Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tôi Tin Vào Người

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: 

Tôi Tin Vào Người 

Đàm thoại với Jorge Bergoglio 
 
Nguyễn Tùng Lâm dịch

ToiTinVaoNguoi


Chương 5

Giáo dục khởi đầu từ xung đột

Cha Bergoglio là giáo sư trường trung học Đức Mẹ Vô Nhiễm của thành phố Santa Fe, thuộc dòng Tên và sau này cha dạy ở trường trung học El Salvador ở Buenos Aires. Trường đầu tiên là một trường đặc biệt rất có tiếng tăm: nhiều gia đình truyền thống không những ở Santa Fe mà còn ở các tỉnh bang khác, các xứ gần đó cũng gởi con đến học. Cha Jorge Bergoglio nhớ lại như sau:

“Trước khi vào chủng viện, tôi học phân khoa hóa học và nghĩ họ sẽ giao cho mình dạy một môn nào đó thuộc lãnh vực khoa học, nhưng không, họ nhờ tôi dạy khoa tâm lý và văn chương. Tôi có học qua môn tâm lý khi học triết nên cũng dễ, nhưng còn văn chương, dù tôi rất thích, nhưng tôi cần phải chuẩn bị trước, thế là suốt mùa hè, tôi phải soạn bài.”

Cha nhớ là đã dạy các tiết “uyển chuyển nhất có thể”: tôi chọn một tác giả và một thời kỳ, nhưng nếu có học sinh nào thích một tác giả khác cùng thời kỳ hoặc ở một thời kỳ khác, tôi cũng để em làm. Chẳng hạn tôi đang dạy Le Cid và có một học sinh thích bài thơ của Machado lấy ý từ tác phẩm trên, tôi cũng thuận cho em đó “bắt đầu” bằng Machado. Các em trẻ thích tìm những đoạn thơ cực mạnh của Machado và thách nhau xem ai tìm câu thơ nào mạnh nhất. Tôi để chúng làm.”

Bốn mươi năm sau, Jorge Milia, một trong những học sinh của cha Jorge Bergoglio đã viết về cách dạy của cha trong quyển hồi ký của anh, nhan đề Từ tuổi hạnh phúc (De l’âge heureux). “Chúng tôi bắt đầu với quyển Le Cid, giống như thử chúng tôi đối diện với các cối xay lúa bằng gió của Don Quichotte. May thay, nổi sợ của chúng tôi không đúng. Lợi điểm với cha Bergoglio là cha rất cởi mở, ai muốn khám phá ngôn ngữ Tây Ban Nha phong phú thì họ cứ khám phá, cha để họ làm, không nói trại, cũng không cần điều kiện tiên quyết nào.”

Bergoglio nói thêm, để kích động học sinh, cha kêu họ viết truyện ngắn, một ngày nọ, trong một buổi du ngoạn ở Buenos Aires, cha đem học sinh đến gặp văn hào Jorge Luis Borges. “Ông rất thích các truyện ngắn này, đến độ ông khuyến khích tôi xuất bản, ông hứa sẽ viết lời tựa. Và thế là các truyện ngắn được xuất bản với tựa đề Các Truyện Ngắn Độc Đáo.” Jorge Milia có viết một truyện ngắn, anh xúc động nhớ lại kinh nghiệm này và một kinh nghiệm khác, khi Bergoglio mời văn hào Borges đến giảng một tiết văn học ở Santa Fe, cha cũng đã làm như vậy với các văn sĩ khác.

Bergoglio, giáo sư mới của các học sinh “không có vẻ gì giống một người ở trong quân đội, nhưng ở cha toát ra một người có cá tính. Vui vẻ, trẻ trung, cha có biệt danh là Tronche (Súc gỗ), nhưng đó chỉ là vẽ bên ngoài; bên trong, cha là một người làm việc có phương pháp, bền chí, “tổng tư lệnh” của Chúa Kitô trong dòng Tên, cha hứa hẹn đào tạo chúng tôi thành những người tốt.” Milia kể như sau: “Ngoài trách vụ của cha đảm đương, tôi luôn luôn tìm ở cha một người bạn, một người thầy, một linh mục, một người công tâm trong bổn phận, trong sứ vụ, chứng nhân của đức tin, một người có óc hài hước sâu đậm.”

