SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI
(Introduction À La Vie Dévote)
Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.
Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện
PHẦN 3
Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.
CHƯƠNG 07
CÁCH BẢO VỆ THANH DANH KHI TẬP ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG
Người đời không tặng khen lao, danh dự và vinh quang cho ai chỉ có nhân đức thường song có nhân đức cao siêu. Vì khi khen lao, ta muốn thuyết phục người khác cũng tôn trọng sự ưu tú của một người nào. Và khi làm vinh dự ai, ta quả quyết chính ta tôn trọng người đó. Còn vinh quang, theo ý tôi, là cái ánh rực rỡ của thanh danh phát ra từ các lời khen lao và vinh dự gom góp lại. Nếu vinh dự và khen lao là ngọc quý, thì vinh quang là tia sáng bật ra từ đống ngọc ấy. Mà đức khiêm nhường không cho phép ta tưởng mình vượt xa hay được quý chuộng hơn kẻ khác, cho nên cũng không cho phép ta tìm kiếm khen lao, danh dự và vinh quang mà chỉ ai ưu tú mới được hưởng. Tuy vậy, đức khiêm nhường cũng nghe lời răn bảo của Đấng khôn ngoan dạy : “phải chăm nom cho thanh danh ta” vì giữ gìn thanh danh tức là tôn trọng không phải vẻ ưu tú tuyệt vời, song tôn trọng nết lương thiện và vẻ tinh khiết của đời sống ta. Đức khiêm nhường không cấm ta nhìn nhận có sự ấy nơi ta, tức cũng không cấm ta ước mong được danh thơm bởi đó. Đã hẳn, khiêm nhường sẽ khinh bỏ thanh danh nếu đức bác ái đòi hỏi, song vì thanh danh là một trong những nền móng của xã hội loài người, không nó, ta trở nên không những vô dụng mà còn có hại cho quần chúng vì gương xấu của ta. Tóm, đức bác ái đòi hỏi, và khiêm nhường cho phép ta ước mong và bảo vệ thanh danh cách thận trọng.
Vả lại, như lá cây tự nó không đáng giá gì, nhưng vừa giúp tô điểm, vừa để che chở cho hoa quả khi còn non, thì thanh danh cũng thế, tự nó không đáng thèm khát bao lăm, tuy vậy, cũng hữu dụng lắm, không những để tô điểm đời ta, mà còn gìn giữ các nhân đức, nhất là các nhân đức còn non yếu. Bị bó buộc phải giữ tiếng tốt và phải sống xứng đáng với sự quý trọng của người ta, cái đó cưỡng ép vừa mạnh mẽ vừa êm ái, chí can đảm của ta thêm nổ lực hơn. Philôtê thân mến, ta hãy gìn giữ nhân đức ta vì chúng đẹp lòng Chúa, Đấng là đối tượng cao cả và siêu việt của mọi hành động ta. Song cũng như kẻ muốn giữ các trái cây không chỉ đem làm mứt, còn đem để mứt ấy trong bình, ngõ hầu giữ chúng lâu dài ; đây cũng thế, tuy lòng mến Chúa là yếu tố chính gìn giữ các nhân đức ta, ta còn có thể dùng cả thanh danh làm yếu tố thích hạp, hữu ích để gìn giữ nữa.
Tuy nhiên không nên quá hăng hái, chi li, xét nét trong việc bảo vệ tiếng tốt, vì người dễ cảm xúc, dễ mích lòng về thanh danh mình thì giống như kẻ hơi húng hắng khó chịu là đã chạy tìm đủ mọi thứ thuốc. Họ tưởng như thế là giữ sức khỏe, kỳ thực họ làm hại. Nên người quá lo lắng cho thanh danh, sẽ đánh mất nó : bởi vì, quá dễ động lòng, họ sẽ trở nên kỳ quặc ương ngạnh, khó tính và kích thích ác tâm của kẻ hay gièm pha.
Che giấu và coi khinh các nỗi sỉ nhục và vu khống đó thường là phương thuốc hiệu nghiệm hơn là giận dỗi, tranh chấp và oán thù. Coi khinh là làm chúng tiêu tan, còn nếu đâm tức giận, thì như đem thú ra. Cá sấu chỉ cắm kẻ nào sợ chúng, lời gièm pha cũng chỉ làm đau đớn kẻ lo buồn vì nó.
Sự sỡ hãi quá độ phải mất thanh danh tỏ ra ta ít tin tưởng vào nền tảng chắc chắn của thanh danh ta, tức là một đời sống tốt lành chân thật. Thành phố nào có cầu gỗ bắc trên sông, lo chúng bị nước lũ cuốn đi ; còn thành nào có cầu bằng đá chỉ lo khi có đại lụt bất thường. Cũng vậy, người có căn bản đạo hạnh chắc chắn thường khinh những lời gièm pha, còn kẻ thấy mình yếu hèn lại sợ bất cứ cái gì. Đã hẳn, Philôtê, ai muốn có tiếng tốt trước mặt hết tất cả mọi người, sẽ mất ; ai muốn nhờ những kẻ đã thành đê tiện và nhơ nhuốc vì xấu nết đem tiếng tốt cho lại cho, thì họ đáng mất danh dự.
