Điều Gì Đã Xảy Ra Trong Buổi Tĩnh Tâm Cuối Tuần Tại Duquesne
Lời nói đầu: Patti Mansfield là một trong những sinh viên có mặt trong buổi tĩnh tâm cuối tuần ở đại học Duquesne vào ngày 17-19 tháng 2 năm 1967, khi họ được tràn đầy Thánh Thần và cảm nghiệm quyền năng của Ngài tuôn đổ một cách mạnh mẽ. Biến cố Thánh Thần hiện xuống này đã khai sinh phong trào Canh Tân Đặc Sủng Hoa kỳ và mau chóng lan rộng ra khắp thế giới. Dưới đây là bài tường thuật về biến cố ấy.
Người ta thường hỏi tôi nếu như tôi có mệt mỏi khi cứ phải nói về chuyện gì đã xảy ra vào buổi tĩnh tâm cuối tuần ở đại học Duquesne. Tôi không bao giờ mệt mỏi cả, bởi vì đó là câu chuyện tình yêu – câu chuyện ân sủng Chúa, và sự đáp trả kỳ diệu của Thiên Chúa cho lời cầu nguyện của một số người rất bình thường.
Sách Luca 11:9-13, Chúa Giêsu nói: "Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?"
Đây là nguyên tắc không bao giờ chấm dứt: Từ ngày Lễ Ngũ Tuần đầu tiên trở đi, Chúa Thánh Thần đã luôn ngự đến để đáp trả những lời cầu nguyện chân thành... lời nguyện đói khát thêm về Thiên Chúa... lời nguyện nài xin, tìm kiếm, và gõ cửa. Tôi đã mô tả trong sách của tôi, "Như Một Lễ Hiện Xuống Mới", là làm sao toàn bộ thế kỷ 20 này được tận hiến cho Chúa Thánh Thần một cách đặc biệt. Chân phước Elena Guerra khi bước vào thế 20 đã cầu xin Đức Thánh Cha Leo XIII mời gọi toàn thể Giáo hội cầu nguyện chân thành hơn với Chúa Thánh Thần... giống như thuở trước lời kinh nguyện ở căn phòng Ngũ tuần. Và dĩ nhiên, bạn có nhớ lời kinh cầu cùng Chúa Thánh Thần cho công đồng Vatican II: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin làm mới lại những điềm thiêng dấu lạ trong thời đại chúng con hôm nay như một lễ Hiện Xuống mới”.
Vào mùa Xuân năm 1966, hai giáo sư đại học Duquesne đang cầu nguyện nài xin, tìm kiếm và gõ cửa. Họ đã hứa với chính mình cầu nguyện mỗi ngày cho một sự tuôn đổ lớn lao hơn của Thánh Thần trong đời sống của họ dùng lời thánh ca tiếp nối của Lễ Ngũ Tuần. Vào giữa thời gian cầu nguyện này, một số bạn cho họ hai quyể sách: “Thập giá và dao găm” và “Họ nói các thứ tiếng lạ”. Cả hai cuốn sách này mô tả kinh nghiệm của phép dìm trong Thánh Thần. Các giáo sư từ đại học Duquesne nhận ra rằng Phép Dìm trong Thánh Thần chính là điều họ đang kiếm tìm.
Vào tháng 1 năm 1967, bốn người Công Giáo từ Duquesne tham dự buổi họp cầu nguyện Canh Tân Đặc Sủng đa giáo - buổi họp Chapel Hill - ở nhà của cô Flo Dodge, môt người được tràn đầy Thánh Thần của giáo hội Trưởng lão. Ngạc nhiên thay, vài tháng trước khi những người Công Giáo đến, Chúa đã hướng dẫn cô Flo đọc sách Isaia chương 58, trong đó Chúa nói Ngài sẽ làm "một điều mới lạ".
Quả thật, Chúa đang sắp làm một điều mới lạ giữa những người Công Giáo do kết quả của buổi cầu nguyện. Người từ đại học Duquesne thích thú với những gì họ đã chứng kiến ở đó. Vào ngày 20 tháng 1, hai vị giáo sư trở về. Họ nhận Phép Dìm trong Thánh Thần và bắt đầu tỏ ra có các đặc sủng. Họ trở về nhà cầu nguyện với hai người khác không có đi dự đêm hôm đó.
Vào thời gian đó, tôi là thành viên của nhóm học hỏi Thánh Kinh Chi Rho, và họp nhau ở trong khuôn viên đại học Duquesne. Hai giáo sư là người điều khiển nhóm Chi Rho, mặc dù họ không nói thẳng cho chúng tôi về kinh nghiệm ngũ tuần của họ, những người biết rõ họ nhận thấy họ tỏa rạng ra ngoài một niềm vui mới. Chúng tôi đang tính toán cho buổi tĩnh tâm vào tháng 2, và các vị giáo sư đưa ra chủ đề: “Chúa Thánh Thần”. Để chuẩn bị cho buổi tĩnh tâm, họ nói chúng tôi hãy cầu nguyện sốt sắng, đọc cuốn sách "Thập giá và dao găm", và đọc bốn chương đầu của sách Công Vụ.
