Đức Giáo Hoàng Phanxicô:Tôi Tin Vào NgườiĐàm thoại với Jorge Bergoglio
Nguyễn Tùng Lâm dịch
|
Chương 6
Hồi đó tôi chơi trò Tarzan
Vào thời buổi đó, cha Jorge Bergoglio còn là giám mục phụ tá ở địa phận Buenos Aires. Một ngày nọ, sau khi xong việc, cha nhìn đồng hồ, các nữ tu ở một dòng thuộc giáo phận Buenos Aires đang chờ cha đến giảng tỉnh tâm, cha chỉ còn đúng thì giờ để ra ga xe lửa. Nhưng cha cũng vòng lại nhà thờ vì cha có thói quen vào chầu Thánh Thể, dù chỉ vài phút, để cầu nguyện trước khi đi công việc khác.
Vào nhà thờ, cha nhẹ nhõm đôi chút vì bầu khí thinh lặng và mát mẻ ở đây, khác với cái nóng hầm hập của buổi chiều hè ở bên ngoài. Khi cha đi ra thì có một thanh niên trẻ có vẻ như không được khỏe mạnh đến gần xin xưng tội. Cha phải cố gắng giữ để khỏi tỏ ra bực mình vì sắp trễ giờ ra ga mà phải ở lại để giải tội.
Cha nhớ lại, “người thanh niên khoảng 28, 29 tuổi, nói năng giống như đang say rượu, nhưng tôi nhận ra ngay, có thể anh đang bị ảnh hưởng của thuốc trị tâm thần, còn tôi, người đang làm sứ vụ của một chứng nhân cho Phúc Âm, tôi nói với anh: “Một cha khác sẽ đến và giải tội cho anh. Tôi đang trễ giờ.” Tôi biết là vị linh mục đó sẽ không đến trước bốn giờ, nhưng tôi tự nhủ, vì anh đang dưới ảnh hưởng của thuốc, anh cũng sẽ không biết đâu, và tôi ra đi, lòng nhẹ nhõm. Nhưng sau đó, tôi cảm thấy xấu hỗ khủng khiếp, tôi quay trở lại và nói với anh: “Cha đó sẽ đến trễ, cha sẽ giải tội cho con.”
Bergoglio nhớ lại, sau khi đã giải tội cho anh, cha đưa anh đến trước tượng Đức Mẹ để xin Đức Mẹ gìn giữ anh và lúc đó cha nghĩ xe lửa đã đi rồi. “Khi đến nhà ga, tôi được tin xe lửa đến trễ và tôi kịp giờ đi như chuyến dự trù. Trên chuyến về, tôi không về nhà ngay mà đi thẳng đến cha giải tội của tôi, câu chuyện này đè nặng trên lương tâm tôi. Tôi nghĩ, nếu tôi không xưng tội thì ngày mai tôi không thể dâng lễ. Xét cho cùng, đó là một tình huống không có giới hạn giữa hiệu năng và hiệu quả.”
Cha tỏ ra nghiêm khắc với chính mình. “Vào thời buổi đó, tôi chơi trò Tarzan.” Cha giải thích “lúc đó là mùa hè, hồng y Antonio Quarracino đi nghỉ hè, ở địa vị hồng y phó, tôi được chỉ định để lo giáo phận. Buổi sáng tôi lo các vấn đề của giáo phận, hai giờ chiều, tôi ra nhà ga Once, đi xe lửa đến Castelar giảng linh thao cho các nữ tu. Tôi có thái độ tự đủ rất mạnh, nói như vậy có nghĩa là tôi đang phạm tội. Nhưng tôi không ý thức. Ít nhiều tôi tự nhủ như sau: ‘Tôi thật tốt, tôi thật cao cả, biết bao nhiêu việc tôi có thể làm!’ Thái độ của tôi gần như kiêu ngạo.”
Bergoglio kể cho chúng tôi nghe giai đoạn này trong một buổi gặp gỡ khác, khi chúng tôi vừa lặp lại một công thức mà cha nhiều lần nói trước mặt chúng tôi: “Tạo con đường mình đi là con đường kiên nhẫn.” Cha muốn nói gì qua khái niệm này? Cha không để chúng tôi có thì giờ trình bày câu hỏi cho đến cùng, cha trả lời rất nhanh và rất mạnh làm cho chúng tôi hiểu, chúng tôi đã chạm vào một điểm cực kỳ quan trọng đối với cha ngoài ý muốn của chúng tôi.
“Đó là chủ đề tôi đã suy nghĩ rất lâu, từ khi tôi đọc một tác phẩm tiếng Ý có tựa đề rất gợi hình: Teologia del fallimento, có nghĩa là Thần học của thất bại, trong đó, tác giả nói về lòng kiên nhẫn của Chúa Giêsu. Chính qua kinh nghiệm với giới hạn, qua đối thoại với giới hạn mà lòng kiên nhẫn được trau dồi. Đôi khi cuộc sống kéo chúng ta, không phải để không hành động mà để chịu đựng, đảm nhận, vượt lên các giới hạn của chính mình và của người khác. Tạo con đường mình đi là con đường kiên nhẫn, là phải hiểu, cái làm cho chín muồi đó là thời gian. Tạo con đường mình đi là con đường kiên nhẫn, đó là để thời gian cắm mốc và nhào nặn cuộc sống của chúng ta.”
