Giáo hoàng Phanxicô - Con người của cầu nguyện

PHẦN II

HỒNG Y CỦA CÁC TU SĨ DÒNG TÊN

Chương 7

Vị giáo hoàng tiềm tàng nhường bước cho ứng viên giáo hoàng người Đức

“Ngài cảm thấy như thế nào khi nghe tên mình được xướng lên nhiều lần ở Nhà nguyện Sistine khi kiểm phiếu bầu người kế vị giáo hoàng Gioan Phaolô II?”

Bergoglio có vẻ nghiêm nghị, đôi chút căng thẳng. Cuối cùng, ngài mỉm cười và nói, “Khi bắt đầu Mật nghị các hồng y chúng tôi đã thề sẽ giữ bí mật, nên không thể nói ra đây những chuyện xảy ra ở đó.”1

Rất ít người được tham dự một trong các buổi họp này - một trong những điều bí ẩn nhất thế giới. Các Mật nghị hồng y đã trở nên một cảnh ngày càng gây tò mò cho truyền thông đại chúng và toàn thể dân chúng. Sau khi có nhiều tin xấu quanh Giáo hội bị loan ra, chính Giáo hội cũng hy vọng có được một bản tin tích cực, nên cuộc bầu giáo hoàng là một cách để thu hút cái nhìn của thế giới trong vòng vài ngày. Không một sự kiện nào được cả thế giới dõi theo sít sao như Mật nghị hồng y, ngay cả việc bầu tổng thống Hoa Kỳ cũng không bằng.

 Mật nghị hồng y

DGHPhanxicoConNguoiCuaCauNguyenTự điển Merriam-Webster định nghĩa Mật nghị hồng y là một “buổi họp riêng hay một hội nghị bí mật, cách riêng dùng để chỉ một buổi họp của các hồng y Công giáo La Mã tại một nơi tách biệt liên tục trong thời gian chọn giáo hoàng.”2 Nhưng định nghĩa ngắn gọn này không diễn tả đủ về Mật nghị hồng y.

Từ conclaveMật nghị hồng y, được rút ra từ cum clavis, tiếng La Tinh và nguyên nghĩa là “với chìa khóa” hay “đóng kín cửa.” Nó gần giống với cụm từ thời nay là “phía sau những cánh cửa đóng kín.” Từ thời khởi đầu của Giáo hội Công giáo, các Mật nghị hồng y đã ngày càng kín đáo và bí mật.

Dù trong thời hiện đại, ảnh hưởng của giáo hoàng trên các chính quyền quốc gia đã bị giới hạn nhiều, nhưng trong lịch sử, có nhiều thời, giáo hoàng có thể dùng vạ rút phép thông công để tác động đến các thay đổi lịch sử mang tính quyết định.

Dù việc bầu “người kế vị thánh Phêrô” đã có từ lâu, nhưng kể từ Công đồng Lyon II năm 1274, mới có chế độ buộc những người bỏ phiếu bầu giáo hoàng phải tự tách ly và cô lập mình với thế giới bên ngoài.

Các Mật nghị hồng y được tổ chức ở thành phố Vatican trong nhiều thế kỷ.

Và chỉ có Nhà nguyện Sistine, có lẽ là nhà nguyện đẹp nhất trên thế giới, được chọn làm nơi tổ chức những buổi họp trọng đại này mà thôi. Nhà nguyện Sistine là một phần của Dinh thự Tông Đồ và được xây vào những năm 1447-1480 theo lệnh giáo hoàng Sixtus IX. Trong thời gian từ 1580 đến 1512, giáo hoàng Julius II đã thêm vào đó những bức tranh tường và các tuyệt phẩm của Michelangelo. Trong số đó, nổi tiếng nhất là bức họa Ngày Phán xét Cuối cùng và bức tranh Sự Tạo dựng Adam, được vẽ trên trần nhà nguyện.

Các biểu tượng khác của Nhà nguyện Sistine và cũng thuộc hệ thống bỏ phiếu của Mật nghị hồng y là ống khói và cái lò, nơi dành để đốt các lá phiếu. Nếu “khói đen” (fumata nera) bay lên, nghĩa là chưa ai có đủ số phiếu để được phong giáo hoàng, còn nếu “khói trắng” (fumata bianca) bay lên, nghĩa là cuộc bỏ phiếu đã hoàn tất và đã chọn được giáo hoàng kế tiếp cho giáo hội Công giáo.

Trước cuộc Ly khai Đông Tây (sự tuyệt giao dứt khoát giữa các giáo hội La Tinh và Hy Lạp, một sự ly gián vẫn còn tiếp tục gây chia rẽ Công giáo La Mã và Chính Thống Đông Phương), các Mật nghị hồng y thường được tổ chức ở  Vương cung Thánh đường Santa Maria sopra Minerva của dòng Đa Minh, nhưng sau năm 1455, chuyển sang tổ chức ở Vatican, và từ năm 1878, chỉ được tổ chức ở Nhà nguyện Sistine mà thôi. Kỳ lạ là Vương cung Thánh đường Santa Maria sopra Minerva của dòng Đa Minh được xây dựng trên đống đổ nát của một đền thờ La Mã cổ dùng để kính Minerva, nữ thần khôn ngoan, như thể các hồng y đi tìm sự khôn ngoan từ một nữ thần ngoại giáo trong việc bầu chọn giáo hoàng của mình vậy.

