SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI
(Introduction À La Vie Dévote)
Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.
Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện
PHẦN 2
Gồm những chỉ dẫn về nguyện ngắm và các Bí Tích, để giúp linh hồn lên cùng Chúa.
CHƯƠNG 20
SIÊNG NĂNG RƯỚC LỄ
Tương truyền rằng : Mi-tri-đát (Mithridate), vua miền Pông-tô (Pont) sau khi chế ra chất thuốc độc mang tên ông, ông đã dùng nó mà luyện thân thể đến nỗi sau này muốn uống thuốc độc tự tử để thoát nhục làm nô lệ dân La-mã, ông không sao chết được. Chúa Cứu Thế đã lập Bí Tích cao siêu Thánh Thể, trong đó có thật thịt và máu Ngài, hầu ai ăn sẽ được sống đời đời. Bởi thế, ai luôn dùng cách thành kính sẽ làm cho sức khỏe, và sự sống linh hồn vững mạnh đến nỗi không còn dục vọng nào có thể nhiễm độc họ được. Người ta không thể vừa nuôi mình bằng thịt ban sự sống ấy đồng thời lại sống với các dục vọng ban sự chết. Giả sử người ta được ở lại trong vườn địa đàng và không còn chết phần xác nhờ sức của quả cây sự sống mà Thiên Chúa đã trồng, thì đây họ cũng có thể khỏi chết thiêng liêng bởi mãnh lực của Bí tích ban sự sống này. Nếu những quả non mềm và dễ hư như mận, mơ, dâu, khi làm thành mứt đường hay mật còn có thể giữ lâu dễ dàng suốt năm, thì nào có chi lạ nếu hồn ta, dù mỏng dòn, yếu đuối cũng được giữ khỏi tội lỗi hư nát, nhờ tẩm đường và mật là thịt máu không thể hư nát của con Thiên Chúa !
Hỡi Phi-lô-tê, kitô hữu nào sau này bị trầm luân còn cãi vào đâu, khi Đấng Thẩm Phán công minh cho họ biết : họ phải chết phần hồn như thế là tại họ : đang khi họ có mọi dễ dàng để giữ mình sống và khỏe mạnh, bởi ăn thịt mình Ngài mà Ngài đã trối lại cho họ được sống ! Ngài sẽ phán : “Quân khốn nạn, tại sao các ngươi chết, khi các ngươi có phép sử dụng hoa quả và thịt máu ban sự sống ?”.
“Về việc rước lễ hằng ngày, tôi không khen, cũng không chê. Còn tôi, khuyên mọi người rước lễ mỗi ngày Chúa Nhật, miễn là linh hồn không có luyến ái gì với tội” : những lời trên đây là của thánh Au-gu-ti-nô1. Cũng như Ngài, tôi không trách cũng không khen người rước lễ hằng ngày. Ai muốn biết phải xử sự thế nào, tôi để tùy quyền cha linh hướng của họ xét đoán. Vì cần phải có một tâm trạng rất thanh cao để có thể rước lễ luôn như thế, do đó không nên khuyên chung hết mọi người. Song nhiều linh hồn lành thánh vẫn có thể có tâm trạng thanh cao kia, vậy cũng không nên dặn chung mọi người đừng làm. Cho nên phải tùy theo tâm trạng mỗi người mà xét. Khuyên bất cứ ai rước lễ luôn cũng là thiếu khôn ngoan, nhất là khi người đó lại theo lời chỉ dạy của một vị linh hướng nào khả kính. Thánh nữ Ca-ta-ri-a thành Xiên-na trả lời rất hóm khi người ta viện câu nói trên của thánh Ao-gu-ti-nô mà trách người rước lễ hằng ngày : “Ô ! thánh Au-gu-ti-nô mà còn không trách, thì tôi cũng xin các người đừng trách, cho tôi được nhờ”.
Nhưng Phi-lô-tê, con thấy thánh Ao-gu-ti-nô hết sức khuyên giục người ta rước lễ mọi ngày Chúa Nhật. Con hãy làm theo đó tùy sức, vì như tôi phỏng đoán con không có chút quyến luyến tội trọng nào, ngay cả tội nhẹ nữa. Con đã có tâm trạng mà thánh Ao-gu-ti-nô đòi có, mà còn có tuyệt hảo hơn, vì không những con không có lòng yêu thích phạm tội, còn không có lòng quyến luyến với tội nữa. Nếu cha linh hướng của con xét là được, con có thể rước lễ nhiều lần hơn là mỗi ngày Chúa Nhật để con hưởng nhiều ích lợi.
