Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tôi Tin Vào Người

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: 

Tôi Tin Vào Người 

Đàm thoại với Jorge Bergoglio 
 
Nguyễn Tùng Lâm dịch

ToiTinVaoNguoi


Chương 2

Con bắt đầu làm việc được rồi …

Sau khi học xong tiểu học, thân sinh cậu bé Jorge gọi cậu đến và nói: “Vì con sắp lên trung học, nên con bắt đầu làm việc được rồi. Cha sẽ tìm việc hè cho con làm.” Cậu bé Jorge mới mười ba tuổi, cậu nhìn cha bối rối. Gia đình sống đủ nhờ đồng lương làm kế toán của cha. “Chúng tôi đủ sống, chúng tôi không có xe, chúng tôi không đi nghỉ hè, nhưng chúng tôi không thiếu gì,” đức hồng y nói. Dù sao, cậu bé Jorge là người con nghe lời cha mẹ nên cậu vâng lời.

Sau đó, Jorge làm việc trong xưởng làm bít tất nơi thân phụ của cha làm kế toán. Hai năm đầu, cha làm ở phân xưởng giặt. Năm thứ ba, cha làm trong ban quản trị và kể từ năm thứ tư, cha đổi việc làm.

Vì cha học trong trường kỹ thuật, chuyên khoa hóa học thực phẩm, cha làm việc trong phòng thí nghiệm từ bảy giờ sáng đến một giờ trưa, nghỉ một giờ ăn, sau đó đi học đến tám giờ tối. Cha vẫn tiếp tục làm sau khi học xong trung học, sau này, cha cho rằng công việc này đã cực kỳ hữu ích trong tiến trình đào tạo của mình.

“Tôi rất cám ơn cha tôi đã gởi tôi đi làm việc. Công việc là điều tốt nhất cho tôi trong cuộc sống, đặc biệt ở phòng thí nghiệm, tôi đã học cái tốt nhất cũng như cái xấu nhất”, cha nhấn mạnh. Với một giọng nhớ tiếc, cha nói thêm: “Trong phòng thí nghiệm này, người trưởng phòng là bà Esther Balestrino de Carega, một người Paraguay thân cộng sản, sau này dưới chế độ độc tài, bà đã chứng kiến cảnh con gái và rể bị bắt cóc, chính bà cũng bị bắt cóc với hai nữ tu người Pháp, cả hai đều bị mất tích, đó là hai nữ tu Alice Domon và Léonie Duquet, còn bà thì sau đó bị ám sát. Bây giờ bà an nghỉ ở nhà thờ Santa Cruz. Tôi đặc biệt yêu mến bà. Tôi còn nhớ khi tôi đưa cho bà xem một mẫu phân tích, bà nói với tôi: “Anh làm nhanh quá!” rồi, không chờ, bà hỏi tôi: “Nhưng anh có làm mẫu đo lường này không?” Tôi trả lời, tôi không hiểu tại sao phải làm lại, vì các mẫu đo lường này đã được làm sẵn từ trước, ít nhiều nó cũng tương đương thôi. “Không, phải đo lường chính xác,” bà lặp lại. Bà dạy cho tôi phải nghiêm túc trong công việc. Tôi học hỏi rất nhiều ở người đàn bà phi thường này.”

Kinh nghiệm tuổi trẻ này là yếu tố khơi động cho một chủ đề mới, chủ đề việc làm.

- Trong suốt quá trình mục vụ, cha hẳn đã tiếp rất nhiều người thất nghiệp. Cha có kinh nghiệm nào về vấn đề này?

