Thánh Thần

Sẽ tuôn chảy một nguồn nước sống

Dẫn nhập đầu lễ: Kính thưa ông bà anh chị em, 
 
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã long trọng căn dặn các môn sinh: “Phần Thầy, Thầy sẽ gởi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trên cao ban xuống”. Và 10 ngày sau biến cố Thăng Thiên, lời hứa đó đã trở thành hiện thực và hiện thực “cách hoành tráng” với biến cố Thánh Thần Hiện Xuống trên các Tông đồ trong chính ngày lễ Ngũ Tuần, một ngày đại lễ của người Do Thái được cử hành sau lễ Vượt Qua 50 ngày để kỷ niệm sự kiện ký kết Giao Ước Si-Nai và cũng là ngày lễ Tạ ơn sau mùa bội thu hoa màu phong đăng kết quả. 
 
Như vậy, Phụng vụ lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống hôm nay chính là tái diễn “Sự kiện Ngũ Tuần” năm xưa; và vì thế, cũng mang những ý nghĩa cơ bản mà lễ Ngũ Tuần đã báo trước: 
 
-Thánh Thần hiện xuống để hoàn tất Giao Ước Mới của Đức Kitô để chính thức hình thành Dân Mới của Thiên Chúa là Giáo Hội thay thế “dân cũ của giao ước Si-Nai là Ít-ra-en”. 
 
-Thánh Thần hiện xuống để mang lại cho nhân loại niềm hân hoan, sức sống phong phú là kết quả của hồng ân cứu độ từ cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. 
 
Chúng ta dâng Thánh lễ hôm nay với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân Thánh Thần chúng ta đã nhận được; đồng thời cầu xin Chúa Thánh Thần “lại đến để canh tân bộ mặt trái đất”, “tưới gội nơi khô cạn, chữa lành mọi vết thương, lạnh lùng xin sưởi ấm, cứng cỏi uốn cho mềm…” 
 
Giờ đây, để xứng đáng cử hành Thánh lễ và nhận lãnh dồi dào ân sủng Thánh linh, chúng ta hãy đón nhận Nước Thánh, như dấu chỉ quyền năng thanh tẩy và sức sống dâng trào của Chúa Thánh Thần

Giảng Lời Chúa:

Trong ý nghĩa nhiệm mầu của tiến trình lịch sử cứu độ hay trong chuổi thăng trầm của lịch sử thế giới, nếu chọn một thời điểm tương đối chính xác để xác định ngày khai sinh chính thức của Giáo Hội Chúa Kitô, chắc chắn phải chọn ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống dịp lễ Ngũ Tuần mà Phụng vụ hôm nay đang long trọng cử hành. 
 
Gọi Lễ Chúa Thánh Thần là ngày khai sinh hay “Quốc khánh” của Giáo Hội, không ngoài những lý do nầy: 
 
Bởi vì trong chính ngày nầy, những “ngọn lưởi lửa tình yêu và ân sủng tuôn đổ dạt dào trên nhóm mười hai” để từ đó một thế giới mới chính thức được khai sinh, thế giới của ân sủng và tình yêu, thế giới của yêu thương và hiệp nhất, thế giới hồng ân cứu độ. 
 
Bởi vì cũng trong chính ngày nầy, Giáo Hội tiếp tục được Đức Kitô phục sinh “thổi hơi ấm Thần Linh của Ngài trên thân thể của mình”, để biến những con người khiếp nhược, chết nhác, ngồi im trong phòng đóng chặt mọi cánh cửa vì sợ dân Do Thái đã trở nên mạnh mẽ phi thường, khôn ngoan xuất chúng lao đi khắp bốn phương trời để loan báo Tin mừng cứu độ. 
 
Và bởi vì hôm nay “mùa bội thu của công trình cứu độ đã bắt đầu hiện thực” với chỉ một bài giảng của anh dân chài Phêrô đã có khoảng 3.000 người được thanh tẩy để khởi đi từ đó “muôn tiếng nói và ngôn ngữ, muôn quốc tịch và màu da cùng sum họp một nhà để ca tụng Thiên Chúa”… 
 
Tất cả đó chính là công cuộc của Ngôi Ba Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa mang nhiều tên gọi gần gũi với cuộc sống đời thường: Đấng Bảo Trợ, Thần Khí sự thật, Chim Câu dịu hiền, Dòng sông dạt dào sức sống, Hơi thở tác sinh, Ngọn lửa nồng nàn thanh tẩy và sưởi ấm. 
 