Cuộc cách mạng trong hệ thống bầu giáo hoàng

Lúc đầu, việc bầu giám mục thành Roma là theo sự bầu chọn trực tiếp của giáo dân ở đây. Qua thời gian, các giáo sĩ, giáo dân và giám mục của các giáo phận lân cận cũng tham gia.

Truyền thống Roma là một giáo sĩ sẽ được chỉ định làm ứng viên giáo hoàng khi được mọi người ủng hộ hay hoan hô nhiệt liệt, ứng viên đó sẽ trình diện dân chúng Roma để thông qua sự phê chuẩn. Hệ thống này có nhiều rắc rối, vì đôi khi dân chúng bầu ra nhiều hơn một giáo hoàng, kết quả là có những ngụy giáo hoàng.

Công đồng Laterano năm 769 đã bãi bỏ quyền bầu giáo hoàng của dân chúng thành Roma, nhưng Công nghị Roma đã vãn hồi quyền này năm 862, và chỉ giới hạn trong giới quý tộc mà thôi. Năm 1059, giáo hoàng Nicholas II đã ra một thay đổi, từ đó bảo đảm quyền quyết định nằm trong tay giáo hội. Ngài ra lệnh việc bầu giáo hoàng là trách nhiệm của các hồng y, được phê chuẩn bởi giáo dân và giáo sĩ thành Roma. Công đồng Laterano năm 1139, đã ra một thay đổi cuối cùng, bỏ qua việc phê chuẩn và tạo ra hệ thống bầu giáo hoàng như hiện nay. Hệ thống này chỉ bị nghi ngờ một lần duy nhất là trong cuộc Ly khai Đông Tây.

Những người tham gia bỏ phiếu buộc phải ở trong vòng nội cấm, vì các nhà cầm quyền thế tục thường gây áp lực lớn trên các hồng y của họ.

Nhiều thời, các Mật nghị hồng y dường như không thể hoàn tất, bị cản trở vì các hồng y chỉ muốn bầu cho một người nhất định mà thôi. Dù đã được yêu cầu phải ở trong vòng nội cấm, nhưng một số hồng y vẫn muốn bỏ Mật nghị hồng y, đôi khi phải dùng vũ lực để giữ họ. Sau khi giáo hoàng Clement IV (1268) qua đời, Mật nghị hồng y bầu người kế vị này kéo dài nhất, các hồng y phải ở lại trong Dinh thự Tông Đồ suốt ba năm ròng. Cuối cùng phải cắt bớt phần ăn, nước uống của các hồng y cho đến khi họ bầu được giáo hoàng.

Dù có những giai thoại như thế, nhưng phần lớn các Mật nghị hồng y đều tiến hành nhanh chóng và yên ổn. Trong nhiều thế kỷ, giáo hội đã cố gắng sao cho các hồng y thoải mái hơn khi ở lại Vatican và sao cho hệ thống bỏ phiếu hài hòa và hiệu quả hơn.

Giáo hoàng Pius X đã đưa tất cả các quy chuẩn giáo hoàng vào trong một hiến chế. Năm 1945, giáo hoàng Pius XII thay đổi một vài điều khoản, và các giáo Juan XXIII vào năm 1962, Phaolô VI năm 1975 cũng có làm vậy. Năm 1996, giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ra Tông hiến Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh (Universi Dominici Gregis) đưa ra các luật cuối cùng cho Mật nghị hồng y hiện nay.

Việc bầu chọn và các ứng viên

Hiện nay, những người được tham gia bỏ phiếu đều là thành viên của Hội đồng hồng y. Dù ở thế kỷ XIII, chỉ có bảy hồng y được quyền bỏ phiếu, nhưng hiện nay toàn thể 183 hồng y trong hội đồng đều được quyền này. Có thời, toàn giáo hội chỉ có bảy mươi hồng y, nhưng sự lớn mạnh và mở mang của Giáo hội Công giáo đã buộc giáo hoàng Gioan XXIII phải tăng số hồng y lên sao cho tương xứng với con số ngày càng tăng của các quốc gia có sự hiện diện của Công giáo. Năm 1970, giáo hoàng Phaolô VI đã hạn định tuổi bỏ phiếu là tám mươi tuổi, nghĩa là chỉ có các hồng y chưa đến tám mươi mới được bỏ phiếu.

Bất kỳ người Công giáo đã được rửa tội nào, cũng có thể trở thành giáo hoàng, chứ không nhất thiết phải là giáo sĩ. Trong suốt thế kỷ XVIII, ứng viên giáo hoàng được giới hạn ưu tiên trong giới giáo sĩ, và cuối cùng chỉ trong phạm vi các hồng y mà thôi. Quy tắc này bị hủy bỏ trong Công đồng Laterano III năm 1179, và mở rộng khả năng nhận chức giáo hoàng cho tất cả những người nam trong Công giáo.

Trong trường hợp Giáo hội Công giáo bầu ra một giáo dân hay một linh mục thường làm giáo hoàng, thì sau khi đón nhận cương vị mới, người này sẽ được phong giám mục. Nhưng các ứng viên phải hoàn tất ít nhất hai quy định giáo luật để được phong giám mục: đó là trên ba mươi lăm tuổi và đã làm linh mục ít nhất năm năm.