- Đúng vậy, tôi gặp rất nhiều. Những người không còn được xem như là người. Họ đáng được gia đình, bạn bè giúp đỡ, họ muốn làm việc, muốn kiếm cơm bằng lao nhọc mồ hôi của mình. Xét cho cùng, công việc là điều mang lại phẩm cách cho con người. Phẩm cách, người ta không có được lúc sinh ra hay rút tỉa từ giáo dục gia đình hay giáo dục nhà trường. Phẩm cách đúng nghĩa phẩm cách, đến từ công việc. Chúng ta kiếm sống từ hai bàn tay lao động, chúng ta duy trì cuộc sống gia đình cũng từ hai bàn tay này. Dù việc làm có thể mang lại lợi lộc nhiều hay ít. Nhiều thì càng tốt. Người ta có thể có cả một gia sản, nhưng nếu không làm việc thì cũng không có phẩm cách. Lấy ví dụ người di dân đến Mỹ không có một xu: anh chiến đấu, anh làm việc và đến một ngày, anh là “người Mỹ.” Cẩn thận, sự suy tàn sẽ đến khi người con hoặc người cháu không được nuôi dạy trong tinh thần làm việc. Chính vì thế, những người di dân không chấp nhận sự có mặt của một người con hay người cháu nhàn cư: họ buộc chúng phải làm việc. Tôi có thể kể một giai thoại về chuyện này?

- Dạ, xin cha…

- Tôi nhớ một gia đình ở Buenos Aires gốc basque (giữa Pháp và Tây Ban Nha). Đó là vào những năm 70. Người cha ở trong ngành chăn nuôi. Cả hai cha con rất khác nhau về ý thức hệ. Vì cả hai có một lòng tôn kính cha xứ, họ mời cha xứ đến nhà ăn cơm để giúp họ giải quyết mâu thuẫn. Cha xứ chăm chú nghe hai người trình bày, như một nhà hiền triết, ông nói với họ: “Vấn đề là quý vị đã quên cơn đau thắt.” Người cha và người con đều ngạc nhiên, họ hỏi: “Cơn đau thắt nào?” Cha xứ đưa ngón tay chỉ vào họ: “Cơn đau thắt của người cha, người ông, cứ phải dậy bốn giờ sáng để vắt sữa bò!”

- Chắc chắn sự hy sinh sẽ cho mình một tầm nhìn khác biệt.

- Dù sao, điều này làm cho chúng ta tránh xa được các lý thuyết cằn cỗi. Có thể nói, người cha đắm mình trong cơ xưởng, người con lao mình trong cuộc chiến ý thức hệ, cả hai đều quên việc làm. Việc làm mở một cánh cửa vào thực tế và vâng theo mệnh lệnh của Chúa: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, hãy lan tràn và cai trị trái đất…” Nói cách khác, hãy làm chủ trái đất: hãy làm việc.

- Điều đáng buồn, đó là những người muốn làm việc nhưng lại không thể làm việc.

- Vấn đề là, người không có việc làm, họ cảm thấy khốn khổ trong những giờ cô đơn, vì họ “không kiếm sống được.” Vì thế quan trọng là, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, nhà nước, qua các ban bộ làm sao tìm cách để nâng cao văn hóa việc làm hơn là văn hóa quãng đại. Đúng là trong giai đoạn khủng hoảng, cần kêu gọi lòng quãng đại để cấp kỳ ra khỏi tình trạng, như trong thời năm 2001 chúng tôi đã sống ở Á Căn Đình. Nhưng sau đó phải tìm nguồn việc làm, vì chính việc làm mang đến cho con người phẩm cách, tôi lặp lại vấn đề này hoài.

- Thiếu việc làm tạo nên nhiều vấn đề khổng lồ. Qua sự kiện này, có người còn cho rằng đã đến thời “chấm dứt việc làm.”…

- Trong chừng mực nếu càng có ít người làm việc thì càng có ít người tiêu thụ. Con người càng ít can dự vào việc sản xuất nhưng cùng một lúc, con người lại sẽ mua sản phẩm. Chúng ta đã lãng quên một ít về vấn đề này. Tôi nghĩ người ta không khai phá đủ tất cả các thể loại công việc. Cũng đã có những nước thấy được vấn đề này trong lãnh vực xã hội, vì không thể có việc cho tất cả mọi người nên họ giảm số ngày và số giờ làm việc, lấy lý do để người dân hưởng thêm giờ rãnh thích thú. Nhưng việc đầu tiên phải làm là tạo công ăn việc làm. Chúng ta đừng quên thông điệp xã hội (Rerum Novarum) đã ra đời trong bóng tối của cuộc Cách mạng kỷ nghệ, vào thời mà các xung đột vừa bắt đầu và không có một nhà cầm quyền nào có khả năng tìm ra giải pháp.

