Thánh Thần

HÃY TRỞ THÀNH NGƯỜI BẢO TRỢ “PARACLETE” CHO THA NHÂN

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu dùng từ “Đấng Bảo Vệ” để nói với các môn đệ về Đức Chúa Thánh Thần.

Trong một số ngữ văn từ này có nghĩa là “Đấng An Ủi,” trong ngữ văn khác nó lại có nghĩa là “Đấng Bảo Vệ,” và đôi khi có cả hai nghĩa. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa là Đấng An Ủi cao cả cho Dân Chúa. “Thiên Chúa Đấng An Ủi” này (Rm 15:4), đã “nhập thể” trong Đức Chúa Giêsu Kitô, là Đấng có tên là Đấng An Ủi hay Đấng Bảo Vệ thứ nhất (x. Ga 14:15).

Đức Chúa Thánh Thần, là Đấng tiếp tục công trình của Đức Kitô và làm cho công trình chung của Thiên Chúa Ba Ngôi được hoàn thành, cho nên cũng được gọi là “Đấng An Ủi”: “Đấng An Ủi sẽ ở với các con cho đến muôn đời” như Chúa Giêsu nói.

Sau Phục Sinh, toàn thể Hội Thánh đã có một kinh nghiệm sống động và hùng hồn về Chúa Thánh Thần là Đấng An Ủi, Bảo Vệ, đồng minh, trong những khó khăn nội bộ cũng như từ bên ngoài, trong những cuộc bách hại, trong những thử thách, và trong đời sống thường nhật. Trong sách Tông Đồ Công Vụ chúng ta đọc: “Hội Thánh lớn mạnh và sống trong sự kính sợ Chúa, được đầy an ủi (“paraclesis”) của Chúa Thánh Thần” (Cv 9:31).


Giờ đây chúng ta phải từ điều này đưa ra một kết luận cụ thể cho đời sống chúng ta. Chính chúng ta cũng phải trở thành Người Bảo Vệs! Nếu đúng là mỗi Kitô hữu phải trở thành một “Kitô khác”, thì người Kitô hữu ấy cũng phải trở thành một “Người Bảo Vệ” khác.


Chúa Thánh Thần không những chỉ an ủi chúng ta, mà Ngài còn làm cho chúng ta có thể an ủi người khác khi đến lượt chúng ta. Niềm an ủi thật đến từ Thiên Chúa là “Cha của mọi an ủi.” An ủi này đến với những người đau khổ, nhưng không ngừng lại ở họ; cùng đích của an ủi này được đạt đến khi những người đã cảm nghiệm được nó cũng ra đi an ủi người khác bằng cùng một niềm an ủi mà Thiên Chúa đã dùng để an ủi họ.

Họ không được tự mãn vì chỉ dùng lời nói xuông mà an ủi người khác (“Can đảm lên, đừng lo sợ -- rồi bạn sẽ thấy mọi sự trở lại bình thường!”), nhưng phải mang đến cho họ niềm an ủi thật sự “niềm an ủi đến từ Thánh Kinh” là niềm an ủi “nuôi sống niềm hy vọng của họ” (x. Rm 15:4). Đó là cách chúng ta giải thích những phép lạ mà một lời nói hay một cử chỉ đơn thành đem lại, tạo ra một bầu khí cầu nguyện, bên giường một người bệnh. Đó chính là Thiên Chúa an ủi người ấy qua bạn.

Theo một nghĩa nào đó, Chúa Thánh Thần cần chúng ta để trở thành Người Bảo Vệ. Ngài muốn an ủi, bảo vệ, khuyên bảo; nhưng Ngài không có miệng, tay và mắt để cho sự an ủi của Ngài “một thân xác.” Nói đúng hơn, Ngài có tay, có mắt và miệng chúng ta.

Nếu theo sát nghĩa văn tự của điều Thánh Phaolô bảo tín hữu thành Thessalônica – “anh em hãy an ủi nhau” (1 Tx 5:11) – thì chúng ta phải hiểu rằng Ngài nói: “Anh em hãy trở nên Người Bảo Vệ cho nhau. Nếu chúng ta muốn ích kỷ khư khư giữ lại cho mình niềm an ủi mà chúng ta nhận được từ Chúa Thánh Thần mà không chuyền cho người khác, thì niềm an ủi này sẽ tan biến đi.” Đó là lý do tại sao một kinh nguyện tuyệt mỹ được gán cho Thánh Phanxicô, viết rằng: “Xin cho con tìm an ủi người hơn được người ủi an; tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết; tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.”

Dựa theo những gì tôi vừa nói, thật không khó gì để thấy ai là Người Bảo Vệs chung quanh chúng ta hôm nay. Họ là những người đang chăm sóc cho những người đau nặng, cho những người bị bệnh AIDS. Họ là những người tìm cách làm giảm bớt sự cô đơn của người già, những người thiện nguyện bỏ giờ ra thăm viếng các nhà thương. Họ là những người đang tận tâm phục vụ các trẻ em nạn nhân đủ loại lạm dụng, cả trong lẫn ngoài gia đình các em. 


Chúng ta hãy kết luận bài suy niệm này bằng những câu đầu tiên của Ca Tiếp Liên Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, kêu cầu Chúa Thánh Thần như “Đấng An Ủi Tuyệt Vời”:


Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,  

và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!

Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; 

Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến! 

Lạy Đấng an ủi tuyệt vời, 

là khách trọ hiền lương của tâm hồn, 

là Đấng uỷ lạo dịu dàng. 

Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than, 

là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.

Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật 6 Phuc Sinh

của Cha Raniero Cantalamessa, OFM

Phaolo Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