Giáo hoàng Phanxicô - Con người của cầu nguyện

PHẦN III

NĂM THÁCH ĐỐ

Chương 10 

Giáo hoàng dòng Tên đầu tiên

 Cuối cùng, ... Tôi vào Dòng Tên, tôi bị lôi cuốn vì họ là năng lực thăng tiến Giáo hội quá đỗi.1

Trong toàn bộ lịch sử Giáo hội Công giáo, Jorge Mario Bergoglio là giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên. Trong lịch sử Công giáo, chuyện giáo hoàng xuất phát từ các dòng tu là khá hiếm, chỉ có 34 lần mà thôi. Trong số 34 lần đó, dòng Biển Đức là nhiều nhất, rồi đến dòng Âu Tinh, dòng Đa Minh, dòng Phanxicô, và dòng Xitô, theo danh sách dưới đây.

  • Dòng Biển Đức có mười bảy người: Gregory I, Boniface IV, Adeodatus II, Leo IV, John IX, Leo VII, Stephen IX, Gregory VII, Victor III, Urban II, Paschal II, Gelasius II, Celestine V, Clement VI, Urban V, Pius VII, and Gregory XVI.
  • Dòng Âu Tinh có sáu người: Eugene IV; và năm Kinh sĩ Dòng: Honorius II, Innocent II, Lucius II, Gregory VIII, and Adrian IV.
  • Dòng Đa Minh có bốn người: Innocent V, Benedict XI, Pius V, and Benedict XIII.
  • Dòng Phanxicô có bốn người: Nicholas IV, Sixtus IV, Sixtus V, and Clement XIV.
  • Dòng Xitô có hai người: Eugene III and Benedict XII.
  • Dòng Tên có một người: Phanxicô.

DGHPhanxicoConNguoiCuaCauNguyenVậy tại sao có quá ít giáo hoàng xuất thân từ các dòng tu, và điều gì làm cho các linh mục giáo phận dễ lên ngôi giáo hoàng hơn? Các dòng tu có vai trò khác với hàng linh mục giáo phận. Tất cả các dòng tu được thành lập theo một đặc nét thu hút riêng và một sứ mạng tiên quyết, là chăm sóc người nghèo, rao giảng, truyền giáo, hay phục vụ những người bên lề xã hội. Các dòng tu có luật rất nghiêm nhặt về vâng phục và hệ thống phẩm trật nội bộ, hệ thống này dù không chủ tâm nhưng lại có thể dẫn đến đối lập với việc vâng phục giám mục giáo phận. Đa số các dòng tu sống với một lời khấn khó nghèo hoàn toàn, và hiểu rằng vai trò lãnh đạo của một giám mục là một lối sống khác xa với quan niệm khó nghèo của dòng. Các tu sĩ và nữ tu có khuynh hướng tránh các vị trí trong hàng phẩm trật Giáo hội, chính vì nhận thức cao của họ về lòng khiêm nhượng.

Phần đông các hồng y được đích thân giáo hoàng tấn phong đến từ môi trường giáo phận, do đó họ sẽ chọn bỏ phiếu cho những người cùng môi trường với mình. Trong tất cả giáo hoàng xuất thân từ tu viện, phần đông chấp nhận ngai giáo hoàng chỉ sau khi suy ngẫm rất kỹ, vì trong một số dòng, như Dòng Tên chẳng hạn, khi nhận chức hồng y hay giám mục họ không còn ở trong dòng nữa.

Các tu sĩ dòng Tên đặc biệt tận tâm với giáo hoàng và chỉ chịu trách nhiệm trước mỗi giáo hoàng mà thôi, chứ không cần phải vâng phục các giám mục. Vì nghĩa vụ này của mình, dòng Tên phát triển một phong cách vâng phục mới gọi là vâng phục tiên liệu. Vâng phục tiên liệu không gì khác hơn là trước khi lệnh được thiết lập, dòng Tên đã vâng phục theo đó rồi.