Dù phần lớn các giáo hoàng được bầu trong giáo hội Công giáo là người Ý, nhưng không có sự phân biệt gì về quốc gia và chủng tộc của các ứng viên, miễn là không phải phụ nữ. Cho đến lần bầu chọn giáo hoàng Gioan Phaolô II, các giáo hoàng người Ý đã nắm quyền suốt gần năm trăm năm. Xu thế bây giờ đã quốc tế hóa vì chúng ta thấy, kế vị Gioan Phaolô II là giáo hoàng Bênêđictô XVI người Đức, và giáo hoàng Phanxicô hiện thời là người Argentina.

Tiến trình bỏ phiếu và tiến trình nhận nhiệm sở của giáo hoàng

Không như kiểu bỏ phiếu chính trị hiện đại, việc bỏ phiếu bầu giáo hoàng không phải là sự canh tranh giữa hai hay vài ứng viên. Các hồng y không thể tự tiến cử mình cũng không được mở chiến dịch ủng hộ cho mình. Họ chỉ được phép thảo luận với nhau xem ứng viên nào tốt nhất và chỉ được ủng hộ phía thứ ba, chứ không phải một trong các hồng y đang bàn bạc với nhau.

Xuyên suốt lịch sử, việc bầu giáo hoàng có ba cách khác nhau: bằng nhiệt liệt hoan hô, bằng thương lượng thỏa hiệp, và bằng bỏ phiếu. Với cách nhiệt liệt hoan hô, đơn giản người bỏ phiếu chỉ cần kêu lớn, hay hoan hô tên của người họ chọn, với sự thúc đẩy của Thần Khí, và nếu đạt được sự nhất trí chung, thì người đó sẽ tự động được bầu làm giáo hoàng. Việc bầu bằng thương lượng thỏa hiệp đã được dùng đến trong những thời kỳ khó khăn khi các hồng y không thể đồng ý chung  với nhau. Trong trường hợp này, một hội đồng các hồng y được ủy thác sẽ bầu ra giáo hoàng. Phương pháp phổ biến nhất, và là phương pháp duy nhất được dùng từ khi giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành Tông hiến Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh (Universi Dominici Gregis) năm 1996, là bỏ phiếu, và là phiếu kín.

Lúc đầu, các giáo hoàng được chọn theo đa số phiếu đơn thuần, nhưng Công đồng Laterano III đã mở rộng tỷ lệ này lên hai phần ba số phiếu. Các hồng y không được phép bầu cho mình. Nếu sau ba mươi tư vòng bỏ phiếu, mà vẫn chưa bầu được giáo hoàng, thì sẽ áp dụng lại quy tắc đa số phiếu đơn thuần. Trong nhiệm kỳ giáo hoàng của mình, giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đổi mức đa số phiếu cần thiết lên hai phần ba cộng một, để tránh tình trạng tranh cãi kéo dài về giáo hoàng.

Khi tòa giám mục Roma hay ngôi giáo hoàng bị bỏ trống, trong tiếng La Tinh là sede vacante, thì những từ đầu tiên của Tông hiến Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh sẽ được xướng lên. Cụm từ La Tinh này có nghĩa là “Mục tử của toàn thể đàn chiên của Chúa”. Theo lệ thường, Tòa thánh sẽ trống tòa vì một hay hai lý do là: giáo hoàng qua đời hay thoái vị. Một lý do thứ ba nữa là phế ngôi giáo hoàng, nhưng điều này chưa từng có ở Vatican.

Rất hiếm có giáo hoàng thoái vị. Khi việc này xảy ra, hiến pháp đòi buộc phải có một cuộc bầu cử tự do và chính thức. Chương tiếp theo sẽ bàn về những việc khiến giáo hoàng Benedicto XVI thoái vị.

Khi một giáo hoàng bị cản trở không thể hoàn thành trách nhiệm của mình, do những tác động bên ngoài, như bị bắt giữ, trục xuất, lưu đày, hay bệnh tật, thì tiếng La Tinh gọi những trường hợp này là sede impedite.

Trong thời gian bầu tân giáo hoàng, và trong thời gian trống tòa, Hội đồng hồng y sẽ đảm nhiệm điều hành giáo hội Công giáo, với những quyền hành có giới hạn. Họ chỉ có thể quyết định những vấn đề bình thường và không thể tránh được. Họ cũng có trách nhiệm tổ chức tang lễ của giáo hoàng và việc bầu người kế vị. Hội đồng hồng y không được phép thay đổi quy tắc bầu giáo hoàng hay thay quyền giáo hoàng.

Trong thời gian sede vacante, hồng y hầu cận sẽ chịu trách nhiệm về tài sản của giáo hoàng, và được thêm ba hồng y khác phụ giúp. Từ năm 2007, hồng y hầu cận là Tacisio Bertone, cũng là Quốc vụ khanh Tòa thánh.

Khai mạc Mật nghị hồng y

Lúc khai mạc Mật nghị hồng y, các hồng y sẽ về Roma, vào Vatican, và ở lại Casa Santa Maria, nơi giáo hoàng Gioan Phaolô II đã trang bị sao cho những người tham gia bầu giáo hoàng được thoải mái. Dinh thự này nằm trong Vatican và gần Nhà nguyện Sistine.