- Một thái cực khác là có quá nhiều việc cũng tạo vấn đề… Phải đi tìm lại ý nghĩa của giải trí.

- Phải theo đúng nghĩa, bởi vì sẽ có nhàn cư và giải trí, lang thang và

bổ ích. Văn hóa việc làm phải đi theo văn hóa giải trí bổ ích. Nói cách khác, một người đi làm việc phải có thì giờ nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, vui hưởng cuộc sống, đọc sách, nghe nhạc, chơi thể thao. Nhưng khổ thay, những chuyện này đang bị mất dần vì không còn được nghỉ ngày chúa nhật. Càng ngày người dân càng phải làm thêm ngày chúa nhật, hậu quả của việc cạnh tranh trong xã hội tiêu thụ. Và quả thật, ở đây chúng ta lại đi qua một thái cực khác: việc làm là một yếu tố của sự phi nhân hóa. Nếu việc làm choán hết chỗ, không còn chỗ cho giải trí, cho nghỉ ngơi lành mạnh thì việc làm sẽ biến con người thành nô lệ trong chừng mực, con người không làm việc vì để có phẩm cách mà vì cạnh tranh. Lúc đó, động lực thúc đẩy làm việc là một động lực xấu.

- Và đời sống gia đình bị suy sụp…

- Vì thế khi các cha mẹ trẻ đến xưng tội, tôi luôn luôn hỏi họ có chơi với trẻ con không. Đôi khi họ ngạc nhiên khi nghe tôi hỏi như vậy, và thường thường họ nhận ra, họ chưa bao giờ đặt ra vấn đề này. Rất nhiều cha mẹ đi làm việc khi con chưa thức dậy và về nhà khi con đã đi ngủ. Cuối tuần, họ kiệt sức, họ không săn sóc gia đình như bổn phận họ phải làm.  Giải trí đích thực là người cha, người mẹ chơi với trẻ con. Vậy thì giải trí lành mạnh mang một chiều kích chơi và chơi cũng là nguồn hiểu biết. Sách Khôn Ngoan có nói, tầm khôn ngoan cao cả của Thiên Chúa, Ngài chơi. Ngược lại, nhàn cư là phủ nhận việc làm. Tôi còn nhớ trong một buổi diễn, nữ ca sĩ Tita Merello đã hát: “Hỡi kẻ lười biếng, hãy đi ra khỏi cái cọc của bạn.”

- Không dễ gì để có sự quân bình. Người ta dễ dàng đi trệch đường.

- Đúng vậy. Giáo Hội luôn luôn nói chìa khóa then chốt của xã hội là việc làm. Khi làm việc, con người là trọng tâm của tất cả. Ngày nay, trong nhiều trường hợp, điều này không còn đúng. Một người sẽ bị đuổi việc ngay nếu họ không làm đúng việc. Họ trở nên sự vật, họ không còn được xem là một người. Trong những thập niên gần đây, Giáo Hội đã lên án hiện tượng phi nhân hóa mà việc làm có trách nhiệm. Chúng ta đừng quên một trong những nguyên do chính của tự tử là cảm thấy mình thất bại và trong khuôn khổ của một sự canh tranh khốc liệt trong việc làm. Vì thế đừng dự kiến việc làm hoàn toàn trong nhãn quan thực dụng. Điều thiết yếu không ở nơi lợi lộc, cũng không ở vốn liếng. Con người không phục vụ cho công việc, nhưng chính công việc phục vụ cho con người.”