Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.

Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện


PHẦN 2

Gồm những chỉ dẫn về nguyện ngắm và các Bí Tích, để giúp linh hồn lên cùng Chúa.

 CHƯƠNG 19

XƯNG TỘI

Chúa Cứu Thế đã để lại cho Hội Thánh Bí Tích thống hối và giải tội, để ta rửa mình sạch mọi tội lụy, khi ta bị hoen ố. Phi-lô-tê, con đừng bao giờ để lòng con sống lâu trong tội, đang khi con có một môn thuốc thần dễ dàng ngay bên con1. Linh hồn đã chiều theo tội, phải nhờm tởm về mình và đi tẩy rửa ngay, vì tôn kính Đấng Chí Tôn hằng nhìn thấy mình. Tại sao hồn ta phải chết đang khi ta có môn thuốc thần như thế ? Con hãy xưng tội cách khiêm nhường và sốt sắng mỗi tuần, và nếu có thể được mỗi khi con muốn rước lễ2, dù con thấy lương tâm không có tội gì nặng đáng trách. Vì xưng tội lúc ấy không chỉ để được tha tội nhẹ nhưng còn để phép giải tội ban sức mạnh cho con từ sau tránh chúng đi, ban ánh sáng để nhìn rõ chúng và ban một ơn dồi dào để đền bù những tổn hại chúng đã gây nên nơi con. Con cũng tập đức khiêm nhường, vâng lời, đơn sơ và đức mến : cho nên trong một việc xưng tội như thế con tập nhiều nhân đức hơn trong các việc khác.

Con phải luôn luôn chê ghét tội mà con xưng, dù chúng nhỏ mọn và phải dốc lòng sửa mình từ đó. Nhiều người chỉ xưng tội nhẹ chiếu lệ vì thói quen, không nghĩ đến sửa mình, suốt đời họ sẽ cứ mang cái tật xấu ấy, do đó mất nhiều ích lợi thiêng liêng. Nếu con xưng tội nói dối, dù nói dối không làm hại ai, hoặc đã nói điều hư từ, hay quá vui chơi, con hãy thống hối, và dốc lòng nhất quyết sửa lỗi. Xưng tội nặng hay nhẹ mà không muốn sửa mình, thật là một lạm dụng đáng trách, vì phép giải tội được lập nên để giúp sửa mình.

Con đừng cáo mình về những điều dư thừa, như nhiều người có thói quen làm. Ví dụ : Con không yêu mến Chúa đủ – con không cầu nguyện sốt sắng đủ – không yêu đồng loại đủ – không lãnh Bí Tích cách tôn kính như đáng phải làm – và các điều giống vậy. Đừng nói như thế, vì cha giải tội sẽ chẳng hiều gì hơn về tình trạng lương tâm con. Các thánh trên thiên đàng cũng như các người dưới thế nếu có xưng tội thì ai cũng sẽ nói như vậy cả ! Vậy con hãy xem điểm riêng biệt nào con phải cáo trong các điều ấy, và khi đã tìm ra, hãy cáo mình về sự sai lỗi mà con đã phạm, thế thôi ! Ví dụ, con cáo mình vì đã không yêu thương đồng loại cho đủ thì hoặc là gặp người nghèo khó con rất có thể giúp đỡ và an ủi mà lại không làm. Nên con hãy cáo mình về điểm riêng ấy, hãy nói : “Con gặp người nghèo khó mà không giúp đỡ khi con có thể giúp, vì con chểnh mảng hay vì con không thương, hay vì khinh thị”, tùy theo con đã cư xử sao trong dịp ấy. Cũng thế, con đừng cáo mình là không cầu nguyện sốt sắng đủ, nhưng : nếu con đã cố tình chia trí, hay chểnh mảng không tìm nơi chốn, thời giờ, thái độ cần thiết để có đủ cầm trí mà cầu nguyện, thì con hãy cáo mình thế, theo như con biết mình sai lỗi. Không nên nói cách chung chung lơ lửng chẳng ăn thua gì với phép giải tội.

