Đức Giáo Hoàng Phanxicô:Tôi Tin Vào NgườiĐàm thoại với Jorge Bergoglio
Nguyễn Tùng Lâm dịch
|
Chương 4
Mùa xuân của đức tin
Đó là ngày 21 tháng 9, (ngày lễ kính thánh Matêô), cũng như nhiều thanh niên trẻ ở tuổi mười bảy, cùng với các bạn, Jorge Bergoglio chuẩn bị Ngày lễ Sinh viên tổ chức hàng năm vào dịp tựu trường. Tôi bắt đầu ngày làm việc bằng một vòng đi bộ đến giáo xứ. Lúc đó tôi là một thanh niên công giáo siêng năng giữ đạo, đi nhà thờ ở San José, thuộc địa hạt Flores, Buenos Aires.
Khi đến nơi, tôi gặp một cha xứ mà tôi chưa quen biết. Cảm thấy cha xứ là một người có sức mạnh thiêng liêng cao độ, tôi xin xưng tội. Ngay lập tức, tôi hiểu cuộc xưng tội này rất khác thường, nó khơi động đức tin. Nó cũng làm cho tôi nhận ra các dấu hiệu của ơn gọi, đến mức tôi thấy không cần phải ra nhà ga để đi gặp các bạn. Tôi về nhà với một xác tín: tôi muốn… trở thành linh mục. Đó là một ân huệ vô biên mà tôi được ban phúc một cách bất ngờ. Cha giải thích như sau:
“Trong lần xưng tội đó, trong lòng tôi gợi lên một lòng hiếu kỳ, tôi không biết như thế nào, nhưng nó đã làm thay đổi cuộc đời của tôi. Tôi muốn nói là chính tôi cũng cảm thấy ngạc nhiên, tôi không dè,” cha nói như vậy sau hơn năm mươi năm. Bây giờ, Bergoglio giải thích giai đoạn đó như sau: “Một cuộc gặp gỡ ngạc nhiên, sững sờ. Tôi hiểu có ai chờ tôi. Đó là cái gọi là trải nghiệm tôn giáo: sững sờ khi đứng trước một người đang chờ bạn. Từ đó, đối với tôi, Chúa là người “tìm tôi trước.” Tôi tìm Người, nhưng Người cũng tìm tôi. Tôi mong muốn thấy Người, nhưng chính Người “làm bước trước.”
Jorge Bergoglio nói thêm, không những “sững sờ khi gặp gỡ” đã khơi dậy ơn gọi cho tôi mà còn qua giọng điệu thương xót Chúa đã nói khi kêu gọi tôi, một giọng điệu mà với thời gian, đã trở thành nguồn cảm hứng cho sứ vụ của tôi.
Dù vậy, tôi chưa vào chủng viện ngay. “Câu chuyện ngừng ở đó,” ngài nói. Vì tôi còn học xong trung học và tiếp tục làm việc bán thời gian trong phòng thí nghiệm hóa học, tôi không nói nguyện ước của mình cho ai nghe. Tôi phải chắc về ơn gọi của mình, những năm sau đó, tôi trải qua cơn khủng hoảng tăng triển, qua những giai đoạn cô đơn. Bergoglio nói, đó là một loại “cô đơn thụ động”, chịu đau khổ mà không biết lý do, giống như sau một cơn khủng hoảng hay một mất mát, khác với “cô đơn tích cực”, loại cô đơn cảm nhận khi đứng trước một quyết định siêu việt. Kinh nghiệm này đã làm cho tôi học sống với cô đơn. Cuối cùng, năm hai mươi mốt tuổi, tôi vào chủng viện và quyết định vào dòng Tên.
- Lý do nào cha chọn dòng Tên?