Các tu sĩ dòng Tên, dù đã có lời thề nghiêm nhặt về vâng phục giáo hoàng, nhưng lại bị các chính phủ xem là bất tín, đặc biệt là các chính phủ chuyên chế, vì dòng Tên làm việc độc lập với hàng phẩm trật giáo phận, do vậy không thể điều khiển họ được. Cuộc trục xuất các tu sĩ dòng Tên trên đa số các nước Âu châu trong thế kỷ XVIII và việc giải tán dòng năm 1773 đóng vai trò lớn trong việc người ta bất tín vào cơ chế mạnh mẽ có sức ảnh hưởng chính trị sâu rộng của dòng.

Năm 1814, sau khi giáo hoàng Pius VII phục hồi dòng Tên, Dòng dần dần khôi phục lại sức mạnh đã mất của mình, bất chấp những nghi kị về dòng vẫn cứ tiếp diễn. Việc giáo hoàng Gioan Phaolô II về căn bản đã nắm được Dòng Tên và đặt những người thân tín của mình vào vai trò lãnh đạo dòng, đã thể hiện mức độ khó khăn đến thế nào để có thể hoàn toàn điều khiển dòng Tên.

Cho dù trong dòng thường tin là nên tránh những vị trí trong hàng giáo phẩm, nhưng việc một linh mục gốc dòng Tên được bầu làm giáo hoàng đã được các thành viên Dòng Tên đón nhận nồng nhiệt. Cha Adolfo Nicolas, tổng quyền Dòng Tên, được bầu vào năm 2008, đã phát biểu về giáo hoàng Phanxicô như sau:

“Dấu ấn riêng biệt của Dòng Tên là đây... một tình huynh đệ... hướng về Giáo hoàng với sợi dây ràng buộc đặc biệt trong tình yêu và phục vụ.” ... Từ đó, chúng tôi chia sẻ niềm vui của toàn thể Giáo hội, và mong muốn bày tỏ rằng chúng tôi đã được đổi mới, sẵn sàng để được gởi đi đến vườn nho của Thiên Chúa, theo tinh thần của lời thề vâng phục đặc biệt, rõ ràng đã hiệp nhất chúng tôi với Đức Thánh Cha.2

Cha Nicolas người Tây Ban Nha rất chú tâm đến người nghèo, và điều này hoàn toàn thích hợp với tân giáo hoàng. Cha Nicolas cho biết, cha cảm thấy không quá gần gũi với các tư tưởng thần học của Bênêđictô XVI,3 vị giáo hoàng tri thức và ôn hòa.

Xưng hiệu “Phanxicô” của giáo hoàng chứng tỏ cho chúng ta biết tinh thần phúc âm gắn liền với người nghèo của Đức Thánh Cha, sự gắn bó của ngài với những người đơn sơ giản dị và lòng tận tâm đổi mới Giáo hội của ngài. Ngay từ giây phút đầu tiên khi xuất hiện trước mặt toàn thể dân Chúa, ngài đã cho chúng ta thấy bằng chứng hiển hiện của lòng đơn sơ, khiêm nhượng, kinh nghiệm mục vụ và chiều sâu tâm hồn của ngài.4

Một giáo hoàng Dòng Tên

Giáo hoàng dòng Tên có ý nghĩa gì cho Giáo hội Công giáo?

Chưa có câu trả lời rõ ràng. Giáo hoàng Phanxicô có thể tạo nên những thay đổi quyết liệt trong cách làm việc của giáo hoàng trong khi vẫn giữ cốt lõi rao giảng và giáo lý của Giáo hội Công giáo. Những thái độ đầu tiên của ngài với tư cách giáo hoàng đã phản ánh khuynh hướng của Dòng Tên trong 100 năm gần đây: chọn lựa ưu tiên cho người nghèo.

Trong quyển sách Sức mạnh Thật sự của Phục vụ (El verdadero poder del servicio), giáo hoàng nói về việc gặp gỡ có chủ đích với người nghèo, ra đi để gặp họ tại chính nơi họ ở: “Chúng ta hãy đi tìm kiếm những người nghèo nhất để nói với họ “Chúa ở cùng bạn.”5

Trọng tâm về người nghèo này có thể làm tăng thêm các yêu cầu từ Giáo hội Công giáo với các chính phủ và làm mạnh thêm những phê phán của Giáo hội đối với cấu trúc tài chính tư bản hiện hành.

