Nhận ra Thần khí hoạt động nơi mọi người
Thưa quý vị,
Ba mươi năm trước đây, tác giả J.B.Phillips, một linh mục Anh Giáo, chuyên viên dịch thuật Kinh Thánh, xuất bản một cuốn sách nhan đề: Your God Is Too Small (Thiên Chúa của bạn quá nhỏ bé). Cuốn sách làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng không gây phản ứng ồn ào. Cuốn khác cuả ông cũng nổi tiếng: The New Testament In Modern English ( Tân Ước bằng tiếng Anh hiện đại). Ông nói rằng tín hữu bây giờ không hiểu ngôn ngữ cũ, cần có ngôn ngữ mới cho các thế hệ trẻ. Cũng như quan niệm cũ về Thiên Chúa quá chật hẹp, cần phải mở rộng. Nói cách khác, Thiên Chúa chịu quá nhiều giới hạn do não trạng hẹp hòi của con người áp đặt. Thí dụ những tên gọi như: Ông cảnh sát khu vực, Cụ già vĩ đại, Ngài nhân từ hiền hậu, Giám đốc điều hành Giáo Hội… quá chật hẹp cho một Thiên Chúa bao la. Tác giả đề nghị tìm kliếm những phương hướng mới. Nhìn theo lịch sử chiến tranh tôn giáo, thập tự chinh, toà điều tra, phong trào cấp tiến, phe nhóm quá khích thì quả những tố cáo của tác giả Phillips có lý. Các bài đọc chúa nhật này cũng phê phán tư tưởng hẹp hòi như vậy.
Bài đọc thứ nhất từ sách Dân Số kể cho chúng ta câu chuyện 2 ông Eldad và Medad nói tiên tri bị ông Giôsuê ngăn cấm và tố cáo với ông Môsê. Nguyên do là ông Môsê quá mệt mỏi với công việc và lời kêu ca của dân Israel trong sa mạc, trên đường về đất hứa. Nên ông Môsê chọn 70 trợ lý, ban cho các ông thẩm quyền xét xử trong dân. Ong Môsê tập họp họ lại trong lều hội ngộ để thần khí Đức Chúa lan toả từ ông tới họ. Như vậy nhiều người được chia sẻ quyền bính lãnh đạo chứ không chỉ riêng Môsê. Giờ hội họp, hai ông Eldad và Medad có chân trong nhóm 70 không đến lều mà ở lại chỗ mình, nhưng vẫn nhận được thần khí và nói tiên tri. Sách Dân Số kể: Bấy giờ có hai người ở lại trong trại, một người tên là Eldad, người kia tên là Medad, các ông đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng đã không đến lều. Thần khí đậu xuống trên 2 ông, và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại.” Người ta báo tin cho Giôsuê, ông này ghen tức không muốn chia sẻ thần khí với ai khác, nên phàn nàn với Môsê. Thay vì đồng ý với Giôsuê, Môsê trả lời: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban thần khí xuống trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ.” Môsê có tâm hồn rộng rãi hơn. Tuyên bố của ông chứng tỏ ông có niềm tin vào ý kiến của mình là chính đáng. Ngôn sứ là người nghe lời Thiên Chúa, nói lời Thiên Chúa và hành động theo lời Thiên Chúa chỉ dẫn. Môsê ước ao toàn dân trở thành ngôn sứ. Còn ý nghĩ nào tốt đẹp hơn?