Cha viết trong lời tựa quyển sách của Milia: “Tôi rất thương các học sinh, các em không bao giờ tỏ ra dửng dưng. Tôi muốn cám ơn các em về tất cả những việc tốt lành các em làm cho tôi, đặc biệt khi các em buộc tôi phải đối xử với các em trong cương vị của một người anh nhiều hơn là người cha.”

Sau khi kể các kỷ niệm và giai thoại về kinh nghiệm làm giáo sư, chúng tôi đi vào trọng tâm chủ đề mà chúng tôi muốn nói chuyện trong buổi gặp gỡ hôm nay, đó là giáo dục.

- Làm sao nhà trường có thể tìm được điểm quân bằng giữa bám rễ trong quá khứ, một gốc rễ cần thiết, một nền tảng có tính quy chiếu và một nhu cầu giáo dục trong một hoàn cảnh khác để hình dung ra một tương lai mà học sinh hội nhập vào đó?

- Tôi xin đề cập đến vấn đề học sinh trước, sau đó sẽ nói đến trường học. Tôi có thói quen cho rằng, giáo dục, cần để ý đến hai thực tế: vùng an toàn và vùng rủi ro mạo hiểm. Người ta không thể nói đến giáo dục chỉ duy nhất trong vùng an toàn hay chỉ xây dựng duy nhất trong vùng rủi ro mạo hiểm. Phải có một tỷ lệ, tôi không nói đến một quân bằng, tôi nói đến một tỷ lệ. Giáo dục là dự kiến một sự mất thăng bằng. Công việc chỉ bắt đầu tiến hành tốt ngày nào bạn cảm thấy thiếu cái gì; nếu bạn không thấy thiếu cái gì thì công việc chưa chạy.

- Vậy thì trong ngành giáo dục, đâu là một sự mất quân bình lành mạnh?

- Cần phải đi một chân trên vùng an toàn, có nghĩa là cái gì đã được thụ đắc, đã được thấm nhập vào học sinh, nơi mà học sinh cảm thấy tốt và an toàn. Còn chân kia thì dò dẫm vùng mạo hiểm, vùng này phải tỷ lệ với khuôn khổ vùng an toàn, theo đặc tính của đương sự và môi trường xã hội của họ. Dần dần, vùng mạo hiểm sẽ biến đổi vào khuôn khổ an toàn, và cứ thế mà tiến bước. Nhưng, không rủi ro mạo hiểm thì không đi tới, mà hoàn toàn đi trên con đường rủi ro thì cũng không được.

- Như thế có liên hệ gì đến cái mà cha gọi là “văn hóa đắm tàu” không?

- Đúng một phần, vì khi đắm tàu, con người phải đối diện với sống còn nên họ có nhiều khả năng tưởng tượng. Hoặc bạn chờ người đến cứu, hoặc bạn tự tìm cách cứu mình. Trên hoang đảo, để bắt đầu làm một cái lều, bạn phải dùng vừa vật liệu của con tàu bị đắm vừa vật liệu mới tìm thấy trên hoang đảo. Thử thách là phải dùng vật liệu cũ dù nó không còn tốt và dùng vật liệu mới để cho một tương lai về sau.

- Cha có thể cho chúng con một kinh nghiệm cụ thể?

- Cha biết có một trường ở Hambourg, Đức, đã có kinh nghiệm giáo dục dựa trên sự tự do ngẫu phát, không có chuẩn mức cố định, không quan tâm đến khuôn khổ an toàn, và họ đã thất bại. Khuôn khổ an toàn này cũng phải có trong gia đình.

- Có người cho rằng ngày nay, trẻ em chấp nhận một cách khó khăn vai trò giáo dục của người lớn vì chúng thấy không có gì chắc chắn. Chúng không chấp nhận uy quyền vì người có uy quyền trao truyền một tín sứ thì họ lại nghi ngờ tất cả, chính họ là thành phần của một xã hội khích động sự nghi ngờ liên tục. Phải nhìn ở đâu để có một vài xác quyết và trao truyền một cảm nhận an toàn?