Vài ngày trước buổi tĩnh tâm, tôi quỳ xuống trong phòng cầu nguyện: "Lạy Chúa, con tin là con đã lãnh nhận Thánh Thần của Chúa qua phép Rửa tội và Thêm sức. Thế nhưng, nếu có thể được xin cho Thánh Thần của Chúa hoạt động nhiều trong đời sống của con hơn từ trước đến bây giờ. Con muốn điều đó lắm!" Sự đáp trả mạnh mẽ cho lời cầu nguyện của tôi sắp sửa xảy ra.
Vào ngày 17 tháng 2, khoảng 25 người chúng tôi ra đi tới nhà tĩnh tâm có tên “Con Tàu và Chim Bồ Câu” ở ngoại ô thành phố. Khi chúng tôi tụ họp vào mỗi chương trình, các giáo sư nói với chúng tôi hát cầu nguyện lời bài thánh ca cổ xưa: Veni Creator Spiritus, “Come Creator Spirit”, Thánh Thần xin hãy đến. Vào tối thứ Sáu, có phần suy niệm về Mẹ Maria. Sau đó chúng tôi có dịp xưng tội. Trong tin mừng thánh Gioan chúng tôi đọc thấy rằng khi Chúa Thánh Thần đến, Ngài sẽ kết án thế gian về tội. Đó là những gì xảy ra giữa chúng tôi khi chúng tôi sám hối qua bí tích Hòa giải.
Vào thứ Bảy, một thành viên của nhóm cầu nguyện Chapel Hill đến nói cho chúng tôi về Tông đồ Công Vụ chương 2. Chúng tôi được biết cô là một người bạn của các giáo sư. Mặc dù lời diễn giải của cô rất đơn giản, nhưng được tràn đầy quyền năng của Thần Khí. Cô nói về sự đầu phục cho Chúa Giêsu là Chúa và là Thầy. Cô diễn tả Chúa Thánh Thần là một Người ban quyền năng cho cô hằng ngày. Cô là một người biết Chúa Giêsu cách mật thiết và riêng tư. Cô biết quyền năng của Chúa Thánh Thần như các thánh Tông đồ. Tôi biết, tôi muốn cái mà cô đang có, và tôi viết trong sổ ghi chép của tôi: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy trở nên hiện thực cho con”.
Trong khi bàn thảo sau phần nói chuyện của cô, David Mangan đưa ra đề nghị rằng chúng tôi sẽ kết thúc buổi tĩnh tâm bằng việc tái tuyên xưng phép Thêm sức, chúng tôi là người trưởng thành phải tự nói lên “thưa có” với Chúa Thánh Thần. Tôi quàng tay anh và nói: “Nếu như không có ai muốn làm điều này, riêng tôi sẵn lòng”. Rồi tôi xé một mảnh giấy và viết: “Tôi muốn một phép lạ!” và dán lên bảng thông tin.
Tối thứ Bảy, một tiệc mừng sinh nhật được dự trù tổ chức cho các thành viên của nhóm, thế nhưng có sự bơ phờ trong nhóm. Tôi lang thang lên nhà nguyện ở lầu trên... không phải để cầu nguyện mà để nói với những sinh viên ở trên đó đi xuống dự tiệc. Thế nhưng, khi tôi bước vào và quỳ trước sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể, tôi rung động với một cảm giác kính sợ trước sự uy nghi của Chúa. Tôi biết một cách tràn đầy rằng Ngài là Vua các vua, là Chúa các chúa. Tôi nghĩ thầm, tốt hơn tôi nên ra khỏi đây nhanh chóng trước khi có chuyện xảy ra cho mình. Thế nhưng bao trùm sự sợ hãi của tôi là một sự ao ước đầu phục một cách vô điều kiện cho Chúa.
Tôi cầu nguyện: “Lạy Cha, con dâng đời con cho Cha. Điều gì Cha muốn nơi con, con chấp nhận. Và ngay cả nếu như là đau khổ, con cũng chấp nhận luôn. Hãy dạy con bước theo Chúa Giêsu và yêu thương như Chúa yêu”. Và giây phút kế đến, tôi thấy mình đang sụp lạy, áp sát mặt trên nền nhà, ngập tràn cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa... một tình yêu tôi hoàn toàn không xứng đáng lãnh nhận, nhưng được ban cho thật quảng đại. Vâng, đúng như điều Thánh Phaolô viết: “tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ vào lòng chúng ta với Thánh Thần”. Đôi dầy của tôi rơi ra khỏi chân. Tôi thực sự đang ở trên đất thánh. Tôi cảm thấy như mình muốn chết đi và được ở với Chúa. Lời nguyện của thánh Agustinô ghi lại cảm nghiệm của tôi: “Ôi lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con cho chính ngài, và tâm hồn chúng con không an nghỉ cho tới khi được nghỉ ngơi trong Ngài”. Tôi muốn phơi mình nhiều có thể trước thánh nhan Chúa. Tôi biết rằng nếu tôi là người chẳng có gì đặc biệt mà còn cảm nghiệm tình yêu của Chúa trong cách này, thì mọi người trên mặt đất cũng có thể làm được như vậy.
