CHƯƠNG BA
VIỆC CÔNG BỐ TIN MỪNG
110. Sau khi đã xét đến một số thách đố của thực tại hiện nay, giờ đây tôi muốn nhắc lại nhiệm vụ mà chúng ta phải gánh vác trong mọi lúc và ở mọi nơi, bởi vì “không thể có việc truyền giáo thật sự nếu không có việc công bố rõ ràng rằng Chúa Giêsu là Chúa”, và nếu không “dành ưu tiên cho việc rao giảng Đức Chúa Giêsu Kitô trong mọi hoạt động truyền giáo”. [77] Khi nhìn nhận những quan tâm của các Giám Mục Á châu, Đức Gioan Phaolô II đã xác quyết rằng, nếu Hội Thánh “có nhiệm vụ phải hoàn thành mục tiêu được quan phòng, thì việc rao giảng Tin Mừng, như việc giảng dạy hân hoan, kiên nhẫn và tiệm tiến về Cái Chết và sự Sống Lại cứu độ của Đức Chúa Giêsu Kitô phải là ưu tiên tuyệt đối của các hiền huynh.” [78] Điều này cũng áp dụng cho tất cả mọi người.
I. Toàn thể dân Thiên Chúa loan báo Tin Mừng
111. Loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ của Hội Thánh. Nhưng chủ thể của việc loan báo Tin Mừng này còn hơn là một cơ cấu có hệ thống và phẩm trật, bởi vì trên hết nó là một dân đang đi trên một cuộc hành trình hướng về Thiên Chúa. Dân này chắc chắn là một mầu nhiệm bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng có đặc tính lịch sử cụ thể của nó trong dân hành hương và truyền giáo, luôn luôn vượt trên bất kỳ cách diễn tả nào về cơ chế cho dù cần thiết. Tôi đề nghị ngừng lại một chút ở cách hiểu biết về Hội Thánh nảy, là điều có nền tảng tối hậu trong sáng kiến tự do và nhưng không của Thiên Chúa.
Một dân cho tất cả mọi người
112. Ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là công trình của lòng thương xót của Ngài. Không có hành động nào của con người, dù có tốt thế nào đi nữa, có thể làm cho chúng ta xứng đáng với một hồng ân cả thể như vậy. Thiên Chúa, trong ân sủng thuần khiết, lôi kéo chúng ta đến kết hợp với Ngài. [79] Ngài gửi Chúa Thánh Thần đến trong tâm hồn chúng ta để làm cho chúng ta thành con cái Ngài, để biến đổi chúng ta và cho phép chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài bằng đời sống của mình. Hội Thánh được Đức Chúa Giêsu Kitô sai đi như một bí tích cứu độ được Thiên Chúa ban ban. [80] Qua các hoạt động truyền giáo của mình, Hội Thánh hợp tác như một công cụ của ân sủng ấy của Thiên Chúa, là ân sủng hoạt động không ngừng vượt qua bất sự giám sát nào. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI diễn tả nó cách hoàn hảo khi mở đầu những suy nghĩ của Thượng Hội Đồng Giám Mục: “Điều quan trọng là luôn luôn biết rằng Lời Đầu Tiên, sáng kiến thật, hoạt động thật, đến từ Thiên Chúa, và chỉ bằng cách tự tháp nhập vào sáng kiến này của Thiên Chúa, chỉ bằng cách cầu khẩn sáng kiến này của Thiên Chúa, mà chúng ta cũng sẽ trở thành - với Người và trong Người – những người rao giảng Tin Mừng”. [81] Nguyên tắc ưu việt của ân sủng phải là một ngọn hải đăng liên tục soi sáng những suy tư về truyền giáo của chúng ta.
113. Ơn cứu rỗi này, mà Thiên Chúa thực hiện và Hội Thánh hân hoan công bố có mục đích dành cho tất cả mọi người, [82] và Thiên Chúa đã làm cho phát sinh một cách thế để kết hợp chính Ngài với mỗi con người ở mọi thời đại. Ngài đã chọn triệu tập họ lại như một dân chứ không phải chỉ như những cá nhân cô lập. [83] Không ai có thể tự cứu mình cách cá nhân hay bằng sức riêng của mình. Thiên Chúa lôi kéo chúng ta bằng cách dùng mạng lưới liên hệ phức tạp giữa người với người có liên quan đến đời sống của một cộng đồng nhân loại. Dân này mà Thiên Chúa đã chọn và gọi là Hội Thánh. Chúa Giêsu đã không bảo các Tông Đồ tạo thành một nhóm riêng biệt, một nhóm ưu tú. Chúa Giêsu đã nói: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ” (Mt 28:19). Thánh Phaolô quả quyết rằng dân Thiên Chúa trong Hội Thánh “Không còn là người Do Thái hay Hy Lạp… vì tất cả anh em chỉ là một trong Ðức Kitô” (Gal 3:28). Tôi muốn nói với những người cảm thấy xa cách Thiên Chúa và Hội Thánh, những người sợ hãi và thờ ơ rằng: Thiên Chúa cũng gọi anh chị em thành một phần tử của dân Ngài và Ngài làm điều ấy với sự tôn trọng và tình yêu cao cả!
114. Là Hội Thánh có nghĩa là dân Thiên Chúa, phù hợp với kế hoạch yêu thương cao cả của Chúa Cha. Điều ấy có nghĩa là làm men của Thiên Chúa giữa nhân loại. Điều ấy có nghĩa là loan báo và mang ơn cứu độ của Thiên Chúa vào thế giới của chúng ta, là thế giới thường bị lạc đường, cần những đáp trả khuyến khích, đem lại cho nó can đảm, cho nó hy vọng và sinh lực mới trong cuộc hành trình. Hội Thánh phải là nơi của lòng thương xót được ban cách nhưng không, ở đó mọi người có thể cảm thấy được đón tiếp, yêu thương, tha thứ và khuyến khích để sống một đời sống tốt đẹp của Tin Mừng.
Một dân có nhiều gương mặt
115. Dân Thiên Chúa này được nhập thể trong các dân tộc trên thế gian, mỗi phần tử của nó có một nền văn hóa riêng. Khái niệm về văn hóa là một công cụ có giá trị để hiểu những cách diễn tả khác nhau của đời sống Kitô hữu hiện diện trong Dân Thiên Chúa. Nó liên quan đến lối sống của một xã hội nhất định, bằng cách đặc biệt mà các thành viên của nó liên hệ với nhau, với các tạo vật khác và với Thiên Chúa. Hiểu theo cách này, văn hóa bao gồm toàn thể cuộc đời của một người. [84] Mỗi quốc gia, trong lịch sử phát triển của nó, phát triển nền văn hóa riêng của mình với quyền tự chủ hợp pháp. [85] Điều này quy chiếu về xã hội, nơi họ sống một cách cụ thể trong sự liên hệ của họ với thực tại. Con người luôn luôn được đặt trong một nền văn hóa: “bản tính và văn hóa liên kết hết sức chặt chẽ với nhau”. [87] Ân sủng đòi hỏi văn hóa, và hồng ân của Thiên Chúa được nhập thể trong văn hóa của những người lãnh nhận nó.
116. Trong hai ngàn năm qua của Kitô giáo, nhiều người đã nhận được ơn đức tin, họ đã làm cho đức tin này phát triển mạnh mẽ trong đời sống hàng ngày của họ và truyền đạt nó theo những thể thức văn hóa riêng của họ. Khi một cộng đồng đón nhận lời công bố ơn cứu độ, Chúa Thánh Thần làm cho nền văn hóa của nó thêm phong phú bằng sức mạnh biến đổi của Tin Mừng. Do đó, như chúng ta có thể nhìn thấy trong lịch sử Hội Thánh, Kitô giáo không có một mô hình văn hóa duy nhất, nhưng trái lại, “vẫn hoàn toàn chân thật với chính mình, với lòng trung thành không lay chuyển trong việc công bố Tin Mừng và truyền thống của Hội Thánh, cũng mang lấy khuôn mặt của nhiều nền văn hóa và vô số dân tộc trong đó nó được đón và bén rễ”. [88] Trong các dân tộc khác nhau đã kinh nghiệm hồng ân của Thiên Chúa theo văn hóa của mình, Hội Thánh diễn tả Công Giáo tính đích thực của mình và cho thấy “vẻ đẹp của khuôn mặt đa dạng này”. [89] Trong những cách bày tỏ Kitô giáo của một dân đã được Phúc Âm hóa, Chúa Thánh Thần tô điểm Hội Thánh, để lộ ra những khía cạnh mới của Mặc Khải của nó và ban cho nó một gương mặt mới. Qua việc hội nhập văn hóa, Hội Thánh “giới thiệu các dân tộc, cùng với nền văn hóa của họ, vào cộng đồng của mình”, [90] bởi vì “các giá trị và các hình thức tích cực” mà mỗi nền văn hóa cung cấp “sẽ làm phong phú hơn nữa cách thức mà Tin Mừng được rao giảng, được hiểu và được sống”. [91] Bằng cách này, “Hội Thánh đón nhận những giá trị của các nền văn hóa khác nhau, và trở thành ‘sponsa ornata monilibus suis’, ‘nàng dâu trang điểm bằng đồ trang sức của mình’ (Is 61:10)”. [92]
117. Nếu hiểu rõ, sự đa dạng về văn hóa không đe dọa sự hiệp nhất của Hội Thánh. Chính Chúa Thánh Thần, Đấng được Chúa Cha và Chúa Con sai đến, là Đấng biến đổi tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta có thể bước vào sự hiệp thông hoàn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi mà tất cả tìm thấy sự hiệp nhất của mình. Ngài xây dựng sự hiệp thông và hòa hợp của Dân Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần là sự hòa hợp, chính Ngài mối dây liên kết yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Con. [93] Chính Ngài là Đấng gây ra một sự phong phú đa dạng khác nhau của các hồng ân, đồng thời xây dựng một sự hiệp nhất không bao giờ đồng nhất nhưng hòa hợp đa dạng là điều có sức hấp dẫn. Việc loan báo Tin Mừng vui vẻ nhìn nhận nhiều sự phong phú mà Chúa Thánh Thần làm phát sinh trong Hội Thánh. Thật là bất công đối với luận lý của việc Nhập Thể khi nghĩ đến một Kitô giáo đơn văn hóa (chỉ có một nền văn hóa) và đơn điệu. Trong khi đúng là có một số nền văn hóa liên hệ chặt chẽ với việc rao giảng Tin Mừng và sự phát triển của tư tưởng Kitô giáo, nhưng sứ điệp được mặc khải không đồng hóa với bất kỳ nền văn hóa nào trong các nền văn hóa ấy và có một nội dung siêu văn hóa. Vì vậy, trong việc Phúc Âm hóa các nền văn hóa mới hoặc các nền văn hóa chưa chấp nhận lời rao giảng của Kitô giáo, chúng ta không cần phải áp đặt một hình thức văn hóa đặc thù, cho dù nó có đẹp đẽ và cổ kính thế nào đi nữa, cùng với đề nghị về Tin Mừng. Sứ điệp mà chúng ta công bố luôn luôn có một ít vỏ bọc văn hóa, nhưng đôi khi trong Hội Thánh, chúng ta rơi vào tình trạng thần thánh hóa nền văn hóa riêng của mình một cách vô ích, và với điều này chúng ta tỏ lộ lòng cuồng tín hơn là lòng nhiệt thành truyền giáo chân chính.
118. Các Giám Mục Châu Đại Dương đã yêu cầu Hội Thánh “khai triển một sự hiểu biết và trình bày chân lý của Đức Kitô khởi đầu từ truyền thống và văn hóa của vùng”, cùng kêu gọi “tất cả các nhà truyền giáo làm việc trong sự hòa hợp với các Kitô hữu bản xứ để đảm bảo rằng đức tin và đời sống của Hội Thánh được diễn tả bằng những hình thức hợp pháp phù hợp với từng nền văn hóa”. [94] Chúng ta không thể muốn mọi dân tộc của tất cả các châu lục, trong việc diễn tả đức tin Kitô giáo, phải bắt chước các thể thức được chấp nhận bởi các dân tộc Âu Châu ở một thời điểm trong lịch sử, bởi vì đức tin không thể bị đóng khung trong phạm vi hiểu biết và diễn tả của một nền văn hóa cụ thể. [95] Chúng ta không thể chối cãi được rằng một nền văn hóa không diễn tả hết nổi các mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Kitô.