Xưng tội nhẹ rồi vẫn chưa đủ, con còn cái lý do đã xui con phạm tội ấy. Ví dụ : đừng chỉ xưng : “Con đã nói dối không làm hại ai”, song nên thêm : “vì hư danh, để khen mình, hay chữa mình, hoặc bởi khoe khoang hay bởi bướng bỉnh”. Nếu con đã phạm tội đánh bạc, hãy cắt nghĩa vì muốn ăn tiền hay muốn vui chơi giải trí. Các tội khác cũng vậy. Cũng phải xưng việc con đã trì trễ lâu trong sự tội. Thường thường trì trễ lâu làm tăng tội lên nhiều, vì giữa một sự xấu thoảng qua ít phút trong đầu với cũng sự xấu ấy mà ta đắm mình trong đó suốt hai, ba ngày hẳn phải có sự khác nhau chớ. Tóm lại, con phải xưng : việc tội, lý do và thời gian phạm tội. Dù về tội nhẹ, thường không bó buộc xưng tỉ mỉ đến thế, – ngay cả không có bó buộc phải xưng tội nhẹ nữa – song những ai muốn tẩy rửa hồn mình để đạt tới thánh thiện dễ dàng hơn, đều phải cẩn thận khai cho vị y sĩ thiêng liêng biết căn bệnh dù nhỏ mấy mà mình muốn được khỏi. Đừng quên nói cho vị giải tội biết cái làm cho lỗi phạm con ra nặng, tỷ như cái gì làm con nổi giận hay ngược lại cái gì làm con chịu đựng nổi tính xấu của ai đó. Ví dụ người mình không ưa, thì nói đùa, mình cũng sẽ nghĩ ra xấu và tức giận. Còn người mình ưa, dù có nói lời cay đắng hơn, ta cũng chịu được. Tôi sẽ xưng : “Con đã oán giận một người, nghĩ trái về lời họ nói với con, không phải vì lời nói của họ song vì con không ưa họ”.

Và nếu cần phải nói rõ hơn, tôi tưởng tốt hơn con cứ nói, vì cáo mình cách thành thật như thế, ta không chỉ phơi bày những tội đã phạm, song còn moi móc ra những xu hướng xấu, tập quán, thói quen và các mầm mống tội lỗi khác nữa. Nhờ đó cha linh hồn sẽ hiểu rõ hơn tâm hồn của người ngài phải săn sóc, ngõ hầu dùng những liều thuốc thích hợp. Tuy nhiên luôn phải giữ bí mật tên người đã làm đầu mối gây nên tội của con, được chừng nào hay chừng nấy.

Con hãy lưu tâm đến một số những tội thường sống và ngự trị trong lương tâm mà ta không để ý, con hãy xưng ra để tẩy đi cho sạch. Để giúp con trong việc ấy con hãy đọc kỹ các chương 6, 27, 28, 29, 35 và 36 của phần thứ Ba, và chương 7 của phần thứ Tư.

Con đừng dễ dàng thay đổi cha giải tội. Khi đã chọn được một vị, con hãy tiếp tục bày giải lương tâm con trong ngày đã chỉ định. Con hãy nói ra cách đơn thật và ngay thẳng các tội đã phạm. Thỉnh thoảng, cứ mỗi tháng chẳng hạn, hay từng hai tháng, con nói cho ngài về tình trạng các xu hướng của con, dù chúng không là căn cớ làm con phạm tội. Ví dụ : con dễ âu sầu, chán nản ; hoặc quá dễ dàng vui cười, ham thu tích của cải, hay các xu hướng giống vậy.

--- o0o ---

1: Bỏ một dòng không hợp với độc giả.

2: Thời ấy, việc rước lễ hàng ngày không được phép như ngày nay.