- Đúng ra thì tôi không biết nên chọn dòng nào. Rõ ràng là tôi có ơn gọi. Sau khi qua chủng viện ở giáo phận Buenos Aires, tôi vào dòng Tên vì tôi thích đặc tính của dòng Tên, là cánh tay vững chắc của Giáo Hội, nói theo danh từ quân đội, xây dựng trên nền tảng vâng lời và kỷ luật và cũng vì dòng Tên có sứ vụ truyền giáo. Đã có lúc tôi muốn đi truyền giáo ở Nhật, nơi từ lâu dòng Tên đã thực hiện những công trình quan trọng. Nhưng vì sức khỏe không cho phép, nên tôi không đi được. Tôi nghĩ có người sẽ “nhẹ nhõm” nếu tôi không ở đây mà đi qua bên kia… Các bạn có nghĩ như vậy không? (Cười)
- Phản ứng của gia đình như thế nào khi biết cha sẽ đi tu?
- Trước hết tôi nói với cha tôi, ông chấp nhận. Còn ngoài cả mong đợi, ông rất vui. Ông hỏi tôi có chắc về quyết định của tôi không. Rồi chính ông nói với mẹ tôi, là bà mẹ thương con, bà bắt đầu nghi. Phản ứng của bà hơi khác. “Mẹ không biết, nhưng mẹ không còn gặp con… Con chờ thêm một chút… Con là con cả… Con còn tiếp tục làm việc… Con còn phải học xong.” Sự thật là mẹ khó xử.
- Cha có lầm khi chọn người để báo tin đầu tiên không?
- Tôi biết cha tôi hiểu tôi hơn. Phải nói là bà nội tôi có lòng đạo rất mạnh, rất sâu và cha tôi thừa hưởng đức tin này, sức mạnh này. Nỗi đau sâu đậm của việc xa xứ tiếp tục làm phần còn lại. Vì thế khi nghe tôi đi tu, ông rất vui, còn mẹ tôi thì có cảm tưởng như mình mất con.
- Và sau đó thì như thế nào?
- Khi tôi vào chủng viện, mẹ tôi không muốn đi theo. Phải mất nhiều năm bà mới chấp nhận quyết định của tôi. Hai mẹ con không giận nhau, nhưng dù tôi về thăm nhà, mẹ tôi không bao giờ vào chủng viện thăm tôi. Cuối cùng khi mẹ chấp nhận, mẹ cũng giữ một vài khoảng cách. Ở nhà tập Córdoba, mẹ có đến thăm tôi. Mẹ giữ đạo, có đức tin nhưng mẹ nghĩ sự việc đi quá nhanh, đó là quyết định cần phải có một thời gian để suy nghĩ. Mẹ rất gắn bó, tôi còn nhớ hình ảnh mẹ quỳ trước mặt tôi xin tôi ban phép lành cho bà, nhân ngày lễ chịu chức của tôi.
- Có thể bà nghĩ cha không có ơn gọi… cha sẽ không kiên trì…
- Tôi không biết. Có điều tôi nhớ lại, khi tôi nói chuyện này với bà nội, bà đã biết nhưng giả bộ như chưa biết, bà nói với tôi: “Giỏi, nếu Chúa gọi con thì chúc lành cho con.” Sau đó bà nói thêm ngay: “Bà cầu nguyện cho con và con đừng quên là cánh cửa gia đình luôn luôn mở rộng chờ con và không ai trách con nếu vì bất cứ lý do gì con về lại nhà.” Phản ứng này, bây giờ người ta gọi là phản ứng thoa dịu, là phản ứng khi đứng trước một người đang bước một bước quan trọng, nó đã cho tôi một bài học ứng xử khi đối diện với một người đang có một quyết định tối hậu trong cuộc đời của họ.
- Dù sao, quyết định của cha cũng không hấp tấp, cha chờ bốn năm mới vào chủng viện.