Tất cả chúng ta là những môn đệ truyền giáo
119. Đối với tất cả những người đã được rửa tội, từ người đầu đến người cuối, tác động của quyền năng thánh hóa của Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ rao giảng Tin Mừng. Dân Thiên Chúa là thánh vì việc xức dầu này làm cho họ không thể sai lầm ““in credendo [trong đức tin]”. Điều này có nghĩa là khi toàn thể Dân Thiên Chúa tin là mình không sai, cho dù họ không tìm thấy ngôn từ để diễn tả đức tin của mình. Chúa Thánh Thần hướng dẫn họ trong chân lý và đưa họ đến ơn cứu độ. [96] Như một phần của mầu nhiệm yêu thương của Ngài dành cho nhân loại, Thiên Chúa phú cho các tín hữu như một tổng thể một cảm thức đức tin - sensus fidei - giúp họ phân biệt điều gì thực sự đến từ Thiên Chúa. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần ban cho các Kitô hữu một sự đồng chúng (connaturalité) với thực tại của Thiên Chúa và một sự khôn ngoan cho phép họ hiểu được những gì trong trực giác, mặc dù không có cách thích hợp để thể diễn tả chúng một cách chính xác.
120. Nhờ bí tích Rửa Tội mà họ đã lãnh nhận, mỗi phần tử của Dân Thiên Chúa trở thành một môn đệ truyền giáo (x. Mt 28:19). Mọi người đã được rửa tội, bất kể chức năng của họ trong Hội Thánh và trình độ giáo dục đức tin của họ, đều là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin Mừng, và thật là thiếu sót khi nghĩ về một chương trình truyền giáo được thực hiện bởi các chuyên viên có khả năng trong khi phần còn lại của các tín hữu chỉ là những người tiếp nhận thụ động. Việc Tân Phúc Âm hóa liên quan đến vai trò tiên phong mới của từng người đã được rửa tội. Xác tín này được biến đổi thành một lời kêu gọi trực tiếp dành cho mọi Kitô hữu, bởi vì không ai được phép chối bỏ cam kết rao giảng Tin Mừng, vì chưng nếu đã thực sự cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa là Đấng cứu độ, thì người ta không cần nhiều thì giờ chuẩn bị để đi rao giảng, người ta không thể chờ đợi để học được nhiều bài giảng dạy, hoặc những hướng dẫn dài dòng. Mỗi Kitô hữu là một nhà truyền giáo theo mức mức độ mà người ấy đã gặp gỡ tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Chúa Giêsu Kitô; chúng ta không còn nói rằng chúng ta là “môn đệ” và “nhà truyền giáo”, nhưng chúng ta luôn luôn là “môn đệ - truyền giáo”. Nếu chúng ta không tin thì hãy nhìn vào các môn đệ đầu tiên, những vị ngay lập tức, sau khi đã nhận được cái nhìn của Chúa Giêsu, đã đầy vui mừng công bố, “Chúng tôi đã gặp Đấng Chịu Xức Dầu” (Ga 1:41). Người phụ nữ Samaria, sau khi vừa nói chuyện với Chúa Giêsu xong, lập tức trở thành một nhà truyền giáo, và nhiều người Samaria đã tin vào Chúa Giêsu “vì lời của người phụ nữ” (Ga 4:39). Thánh Phaolô cũng thế, sau khi gặp gỡ Đức Chúa Giêsu Kitô, ngài “lập tức rao giảng rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa” (Cv 9:20). Còn chúng ta, chúng ta chờ đợi gì?
121. Đương nhiên là tất cả chúng ta đều được mời gọi để lớn lên như những người rao giảng Tin Mừng. Đồng thời chúng ta cũng muốn được đào luyện tốt hơn để đào sâu hơn tình yêu của mình và biết rõ ràng hơn về việc làm nhân chứng cho Tin Mừng. Theo nghĩa này, tất cả chúng ta phải để cho người khác liên tục Phúc Âm hóa mình, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta phải bỏ sứ mệnh rao giảng Tin Mừng; nhưng tốt nhất là tìm cách truyền thông Chúa Giêsu ở bất cứ hoàn cảnh nào của mình. Trong mọi trường hợp, chúng ta được mời gọi để làm chứng cho những người khác một cách rõ ràng về tình yêu cứu độ của Chúa, là Đấng bất chấp sự bất toàn của chúng ta, đã ban cho chúng ta sự gần gũi của Người, Lời của Người, sức mạnh của Người, và ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Con tim anh chị em biết rằng đời sống sẽ rất khác nếu không có Người, vì vậy những gì mà anh chị em khám phá ra, những gì giúp anh chị em sống và ban cho anh chị em hy vọng, chính là những điều mà anh chị em cần phải truyền thông cho những người khác. Sự bất toàn của chúng ta không phải là một lý do để thoái thác; trái lại, việc truyền giáo là một kích thích liên tục để không chìm vào tình trạng tầm thường và để tiếp tục lớn lên. Việc làm nhân chứng cho đức tin mà mỗi Kitô hữu được mời gọi để thực hiện, ám chỉ một lời khẳng định, như Thánh Phaolô nói: “Không phải như là tôi đã đạt được điều đó, hay đã nên hoàn thiện; nhưng tôi đang cố gắng theo đuổi, để đạt cho kỳ được mục tiêu” (Phil 3:12-13).
Sức mạnh rao giảng Tin Mừng của những việc đạo đức phổ thông
122. Tương tự, chúng ta có thể nghĩ rằng các dân tộc khác nhau, mà giữa họ Tin Mừng đã được hội nhập, là những chủ thể tập thể chủ động hoặc những tác nhân của việc Phúc Âm hóa. Điều này xảy ra bởi vì mỗi dân tộc là tác giả của nền văn hóa riêng của mình và là vai chính của lịch sử của nó. Văn hóa là một điều gì năng động mà một dân tộc tái tạo liên tục, và mỗi thế hệ truyền lại cho thế hệ sau một tổ hợp những thái độ và cách hành sử phức tạp liên quan đến những hoàn cảnh khác nhau, mà người ta phải tái công thức hóa để giải quyết những thách đố riêng của họ. Là con người có nghĩa là “vừa là con cái vừa là cha mẹ của nền văn hóa mà trong đó mình chìm vào”. [97] Khi một dân đã được Tin Mừng hội nhập, thì trong tiến trình truyền thụ văn hóa nó cũng truyền thụ đức tin theo những cách thức luôn luôn mới mẻ; vì lý do ấy tầm quan trọng của việc Phúc Âm hóa được hiểu như hội nhập văn hóa. Mỗi phần của Dân Chúa, qua việc biến hồng ân của Thiên Chúa thành chính đời sống của họ theo sự thiên khiếu riêng, làm chứng cho đức tin nhận được và phong phú hóa nó bằng những cách diễn tả mới và hùng hồn. Người ta có thể nói rằng “dân ấy liên tục Phúc Âm hóa chính mình”. [98] Ở đó tầm quan trọng đặc biệt là của những việc đạo đức phổ thông, sự diễn tả đích thực của hoạt động truyền giáo bộc phát của Dân Thiên Chúa. Nó bắt nguồn từ một thực tại đang phát triển thường trực, mà ở đó Chúa Thánh Thần là tác nhân chính. [99]
123. Trong việc đạo đức phổ thông người ta có thể hiểu được cách thức mà đức tin nhận được nhập thể trong một nền văn hóa và tiếp tục thông truyền thế nào. Có một thời bị nhìn với sự nghi ngờ, việc đạo đức phổ thông đã được lại đánh giá cao trong những thập niên sau Công Đồng. Chính Đức Phaolô VI trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của ngài đã cung cấp một động lực quyết định theo nghĩa này. Ngài giải thích rằng việc đạo đức phổ thông “tỏ lộ một sự khao khát Thiên Chúa mà chỉ những người đơn thành và nghèo khổ mới có thể biết” [100] và nó “làm cho con người có khả năng quảng đại và hy sinh thậm chí đến độ anh hùng, khi nói đến việc bày tỏ đức tin.” [101] Gần chúng ta hơn, Đức Bênêđictô XVI, khi nói về Châu Mỹ Latinh, đã vạch ra rằng đó là một “kho tàng quý báu của Hội Thánh Công Giáo” và rằng nó “là linh hồn của các dân tộc Mỹ Latinh”. [102]
124. Văn Kiện Aparecida mô tả sự phong phú mà Chúa Thánh Thần khai triển trong việc đạo đức phổ thông với sáng kiến tự do của Ngài. Ở lục địa thân yêu này, nơi mà nhiều Kitô hữu bày tỏ đức tin của mình qua việc đạo đức phổ thông, các Giám Mục cũng gọi nó là “linh đạo phổ thông” hay “Thuyết thần bí dân gian”. [103] Nó thật sự là “một linh đạo được nhập thể trong văn hóa của những người đơn thành.” [104] Nó không phải là không có nội dung, nhưng là phát hiện và diễn tả nội dung ấy qua các biểu tượng thay vì sử dụng công cụ lý luận, và trong một hành động đức tin nhấn mạnh hơn vào credere in Deum (tin vào Thiên Chúa) thay vì credere Deum (tin Thiên Chúa). [105] Đó là “một cách hợp pháp để sống đức tin, một cách để cảm thấy là phần tử của Hội Thánh, và là những nhà truyền giáo” [106] Nó mang theo nó ân sủng của việc là một nhà truyền giáo, đi ra khỏi mình và làm những người hành hương: “Cùng nhau bước đến đền thờ và tham gia vào các cách bày tỏ khác nhau của việc đạo đức phổ thông, trong khi cũng đem theo các con em hoặc mời những người khác, tự nó là một hành động loan báo Tin Mừng”. [107] Chúng ta đừng chế ngự cũng đừng tìm cách kiểm soát sức mạnh truyền giáo này!
125. Để hiểu thực tại này chúng cần phải tiếp cận nó với cái nhìn của Chúa Chiên Lành, là Đấng không tìm cách để phán xét, nhưng để yêu thương. Chỉ từ tình cảm tiên thiên được phát sinh từ tình yêu mà chúng ta có thể đánh giá cao đời sống thần học hiện diện trong việc đạo đức của các dân Kitô giáo, đặc biệt là những người nghèo. Tôi nghĩ đến đức tin vững vàng của những bà mẹ ở bên giường của một đứa con đang đau ốm trong tay nắm chặt một tràng hạt Mân Côi, mặc dù chỉ thuộc qua loa những câu Kinh Tin Kính; hay đến tất cả hy vọng trút xuống một ngọn nến được đốt trong một căn nhà khiêm tốn để cầu xin Đức Mẹ giúp đỡ, hoặc trong những cái nhìn yêu mến sâu thẳm hướng về Đức Kitô Chịu Đóng Đinh. Không có ai yêu dân thánh trung thành của Thiên Chúa mà nhìn những hành động này như đơn thuần chỉ là việc tìm kiếm Thiên Chúa của con người. Chúng là những biểu hiện của một cách sống thần học được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần là Đấng đã tuôn đổ vào lòng chúng ta (x. Rm 5:5).
126. Trong việc đạo đức phổ thông, vì là kết quả của Tin Mừng được hội nhập văn hóa, người ta tìm thấy một sức mạnh tích cực của việc Phúc Âm hóa mà chúng ta không thể được đánh giá thấp: làm như thế là không nhận ra công việc của Chúa Thánh Thần. Thay vào đó, chúng ta được mời gọi để khuyến khích và củng cố nó ngõ hầu đào sâu tiến trình hội nhập văn hoá là một thực tại không bao giờ kết thúc. Những cách diễn tả của việc đạo đức phổ thông có nhiều điều để dạy cho chúng ta, và đối với những người có thể đọc chúng, chúng là một nguồn của thần học mà chúng ta phải chú ý đến, đặc biệt là khi chúng ta nghĩ về việc Tân Phúc Âm hóa.