- Phải khởi đầu bằng những xác quyết lớn của cuộc sống. Chẳng hạn, làm điều tốt, tránh điều xấu, đó là tiền đề căn bản nhất của thứ trật đạo đức. Cũng có những xác quyết văn hóa và những xác quyết để sống tập thể. Nhưng phải quay về với những xác quyết lớn của cuộc sống, để những xác quyết này thấm vào da thịt, và từ đó tiến từng bước một.

- Ảnh hưởng nào có thể có của chứng nhân trong bối cảnh này?

- Ảnh hưởng của chứng nhân rất quan trọng. Một xác quyết không phải chỉ là một lời khuyên, một niềm tin tri thức, một câu văn. Chứng tá cũng vậy, nó phải gắn bó giữa những gì mình nghĩ, mình cảm nhận và mình làm. Căn bản là nghĩ theo những gì mình cảm nhận, mình làm; cảm nhận theo những gì mình nghĩ, mình làm; và làm theo những gì mình nghĩ, mình cảm nhận. Phải dùng ngôn ngữ của cái đầu, của quả tim và của bàn tay.

- Cha có thể cho chúng con một ví dụ?

- Có những người có thể bị giới hạn vì trình độ văn hóa của họ, theo nghĩa của hiểu biết, nhưng họ đã tuân theo ba hoặc bốn xác quyết riêng của họ, tôi muốn nói họ dùng một cách chặt chẽ, chứng tá, và từ đó, họ giáo dục con cái rất tốt. Tôi nhớ trường hợp của các phụ nữ nước Paraguay, vào cuối thế kỷ 19, nước này ở trong một tình trạng tế nhị: buông tay và chấp nhận thất bại, hay có thể nói “Nước chúng tôi thất trận, nhưng nước chúng tôi không biến mất trong dòng lịch sử.” Vì chỉ còn một người đàn ông cho tám phụ nữ, với một xác quyết lịch sử như vậy, các phụ nữ này đã tiếp tục giáo dục con cái để lưu truyền đức tin, văn hóa và ngôn ngữ.

- Trường học sẽ phải nhận diện được các giá trị cố định và phân biệt chúng với những giá trị riêng của từng văn hóa hay một vài thói quen có tính cách xã hội. Nhận diện và không trộn lẫn để tránh bám vào chuyện phụ, rồi với thời gian bị thế bằng những chuyện khác, mà mất đi các giá trị đầu tiên.

- Đúng vậy. Bây giờ mà nói theo ngôn ngữ của thời Cervantès thì sẽ bị cười, nhưng các giá trị của Tây Ban Nha nằm trong tác phẩm đó vẫn còn duy trì. Chẳng hạn, ở Á Căn Đình, các giá trị này được biển đổi qua các tác phẩm của Martin Fierro hay của Don Segundo Sombra. Có nghĩa là cũng cùng giá trị nhưng diễn tả theo một cách khác. Trong mọi thay đổi của thời kỳ, chúng ta có thể dùng hình ảnh của việc đắm tàu, có những cái không còn dùng được nữa, có những yếu tố tạm thời và có những giá trị phải diễn tả theo một cách khác. Và cũng phải chấp nhận, có một vài cách làm trở thành không dung thứ được, rõ ràng là ghê tởm. Cứ nghĩ đến sự đột phá văn hóa rất lớn đã dẫn nhân loại đến việc bải bỏ nạn nô lệ. Cho đến thời buổi đó, người ta vẫn nghĩ việc mua bán nô lệ là chuyện bình thường.

- Đến lúc phải chọn một mô hình giáo dục mà cha mẹ muốn cho con cái mình, cha có nghĩ thực sự cha mẹ chọn trường tôn giáo vì muốn con cái mình có một giáo dục dựa trên các giá trị đích thực không? Các trường ngày nay có xứng với tầm cao của thời đại không?

- Nói một cách tổng quát, các cha mẹ thường chọn lựa theo suy nghĩ: “Trường này cung cấp cho con cái mình những dụng cụ tốt nhất”, chẳng hạn về vi tính, về ngôn ngữ mà không suy nghĩ nhiều về các giá trị. Có một vài trường còn đăët nặng vấn đề này để làm cổ động và loại bỏ việc đào tạo một giá trị thiêng liêng, nhưng chính đó lại là giá trị trọng yếu. Chắc chắn các trường tôn giáo nói chung và công giáo nói riêng đều không tránh được nguy cơ này.