Giáo hoàng Phanxicô hoàn toàn không phải là một nhà cách mạng, nhưng ngài phê phán mạnh mẽ hệ thống bất bình đẳng đang thống trị hiện nay. Giáo hoàng giải thích rằng việc chọn người nghèo đã được phản ánh rõ ràng trong Công đồng Vatican II nhưng chưa được phát triển trọn vẹn.Tư tưởng này cũng đã được củng cố trong Hội đồng Giám mục châu Mỹ La Tinh năm 2005 tại Aparecida, Brazil.

Dù quan tâm đến người nghèo, giáo hoàng Phanxicô không tin rằng nên chọn theo con đường của thần học giải phóng.Theo giáo hoàng, cuộc chiến chống đói nghèo nên chú trọng vào trách nhiệm của từng cá nhân với tha nhân chứ không phải chú trọng vào hình thức sản xuất.8

Một đặc điểm đáng chú ý khác của giáo hoàng Phanxicô phản ánh nền tảng đào tạo Dòng Tên của ngài, đó là sự xem thường quyền lực chính trị. Ngài không tin chính trị và tôn giáo nên đi song song với nhau. Quyền lực luôn thay đổi, từ nhóm này qua nhóm kia, và giáo hoàng tin rằng, nếu Giáo hội gắn mình với quyền lực thì rồi sẽ bị trừng phạt.9

Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố ngài xa lánh chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa tư bản. Ngài xem chủ nghĩa cộng sản là một thuyết duy vật, không có chỗ cho siêu việt. Còn chủ nghĩa tư bản là một mong muốn cực đoan muốn điều khiển tôn giáo. Ngài giữ quan điểm rằng Giáo hội luôn luôn phải có nhãn quan ngôn sứ, biết lên án bất công bất kể nó bắt nguồn từ đâu.10

Khi thành lập Dòng Tên, thánh Inhaxiô thành Loyola đã xem dòng là một đội dân quân. Các giá trị thành tựu là tinh thần kỷ luật và trật tự có lẽ là đóng góp chính của Dòng Tên mà giáo hoàng Phanxicô đem đến cho Vatican. Ngài là người biết cách cai quản và bảo đảm lệnh của mình được thi hành. Ngài cũng không quen với việc dùng những người trung gian. ngài thiên về hành động trực tiếp hơn.

Khi còn làm tổng giám mục Argentina, Bergoglio đã tạo một mạng lưới liên kết chặt chẽ với các trợ lý, những người cấp thứ hai sẽ thực hiện các mệnh lệnh từ ngài và không để mọi chuyện vượt ngoài tầm kiểm soát. Phong cách này sẽ sớm thể hiện rõ hơn, và có vẻ giáo hoàng rất muốn đưa Vatican vào trật tự và chọn một đội ngũ gắn bó với cách nhìn của ngài.

Cách chú thích:

1. Tôi tin tưởng ở con người: El jesuita; đối thoại giữa hồng y Jorge Bergoglio với Sergio Rubinc và Francesca Ambrogetti (Buenos Aires: Vergara, 2010.

2.14-03-2013, http://www.jesuit.org/blog/index.php /tag/jesuit-father-general-adolfo-nicolas.

3. 22-01-2008, http://www .redescristianas.net/2008/01/22/un-jesuita-alejado-de-la -tesis-de-benedicto-xvi-al-frente-de-la-orden.

4. Nicolás, “Statement of the Superior General.”

5. Jorge Mario Bergoglio, El verdaderopoder es elservicio (Buenos Aires: Claretiana, 2007).

6.Rubin và Ambrogetti, El jesuita, 62.

7. Như trên.

8. Từ trên trời xuống duới thế: Đối thoại giữa Jorge Bergoglio và Abraham Skorka, (Buenos Aires: Sudamericana, 2011).

9. Như trên.

10. Như trên.