- Phải nói là Chúa để tôi vài năm không ngơi nghỉ. Giống như cả nhà, tôi giữ đạo. Nhưng đầu óc tôi không hoàn toàn hướng về đời sống tôn giáo, tôi còn thích chính trị, dù môn này vượt quá khả năng trí tuệ của tôi. Tôi đọc Nuestra, Palabra, Propósitos, các tài liệu của Đảng Cộng sản, tôi mê mẫn các bài viết của nhà soạn kịch Leonidas Barletta trong lãnh vực văn hóa. Các bài đọc này góp phần đào tạo cho tôi về mặt chính trị, nhưng tôi chưa bao giờ theo cộng sản.
- Với chừng mực nào cha nghĩ đây là quyết định của cha và đâu là do Chúa chọn lựa.
- Ơn gọi tu trì là một ơn gọi Thiên Chúa dành cho một tâm hồn biết chờ đợi Người, dù đó là việc chờ đợi ý thức hay mới chỉ trong vô thức. Khi đọc kinh nhật tụng, tôi luôn được đánh động ở đoạn Phúc Âm trình thuật việc Đức Giêsu đã nhìn Mathêu, với cách thức có thể nói lên một cách nào đó như người “được tuyển chọn do lòng thương xót”. Đó chính là điều tôi cảm nghiệm về việc Thiên Chúa đã nhìn tôi như vậy khi tôi xưng tội. Và đó cũng là cách Chúa đòi hỏi tôi phải nhìn người khác như thế: với tấm lòng thương xót vô biên, coi như chính tôi chọn lựa họ thay cho Người, không loại trừ người nào cả, vì mọi người đều là kẻ được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn. “Được thương xót và được tuyển chọn” là câu đi theo suốt sứ vụ của tôi khi tôi được tấn phong Giám Mục, và đó là một trong những điểm then chốt trong đời sống tu trì của tôi: lòng thương xót, và việc chọn lựa những ai đó là để nhắm đến một sứ mệnh. Sứ mệnh ấy có thể tóm lược như sau: “Hỡi con, con là người được yêu mến vì chính con, con đã được tuyển chọn và điều duy nhất Ta chờ đợi ở con là, con hãy để cho Ta thương con.” Đó chính là vai trò tôi được Thiên Chúa trao phó cho tôi.
- Vì thế mà cha nói, Chúa luôn luôn làm “bước trước”?
- Đương nhiên. Khi đứng trước tiên tri Giêrêmia, Thiên Chúa đã tự nói về mình bằng những chữ sau: “Ta là cây gậy của cây hạnh đào.” Hoa hạnh đào là hoa đầu tiên nở vào mùa xuân. Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, và đó là tình thương.” Đối với tôi, mọi trải nghiệm thiêng liêng mà không có liều lượng kinh ngạc, sững sờ này, liều lượng kiên nhẫn giữ tâm hồn chúng ta trong tình thương và lòng thương xót, thì đều nguội lạnh; nó không làm cho chúng ta dấn thân trọn vẹn, nó chỉ là một kinh nghiệm xa vời không đưa chúng ta vào con đường siêu việt. Đồng ý rằng để sống một kinh nghiệm siêu việt như vậy ở thời buổi này là rất khó, do nhịp sống thay đổi quá nhanh chóng, quá chóng mặt, do không có một tầm nhìn lâu dài. Vì thế, trong kinh nghiệm thiêng liêng, chỗ nương tựa rất quan trọng. Tôi luôn luôn có cảm nhận sâu sắc về những gì nhà văn Ricardo Guiraldes nói trong quyển Don Segundo Sombra, về hình ảnh nước đi theo suốt cuộc đời của ông. Khi còn nhỏ, nước như dòng suối nhỏ chảy qua các khe đá; đến trung niên, nước là dòng sông hùng vỹ và đến khi già, nước là vùng cảng yên bình.
- Cha có gợi ý nào để tạo ra những nơi chốn nương tựa không?