Hai người trưởng lão không có mặt để lãnh nhận thần khí, vậy mà Ngài vẫn đổ ơn trên họ. Chúng ta nghĩ thế nào? Quan niệm của chúng ta về Thiên Chúa ra sao? Hẹp hòi như Giôsuê hay rộng rãi như Môsê. Phần đông chúng ta hẹp hòi giống Giôsuê, cứ nhìn vào phong cách hành xử của các hội đoàn giáo xứ hay của tu viện, mỗi cá nhân khắc biết. Người ta thiết lập đủ mọi thứ rào cản vật chất, tinh thần để cấm kỵ thiên hạ. Chỗ này dành riêng, chỗ kia không được vào. Trước giải phóng, các bãi biển hoàn toàn tự do. Bây giờ công ty hoá hết cả rồi. Tương tự các tôn giáo cũng vậy. Nhiều thanh niên thiếu nữ muốn dâng mình phục vụ Thiên Chúa, phục vụ tha nhân vô vị lợi thì bị các “điều kiện” ngăn cản. Kẻ khác khôn khéo hơn thì chẳng cần “tiêu chuẩn”, miễn sao “coi được” là xong. Cho nên nhiều tu viện trở nên tháo thứ. Xin nhớ lời tác giả Phillips: quan niệm của chúng ta về Thiên Chúa quá chật hẹp. Quan niệm về phe nhóm càng hẹp hòi hơn. Thực ra Sách Dân số nói Thiên Chúa đủ khả năng hoạt động ngoài “lều hội ngộ”. Ngài cũng có khả năng vượt khỏi các cái hộp chúng ta nhốt sự hiện diện hoặc hoạt động của Ngài. Xin đừng đóng khung Thiên Chúa kẻo mắc tội lớn với Ngài và nhân loại. Kinh thánh kể nhiều chứng cớ Thiên Chúa thổi hơi của Ngài trên các linh hồn, bất chấp hạn chế của loài người. Thần khí của Môsê thực ra thể hiện nhiều cách thức khác nhau suốt trong Cựu Ước. Tân Ước chúng ta gọi là Thánh Linh. Nào có ai hạn chế hay kìm hãm được đâu? Tạo sao bậy giờ chúng ta lại hẹp hòi? Xin nhớ lại, chính Thần Khí này trong lịch sử đã vực dậy bao tiếng nói can đảm bênh vực công lý và sự thật. Đấu tranh chống áp bức, bóc lột. Nói thay cho kẻ không có tiếng nói, lãnh đạo chiên lạc, tác nhân hoà bình, ngôn sứ rao giảng lời Thiên Chúa, thầy thuốc chữa lành chia rẽ hận thù.
Như vậy ông Môsê đã kinh nghiệm thần khí mà sau này Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: Gió muốn thổi đâu thì thổi. Ông nghe tiếng gió, nhưng không biết từ đâu tới, rồi lại đi đâu (Ga 3, 8). Môsê và Chúa Giêsu, cả hai cùng cảm nghiệm một Thiên Chúa cực kỳ vĩ đại và mênh mông, luôn thay đổi và linh hoạt, Thiên Chúa ấy thách thức những ai có quan niệm chật hẹp? Cả hai vị khích lệ tín hữu không nên khiếp sợ hay nghi nan về thần khí hoạt động trong gương mặt các tôi tớ Chúa. Trong Sáng Thế Ký và suốt bề dày của Kinh Thánh, Ruah(hơi thở) của Thiên Chúa sáng tạo sự sống. Cũng chính thần khí ấy nâng dậy những ai sa ngã và xây dựng lại những đổ vỡ. Thần khí ban sức mạnh cho các tôi tớ Thiên Chúa để họ hoạt động cho chân lý và tình thương. Bất chấp những chiếc “hộp” chúng ta dựng nên để hạn chế, gió muốn thổi đâu thì thổi. Chẳng “lều” nào hạn chế được Ngài hoặc những hoạt động của Ngài. Chúng ta hãy nghĩ đến Mahatma Gandhi, Martin Luther King, Jr Rosa Parks, Desmond Tu Tu và hàng ngàn người khác. Phải chăng họ hoạt động không có thần khí?