Giữa người với người
127. Giờ đây khi Hội Thánh muốn sống một sự đổi mới sâu xa về truyền giáo, có một hình thức rao giảng thuộc về tất cả chúng ta như một bổn phận hàng ngày. Đó là mang Tin Mừng đến cho những người mà chúng ta gặp, dù là những người lân cận hoặc những người lạ. Đó là việc rao giảng không chính thức có thể được thực hiện trong một cuộc trò chuyện và đó cũng là việc mà một nhà truyền giáo làm khi đến thăm một gia đình. Là một môn đệ có nghĩa là lúc nào cũng sẵn sàng để mang tình yêu của Chúa Giêsu đến cho người khác và điều này có thể xảy ra đột xuất, ở bất cứ đâu, trên đường phố, nơi quảng trường, trong lúc làm việc, trong một cuộc hành trình.
128. Trong việc giảng dạy này, là điều luôn luôn tôn trọng và lịch sự, giây phút đầu tiên hệ tại một cuộc đối thoại cá nhân, trong đó người kia diễn tả và chia sẻ niềm vui và hy vọng của họ với những quan tâm mà họ dành cho những người thân yêu của họ cùng rất nhiều điều mà người ấy mang nặng trong lòng. Chỉ sau cuộc đối thoại này, chúng ta mới có thể trình bày Lời Chúa cho họ, hoặc bằng cách đọc một đoạn Thánh Kinh hoặc dưới hình thức một tường thuật, nhưng luôn luôn nhắc lại sứ điệp căn bản: tình yêu của Thiên Chúa làm người, Đấng đã hiến mình cho chúng ta và hằng sống, ban cho chúng ta ơn cứu rỗi và tình bằng hữu của Người. Đây là lời công bố mà anh chị em chia sẻ với một thái độ khiêm tốn và như lời chứng của một người luôn biết học hỏi, với ý thức rằng sứ điệp này quá phong phú và quá thâm sâu đến nỗi nó luôn luôn vượt trên sự hiểu biết của mình. Đôi khi nó được diễn tả một cách trực tiếp hơn, đôi khi qua một chứng từ cá nhân, một câu chuyện, một cử chỉ, hay một hình thức mà Chúa Thánh Thần có thể linh hứng trong một hoàn cảnh cụ thể. Nếu thận trọng và đúng điều kiện, thì tốt nhất là cuộc gặp gỡ và truyền giáo huynh đệ này được kết thúc bằng một lời cầu nguyện ngắn, liên hệ đến những quan tâm mà người ấy đã nói ra. Như thế, người ấy sẽ cảm thấy rõ ràng hơn rằng mình được nghe và hiểu, rằng tình trạng của mình đã được đặt trong bàn tay Thiên Chúa, và nhận ra rằng Lời Chúa thực sự nói với cuộc đời của họ.
129. Đừng nghĩ rằng sứ điệp Tin Mừng phải luôn luôn được truyền bằng những công thức nhất định và những lời chính xác diễn tả một nội dung hoàn toàn không thay đổi. Nó được truyền lại dưới nhiều hình thức rất khác nhau đến nỗi không thể mô tả hoặc phân loại nổi, và trong đó dân Thiên Chúa, với nhiều cử chỉ và biểu hiệu của mình, là một chủ thể tập thể. Do đó, nếu Tin Mừng được nhập thể trong một nền văn hóa, nó không còn chỉ được truyền thụ qua việc loan báo từ người sang người khác. Điều này phải làm cho chúng ta nghĩ rằng, ở các nước mà Kitô giáo là thiểu số, cũng như để khuyến khích tất cả những người đã được rửa tội rao giảng Tin Mừng, các Hội Thánh địa phương cần tích cực thúc đẩy các hình thức hội nhập văn hóa, ít ra là lúc ban đầu. Cuối cùng, điều mà chúng ta phải nhắm đến là Tin Mừng, một khi được rao giảng bằng những loại rao giảng thích hợp với mỗi nền văn hóa, sẽ tạo ra một tổng hợp mới với nền văn hóa ấy. Mặc dù tiến trình này luôn chậm, đôi khi sợ hãi làm chúng ta quá tê liệt. Nếu chúng ta cho phép nghi ngờ và sợ hãi bóp nghẹt sự mạnh dạn của mình, thì điều có thể xảy ra là, thay vì sáng tạo, chúng ta chỉ đơn thuần nghỉ thoải mái mà không đạt được bất kỳ một tiến bộ nào, và nếu như thế, chúng ta sẽ không còn là những người tham gia vào tiến trình lịch sử với sự hợp tác của mình, nhưng chỉ đơn thuần là những khán giả của một tình trạng đình trệ cằn cỗi của Hội Thánh.
Đặc sủng để phục vụ sự hiệp thông truyền giáo
130. Chúa Thánh Thần cũng phong phú hóa toàn thể Hội Thánh rao giảng Tin Mừng với những đặc sủng khác nhau. Những đặc sủng này là những hồng ân để canh tân và xây dựng Hội Thánh. [108] Chúng không phải là một tài sản bị khóa chặt và được trao cho một nhóm nhỏ để bảo vệ; trái lại, chúng là quà tặng của Chúa Thánh Thần được tháp nhập vào thân thể của Hội Thánh, được thu hút về trung tâm là Đức Kitô, từ đó chuyển thành động lực của việc Phúc Âm hóa. Một dấu chỉ rõ ràng về tính xác thực của một đặc sủng là bản chất Hội Thánh của nó, khả năng tháp nhập một cách nhịp nhàng vào đời sống dân thánh của Thiên Chúa vì lợi ích của mọi người. Một tính mới mẻ thật sự được tác động bởi Chúa Thánh Thần mà không cần che khuất các hình thức linh đạo và hồng ân khác để mình được chứng tỏ. Một đặc sủng càng hướng về trọng tâm của Tin Mừng thì việc thực thi nó sẽ càng có tính Hội Thánh. Chính trong sự hiệp thông, dù thật khó khăn, mà một đặc sủng được chứng tỏ là chân chính và sinh hoa quả nhiệm mầu. Nếu Hội Thánh sống thách đố này, nó có thể là một khuôn mẫu cho hòa bình trên thế giới.
131. Sự khác nhau giữa dân chúng và cộng đồng đôi khi có vẻ phiền toái, nhưng Chúa Thánh Thần, Đấng tạo nên sự đa dạng này, có thể rút ra từ tất cả mọi sự một điều gì tốt và biến nó thành động năng truyền giáo có sức hấp dẫn. Sự đa dạng luôn luôn phải được điều hòa bởi sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần; chỉ có Ngài mới có thể gây ra sự đa dạng, đa số, vô số và đồng thời thực hiện được sự hiệp nhất. Ngược lại, khi chúng ta tìm sự đa dạng, chúng ta khóa mình trong chủ thuyết đặc thủ và chủ thuyết độc quyền của mình, cho nên chúng ta chỉ gây ra chia rẽ. Tương tự, khi chúng ta muốn xây dựng sự hiệp nhất với những kế hoạch nhân loại của mình, chúng ta chỉ áp đặt trên người khác tính thống nhất và sự phê chuẩn của mình. Điều này không giúp gì được việc truyền giáo của Hội Thánh.
Văn hóa, tư tưởng và giáo dục
132. Rao giảng cho nền văn hóa cũng có nghĩa là rao giảng cho những nghành văn hóa chuyên nghiệp, khoa học và học thuật. Đây là cuộc gặp gỡ giữa đức tin, lý trí và khoa học, nhằm mục đích phát triển những luận chứng mới về sự đáng tin cậy và hộ giáo ban đầu [109] giúp tạo ra các quy tắc cho một Tin Mừng được lắng nghe bởi tất cả mọi người. Khi một số loại lý lẽ và khoa học được chấp nhận trong việc công bố sứ điệp, các loại này cùng trở thành công cụ truyền giáo; như nước biến thành rượu. Bất cứ điều gì, một khi được xử dụng, không chỉ được cứu chuộc, mà còn trở thành một công cụ của Chúa Thánh Thần để soi sáng và đổi mới thế giới.
133. Việc người rao giảng Tin Mừng bận tâm đến việc gặp mọi người thì chưa đủ, ngay cả khi Tin Mừng được công bố cho các nền văn hóa như một tổng thể, thần học - không chỉ thần học mục vụ - trong cuộc đối thoại với các khoa học khác và kinh nghiệm của con người, rất quan trọng để suy nghĩ về việc làm thế nào để truyền đạt đề nghị của Tin Mừng cho những bối cảnh văn hóa và các nhóm người nhận khác nhau. [110] Hội Thánh, tham gia vào việc Phúc Âm hóa, đánh giá cao và khuyến khích đặc sủng của các nhà thần học và các nỗ lực của họ trong việc nghiên cứu thần học, cổ võ việc đối thoại với thế giới văn hóa và khoa học. Tôi kêu gọi các nhà thần học, thi hành tác vụ này như một phần của sứ mệnh cứu độ của Hội Thánh. Tuy nhiên, trong khi làm như thế, họ luôn phải nhớ rằng Hội Thánh và thần học hiện hữu để truyền giáo, chứ không chỉ hài lòng với một thần học bàn giấy.
134. Các trường đại học là một môi trường đặc biệt để suy nghĩ về phát triển về dấn thân này cho việc loan báo Tin Mừng bằng một cách tiếp cận liên ngành và dung hợp. Các trường Công Giáo, luôn luôn cố gắng kết hợp công tác giáo dục với việc công bố Tin Mừng cách rõ ràng, là một đóng góp rất có giá trị cho việc Phúc Âm hóa nền văn hóa, ngay cả trong các quốc gia và thành phố nơi mà một tình hình bất lợi thúc đẩy chúng ta sử dụng óc sáng tạo để tìm ra những cách thức phù hợp. [111]
II. Bài giảng
135. Giờ đây chúng ta hãy xét đến việc giảng dạy trong phụng vụ, là điều đòi hỏi các mục tử phải cẩn thận xem xét. Tôi sẽ đặc biệt chú ý, thậm chí một cách hơi tỉ mỉ, đến bài giảng và việc chuẩn bị nó, bởi vì có rất nhiều người than phiền vì tác vụ quan trọng này và chúng ta không thể bịt tai lại. Bài giảng là tiêu chuẩn để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của một mục tử với dân mình. Thực ra, chúng ta biết rằng các tín hữu rất coi trọng bài giảng; và họ cũng như chính những thừa tác viên có chức thánh, cả người nghe lẫn người giảng, thường bị thiệt thòi (vì những bài giảng thiếu chất lượng). Thật đáng buồn khi điều này xảy ra. Bài giảng có thể thực sự là một kinh nghiệm mãnh liệt và hạnh phúc về Chúa Thánh Thần, một cuộc gặp gỡ an ủi với Lời Chúa, một nguồn mạch không ngừng của việc canh tân và tăng trưởng.
136. Chúng ta hãy phục hồi lòng tin tưởng của mình trong việc giảng dạy, dựa trên xác tín rằng Chính Thiên Chúa, Đấng muốn đi đến với con người qua các nhà thuyết giảng và rằng Ngài sẽ bày tỏ quyền năng của Ngài qua các lời của loài người. Thánh Phaolô nói một cách mạnh mẽ về sự cần thiết phải rao giảng, vì Chúa muốn đến với những người khác bằng lời của chúng ta (x. Rm 10:14-17). Với Lời Người, Chúa đã chinh phục được quả tim của dân chúng. Họ đã đến tù khắp nơi để nghe Người (x. Mc 1:45). Họ đã kinh ngạc “uống” giáo huấn của Người (x. Mc 6:2). Họ cảm thấy Người nói với uy quyền (x. Mc 1:27). Bằng lời của mình, các Tông Đồ, là những người mà Đức Kitô đã thiết lập “để ở với Người và được sai đi rao giảng” (Mc 3:14), đã kéo mọi dân tộc vào Hội Thánh (x. Mc 16:15,20).