Và cũng từ những tên gọi đó, chúng ta có thể dừng lại để chiêm ngưỡng gần hơn dung mạo của Chúa Thánh Thần.

1. Chúa Thánh Thần Đấng ban Sự sống (Khí, Nước)

Sự sống đó là kỳ công của chương trình Sáng Tạo và cũng là cùng đích của chương trình cứu độ. Ngay từ thở ban sơ khi mọi sự còn trong cảnh hổn mang, thì “Thần Khí Chúa đã bay là là trên mặt nước” và sự sống đã phát sinh từ độ ấy. Và còn hơn thế nữa, sự hiện hữu của con người đã khởi sự với bùn đất tầm thường, nhưng một khi nhận “Hơi thở thần linh” của Thiên Chúa đã trở nên “con người mang ảnh hình Thiên Chúa”, một Ađam bằng xương bằng thịt tuyệt vời (St 2,7). Sự sống tốt lành thánh thiện ấy tưởng đâu đã tiêu tan đi với cơn Đại Hồng Thủy thanh tẩy địa cầu vì tội lỗi ngập tràn thế gian; thế nhưng “dòng sông ân sủng lại tuôn tràn” khi Nước sông Giođan đã dội lên Vị Cứu Thế từ trời cao nhập thể (Mc 1,9-11). Vâng, kể từ phép rửa khai mạc sứ vụ cứu thế nơi dòng sông Giođan ấy, kẻ nào “đến với Ngài và tin vào Ngài thì từ nơi họ sẽ tuôn chảy một nguồn nước sống”( Ga 7,37-38).Chẳng hạn 
 
- Tiệc cưới Cana hôm nào suýt nữa bẻ mặt vì thiếu rượu, đã nhận được một lúc hàng ngàn lít “nước đã biến thành rượu ngon” để “nhân loại hôm ấy” ngập tràn hân hoan và hạnh phúc. 
 
- Người phụ nữ Samaria đã nhận được “dòng nước ấy” bên bờ giếng Giacóp khi đối thoại chân tình với Ngài để từ hôm ấy bổng đổi đời. 
 
- Và rồi hàng hàng lớp lớp những con người khác như Giakê, Lêvi, Maria mađalêna, Nicôđêmô, Người phụ nữ ngoại tình, người trộm bị đóng đinh một khi đến và tin vào Ngài lập tức một nguồn nước sống đã tuôn chảy dạt dào nơi trái tim họ, nơi cuộc sống họ, để từ đó quả thật như sứ ngôn Êgiêkien: họ đã được tái tạo để có “một trái tim mới một tâm hồn mới”. 
 
Thế nhưng, tất cả đó cũng mới chỉ là “dấu chỉ”. Nguồn sống đích thực chỉ được chính thức trao ban cho nhân loại kể từ khi có những dòng “máu và nước tuôn ra từ trái tim của Đấng Bị Đóng Đinh” (Ga 19,34). Nhờ dòng nước vượt qua nầy mà một dòng tộc mới, một dân mới được khai sinh cùng với dòng nước tái sinh của nhiệm tích thánh tẩy. 
 
Phụng vụ lễ Chúa Thánh Thần hôm nay cũng đang trình bày với chúng ta gương mặt của một Giáo Hội sống động vẹn toàn, trong đó Chúa Thánh Thần - Thần Khí của Thiên Chúa là nguồn mạch trao sự sống, trao ban tự do vui tươi, phẩm giá, thăng tiến và hy vọng. Thảo nào, Chúa Thánh Thần đã chọn chính dịp lễ Ngũ Tuần để ngự xuống trên Hội Thánh buổi ban đầu, dịp lễ của Mùa gặt mới, dịp lễ của tạ ơn vì những hoa trái đầu mùa hái về để dâng tặng Thượng Đế. 
 
Mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay đó là chúng ta cử hành mối liên hệ sâu thẳm thân tình giữa Thiên Chúa và con người trong giao ước mới. Qua đó, Thiên Chúa hiện diện ngay trong tâm hồn con người để trao ban “một trái tim mới, một thần khí mới”. 
 