Giống như tình yêu, Thần khí không giảm bớt khi được chia sẻ, ngược lại càng phân tán càng lớn mạnh. Các “phong trào” canh tân cải cách càng lan rộng càng thu hút được nhiều linh hồn. Chỉ những công trình “ ma quỷ” mới tàn lụi dần. Hận thù rồi đây sẽ chấm dứt nhường chỗ cho tình thương. Hẳn quý vị được chứng kiến sự kiện này trong cuộc đổ vỡ của khối cộng sản. So với thế giới cũ, nhân loại ngày nay rộng lượng, bao dung, nhân ái hơn nhiều, mặc dầu vẫn còn phải vật lộn ác liệt với sự dữ. Cuối cùng Thần khí sẽ toàn thắng. Chúng ta không được phép yếm thế. Tiếng nói cuối cùng về số phận nhân loại thuộc Thiên Chúa, không phải thuộc địa ngục.
Bài đọc Tin Mừng tuy gồm nhiều đoạn ngắn gom lại, nhưng cũng có sợi chỉ xuyên suốt để gắn kết chúng với nhau. Nó đi song song với bài đọc Dân Số. Ông Gioan đã ghen tức khi có người không thuộc nhóm 12 nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ: “thưa thày, chúng con thấy có người nhân danh thày mà trừ quỷ, chúng con đã cố gắng ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Đức Giêsu cũng phản ứng giống như Môsê: “ Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về thày.” Câu nói sau cùng này của Chúa: “Quả thật, ai không chống lại chúng ta, là ủng hộ chúng ta.” là chìa khoá để hiểu toàn bộ bài Phúc Âm hôm nay. Tuần trước chúng ta được mô tả những kẻ theo Chúa làm môn đệ: là kẻ rốt hết và phục vụ mọi người. Tuần này những kẻ rốt hết đó là những linh hồn nhỏ bé, nhưng tấm lòng bao la, tiếp đón mọi người. “Ai không chống lại chúng ta, là ủng hộ chúng ta.” Chúng ta sẵn lòng đón nhận mọi người không kỳ thị, phân biệt cũ mới, màu da tiếng nói, giới tính, văn hoá, chủng tộc. Không coi những tân tòng là tín hữu hạng hai, như người ta xưa nay vẫn quan niệm. Chúa muốn chúng ta chỉ có một danh nghĩa: người môn đệ Ngài. Ngoài ra không có một sự phân biệt nào cả. Mọi người đều được trân trọng, không làm gương mù gương xấu cho ai, không dẫn đưa ai vào con đường tội lỗi. Nhiều linh hồn phàn nàn rằng: vì là lính mới, còn xa lạ với cộng đoàn cho nên không được đón tiếp. Họ sợ lui tới nhà thờ vì cảm thấy lẻ loi, các tín hữu kỳ cựu xem ra thân mật, chào đón nhau nồng hậu hơn. Khi còn phục vụ giáo xứ, tôi để ý một số người chẳng mấy khi đi lễ Chúa nhật, hỏi ra mới hay vì không có quần áo đẹp, con cái không được sạch sẽ trắng trẻo như con thiên hạ. Vài người khác không dám lui tới thánh đường vì mặc cảm bệnh hoạn hoặc dị dạng. Đúng ra đời sống người môn đệ Chúa phải là gương mẫu và hiếu khách, xây dựng đức tin, đức mến, chứ không phải gây nên gương mù.
Chúa Giêsu mong muốn chúng ta có cuộc sống như vậy, cho nên ngài dùng ngôn từ mạnh mẽ để kết án hành vi tội lỗi: “nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi, thà cụt một tay mà được vào cõi sống hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục… nếu mắt anh làm cớ cho anh phạm tội, thì hãy móc nó vất đi, thà chột mắt mà được vào nước Thiên Chúa, còn hơn có đủ hai mắt mà bị rơi vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.” Chúng ta có thể trả lời: thưa Chúa, chân con dẫn con đến chỗ tội lỗi, chứ có phải con đâu? Chúa trả lời, vậy thì chặt nó đi. Quan điểm của Chúa thật rõ ràng, chúng ta không thể chạy tội, như xưa nay nhiều tu sĩ vẫn thường “biện minh” cho các sai phạm của mình.