Bối cảnh phụng vụ
137. Giờ đây chúng ta cần phải nhớ rằng “việc công bố Lời Chúa trong phụng vụ, đặc biệt là trong bối cảnh của cộng đồng Thánh Thể, phải như một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Ngài hơn là một thời điểm để suy niệm và dạy giáo lý, một cuộc đối thoại mà trong đó những kỳ công cứu độ được công bố và những đòi hỏi của Giao Ước được liên tục lặp lại”. [112] Bài giảng có một giá trị đặc biệt vì phát sinh từ bối cảnh Thánh Thể, là điều làm cho nó vượt trên mọi hình thức dạy giáo lý bởi vì nó là một cuộc đối thoại tuyệt vời nhất giữa Thiên Chúa và dân Ngài, trước khi hiệp thông Bí Tích. Bài giảng một lần nữa tiếp tục cuộc đối thoại đã được mở ra giữa Chúa và dân Ngài. Nhà thuyết giảng phải biết trọng tâm của cộng đồng của mình để nhận ra lòng ao ước Thiên Chúa sống động và mãnh liệt ở đâu, và thậm chí một cuộc đối thoại thoại yêu thương như vậy đã bị bóp nghẹt hoặc không thể sinh hoa kết quả ở chỗ nào.
138. Bài giảng không thể là một hình thức giải trí, như được trình bày trên các phương tiện truyền thông, nhưng phải đem lại sự nhiệt thành và ý nghĩa cho buổi lễ. Nó là một loại đặc biệt, vì nó là giảng dạy trong khuôn khổ của một cuộc cử hành phụng vụ; do đó cần phải ngắn gọn và tránh làm cho nó có vẻ như một bài diễn văn hoặc một bài thuyết trình. Một nhà thuyết giảng có thể giữ được sự chú ý của quần chúng trong một giờ, như thế lời của ông trở nên quan trọng hơn việc cử hành đức tin. Nếu bài giảng kéo dài quá lâu, nó sẽ ảnh hưởng đến hai đặc tính của việc cử hành phụng vụ: sự hòa hợp giữa các phần của phụng vụ và nhịp điệu của phụng vụ. Khi giảng dạy được thực hiện trong bối cảnh phụng vụ, nó hợp thành một phần của Lễ Vật dâng lên Chúa Cha, và như trung gian của ân sủng mà Đức Kitô đổ ra trong buổi Cử Hành. Cùng bối cảnh này đòi hỏi bài giảng phải hướng dẫn cộng đồng, và ngay cả nhà thuyết giảng, đến sự hiệp thông với Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, là Đấng biến đổi cuộc sống. Điều này đòi hỏi lời của nhà thuyết giảng không được chiếm quá nhiều không gian, để Chúa có thể tỏa sáng nhiều hơn nhà thuyết giảng.
Một cuộc nói chuyện của một người mẹ
139. Chúng tôi đã nói rằng Dân Thiên Chúa, qua sự tác động liên tục của Chúa Thánh Thần ở trong họ, không ngừng Phúc Âm hóa chính mình. Xác tín này có ý nói gì với nhà thuyết giảng? Nó nhắc nhở chúng ta rằng Hội Thánh là mẹ và giảng cho dân như một người mẹ nói chuyện với con mình, biết rằng đứa con tin rằng tất cả những gì mẹ dạy là vì muốn điểu tốt cho mình vì nó biết rằng mẹ yêu thương mình. Hơn nữa, một người mẹ tốt có thể nhận ra tất cả những gì Thiên Chúa đã gieo trồng trong con mình, lắng nghe những quan tâm của nó và học hỏi từ nó. Tinh thần yêu thương ngự trị trong một gia đình hướng dẫn cả mẹ lẫn con trong cuộc đối thoại của họ, ở đó người ta dạy và học, sửa chữa và đề cao những điều tốt. Điều tương tự cũng xảy ra trong bài giảng. Cùng một Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng các sách Tin Mừng và hoạt động trong dân Thiên Chúa, cũng linh hứng chúng ta để lắng nghe đức tin của dân và giảng thế nào trong mỗi Thánh Thể. Do đó, bài giảng Kitô giáo tìm thấy ở trung tâm của nền văn hóa của dân chúng một nguồn nước hằng sống, là điều giúp cho nhà thuyết giảng biết phải nói gì và tìm cách thích hợp để nói. Cũng như tất cả chúng ta đều thích được người khác nói với mình bằng tiếng mẹ đẻ của mình, vì vậy trong đức tin, chúng ta cũng muốn người ta nói bằng thuật ngữ của “văn hóa của mẹ”, bằng thổ ngữ của mẹ (x. 2 Mac 7:21, 27), và quả tim chúng ta sẵn sàng lắng nghe hơn. Ngôn ngữ này là một âm điệu truyền lòng dũng cảm, sự hứng khởi, sức mạnh và sự thúc đẩy.
140. Lãnh vực mẹ và Hội Thánh này, trong đó cuộc đối thoại giữa Chúa với dân Ngài xảy ra, phải được khuyến khích và nuôi dưỡng bởi sự gần gũi của nhà thuyết giảng, sự ấm áp của giọng nói, sự dịu dàng của cách nói, niềm vui của những cử chỉ của ngài. Ngay cả trong những trường hợp bài giảng có vẻ một chút thiếu hấp dẫn, nếu người nghe cảm nhận được tinh thần mẫu tử và Hội Thánh này, thì vẫn luôn luôn có kết quả, như những lời khuyên nhàm chán của một bà mẹ mang lại kết quả với thời gian trong lòng con cái.
141. Người ta phải ngưỡng mộ những phương tiện mà Chúa sử dụng để đối thoại với dân chúng của Người, để mặc khải mầu nhiệm của Người cho mọi người, để thu hút những người đơn thành với những giáo huấn quá cao vời và quá đòi hỏi của Người. Tôi tin rằng bí mật được giấu trong cái nhìn của Chúa Giêsu đối với dân chúng, vượt trên những yếu đuối và sa ngã của họ: “Hỡi đàn chiên bé nhỏ, đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban Nước Trời cho các con” (Lc 12:32); Chúa Giêsu đã rao giảng với tinh thần ấy. Tràn đầy niềm vui trong Chúa Thánh Thần, Người chúc tụng Chúa Cha là Đấng đã kéo những người bé nhỏ lại: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con chúc tụng Cha vì Cha đã giấu không cho các người khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải chúng cho những người bé mọn” (Lc 10:21). Chúa thực sự vui lòng với cuộc đối thoại với dân của Người, và nhà thuyết giảng phải làm cho người ta cảm nhận được niềm vui này của Chúa.
Những lời đốt cháy lòng người
142. Một cuộc đối thoại còn nhiều hơn là chỉ thông truyền chân lý. Nó được thực hiện bởi sự hứng thú khi nói và vì lợi ích cụ thể được truyền thông giữa những người thích nhau qua lời nói. Đây là một điều tốt lành không hệ tại ở các sự vật, nhưng ở những người chia sẻ với nhau trong cuộc đối thoại. Một bài giảng thuần túy về luân lý hoặc về tín lý, cũng như một bài giảng trở thành một bài thuyêt trình về chú giải Thánh Kinh, làm giảm bớt sự truyền thông giữa các tâm hồn. Sự truyền thong này xảy ra trong bài giảng và có một tính cách hầu như bí tích: “Đức tin có được là nhờ nghe, mà nghe là nghe rao giảng lời Ðức Kitô” (Rm 10:17). Trong bài giảng, chân lý được đi kèm với sự thiện và mỹ. Đây không phải là chân lý trừu tượng hay suy diễn lạnh lùng, bởi vì nó cũng truyền đạt vẻ đẹp của hình ảnh mà Chúa sử dụng để khuyến khích người ta làm điều tốt. Ký ức của các tín hữu, giống như của Đức Mẹ Maria, phải tràn đầy những điều kỳ diệu của Thiên Chúa. Được mở ra cho niềm hy vọng về một thực hành hân hoan và khả năng yêu thương được rao giảng, tâm hồn họ cảm thấy rằng từng Lời trong Thánh Kinh trước hết là một hồng ân, trước khi là một đòi hỏi.
143. Thách đố của một bài giảng được hội nhập văn hóa hệ tại việc công bố một tổng hợp của sứ điệp Tin Mừng, chứ không phải những ý tưởng hoặc những giá trị rời rạc. Tổng hợp của chúng ta ở đâu thì lòng chúng ta ở đó. Sự khác biệt giữa việc làm sáng tỏ một tổng hợp với việc làm sáng tỏ những ý tưởng rời rạc nhau cũng giống như giữa sự buồn tẻ và lòng nhiệt thành của tâm hồn. Nhà thuyết giảng có sứ vụ đẹp nhất và khó khăn nhất là kết hợp những trái tim thân yêu: đó là trái tim của Chúa và những trái tim của dân Người. Cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Người làm cho Giao Ước giữa hai bên càng thêm vững chắc và củng cố mối dây bác ái. Trong lúc nghe giảng, trái tim của các tín hữu im lặng để nghe Chúa nói. Chúa và dân Người trực tiếp nói với nhau bằng hàng ngàn cách mà không cần trung gian. Tuy nhiên, trong bài giảng, họ muốn có một người khác phục vụ như một công cụ và diễn tả những cảm xúc của họ, để sau đó mỗi người có thể chọn cách tiếp tục cuộc nói chuyện. Lời Chúa tự bản chất là một trung gian và đòi hỏi không những chỉ có hai người đối thoại với nhau mà còn một nhà thuyết giảng đại diện, tôi tin rằng “chúng tôi không rao giảng chính mình, nhưng rao giảng Ðức Giêsu Kitô là Chúa; còn chúng tôi chỉ là đầy tớ của anh em vì Chúa Giêsu” (2 Cor 4:5).
144. Nói chuyện bằng trái tim không những chỉ có nghĩa là giữ cho nó rực cháy, nhưng còn cho nó được chiếu sáng bởi sự toàn vẹn của Mặc Khải và bởi con đường mà Lời Chúa đã hành trình trong lòng Hội Thánh và của dân trung thành của chúng ta trong suốt dòng lịch sử. Căn tính Kitô giáo này, như cái ôm lúc rửa tội mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta khi còn nhỏ, làm cho chúng ta ao ước, như những đứa con phung phí - và những đứa con yêu của Đức Mẹ – một cái ôm khác, của Cha nhân từ là Đấng đang chờ đợi chúng ta trong vinh quang. Việc giúp cho dân của chúng ta cảm thấy rằng họ đang sống giữa hai cái ôm này là một nhiệm vụ khó khăn nhưng đẹp đẽ của những người giảng Tin Mừng.
III. Việc soạn bài giảng
145. Việc chuẩn bị bài giảng là một nhiệm vụ rất quan trọng nên phải dành nhiều thì giờ để học hỏi, cầu nguyện, suy niệm và sáng tạo mục vụ. Với lòng trìu mến, tôi muốn đề ra một cách soạn bài giảng. Có những dấu hiệu cho thấy một số điều có vẻ hiển nhiên, nhưng tôi yêu cầu các nhà thuyết giảng nhớ dành một thì giờ ưu tiên cho mục vụ cao quý này. Một số mục tử thường cho rằng việc chuẩn bị này không thể được vì họ có quá nhiều nhiệm vụ phải chu toàn. Tuy nhiên, tôi mạo muội yêu cầu quý cha mỗi tuần dành riêng một phần thì giờ cá nhân và cộng đồng đủ dài cho công tác này, thậm chí nếu cần thì phải bớt thì giờ cho nhưng công tác khác, mặc dù quan trọng. Lòng tín thác vào Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong bài giảng không chỉ đơn thuần thụ động, mà tích cực và và sáng tạo. Nó liên quan đến việc chúng ta hiến mình như một công cụ (x. Rm 12:1) với tất cả kỹ năng của mình để có thể được Thiên Chúa sử dụng. Một mục tử không chuẩn bị thì không “thuộc về tinh thần”; mục tử ấy bất hảo và vô trách nhiệm đối với những hồng ân mà mình đã nhận được.
