Công Giáo Khắp Nơi

Suy tư của Jorge Mario Bergoglio trong quyển sách Chữa lành khỏi nạn thoái hóa biến chất - Guérir de la corruption

Vừa qua có hai quyển sách của Jorge Mario Bergoglio được xuất bản ở Ý, đó là các quyển: Chữa lành khỏi nạn tham nhũng thoái hóa - Guérir de la corruption và Khiêm tốn là con đường đưa đến Chúa - L'humilité est le chemin qui conduit à Dieu. Hai quyển này dựa trên tinh thần linh đạo I-Nhã và các Bài tập Linh Thao để phân tích cơ chế đưa đến nạn thoái hóa biến chất trong xã hội cũng như trong Giáo hội.

Ộng Lorenzo Fazzini, nhà xuất bản Missionaria Italiana, ông Don Luigi Ciotti, sáng lập viên Hiệp hội khuyến khích chống mafia và cổ động cho bình đẳng, cô Lucetta Scaraffia, sử gia và ký giả của Osservatore Romano, linh mục Antonio Spadaro, SJ, giám đốc tạp chí Civiltà Cattolica đã ra mắt hai quyển sách trên tại Roma.

Quyển đầu tiên, “Chữa lành khỏi nạn tham nhũng/thoái hóa biến chất” đi từ việc ghi nhận nạn tham nhũng là một hiện tượng phổ biến trong xã hội Argentina cũng như trên thế giới. Đức giáo hoàng nhận diện nguồn gốc cái xấu của nó và phân biệt nó với tội lỗi:

“Nạn tham nhũng thoái hóa là “cỏ dại” của thời đại này, nó được nuôi dưỡng bởi vẻ bên ngoài và sự chấp nhận của xã hội, dựng lên một giá trị luân lý và có thể làm suy mòn ngay cả bên trong Giáo hội (…), tội lỗi còn có phép hòa giải, còn thoái hóa biến chất thì không.

Tội lỗi và thoái hóa biến chất

Trong tác phẩm này, Jorge Mario Bergoglio giải thích biểu hiện của nạn thoái hóa biến chất không phải là một “hành vi” nhưng thường thường là một tình trạng có tính cá biệt cũng như tính xã hội, người ta quen sống trong tình trạng này, phát sinh ra các thái độ mà dần dần và cuối cùng lại đi hủy hoại và hạn chế khả năng yêu thương.”

Sau đây là tóm tắt các điểm chính yếu của tai họa này:

1. Tính nội tại. Nạn thoái hóa biến chất muốn sản xuất ra “một loại văn hóa riêng của nó, với các khả năng có tính giáo điều, một ngôn ngữ riêng, một cách tiến hành đặc biệt,” nó trở nên “một loại văn hóa mưu mẹo” nơi “tính siêu việt đưa nó đi càng ngày càng xa và biến nó thành nội tại.” Tiến trình đi từ tội lỗi đến thoái hóa biến chất là một tiến trình đưa con người đến chỗ muốn “thay Chúa bằng sức mạnh riêng của mình.” Tiến trình này bắt nguồn từ “sự mệt mỏi khi đứng trước tình trạng siêu việt của Thiên Chúa: đứng trước một Thiên Chúa không bao giờ biết mệt mỏi khi tha thứ, người thoái hóa biến chất tự đặt ra cho mình cách thể hiện ơn cứu độ: họ chán không muốn cứ phải xin lỗi mãi.”

2. Các kiểu cách đẹp. Kiểu tự lập dựa trên chính mình là phản ảnh “thái độ của một quả tim rạn nứt trước núi của làm nó mê mẩn, đánh lừa và ru ngủ nó,” một loại “siêu việt phù phiếm.” Chính ra nạn tham nhũng thoái hóa bị khống chế bởi một dạng “trâng tráo thầm,” chịu khó làm các “kiểu cách đẹp để che đậy các thói quen xấu.” Người biến chất là người đi dây thăng bằng rất “thanh tao,” vô địch trong những kiểu cách điệu đàng. Và nếu “người có tội nhận biết mình có tội, thừa nhận sự giả tạo nơi kho tàng mà họ bám vào…. Người biến chất, ngược lại, họ trá hình thói xấu của mình dưới vỏ bọc của một lối giáo dục tốt.”

