Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.

Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện


PHẦN 3

Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.

 CHƯƠNG 08

ĐỨC HIỀN TỪ ĐỐI VỚI ĐỒNG LOẠI PHƯƠNG THẾ CHỮA TÍNH NÓNG

Trong phép Thêm Sức và các lễ nghi Hiến Thánh, Hội Thánh noi theo truyền thống các tông đồ để lại, có dùng một thứ Dầu thánh là hợp chất của dầu ô-liu trỗn lẫn với hương dược. Nó tượng trưng không kể nhiều điều khác, hai nhân đức rất đáng quý chuộng vẫn hằng sáng chói nơi Chúa chúng ta. Ngài đã đặc biệt khuyên dạy chúng ta tập hai đức đó, như thể nhờ hai đức đó dâng mình cách đặc biệt để phụng sự việc Chúa và theo dõi gương Chúa. Ngài phán : “Hãy đọc nơi Thầy lòng hiền từ và khiêm nhường” (Mt 2, 29). Đức khiêm nhường làm ta hoàn hảo đối với Thiên Chúa, đức hiền từ, đối với đồng loại. Trong số các chất dầu thơm, hương dược luôn lặn chìm xuống dưới, nên nó chỉ sự khiêm nhường. Còn dầu ô-liu luôn nổi lên trên, tiêu biểu lòng hiền từ, nhân hậu, luôn vượt lên trên mọi sự. Nó vượt trên mọi nhân đức như hoa của đức bác ái. Đức bác ái, như lời thánh Bê-na-đô nói, chỉ đạt mức hoàn toàn khi nó không những kiên nhẫn mà còn hiền từ và nhân hậu nữa. Nhưng Philôtê, con hãy lo sao cho dầu bí nhiệm pha trộn bằng hiền từ và khiêm nhường ấy luôn luôn ở trong lòng con. Vì một trong các mánh khóe của kẻ thù linh hồn là làm cho nhiều kẻ mãn nguyện với các vẻ bên ngoài của hai đức ấy, mà không xét kỹ các tâm tình bên trong của họ, cho nên tưởng mình khiêm nhường và hiền lành, mà kỳ thực không có tý nào cả. Cái đó dễ nhận thấy lắm ; mặc dầu họ có những cử chỉ rất có vẻ hiền từ và khiêm nhường song chỉ cần môt câu nói nhẹ, trái ý họ, một sự sỉ nhục cỏn con đối với họ, họ liền lên mặt cách kiêu hãnh không ngờ. Người ta đồn ai đã dùng thuốc khử độc, gọi nôm na là “mỡ thánh Phaolô” dùng1 thì dù rắn độc cắn không bị sưng, miễn là thứ mỡ ấy mịn ; đây cũng vậy, khiêm nhường và hiền lành chân thật, sẽ làm bớt sưng bớt nhức, mà các sỉ nhục thường hay gây nên trong lòng ta. Nếu bị cắn, bị chích bởi các kẻ dèm pha và địch thù mà ta đâm ra kiêu kỳ, lên mặt giận dữ, đó là dấu khiêm nhường và hiền lành của ta không chân thật, mà là giả trá và có mã bên ngoài thôi. Thánh Tổ-phụ Giuse dặn anh em mình khi cho họ từ Ai-cập trở về quê cha mẹ : “Đừng nóng dọc đường” (Sách Sáng Thế : 45, 24). Tôi cũng dặn con như vậy, Philôtê. Đời này chỉ là một cuộc hành trình cực khổ về đời sau hạnh phúc, ta đừng giận nhau ở dọc đường. Hãy đi đường với anh em và bạn hữu ta cách hiền hòa, yên thấm dễ thương. Tôi quả quyết hẳn và không có luật trừ rằng : Con đừng bao giờ nóng giận, nếu có thể. Đừng lấy bất cứ cớ gì để cho phép con giận dữ, vì thánh Gia-cô-bê nói thẳng không e dè rằng : “tính nóng giận của người ta không gây được sự công chính của Thiên Chúa” (Gc 1, 20). Đã đành ta phải đánh đuổi sự xấu và sửa trị các tính hư của các kẻ ta có trách nhiệm trông coi, cách cương nghị và trung kiên, nhưng cũng hiền từ và êm thắm. Không có gì làm voi dữ diu tính bằng nhìn thấy một con cừu non, và không gì làm giảm sức phá của trái thần công bằng nắm len. Người ta không chấp nhận lời răn bảo nói lúc nóng tính, dù có lý mấy đi nữa, cho bằng lời sửa bảo mà ta chỉ vì lẽ phải mà nói ra. Lý do là : lý trí ta tự nhiên thích nghe theo lẽ phải, song chỉ chịu khuất phục tính nóng nảy vì áp lực. Cho nên khi lý trí mượn sức của cơn nóng nảy mà nói, nó trở thành đáng ghét : sức lực khắc phục chính đáng của nó đâm suy đồi vì đã vịn vào bạo lực áp chế.