Việc tôn sùng chân lý
146. Bước thứ nhất, sau khi đã cầu khẩn Chúa Thánh Thần, là hoàn toàn chú ý vào bản văn Thánh Kinh, điều này phải là nền tảng của việc giảng dạy. Khi một người tập trung để cố gắng hiểu sứ điệp của văn bản là gì, là người ấy thực hành “việc tôn sùng chân lý”. [113] Đó là sự khiêm tốn của tâm hồn, nhìn nhận rằng Lời Chúa luôn luôn siêu vượt chúng ta, rằng chúng ta không phải là “những vị thầy, cũng không phải là chủ nhân, nhưng là những người quản thủ, những người loan tin và những người phục vụ”. [114] Thái độ cung kính khiêm tốn và kinh ngạc về Lời Chúa được thể hiện trong việc bỏ thì giờ ra để nghiên cứu một cách cẩn thận và với một lòng kinh sợ thánh thiện để khỏi giải thích sai lạc. Để giải thích một bản văn Thánh Kinh, chúng ta cần phải kiên nhẫn, gạt hết mọi ưu tư ra ngoài, và dành thì giờ cho nó, thích thú và hiến thân cách nhưng không. Chúng ta cần phải đặt bất kỳ bận tâm nào ám ảnh mình sang một bên để tạo ra một bầu khí trầm lặng cho việc tập trung tư tưởng. Thật là vô ích để đọc một bản văn Thánh Kinh nếu chúng ta muốn có kết quả nhanh chóng, dễ dàng hoặc tức thì. Vì vậy, việc soạn bài giảng đòi hỏi phải có tình yêu. Người ta chỉ bỏ thì giờ không công và không vội vàng cho những sự việc hay những người mình yêu; và ở đây là tình yêu Thiên Chúa, Đấng muốn nói với chúng ta. Vì tình yêu này, cần bao nhiêu thì giờ thì chúng ta có thể bỏ ra bấy nhiêu, với thái độ của người môn đệ, “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” (1 Sam 3:9).
147. Trước hết, chúng ta phải chắc chắn rằng mình hiểu đúng ý nghĩa của những lời mà mình đọc. Tôi muốn nhấn mạnh vào một điều có vẻ hiển nhiên nhưng không phải là chúng ta luôn luôn nhớ: bản văn Thánh Kinh mà chúng ta nghiên cứu đã có từ hai ngàn hay ba ngàn năm, ngôn ngữ của nó rất khác với ngôn ngữ chúng ta sử dụng ngày nay. Nhiều khi chúng ta dường như hiểu những từ ngữ được dịch sang ngôn ngữ của mình, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta hiểu đúng những gì các Thánh Ký có ý nói. Những phương tiện khác nhau được khoa phân tích văn học cung cấp thì ai cũng biết: chú ý đến các từ ngữ được lặp đi lặp lại hoặc nổi bật, nhận ra cấu trúc và động năng riêng của một văn bản, xem xét vai trò mà các nhân vật đóng, vv.... Nhưng mục tiêu không phải là để hiểu tất cả những chi tiết nhỏ của một văn bản, điều quan trọng nhất là tìm ra sứ điệp chính là gì, điều gì cho bản văn cấu trúc và sự thống nhất của nó. Nếu nhà giảng thuyết không thực hiện cố gắng này, thì có thể bài giảng sẽ thậm chí không có sự thống nhất và thứ tự; bài nói chuyện của người ấy sẽ chỉ là một tổng hợp của nhiều ý tưởng rời rạc mà không đánh động được ai. Sứ điệp chính là điều tác giả muốn truyền đạt trước hết, nó liên hệ không những chỉ đến việc nhận ra một ý tưởng, nhưng còn hiệu quả mà tác giả ấy muốn tạo ra. Nếu một bản văn được viết để an ủi, thì không được sử dụng nó để sửa lỗi; nếu nó được viết để khuyên nhủ, thì không được sử dụng nó để hướng dẫn; nếu nó được viết để dạy chúng ta một điều gì về Thiên Chúa, thì không được sử dụng nó để giải thích những tư tưởng thần học khác nhau; nếu nó được viết để biện minh cho những lời chúc tụng hoặc công việc truyền giáo, thì đừng sử dụng để nói về những tin tức thời sự.
148. Tất nhiên là để hiểu đầy đủ ý nghĩa của sứ điệp chính của một bản văn, thì cần phải đặt nó trong mối liên hệ với giáo huấn của toàn bộ Thánh Kinh như được truyền lại qua Hội Thánh. Đây là một nguyên tắc quan trọng trong việc giải thích Thánh Kinh, vì nhận ra rằng Chúa Thánh Thần đã không linh hứng chỉ một phần, mà toàn bộ Thánh Kinh, và rằng trong một số vấn đề, dân chúng lớn lên trong sự hiểu biết của mình về Thánh Ý Thiên Chúa từ những kinh nghiệm sống. Bằng cách này chúng ta tránh giải thích sai hoặc không đầy đủ, là điều mâu thuẫn với các giáo huấn khác của Thánh Kinh. Nhưng điều này không có nghĩa là làm suy yếu điểm nổi bật thích hợp và đặc biệt của bản văn mà chúng ta phải giảng. Một trong những thiếu sót của một bài giảng tẻ nhạt và không hiệu quả là người giảng không có khả năng truyền thụ sức mạnh riêng của bản văn mà mình công bố.
Việc cá nhân hóa Lời Chúa
149. Nhà thuyết giảng “trước hết phải phát triển một sự quen thuộc rộng rãi với Lời Chúa. Kiến thức về bình diện ngữ học và chú giải, mặc dù cần thiết, nhưng chưa đủ. Họ cần phải tiếp cận Lời Chúa bằng một tâm hồn ngoan ngoãn và cầu nguyện, ngõ hầu Lời Chúa thấm sâu vào những suy nghĩ và cảm xúc của họ cùng phát sinh nơi họ một não trạng mới”. [115] Tốt hơn cho chúng ta là lập lại mỗi ngày, mỗi Chúa Nhật, nhiệt tình của mình trong việc soạn bài giảng, và kiểm chứng lại xem tình yêu Lời Chúa mà chúng ta giảng có lớn lên trong chính mình chúng ta không. Chúng ta cũng đừng quên rằng “đặc biệt, sự thánh thiện nhiều hay ít của thừa tác viên có ảnh hưởng thực sự đến việc rao giảng Lời Chúa”. [116] Như Thánh Phaolô quả quyết: “chúng tôi rao giảng, không phải để đẹp lòng người ta, mà để đẹp lòng Thiên Chúa, Ðấng thử thách lòng chúng tôi” (1 Thes 2:4). Nếu chúng ta có một ao ước sống động là người đầu tiên nghe Lời Chúa mà chúng ta phải giảng, thì điều này sẽ chắc chắn được truyền cách này hay cách khác đến Dân Thiên Chúa: “Vì có đầy tràn trong lòng, thì miệng mới nói ra” (Mt 12:34). Các bài đọc Chúa Nhật sẽ vang vọng với tất cả vẻ huy hoàng của chúng trong tâm hồn dân chúng, nếu trước hết được vang vọng trong tâm hồn của Mục Tử.
150. Chúa Giêsu đã tức giận trước với những người tự nhận là thầy, là những kẻ khó khăn với những người khác khi dạy Lời Chúa, nhưng không để cho chính mình được soi sáng bởi Lời ấy: “họ bó những gánh nặng nề, khó mà vác nổi, và chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại chẳng động một ngón tay nào vào”(Mt 23:04). Thánh Tông Đồ Giacôbê kêu gọi: “Thưa anh em, đừng có nhiều người muốn làm thầy, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn” (Gb 3:1). Bất cứ ai muốn giảng, trước hết phải sẵn sàng để được đánh động bởi Lời Chúa và làm cho Lời ấy nhập thể trong cuộc sống cụ thể của mình. Bằng cách này, việc giảng dạy sẽ hệ tại hoạt động ấy, rất mãnh liệt và hiệu quả, đó là “truyền đạt cho những người khác điều mà mình đã chiêm niệm”. [117] Vì tất cả những điều này, trước khi chuẩn bị một cách cụ thể những gì chúng ta sẽ nói trong việc giảng dạy, chúng ta phải chấp nhận bị thương trước hết bởi Lời ấy, là Lời sẽ làm cho những người khác bị thương, vì đó là một Lời hằng sống và linh nghiệm, như một lưỡi gươm “xuyên qua giữa linh hồn và thần trí; gân và tủy, và có thể phân biệt các toan tính và suy tư của lòng người” (Dt 4:12). Điều này rất quan trọng trong mục vụ. Ngay cả trong thời đại này, người ta thích nghe các nhân chứng: họ “khao khát sự xác thực [...] đòi các nhà truyền giáo phải nói về một Thiên Chúa mà chính mình biết và quen thuộc với, như thể họ thấy Đấng vô hình”. [118]
151. Không ai đòi buộc chúng ta phải hoàn toàn thanh khiết, nhưng đúng hơn là chúng ta phải luôn luôn lớn lên, sống ước muốn thâm sâu để tiến triển trên con đường Tin Mừng, và không cho phép mình sa ngã. Điều quan trọng là nhà thuyết giảng phải chắc chắn rằng Thiên Chúa yêu thương mình, rằng Đức Chúa Giêsu Kitô đã cứu mình, rằng tình yêu của Người luôn luôn là tiếng nói quyết định. Trước vẻ đẹp như thế, chúng ta thường cảm thấy rằng cuộc sống của mình đã không làm vinh danh Người cách trọn vẹn và muốn chân thành đáp lại cách tốt hơn một tình yêu cao cả như vậy. Nhưng nếu chúng ta không dừng lại để lắng nghe Lời Chúa với tấm lòng cởi mở chân thành, nếu chúng ta không để cho Lời ấy chạm vào cuộc sống của mình, chất vấn mình, khuyên nhủ mình, lay chuyển mình, nếu chúng ta không dành thời giờ để cầu nguyện bằng Lời Chúa, thì chúng ta sẽ là những tiên tri giả, những kẻ lừa đảo hoặc giả mạo trống rỗng. Trong mọi trường hợp, bắt đầu với việc công nhận sự nghèo nàn của mình và ước muốn dấn thân nhiều hơn nữa, chúng ta có thể luôn luôn ban tặng Đức Chúa Giêsu Kitô, như Thánh Phêrô nói: “Tôi không có bạc hay vàng; nhưng điều tôi có thì tôi cho anh” (Cv 3:6). Chúa muốn sử dụng chúng ta như những tạo vật sống động, tự do và có óc sáng tạo, những người tự để cho mình được xuyên qua bằng Lời của Người trước khi truyền thông nó; sứ điệp của Người phải thực sự đi qua các nhà thuyết giảng, nhưng không chỉ qua lý trí, mà qua việc sở hữu toàn thể con người. Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng Lời Chúa, chính là Đấng “Ngày nay, giống như thủa ban đầu của Hội Thánh, hoạt động trong mọi nhà truyền giáo là những người để cho mình được Ngài sở hữu và dẫn đường, cùng đặt trong miệng họ những ngôn từ mà chỉ Ngài mới có thể tìm thấy được”. [119]
Việc đọc sách thiêng liêng
152. Có một cách cụ thể để lắng nghe điều Chúa muốn nói với chúng ta trong Lời của Người và được biến Thánh Thần của Người đổi. Và đó là điều mà chúng ta gọi là “lectio divina”. Nó bao gồm việc đọc Lời Chúa để nội tâm hóa trong lúc cầu nguyện để cho Lời ấy soi sáng và đổi mới chúng ta. Việc đọc Thánh Kinh trong cầu nguyện này không phải là điều tách rời khỏi việc học hỏi các nhà giảng thuyết, được thực hiện để xác định sứ điệp chính của bản văn; trái lại, phải bắt đầu từ đó, để cố gắng khám phá điều mà chính sứ điệp nói với đời sống của mình. Việc đọc sách thiêng liêng của một văn bản phải bắt đầu từ nghĩa đen của nó. Nếu không, chúng ta sẽ dễ dàng làm cho văn bản nói những gì chúng ta nghĩ là thuận tiện, những gì xác nhận những quyết định có trước của mình, thích nghi với tư duy của mình. Điều này, cuối cùng, sẽ như sử dụng một sự gì thánh để tìm tư lợi và chuyển sự mơ hồ như thế sang dân Thiên Chúa. Đừng bao giờ quên rằng đôi khi “ngay cả Satan cũng cải trang thành một thiên thần ánh sáng” (2 Cor 11:14).
