Thánh Phaolô Tông Đồ
Thánh Phaolô Tông đồ | Paul the Apostle | 2000
1. SINH QUÁN VÀ GIA THẾ:
Thánh Phaolô có tên là Saolô, sinh vào thập niên đầu của công nguyên, tức là cùng thời với Chúa Giêsu. Tuy là người Do thái, thuộc chi họ Benjamin, nhưng Saolô sinh ra và lớn lên ở Tarsus, thủ phủ của tỉnh Cicilia, nay là miền nam Thổ nhĩ kỳ. Ngài vóc dáng thấp bé, nhưng thông minh vượt xa những người cùng lứa tuổi. Lúc nhỏ được giáo dục ở Tarsus là một trung tâm nổi tiếng về văn hoá và triết học. Lớn lên, Saolô được gởi lên Giêrusalem, học với Thầy Gamaliel Cả, theo những tiêu chuẩn khắt khe nhất của nhóm Biệt phái. Saolô là một người lỗi lạc trong lãnh vực văn chương và triết học của cả ba nền văn hóa chính thời đó là Hy lạp, La tinh và Do thái. Ngài thuộc lòng Kinh Thánh của người Do thái, tức là bộ Cựu Ước. Saolô hết sức nhiệt thành đối với truyền thống của cha ông (x. Gal 1:14; Phil 3:5-6; Cv 22:3; 23:6; 26:5).
2. CUỘC TRỞ LẠI:
Do sống cùng thời với Đức Giêsu và là ngôi sao đang lên của trường phái Pha-ri-sêu, chắc chắn Saolô phải biết những gì xãy ra ở Giê-ru-sa-lem. Có thể ông đã nhìn thấy và rất có thể ông đã nghe biết những bài giảng của Đức Giêsu. Và chắc chắn, Saolô rất ghét Ngài vì Ngài đang phá đổ những gì mà ông nhiệt thành tin tưởng. Sau cái chết của Đức Giêsu, ông tưởng đâu phong trào “lạc giáo” đó cũng tan theo. Nhưng ngược lại, những kẻ theo “con đường” (The Way) càng ngày càng đông. Saolô phải điên lên. Ông xin trát để lùng bắt tất cả những người theo “Đạo” và đưa về Giê-ru-sa-lem trừng phạt. Nhưng một biến cố xãy ra. Vào khoảng năm 33-35, trên đường từ Giê-ru-sa-lem tới Đa-mát để bắt bớ người theo Đạo, Saolô đã bị quật ngã và từ đó ông đã hoàn toàn thay đổi. Chính Chúa Kitô Phục sinh đã đích thân chọn ông làm tông đồ của Ngài. Chúng ta hãy đọc lại biến cố này qua lời tường thuật của thánh Luca (Cv 9:1-19).
3. HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO:
Sau cuộc trở lại, Sao-lô bắt đầu hoạt động tông đồ ngay tại Đa-mát (Cv 9:20-22). Sau đó Ngài lên Giê-ru-sa-lem gặp các tông đồ qua sự giới thiệu của Ba-na-ba rồi trở về Tác-xô (35-43 AD). Khoảng năm 43, Ba-na-ba đến tìm Sao-lô. Hai ông đã rao giảng và thành lập giáo đoàn tại An-ti-ô-khi-a. Từ khoảng năm 46 cho đến hết đời, Sao-lô còn gọi là Phao-lô, đã đặt bước chân truyền giáo của Ngài trên khắp các thành thị và hải cảng thuộc đế quốc La mã. Có thể chia những chuyến đi của Ngài làm ba cuộc hành trình truyền giáo chính:
Hành trình thứ nhất từ năm 46 đến năm 49. Xuất phát từ An-ti-ô-khi-a thuộc miền Sy-ri-a, Phao-lô và Ba-na-ba đã đi nhiều nơi thuộc đảo Sýp và miền Pi-xi-đi-a. Đến đâu các ngài cũng bắt đầu rao giảng cho người Do thái tại các hội đường, nhưng phần đông không đón nhận Tin Mừng, do đó các ngài đã quay sang rao giảng cho dân ngoại. Nhiều người không phải Do thái đã nhiệt liệt đón nhận Lời Chúa. Điều này khiến người Do thái đâm ra ghen tức và xúi giục dân chúng nổi lên đánh đuổi các ngài.
Trong giai đoạn này, một biến cố xãy ra do sự xung đột giữa các Kitô-hữu gốc Do thái và các Kitô-hữu gốc dân ngoại khiến đưa đến “công đồng chung” Giê-ru-sa-lem năm 49. Chúng ta sẽ tìm hiểu cặn kẽ biến cố này ở một bài khác.
Hành trình thứ nhì từ khoảng năm 50 đến năm 52. Cũng xuất phát từ An-ti-ô-khi-a thuộc miền Sy-ri-a, lần này Phao-lô không đi với Ba-na-ba mà đi với Xi-la và Ti-mô-thê. Các ông đi lên hướng bắc thuộc miền Ga-lát và Phy-ghi-a, rồi vượt biển đến Phi-líp-phê thuộc tỉnh Ma-kê-đô-ni-a, sau đó đến Thê-xa-lô-ni-ca. Bị xua đuổi, một mình Phao-lô phải ra đi đến A-thê-na, thủ phủ của Hy lạp, tại đây Phao-lô đã giảng cho hội đồng A-rê-ô-ga-pô (Cv 17:16-34) là nơi quy tụ các triết gia nổi tiếng nhất Hy lạp. Sau đó ngài rời đến Cô-rin-tô rao giảng và thành lập giáo đoàn tại đó. Cũng tại đây, Phao-lô đã viết bức tông thư đầu tiên gởi cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca (1 Tx) vào năm 51. Đây cũng là thư tịch tiên khởi cho cả Tân Ước. Tiếp theo là thư thứ hai 2 Tx.
Hành trình thứ ba từ khoảng năm 52 đến năm 56. Cũng xuất phát từ An-ti-ô-khi-a, Phao-lô đi qua miền thượng du đến Ê-phê-xô (Cv 19:1) rao giảng và thành lập giáo đoàn tại đó. Thời gian này, Phao-lô đã viết hai thư 1 và 2 Cô-rin-tô (khoảng năm 54,55) và thư Rô-ma (khoảng năm 55).
Hành trình cuối cùng (56-64). Vì sự ghen ghét của người Do Thái, khoảng năm 56 Phao-lô đã bị bắt, bị xét xử và bị cầm tù nhiều nơi. Ngài khiếu nại lên hoàng đế với tư cách là công dân La mã, do đó được giải qua La mã và bị giam lỏng tại đó. Trong thời gian này, ngài được tự do tiếp xúc với mọi người, đã “rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giê-su Ki-tô một cách mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào” (Cv 28:31). Khoảng thời gian này, ngài đã viết thư cho Phi-lê-môn, thư cho các tín hữu Cô-lô-xê, thư cho các tín hữu Ê-phê-xô (năm 60), thư cho các tín hữu Phi-líp-phê (năm 61), thư thứ nhất cho Ti-mô-thê, thư gởi Ti-tô (năm 62), thư thứ hai cho Ti-mô-thê (năm 63).
4. TỬ ĐẠO:
Chúng ta không có sử liệu chắc chắn về cái chết của thánh Phao-lô. Tương truyền rằng, khoảng năm 64 Ngài bị chém đầu dưới thời hoàng đế Nê-rô. Sau đó, Ngài được an táng gần địa điểm hiện nay là Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô Ngoại Thành