Tôi chạy xuống nói với cha tuyên uý điều đã xảy ra, và ngài nói rằng David Mangan đã ở trong nhà chầu trước tôi, và anh cũng đã gặp gỡ được sự hiện diện của Thiên Chúa giống như tôi. Hai cô sinh viên nói với tôi rằng mặt tôi sáng lên và muốn biết điều gì đã xảy ra. Tôi không rành lắm về Thánh Kinh để biết đoạn Kinh Thánh trong thư 2 Corintô 3:18 nói về Môsê khuôn mặt sáng lên khi ông đi xuống núi. Thánh Phaolô viết: “Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí”. Tôi dẫn hai sinh viên này vào trong nhà chầu và bắt đầu cầu nguyện: “Lạy Chúa, những gì Chúa vừa làm cho con, xin hãy làm cho họ”. Đó có thể là buổi tĩnh tâm Canh tân trong Thánh Thần ngắn nhất trong lịch sử.
Trong giờ kế tiếp, Chúa lôi kéo nhiều sinh viên vào trong nhà nguyện. Một số thì cười, người khác thì khóc. Một số cầu nguyện tiếng lạ, người khác thì giống như tôi cảm thấy nóng bừng lan xuống hai cánh tay. Một giáo sư bước vào và la lên: “Đức Giám Mục sẽ nói gì khi nghe biết tất cả những đứa con này được dìm trong Chúa Thánh Thần”. Vâng, đã có một bữa tiệc sinh nhật tối hôm đó. Chúa đã dự tính điều đó ở căn phòng nhà nguyện trên lầu. Đó là sinh nhật của Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo!
Khi chúng tôi trở về đại học, chúng tôi đã tạo nên một sự dấy động. Một người bạn nói với tôi, “Patti, nếu tao không quen mày, thì tao đã nói mày say rượu rồi”. Giống như các tông đồ sau lễ Ngũ Tuần, chúng tôi không làm gì hơn ngoài nói về những điều mà chúng tôi đã thấy, và đã nghe. Chúng tôi khập khễnh bước vào các đặc sủng như lời tiên tri, biện phân thần khí, và chữa lành. Một trong những giáo sư làm chứng cho các bạn của ông ở đại học Notre Dame và Michigan những lời này: “Tôi không còn phải tin vào Lễ Ngũ Tuần nữa, vì tôi đã thấy”.
Trong 40 năm qua, ân sủng của Lễ Hiện Xuống mới này đã lan từ vài sinh viên ở đại học Duquesne đến hàng triệu triệu người Công Giáo khắp hoàn cầu. Tại sao vậy? Bời vì Thiên Chúa quyết định ban Thánh Thần xuống để canh tân bề mặt trái đất.
Lời cuối: trong phần giới thiệu cuốn sách của tôi, Như Một Lễ Hiện Xuống Mới, Đức Hồng Y Suenens đã viết: “Chúa Giêsu tiếp tục được sinh ra cách nhiệm mầu bởi Chúa Thánh Thần và Mẹ Maria", và không bao giờ nên tách ra điều Thiên Chúa đã kết hợp lại với nhau. Nếu Canh Tân Đặc Sủng chúng ta muốn rao giảng Chúa Giêsu đến với thế giới, chúng ta cần có Chúa Thánh Thần và chúng ta cần Mẹ Maria, Mẹ của Chúa. Như Mẹ Maria ở trên căn nhà Tiệc Ly trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, Mẹ vẫn ở với chúng ta mỗi khi chúng ta trở lại căn nhà Tiệc Ly. Chỉ khi nào chúng ta đón tiếp Mẹ như là một người Mẹ yêu dấu của tông đồ Gioan, thì Mẹ sẽ dạy chúng ta: làm sao để đầu phục cho thánh ý Chúa Cha, làm sao để trung thành với Chúa Giêsu trên thánh giá, làm sao để cầu nguyện với một sự khiêm nhường, tinh tuyền, và trái tim ao ước Thánh Thần hơn, làm sao để là một gia đình. Mẹ là hiền thê của Chúa Thánh Thần và Mẹ biết rõ hơn ai hết làm sao để đầu phục cho Thánh Thần. Và để vang lên lời kinh Magnificate, tôi muốn tuyên xưng rằng, “Chúa đã làm cho chúng tôi những điều kỳ diệu và danh Ngài là thánh”. Amen.
Patti Mansfield – thanhlinh.net