153. Trong sự hiện diện của Thiên Chúa, khi bình tĩnh đọc bản văn, thật tốt để chúng ta hỏi, chẳng hạn như: “Lạy Chúa, bản văn này nói gì với con? Chúa muốn con thay đổi điều gì trong đời con với sứ điệp này? Điều gì làm tôi khó chịu trong văn bản này? Tại sao tôi không quan tâm đến điều này?” Hoặc, “Tôi thích gì, điều gì thúc đẩy tôi trong Lời này? Điều gì thu hút tôi? Tại sao nó thu hút tôi?” Khi cố gắng để lắng nghe Chúa, chúng ta thường có những cám dỗ. Một trong chúng chỉ đơn thuần là khó chịu hoặc cảm thấy bị áp bức, và tự khép kín trong chính mình; một cám dỗ rất phổ thông là bắt đầu suy nghĩ về những gì văn bản nói đến người khác, để tránh áp dụng nó vào cuộc sống của mình. Điều cũng xảy ra là người ta bắt đầu tìm lý do để cho phép họ nhận chìm sứ điệp cụ thể của một văn bản. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa đòi chúng ta một quyết định quá lớn, mà chúng ta chưa có điều kiện để thực hiện. Điều này dẫn đến việc nhiều người mất niềm vui của việc gặp gỡ Lời Chúa, nhưng điều ấy có nghĩa là quên rằng không ai là kiên nhẫn hơn Thiên Chúa Cha, rằng không ai hiểu và biết cách chờ đợi hơn Ngài. Ngài luôn luôn mời gọi chúng ta bước lên một bước về phía trước, nhưng không đòi hỏi một câu trả lời đầy đủ nếu chúng ta chưa bước đi trên con đường làm cho nó khả thi. Ngài chỉ đơn thuần muốn chúng ta nhìn một cách trung thực vào cuộc sống hiện tại của mình và trình diện chính mình mà không không giả tạo trong đôi mắt của Ngài, rằng chúng ta sẵn sàng tiếp tục lớn lên, và cầu xin Ngài những gì chúng ta vẫn chưa nhận được.
Lắng nghe dân chúng
154. Nhà thuyết giảng cũng phải lắng nghe dân chúng, để tìm ra những gì mà các tín hữu cần nghe. Một mục tử phải chiêm niệm Lời Chúa và cũng phải chiêm ngắm dân mình. Bằng cách này, ngài khám phá ra “những nguyện vọng, những sự phong phú và những giới hạn, những cách để cầu nguyện, để yêu thương, để xem xét cuộc sống và thế giới, là điều phân biệt cuộc tụ họp này hoặc cuộc tụ họp khác của con người,” trong khi chú ý đến “những con người cụ thể mà ngài nói với, để sử dụng ngôn ngữ của họ, những dấu hiệu và biểu tượng của họ, để trả lời những câu hỏi của hỏi.” [120] Đó là kết nối sứ điệp của bản văn Thánh Kinh với một hoàn cảnh của con người, với những gì mà họ sống, với một kinh nghiệm cần ánh sáng của Lời Chúa. Mối quan tâm này không đáp ứng với thái độ của một người theo cơ hội chủ nghĩa hay một nhà ngoại giao, nhưng có tính cách tôn giáo và mục vụ sâu xa. Căn bản, nó là “ một sự nhạy cảm tinh thần thực sự đối với việc đọc sứ điệp của Thiên Chúa trong các biến cố” [121] và điều này còn nhiều hơn tìm kiếm một điều gì thú vị để nói. Điều mà chúng ta đang tìm kiếm để khám phá ra là “Chúa muốn nói gì trong dịp này”. [122] Như vậy, việc soạn bài giảng trở thành một thực tập trong việc phân biệt theo Tin Mừng, trong đó chúng ta cố gắng để nhận ra - trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần – “một lời mời gọi mà Thiên Chúa đã làm vang lên trong chính hoàn cảnh lịch sử, mà cũng qua qua đó, Thiên Chúa mời gọi các tín hữu”. [123]
155. Trong việc nghiên cứu này có thể chỉ cần sử dụng một số kinh nghiệm thông thường của con người, chẳng hạn như niềm vui của một cuộc gặp gỡ mới, sự thất vọng, sợ hãi cô đơn, lòng trắc ẩn trước sự những đau khổ của người khác, sự bất ổn về tương lai, những quan tâm cho người thân, vv.... Tuy nhiên chúng ta cần phải có một sự nhạy cảm lớn lao để nhận ra những gì thực sự ảnh hưởng đến đời sống của họ. Cần phải nhớ rằng chúng ta không bao giờ nên trả lời những câu hỏi mà không ai đặt ra, cũng không phải là lúc thích hợp để nói về những tin tức thời sự với mục đích kéo sự chú ý của người nghe: đã có chương trình truyền hình cho những tin tức này rồi. Tuy nhiên, chúng ta có thể mở đầu bằng một vài sự kiện hay câu chuyện để Lời Chúa có thể vang dội cách mãnh liệt trong lời kêu gọi hoán cải, thờ phượng và những thái độ cụ thể của tình huynh đệ và phục vụ, vv…. Bởi vì đôi khi có một số người thích nghe trong bài giảng những bình luận về thời sự, trong khi không để cho cá nhân mình bị thách đố.
Những công cụ sư phạm
156. Một số người tin rằng họ có thể giảng thuyết tốt vì họ biết những gì họ sẽ nói, tuy nhiên họ không chú ý đến cách phải nói thế nào, là cách cụ thể để khai triển một bài giảng. Họ khó chịu khi những người khác không nghe họ hoặc không đánh giá cao họ, nhưng có lẽ họ không mấy bận tâm đến việc tìm cách thích hợp để trình bày sứ điệp. Chúng ta hãy nhớ rằng “tầm quan trọng hiển nhiên của nội dung truyền giáo không thể che khuất tầm quan trọng của những cách thức và phương tiện”. [124] Quan tâm đến cách giảng cũng là một thái độ hết sức tâm linh. Thái độ này có nghĩa là đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa, hiến mình với tất cả khả năng và óc sáng tạo của mính để phục vụ sứ mệnh được trao phó. Nhưng nó cũng là một thực tập của tình yêu tinh tế dành cho những ngưởi lân cận, vì chúng ta không muốn cung cấp cho người khác những gì kém chất lượng. Trong Thánh Kinh, chẳng hạn, chúng ta tìm thấy những đề nghị để soạn bài giảng hầu đảm bảo một biện pháp thích hợp, “hãy tóm lược các lời nói của con. Nhiều lời trong vài chữ” (Sir 32,8).
157. Tôi chỉ đơn thuần đưa ra một vài thí dụ, chúng ta hãy nhớ lại một số công cụ thực tế có thể phong phú hóa bài giảng và làm cho nó hấp dẫn hơn. Một trong những cố gắng rất cần thiết là học cách sử dụng hình ảnh trong bài giảng, nghĩa là nói bằng những hình ảnh. Đôi khi chúng ta dùng những thí dụ để làm cho điều mình muốn giải thích đươc dễ hiểu, nhưng những thí dụ thường chỉ nại vào trí óc; ngược lại, hình ảnh giúp người nghe thưởng thức và dễ chấp nhận sứ điệp chúng ta muốn truyền đạt hơn. Một hình ảnh hấp dẫn làm cho sứ điệp có vẻ nghe quen thuộc, gần gũi, thực tế và liên hệ với đời sống hằng ngày. Một hình ảnh thành công có thể giúp người ta thưởng thức sứ điệp mà chúng ta muốn truyền đạt, và làm thức tỉnh một ước muốn và chuyển ý chí về phía Tin Mừng. Như một vị thầy cũ đã nói với tôi, một bài giảng hay phải có “một tư tưởng, một cảm giác và một hình ảnh.”
158. Đức Phaolô VI đã nói rằng các tín hữu “kỳ vọng nhiều ở bài giảng, và nó sẽ có lợi cho rất nhiều người nếu nó rất đơn giản, rõ ràng, trực tiếp và phù hợp”. [125] Đơn giản liên hệ đến ngôn ngữ được sử dụng. Nó phải là ngôn ngữ mà người nghe có thể hiểu nếu không chúng ta nói vô ích. Thường thì nhà thuyết giảng dùng những từ ngữ mà họ đã học được trong tiến trình nghiên cứu và trong môi trường chuyên môn của họ, nhưng không phải là một phần của ngôn ngữ chung của thính giả của họ. Có những từ ngữ thần học hay tín lý, mà phần lớn các Kitô hữu không hiểu được ý nghĩa của chúng. Nguy cơ lớn nhất đối với một nhà giảng thuyết là quá quen thuộc với ngôn ngữ riêng của họ và nghĩ rằng tất cả những người khác đều dùng và hiểu chúng một cách tự nhiên. Nếu chúng ta muốn thích nghi với ngôn ngữ của những người khác để họ tiếp xúc được với Lời Chúa, chúng ta phải lắng nghe rất nhiều, chúng phải chia sẻ cuộc sống của dân chúng và chú ý nhiều đến họ. Sự đơn giản và rõ ràng là hai việc khác nhau. Ngôn ngữ có thể rất đơn giản, nhưng các bài giảng có thể không rõ ràng. Nó có thể trở nên khó hiểu vì thiếu trật tự, thiếu luận lý, vì đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau cùng một lúc. Do đó một nhiệm vụ cần thiết là phải đảm bảo rằng bài giảng có sự thống nhất theo chủ đề, trình tự và kết nối rõ ràng giữa các câu, để mọi người có thể dễ dàng theo dõi và hiểu được luận lý của những gì nhà thuyết giảng nói.
159. Một đặc tính khác là ngôn ngữ tích cực. Đừng nói nhiều đến những gì người ta không nên làm, nhưng tốt hơn là đề nghị những gì chúng ta có thể làm tốt hơn. Trong mọi trường hợp, nếu có một điều gì tiêu cực, thì hãy luôn cố gắng vạch ra một giá trị tích cực có sức thu hút, đừng dừng lại ở việc than phiền, than thở, chỉ trích hay hối hận. Ngoài ra, một bài giảng tích cực luôn đem lại hy vọng, hướng về tương lai, không biến chúng ta thành tù nhân của những điều tiêu cực. Thật là một điều tốt khi các linh mục, phó tế và giáo dân đến với nhau theo định kỳ để cùng nhau tìm ra những công cụ giúp làm cho bài giảng thêm hấp dẫn!
IV. Phúc Âm hoá để đào sâu lời rao giảng ban đầu (kerygma)
160. Mệnh lệnh truyền giáo của Chúa bao gồm lời mời gọi lớn lên trong đức tin khi Người nói: “dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28:20). Vì vậy, rõ ràng là lời rao giảng ban đầu cũng làm phát sinh một tiến trình hình thành và trưởng thành. Truyền giáo cũng nhằm việc tăng trưởng, đòi hỏi phải rất coi trọng mọi người và kế họach mà Chúa đã dự định cho họ. Mỗi người đều cần phải lớn lên hơn trong Đức Kitô, và việc loan báo Tin Mừng không được để cho một ai chỉ hài lòng với một chút, nhưng người ấy có thể nói là no đủ: “Không còn là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20).
161. Thật sai lầm khi coi lời mời gọi lớn lên này chỉ độc quyền hoặc chủ yếu là một việc đào luyện về tín lý. Nó là “tuân giữ” những gì Chúa đã truyền cho chúng ta, như một sự đáp trả lại tình yêu của Người, nổi bật nhất trong những điều ấy, cùng với tất cả các nhân đức, là Điều Răn Mới, điều răn đứng đầu và trọng nhất, điều răn tốt nhất để xác nhận chúng ta là môn đệ: “Đây là điều răn của Thầy, là các con hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu các con” (Ga 15:12). Rõ ràng là khi các tác giả Tân Ước muốn tóm sứ điệp luân lý của Kitô giáo lại thành một tổng hợp cuối cùng và quan trọng nhất, các ngài trình bày cho chúng ta đòi hỏi không thể tránh được là yêu tha nhân: “Ai yêu tha nhân là làm trọn Lề Luật...như thế sự viên mãn của Lề Luật là đức ái” (Rm 13:8,10). “Nếu anh em làm tròn luật cao trọng nhất theo Kinh Thánh, “Ngươi phải thương yêu người lân cận như chính mình,” thì anh em làm điều tốt” (Gb 2:8). “Vì toàn thể Lề Luật được làm tròn trong một lời là, “Ngươi hãy yêu người lân cận như chính mình” (Gal 5:14). Thánh Phaolô đề nghị với cộng đoàn của ngài một cách để lớn lên trong tình yêu: “Nguyện xin Chúa làm cho tình yêu thương của anh em đối với nhau và với mọi người được thêm nảy nở và chan chứa” (1 Thes 3:12).