Mừng lễ Chúa Thánh Thần chính là dịp thuận tiện nhất để chúng ta sống và phát triển hồng ân của bí tích Thanh tẩy, mạnh dạn và trung thành đến với Bí tích Giải tội để qua đó, chúng ta nhận được ơn tha tội và tái sinh một cuộc sống mới hầu trở thành một thụ tạo mới. 
 
Mừng lễ Chúa Thánh Thần còn là dịp để chúng tiếp tục sinh những hoa quả phúc đức của bác ái đối với anh chị em xung quanh, hoa quả của cuộc sống công bình chính trực, của lương tâm ngay thẳng thật thà, của trái tim từ bi nhân hậu, của cõi lòng vị tha, quảng đại và hiệp nhất… 
 
Tuyên xưng “Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống” cũng có nghĩa là cuộc sống phải không ngừng chết đi cho tội lỗi để tái sinh một đời sống mới trong ân nghĩa Chúa, là không ngừng vươn lên bức phá khỏi cái tôi tầm thường nô lệ để “hướng theo Thánh Thần để tiến bước”, để kết trái đơm hoa công chính thánh thiện.

2. Chúa Thánh Thần Đấng thanh tẩy và đổi mới (Lửa):

Hình ảnh “những lưỡi bằng lửa” đổ xuống trên các Tông Đồ dịp Lễ Ngũ Tuần như muốn liên tưởng đến cảnh tượng uy hùng khói bốc lửa dậy trên đỉnh Sinai khi Thiên Chúa ký Giao Uớc với Dân Người (Bđ 1 của Lễ Vọng). Thật vậy, cuộc thần hiển uy hùng của cựu ước ngày xưa là nhằm để Giavê Thiên Chúa thanh tẩy ký ức và con tim của Dân được chọn hầu làm nên một Dân ưu tuyển, Dân của Giao Uớc mà “pháp luật chính thức chính là Thập Giới”…Thì hôm nay, cuộc thanh tẩy của Thánh Thần trên Giáo Hội sơ khai để Hội Thánh mãi mãi trở nên một Dân Giao Uớc mới, Dân Thánh, Dân Vương Đế, Tư Tế của Thiên Chúa mà luật pháp căn bản chính là “Giới răn yêu thương”, là con đường “Bát phúc”. 
 
Nếu ngày nào Đức kitô đã tuyên bố rằng: “Thầy mang lửa xuống trần gian và thầy muốn lửa ấy cháy lên…”. Điều ấy phải chăng đã ứng nghiệm vào dịp lễ Ngũ Tuần cách đây 2000 năm, khi mấy ngàn người hành hương bất ngờ được lãnh nhận Phép Rửa sau khi đón nghe bài tuyên chứng của Tông Đồ Phêrô. Một cuộc “đại Thanh Tẩy” nhiệm mầu để từ đó có bao nhiêu cuộc thanh tẩy khác đã được Thánh Thần tác động không ngừng nghỉ trong lịch sử loài người. 
 
Mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay phải chăng là một lần nữa để Chúa Thánh Thần thanh tẩy cuộc sống vốn đã bị hoen rĩ vì bao nhiêu tính hư tật xấu bám riết vào cuộc sống. Lời ca Tiếp Liên hôm nay là một lời nguyện cầu đầy ý nghĩa cho cuộc thanh tẩy nội tâm nầy: 
 
Hỡi hào quang linh diệu 
Xin chiếu giải ánh hồng 
Vào tâm hồn tín hữu 
Cho rực sáng tinh trong
Hết những gì nhơ bẩn...

3. Chúa Thánh Thần Đấng qui tụ, hiệp nhất

Ai cũng biết, nhân loại đã có một thời thất bại khi cùng nhau xây tháp Babel. Lý do đơn giản vì “ngôn ngữ bất đồng”. Cũng dễ hiểu thôi, vì một khi tội lỗi đã nhập vào trần gian thì tất cả mọi ngôn ngữ trong thế giới của Thiên Chúa phải “cuốn gói ra đi” để nhường chỗ cho một thứ ngôn ngữ mới: ngôn ngữ của hận thù, xâu xé, ích kỷ, tham lam, nhỏ nhen, bạo lực. Làm sao có thể xây được một tháp Babel của tình huynh đệ hiệp nhất, của hữu nghị khoan dung, của yêu thương hòa giải khi con người chỉ biết nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ chết tiệt đó. Thế nhưng, may cho con người chúng ta, Con Thiên Chúa đã đến để dạy cho con người học biết ngôn ngữ của chính Ngài, ngôn ngữ của hiệp nhất, yêu thương, hòa giải: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu chúng con…Người ta cứ dấu nầy….Không có tình yêu nào lớn…”. Trước cửa nhà các Thánh Tông Đồ hôm nay, sách CVTĐ đã mô tả thật chính xác và sinh động về cuộc “khai trương một công trình Babel mới” mà tất cả các công nhân trên công trường nầy sẽ nói và hiểu chung một ngôn ngữ: Ngôn ngữ Tình Yêu, Ngôn Ngữ do chính Chúa Thánh Thần trao ban và dạy dỗ, ngôn ngữ của tình thương cứu độ, ngôn ngữ Giêsu. 
 
