những câu tôi dùng để thử diễn-tả những gì giáo-lí về tạo-dựng vũ-trụ của Ki-tô giáo đã khai-triển và hàm chứa trên phương-diện triết-học. Mọi thứ mọi loài trong vũ-trụ không phải tự dưng mà có, song chúng đã được một lực sáng-tạo dựng nên, và lực này không phải là một lực chết nào đó, nhưng chính là lí-trí và tình yêu – và như thế thì mọi vật được tạo-dựng rốt cuộc đều hợp lí. Tôi tin đó là triết-lí tạo-dựng của Ki-tô giáo. Khi ta tin và suy-tư, ta sẽ được soi-sáng, nhưng bảo đó là “ngộ” theo nghĩa thông-thường thì không phải.

Hỏi: Sau khi chọn con đường làm linh-mục, có bao giờ ngài cảm-thấy ngờ-vực, bị cám-dỗ hay thử-thách?

Có. Chính trong sáu năm thần-học tôi phải đối diện với rất nhiều vấn-đề và câu hỏi liên-quan tới con người. Sống độc-thân có phải là con đường của mình không? Làm quản xứ có hợp với mình không? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời. Tôi vẫn luôn nhắm thẳng đi tới, nhưng khủng-hoảng đã không thiếu.

Hỏi: Khủng-hoảng nào, ngài có thể kể ra một thí-dụ?

Trong những năm học thần ở München tôi phải tranh-đấu với hai câu hỏi. Tôi mê-say môn thần-học như một khoa-học. Tôi thấy tuyệt-vời quá khi mình được bước vào thế-giới mênh-mông của lịch-sử niềm tin; những chân trời suy-tư và đức tin mở rộng trong tôi, và tôi bắt đầu suy-nghĩ về câu hỏi uyên-nguyên của nhân loại và câu hỏi về chính cuộc đời mình. Nhưng càng ngày tôi càng nhận rõ chỉ vui với khoa thần-học mà thôi thì chưa đủ cho một linh-mục, và công việc ở xứ đạo nhiều khi có thể đưa mình xa thần-học, nó bao gồm những đòi-hỏi khác. Tôi không thể học chỉ để làm giáo-sư, mặc dù đó ước-nguyện thầm-kín của tôi. Nhưng chấp-nhận làm linh-mục với tôi có nghĩa là chấp-nhận trọn-vẹn nghĩa-vụ, chấp-nhận làm cả những chuyện-đơn-giản nhất.

Tôi hơi nhút-nhát và chẳng thực-tế chút nào, không chơi thể-thao và không có khiếu tổ-chức lẫn quản-trị. Vì vậy mà tôi phải tự hỏi: Mình có làm nổi phó xứ không, có hướng-dẫn và động-viên được thanh thiếu-niên không, có dạy giáo-lí cho trẻ nổi không, có biết cách quan-hệ với người già-cả, tật-bệnh không, tôi có thể hiến cả đời cho những chuyện đó không và đó có phải là ơn-gọi của đời mình không.

Thêm vào đó dĩ-nhiên là các câu hỏi, mình có thể giữ độc-thân khước-từ hôn-nhân cả đời được không. Vì đại-học bị hư-hại không có chỗ cho phân-khoa thần nên chúng tôi phải tạm-trú trong lâu-đài Fürstenried ở ngoại-ô thành-phố hai năm. Cuộc sống hàng ngày ở đây không những có sự gần-gũi giữa sinh-viên và giáo-sư mà cả sự chung-đụng giữa nam và nữ sinh-viên. Do đó những câu hỏi trong tôi trở thành thực-tế. Nỗi băn-khoăn đó thường bám sát tôi trong những lúc thả bộ trong công-viên và những khi bước vào nhà nguyện, cho đến khi tôi có thể xác-tín thưa “Vâng” trong ngày lãnh chức phó-tế vào năm 1950.

Hỏi: Ngài có phải nhập ngũ vào khi chiến-tranh kết-thúc?

Có. Từ 1943 tất-cả chủng-sinh ở Traunstein phải nhập ngũ thành một nhóm phòng-không ở München. Lúc đó tôi 16 tuổi, phải thi-hành nghĩa-vụ quân-sự hơn một năm, từ tháng 8 năm 43 tới tháng 9 năm 44. Chúng tôi được đóng trong trường trung-học Max ở München. Bên cạnh công-tác, chúng tôi còn được học chữ, chương-trình tuy rút gọn nhưng cũng khá đủ. Thời-gian nhập ngũ chẳng thú gì, nhưng đã có dịp cho những tình bạn nảy-nở.