Nhiều ngăn trở chính đáng có thể xảy đến cho con, không tại con song tại các người sống bên con, do đó cha linh hướng khôn ngoan có cớ bảo con rước lễ thưa hơn. Chẳng hạn con sống dưới quyền của người nào đó, mà người này lại ít hiểu biết hay có tính kỳ quặc, thành ra họ đâm ra lo lắng sợ sệt vì thấy con rước lễ luôn. Trong trường hợp ấy, chi bằng ta nhún nhường theo tính yếu đuối của họ và chỉ rước lễ hai tuần một lần. Nhưng đây phải là trường hợp con không có cách nào vượt nổi cái tính khó kia. Về vấn đề này, ta không được quyết định cách chung, nhưng làm theo cha linh hướng dạy. Dầu vậy, tôi có thể quả quyết rằng ngay đối với kẻ muốn sốt sắng thờ phượng Chúa, vẫn có thể cách quãng việc rước lễ ra đến mỗi tháng một lần.
Nếu con khéo xử, thì không có mẹ nào, vợ nào, chồng nào hay cha nào ngăn cản con rước lễ luôn. Vì ngày con rước lễ, con không chểnh mảng việc bổn phận của địa vị con, lại còn dịu dàng và đằm thắm với họ hơn. Con không bỏ qua một bổn phận nào đối với họ, thì chẳng có lẽ nào họ lại ngăn con làm việc đạo đức không phiền lụy gì cho họ cả, trừ phi họ có tính quá quắt và phi lý lắm. Trong trường hợp này, như đã nói, vị linh hướng có khi sẽ bảo con nên nhún nhường.
Tôi thấy cần phải nói cho người kết bạn đôi lời sau đây. Trong đạo cũ, Thiên Chúa cấm các chủ nợ đòi nợ ngày đại lễ. Nhưng Ngài không bao giờ cho là xấu việc các con trả nợ. Nên đòi bạn phải trả nợ chăn gối trong ngày mình rước lễ tuy không phải tội song cũng là điều không nên. Nhưng mình trả nợ chăn gối thì không phải là điều bất xứng mà còn có công nghiệp. Bởi thế, ai phải trả cái nợ đó, không việc gì mà phải mất rước lễ, nếu họ có lòng sốt sắng ao ước rước. Trong Hội Thánh sơ khai, các tín hữu vẫn rước lễ hằng ngày, dù họ là người có đôi bạn và được Chúa ban cho nhiều con cái. Vì vậy tôi nói : năng rước lễ không làm rầy rà cho cha mẹ, vợ chồng, miễn là linh hồn muốn rước lễ phải sống khôn ngoan và kín đáo. Còn về bệnh tật phần xác, không có bệnh nào ngăn trở việc hiệp lễ ấy cả, trừ phi đó là bệnh hay nôn mửa.
Để rước lễ mỗi tuần, cần phải không vướng mắc tội trọng, hay luyến ái tội nhẹ nào và có lòng khao khát rước Chúa. Nhưng để rước lễ mỗi ngày, ngoài những điều trên, còn phải đã lướt thắng hầu hết các xu hướng xấu, và phải do ý kiến của cha linh hướng bảo2.
--- o0o ---
1: Câu trích trên đây không phải của thánh Ao-gu-ti-nô, song theo ý kiến thánh Anphongsô Ligôriô, là của Grenade, trong cuốn De Ecclesiasticis dogmatibus, và chữ “Luyến ái gì với tội” là nói luyến ái với tội trọng như thánh Tômasô cắt nghĩa.
Vấn đề rước lễ hàng ngày, nay rất được khuyến khích, vì coi là đúng với ý muốn của Chúa Ki-tô và ích lới cho người chịu hơn. Bất kỳ ai, không mắc tội trọng, có lòng ao ước đến bàn thánh để lãnh nguồn sống và sức mạnh cho đời mình, đều có thể rước hàng ngày. Tội nhẹ không ngăn trở việc rước lễ, hơn thế, càng phải rước lễ, để có sức chừa, miễn là ta ăn năn thống hối trước khi lên bàn thánh rước Chúa với tâm tính đạo đức tốt lành.
2: Xin xem biệt chu của trang 60 – Không có luật nào cấm rước lễ khi ta có luyến ai, xu hướng về tội nhẹ, còn phải nói : luyến ái về tội nhẹ ấy không ngăn trở Bí Tích Thánh Thể phát sinh hiệu quả trong hồn, tuy ít hơn, đó là ý kiến của thánh Tômasô và thánh Anphongsô. Đối với người sống đôi bạn, ta cũng có thể thể chiếu theo hai biệt chú trên đây mà luận. Không có gì ngăn trở họ rước lễ hàng ngày cả. – Trong cả chương này, ta thấy thánh Phan-xi-cô hơi ngặt quá, nhưng là vì ngài theo quan niệm của thời ngài.