Thảm cảnh của một nhân loại bị phân tách và chia rẽ của tháp Babel ngày xưa giờ đây được Chúa Thánh Thần qui tụ về một mối, nói và hiểu cùng một thứ ngôn ngữ, ngôn ngữ tình yêu của con cái Thiên Chúa. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự hợp nhất trong Giáo Hội, bởi vì mọi đặc sủng và ơn thánh đều bắt đầu từ một Thần Khí, một Chúa là Thiên Chúa duy nhất như lời khẳng định của Thánh Phaolô trong BĐ 2 hôm nay: 
 
“Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người... 
 
“Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” 
 
Khẳng định trên đây của thánh Phaolô đặc biệt thời sự trong bối cảnh của cộng đoàn Kitô hữu Côrintô ngày xưa đang gặp sự chia rẽ và cũng rất thời sự đối với mọi cộng đoàn tín hữu chúng ta hôm nay. Qua ơn thánh của Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, mọi tín hữu phải ý thức trở lại sự hiệp nhất này, sự hiệp nhất trong Chúa Giêsu Kitô, Con Người mới, Ađam mới, ông tổ của một nhân loại mới. 
 
Mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay là mừng những nỗ lực Đại Kết không mệt mõi của Giáo Hội, là mừng cuộc tông du vừa qua tại Hoa Kỳ của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, đang là yếu tố củng cố và nối kết mọi thành phần Giáo Hội địa phương để thế giới càng ngày càng huynh đệ hơn, công bằng hơn hòa bình và và hiệp nhất hơn. 
 
Mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay còn là sự can đảm đẩy lùi mọi biểu hiện của hận thù và ghen ghét, của chia rẽ và cách ngăn, của đố kỵ và bất khoan dung nơi chính cuộc sống nầy, môi trường nầy, gia đạo nầy… 
 
Như vậy, lễ Chúa Thánh Thần được cử hành hôm nay phải chăng là nối tiếp Lễ Chúa Thánh Thần cách đây 2000 năm nơi Nhà Tiệc Ly của các tông đồ. Và chính vì thế, chúng ta lại tiếp tục “mở tung các cánh cửa” của con tim để ra đi làm chứng cho tình thương cứu độ của Thiên Chúa, làm chứng sự hiện diện đầy quyền năng và yêu thương của Đức Kitô Phục Sinh, làm chứng về những hồng ân và sức mạnh tác sinh của Chúa Thánh Thần như lời chứng của Đức thượng Phụ Metropolite Ignatios Lahaquié Syrie khi nói về mầu nhiệm Chúa Thánh Thần đã có những lời thâm thúy sau: 
 
“Nếu cuộc sống vắng bóng Thánh Linh 
Thiên Chúa sẽ nghìn trùng xa cách  
Đức Kitô chỉ là một nhân vật quá khứ 
Phúc âm chỉ là mớ giấy không hồn 
Và Giáo Hội khác nào một cơ cấu phàm nhân…”
 
 
Giờ đây, để nhận lãnh dồi dào hồng ân Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy ngoan ngùy khiêm tốn liên kết với Đức Trinh nữ Maria và tha thiết cầu nguyện đợi chờ Đấng Bảo Trợ ngự đến với đầy lòng xác tín như lời kinh Ca Tiếp Liên: 
 
Những ai hằng tin tưởng, Trông cậy Chúa vững vàng 
Dám xin Ngài rộng lượng, Bảy ơn thánh tặng ban
 
 
LM. Giuse Trương Đình Hiền 
VietCatholic News (Thứ Bảy 10/05/2008 14:09)