- Các cuộc tĩnh tâm là những nơi chốn nương tựa có tổ chức quy củ, ở đó nhịp sống hàng ngày chậm lại để tập trung vào cầu nguyện. Nhưng nếu tĩnh tâm thiêng liêng mà chỉ để ngồi nghe các băng đĩa có dư âm tôn giáo, để khơi gợi và để có một câu trả lời thì không giúp được gì, nó không thoa dịu được tâm hồn. Cuộc gặp gỡ với Chúa phải được khơi dậy từ bên trong. Tôi phải mở lòng ra trước sự hiện diện của Chúa, được Lời Chúa dạy dỗ và tiến triển theo chiều hướng Chúa muốn. Trọng tâm của các cuộc tĩnh tâm là cầu nguyện, đó là một trong những điểm mà theo tôi cần phải can đảm tiếp cận.
- Không đi tĩnh tâm có phải chỉ là vấn đề thời gian hay do tín hữu không đặt nặng nhu cầu thiêng liêng?
- Họ không đặt nặng nhu cầu thiêng liêng cho đến ngày họ trượt võ chuối và té ngã. Một cơn bệnh, một cơn khủng hoảng, một nỗi tuyệt vọng, một dự án đầy hy vọng nhưng không hình thành…. Tôi còn nhớ một biến cố mà tôi là chúng nhân đã xảy ra ở một phi trường làm cho tôi rất buồn. Đó là lúc hành khách vừa hạng nhất vừa hạng thường đứng chờ lấy hành lý ở thảm quay. Đó là lúc mà mọi người bình đẵng với nhau, ai cũng chờ và thảm quay làm mọi người ngang nhau. Bỗng, một trong những hành khách, một ông giám đốc công xưởng ai cũng biết, khá lớn tuổi, bắt đầu sốt ruột vì hành lý của ông chưa ra. Ông bực tức và bĩu môi như muốn nói: “Quý vị phải biết tôi là ai! Tôi phải là người được phục vụ trước.” Điều làm tôi ngạc nhiên nhất, đó là một người lớn tuổi, có chức vị cao mà lại mất kiên nhẫn như thế.
- Thường thường những người trẻ là những người thiếu kiên nhẫn, tuy họ có cả một cuộc đời trước mặt họ.
- Vì tôi biết cuộc sống của ông này, tôi có cảm tưởng như ông muốn sống lại huyền thoại Faust, cứ muốn trẻ hoài, không có khả năng hưởng sự khôn ngoan của tuổi già, tôi cảm thấy buồn. Tôi buồn vì thấy người này có mọi sự, sống dư dả, muốn gì có đó mà lại dễ giận chỉ vì chưa lấy được hành lý. Xét cho cùng, đó là người vò vỏ một mình, là hình ảnh những người mà Chúa muốn cho họ có hạnh phúc trong Chúa và với Chúa, không bắt buộc cứ phải là cha xứ hay chị nữ tu, là người thu xếp trọn đời sống của mình chung quanh mình, không thể nào vui hưởng cuộc sống để rồi cuối đời kết thúc như rượu vang biến thành dấm chua. Tôi thường dùng hình ảnh rượu vang biến thành dấm chua để nói đến mức độ trưởng thành thiêng liêng và mức độ trưởng thành nhân bản, bởi vì hai mức độ này đi song song với nhau. Nếu ai vẫn còn ở giai đoạn tuổi vị thành niên về mặt phát triển nhân bản thì về mặt thiêng liêng họ cũng ở giai đoạn đó.
- Theo cha, làm sao có được trải nghiệm cầu nguyện?
- Theo tôi, trải nghiệm này phải giống như trải nghiệm của do dự, của buông bỏ, khi trọn con người của mình thấm nhập trong sự hiện diện của Chúa. Đó là lúc sẽ có đối thoại, lắng nghe, biến đổi. Nhìn vào Thiên Chúa nhưng nhất là phải để cho Thiên Chúa nhìn mình. Riêng phần tôi, trải nghiệm thiêng liêng cầu nguyện tôi có được khi tôi cầu nguyện cao giọng, khi lần chuỗi hay khi đọc Thánh Vịnh. Hay khi tôi dâng thánh lễ ca tụng Bí Tích Thánh Thể. Nhưng giây phút tôi sống trải nghiệm sâu đậm nhất là lúc chầu Mình Thánh Chúa, khi không bị thời gian giới hạn. Đôi khi tôi ngồi ngủ, cứ để Chúa ở với mình. Tôi có cảm tưởng như đang ở trong tay một người nào, như Chúa đang cầm tay tôi. Tôi nghĩ phải đến được sự chân tình siêu việt của Thiên Chúa, là Đấng toàn năng nhưng lúc nào cũng tôn trọng tự do của chúng ta.