Mật nghị hồng y có thể phải mất nhiều ngày hay nhiều tuần, và trong thời gian đó, ngăn cấm tất cả mọi hình thức giao tiếp với bên ngoài, kể cả truyền hình, điện thoại, đài truyền thanh, internet, hay bất kỳ dạng trao đổi thông tin nào. Các hồng y được tách ly để bảo vệ các ngài khỏi các tác động bên ngoài và để bảo đảm sự tự do trong quyết định của họ cũng như sự thanh tịnh cần thiết khi xử dụng một lá phiếu quan trọng như thế này.

Mật nghị hồng y thường được bắt đầu khoảng mười lăm hay hai mươi ngày kể từ ngày giáo hoàng qua đời hay thoái vị. Lễ khai mạc được tổ chức trong thánh lễ buổi sáng có nghi thức riêng long trọng gọi là Thánh Lễ Khai Mạc Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng (Pro eligendo Summo Pontifice,) do vị trưởng hồng y đoàn chủ tọa. Lễ này để xin Chúa soi sáng cho các hồng y trong việc bỏ phiếu bầu tân giáo hoàng.

Chiều hôm đó, tất cả các hồng y tề tựu ở Nhà nguyện Pauline và thẳng tiến đến Nhà nguyện Sistine. Họ băng qua Sala Regia, nơi dành để tấn phong các giáo hoàng thời đầu. Khi đã sửa soạn xong, và hát xong kinh Lạy Đấng sáng tạo, xin hãy đến (Veni Creator) họ tuyên thệ, rồi các cánh cửa của Nhà nguyện Sistine được đóng lại, trong đó chỉ có các hồng y với nhau, còn đội cận vệ Thụy Sĩ đứng gác ở cửa để bảo vệ tiến trình bỏ phiếu.

Mỗi ngày có hai buổi bỏ phiếu, một buổi sáng, và một buổi chiều, mỗi buổi có hai vòng. Mỗi hồng y nhận hai lá phiếu, trên đó viết “Tôi bầu Giáo Hoàng là,” (Eligo in Summum Pontificem”), tiếp theo là một khoảng trắng để họ viết tên người được chọn vào. Các hồng y được yêu cầu viết rõ ràng nhưng không để bị nhận ra nét bút.

Rồi họ gom phiếu và đem đến bàn thờ, nơi những người kiểm phiếu bỏ vào thùng đóng kín. Khi mỗi hồng y bước đến thùng phiếu, ngài sẽ nói, “Có Đức Kitô là người làm chứng, và Thiên Chúa là đấng phán xử, tôi nhận rằng lá phiếu này tôi bầu cho người, mà trước mặt Chúa, tôi nghĩ là xứng đáng được bầu.” Nếu hồng y nào quá già hay quá yếu để bước đến thùng phiếu, thì người kiểm phiếu sẽ đến để nhận lá phiếu và đem lên bỏ vào thùng. Nếu hồng y nào đang phải nghỉ bệnh, thì người kiểm phiếu sẽ đến tận phòng để nhận lá phiếu.

Ba hồng y kiểm phiếu, được chọn qua rút thăm, sẽ đếm phiếu trước mặt tất cả mọi người. Nếu có nhiều phiếu hơn số người bỏ phiếu, thì tất cả lá phiếu sẽ bị đốt sạch và bắt đầu lại từ đầu. Có ba người sẽ dò lại việc đếm phiếu của những người kiểm phiếu. Các lá phiếu được đốt trong một ống khói, và màu khói được thay đổi tùy theo việc bỏ phiếu đã thành công hay chưa. Các kết quả bầu được ghi vào một bản trích lục đặc biệt.

Công bố giáo hoàng

Khi đã có đủ đa số phiếu cần thiết, thư ký Hội đồng hồng y và trưởng ban Nghi lễ Phụng vụ của Giáo hoàng sẽ trở về Nhà nguyện Sistine. Hồng y trưởng sẽ đến bên người được chọn làm giáo hoàng và hỏi, “Ngài có chấp nhận việc bầu theo giáo luật chọn ngài làm giáo hoàng hay không?” (Acceptasne electionem de te canonicefactam in Summum Pontificem?) Nếu người đó chấp nhận, sẽ được hỏi tiếp, “Ngài lấy danh hiệu là gì?” (Quo nomine vis vocari?) Tân giáo hoàng sẽ nói danh xưng mới của mình, “Gọi tôi là…” (Vocabor...) Vị Trưởng điều hành sẽ ghi lại tên của tân giáo hoàng vào trích lục chính thức.

Các Mật nghị hồng y năm 1978

Các Mật nghị hồng y gần đây nhất rất lạ thường. Mật nghị hồng y cuối cùng của thế kỷ XX, mở đầu triều giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã phá vỡ truyền thống. Kể từ thế kỷ XVI, chưa từng bầu giáo hoàng nào không phải người Ý, và khi triệu tập Mật nghị hồng y 1978 vẫn chưa có một ứng viên nào nổi bật rõ ràng.