Hỏi: Ngài làm gì trong thời-gian ấy?

Một pháo-đội thường gồm hai ban chính, ban bắn và ban đo-đạc. Tôi được xếp vào ban đo. Thời đó đã có máy điện-tử và quang-học để dò đo những máy bay đang tới gần và chuyển dữ-kiện đo được sang cho ban bắn. Ngoài những buổi thực-tập đều-đặn, chúng tôi phải có mặt bên máy những lúc có báo động. Cái chán là càng lúc càng có nhiều báo động đêm và có nhiều đêm bị mất trắng.

Hỏi: Ngài đã chứng-kiến cảnh München bị dội bom?

Có. Sau đó tôi được chuyển sang ban thứ ba là ban điều-hướng toàn-bộ hệ-thống điện-thoại. Chúng tôi đóng ở Gilching gần hồ Ammersee, một vị-trí quan-trọng, vì phi cơ Mỹ bay vào München từ phía nam qua hướng hồ này. Gần chỗ chúng tôi cũng là xưởng chế phi-cơ Oberpfaffenhofen, nơi những phi-cơ phản-lực đầu tiên được chế-tạo. Chúng tôi là những người được thấy những máy bay phản-lực đầu tiên của Đức cất cánh. Nhiều cuộc tấn-công không-quân đã xẩy ra và chúng tôi đã sống cảnh chiến-tranh thật sự.

Mùa thu năm 44 chúng tôi rời quân-dịch và được chuyển sang lao-dịch. Hai tháng dài tôi đóng ở biên-giới Áo Hung, đúng vào lúc quân Hung đầu-hàng quân Nga. Thời đó người ta đắp nhiều lũy lớn để chống chiến-xa. Cuối cùng tôi được chuyển sang bộ-binh, may thay được về đóng tại Traunstein. Được thế là nhờ ông sĩ-quan trách-nhiệm phân-bổ, ông này là người chống lại Quốc-xã, đã cố-gắng tìm cách giúp-đỡ những ai ông có thể giúp được. Ông cho tôi về Traunstein nên thời-gian lao-công bộ-binh của tôi thành ra tương-đối vô hại. Tôi bị bắt ở Traunstein và được giải về Ulm, nơi quân-đội Mỹ đang giữ 40 tới 50 ngàn tù-binh Đức. Ngày 19 tháng 6 năm 1945 tôi được trả tự-do.

Hỏi: Ngài còn nhớ gì về giai-đoạn chiến-tranh chấm dứt?

Lúc đó chúng tôi đang ở phi-trường Aibling. Suốt 6 tuần bị bắt chúng tôi phải nằm trên đất ngoài trời, chuyện chẳng thú-vị gì. Quân Mỹ đã không thể dựng lều hay làm nhà cho một khối-lượng tù-binh đông đến như thế. Chúng tôi không có lịch, không có chi hết, cứ cố moi óc mà đoán từng ngày. Cũng chẳng nghe được tin-tức. Chỉ biết là vào ngày mồng 8 tháng 5, quân Mỹ thay vì cứ bắn đạn chiếu sáng lên trời, bỗng dưng bắn pháo bông như điên-cuồng. Và đâu-đó có tiếng đồn là chiến-tranh đã chấm dứt, Đức đã đầu hàng. Dĩ-nhiên chúng tôi đã thở ra nhẹ-nhõm, với hi-vọng nay mai sẽ được thả về và sẽ chẳng có gì xẩy ra cho mình nữa. Nhưng lại có ngay tiếng đồn bảo chúng tôi đừng vội mừng vì Mỹ giờ đây lại chuẩn-bị đánh Nga, và chúng tôi sẽ được tái võ-trang để gởi đi chiến-trường chống Nga. Tôi đã không thể tưởng-tượng và tin được cái liên-minh kia có thể vỡ nhanh như vậy. Tôi chỉ biết mừng là chiến-tranh đã dứt và tôi sẽ không bị giữ lâu.

______________________

[1] Aristoteles (380-322): triết-gia Hi-lạp.
[2] Platon (427-347): triết-gia Hi-lạp, thầy của Aristoteles, hai thầy trò là cha đẻ của nền triết-học phương tây.
[3] Mozart (1756-1791, nhạc-sĩ sáng-tác nhạc cổ-điển người Áo. Salzburg là nơi sinh-quán của ông.