- Làm sao cha hiểu được cuộc sống của cha và sứ vụ của cha trước mặt Chúa?
- Tôi không muốn nói dối, phải nói đúng, tôi là người có tội, tôi được ưu đãi là được lòng thương xót của Chúa thương. Từ khi còn nhỏ, cuộc sống đã đưa tôi nhận lãnh những chúc vụ mà tôi phải điều khiển – từ khi tôi chịu chức, tôi được đặc trách làm giáo tập, hai năm sau làm giám tỉnh – tôi phải vừa làm vừa học, đi từ những sai lầm của mình, tôi phải nói thật, tôi phạm rất nhiều lỗi lầm. Các sai lầm, các tội lỗi. Sẽ không đúng nếu bây giờ tôi nói: “Tôi xin tha thứ về những tội và những tấn công mà tôi có thể đã phạm.” Hôm nay, tôi xin tha thứ về những tội và những tấn công mà tôi đã thật sự phạm.
- Chuyện gì là chuyện cha trách cha nhiều nhất?
- Điều làm cho tôi khổ là tôi đã không thông cảm và không công minh. Trong kinh cầu nguyện buổi sáng, khi đến lời nguyện, tôi xin được thông cảm và công minh, sau đó tôi xin những chuyện có liên quan đến những yếu kém trên con đường phục vụ của tôi. Điều tôi muốn là có được lòng thương xót, lòng tốt tối hậu. Nhưng tôi nhấn mạnh, tôi luôn luôn được Chúa thương, được Chúa nâng đỡ sau mỗi lần té ngã trong suốt cuộc đời tôi; Chúa đã giúp tôi đi trọn con đường, nhất là những giai đoạn khó khăn nhất, và nhờ đó, tôi học hỏi được. Trong một vài hoàn cảnh, khi đối diện với vấn đề, tôi đã bị lầm, tôi hành xử không đúng, tôi phải đi trở lại và xin lỗi. Xét cho cùng, nó làm cho tôi tốt vì kinh nghiệm giúp cho tôi hiểu những sai lầm của người khác.
- Người ta có thể nghĩ một tín hữu khi lên chức hồng y, họ có những ý tưởng rất rõ rệt trong đầu.
- Sai. Tôi không có tất cả mọi câu trả lời và tôi cũng không có tất cả mọi câu hỏi. Lúc nào tôi cũng đặt ra những câu hỏi mới. Nhưng những câu trả lời thì phải lập trình theo từng hoàn cảnh và phải chờ. Tôi thú nhận, một cách chung chung, với tính khí của tôi, câu trả lời đầu tiên đến trong đầu tôi không phải là câu trả lời đúng. Đứng trước một trạng huống, giải pháp đầu tiên tôi nghĩ đến chưa bao giờ là giải pháp tốt. Thật tức cười, nhưng đó là những gì đã xảy ra. Tôi phải học để dè chứng các phản ứng đầu tiên của tôi. Một khi dịu xuống, sau khi đi qua hố thẳm của cô đơn, tôi mới đến gần được những gì cần phải làm. Nhưng không ai tránh được trạng thái cô đơn khi phải quyết định. Bạn có thể cần đến một lời khuyên nhưng chính bạn là người phải quyết định. Người ta có thể làm rất nhiều chuyện sai với những quyết định của mình. Người ta có thể rất bất công. Vì thế, điều quan trọng là phải đặt mình trong bàn tay Chúa.