Gần như ngay lập tức, chỉ sau một ngày và bốn vòng bỏ phiếu, đã xác định được tân giáo hoàng là thượng phụ Venice, Albino Luciani. Nhưng ngài qua đời cũng đột ngột như chức giáo hoàng của mình. Nhận ngai vị vào tháng 8 năm 1978, chỉ một thời gian ngắn sau đó, ba mươi ba ngày, ngài đã qua đời trên giường ngủ.

Cái chết đột ngột của giáo hoàng Gioan Phaolô I đã đặt giáo hội Công giáo vào một tình trạng hỗn loạn. Giáo hội cho rằng tốt nhất nên có người thay thế ngài lập tức, và Mật nghị hồng y mới được triệu tập vào tháng mười cùng năm, 1978.

Việc bầu giáo hoàng người Ba Lan đã thể hiện sự quan tâm của Giáo hội đến những khốn khổ của dân Chúa ở các nước Cộng sản, nhưng triều giáo hoàng Gioan Phaolô II còn thành tựu hơn thế nhiều. Giáo hoàng trẻ tuổi người Ba Lan đã hiện thực hóa được nhiều đề án của những bậc tiền nhiệm. Ngài cũng làm cho giáo hoàng trở thành tâm điểm chú ý của cả truyền thông lẫn dân chúng trên thế giới. Như đã đề cập trước, trong suốt hai mươi bảy năm giáo hoàng của mình, ngài đã viếng thăm rất nhiều nước. Ngài đã thay đổi cách tiếp cận của Vatican với thường dân, trong khi vẫn trung thành với truyền thống giáo lý và phụng vụ Công giáo. Giáo hoàng Ba Lan đã cố gắng hiệp nhất giáo hội và xóa bỏ các khuynh hướng mang tính chính trị như thần học giải phóng. Hướng đến những mục tiêu này, ngài đặt niềm tin lớn vào những dòng tu mang tính bảo thủ hơn, như dòng Biển Đức, và Đạo binh Chúa Kitô. Người bạn, và cộng sự của ngài là Joseph Aloisius Ratzinger đã được chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nối công việc của người tiền nhiệm.

Mật nghị hồng y năm 2005

Mật nghị hồng y đầu tiên của thế kỷ XXI là sự kiện được trông đợi nhiều. Thế giới chú tâm nhìn vào vì sức khỏe của vị giáo hoàng mạnh mẽ năng động Gioan Phaolô II đã suy sụp đến không ngờ. Một vài người khuyên ngài nên thoái vị, nhưng ngài vẫn tại chức, khẳng định cách duy nhất để chấm dứt triều giáo hoàng là cái chết.

Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời ngày 2 tháng 4 năm 2005, thọ 82 tuổi. Ngay cả những người đối lập cũng nể phục uy tín của ngài. Những chuyến viếng thăm gây tranh cãi của ngài, với một dự định chính trị rõ ràng xuất phát từ ước mong hỗ trợ cho tín hữu Công giáo bất cứ đâu, đã mang lại cho ngài sự tôn trọng rất lớn. Ai có thể thay thế được một con người có tầm vóc như thế?

Những lời cuối cùng của giáo hoàng người Ba Lan Gioan Phaolô II là “Hãy để tôi đến nhà Cha” (Poztvolcie mi isc do domu Ojca).3 Ngay lập tức, dân chúng kêu vang đòi phong thánh cho ngài, và linh cửu của ngài cuối cùng được đặt dưới bàn thờ trong Nhà nguyện thánh Sebastian.

Thánh lễ an táng giáo hoàng Gioan Phaolô II được cử hành long trọng ngày 08 tháng 4 năm 2005. Khoảng 300,000 người được vào quảng trường thánh Phêrô, nhưng có hơn một triệu rưỡi người hành hương về Vatican. Các nhà lãnh đạo các cường quốc, các đại diện các quốc gia đến dự tang lễ, tất cả giới chức trong giáo hội đều có mặt. Giữa nhóm các hồng y, có một người đến từ Argentina, Jorge Mario Bergoglio, đau buồn vì cái chết của bề trên, hoàn toàn không biết gì về những chuyện sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới.

Mười ngày sau, 18-4-2005, Mật nghị hồng y bắt đầu. Mọi người vô cùng kỳ vọng. Thật khó để tìm được một sự thay thế xứng đáng sau một triều giáo hoàng như giáo hoàng Gioan Phaolô II. Một trong những quyết định đầu tiên của Hội đồng hồng y là người được chọn lần này sẽ không quá tám mươi tuổi. Họ không muốn tái diễn những năm cuối đời đau đớn của giáo hoàng tiền nhiệm.

Có 117 hồng y đủ tư cách trong Mật nghị hồng y năm đó. Chính xác có năm mươi hồng y người Âu châu, mười tám từ Bắc Mỹ, và mười bảy từ châu Mỹ La tinh, phần còn lại từ Phi châu, Á châu, và châu Đại Dương. Vì lý do sức khỏe, các hồng y Jaime Lachica Sin và Adolfo Antonio Suarez Rivera không thể tham dự.

Trong số các đại biểu của châu Mỹ La tinh, Jorge Mario Bergoglio là đại diện cho Argentina. Dù lúc này, ngài đã có tiếng trong Giáo triều, nhưng vẫn là một người xa lạ với dân chúng và giới truyền thông.