- Nói đến các giá trị thì khó mà không nhắc đến hình ảnh của vị thầy làm gương, vị thầy biết ấn định các giới hạn, biết diễn giải những gì học sinh nói và biết tạo một quan hệ nhân bản với từng em.

- Tôi nghĩ giáo dục đã trở nên quá chuyên nghiệp. Điều cần thiết là phải theo sát thời đại và chuyên nghiệp là một điều lành mạnh nhưng cũng không nên quên là phải theo dõi, gặp gỡ, nghĩ đến học sinh dưới tất cả mọi khía cạnh.

- Cha có thể cho chúng con một ví dụ cụ thể về những gì cha đã trải qua không?

- Được, cha nhớ lại hồi đầu những năm 90, lúc cha làm giám mục phó ở Flores, có một nữ sinh trẻ ở trường Villa Soldati đang học lớp đệ thất hay đệ lục, cô mang thai. Đây là một trong những trường hợp đầu tiên của trường này. Có nhiều phương cách để xử lý trạng huống, kể cả việc trục xuất ra khỏi trường nhưng không ai chú ý đến tâm trạng của cô gái. Cô sợ phản ứng của người khác và không muốn ai đến gần. Cho đến một ngày, có một nam giáo sư trẻ, ông đã lập gia đình và cha của nhiều đứa bé, một người tôi rất quý mến, ông đề nghị đến gặp cô gái để tìm giải pháp. Giờ ra chơi ông đến gặp, hôn cô, cầm tay cô và dịu dàng nói: “Em sắp làm mẹ?” và cô gái bật khóc. Gần gũi thân tình đã giúp cô mở lòng và để chúng ta hiểu chuyện gì đã xảy ra với cô. Điều này đã giúp chúng tôi tìm ra một giải pháp có đắn đo và trách nhiệm, tránh cho cô phải bỏ học và phải ở một mình với đứa con. Và cũng để tránh, vì đây cũng có thể là một nguy cơ, cho các bạn gái khác xem cô như người anh hùng vì cô dám mang thai.

- Tìm được giải pháp là do tiếp xúc tìm hiểu chứ không phải ruồng bỏ phải không?

- Đúng vậy. Cử chỉ của vị giáo sư, đến gặp cô gái là một cử chỉ của chứng tá. Ông có thể có rủi ro sẽ nghe cô trả lời: “Vậy thì ông có thể làm gì?” May thay, ông có một tấm lòng nhân bản rất lớn và một hành vi đầy tình yêu thương. Khi giáo dục chỉ dựa trên nguyên tắc lý thuyết, quên đi điều quan trọng là người trước mặt, thì dễ rơi vào con đường trào lưu chính thống, mà con đường này không hiệu lực với giới trẻ. Vì giới trẻ chỉ đồng hóa việc giảng dạy với chứng tá của cuộc sống và của sự tiếp xúc gần gũi. Nguy cơ là, khi chúng gặp khủng hoảng, chúng có thể nổ tung.

- Cha có một công thức nào để tránh rơi vào sự nghiêm nhặt lạnh lùng xa cách và cũng để tránh kiểu được lòng, tỏ ra tình cảm, nhân nhượng với một loại luân lý kiểu tương đối không?

- Công thức thì tôi không có một công thức nào. Nhưng những gì tôi sắp kể có thể áp dụng. Tôi thường có thói quen xin các linh mục đừng quá nghiêm nhặt, cũng đừng quá khoan hòa khi họ giải tội. Người nghiêm nhặt sẽ là người đơn thuần áp dụng tiêu chuẩn: “Luật là luật.” Người khoan hòa để luật qua một bên: “Dù sao thì cũng giống nhau, cuộc sống là như vậy, sẽ tiếp tục đi như vậy.” Vấn đề là không có ai trong hai người này sẽ săn sóc người đối diện, họ muốn dẹp vấn đề qua một bên. Và các linh mục hỏi tôi:“Vậy chúng con phải làm như thế nào thưa cha?” Tôi trả lời họ: “Các con hãy có lòng thương xót.”

