Công Giáo Khắp Nơi

Tại Nam Hàn, mục sư Lee Jong-rak khám phá ra một vấn đề đau lòng: hàng trăm trẻ sơ sinh không được ai muốn có đã bị bỏ rơi bên vỉa hè hàng năm. Do đó, ông đã nghĩ cách để thay đổi tình huống đó.

DuaTreSoSinhĐây không hẳn là truyện thần tiên gì, nó chỉ là truyện đơn giản của một người anh hùng xuất thân từ Hàn Quốc. Và ông trở thành người sáng tạo ra Chiếc Hộp Sơ Sinh. Đây là sáng kiến đầu tiên và duy nhất hiện nay tại Hàn Quốc, nhằm “thu lượm” các trẻ sơ sinh bị bỏ rơi hoặc vì khuyết tật thể lý hay tinh thần hoặc vì cả cha lẫn mẹ các em đều cùng không muốn có các em. 

Mục sư Jong-rak biết rằng đây là những trẻ sơ sinh quí giá. Ông làm một chiếc hộp đặt bên cạnh nhà với hàng chữ: “Xin đặt trẻ sơ sinh vào đây”. 

Câu truyện về ông và chiếc hộp này được cả thế giới biết đến nhờ Brian Ivie, một thanh niên 22 tuổi. Brian thực hiện một cuốn phim tài liệu dài 72 phút tựa là “The Drop Box” (Chiếc Hộp Để Vứt Vào). Bên trong chiếc hộp, có chiếc khăn dầy phủ đáy, có đèn và hơi ấm để giữ cho thai nhi thoải mái. Chiếc chuông sẽ reo lên mỗi khi có ai đó đặt một em bé vào trong hộp. Lúc đó, Jong-rak, vợ ông hay một nhân viên của nhà thờ sẽ lập tức di chuyển em bé vào bên trong. Mục đích của ông là cung cấp một phương thức cứu sống cho những người mẹ tuyệt vọng của thủ đô Hán Thành. Ông thực sự không mong nhận được các trẻ sơ sinh… nhưng các em đã tới với ông. Giữa đêm khuya, giữa ban ngày, có khi có lời nhắn gửi, có khi không, thậm chí có những bà mẹ nói chuyện thẳng với ông. Mục sư Jong-rak kể rằng có bà mẹ kia nói với ông: “bà có đủ thuốc độc sát hại cả bà lẫn đứa con sơ sinh”. Nhưng ông bảo: “Bà đừng làm thế. Bà hãy vào đây với đứa con”. Có bà mẹ đơn chiếc đã để lại lời nhắn xé lòng sau đây cùng với đứa con mới sinh:


Con sơ sinh của mẹ! Mẹ rất xin lỗi.
Mẹ xin lỗi đã quyết định như thế này.
Con trai của mẹ! Mẹ hy vọng con sẽ gặp được những cha mẹ tuyệt vời, còn mẹ, mẹ rất ân hận.
Mẹ không đáng được nói chi cả.
Xin lỗi, xin lỗi, mẹ yêu con trai của mẹ.
Mẹ yêu con hơn bất cứ điều gì.
Mẹ bỏ con ở đây vì mẹ không biết cha con là ai.
Mẹ thường nghĩ đến điều bất hạnh, nhưng mẹ đoán chiếc hộp này an toàn hơn cho con.
Nên mẹ quyết định bỏ con ở đây. Con trai của mẹ, xin con tha thứ cho mẹ
”.

Mục sư Jong-rak quả quyết: “Đúng thế, chiếc hộp nhỏ này quả là chỗ an toàn hơn các kế sách từng ám ảnh người mẹ đơn chiếc này. Nhờ chiếc hộp làm phương thức thay thế này, bà đã chọn sự sống. Chiếc hộp này, vì thế, chắc chắn sẽ là bước khởi đầu của một thừa tác vụ trước đó chưa ai nghĩ tới ở Nam Hàn, thừa tác vụ Chiếc Hộp Sơ Sinh”.

Cuốn phim tài liệu của Brian Ivie vừa thắng Giải Nhất Đại Hội Hồng Ân và Giải Nhất Thánh Thiêng Sự Sống của Đại Hội Điện Ảnh Độc Lập Kitô Giáo lần thứ 8 tổ chức tại San Antonio vào tháng 2 năm nay. Ivie được thúc đẩy nhờ đọc một bài báo của tờ Los Angeles Times nói về sứ vụ của mục sư Jong-rak và anh đã quyết định tới Nam Hàn để thực hiện cuốn phim tài liệu. 

Trong diễn văn nhận giải, Ivie cho rằng “những trẻ sơ sinh này không phải là sai lầm. Các em rất quan trọng… Tôi trở thành Kitô hữu nhờ thực hiện cuốn phim này. Khi khởi sự thực hiện nó và được chứng kiến các em nhỏ này xuất hiện qua chiếc hộp, tôi thấy như có một làn chớp… các em khuyết tật này có một thân xác co quắp thế nào, tôi cũng có một linh hồn co quắp như thế. Ấy thế mà Thiên Chúa vẫn thương yêu tôi. Đụng tới sự thánh thiêng của vấn đề sự sống, ta nên hiểu rằng niềm tin vào Thiên Chúa là nơi náu thân duy nhất đối với những con người bị coi là không cần thiết. Thế giới này quá dựa vào mình, quá coi trọng mình, quá qúi chuộng mình. Quá tự phụ quả là một ảo tưởng không hơn không kém. Chúa Kitô mới là điều duy nhất khiến chúng ta có khả năng”. 

Nam Hàn không phải là nơi duy nhất đương đầu với cảnh bỏ rơi trẻ em. Trên khắp thế giới, hàng triệu trẻ em chết vì bị bỏ rơi. Dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy theo mỗi nước. Các em đáng được sống giống như mọi con người nhân bản khác. Với những người tuyệt vời như mục sự Lee Jong-rak, thế giới này đang thấy ra rằng cuộc đời sẽ thay đổi ra sao đối với những trẻ sơ sinh này khi chúng ta đón tiếp các em vào nhà; khi chúng ta trở nên tiếng nói cho những người không thể tự nói gì được cho chính mình này.

Vũ Văn An
5/30/2013