Bầu hụt Jorge Mario Bergoglio

Ngày đầu tiên của Mật nghị hồng y là các nghi lễ như đã nêu ở trên. Sau triều giáo hoàng kéo dài của Gioan Phaolô II, chỉ có hai hồng y hiện thời đã từng tham dự Mật nghị hồng y trước, là hồng y Baum và hồng y Ratzinger.

Có hai hồng y có vẻ đặc biệt nhất trong Mật nghị hồng y lần này là Ignatius Basile Moses I Daoud thuộc giáo hội Công giáo Syri, và Lubomyr Husar thuộc giáo hội Công giáo Ukraina. Tất cả các người còn lại đều thuộc giáo hội Công giáo Roma.

Trưởng ban Nghi lễ Phụng vụ của Giáo hoàng thời đó là Piero Marini. Trong buổi thảo luận đầu tiên, chưa ai chiếm được đa số chọn lựa, dù tất cả mọi người đều biết cha Ratzinger, cánh tay mặt của giáo hoàng Gioan Phaolô II trong nhiều năm, là người có ưu thế.

Hồng y Spidlik ngoài 80 tuổi chủ tọa buổi kinh chiều. Sau một bài giảng ngắn, các hồng y bước đến bàn thờ để bỏ lá phiếu của mình. Trong đầu họ đang nghĩ đến ai? Ai có thể thay thế được vị giáo hoàng uy tín nhất trong suốt các thế kỷ gần đây?

Các hồng y được phiếu bầu là Ratzinger với bốn mươi bảy phiếu, Bergoglio mười phiếu, Carlo Martini chín phiếu, Camillo Ruini sáu phiếu, Angelo Sodano bốn phiếu, Oscar Rodriguez Maradiaga được ba, và Dionigi Tettamanzi là hai phiếu còn lại. Người dẫn đầu, Ratzinger, là cánh tay mặt của giáo hoàng tiền nhiệm, ngài cũng là trưởng Hội đồng hồng y, và là ứng viên có vị trí cao nhất trong Giáo triều.

Hồng y người Argentina, Jorge Mario Bergoglio là một bất ngờ với tất cả, cho dù những năm gần đây, danh tiếng của ngài đã vang xa hơn, đặc biệt là ở đại lục Mỹ châu.

Với vốn học thuật hàn lâm của mình, hồng y Martini là một trong những người sáng giá, nhưng một số cho rằng ngài đã bảy mươi tám, quá gần với giới hạn tuổi cho ứng viên giáo hoàng. Ngài đã là tổng giám mục Milan suốt hai mươi năm. Martini là ứng viên có tư tưởng tiến bộ nhất trong giáo hội Công giáo thời đó.

Số các hồng y còn lại dường như có rất ít cơ hội để thực sự được trở thành giáo hoàng, các câu chuyện ngày hôm đó đều nói về sự bất ngờ của hồng y Argentina.

Trong giờ ăn trưa, và giờ nghỉ giữa các buổi họp, Bergoglio vẫn là một người rụt rè, bị đè nặng với trọng trách vừa đặt lên vai. Vị hồng y này vẫn chưa quen với những lề lối của Giáo triều, ngài chưa bao giờ sống ở Roma, và cũng không có ảnh hưởng gì với các phái ở trung tâm giáo hội Công giáo này.

Các hồng y biết rằng Bergoglio có thể là người cấp tiến. Vì từ khi được phong hồng y, ngài đã khước từ đặc quyền sống trong dinh thự tổng giám mục ở một trong những khu vực giàu có nhất của Buenos Aires. Một vài người nhìn ra nơi ngài những nét của giáo hoàng Gioan Phaolô I, khắc khổ trong nhiệm kỳ giáo hoàng của mình, nhưng số khác lại thấy trước những mối nguy đến từ một giáo hoàng quá thiên về người nghèo.

Lúc 9 giờ sáng, ngày thứ ba, 19 tháng tư, Mật nghị hồng y nhóm họp lần nữa. Buổi bỏ phiếu sáng thứ nhất đã cho thấy rõ lập trường và quan tâm vào các ứng viên sáng giá hơn. Kết quả kiểm phiếu lần này, Ratzinger được sáu mươi lăm phiếu, nhưng vẫn thiếu mười hai phiếu để đạt đa số hai phần ba phiếu. Lần này cũng lại là một ngạc nhiên lớn khi Bergoglio có được ba mươi lăm phiếu. Những lá phiếu bầu cho Ruini đã chuyển sang Ratzinger, nhưng những lá phiếu bầu cho hồng y cấp tiến Martini lại hướng về Bergoglio. Sodano chỉ được bốn phiếu, và Tettamanzi một lần nữa được hai.

Ngày bỏ phiếu thứ hai dường như còn phức tạp hơn. Sẽ có thêm phiếu cho tổng giám mục Buenos Aires chăng? Vài năm sau, Bergoglio nói rằng ngài đã thấy rất bối rối và áp lực lúc đó.

“Cha cảm thấy thế nào khi nghe tên mình xướng lên lần này đến lần khác trong Nhà nguyện Sistine, khi kiểm phiếu bầu người kế vị Gioan Phaolô II?”

Bergoglio có đôi chút căng thẳng. Cuối cùng, ngài mỉm cười và nói, “Lúc khai mạc Mật nghị hồng y, các hồng y chúng tôi đã thề sẽ giữ bí mật, nên không thể nói ra đây những chuyện xảy ra ở đó.”