Thanh danh ví như một bảng hiệu, trỏ cho biết nhân đức ở đâu, cho nên phải quý chuộng nhân đức hơn cả, bất cứ ở đâu và về sự gì. Vì thế, nếu ai nói con : “đồ giả hình” vì đã theo đường đạo đức ; hoặc người ta coi con là nhát đảm, vì đã tha thứ xúc phạm, con hãy bất chấp tất cả những cái đó. Vì không kể những xét đoán ấy là do những kẻ xuẩn ngốc, thì dù có phải mất thanh danh chăng nữa, con cũng đừng vứt bỏ nhân đức hay bỏ con đường đạo đức, vì phải chuộng quả hơn lá, nghĩa là của cải bề trong và thiêng liêng hơn mọi của cải bề ngoài. Phải chăm nom săn sóc, nhưng không nên tôn thờ thanh danh. Không nên chọc mắt người lành, thì cũng không nên đòi hài lòng kẻ xấu. Râu tô điểm bộ mặt người nam, và tóc trang điểm khuôn mặt người nữ, nếu người ta nhổ hết râu hay tóc ấy tự gốc, chắc rất khó mọc lại, song nếu chỉ hớt hay cạo nó đi, nó sẽ mọc lại ngay và còn rậm và cứng hơn trước. Tiếng tốt cũng vậy, dù có bị cắt bị nạo đi bởi miệng kẻ dèm pha, mà theo lời Đa-vít, nó sắc như dao cạo (Ca vịnh 61, 4), cũng không nên lo lắng, vì nó sẽ mọc lại ngay, không những đẹp như xưa mà còn vững chắc hơn. Nhưng nếu cái nết hư, cái hèn nhát, đời sống xấu xa của ta làm ta mất thanh danh, khó mà lấy lại được vì chân gốc nó đã bị nhổ. Chân gốc đây là gì ? là sự tốt lành và liêm chính. Bao lâu nó còn trong ta, bấy lâu còn có thể phát sinh lại danh dự mà nó có quyền có.
Phải bỏ những chuyện trò vô ích, những giao du vô dụng, các tình bạn bè hão đi, nếu nó làm hại thanh danh, vì thanh danh đáng trọng hơn những vui thú hão huyền ấy, còn nếu vì lo việc đạo đức, để tiến bộ trong nhân đức và lập công nghiệp đời sau mà người ta lẩm bẩm, kêu trách, vu oan, ta mặc kệ cho tụi chó ngao sủa mặt trăng. Nếu chúng gây được vài dư luận xấu chống thanh danh ta, và như thế là hớt tóc và cạo râu của thanh danh ta, chầy kịp thanh danh ta sẽ mọc lại, và lưỡi dao cạo của dèm pha lại giúp cho danh dự ta như dao kéo tỉa nhành nho, làm nho sinh nhiều trái hơn.
Ta hãy luôn nhìn ngắm Chúa Giêsu chịu đóng đanh ta hãy phụng sự Chúa với lòng trông cậy và đơn sơ, song cách khôn ngoan và kín đáo. Ngài sẽ là Đấng bảo vệ thanh danh ta, còn nếu Ngài cho phép nó bị cất đi là cố ý đền trả ta một cái tốt hơn : hoặc cho ta được tiến bộ trong khiêm nhường, mà một ly nhỏ còn quý hơn nghìn lượng danh giá. Nếu người ta quở trách ta bất công, ta cứ bình tĩnh đem sự thật đối lại vu khống ấy, nếu nó còn tiếp diễn ta cũng cứ tiếp tục hạ mình, trao phó thanh danh với cả linh hồn ta trong tay Thiên Chúa : như thế còn bảo đảm nào chắc hơn nữa ? Cứ phụng sự Chúa “lúc được tiếng tốt cũng như khi bị tiếng xấu”, theo gương thánh Phaolô, ngõ hầu nói được như vua Đa-vít : “Lạy Chúa, vì Chúa con chịu đựng nhuốc nha và tủi nhục đã phủ đầy mặt con” (Ca vịnh 68, 8).
Tuy vậy, tôi trừ ra một vài tội ác quá độc dữ và quá đê tiện đến nỗi không ai được phép bằng lòng chịu vu vạ như thế, mà không tự bào chữa một cách chính đáng. Cũng trừ ra một đôi người mà thanh danh rất cần để mưu ích thiêng liêng cho nhiều người khác : trong trường hợp này, theo ý kiến các nhà thần học, phải bình tĩnh bắt đền bù lại sự thiệt hại và danh giá đã bị.
--- o0o ---