Một khía cạnh khác của tên gọi “bé mọn” là lòng phó thác trông cậy vào Thiên Chúa. Khi nói như vậy Chúa Giêsu không có ý nói các trẻ con hoặc tân tòng. Ngài ám chỉ hết mọi tín hữu trước mặt Thiên Chúa. Trong thần khí, chúng ta là những kẻ khó nghèo, hèn hạ, là những Cái bang cậy nhờ vào bàn tay hải hà của Thiên Chúa. Cho đến trọn kiếp chúng ta chỉ là các môn sinh, tập tễnh trên con đường theo Chúa, luôn luôn cần sự chỉ dẫn của Chúa Giêsu và cộng đoàn đức tin, ngõ hầu trung thành với Thiên Chúa. Lòng trung thành này, Chúa Giêsu đặt lên hàng ưu tiên số một đến nỗi không chi can thiệp vào được hoặc có thể cản trở quan hệ của bất cứ môn đệ nào với Ngài. Nếu có sự ngăn cản thì nhất thiết phải đạp đổ nó đi. Ngài dùng ngôn ngữ chặt chân tay, móc mắt vất đi để nhấn mạnh lòng gắn bó ấy. Thí dụ có những quan hệ, nghề nghiệp, hoàn cảnh, tài sản gây nhiễu tương quan của chúng ta với Ngài, thì tốt hơn cắt đứt những thứ đó. Thà chịu thiệt vật chất còn hơn mất mát tinh thần. Bởi vì những quan hệ đó không những cản trở tương giao với Ngài, mà còn gây nên mất sự sống. Liên kết với Ngài mang lại cho linh hồn sự sống vĩnh cửu, nên chẳng có chi được phép đứng cản đường ngãng lối.
Có lẽ khi nói những lời dạy bảo trên, Chúa Giêsu và các môn đệ đang đứng gần thung lũng đốt rác của thành phố Giêrusalem, gọi là Gehenna. Chỗ đó, dân thành phố đổ rác và đốt đi. Nó cháy âm ỉ suốt ngày đêm và xông lên mùi thối tha. Ngài nói thà chột mắt còn hơn bị ném vào hoả ngục. Phúc Âm dùng từ Gehenna là ở ý nghiã như vậy. Chúa nói với các thính giả hoặc là họ gắn bó với Ngài toàn thời gian, và là công dân nước trời để sống muôn đời, không thì cuộc đời họ vô giá trị, giống như rác rưởi thối tha của thành phố và bị ném vào Gehenna cho giòi bọ rúc rỉa, lửa thiêu đời đời. Viết đến đây tôi sực nhớ đến những đống thải của các hầm mỏ than West Virginia. Sau khi người ta đã đãi than lấy phần tốt, phần rác vất đi và chất thành từng đống lớn như trái núi. Những đống thải này chất đầy cả một thung lũng. Ai đó vô ý vất lửa vào hay sét đánh, những đống than bắt lửa, cháy âm ỉ và chẳng bao giờ tắt. Có thung lũng đã cháy tới 50 năm nay. Nhất là những đống than ở ngầm dưới đất. Chẳng làm thế nào dập tắt được. Những cột khói nhỏ bốc lên qua những kẽ nứt nẻ, đầy dãy khắp thung lũng, không khí bị ô nhiễm không làm sao đi qua được. Chúng là hình ảnh và biểu tuợng của hoả ngục tân tời. Người ta đã làm thoái hoá luân lý, tôn giáo, môi trường, nếp sống trên mặt hành tinh, biến nó thành một Gehenna khổng lồ, chẳng người nào chịu nổi. Sự cẩu thả và vô tâm của loài người biến cuộc sống này thành rác thải, chẳng còn giá trị gì, chỉ còn để ném vào Gehenna cho lửa đốt hoặc giòi bọ rúc rỉa. Các môn đệ không trung thành với ơn gọi, hiến thân cho vật chất, tiền tài, danh vọng, sắc dục thì cũng giống như vậy. Tai hại thay và cũng đáng buồn thay. Amen
Lm. Jude Siciliano, OP.