“Nhưng ít nhất cha có thể nói về cảm giác của cha khi thấy mình là một trong những ứng viên sáng giá của ngôi giáo hoàng...”

“Xấu hổ, bối rối. Tôi đã nghĩ là tất cả các nhà báo sẽ bị điên mất thôi.”4

Buổi bỏ phiếu thứ hai được tổ chức lúc 11 giờ và một số người đã xem Bergoglio là giáo hoàng tương lai, gây ngạc nhiên vô cùng cho hàng ngàn nhà báo và hàng triệu người Công giáo đang chờ đợi. Vòng bỏ phiếu đó, Ratzinger có được bảy mươi hai phiếu, vẫn còn thiếu năm phiếu để trở thành tân giáo hoàng. Số phiếu của Bergoglio là bốn mươi, hơn lần trước năm phiếu, và như thế càng khiến tình hình thêm phức tạp.

Tất cả các hồng y đều quá đỗi ngạc nhiên trước sự thăng tiến bất ngờ của vị hồng y Argentina này. Những lá phiếu dồn cho Bergoglio buộc các hồng y phải bỏ phiếu lần nữa. Những người ủng hộ Ratzinger rất ngạc nhiên, vì họ nghĩ hồng y người Đức này sẽ được bầu lên một cách dễ dàng.

Buổi ăn trưa hôm đó hẳn phải rất chộn rộn. Nhiều hồng y hẳn đã nhìn về Bergoglio để xem liệu con người tốt lành nhưng rụt rè này có thể dẫn dắt một tổ chức tôn giáo lâu đời nhất thế giới hay không, nhất là khi ngài chỉ biết chút ít về công việc nội bộ Giáo triều.

Hồng y Trujillo lên tiếng vận động cho Ratzinger. Martini cố gắng phá vỡ cân bằng của Bergoglio, khuyến khích các hồng y châu Mỹ La tinh thay đổi lá phiếu. Nếu buổi bỏ phiếu chiều đó vẫn chưa quyết định được, thì những ngày tiếp theo có thể Bergoglio sẽ có thêm phiếu nữa.

Tuy nhiên, dường như chính Bergoglio đã yêu cầu những người bỏ phiếu cho mình chuyển lá phiếu qua Ratzinger. Rồi vị tổng giám mục Buenos Aires vô danh đơn giản vẫn chỉ suýt trở thành giáo hoàng gốc châu Mỹ La tinh đầu tiên trong lịch sử.

Vòng bỏ phiếu thứ ba ngày hôm đó, cũng là vòng thứ bốn của Mật nghị hồng y này đã có kết quả cuối cùng. Ratzinger được tám mươi tư phiếu và Bergoglio được hai mươi sáu. Sau kết quả kiểm phiếu, căn phòng lặng thinh một khắc trước khi vang lên tiếng vỗ tay thân ái chúc mừng tân giáo hoàng. Vấn đề bây giờ là hồng y người Đức này là ai? Liệu ngài có đủ khả năng gánh vác giáo hội nối tiếp Gioan Phaolô II hay không?

Giáo hoàng người Đức

Joseph Aloisius Ratzinger luôn luôn là người ham học, khép kín, và ít nổi bật, luôn tránh né các đám đông. Sinh ra tại Marktl, Baveria, là con thứ ba, cũng là con út của ông Joseph Ratzinger, một cảnh sát viên, và bà Maria Rieger. Chàng trai trẻ Ratzinger luôn muốn trở thành giám mục. Từ khi còn nhỏ, ngài đã thấy hồng y tổng giám mục Munich trong một buổi lễ long trọng và nhận thức rõ là mình muốn được giống như thế. Được sự ủng hộ của cha, ngài theo học tại chủng viện Thánh Michael. Sau khi Hitler ra lệnh tất cả mọi chủng sinh phải gia nhập tổ chức Thanh niên Hitler năm 1939, chàng trai trẻ Ratzinger phải nhập ngũ. Lúc mười sáu tuổi, ngài bị gọi nhập ngũ và làm trợ lý trong quân đoàn phòng không. Người lính trẻ này phải bảo vệ nhà máy BMW ở Munich. Về sau, ngài được gởi đến Áo quốc để làm việc trong quân đoàn chống tăng.

Trong những ngày cuối chiến tranh, ngài đã bỏ ngũ và bị quân Đồng Minh bắt giam. Sau khi được trả tự do, ngài học xong trung học. Rồi ngài theo học tại trường Triết Thần Freaising, Đại học Munich, và Đại học Freiburg. Sau khi có bằng tiến sĩ, ngài bắt đầu giảng dạy tại Đại học Bonn vào năm 1959. Rồi năm 1963, ngài chuyển đến Đại học Munster, và được mọi người thừa nhận là một thần học gia có thế giá.

Lúc đầu, Ratzinger theo Tân Thần học của dòng Tên, nhưng dần dần, ngài chuyển hướng qua những lập trường ôn hòa hơn.