Vua chúa làm vinh dự và yên ủi cho dân rất nhiều nếu đến thăm dân với một đoàn tùy tùng an hòa. Nhưng nếu đến với một đạo binh, dù là vì công ích, người dân vẫn khó chịu, vì cho đi các vị có ra kỷ luật sắt cho binh sĩ chăng nữa, thì tài tình thế nào cũng không khỏi lọt đôi ba sự lộn xộn, hà hiếp, bạo lực. Đây cũng vậy, khi nào lý trí cai trị, sữa chữa, trách phạt an hòa, thì dù có làm cách nghiêm ngặt và thẳng thắn, ai cũng thích và tán thành. Nhưng nếu làm theo cơn nóng nảy tức giận, mà theo lời thánh Au-gu-ti-nô nói, là đoàn quân tháp tùng, lúc ấy nó làm người ta sợ hơn là yêu nó. Và hậu quả trực tiếp nhất là chính lòng nó bị chà đạp và ngược đãi. Thánh Au-gu-ti-nô viết cho Pro-fu-tu-rô : “Đóng cửa và không cho tức giận vào dù nó công bình và hợp lý, thì khôn hơn hé mở để nó chen chân vào dù chút ít, vì một khi lọt vào được, khó mà đuổi ra. Nhất là khi vào nó chỉ là mầm non, chẳng bao lăm nó to lớn như cái cột nhà”. Còn khi nào nó kéo dài tới đêm và mặt trời lặn rồi vẫn còn giận, (đây là điều mà thánh Tông đồ ngăn cấm (Eph 4, 26), tức là đã thành căm hờn, lúc ấy hầu như vô phương khu trừ nó : vì nó sẽ vịn lấy trăm ngàn cớ giả dối, bởi lẽ chưa bao giờ người giận dữ cho sự giận dữ mình là vô lý cả.

Vậy, biết sống không nóng giận thì tốt hơn là muốn dùng nóng giận cách vừa phải và khôn ngoan. Còn khi nào vì tính yếu đuối, sơ sót mà ta bất chợt đâm nóng giận, hãy đàn áp nó ngay còn hơn là dụ dự với nó. Vì chỉ cần cho nó có thế đứng, nó sẽ làm chủ tình thế ngay như con rắn hễ đầu đi là đuôi lọt. Con sẽ hỏi : làm sao đẩy lui sự nóng giận ? Đây Philôtê, vừa chợt cảm thấy nổi cơn nóng, con hãy tập trung gấp mọi sức lực tuy không cần hấp tấp hay dữ dằn song nhẹ nhàng êm thắm, nhưng rất nghiêm trang. Vì nhiều khi thấy xảy ra trong các phiên họp của Thượng nghị viện hay Quốc hội, người môn lại la lên : “Im lặng !” kỳ thực ông ta làm huyên náo hơn các kẻ ông muốn bắt im lặng. Cho nên, nhiều khi ta muốn đàn áp cơn nóng giận cách hung bạo, ta gây nhiều lộn xộn trong lòng ta hơn chính cơn nóng giận nữa. Một khi lòng đã xao xuyến như thế, nó không còn thể tự chủ được.


Sau cái cố gắng êm thấm kia, con hãy thi hành điều thánh Ao-gu-ti-nô, khi đã cao niên, dạy cho Giám mục trẻ tuổi Ao-xi-liô : “Con hãy làm như một người có bổn phận phải làm. Còn khi nào xảy đến cho con điều nói trong Ca vịnh : “Mắt tôi ngầu lên vì giận dữ” lúc ấy con hãy chạy đến kêu cầu Chúa :”Xin Chúa thương xót con, Lạy Chúa”, ngõ hầu Ngài giang tay ra dẹp tan cơn nóng giận của con. Tôi có ý nói :con phải xin Chúa giúp khi thấy mình nóng giận, theo gương các thánh Tông đồ lúc bị dông bão làm đảo thuyền nghiêng ngửa trên Biển Hồ (Tibêriađê), Chúa sẽ truyền khiến cơn nóng giận ta phải hạ xuống, và yên lặng sẽ vãn hồi. Tôi lưu ý con điều này :nguyện ngắm để chống trả cơn nóng giận hiện thời đang dồn dập con, phải là nguyện ngắm cách êm ái bình tĩng chứ không phải hung bạo. Đây là điều phải giữ khi dùng bất cứ phương pháp nào chống lại cái tính xấu kia.

Dầu vậy, khi con bất chợt thấy mình đã làm điều gì vì nóng giận hãy đền bù bởi một hành vi hiền từ đối với chính người con vừa tức giận. Cũng như vừa thoạt lỡ nói dối ta vội chữa lại ngay, là một phương thế hiệu nghiệm chống tật nói dối, thì một phương thuốc hay trừ nóng giận là sửa chữa ngay bởi một việc rất hiền từ ngược lại, đúng như người đời thường nói : vết thương còn mới dễ chữa lành !

Hơn thế, lúc tâm hồn con yên tĩnh, không có gì làm tức giận, hãy cố thu tích rất nhiều hiền từ và nhân hậu bằng cách nói lời gì, làm việc gì, nhỏ hay lớn, cách hết sức êm ái. Con hãy nhớ đến Vị Hôn Thê trong sách Nhã Ca : mật ngọt ngào không chỉ ở trên đầu lưỡi và trên môi nàng song còn dưới lưỡi nữa, nghĩa là trong lòng. Không chỉ có mật ong, còn có cả sữa (Nhã Ca 4, 11). Không phải chỉ có lời nói êm dịu đối với người đồng loại là đủ mà có cả tấm lòng cũng dịu dàng nữa. Và không những phải có sự dịu ngọt của mật thơm tho, nghĩa là sự khả ái trong khi tiếp truyện với khách, mà còn cả sự dịu ngọt của sữa đối với những người thân nhân và láng giềng. Nhiều người rất thiếu sót trong điểm này : ngoài đường họ như thiên thần, về nhà họ như quỷ dữ.


1 Người ta đồn rằng thánh Phao-lô dùng chất mỡ thuốc này trong trường hợp ngài bị rắn cắn kể ở sách Công Vụ Tông Đồ đoạn 18

--- o0o ---