3. Giá trị đạo đức. Jorge Mario Bergoglio viết, “người biến chất luôn luôn cần so sánh mình với người khác, những người có một đời sống chân thật (dù đó là sự chân thật của người chấp nhận mình có tội.) Đặc nét của họ là trong “cách họ tự biện minh,” cho mình có “hành vi đẹp” như thử đi ngược lại với những thái cực tội lỗi khác hay có tính biếm họa, điều này làm cho họ tự cho mình có quyền “phán đoán người khác,” tự cho mình “có đạo đức.”

4.Thái độ đắc thắng. “Về mặt văn hóa, thái độ đắc thắng là thức ăn lý tưởng của cách ứng xử biến chất.” Trên vấn đề này, nhà thần học Henri de Lubac nói đến “ý chí nửa vời” và “tính phù phiếm” ẩn giấu trong “tinh thần thế tục,” ngài cũng nói đến “thứ cám dỗ độc hại nhất” khiến cho người ta nghĩ rằng lý tưởng đạo đức nhắm đến con người và sự hoàn hảo của con người chứ không phải đến vinh quang Thiên Chúa. Theo Jorge Mario Bergoglio tinh thần thế tục “không khác gì hơn là chiến thắng dựa trên sự tin tưởng vào thắng lợi do khả năng của con người; đó chỉ là chủ nghĩa nhân văn của người ngoại giáo được thích nghi cho phù với tinh thần Kitô giáo.”

5. Tính thông đồng. “Người biến chất không biết đến tình huynh đệ, tình bằng hữu, chỉ biết đến sự thông đồng,” họ có khuynh hướng kéo mọi người vào mức độ đạo đức của họ. Người ta chỉ có thể là đồng lõa hoặc là kẻ thù của mình. “Biến chất mang tính chiêu dụ.” “Biến chất ẩn đàng sau lối hành xử ít nhiều được chấp nhận về mặt xã hội” như “Philatô cho vấn đề đó không phải của ông, ông phủi tay, dù thật ra ông cố bảo vệ lãnh thổ quyền lực hư nát mà ông đang bám vào với bất cứ giá nào.”

Tình trạng biến chất trong đời sống tu trì

Sau đó Jorge Mario Bergoglio phân tích rất kỹ và một cách sáng suốt các “trạng thái thoái hóa hàng ngày” dần dần “làm cho đời sống tu trì bị thất bại.” Đó là một loại tê liệt nảy sinh khi tâm hồn thỏa hiệp để sống yên ổn.

Mới đầu, người ta “sợ hãi vì bị Chúa kéo vào những cuộc hành trình mà mình không thể làm chủ.” Đức giáo hoàng giải thích: “nhưng khi làm như vậy thì tầm nhìn bị thu nhỏ lại theo tình trạng chán nản và vô cảm của mình. Họ sợ ảo tưởng, họ chọn thực tế ít tốt đẹp thay vì một hứa hẹn tốt đẹp hơn.” Và đây mới là mối nguy hiểm thật sự, vì “khi họ chọn cái ít tốt đẹp vì nó có vẻ thực tế hơn thì đó là lúc họ bước vào một tiến trình thoái hóa tinh vi: họ trở nên tầm thường hay lạnh nhạt (hai hình thức thoái hóa thiêng liêng), và dần dần cảm thấy “chán nản trong tâm hồn,” “đồng thời tâm hồn họ trở nên xơ cứng, tiến trình này tuy chậm nhưng mà chắc.”

Từ đó tâm hồn bám vào tất cả các sản phẩm của “siêu thị tôn giáo” mời mọc đủ loại, và thế là họ dễ xem “đời sống tận hiến là con đường tăng trưởng nhân cách nội tại,” hoặc họ đi tìm “sự thỏa mãn trong nghề nghiệp,” khi họ lấy làm thỏa mãn vì được người khác kính trọng, khi họ hăng say làm việc xã hội.

Vì vậy, cựu hồng y Buenos Aires kêu gọi: “Sự bần cùng của chúng ta buộc chúng ta phải mở một khoảng không gian nhỏ cho siêu việt” vì “Chúa không bao giờ mệt mỏi khi nhắc chúng ta: Đừng sợ…” Sợ cái gì? Anh chị em đừng sợ hy vọng…  và hy vọng không làm thất vọng.”

Nguồn: Aleteia, Mirko Testa, 28.03.2013
Người dịch: Nguyễn Tùng Lâm