Năm 1966, ngài bắt đầu giảng dạy thần học tại Đại học Tubingen, và là đồng sự với thần học gia nổi tiếng Hans Kiing. Những quan điểm đổi mới của ngài đã được thể hiện rõ ràng trong quyển sách đầu tiên ngài viết, Dẫn nhập vào Kitô giáo, trong đó, ngài lập luận rằng giáo hoàng nên ra quyết định dựa trên ý của những người khác nữa. Sau khi giảng dạy một vài nơi và tham dự Công đồng Vatican II, Ratzinger được tấn phong tổng giám mục Munich và Freising. Giấc mơ thuở bé của ngài đã thành hiện thực. Liệu ngài có mơ điều gì cao hơn chức tổng giám mục Đức hay không?

Việc đắc cử của giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mở ra sự đổi mới cả một thế hệ. Giáo hoàng phong Ratzinger làm tổng giám mục năm 1977, và đó là lần đầu tiên hai người gặp mặt nhau sau nhiều năm thư từ qua lại.

Gioan Phaolô II dùng tổng giám mục người Đức này như trợ lý thân tín nhất của mình về các vấn đề thần học. Năm 1981, Ratzinger được đặt làm trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin, một Tòa dị giáo thời hiện đại. Để chu toàn trách vụ mới của mình, ngài từ chức tổng giám mục Đức và chuyển đến Roma. Về sau, năm 1993, ngài được phong hồng y giám mục Velletri-Segni và năm 1998, được bầu làm phó Hội đồng Hồng y, rồi đến năm 2002 là trưởng Hội đồng này.

Ratzinger chắc chắn có ưu thế hơn để ngồi vào ngai tòa Phêrô. Hồng y người Đức này tự xem mình là người tiếp nối Gioan Phaolô II vì hai người làm việc rất thân thiết với nhau. Ngài bình luận như sau,

Trong mạng lưới kết nối những chứng nhân, Người kế vị thánh Phêrô có một nhiệm vụ đặc biệt. Chính Phêrô, với tư cách Tông đồ, đã thực hiện lời tuyên xưng đức tin đầu tiên: “Thầy là Đấng Messiah, là Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). 

Đây là nhiệm vụ của tất cả mọi Người kế vị thánh Phêrô, nghĩa là làm người dẫn đường trong việc tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.

Trong niềm tin của chúng ta, ngai tòa Roma cao hơn tất cả mọi vị thế khác...

Giám mục Roma ngồi trên Ngai là để làm chứng cho Chúa Kitô. Do đó, Ngai Giáo hoàng là biểu tượng của potestas docendi, quyền lực giảng dạy là một phần tiên quyết của quyền ràng buộc hay cởi bỏ mà Chúa đã trao cho thánh Phêrô, và sau đó, là cho nhóm Mười hai.5

Vị giáo hoàng người Đức, với danh hiệu Bênêđictô XVI, đã xem mình là người tiếp nối không chỉ công việc của thánh Phêrô mà còn là của những người kế vị thánh Phêrô, đặc biệt là người bề trên của ngài, Gioan Phaolô II.

Không dễ để Ratzinger tự nhận mình có thể nắm được một chức vị phức tạp và quan trọng như ngai giáo hoàng. Nhiều giờ trước khi chính thức được chọn, Ratzinger đã cầu nguyện rất rõ ràng:

Khi, chiều hướng các lá phiếu dần dần cho tôi hiểu rằng, đơn giản là chiếc rìu đang chuẩn bị rơi xuống, và đầu tôi bắt đầu rối bời. Tôi chắc rằng tôi đã thực thi được công cuộc đời tôi và có thể nhìn về những ngày phía trước mà biết rằng sẽ không còn những ngày yên bình nữa. Với một lòng tin cậy sâu sắc tôi nói với Chúa: Xin đừng để điều này xảy đến với con! Ngài có những người trẻ hơn và giỏi hơn để chọn, những người có thể đối diện với trọng trách này bằng một sinh lực và sức mạnh lớn hơn con.6

Một vài hồng y đã e ngại về tân giáo hoàng. Họ tin rằng giáo hội Công giáo cần một người năng động và có thanh thế hơn. Vì lý do này, một vài người nghĩ là nên có thêm một vòng bỏ phiếu khác. Nhưng hơn bất kỳ phe phái nào, báo giới dường như rất thất vọng, khi họ viết: “Ratzinger dường như quá già, quá đau yếu, quá Âu châu, quá trí thức, và quá “thẳng một đường”.”7

Các chú thích:

1. Tôi tin tưởng ở con người: El jesuita; đối thoại giữa hồng y Jorge Bergoglio với Sergio Rubinc và Francesca Ambrogetti (Buenos Aires: Vergara, 2010.

2. http://www.merriam-webster.com/dictionary/conclave.

3. Catholic News Agency,19-09-2005,

http://www.catholicnewsagency.com/news/vatican _reveals_pope_john_paul_ü_lasts_words_let_me_go_to_the _house_of_the_father.

4. Rubin và Ambrogetti, El jesuita.

5. Bài giảng trong Thánh Lễ nhận chức Giám mục Roma, 07-05-2005 của giáo hoàng BênêđictôXVI,http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2005/documents/hf_ben-xvi _hom_20050507_san-giovanni-laterano_en.html.

6. Bênêđictô XVI, 25-04-2005,

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches /2005/april/documents/hf_ben-xvi_spe_20050425_german-pilgrims_en.html.

7. Pablo Blanco Sato, Benedicto XVI. El papa alemán (Barcelona: Planéta, 2011).