Chúng tôi không thể tránh liên tưởng đến thực tế của nước Á Căn Đình nên đã hỏi cha, cha có đồng ý, trong một vài trường hợp, người Á Căn Đình gần như không kiên nhẫn. Thay vì kiên nhẫn xây dựng tương lai, họ muốn có kết quả ngay lập tức, tìm đường đi tắt, con đường ngắn nhất… “Nói cho cùng, đó là biện chứng giữa con đường rộng và con đường hẹp. Chúng tôi thích đi đường tắt, nhưng đó không phải là đặc nét riêng của người Á Căn Đình. Con đường tắt thì như cái bẫy đạo đức: tránh đường rộng, đi đường hẹp. Nó cũng áp dụng vào trong những việc rất nhỏ của cuộc sống khi chúng ta không muốn làm một cố gắng nhỏ nào.”
- Cha nghĩ kiên nhẫn cũng đòi hỏi phải thực tập?
- Đòi hỏi chứ, tạo con đường mình đi là con đường kiên nhẫn, là phải chấp nhận cuộc sống là một tập luyện liên tục. Khi còn trẻ, người ta nghĩ mình có thể thay đổi thế giới, và đó là điều tốt, và phải như thế, nhưng khi lớn tuổi, người ta đi tìm và khám phá ra cái hợp lý của sự kiên nhẫn nằm ở chính đời sống của mình và đời sống của người khác. Tạo con đường mình đi là con đường kiên nhẫn, là để thời gian làm việc, là để người khác sống cuộc sống của họ. Một người cha tốt, người mẹ tốt là người can thiệp vào đời sống của con cái, mang đến cho chúng các luật lệ trong cách ứng xử, là giúp đỡ chúng nhưng sau đó phải biết đi trở lui làm khán giả nhìn các thất bại của chúng, trên bình diện cá nhân hay không cá nhân, để tự chúng vượt lên các khó khăn này.
- Dụ ngôn người con hoang đàng là một ví dụ?
- Dụ ngôn này lôi cuốn tôi rất nhiều. Người con đòi phần gia tài. Người cha cho và người con ra đi, sau khi tiêu tán tài sản, người con trở về. Phúc Âm nói người cha thấy con từ đàng xa. Kiểu người cha nhìn qua cửa sổ để chờ người con về, có nghĩa là ông đã kiên nhẫn chờ rất lâu rồi.
“Điều này làm tôi nhớ lại tuổi thơ ấu của tôi, khi tôi chơi diều ở sân gần nhà. Có lúc nó quay như chong chóng và muốn rơi. Để tránh tình trạng này, đừng kéo sợi dây, phải buông ra vì nó xoắn. Có thể so sánh hai cảnh này, giữ thăng bằng diều trên không và thái độ phải có trong sự tiến triển của con người: đến một lúc phải nới lỏng để tránh bị xoáy. Phải để thời gian làm việc của nó. Phải biết đặt các giới hạn vào đúng lúc. Nhưng cũng có nhiều trường hợp, phải biết làm ngơ như người cha trong dụ ngôn, để người con ra đi, tiêu tán tài sản, để nó tự học bài học trải nghiệm của nó.
- Và cả chúng ta nữa?
- Cũng vậy. Chúng ta cũng phải đi qua con đường kiên nhẫn. Nhất là đứng trước thất bại và tội, khi chúng ta hiểu rằng chính những giới hạn của chúng ta làm chúng ta gãy đổ, khi chúng ta bất công và hèn mạt. Chiều hôm đó, trong nhà thờ, tôi đã không đi theo con đường kiên nhẫn của tôi, vì tôi muốn đi cho kịp chuyến xe lửa, mà rồi tôi lại đi chính chuyến đó vì xe đến trễ. Đó là dấu hiệu Chúa nói với tôi: ‘Con thấy đó, mọi chuyện đều có sắp xếp.’ Bao nhiêu lần trong cuộc sống, chúng ta đã cần phải chậm lại, đã muốn mọi sự phải được sắp xếp ngay! Tạo con đường mình đi là con đường kiên nhẫn, là làm như vậy, là công nhận mình tự phụ khi muốn có giải pháp cho tất cả mọi chuyện. Điều này cần phải cố gắng nhưng cũng phải biết là mình không thể kiểm soát tất cả. Phải tương đối hóa huyền nhiệm của hiệu năng.
- Đứng trước đau đớn, lòng kiên nhẫn là một hỗ trợ?
- Hơn bao giờ hết. Chúng ta biết cuộc sống sẽ không có nếu không có đau đớn. Không phải chỉ có người đàn bà mới chịu đau khi sinh con, nhưng tất cả mọi người, trong những gì thật sự đáng gọi là khổ công, là tiếp tay cho sự tiến hóa đều phải trải qua các giai đoạn đau đớn. Sự đau khổ thông dự vào sự sinh sản. Nhưng cẩn thận, đây không phải là thái độ chuộng khổ (macho) nhưng là chấp nhận cuộc sống cho chúng ta thấy những giới hạn của chúng.
- Kitô hữu cũng như tín hữu các tôn giáo khác phải là những người đầu tiên thực hành kiên nhẫn, vì họ bỏ ý riêng để theo ý Chúa…
- Cẩn thận, lòng kiên nhẫn trong đạo kitô không có nghĩa là có thái độ lặng lờ và thụ động. Đó là lòng kiên nhẫn của thánh Phaolô, lòng kiên nhẫn gánh trọng trách trên vai. Đó là hình ảnh của Enée khi thành Troie bị hỏa hoạn, đã vác cha trên vai để leo lên núi, đi tìm một tương lai.
- Đó là thành ngữ cha hay lặp lại: “Để tổ quốc trên vai” phải không?
- Cha không biết, hình ảnh đó đến với cha như vậy.”