- Tình trạng các trường học ở Á Căn Đình hiện nay có thỏa đáng không?

- Chắc chắn là không. Lương giáo sư thấp, họ không thể sống nhờ vào đồng lương. Ngoài ra, lớp học quá đông, giáo sư không có cách nào theo sát từng em. Nhưng vấn đề không phải mới xảy ra bây giờ. Mặt khác, hợp đồng giáo dục bị đứt. Bây giờ, cha mẹ, học sinh, thầy giáo, ban ngành, Quốc gia, các nhà dòng không đi cùng một hướng như đáng lẽ phải đi, và ai sẽ là người nhận hậu quả? Học sinh. Phải có một hành động đồng nhịp.

- Người ta cho rằng có đến 68% lỗi lầm của các thầy giáo là ở thứ trật tâm lý. Công việc của các cô thầy quá nhiều, cha mẹ không đảm trách phần trách nhiệm của họ, họ đùn cho nhà trường.

- Đúng vậy. Gần đây, tôi nghe các thành viên phụ trách giáo dục ở giáo phận kể rằng, các học sinh tìm mọi cách để được nói chuyện với cô thầy. Các em cảm thấy mất định hướng vì không nói chuyện đủ ở nhà. Quan trọng là phải để cho các em nói; chúng cần có người lắng nghe, dù đôi khi chúng ta cho rằng chúng kể chuyện tào lao. Trẻ con luôn luôn muốn có một cái gì đó để tạo bản sắc, để làm khác người, bởi vì xét cho cùng, đó là điều trẻ con đi tìm: cần được nhận biết trong sự cá biệt của mình, cần được nghe, “Con là như vậy.” Tôi quan tâm nhiều đến lứa tuổi ưa đặt những câu hỏi “tại sao”, khi đứa bé thức tỉnh trước một thế giới mới, khi nó cảm thấy chưa tin chắc ở mình. Ở giai đoạn này, tập tành rất quan trọng, không những về mặt kiến thức mà còn về mặt nhận biết mình đang ở đâu trong một thế giới mình chưa thấy ổn định. Tuổi này trẻ con chưa cần câu trả lời giải thích rành rẽ, chúng cần ánh nhìn của người cha, người mẹ làm cho chúng được an lòng; cần nói để người khác nhìn mình, người khác nhận ra mình. Đó là thái độ sẽ kéo dài mãi mãi trong tương lai.

- Hơn nữa, các cô thầy thường cảm thấy mình không được cha mẹ hỗ trợ, họ không thích con cái mình bị la…

- Vào thời buổi của tôi, tôi không muốn nói là tốt hơn hay xấu hơn, nhưng khi trẻ con đi về nhà với lời phê xấu thì chúng biết mình sẽ bị gọi ra nói chuyện. Bây giờ nhiều cha mẹ xem vấn đề là ở tại cô thầy và họ đến gặp cô thầy để bảo vệ con cái mình. Dĩ nhiên phản ứng như vậy uy quyền của co thầy sẽ bị giảm, trẻ con không còn tôn trọng cô thầy. Khi giảm uy quyền là giảm khoảng không gian để phát triển. Chữ uy quyền (autorité) có nguồn gốc từ chữ augere, có nghĩa là tăng trưởng. Có uy quyền, không phải để áp bức. Áp bức là một dạng thoái hóa của uy quyền, dùng uy quyền đúng là tạo một khoảng không gian để trẻ con có thể phát triển.

- Chữ uy quyền dùng ở đây có thể đã mất uy lực…

- Chắc chắn. Nó trở thành đồng nghĩa với “chính tôi là người điều khiển ở đây.” Cũng buồn cười, khi người cha hay người thầy bắt đầu nói: “tôi là người điều khiển ở đây”  hoặc “ở đây tôi là chủ” thì lúc đó họ mất uy quyền. Vì thế phải củng cố uy quyền bằng cách dùng lời. Rao rằng mình có “chìa khóa” thì có nghĩa là mình không có. Và có “chìa khóa” không có nghĩa là để điều khiển, để áp đặt nhưng để phục vụ.