162. Mặt khác, cuộc hành trình đáp trả và lớn lên này luôn bắt đầu bằng hồng ân, bởi vì hồng ân đi trước một đòi hỏi khác của Chúa: “rửa tội cho họ nhân danh...” (Mt 28:19). Việc nhận làm nghĩa tử mà Chúa Cha ban cho chúng ta một cách nhưng không và khởi đầu của ân sủng của Ngài (x. Ep 2:8-9, 1 Cor 4:7) là điều kiện khả thi của việc thánh hóa thường xuyên là điều làm vui lòng Thiên Chúa và làm cho Ngài được vinh danh. Nó sẽ cho phép chúng ta được biến đổi trong Đức Kitô bằng một cuộc sống tăng trưởng không ngừng “theo Thần Khí” (Rm 8:5).
Việc dạy giáo lý cách công bố ban đầu và và hiệp nhiệm
163. Giáo dục và dạy giáo lý là để phục vụ việc tăng trưởng này. Chúng ta đã có sẵn một số văn kiện Huấn Quyền và tài liệu về việc dạy giáo lý được cung cấp bởi Tòa Thánh và các Hội Đồng Giám Mục khác nhau. Tôi nhớ Tông Huấn Dạy Giáo Lý trong Thời Đại Chúng ta - Catechesi tradendae (1979), Hướng Dẫn Chung về việc Dạy Giáo Lý (1997) và các văn kiện khác mà nội dung của chúng không cần phải nhắc lại ở đây. Tôi muốn tập trung vào chỉ một vài suy tư mà tôi nghĩ rằng chúng ta cần lưu ý.
164. Chúng ta cũng tái khám phá ra rằng trong việc dạy giáo lý có một vai trò cơ bản của lời công bố ban đầu hay “kerygma”, là điều phải ở trung tâm của việc Phúc Âm hóa và mọi ý định canh tân Hội Thánh. Kerygma có đặc tính Ba Ngôi. Nó là ngọn lửa của Chúa Thánh Thần được ban trong hình thức các ngôn ngữ và làm cho chúng ta tin vào Đức Chúa Giêsu Kitô, Đấng qua cái chết và Sống Lại của Người mặc khải cho chúng ta lòng thương xót vô cùng của Chúa Cha. Trên miệng của giáo lý viên phải luôn luôn vang đi vọng lại lời loan báo ban đầu: “Đức Chúa Giêsu Kitô yêu thương chúng ta, Người đã ban mạng sống của Người để cứu chúng ta, và giờ đây Người đang ở bên chúng ta mỗi ngày, để soi sáng, củng cố và giải thoát chúng ta.” Khi chúng ta nói rằng lời loan báo này là “ban đầu”, điều này không có nghĩa là nó xuất hiện lúc ban đầu và sau đó có thể quên đi hoặc thay thế bằng những nội dung khác hay hơn nó. Nó đứng đầu theo nghĩa chất lượng, bởi vì nó là lời loan báo chính, là lời mà chúng ta phải luôn luôn nghe đi nghe lại bằng những cách khác nhau và chúng ta phải luôn luôn tái công bố trong các bài giáo lý dưới dạng này hay dạng khác, trong tất cả các giai đoạn của nó và những thời điểm của nó. [126] Vì lý do tương tự, “linh mục, cũng như Hội Thánh, càng ngày càng phải lớn lên trong ý thức rằng chính mình cần phải được thường trực Phúc Âm hóa”. [127]
165. Chúng ta không được nghĩ rằng trong việc dạy giáo lý phải bỏ kerygma để chọn một cách đào luyện có vẻ “chắc chắn” hơn. Không có gì chắc chắn hơn, sâu sắc hơn, an toàn hơn, thực chất hơn và đầy khôn ngoan hơn lời loan báo ban đầu ấy. Toàn thể việc đào luyện Kitô hữu trước hết cần đào sâu kerygma, là điều mỗi ngày một nhập thể hơn và không bao giờ ngừng soi sáng việc dạy giáo lý, cho phép chúng ta hiểu đúng ý nghĩa của bất cứ chủ đề nào được khai triển trong việc dạy giáo lý. Đây là lời loan báo đáp ứng khát vọng về sự vô cùng trong mỗi tâm hồn con người. Tính trung tâm của kerygma đòi hỏi một số đặc tính thiết yếu của lời công bố mà hiện nay cần có ở khắp mọi nơi là: diễn tả tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trước các nhiệm vụ luân lý và tôn giáo, không áp đặt chân lý nhưng thu hút qua sự tự do, có thể có một số dấu hiệu của niềm vui, sự khích lệ, sức sống và sự trọn vẹn hòa hợp mà không thu hẹp việc giảng dạy vào một số học thuyết đôi khi có tính triết lý hơn rao giảng Tin Mừng. Điều này đòi hỏi người rao giảng Tin Mừng một vài thái độ để làm cho việc đón nhận lời loan báo được dễ dàng hơn: gần gũi, cởi mở để đối thoại, kiên nhẫn, chào đón thân mật mà không lên án.
166. Một đặc tính khác của việc dạy giáo lý, được phát triển trong vài thập niên vừa qua là khai tâm hiệp nhiệm (l’initiation mystagogique), [128] mà ý nghĩa chủ yếu là hai điều: sự tiến triển cần thiết của kinh nghiệm đào luyện, trong đó liên quan đến toàn thể cộng đồng và tái đề cao những dấu chỉ phụng vụ của việc khai tâm Kitô giáo. Nhiều thủ bản và nhiều chương trình chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu canh tân hiệp nhiệm này, có thể có những hình thức rất khác nhau để phù hợp với sự phân định của mỗi cộng đồng giáo dục. Lớp học giáo lý là một lần rao giảng Lời Chúa và tập trung vào Lời Chúa, nhưng luôn cần có một môi trường thích hợp và một động lực hấp dẫn, sử dụng các biểu tượng hùng hồn, lồng vào một tiến trình tăng trưởng và hội nhập rộng lớn hơn trong tất cả các chiều kích của con người trong một cuộc hành trình lắng nghe và đáp lời cộng đồng.
167. Tốt nhất là tất cả việc dạy giáo lý đặc biệt chú ý đến “con đường thẩm mỹ” (via pulchritudinis). [129] Loan báo Đức Kitô có nghĩa là tin vào Người và theo Người không những chỉ như một điều gì thực tế và đúng, mà còn như một điều gì đẹp đẽ, có khả năng đổ đầy đời sống bằng một sự huy hoàng mới và một niềm vui sâu thẳm, ngay cả giữa những thử thách. Theo quan điểm này, tất cả các cách diễn tả về thẩm mỹ thực sự có thể được công nhận là một con đường giúp người ta gặp gỡ Chúa Giêsu. Điều này không có nghĩa là cổ võ cho một thuyết tương đối về thẩm mỹ, [130] là điều có thể che khuất mối dây liên kết bất khả phân ly giữa chân, thiện, mỹ, nhưng để khôi phục lại lòng ngưỡng mộ vẻ đẹp để có thể chạm đến quả tim con người và để sáng tỏa trong ấy chân lý và sự tốt lành của Đấng Phục Sinh. Như Thánh Augustinô nói, nếu chúng ta chỉ có thể yêu những gì đẹp, [131] thì Chúa Con làm người, mặc khải của sự mỹ miều vô hạn, vô cùng đáng yêu, và Người lôi kéo chúng ta về với Mình bằng những liên hệ yêu thương. Do đó, điều cần thiết là việc đào luyện trong via pulchritudinis phải được tháp nhập vào việc thông truyền đức tin. Hy vọng rằng mỗi Hội Thánh địa phương thúc đẩy việc sử dụng nghệ thuật trong việc truyền giáo của mình, trong sự liên tục với sự phong phú của quá khứ, tuy nhiên cũng trong sự rộng lớn của nhiều hình thức diễn tả hiện nay của nó, để truyền thụ đức tin bằng một “ngôn ngữ dụ ngôn” mới. [132] Chúng ta phải có can đảm tìm ra những dấu hiệu mới, biểu tượng mới, thịt mới cho việc thông truyền Lời Chúa, các hình thức thẩm mỹ khác nhau được bày tỏ trong những bối cảnh văn hóa khác nhau, và bao gồm cả những thể thức không theo quy ước của thẩm mỹ, là điều có thể chẳng có ý nghĩa gì với những nhà truyền giáo, nhưng lại trở nên đặc biệt hấp dẫn với những người khác.
168. Về đề nghị luân lý của việc dạy giáo lý, là điều mời gọi chúng ta lớn lên trong sự trung thành với cách sống theo Tin Mừng, chúng ta phải luôn luôn nhắc đến điều tốt lành đáng mong ước, đề nghị về sự sống, về sự trưởng thành, về thành quả, khả năng sinh hoa quả, trong ánh sáng của điều tốt lành này mà người ta có thể hiểu tại sao chúng ta lại tố cáo những điều xấu có thể che khuất nó. Thay vì coi chúng ta như những chuyên viên tiên đoán những chuyện khủng khiếp hay những quan tòa khắc nghiệt thỏa mãn khi phát hiện ra bất kỳ sự nguy hiểm hoặc sai lạc nào, thì họ nhìn chúng ta như những sứ giả hân hoan của các đề nghị từ trên cao, những người canh giữ sự tốt lành và thẩm mỹ là những điều tỏa sáng trong một đời sống trung thành với Tin Mừng.
Việc đồng hành cách cá nhân trong những tiến trình tăng trưởng
169. Trong một nền văn minh bị tổn thương cách nghịch lý bởi tình trạng nặc danh, và đồng thời, quá bận tâm với những chi tiết về đời sống của những người khác, và phải chịu đựng sự tò mò trơ trẽn bệnh hoạn, Hội Thánh cần một cái nhìn gần gũi để xem xét, cảm thông và ngừng lại trước những người khác mỗi khi cần thiết. Trong thế giới này, các thừa tác viên có chức thánh và những người làm mục vụ khác có thể làm cho hương thơm của sự hiện diện gần gũi của Chúa Giêsu và cái nhìn cá nhân của Người hiện diện. Hội Thánh sẽ phải hội nhập các thành viên của mình – các linh mục, tu sĩ và giáo dân – vào “nghệ thuật đồng hành” này, để tât cả mọi người học cách luôn luôn biết cởi giày của mình ở trước đất thánh của người khác (x. Xh 3:5). Chúng ta phải giữ trong cuộc hành trình của mình một khoảng cách lành mạnh, với một cái nhìn tôn trọng và đầy trắc ẩn nhưng đồng thời khuyến khích sự khỏe mạnh, tự do và trưởng thành trong đời sống Kitô hữu.
170. Mặc dù có vẻ tỏ tưởng là việc đồng hành tinh thần phải dẫn đưa người ta càng ngày càng đến gần Thiên Chúa hơn, trong Ngài chúng ta có thể đạt được sự tự do thật. Một số người tin rằng họ được tự do khi bước đi ngoài Chúa, mà không nhận ra rằng mình hiện sinh vẫn là kẻ mồ côi, không nơi nương tựa, không nhà để cư ngụ hay để trở về. Họ không còn là những người hành hương mà trở thành những kẻ lang thang, luôn luôn xoay xở mà không đi đến đâu. Đồng hành với họ sẽ phản tác dụng nếu nó trở thành một loại điêu trị củng cố việc đóng cửa lòng của những con người tận nội tâm của họ và đó không còn là một cuộc hành hương với Đức Kitô về cùng Chúa Cha nữa.
171. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần những người nam nữ, là những người từ kinh nghiệm đồng hành của họ, quen thuộc với tiến trình, trong đó đòi hỏi sự thận trọng, khả năng hiểu biết, nghệ thuật chờ đợi, ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Thần, để tất cả cùng nhau bảo vệ đàn chiên đang trông cậy vào chúng ta, để khỏi bị những chó sói đang tìm cách làm cho nó bị tan tác. Chúng ta cần phải thực hành nghệ thuật lắng nghe, mà lắng nghe khác với nghe. Trong việc giao tiếp với người khác, điều đầu tiên là khả năng của con tim có thể tạo ra sự gần gũi, mà nếu không có nó thì không có cuộc gặp gỡ tinh thần thực sự. Việc lắng nghe giúp chúng ta tìm được những cử chỉ và lời nói thích hợp để kích hoạt tình trạng im lìm của khán giả. Chỉ qua việc lắng nghe cách tôn trọng này và khả năng thông cảm, chúng ta mời có thể tìm thấy những con đường tăng trưởng thật, chúng ta mới có thể đánh thức những ao ước về lý tưởng Kitô giáo, sự nóng lòng đáp trả trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa và ao ước phát triển cách tốt nhất những gì mà Thiên Chúa đã gieo trong cuộc đời họ. Nhưng luôn luôn với sự kiên nhẫn của những người biết điều mà Thánh Tôma dạy: ai cũng có thể có ân sủng và đức ái, nhưng không thi hành tốt các nhân đức “vì những xu hướng ngược lại” [133] vẫn còn tồn tại. Nói cách khác, bản chất hữu cơ của các nhân đức luôn luôn và nhất thiết phải “in habitu” [ở trong thói quen], cho dù các điều kiện có thể cản trở những hoạt động của những thói quen đạo đức này. Vì vậy cần phải có “một phương pháp sư phạm đưa ra cho người ta từng bước một để chiếm hữu toàn thể mầu nhiệm”. [134] Để đạt được một mức trưởng thành, nghĩa là để cho người ta có khả năng quyết định thật sự tự do và có trách nhiệm, thì điều cần thiết là phải có thời gian, và rất kiên nhẫn. Theo lời Chân Phước Phêrô Fabro: “Thời gian là sứ giả của Thiên Chúa.”
172. Những người bạn đồng hành phải ý thức rằng tình trạng của mỗi người trước mặt Thiên Chúa và đởi sống ân sủng của họ là một mầu nhiệm mà không ai có thể hoàn toàn biết được từ bên ngoài. Tin Mừng đề nghị chúng ta sửa chữa và giúp họ tăng trưởng dựa vào việc nhận ra những sự dữ khách quan của những hành động của họ (x. Mt 18:15), mà không phán đoán về trách nhiệm và tội trạng của họ (x. Mt 7:1; Lc 6:37). Trong mọi trường hợp, một người bạn đồng hành tốt không tuân theo thuyết định mệnh hay sự rụt rè. Người ấy luôn mời gọi người khác để cho mình được chữa lành, tự đứng dậy, ôm lấy thập giá, từ bỏ mọi sự, để luôn đi ra một lần nữa để rao giảng Tin Mừng. Kinh nghiệm cá nhân của chúng ta trong việc để cho người khác đồng hành và chăm sóc, trong việc trình bày với tất cả lòng chân thành cuộc đởi của chúng ta trước những người đồng hành với mình, sẽ dạy chúng ta kiên nhẫn và hiểu biết những người khác và cho phép chúng ta tìm cách để đánh thức trong họ sự tin tưởng, mở lòng và sẵn sàng để lớn lên.
173. Việc đồng hành tinh thần đích thực luôn luôn bắt đầu và tiến triển trong lãnh vực phục vụ sứ vụ loan báo Tin Mừng. Sự liên hệ giữa Thánh Phaolô với Timôthê và Titô là một thí dụ của việc đồng hành này và việc đào tạo trong tiến trình hoạt động tông đồ. Trong khi ủy thác cho hai ông sứ vụ ngừng lại ở mỗi thành phố để “xắp đặt theo thứ tự những gì còn lại phải được thực hiện” (x. Tit 1:5;. x. 1 Tim 1:3-5), ngài cung cấp cho các ông những tiêu chuẩn cho đời sống cá nhân và cho các hoạt động mục vụ. Tất cả điều này rõ ràng khác biệt với bất cứ loại đồng hành tư tình hoặc tự mãn tự cô lập nào. Các môn đệ truyền giáo đồng hành với các môn đệ truyền giáo.
Về Lời Chúa
174. Không chỉ có bài giảng phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Tất cả việc Phúc Âm hóa được thiết lập dựa trên sự lắng nghe, suy niệm, sống, cử hành Lời Chúa và làm chứng cho Lời Chúa. Thánh Kinh là nguồn mạch của việc Phúc Âm hóa. Vì vậy, chúng ta phải liên tục được đào luyện trong việc lắng nghe Lời Chúa. Hội Thánh không rao giảng Tin Mừng nếu không liên tục để cho mình được Phúc Âm hóa. Điều quan trọng là Lời Chúa “càng ngày càng trở nên trung tâm của mọi hoạt động của Hội Thánh”. [135] Lời Chúa được ghe và được cử hành, đặc biệt trong Bí Tích Thánh Thể nuôi dưỡng và củng cố nội tâm các Kitô hữu và làm cho họ có khả năng làm nhân chứng đích thực cho Tin Mừng trong cuộc sống hàng ngày của họ. Chúng ta giờ đây đã vượt qua sự đối chọi xưa kia giữa Lời Chúa và Bí Tích. Lời Chúa được công bố, linh nghiệm và hiệu quả, chuẩn bị cho việc tiếp nhận các Bí Tích, và trong Bí Tích Lời này đạt hiệu quả tối đa của nó.
175. Việc học hỏi Thánh Kinh phải là một cánh cửa mở ra cho tất cả các tín hữu. [136] Điều thiết yếu là Lời được mặc khải phải phong phú hóa cách triệt để việc dạy giáo lý của chúng ta và tất cả những nỗ lực để truyền thụ đức tin. [137] Việc Phúc Âm hóa đòi hỏi chúng ta phải làm quen với Lời Chúa, và điều này đòi buộc các giáo phận, các giáo xứ và các nhóm Công Giáo đề ra một chương trình học hỏi Thánh Kinh nghiêm túc và kiên trì, cũng như thúc đẩy việc đọc Thánh Kinh trong cầu nguyện của cá nhân và cộng đồng. [138] Chúng ta không còn phải tìm kiếm bằng cách mò mẫm trong bóng tối, chúng ta cũng không còn phải chờ đợi Thiên Chúa nói với mình trước, bởi vì thực sự “Thiên Chúa đã nói, và không còn gì chúng ta cần phải biết mà chưa được mặc khải cho chúng ta”. [139] Chúng ta hãy đón nhận kho báu cao siêu của Lời được mặc khải.
(còn tiếp)
http://giaoly.org/vn/
---------------------------------
Notes:
[77] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Asia (6 November 1999), 19: AAS 92 (2000), 478.
[78] Ibid, 2: AAS 92 (2000), 451.
[79] Cf. Propositio 4.
[80] Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 1.
[81] Meditation during the First General Congregation of the XIII Ordinary General Assembly of the Synod of Bishops (8 October 2012): AAS 104 (2012), 897.
[82] Cf. Propositio 6; SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 22.
[83] Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 9.
[84] Cf. THIRD GENERAL CONFERENCE OF THE LATIN AMERICAN AND CARIBBEAN BISHOPS, Puebla Document, 23 March 1979, Nos. 386-387.
[85] Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes, 36.
[86] Ibid, 25.
[87] Ibid, 53.
[88] JOHN PAUL II, Apostolic Letter Novo Millennio Ineunte (6 January 2001), 40: AAS 93 (2001), 295.
[89] Ibid.
[90] JOHN PAUL II, Encyclical Letter Redemptoris Missio (7 December 1990), 52: AAS 83 (1991), 300; cf. Apostolic Exhortation Catechesi Tradendae (16 October 1979) 53: AAS 71 (1979), 1321.
[91] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Oceania (22 November 2001), 16: AAS 94 (2002), 383.
[92] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Africa (14 September 1995), 61: AAS 88 (1996), 39.
[93] SAINT THOMAS AQUINAS, S. Th. I, q. 39, a. 8 cons. 2: “Without the Holy Spirit who is the bond of both, one cannot understand the connecting unity between the Father and the Son”; cf. I, q. 37, a. 1, ad 3.
[94] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Oceania (22 November 2001), 17: AAS 94 (2002), 385.
[95] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Asia (6 November 1999), 20: AAS 92 (2000), 478-482.
[96] Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 12.
[97] JOHN PAUL II, Encyclical Letter Fides et Ratio (14 September 1998), 71: AAS 91 (1999), 60.
[98] THIRD GENERAL CONFERENCE OF THE LATIN AMERICAN AND CARIBBEAN BISHOPS, Puebla Document, 23 March 1979, 450; cf. FIFTH GENERAL CONFERENCE OF THE LATIN AMERICAN AND CARIBBEAN BISHOPS, Aparecida Document, 29 June 2007, 264.
[99] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Asia (6 November 1999), 21: AAS 92 (2000), 482-484.
[100] No. 48: AAS 68 (1976), 38.
[101] Ibid.
[102] Opening Address of the Fifth General Conference of the Latin American and Caribbean Bishops (13 May 2007), 1: AAS 90 (2007), 446.
[103] FIFTH GENERAL CONFERENCE OF THE LATIN AMERICAN AND CARIBBEAN BISHOPS, Aparecida Document, 29 June 2007, 262.
[104] Ibid., 263
[105] Cf. SAINT THOMAS AQUINAS, S. Th., II-II, q. 2, a. 2.
[106] FIFTH GENERAL CONFERENCE OF THE LATIN AMERICAN AND CARIBBEAN BISHOPS, Aparecida Document, 29 June 2007, 264.
[107] Ibid.
[108] Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 12.
[109] Cf. Propositio 17.
[110] Cf. Propositio 30.
[111] Cf. Propositio 27.
[112] JOHN PAUL II, Apostolic Letter Dies Domini (31 May 1998), 41: AAS 90 (1998), 738-739.
[113] PAUL VI, Apostolic Exhortation Evangelii Nuntiandi (8 December 1975), 78: AAS 68 (1976), 71.
[114] Ibid.
[115] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Pastores Dabo Vobis (25 March 1992), 26: AAS 84 (1992), 698.
[116] Ibid., 25: AAS 84 (1992), 696.
[117] SAINT THOMAS AQUINAS, S. Th. II-II, q. 188, a. 6.
[118] PAUL VI, Apostolic Exhortation Evangelii Nuntiandi (8 December 1975), 76: AAS 68 (1976), 68.
[119] Ibid., 75: AAS 68 (1976), 65.
[120] Ibid., 63: AAS 68 (1976), 53
[121] Ibid., 43: AAS 68 (1976), 33
[122] Ibid.
[123] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Pastores Dabo Vobis (25 March 1992), 10: AAS 84 (1992), 672.
[124] PAUL VI, Apostolic Exhortation Evangelii Nuntiandi (8 December 1975), 40: AAS 68 (1976), 31.
[125] Ibid., 43: AAS 68 (1976), 33.
[126] Cf. Propositio 9.
[127] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Pastores Dabo Vobis (25 March 1992), 26: AAS 84 (1992), 698.
[128] Cf. Propositio 38.
[129] Cf. Propositio 20.
[130] Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIl, Decree on the Means of Social Communication Inter Mirifica, 6.
[131] Cf. De Musica, VI, 13, 38: PL 32, 1183-1184; Confessiones, IV, 13.20: PL 32, 701.
[132] BENEDICT XVI, Address for the Screening of the Documentary “Art and Faith” – Via Pulchritudinis (25 October 2012): L’Osservatore Romano (27 October 2012), 7.
[133] S. Th., I-II, q. 65, a. 3, ad 2: “propter aliquas dispositiones contrarias”.
[134] JOHN PAUL II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Ecclesia in Asia (6 November 1999), 20: AAS 92 (2000), 481.
[135] BENEDICT XVI , Post-Synodal Apostolic Exhortation Verbum Domini (30 September 2010), 1: AAS 102 (2010), 682.
[136] Cf. Propositio 11.
[137] Cf. SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 21-22.
[138] Cf. BENEDICT XVI, Post-Synodal Apostolic Exhortation Verbum Domini (30 September 2010), 86-87: AAS 102 (2010), 757-760.
[139] BENEDICT XVI, Address during the First General Congregation of the Synod of Bishops (8 October 2012): AAS 104 (2012), 896.